Đoàn Dự
THƯA QUÝ BẠN, thường thường ở đời ai cũng thích nghe chuyện thật, chẳng ai thích nghe chuyện xạo. Thế nhưng, tính tôi vốn oái oăm, tôi muốn thưa với quý bạn rằng đôi khi, có những trường hợp chuyện xạo lại tức cười hơn chuyện có thật. Đây, tôi xin kể một vài “chuyện thật” như thế này, sau đó sẽ nói tới “chuyện xạo” và cuối cùng xin dịch truyện “Tướng Quân Thịt Chó” (The “Dog-Meat” General) – một truyện ngắn rất nổi tiếng của Lâm Ngữ Đường để ngày tết ngày nhất quý vị coi chơi cho vui.
Chuyện thật
Năm 1978, giữa lúc dân chúng VN đang túng thiếu mê tơi, phải ăn bo bo, khoai lang khoai mì thì cơ quan Lương nông Quốc tế Liên Hiệp Quốc (FAO) khuyến cáo rằng Việt Nam hiện đang có tới hơn 10 triệu con chó. Họ tính ra, mỗi ngày mỗi con ăn khoảng 100 gam gạo (mỗi bữa 50 gam tức một chút xíu thôi) thì một tháng mỗi con ăn hết 3 kg và 10 triệu con ăn hết 30.000.000 kg, tức… 30.000 tấn gạo, và một năm ăn hết 360.000 tấn!
Eo ôi, khiếp, lúc ấy mỗi năm xuất cảng sang Philippines được 500.000 tấn gạo thì mừng lắm, nhà nước “kể công” ghê lắm nhưng… đổ cho chó ăn mỗi năm cỡ 2/3 con số đó trong lúc mọi người đang đói thì coi như huề cả làng!
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo rằng trong mùa viêm nhiệt, Việt Nam và các nước châu Á – nước nào dân chúng nuôi nhiều chó – thì phải hết sức đề phòng bệnh chó dại.
Về vấn đề vệ sinh, những người sống trong các ngõ hẻm có nhiều chó mới thấy chuyện này rất quan trọng. Dơ dáy không thể tưởng tượng được. Nhà càng nghèo càng nuôi nhiều chó và càng bình dân càng coi thường sự bất mãn của hàng xóm láng giềng. Mỗi buổi sáng họ thả chó ra cho chúng phóng uế tùm lum, rồi cứ để kệ đấy trông rất gớm ghiếc. Mà chó có ra hồn gì đâu, toàn những con kêu là “chó ta” hay “chó cỏ” xấu xí. Họ nuôi làm gì? Không ai hiểu được. Tôi chưa từng thấy ai nuôi chó với mục đích kinh tế, tức nuôi để bán cho các cửa hàng “nai đồng quê” làm thịt đặng kiếm lời. Chó là con vật rất khôn, có nghĩa với chủ, không thể nuôi để bán cho người ta làm thịt như con heo, con gà con vịt được. Từ khi lớn lên, có chút ít hiểu biết, không bao giờ tôi ăn thịt chó mặc dầu đôi khi vẫn viết những truyện ngắn vui vui về “dog-meat” và tự xưng mình là dân Thái Bình Thái lọ, người ta hay ăn “dog-meat”. Nhà văn Văm Quang cũng là dân Thái Bình Thái lọ gần với làng tôi, nhưng ông cho biết từ nhỏ tới lớn không bao giờ ông đụng tới “dog-meat”, bởi vì ông biết “dog” là loài rất có nghĩa, ăn thịt nó là rất tàn nhẫn.
Trên đây là những chuyện thật. Bây giờ tôi xin kể sang các chuyện không hiểu có thật hay không, thôi thì chúng ta cứ coi như… chuyện xạo cũng được.
Chuyện xạo
Như quý bạn đã biết, năm 1972, báo chí bên Mỹ đăng một chuyện về “nữ hoàng điện ảnh” Liz Taylor như thế này:
Liz là người rất cưng chó. Khi được mời sang đóng phim ở bên Hướng Cỏng (Hương Cảng, tức Hong Kong), Liz muốn đem con chó Chihuahua (cũng còn gọi là Chiwawa, gốc Mexico) bé tí xíu rất cưng của mình đi theo, nhưng các hãng máy bay không hãng nào chịu chở. Theo luật, không được đem súc vật lên máy bay. Bực mình, Liz bèn… bao nguyên một chiếc Boeing để được quyền đem con chó cưng.
