ĐOÀN DỰ ghi chép
I. Chàng rể lười
Kính thưa quý vị độc giả và chuyên gia tâm lý,
Tôi là một giáo viên tiểu học ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chồng mất sớm, một mình tôi xoay sở nuôi đứa con gái duy nhất khôn lớn. Đến khi nó học xong lớp 12 (cấp 3), tôi chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì lại phải vội vàng lo chuyện cưới xin cho nó, bởi vì khi ấy con đã mang thai gần 4 tháng. Họ hàng bên nội trách tôi vô tâm, sống cùng con mà khi bụng nó lùm lùm rồi mới biết, nhà thì có một đứa con gái sao lại gả cho người quê ở xa tít, chả biết hoàn cảnh của họ thế nào.
Gia đình vốn thiếu vắng đàn ông nên lúc nào cũng trống trải chông chênh, nhất là khi cần lo những chuyện lớn. Biết mình có lỗi nhưng nếu tôi có kiểm soát gắt gao hay phát hiện sớm thì cũng chẳng thể ngăn được chuyện con cái “vượt rào”. Và khi nó đã lỡ dại thì đành chấp nhận cho con có chồng, cho cháu sắp sinh có cha chứ thời gian đâu mà tìm hiểu. Nhỡ thằng kia thấy nhiêu khê, phức tạp, rồi bó rơi con gái mình thì có phải khổ hơn không. Con rể quê xa, lại làm trong thành phố nên tôi khuyên con về ở cùng. Cũng may cháu đồng ý, tôi lấy lám mừng vì vẫn được gần gũi con gái.
Chồng tôi mất khi con gái mới học lớp 7. Cháu bị áp lực tâm lý nên tính tình trở nên ngang bướng, khó bảo. Tôi thương cháu nên đôi khi cũng chiều chuộng quá mức. Lúc biết cháu hư, tôi có cứng rắn hơn và nhờ các thầy cô giáo trong trường bảo ban giúp nhưng hình như cũng không mấy cải thiện. Không biết bao nhiêu lan tôi rơi nước mắt vì con, khổ sở lắm nó mới tốt nghiệp được cấp ba.
Vì là giáo viên nên tôi cũng có mối quan hệ trong ngành. Tôi thuyết phục con nên theo hệ giáo viên mầm non trong trường trung cấp sư phạm gần nhà. Dỗ dành mãi cuối cùng con cũng chịu. Học được khoảng 1 năm thì cháu quen con rể lúc ấy đang lái xe chuyên đi phân phối hàng cho các cửa hiệu bách hóa. Cả hai gặp gỡ được đâu nửa năm thì cháu có bầu 4 tháng rồi mới dắt díu nhau về trình diện mẹ. Quả thật tôi không phát hiện ra con mang thai vì nó có tạng người gầy gò lại chẳng ốm nghén gì cả. Việc đã rồi tôi đành đồng ý cho bọn trẻ lấy nhau.
Nghĩ đến đám cưới của con mà tủi thân. Gia đình nhà trai chỉ có dăm ba người, lễ vật sơ sài, chỉ có bố chồng đại diện chứ mẹ chồng say xe không đi đường xa được. Họ viện cớ đám cưới tổ chức bất ngờ nên không chuẩn bị được chu đáo, anh em họ hàng ở xa không sắp xếp được thời gian đến chung vui.
Bên nhà trai kinh tế cũng khó khăn, lại đông con nên khi tôi đề nghị cho con trai họ ở rể thì họ đồng ý ngay. Con rể cũng vô tư, cưới xong là dọn liền đồ đạc ở phòng trọ về nhà vợ ở.
Sau đám cưới, tôi khuyên con gái nên học cách quản lý kinh tế cúa hai vợ chồng. Mỗi tháng hai vợ chồng phải góp 2 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt. Mấy tháng đầu, con rể đều đặn đưa tiền cho tôi vào mỗi đầu tháng. Nhưng dần dần khất nợ, rồi im bặt luôn.
Hồi đầu mới sống chung, con rể khá chăm chỉ, khi không đi làm thì dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, có hôm còn xung phong vào bếp nấu nướng. Được ít bữa, anh chàng lộ dần bản tính lười làm, ham chơi. Đi làm về chỉ có ngủ. Ăn rồi lại dậy chơi game. Con gái tôi phàn nàn, cáu gắt với chồng suốt ngày, có hôm hai vợ chồng cãi nhau giữa đêm khuya, con rể vùng vằng bỏ ra ngoài (tôi đoán chắc lại ra quán game đầu ngõ) đến tận sáng hôm sau mới về.
