Cây cần cẩu gỗ…

Anh bạn tôi nghỉ làm cả tháng nay, chiều qua ngớt việc nên xin về sớm để ghé thăm anh. Bệnh tình thăm hỏi qua điện thoại là bệnh già, tôi kết luận như thế cho anh yên tâm vì anh cũng từng tin tôi nhiều chuyện khác trong quá khứ. Nay gặp mặt mới trò chuyên với anh được. Tôi nói, Ang bà ta xưa chỉ nói “bói ra ma quét nhà ra rác”, không nghe ông bà nói gì về việc “đi bác sĩ là có bệnh”. Có lẽ người xưa thấy khó ở thì đi thầy lang, bắt mạch, xách về nhà vài thang thuốc nam, thuốc bắc. Hết bệnh là phước chủ may thầy và ngược lại là số đã tận, theo ông bà…

Ngồi trò chuyện, thăm hỏi anh bạn ở sân sau nhà anh. Trời tháng mười đã dịu bớt sức nóng của mùa hè, nhưng năm nay ít mưa nên cây lá không sung mãn được như mọi năm. Cây hồng giòn nhà anh mọi năm vươn tàn ra ngoài bờ rào, những trái hồng chín mọng, nhìn bắt mắt đến người không hay ăn trái cây như tôi cũng muốn thử. Nó ngọt và giòn, ăn ngon miệng. Anh cứ để trái trĩu cành cho người đi bộ thể dục ngang qua thưởng thức. Nhưng thành phố lại không chịu, họ gởi giấy phải xén cành cây hồng cho gọn trong bờ rào vì vươn ra ngoài um tùm, làm xấu cảnh quan khu nhà ở. Nếu không làm thì cho họ cho người đến làm và gởi giấy phạt, gởi hoá đơn tính tiền xén cây.

Anh bạn tôi xử đẹp, anh tự xén cây hồng như yêu cầu của thành phố, rồi làm một cây móc để dựa bờ rào. Và người đi bộ thể dục đều là người thông minh, mọi chuyện ổn thoả. Chỉ tiếc cây táo tàu trong sân, mọi năm cho quả thơm ngon nức mũi, trái to như quả chanh xanh. Trái rụng để cho thỏ hoang ăn. Thường là những con sóc ranh mãnh, chúng trèo cây giỏi nên ăn trên cành. Trái rụng xuống có thỏ chờ sẵn, mối lương duyên này nếu có thời giờ ngồi xem chắc chắn sẽ vui như xem phim hoạt hình. Chỉ những chùm táo phía cây đủ nắng, gió, sương và mưa, anh bạn tôi trùm lưới để dưỡng tới chín cây. Sau đó hấp chín và phơi khô, cuối cùng là ngâm rượu volka chờ tuyết rơi. Trời có tuyết rơi năm nay thì lấy chai rượu ngâm từ năm ngoái ra thưởng thức. Rượu hợp với những món bình dân như lẩu dê, vịt nấu chao. Chúng tôi gọi là lễ tuyết, vì hôm nào tuyết rơi thì không phải đi làm, nhưng đi nhậu thì được vì trời cuối năm viễn xứ, ai không nhớ quê nhà. Đốt cái lò than riu riu, bắc cái nồi đất, ngồi tỉ tê chuyện quê nhà quê người với đồng hương thì còn gì bằng. Rượu thịt tự chế tự nấu mang hương vị dân dã thích hơn hàng quán màu mè hoa lá cành, phong phú trình bày nhưng phẩm chất phải coi lại.

Năm nay cây táo đã già như gia chủ, nhìn nó hắt hiu như gió thu về, se hơi thu man mác những mùa thu cũ, lay cành già đeo trái choắt cheo… Có những mùa thu đi, đông đến đã qua đây, giờ ai còn ai mất, những người đã lạc mất quê hương tiếp tục lạc mất đồng hương trên đất khách quê người, “người tình rồi quên, bạn bè rồi xa. Ôi tháng năm, những dấu chân người cũng bụi mờ…” Tiếng hát Khánh Ly là một loại thuốc phiện, hay nhạc Trịnh mới là thuốc phiện, không còn bạn bè để tranh cãi như những bữa nhậu lễ tuyết ngày xưa. Hai chúng tôi đều sợ danh xưng là chứng nhân lịch sử, nhưng đời người ngoảnh lại có bao lâu.