Câu chuyện “có thật” do báo chí bên Mỹ kể đến đấy là hết, cho thấy sự giàu có và cưng con chó của Liz như thế nào. Nhưng khi báo chí VN đăng lại thì với đầu óc khôi hài, giàu trí tưởng tượng, người VN bèn tưởng tượng thêm như sau:
Sang tới Hong Kong, lúc rảnh, hai vợ chồng Liz Taylor- Richard Burton bèn đi ăn tiệm và tất nhiên là bế con chó Chihuahua bé nhỏ xinh xắn đi theo. Liz để con Chihuahua lên bàn, ra hiệu cho người phổ ky biết là nó đói rồi, đem nó xuống bếp cho nó ăn uống, chăm sóc nó cẩn thận sẽ được thưởng tiền. Người phổ ky trước còn ngạc nhiên, trố mắt nhìn, sau đó chợt hiểu, bèn cười, gật đầu lia lịa: “Hẩu lớ! Hẩu lớ!” và đem con chó xuống bếp.
Nhà hàng bưng những món ngon nhất đã được gọi lên cho hai vị đại minh tinh đã từng đóng trong phim Cleopatre (Liz đóng vai nữ hoàng Ai Cập Cleopatre, Richard Burton đóng vai danh tướng La Mã Marc Anthony) nổi tiếng mà ai cũng biết. Ăn xong, Liz rất nóng ruột vì chờ mãi không thấy chú phổ ky đem con cưng lên. Hỏi thì chú ta chỉ giơ tay và nhe răng cười: “Hẩu lớ! Hẩu lớ! Liểu lớ! Liểu lớ!…” (Được, được, xong ngay, xong ngay!”. Một lát sau quả là “xong ngay” thật. Chú ta bưng lên một chiếc thố Giang Tây sang trọng, hãnh diện đặt lên bàn trước mặt hai vị khách quý. Liz ngạc nhiên mở nắp thố ra coi rồi bỗng kêu thét lên: con chó cưng Chihuahua đã được “làm” tinh tươm, hầm thuốc Bắc, “ngồi” nguyên con trong thố hết sức sạch sẽ, ngon lành. Liz lăn đùng ra ngất xỉu.
Sau khi được cứu tỉnh dậy, Liz Taylor khóc hết nước mắt, ngay lập tức cùng chồng trở về Mỹ, thề sẽ không bao giờ bước chân sang Hồng Kông nữa.
Liz sinh năm 1932, mất năm 1981, hưởng thọ 79 tuổi, từ đó cho tới lúc chết đúng là không bao giờ bà sang Hong Kong nữa thật.
Đấy, quý bạn thấy, việc bất đồng ngôn ngữ tai hại như thế đấy. Bây giờ tôi xin kể chuyện “xạo” thứ hai.
Hồi đó có một nhà văn Mỹ sang chơi bên Việt Nam. Ông ta ở lại VN mấy tuần lễ với ý định nghiên cứu phong tục tập quán của người VN. Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh, ông ta đã từng tham chiến tại VN nên rất được các người bạn VN tiếp đãi nồng hậu, dẫn đi nhiều nơi thăm lại chiến trường xưa, ông ta thích lắm.