Ở chung dưới một mái nhà, tuy chứng kiến các con cãi cọ nhau nhiều lần nhưng vì là mẹ vợ nên tôi chưa dám can thiệp. Tôi chỉ bảo con gái là lấy nhau rồi thì nhẹ nhàng khuyên bảo chồng tu chí làm ăn còn lo cho vợ cho con, mình làm căng quá thì mình chỉ thiệt và con mình thiệt. Con gái nghe chỉ vâng dạ nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Vợ chồng nó vẫn cãi nhau vì chồng lười biếng, lúc nào túi cũng như có ai móc trộm vì chẳng có đồng nào. Con gái cần tiền đóng học phí lớp sư phạm mầm non, cần tiền mua sữa tẩm bổ, lại nhì nhèo xin mẹ. Chưa hết, có lúc con rể cũng ngửa tay xin mẹ vợ. Hôm thì: “Mẹ cho con mấy chục đi uống cà phê”, hôm thì: “Vợ con thèm chim bồ câu tần thuốc Bắc, mẹ cho con vay 100 ngàn con mua rồi sẽ gửi lại mẹ”, lúc lại: “Con thiếu tiền đi mừng đám cưới, mẹ cho con vay thêm 100 ngàn cho đủ 200”. Tôi cứ như nuôi một đứa con mới lớn trong nhà. Con rể gần 30 tuổi đầu rồi mà tôi thấy nó cứ lông bông, vô lo, vô nghĩ.
Bực nhất là hôm con gái đi đẻ, gọi điện thoại ngược xuôi chỉ thấy thuê bao của con rể tắt máy. Thì ra cậu ta “cày” game xuyên đêm đến mức ngủ quên trong quán. Tôi một mình tay xách nách mang, gọi xe đưa con gái vào bảo sanh viện. Vào đến nơi, con thì đau bụng khóc lóc cứ ôm lấy mẹ, bác sĩ thì liên tục giục người nhà ra làm giấy tờ nộp viện phí, một mình tôi xoay như chong chóng trong khi con rể đang ngon giấc trong quán game. Mãi tới khi con gái sanh xong mới thấy con rể hớt hơ hớt hải chạy vào.
Bây giờ, dù đã có con nhỏ nhưng con rể vẫn vô tâm vô tính và lười biếng như thế. Một mình tôi với đồng lương giáo viên cấp 1 sao có thể đủ lo cho bốn con người?
Chung sống một thời gian, tôi nhận ra, con rể to xác chứ đầu óc chẳng khác gì một đứa trẻ ham chơi. Đi về tới cửa đã gọi um sùm: “Có cơm chưa mẹ? Con đói quá!”, vào quất một bụng rồi lăn quay ra ngu. Tệ hại hơn nữa, con rể lợi dụng lúc vợ nằm bảo sanh viện, lén lấy số tiền đám cưới đi mua thẻ cào chơi game. Có mắng thì nó cũng trơ ra như đá, đến bữa lại mò về ăn cơm rồi ngù. Thương con, tôi không nỡ bắt hai vợ chồng nó ở riêng khi con gái chua học xong sư phạm mầm non và cháu ngoại còn thơ dại.
Nhưng nếu cứ tiếp tục cáng đáng thế này, tôi sợ mình không chịu đựng nổi vì sức người có hạn. Kính mong quý vị độc giả và chuyên gia tâm lý cho tôi lời khuyên để gỡ rối trong hoàn cảnh này.
Đỗ Phương Nga
(Đà Lạt, Lâm Đổng)
Ý kiến của chuyên gia tâm lý báo NGL:
Chị Phương Nga thân mến,
Đọc những dòng tâm sự của chị, quả thực tôi thấy thật lo ngại. Cái cảnh vợ chồng “trẻ con” của con gái chị nếu không có biện pháp điều chỉnh thì rất dễ dẫn đến đổ vỡ. Bởi ngay từ đầu, việc con gái chị kết hôn cũng chỉ vì để hợp thức hóa cái thai đang ngày một lớn. Cháu còn trẻ, thiếu kinh nghiệm sống và dường như chưa sẵn sàng cho việc làm vợ, làm mẹ, do đó khi đối mặt với những khó khăn của cuộc sống gia đình sẽ dễ rơi vào khủng hoảng, rồi chán nản, buông xuôi. May mắn là cháu vẫn sống cùng với mẹ đẻ nên mọi việc có chị đỡ đần, chí bảo.