Bác sĩ không tìm ra bệnh của bạn tôi, nhưng không có nghĩa là anh không bị bệnh gì mà ngược lại là anh bị đủ thứ bệnh nên cơ thể suy nhược, cảm giác mệt mỏi thường xuyên, khó ngủ, biếng ăn… tôi không học bác sĩ nên gọi là bệnh già. Anh bạn tôi cũng đồng ý là bệnh già, nhưng vợ con anh lại tin theo bác sĩ, ép anh đi khám bác sĩ liên miên tới anh nổi khùng.

Chuyện không biết không bàn về chuyên môn của bác sĩ, tôi chỉ biết bác sĩ cũng cần ăn cơm nên khuyên bạn mình chia cơm sẻ áo với bác sĩ là việc nên làm, ít nhất là giữ hòa khí với vợ con cho gia đình yên ấm, nhưng dừng lại khi bác sĩ bắt mình ăn cháo để nộp tiền cho ông ấy phở vì ăn cơm hoài người ta thèm phở…

Cái máy hát nhà anh bạn chắc cũng đã già ngang ngửa với Khánh Ly nên sức bền khả kính, hát hết rồi hát lại chứ không nghỉ. “Hát cho một người nằm xuống” là ca khúc tôi đã nghe từ khi còn chân đất chạy rong trong xóm làng. Cha tôi nghe Thái Thanh để thương về miền bắc, nhưng thỉnh thoảng cũng nghe Khánh Ly vì hát hay, ông chỉ không ưa nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn nên ít nghe Khánh Ly. Đến thế hệ các anh tôi thì Ca Khúc Da Vàng, Sơn Ca 7 cứ ra rả suốt ngày trong nhà. Tôi cũng bắt đầu nghe khi đã lớn, những đêm xa nhà nghe tiếng hát Khánh Ly da diết phận người mà thương thân. Không ngờ đến đời con tôi, qua Mỹ mới đi lớp mẫu giáo, nhưng những đêm buồn trong ký túc xá sinh viên. Nó nghe và thâu băng đem về nhà làm quà sinh nhật cho mẹ. Nó nhận xét táo tợn trước ngỡ ngàng của mẹ là: con cũng nghe nhạc Việt hả? Thằng bé không bị ép không ăn nước mắm nên táo tợn trả lời: Con nghe hết nhạc Việt rồi, hết ca sĩ Việt nam chỉ có hai người biết hát là bà Khánh Ly với ông Tuấn Ngọc… viết hết lời con tôi chắc cả hai cha con bị đánh chứ chửi thì chưa ăn thua. Nhưng đã có câu trả lời: tiếng hát Khánh Ly hay nhạc Trịnh là thuốc phiện, cả hai. Vì ít có tiếng hát và dòng nhạc nào sống qua nhiều thế hệ như thế, nhất là xã hội ngày càng mau quên, nhiều trào lưu văn hoá nghệ thuật sớm nở tối tàn.

“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây… Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên… Anh nằm xuống như một lần vào viễn du… Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang…”

Dòng nhạc đưa tôi về quá khứ xa xôi, anh bạn tôi lim dim trên cái ghế bành cũ nên mới đưa ra patio sau nhà. Tôi định lặng lẽ ra về cho anh ấy nghỉ ngơi thì bằng chứng bệnh già xuất hiện. Đang nói chuyện có thể ngủ không cần lý do, nhưng khách ra về lại thức ngay cũng không rõ nguyên nhân, và nói câu của người chắc chắn đã già, “sao về sớm vậy?…”