Hôm nhà văn này sắp về Mỹ, các bạn bàn nhau mình phải tặng hắn một món quà gì đó thật đặc biệt để làm kỷ niệm chứ nhỉ? Có người đề nghị tặng tranh sơn mài vẽ hình cô gái VN thật đẹp tay cầm nón lá đứng bên bờ sông. “Cũng được nhưng sang bên Mỹ, khí hậu thay đổi, về mùa đông trời có tuyết, tranh sơn mài chịu không nổi, sơn bong ra rất dễ bị hư”. “Hay mình tặng hắn một cặp bình đựng rượu bằng trái bầu khô? Tôi nghe nói bên Mỹ họ có phong trào chơi bình đựng rượu bằng trái bầu khô lên nước bóng loáng, hình vẽ thuộc loại nghệ thuất rất có giá trị. Bên này mình đặt mua chỉ khoảng bảy tám chục hoặc một trăm đô la là cùng, sang bên ấy giá có khi tới năm sáu trăm đô, họ chưng trong phòng khách giống như ta chưng lọ độc bình, quý lắm”. Mỗi người một phách, bàn ra tán vào. Cuối cùng, một anh ba trợn giàu óc khôi hài bỗng đưa ý kiến: “Theo tôi nghĩ, cứ chở hắn xuống Ngã ba Ông Tạ chỗ đường Phạm Văn Hai, ngày trước kêu là đường Thoại Ngọc Hầu, mời hắn đánh chén một bữa “thịt cầy” thật siêu đẳng là number one. Hắn là nhà văn, chắc chắn đã biết Lâm Ngữ Đường có truyện Tướng Quân Thịt Chó; Thi Nại Am có truyện Thủy Hử, trong đó có anh chàng Lỗ Trí Thâm, mỗi lần đánh chén thịt cho là gặm cả nửa con; rồi trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung cũng có mấy lão sư hổ mang chuyên uống ngầm rượu với thịt cầy… Bên Mỹ họ không xơi thịt cầy. Phải cho thằng cha đó biết người Việt Nam nấu thịt cầy “siêu đẳng” hơn người Đại Hàn với người Trung Quốc nhiều. Mời hắn đánh chén “dog-meat”, bảo đảm hắn sẽ coi đó là một kỷ niệm suốt đời không quên”.
Mọi người cười um lên. Không ngờ ý kiến của anh chàng ba trợn lại được các bạn ủng hộ, và họ đồng ý tặng ông bạn Mỹ một bức tranh lụa thật đẹp, đồng thời mời ông ta đi đánh chén một bữa dog-meat “số 1 Việt Nam” tại khu Ông Tạ.
Trong lúc đánh chén, ông bạn Mỹ cứ luôn miệng khen và hỏi thịt gì sao mà ngon thế. Mọi người chỉ cười giữ bí mật: “Thịt đặc biệt, chỉ người Việt Nam nấu mới ngon chứ người Hàn Quốc với người Trung Quốc nấu không ngon, vì họ không có… mắm tôm!”. “Mam tom la gi?”. “Là loại đặc sản chỉ người Việt Nam mới có, cả thế giới này không có”. “Toi hiêu rôi, toi hiêu rôi. Mam tom la mot đac san. Viet Nam cua cac ban sô môt vi có mam tom!”. “Đúng, đúng, rất đúng!”.
Thịt chó nhậu với rượu đậu nành Mỹ Tho thì nhất, mọi người say mèm. Lúc về, ngồi trên xe, anh bạn Mỹ lại hỏi nữa. Bất đắc dĩ người đứng đầu, tức nhà văn Vũ Mai A…, tác giả cuốn “Người em gái bên kia vĩ tuyến” xuất bản tại Sài Gòn hồi mới di cư năm 1958 rất nổi tiếng, lớn tuổi nhất trong bọn nên phải trả lời “Thịt chó đấy!”. Ôi cha, ông nhà văn Mỹ ngớ người ra một lúc lâu rôi bỗng ôm mặt khóc hu hu. Thôi chết, hắn là người Mỹ, bên Mỹ trẻ con là nhất, phụ nữ thứ nhì, con “pet” thứ ba. Chó là con “pet”, không bao giờ họ ăn thịt cả. Bây giờ mời hắn ăn thịt “pet”, hắn sợ quá nên mới khóc như vậy. Mọi người xúm vào khuyên giải và hết lời xin lỗi, ông bạn Mỹ vẫn khóc lóc rất thảm thiết. Một lúc sau ông ta mới nức nở:
– Hu hu…Tôi vẫn nghe nói bên Việt Nam các bạn có món thịt cầy ngon lắm. Tôi ở đây chơi với các bạn suốt mấy tuần nay, đi khắp các nơi, ăn uống đủ thứ, ngày mai tôi về Mỹ rồi, tại sao mãi đến hôm nay các bạn mới mời tôi đi ăn thịt chó? Về bên Mỹ rồi, làm sao tôi có thịt chó mà ăn nữa? Tôi tủi thân quá nên mới khóc như vậy. Hu hu…
Thưa quý bạn, câu chuyện trên đây quý bạn có thể tin được hay không tùy -quý bạn. Nhưng dù tin hay không, xin quý bạn đừng tiết lộ với ông Văn Quang kẻo ổng lại bảo là tôi nói dóc.