Chàng rể của chị còn đáng lo ngại hơn. Một người đàn ông đã gần 30 tuổi đầu, lẽ ra phải là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa cho người vợ vừa mới qua tuổi đôi mươi, ấy vậy mà anh ta vẫn hồn nhiên như đứa trẻ mới lớn. Đặc biệt, chuyện ham mê, thậm chí có dấu hiệu nghiện chơi điện tử, cho thấy tình hình rất đáng báo động. Nếu tiếp tục sa đà vào game, mâu thuẫn ngày càng căng thẳng hơn, hạnh phúc gia đình có nguy cơ bị đe dọa.
Người mẹ nào cũng thương con, mong muốn đỡ đần, chăm lo cho con mình tốt nhất. Hiện nay có thể thấy rằng với đồng lương giáo viên hạn hẹp, chị cáng đáng cho cả bốn con người. Những điều “trái tai, gai mắt” của con gái và con rể khiến cuộc sống của chị thực không dễ dàng. Vậy chị phải làm gì để thoát khỏi tình cảnh bế tắc hiện nay?
Theo tôi nghĩ, chị cần họp bàn với các con, chấn chỉnh nề nếp sinh hoạt trong gia đình. Theo những gì chị kể, mặc dù con gái chị tính nết khá ương bướng nhưng vẫn biết thương và nghe lời mẹ. Chàng rể to xác, ham chơi song có vẻ khá thuần. Nếu cảm nhận của tôi là đúng thì việc lập lại trật tự gia đình của chị hẳn không quá khó khăn.
Vậy trật tự mới nên như thế nào? Chị cần xác định với các con ý thức về gia đình nhỏ của họ. Vợ có trách nhiệm với chồng, chồng có trách nhiệm với vợ, bố mẹ có trách nhiệm với con cái. Chị cần dừng sự hỗ trợ về tài chính với con mình, cũng như giảm dần những lo toan dành cho các con. Chị chỉ hỗ trợ những khi thật cần thiết. Điều này nhằm giúp các con chị không còn tâm lý dựa dẫm vào mẹ. Bởi có thể lâu nay sự chăm sóc của chị quá chu đáo khiên con gái và con rê nảy sinh tâm lý quen hưởng thụ mà mất dần ý thức trách nhiệm cần có. Hãy cho các con chị biết nếu muốn ăn cơm thì phải học cách vào bếp để tự nấu nướng. Khi đã có con thì phải học cách làm cha, làm mẹ. Chị cũng cần để các con hiểu trách nhiệm đóng góp với mẹ trong các chi phí sinh hoạt gia đình là bắt buộc. Thu nhập của chị có giới hạn nên đương nhiên không thể cáng đáng mọi chi tiêu trong gia đình.
Nếu không thoải mái, các con có thể lựa chọn cách ăn riêng cho tự lập. Khi mọi sự dựa dẫm, ỷ lại không còn có cơ hội, các con chị sẽ phải tự xoay sở chăm lo cho cuộc sống của mình. Tất nhiên, để mọi việc không căng thẳng, chị hãy nhẹ nhàng tìm thời điểm thích hợp để tâm sự với con gái và con rể, tránh để các con có cảm giác bị mẹ quay lưng, ruồng bỏ.
Tôi cũng đề nghị khi có điều kiện, chị nên dành thời gian đi thăm thú bạn bè, đi du lịch cùng cơ quan… Chị cần có cuộc sống của chị. Đừng để cả cuộc đời của mình chỉ xoay quanh những đứa con, lo lắng, mệt mỏi vì chúng quá nhiều và rồi chúng chẳng thể nào lớn được. Không ít cha mẹ cho rằng bao bọc con cái là cách bộc lộ tình yêu thương của mình. Theo tôi, đó là quan niệm sai lầm. Cách đúng đắn nhất là hãy giúp con mình tự lập. Con chim non rồi cũng có lúc phải tự bay nếu muốn tồn tại trong cuộc sống, dù ban đầu nó có thể chấp chới, chập choạng. Là một nhà giáo, tôi tin chị hiểu hơn ai hết về điều này. Vậy chị hãy tiếp tục bao dung, yêu thương nhưng đồng thời cũng cần nghiêm khắc hơn nữa để giúp con mình tự lớn.