Anh vào nhà lấy ra khoe tôi sản phẩm của một tháng anh ở nhà buồn chán. Nói ra sợ anh buồn chứ cái xe cần cẩu bằng gỗ cho co nít chơi, anh làm chỉ hơn tôi khi tôi còn chơi cái món ấy. Tôi từng làm không biết bao nhiêu cái xe cần cẩu bằng gỗ vụn để chơi trong tuổi thơ ở quê nhà. Đầu tiên hết là phải ngoan với bác thợ mộc trong xóm để được ngồi xem bác cưa cắt đục đẽo, đừng lăng xăng như những đứa khác sẽ bị bác ấy đuổi đi vì sợ giẫm đinh hay làm ngã những thanh gỗ dựng ở vách nhà sẽ u đầu sứt trán… Cứ từ từ nhặt những mẩu gỗ vụn khi bác quay đi, chẳng mấy chốc bác ấy quay lại đã thấy bé ngoan ngồi chơi với những mẩu gỗ vụn. Bác sẽ bảo, “thôi đem về nhà chơi đi để bác làm việc”, vì bác ấy sợ trẻ con loanh quanh nhỡ giẫm phải đinh hay làm ngã những thanh gỗ bác ấy đã cưa cắt đục mộng nhưng chưa đủ để ráp thành tủ, giường, bàn, ghế… ” Tuy còn nhỏ nhưng bị mê hoặc bởi những cây cần cẩu ở thương cảng Sài gòn. Tôi cố hết sức với hết khả năng ở nhà chỉ có cây cưa tay cùn, cây búa cho không ai lấy, đinh là cọng kẽm chuồng gà cắt khúc ra bằng lóng tay nên hầu như không đóng được cây đinh nào trọn vẹn, chỉ đóng được vài búa là cây đinh đã nghẹo đầu. Với đồ nghề dỏm nhất thế gian, đinh dở nhất thiên hạ nên hình thành được cái cần gỗ là cả một kỳ công. Trước hết là khối gỗ hình khối chữ nhật to bằng cục đá mài dao hồi xưa là lý tưởng, cứ tưởng tượng đó là cái xe vận tải để chở cây cần cẩu. Việc khoan xuyên qua khối gỗ để gắn hai trục ở trước và sau để gắn bánh xe là hoang tưởng, việc có bốn khối gỗ tròn để làm bánh xe là mơ thôi, chính xác là một giấc mơ của tuổi thơ. Nhưng đã đi học nên biết dùng thước đo, kẻ viết chì như bác thợ mộc để chia chiều dài của khối gỗ ra làm ba phần bằng nhau. Tính từ đuôi xe tính lên, lấy một phần ba và đóng hai thanh gỗ dẹp, cao lên chừng bàn tay con nít xoè thẳng là hợp lý. Khó nhất là chọc thủng hai đầu của hai thanh gỗ dẹp để xỏ tay quay. Cái tay quay dễ làm vì đi học về cứ ghé ngang vô tiệm sửa xe đạp, nhặt căm xe bị gãy đầu về nhà, ngồi bẻ hư cây này thì mai nhặt cây khác, cuối cùng cũng có cái tay quay bằng căm xe đạp. Thường thì thất bại ở công đoạn đục lỗ hai đầu hai thanh gỗ dẹp để xỏ tay quay qua thì mới cột dây quay được, không có khoan nên đục bằng đinh và thường là tét gỗ nên thành bại nhờ Phật bà cứu khổ cứu nạn. Trước khi làm phải thắp nhang, dâng hương lên bàn thờ Phật khấn vái như bác thợ mộc cũng thường thắp nhang, cúng trái cây cho tổ thợ mộc trước khi làm. Những việc còn lại không khó như đóng một thanh gỗ nhỏ mà dài làm cây cần cẩu, đóng nghiêng góc bao nhiêu độ thì hồi nhỏ chưa biết nên đóng vừa theo cây chỏi để giữ độ nghiêng. Rồi cây nhỏ quá nên không đóng đinh được mà hồi xưa chưa có keo dán gỗ nên buộc bằng dây đồng nếu có, không có thì chôm cuộn chỉ vá may của mẹ làm dây buộc… May mắn nhất là rong chơi trong xóm hay đi học về mà thấy nhà ai đang xây sửa nhà có dùng xi măng, cát, gạch thì thể nào cũng xin hay nhặt được một ít dây nhợ may bao xi măng, dây ấy chắc gấp mấy lần chỉ khâu vá may của mẹ. Cuộn dây vào tay quay, ở đầu cần cẩu chỉ cần bẻ dây kẽm thành hình chữ U, mài trên sân xi măng cho nó nhọn nhọn, dễ đóng và không tét gỗ ở hai đầu chữ U rồi đóng vào đầu cần cẩu để giữ dây cẩu không chạy khỏi cần, tiếp theo là dùng dây kẽm bẻ hình chữ S làm cái móc. Sung sướng gì bằng khi cho nổ máy xe cần cẩu bằng miệng mà chạy lên cầu thang được mới là tuổi thơ. Từ trên gác liên lạc với thằng em, mấy thằng bạn nhỏ trong xóm bằng điện thoại là hai cái lon sữa bò. Đục lỗ, cột chỉ làm dây điện thoại. Ôi, chiến trường ở dưới nhà lúc nào cũng khốc liệt vì súng miệng nổ lung tung thay cho mấy ông lính nhựa: đứng, qùy, ngồi, nằm… đủ kiểu. Khi ông lính nào thuộc phe ta bắn chậm hơn lính phe địch nên bị thương hay tử trận rồi thì gọi điện thoại thông báo cho trên gác thả cần cẩu xuống, móc ông lính hy sinh cho tổ quốc kéo lên gác trị thương hay chôn cất tùy thằng trên gác quyết định…