“Tướng quân thịt chó” của Lâm Ngữ Đường
(Nguyên tác tiếng Anh The Dog-Meat General, Đoàn Dự dịch)
Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang) sinh năm 1895 tại Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, mất năm 1976 tại Hương Cảng, thọ 81 tuổi. Năm 16 tuổi, Lâm Ngữ Đường học giỏi, được học bổng du học tại Mỹ nhưng lại đậu tiến sĩ văn chương tại Đức.
Khi Lâm Ngữ Đường còn nhỏ, Trung Quốc nằm dưới quyền cai trị khắc nghiệt của triều đình nhà Thanh.
Nhà Thanh cai trị đất nước Trung Quốc gần 300 năm (1636-1911) với 13 đời vua (gọi là Thanh cung 13 triều). Đến năm 1911, dưới sữ lãnh đạo của bác sĩ Tôn Dật Tiên, cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 nổ ra và thành công, lật đổ triều đình nhà Thanh, thành lập Trung Hoa Dân quốc. Đây là thời kỳ rối ren nhất vì BS Tôn Dật Tiên là người theo Thiên chúa giáo, trong khi đó dân chúng Trung Quốc đa số theo Phật giáo, Khổng giáo hoặc Lão giáo, nên ông phải nhường cho Viên Thế Khải làm Đại tổng thống. Với quyền hành tổng thống, Viên Thế Khải tuyên bố thay đổi chế độ, lên làm hoàng đế. Bị dân chúng phản đối, đả đảo, Viên Thế Khải buồn bực rồi chết. TQ lúc ấy gần như loạn lạc, các “tướng quân” mạnh ai nấy tự phong chức cho mình và cai trị các lãnh địa theo ý riêng. Trong đó có tướng quân Trương Huân vốn là một tên cướp theo kiểu “anh hùng” Lương Sơn Bạc. Huân xua quân chiếm Nam Kinh, cướp bóc và tàn sát dân chúng Nam Kinh khủng khiếp, sau đó bị ám sát chết.
Truyện Tướng Quân Thịt chó của Lâm Ngữ Đường mô tả bản chất của Trương Huân, vị “nguyên soái” tiêu biểu cho một số sứ quân vô học thời Trung Hoa Dân Quốc sau Cách mạng Tân Hợi 1911. Mãi đến khi Tôn Dật Tiên lên làm tổng thống tình hình mới tạm yên. Nhưng ông mất sớm (năm 1925), quyền hành về tay Tưởng Giới Thạch là người anh em cột chèo với ông.
Tưởng Giới Thạch lập ra Quốc dân đảng, đi theo đường lối của Tôn Trung Sơn (hay Tôn Dật Tiên, tên thật là Tôn Văn, anh cột chèo của họ Tưởng). Trong khi đó Mao Trạch Đông được Nga Xô hỗ trợ, theo chủ thuyết Cộng sản, hai bên đánh nhau.
Năm 1949, Tưởng Giới Thạch thua phải rút ra đảo Đài Loan (tên cũ là Formose, tên mới là Taiwan), còn Mao Trạch Đông thì thiết lập chế độ Cộng sản cho đến ngày nay. Trong Tướng Quân Thịt Chó của Lâm Ngữ Đường, nguyên tác viết bằng tiếng Anh, xuất bản tại Mỹ và Hồng Kông trong thời gian đó, tên Trương Huân đổi thành Trương Tùng Chương…
Bây giờ mời quý vị vào chuyện:
“Vậy là tướng quân Trương Tùng Chương, vị “tướng quân Thịt Chó”, đã bị ám sát chết – theo tin tức thông báo sáng hôm nay cho biết. Tôi lấy làm buồn cho ngài. Tôi lấy làm buồn cho mẫu thân ngài. Tôi lấy làm buồn cho mười sáu cô vợ trẻ măng xinh đẹp ngài để lại trên cõi đời này, và lấy làm buồn cho bốn lần nhân với mười sáu cô vợ bé khác đã chia tay ngài trước khi ngài chết.