Chuyên gia tâm lý: Phong Điệp
II. Chuyện ở Cần Thơ: cặp vợ chồng trẻ, chồng là gái, vợ là trai
Ngày 26-11-2017 vừa qua, ở Cần Thơ có một đám cưới lạ lùng. Cô dâu xinh đẹp Minh Anh vốn sinh ra là một cậu con trai tên Phan Khắc Nguyên, người Cần Thơ. Trong khi đó chú rể Minh Khang trước đây là một cô gái tên Lê Kiều Trang, người huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Cho dù có sự kỳ lạ ấy, người ta vẫn thấy hạnh phúc ngời lên trong ánh mắt cô dâu chú rể và niềm vui không thể giấu nổi của các bậc phụ huynh.
Hơn hai mươi ngày làm vợ, cô dâu Minh Anh (cậu trai Phan Khắc Nguyên) đã quen với việc dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị đồ ăn, quần áo cho “chồng” đi làm. Tiễn “chồng” (tức Lê Kiều Trang) ra cửa, Minh Anh (nam chuyển giới) cũng sửa soạn cắp sách tới trường. Năm nay “cô” (Khắc Nguyên) 18 tuổi, vẫn còn đang học cấp 3. Chồng cô (Kiều Trang) 21 tuổi, là một thợ kim hoàn, nhưng từ sau đám cưới đã chuyển từ Đồng Tháp sang Cần Thơ quê vợ để sống và mở một quán trà sữa.
Minh Anh (Khắc Nguyên, bên trái) sinh ra là con trai, nhưng trời sinh ra khao khát sống như con gái. Minh Khang (Kiều Trang, bên phải) sinh ra là con gái nhưng trời sinh ra khao khát sống như con trai. Hiện tại họ chưa giải phẫu chuyển giới thực thụ mà chỉ mới nhờ chuyên gia chích hormone thay đổi “ngoại hình”.

Đầu năm ngoái (2017), Minh Anh (Khắc Nguyên) lên Sài Gòn tham gia cuộc thi dành cho người chuyển giới nam thành nữ. Ở vòng chung kết, “cô” được xướng tên đoạt giải Miss Phong cách. Cũng hôm đó, lần đầu tiên cô gặp Minh Khang (Kiều Trang), người nữ chuyển giới thành nam, ở Đồng Tháp cũng lên Sài Gòn tham dự cuộc thi.
Ngay từ lúc nhìn thấy Minh Anh (Khắc Nguyên, chuyển giới thành nữ) trên sân khấu, Minh Khang (Kiều Trang, chuyển giới thành nam) có ấn tượng sâu đậm với vóc dáng mảnh mai và gương mặt nhỏ nhắn của “nàng”. Đến lúc được gặp mặt, chuyện trò, nụ cười có chiếc răng khểnh của “cô gái” (Khắc Nguyên) khiến “chàng trai” (Kiều Trang) thấy trái tim mình hồi hộp.
“Cô” Minh Anh (Khắc Nguyên) còn nhớ hôm đó “chàng” Minh Khang (Kiều Trang) bảnh bao với mái tóc mới hớt, gương mặt bảnh trai, lông mày rậm và nụ cười duyên dáng. “Anh ấy đặc biệt nói chuyện rất lịch sự”, Minh Anh kể.
Vài ngày đầu, họ chỉ tìm hiểu nhau như bạn bè bình thường trong cộng đồng LGBT (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Đồng tính luyến ái nữ, Đồng tính luyến ái nam, Song tính luyến ái – tức người luyến ái với cả phái nam lẫn phái nư – và Người đã chuyển giới) .
Dần dần, qua những cuộc chuyện trò thân mật, họ hiểu nhau hơn bởi vì cả hai đều sinh ra với giới tính không mong muốn. Minh Khang (Kiều Trang) kể, Trang hiểu rõ cảm giác của Minh Anh khi còn là một cậu con trai, đơn độc ở trong sân trường, thân là nam nhưng tâm hồn lại là nữ nên không thích những trò chơi mạnh bạo của phái nam, thường bị các bạn nam chọc là “con gái” và bắt nạt. Chính Kiều Trang ngày ấy thân hình là nữ mà tâm hồn lại là nam nên ghét cay ghét đắng các trò chơi nhảy lò cò hay nhảy dây như như các bạn nữ khác và thường bị họ “oa oa xịt”, không thèm chơi với.