Ngày nào cũng dàn trận, ngày nào cũng chiến đấu tới cùng, ngày nào cũng địch chết một, ta chết ba. Thằng cần cẩu trên gác ngủ gục tới lúc nghe báo cáo địch chết ba còn ta chết hết là thay phiên đứa khác lên gác điều khiển cần cẩu. Đứa nào cũng thích điều khiển cần cẩu trên gác hơn chiến đấu dưới nhà vì bắn súng miệng đã vãi nước bọt lại còn hết hơi để cãi nhau là tao bắn trước, mày chết chứ sao tao chết được…

Những mùa hè tuổi thơ đi qua, chiến tranh kết thúc. Đám trẻ con lớn lên đã im tiếng súng nhưng không được bao lâu trong đói nghèo cả nước thì hai cuộc chiến mới nổ ra. Đứa vác súng lên chiến trường tây bắc với Tàu cộng, đứa sang tậm Cam bốt đánh nhau với Pôn pốt. Mùi khói súng, mùi xác chết đã ám ảnh một đời, đã an nghỉ bao nhiêu bạn bè một cách vô nghĩa, những đứa vượt thoát được ra nước ngoài sau chiến tranh thì phần đời còn lại cũng vô vị ở chân trời góc bể…

Ngồi kể chuyện xưa với anh bạn tôi mới biết anh thứ ba trong gia đình anh nên gọi là anh Ba. Anh thương người em út của anh cỡ tuổi tôi. Mỗi lần anh về phép đều thấy người em út ngồi chơi với cây cần cẩu tự chế của con nít nên không khác gì tôi mô tả. Em anh xin anh Ba, và anh có hứa lần sau về phép anh Ba làm cho Út cây cần cẩu có bánh xe… Nhưng đời lính có bao nhiêu ngày phép đâu, may là chưa có em gái hậu phương nên còn có chút thời gian đi thăm cô chú bác trong họ đã cao tuổi, bệnh hoạn. Thăm khi còn sống đã xem như lần cuối vì thân nhân lớn tuổi, anh trẻ tuổi nhưng là lính thì biết đâu không về… Anh mua cho người em Út của anh những chú lính nhựa để chơi sau vài lần anh về phép, dẫn chú lên Sài gòn xem phim cao bồi, ăn kem là biến ước mơ thành sự thật của tất cả trẻ nhỏ ở vùng quê. Rồi chiến tranh kết thúc bất ngờ như anh em chia tay ngoài mong đợi. Anh bôn ba quê người, em anh bỏ xác bên Miên vì không đi nghĩa vụ quân sự sẽ bị tước hộ khẩu, cả nhà thành vô gia cư…

Vậy là anh sống với lời hứa để bụng đã bao năm rồi. Nay gần đất xa trời anh Ba mới có thời giờ làm cho chú Út cái xe cần cẩu bằng gỗ có bánh xe. Anh không khéo tay nên không hay làm những vật vặt vãnh, nhưng tấm lòng già ngồi như củi mục bên chiếc xe cần cẩu xệu xạo như nhau, trông thật buồn như bầu trời đã nhiều mây xám ngoài kia, gió se se lạnh, lá vàng rơi lác đác xuống thềm rêu. Những người lính dần đi vào dĩ vãng, nhưng lời hứa của họ thật đáng cho đời sua suy ngẫm, cho người lính không quân số ngồi trò chuyện với anh vì hiểu biết về chiến tranh, thấm đòn thù sau hoà bình, không trúng đạn thù để mang thương tật, vết sẹo, nhưng vết hằn trong lòng không khác vết hằn của thời gian và sự im lặng của người lính cũ sau khi buông súng tới lúc về trời.

Ai rồi cũng không qua khỏi bệnh già vào một sáng thức dậy thấy mình không còn là mình. Ai rồi cũng tới lúc hỏi lại chính mình còn hứa với ai điều gì không để hoàn thành, để trọn vẹn với sự tín thác của tạo hoá giao phó khi được sinh ra nên lúc trở về cũng không thất hứa với ai hết cho vui lòng ngài. Tôi thì không hứa với ai sẽ làm cây cần cẩu có bánh xe, nhưng tôi sẽ làm một chiếc cho chính mình, cho tuổi thơ đã ráng hết sức vẫn không có được…

Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email