Chu Nguyễn
1975, sau cơn gió bụi xảy ra ở miền Nam nước Việt, hàng triệu ngươi dân bỏ xứ ra đi tìm tự do và dần dần thích nghi với cuộc sống nơi đất hứa. Trong số này, thế hệ trẻ có nhiều người thành công rực rỡ về các mặt kinh tế, khoa học, sáng tạo… và chinh phục được quê hương mới.
Nhân ngày 30 tháng tư, 2016, báo chí Mỹ lại kể lại câu chuyện một khuôn mặt điển hình trưởng thành trong cơn đổi đời bi thảm của dân tộc ta, anh ta tới Mỹ với bàn tay trắng và tuổi thơ ngây, nhưng đã chinh phục được người Mỹ sau những năm học hành có kết quả vượt bậc và với sáng kiến độc đáo và quyết định quả cảm. Nhân vật này là chàng trai họ Trần hiện giờ mới ở tuổi ngoài 40: kỹ sư Trí Trần.
Trí Trần, lúc miền Nam sụp đổ mới 11 tuổi. Cậu bé ra đời ở Bà Rịa, miền duyên hải cách Saigon chừng 50 dặm về phía đông nam. Trong tuổi ấu thơ cậu bé họ Trần nhìn chung quanh chỉ thấy nghèo khổ và tuyệt vọng. Cha mẹ đều là nhà giáo, vốn đã thanh bạch, gặp cuộc đổi đời càng thêm hiếu thốn và bi quan. Gia đình hằng ngày chỉ trông cậy vào phần lương thực hạn chế do chính quyền quy định nên bữa no bữa đói, phải trường kỳ ăn độn rau cỏ và bo bo. Trí và anh ruột là Trác, và kể cả người cha thường phải lặn lội ra đồng mò cua, bắt ốc và hái rau vể để “cải thiện” bữa ăn.
Trước tương lai đen tối, hoàn cảnh nghẹt thở và nhận ra con mình khó lòng phát triển trí tuệ, nên ông bà họ Trần quyết định vượt biên.
Tuy nhiên, dù ở gần biển nhưng vượt biên không phải là chuyện dễ dàng vì công an và du kích chăng lưới kín mít rình bắt những người liều mình ra đi vì khát vọng tự do. Hơn nữa, những kẻ tổ chức vượt biên nhiều khi chỉ là kẻ lừa gạt, sẵn sàng lấy vàng, lấy tiền của người muốn vượt biển tìm đất hứa nhưng rồi đem con bỏ chợ, mặc cho thây trôi biển cả hay lọt vào vòng tù tội.
Từ 1986, gia đình Trí đã thực hiện nhiều chuyến vượt biên nhưng thất bại. Có lần thuyền nhỏ chở họ ra thuyền lớn như hứa hẹn nhưng không thấy bóng dáng con thuyền “cứu tinh” và khi trở về thì bị du kích bắt và tống giam và hành hạ trước khi được phóng thích.
Dù thất bại, gia đình Trí Trần không từ bỏ dự định tìm quê hương mới và rồi tìm được một người tổ chức vượt biên sẵn sàng đưa họ ra đi. Nhưng người này lại nặng óc mê tín nên không chấp nhận chở bốn người, cha mẹ và hai con, vì tuổi của những phần tử gia đình Trần có nhiều dấu hiệu xung khắc bất lợi cho chuyến vượt biển. Cha mẹ Trần ban đầu muốn đi theo con nhưng trước quyết định của người tổ chức mê tín ông phải ở lại để hai con ra đi với bà nội đã 64 tuổi, một góa phụ của một cựu quân nhân. Bà cụ sẵn sàng hy sinh thay vợ chồng con trai mang cháu ra đi để cha mẹ Trần ở lại cũng để tránh thêm đau đớn trong cuộc phân ly.
Ba bà cháu đón xe tới làng Phước Hòa, ven biển Vũng Tàu và vào một đêm khuya họ được đưa ra một tàu cá dài hơn 10 mét. Con thuyền này ước chừng chỉ chứa được 40 người là cùng nhưng nhóm tổ chức đã nhét vào đó tới 115 người.
Con thuyền ọp hẹp lén lút ra khơi và mỗi cơn sóng dữ lại đe dọa có nguy cơ lật úp và chôn vùi những kẻ tìm tự do vào nấm mồ Thái bình dương vĩ đại.
Để tránh trò chuyện trong chuyền mạo hiểm và gian hiểm, ngưởi điểu khiển chuyến tàu đánh cá vượt biên đã tách rời ba bà cháu họ Trần vì sợ họ có thể to nhỏ gây lộ bí mật.
Người vượt biên bị sóng biển xô đầy vào nhau, chỉ còn cách ngủ đứng, chịu hơi người và hơi khói với lượng nước rất hạn chế và hầu như đói khát, kiệt sức vì nôn mửa và cứ thế nhiều ngày vật vờ và nghĩ tới cái chết hơn là sự sống ở một thiên đường hạ giới.
