Chăm sóc da hỗn hợp bằng Multi-Mask

Da hỗn hợp là một trong những làn da khó chăm sóc nhất trong tất cả các loại da. Cách chăm sóc da hỗn hợp phải giải quyết được vùng chữ T nhưng không làm khô da ở hai bên má. Vì vậy, Multi-Mask là phương pháp tốt nhất có thể giải quyết được vấn đề đó.
Đặc điểm của da hỗn hợp
Da hỗn hợp là sự kết hợp giữa các loại da: Da dầu, da khô, da thường cùng xuất hiện trên gương mặt chúng ta. Làn da hỗn hợp sẽ có vùng chữ T (trán, mũi, cằm) đổ dầu, nhưng vùng chữ U (hai bên má) có thể bị khô hoặc da thường. Vì không đồng nhất về loại da nên việc chăm sóc da hỗn hợp phải cùng lúc giải quyết được hai vấn đề: làm sạch vùng chữ T, dưỡng ẩm vùng chữ U.

Muli-Mask là gì?
Multi-Mask là việc đắp hai (hay nhiều hơn) mặt nạ cùng một lúc trên da. Với cách đắp mặt nạ thông thường, chúng ta chỉ có thể chữa trị một vấn đề trên toàn bộ da mặt. Tuy nhiên, có thể vùng chữ T của thừa dầu, nhưng vùng chữ U lại thiếu ẩm. Nếu dùng mặt nạ có tính hút dầu (như mặt nạ đất sét) lên vùng má sẽ khiến vùng da này khô càng thêm khô.
Vì vậy, cách chăm sóc da hỗn hợp bằng Multi-Mask là phương pháp ưu việt có thể giải quyết tất cả các vấn đề. Ở vùng da chữ T nhiều dầu thừa, bã nhờn, chúng ta có thể dùng mặt nạ có đặc tính làm sạch như: Đất sét, bùn, than hoạt tính… Đối với hai bên má, chúng ta có thể sử dụng mặt nạ giúp cấp ẩm và làm dịu da với các thành phần như: Nha đam, rau má, nhầy ốc sên…
Ngoài ra, chúng ta có thể đắp đến ba loại mặt nạ lên da. Cụ thể là có thể đắp loại mặt nạ chuyên biệt cho những vùng da đang có vấn đề cần chữa trị. Ví dụ như mặt nạ Tea tree (tràm trà) lên khu vực bị mụn. Hoặc, chúng ta có thể đắp mặt nạ làm sáng da với hoạt chất Abutin hoặc Vitamin C lên khu vực thâm mụn hoặc cần làm sáng da.

Cách chăm sóc da hỗn hợp bằng Multi-Mask
Các sản phẩm mặt nạ trong phương pháp Multi-Mask nên là các loại mặt nạ rửa. Cách chăm sóc da hỗn hợp bằng Multi-mask nên được thực hiện theo trình tự như sau:
Bước 1: Làm sạch
Nên làm sạch da hoàn toàn để các dưỡng chất trong mặt nạ có thể thẩm thấu sâu vào da. Vì vậy, nên làm sạch hai bước bằng các sản phẩm tẩy trang (dầu tẩy trang hoặc nước tẩy trang Micellar water) và sữa rửa mặt.
Bước 2: Tẩy tế bào chết
Nên tẩy tế bào chết trước khi đắp mặt nạ. Bởi lẽ, lớp da chết chính là màng chắn khiến các dưỡng chất trong mặt nạ không thể thẩm thấu vào da. Tệ hơn là, bụi bẩn, dầu thừa, da chết kết hợp với dưỡng chất trong mặt nạ sẽ khiến lỗ chân lông tắc nghẽn, gây ra các tình trạng mụn.
Bước 3: Cân bằng độ pH
Nên cân bằng lại độ pH da bằng nước cân bằng trước khi đắp mặt nạ. Độ pH hợp lý sẽ mặt nạ hoạt động tốt hơn.
Bước 4: Đắp mặt nạ
Cũng như bên trên đã nói, có thể đắp các loại mặt nạ làm sạch ở vùng chữ T và mặt nạ dưỡng ẩm ở vùng chữ U, hoặc mặt nạ điều trị cho những vùng da đang gặp vấn đề.
Nên lưu ý về thời gian đắp mặt nạ mà các thương hiệu khuyến cáo ở phần hướng dẫn sử dụng. Ví dụ như, mặt nạ đất sét nếu để trên da quá lâu sẽ hút cạn lượng dầu cần thiết trên da, khiến lớp màng bảo vệ da suy yếu. Việc lượng dầu bị hút đi triệt để sẽ khiến da mất đi độ ẩm khiến da khô càng thêm khô, hoặc sẽ kích thích da tiết dầu nhiều hơn đối với các nàng da dầu.
Bước 5: Rửa mặt sạch với nước
Nên dùng nước mát và nhẹ nhàng rửa lại mặt. Sau đó, có thể thực hiện các bước dưỡng da hàng ngày để có được làn da mềm mại tươi sáng.
(Theo Elle VN)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email