Minh Khang kể: “Các bạn nữ nhận thấy tôi là gái mà tính nết con trai nên có kỳ thị nhưng chắc không đến nỗi bị cô lập như Minh Anh. Có những đêm hai đứa gọi điện thoại cho nhau, Minh Anh (Khắc Nguyên đã chuyển giới thành nữ) kể về những ám ảnh hồi nhỏ đi học rồi khóc và ngủ thiếp đi. Tôi (Kiều Trang chuyển giới thành nam) cứ để nguyên điện thoại sáng như vậy trong đêm mà ngắm Minh Anh ngủ, trong lòng thương xót lắm”.
Vóc người nhỏ nhắn nên Minh Anh (con trai, tức khắc Nguyên lúc nhỏ) thương được người dì là thợ may nhờ ướm thử đồ của các bé gái. Mỗi lần như vậy, Khắc Nguyên vui như cá gặp nước. “Tôi cứ nhìn mình trong gương mà trách ba mẹ sao không sinh mình ra là con gái, lại sinh làm con trai để bây giờ thể xác và tâm hồn không hoà hợp như vậy”.
Đến một hôm, năm học cấp 2, cậu học sinh Khắc Nguyên quyết định phải thử một lần để xem “người con gái” trong tâm hồn mình sung sướng như thế nào. Nguyên bèn lén mua tóc giả, váy đầm, giày dép và mỹ phẩm. Đến đêm, khi ba mẹ đã ngủ, Nguyên đem váy đầm ra mặc, đội tóc giả và trang điểm thử, thấy sung sướng quá.
Không lâu sau, ba Khắc Nguyên dọn dẹp nhà cửa, bất ngờ khám phá ra các đồ nữ giới của con. Ông nổi giận: “Ba không chấp nhận cho con đi theo con đường “pê-đê” đó. Hễ ba còn thấy những thứ này trong nhà lần nữa, ba sẽ tự tử cho con muốn làm gì thì làm”. Khắc Nguyên buồn lắm, còn bà mẹ thì chỉ biết im lặng chậm nước mắt khóc vì thương con.
Bước ngoặt thay đổi suy nghĩ của gia đình Khắc Nguyên (lúc này đã lén đổi tên thành Minh Anh) là vào đầu năm 2017, “cô” giấu cha mẹ, lên Sài Gòn tham dự cuộc thi của những người chuyển đổi giới tính. “Cô” rất sợ ba mẹ mình khám phá ra điều đó. Nhưng bà con hàng xóm láng giềng thì biết và họ thì thầm bàn tán, rồi ba mẹ Minh Anh cũng biết. Nhưng bất ngờ, thay vì la mắng, ba Minh Anh bật cười: “Con nhỏ này trang điểm xinh xắn như vậy mà chỉ đoạt giải Phong cách, đáng lẽ phải đoạt giải…hoa hậu mới đúng. Nhưng thôi, vậy cũng bảnh lắm rồi”. Cả nhà đều cười. Kể từ đó Minh Anh hoàn toàn được sống theo ý mình.
Về phần cô gái Kiều Trang ở Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp cũng không khác gì. Ba mẹ cô rất buồn về tính nết mạnh mẽ, bạo dạn giống như con trai của Kiều Trang. Họ nghĩ phải dùng roi vọt để con bé trở về với tính chất dịu dàng thùy mị của con gái. Vì vậy tuổi thơ của Kiều Trang in hằn các trận đòn của cha mẹ do những lời bàn ra tán vào của hàng xóm láng giềng.