Ôi, vậy là “tướng quân Thịt Chó” của chúng ta đã chết thật rồi. Đó là một biến cố vô cùng trọng đại, một sự kiện bất ngờ đầy huyền thoại riêng đối với tôi, đối với dân tộc Trung Hoa, nhất là đối với dân chúng khốn khổ tội nghiệp của chúng ta, những người không có dịp mang giầy ống và lưỡi lê!
Một cái chết lớn lao như vậy không phải là chuyện thông thường xảy ra hàng ngày. Bởi vì, nếu nó thông thường và xảy ra hàng ngày thì các nỗi buồn của người dân Trung Hoa đã chấm dứt từ lâu rồi còn gì. Và khi ấy, các bạn hãy xé quách các tờ giấy bạc 5 nguyên đi (vì tờ giấy bạc này có hình Bác sĩ Tôn Dật Tiên) và khóc um lên cho di chúc của Bác sĩ họ Tôn; hãy thải hồi tuốt luốt các vị thành viên trăm lần kỳ cục trong cái gọi là Ủy Ban Hành pháp Trung ương của Quốc Dân Đảng – không cần tới họ nữa – đồng thời đóng cửa hết ráo các trường trung học và các Viện Đại học trên toàn cõi Trung Hoa. Khi ấy bạn sẽ không còn phải nhức đầu về các danh từ Cộng Sản, Dân Chủ, Phát Xít…, hoặc về các vấn đề phổ thông đầu phiếu, giải phóng phụ nữ, vân vân và vân vân… Những người dân nghèo chúng ta sẽ lại được có miếng cơm manh áo, được sống an cư lạc nghiệp.
Đã hơn một lần đất nước Trung Hoa đầy màu sắc, đầy huyền thoại, đầy tính chất trung cổ bị nhấn chìm trong màn đêm đen tối. Do đó, cái chết của Tướng Quân Thịt Chó đối với tôi là sự kiện đặc biệt nhất, bởi vì, trong số những người có quyền bính trong tay, ngài là người nhiều màu sắc nhất, nhiều huyền thoại nhất và “trung cổ” nhất vì ngài không hề biết đến sự hổ thẹn!
Ngài sinh ra là để cai trị đúng như đất nước Trung Hoa mong muốn. Ngài cao một thước tám mươi ba, khổng lồ như một cây tháp vĩ đại với cặp mắt lé và đôi bàn tay to như tay hộ pháp. Ngài trực tính, năng nổ, mạnh mẽ, lại có năng khiếu tự nhiên với trí óc thông minh thuộc loại vừa phải. Ngài chống Cộng sản và chống luôn cả Quốc dân đảng. Tuy nhiên, tất cả những kẻ chỉ trích ngài đều phải công nhận rằng ngài chống Quốc dân đảng không phải do ý thức hệ nào hết mà do một sự xảy ra tình cờ: Quốc dân đảng muốn chiếm lãnh địa của ngài; nên, vốn là con người chân thật, ngài bèn chống họ. Nếu Quốc dân đảng trả lại tỉnh Sơn Đông cho ngài cai trị tiếp, ngài sẽ liên kết với họ ngay lập tức.
Tửu lượng của ngài rất cao. Đặc biệt, ngài rất mê món thịt chó. Ngài chẳng coi trọng ai cả, có thể chửi bất cứ người trên kẻ dưới nào mà ngài muốn chửi và chửi bao nhiêu cũng được, tùy hứng. Ngài cóc cần làm ra vẻ ta đây là một Gien-tờ-lơ-men (gentleman) mà cũng chẳng khoái món điện tín, điện thoại; cứ việc cho chúng được phép nghỉ suốt!
Ngài chân thật một cách vũ phu, thô bạo. Bởi sự chân thật đó, ngài được các cấp dưới yêu quý, bợ đỡ. Khi thích một người đàn bà nào, ngài nói thẳng; và ngài sẵn sàng tiếp chuyện các vị tổng lãnh sự nước ngoài trong khi trên đùi đang có một cô gái ngồi nỉ non, ỏn ẻn. Ngài mê ăn nhậu và cóc thèm giấu diếm ý thích đó trước mặt các bạn bè hoặc ngay với kẻ thù. Nếu thèm khát vợ một nhân viên thuộc cấp, ngài bảo thẳng với anh ta mà không hề có chút áy náy trong lương tâm, và cũng chẳng cần làm bản “tự kiểm điểm” về sự ân hận – (nguyên ngữ: psalm of repentance) – giống như vua David ngày trước đã làm. Ngài sẽ phong ngay cho anh ta chức cảnh sát trưởng của tỉnh Tế Nam.
Ngài chăm sóc đời sống đạo đức của dân chúng bằng cách ra lệnh cấm ngặt các nữ sinh không được vào chơi trong các công viên thuộc tỉnh Tế Nam, kẻo sợ những tên đàn ông “khỉ đột” nấp lánh đâu đó trong các xó xỉnh xông ra ăn tươi nuốt sống họ.
Ngay chính bản thân ngài cũng rất đạo đức, ngài có các “khuê phòng” để tàng trữ các cô vợ nhỏ giống như khuê phòng (harem) của các nhà quý tộc Ả Rập đạo Hồi thuở nào. Ngài khoái cả tục đa phu lần tục đa thê. Ngài sẵn sàng lờ đi, cho phép các cô vợ nhỏ “liên hệ tình cảm” với những người đàn ông khác nếu lúc ấy ngài chưa cần dùng tới các cô đó.
Ngài kính trọng Khổng Tử và ngài là một nhà ái quốc. Ngài bị báo cáo rằng trong lúc công du thường có tinh thần khoa học thái quá, luôn luôn tìm kiếm khảo sát những con rệp Nhật tại Beppu. Đồng thời, ngài không biết mệt khi nói chuyện với dân chúng về hệ quả tối ưu của nền văn minh Trung Hoa. Ngài rất mê tên đao phủ của ngài nhưng lại rất có hiếu với mẹ.
Có rất nhiều huyền thoại được kể về tính chất thành thật của vị Tướng Quân Thịt Chó. Ngài yêu cô gái điếm hạng sang gốc Nga. Cô gái điếm Nga này lại yêu một con chó lông xù. Vậy là ngài bèn ra lệnh cho một binh đoàn dưới quyền ngài làm một cuộc duyệt binh lớn lao trước mặt con chó lông xù để chứng tỏ rằng ngài yêu con chó lông xù còn hơn chính cô gái điếm đó yêu nó.
Một lần, ngài chỉ định người làm chánh án tại tỉnh Sơn Đông. Mấy hôm sau, ngài quên, lại chỉ định một người khác về cùng nhiệm sở. Hai ông chánh án đâm ra cãi nhau, chẳng ông nào chịu nhường ông nào. Lúc ấy Tướng quân đang mắc nhậu, ngài bảo: “Vào đi” mặc dầu đang bận “công tác”.
Hai vị chánh án giải thích nỗi khó khăn của họ vì cùng được ngài chỉ định về một nhiệm sở.
– “Đồ ngu!”, ngài hét lên: “Có bấy nhiêu mà tụi bay không biết bảo nhau, phải lên đây làm phiền ta sao? Thôi, cút!”. Vậy là xong, ngài lại nhậu tiếp.
Giống như các bậc anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử, ngài rất thành thật. Ngài không bao giờ quên ơn những người đã từng có dịp giúp mình. Túi ngài luôn luôn đầy ắp tiền. Hễ những người đã từng có ơn với ngài cần tới, ngài rút ra từng xấp và đưa hết ráo không cần coi lại. Ngài vung vít những tờ giấy bạc tương đương với các tờ một trăm đô la giống như nhà tỉ phú Mỹ Rockefeller tiêu xài những đồng một xu.
Bởi ngài rộng rãi và tốt bụng như thế nên thường bị các kẻ thù kể cả bạn bè ghen tị.
Sáng nay, tới nơi làm việc, tôi thông báo với các bạn đồng nghiệp tin buồn Tướng quân Thịt Chó đã chết. Nhiều người mỉm cười. Như vậy chắc chắn mọi người đều có cảm tình với ngài, chẳng ai ghét ngài. Không ai có thể ghét ngài.
Đất nước Trung Hoa đã được cai trị bởi những con người như tướng quân: thành thật, rộng rãi, trung tín, cầm quyền một cách tài năng đúng như đất nước Trung Hoa hiện đại của chúng ta mong muốn. Và, ngài là người đứng đầu trong số những người tài năng đó”.
Đoàn Dự