Kiều Trang (sau khi chuyển giới thành nam và gặp Minh Anh trong cuộc thi thì đổi tên thành Minh Khang), cho biết: “Ba mẹ tôi bắt tôi mặc đồ bộ và để tóc dài như mọi đứa con gái khác. Tôi chỉ mặc ở nhà còn đến cổng trường thì mặc áo sơ mi ra bên ngoài, đội mũ lưỡi trai ngược từ đằng trước ra đằng sau và chạy chơi, chuyền banh với bọn con trai. Có người mách, về nhà tôi bị đòn dữ lắm rồi bị ba má từ bỏ. Tôi đã ra đời làm việc từ năm 11 tuổi, kiếm tiền lo cho bản thân, sau đó học nghề kim hoàn và trở thành một “cậu” thợ khéo tay. Cuối cùng, gia đình thấy tôi siêng năng nên cũng thông cảm và chấp nhận cho tôi chích hormone, chuyển giới thành nam”.
Sau thời gian tìm hiểu nhau, tình cảm cũng lớn dần và họ đến với nhau. Chàng trai Khắc Nguyên nay đã là cô gái Minh Anh kể: “Trong thời gian tìm hiểu nhau, anh Minh Khang (tức Kiều Trang) lắm hôm nghỉ ca làm thợ kim hoàn buổi trưa, bèn chạy xe Honda 3 tiếng đồng hồ từ Cao Lãnh qua Cần Thơ thăm em, gặp nhau vỏn vẹn có 30 phút rồi lại chạy xe 3 tiếng đồng hồ về để kịp giờ làm. Nhìn ảnh ra về, em không kềm được nước mắt”.
Có lần, Minh Anh được mời đi trình diễn show áo dài trong festival tổ chức tại Cần Thơ, Minh Khang cũng sang Cần Thơ cổ võ, trên tay là một đóa hoa hồng. “Ảnh nói đường xa cỡ nào ảnh cũng không ngại, chỉ muốn nhìn thấy em vì em mặc áo dài trông xinh lắm”.

Yêu thương Minh Anh như một người con gái thực sự nên Minh Khang bàn với người yêu tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, ý định của họ vấp phải sự phản đối của cha mẹ hai bên. Ba mẹ Minh Khang cho rằng một cô dâu chuyển giới, trước đây vốn là con trai nên có thể quen miệng chửi thề, văng tục, tính tình bậm trợn, dễ bị mang tiếng mang tăm. Còn ba mẹ Minh Anh thì cho rằng con mình vốn là con trai (Phan Khắc Nguyên) thân hình mảnh dẻ, nếu kết hôn với “chú rể” là một cô gái thì làm sao “cổ” lo lắng, làm điểm tựa cho con mình suốt đời được.
Sau nhiều ngày bàn tính, có người nói nhỏ với gia đình hai bên rằng cưới xong, mặc dầu bề ngoài là “vợ” nhưng “bề trong” Minh Anh vẫn là nam. Còn Minh Khang, mặc dầu là “chồng” nhưng “bề trong” vẫn là nữ. Trai gái đang lúc tuổi trẻ, người 21 người 18, bất quá ít nữa “chồng” mang bầu, sanh con, còn “vợ” trông nom con thì đã sao? Trời sanh như vậy, ai cười mà sợ? Biết đâu sau khi có con, tánh tình thay đổi, “chồng” trở lại thành mẹ, “vợ” trở lại thành cha cũng chứ biết chừng. Bà hàng xóm lớn tuổi giải thích hợp lý quá nên hai gia đình vui vẻ cho đôi trẻ tổ chức lễ đính hôn và hai tuần sau, ngày 26-11-2017, tổ chức lễ thành hôn hết sức linh đình.
Ở VN hiện nay, đám cưới của các cặp đồng tính luyến ái nữ (lesbians, tức nữ với nữ) hoặc của các cặp đồng tính luyến ái nam (gays, tức nam với nam) diễn ra khá phổ biến nhưng nó có thể gây cho họ các bệnh về tim mạch hoặc HIV nên không được mọi người ủng hộ. Riêng đám cưới của “cô dâu” Minh Anh (Khắc Nguyên, nam) ở Cần Thơ và “chú rể” Minh Khang (Kiều Trang, nữ) ở Đồng Tháp thì họ vẫn là một cặp trai gái có “bề trong” bình thường như mọi cặp trai gái khác, chỉ hơi … đảo nghịch một chút xíu thôi và là đám cưới đầu tiên gần như duy nhất tại VN từ trước tới nay, vừa đặc biệt lại vừa vui vẻ, mang ý nghĩa tốt đẹp đối với hai người chuyển giới khác phái tính nên rất được mọi người tán thưởng.
ĐOÀN DỰ ghi chép