Cũng may, sau hai ngày sống chen chúc dưới boong tàu, Trí và Trác dược lên trên boong. Hai thiếu niên có cơ hội được ngắm biển cả nhìn sóng nước mênh mông và cá bay từng đàn với chân trởi tự do trước mắt. Nguồn hy vọng hồng dần.
Tàu ghé hòn đảo đầu tiên và được thổ dân cho nước uống và chuối nhưng một căn của hải quân tàu Indonesia gần đó buộc họ phải rời ngay đảo. Không cưỡng được vì hải quân Indonesia cho trực thăng bay lên bắn quanh tàu, nên tàu di dân lại phải ra khơi tìm bến mới.
Vài ngay sau con thuyền tị nạn ghé một hòn đảo khác được cư dân tiếp đón nồng hậu hơn và rồi nạn dân được gửi tới trung tâm tị nạn Galang ở quần đảo Riau.
Tại nơi nửa tự do nửa đày ải này trong nhiều tháng , Trí, Trác và bà nội may mắn hơn nhiều nạn nhân khác, vì có người ở đảo gần chục năm chờ đợi vô vọng một nơi định cư chỉ có trong mộng. Ba bà cháu họ Trần rời Galang trên chuyến bay từ Singapore tới San Francisco, nơi người cậu của họ có căn nhà ba phòng ngủ ở San Jose đang sẵn sàng chờ đón họ.
Tại nơi đất mới, tình nồng, hai thiếu niên Việt Nam vốn thông minh lanh lợi nên mau chóng thích nghi với môi trường giao dục mới. Riêng Trần Trí, ở cấp hai học bình thường vì tiếng Anh chưa vững nhưng sang cấp ba thì tỏ ra xuất sắc về toán và sau khi tốt nghiệp cả hai anh em được học bổng vào học ngôi trường danh tiếng nhất Mỹ về kỹ thuật là MIT (Massachusetts Institute of Technology.)
Sau khi tốt nghiệp MIT, Trí vào làm cho một công ty điện toán ở California và lập gia đình với một cô gái Việt nam, cũng là một trí thức làm việc tại San Francisco. Rồi đợt đoàn tụ gia đình diễn ra, cha mẹ Trần được đoàn tụ với hai con ở Mỹ.
Một khó khăn xảy ra với hai vợ chồng trẻ. Cả hai vợ chồng cùng đi làm nên chẳng có thời gian nấu nướng nên tối ngày ăn cơm hộp. Phải chăng từ đó Trần đã cảm thấy nhu cầu một dịch vụ cung cấp bữa ăn đàng hoàng nóng hổi, như mong đợi cho những người đi làm?
Thế rồi cơ hội cho ý kiến này nảy nở. Đó là giai đoạn họ ở Union City, phía nam Oakland và gặp một người hàng xóm. Người này là một cựu đầu bếp, thường tới nhà hàng xóm và đề nghị nấu ăn cho họ. Hằng ngày người đầu bếp này nấu những bữa ăn được dặn trước, và cho vào trong hộp thủy tinh, để trong tủ lạnh, rồi tới giờ hẹn trao cho khách hàng và khách hàng chỉ cần cho chúng vào microwave là có bữa ăn ngon, nóng hổi sau vài phút. Công việc như thế có thể giúp ông ta kiếm tiền chi dùng mỗi ngày nhưng xem ra ông ta “tri túc” không muốn nhận thêm khách mới vì cho rằng không đủ thời giờ mở rộng dịch vụ.
Tại sao không có một dịch vụ cung ứng nhu cầu ăn uống? Trần nghĩ tới giải nghệ hơn là làm nghề tư chức ba cọc ba đồng.
Trần Trí đem sáng kiến nay bàn với Conrad Chu, một bạn thân và cũng là đồng nghiệp và ý tưởng thành lập Munchery ra đời. Cả hai bỏ việc bắt tay vào kinh doanh dịch vụ cung cấp thực phẩm đã chế biến.
Trong một văn phòng ở tầng ba một tòa nhà trước kia là kho hàng khu Outer Mission San Francisco. Trần Trí lúc này ở tuổi ngoài bốn mươi đã trở thành một nhà thầu thực phẩm ở vùng đất nổi tiếng Silicon Valley và là giám đốc điều hành của công ty Munchery.
Bốn năm trước Trí Trần đã thành lập công ty này nhắm vào việc cung cấp cho các gia đình thực phẩm đã nấu chín, với thực đơn dồi dào khác những món ăn sơ sài, nấu qua loa mà dĩ vãng Trí phải nếm trải.
Thực ra Munchery là một trong hàng chục dịch vụ kinh tế mới đây thịnh hành, giải quyết khó khăn cho biết bao nhiêu người vì công ăn việc làm khó lòng nấu nướng. Ngày nay chỉ cần bấm vào một cái nút trên máy truyền thông, có thể qua internet liên hệ với nhà hàng khách sạn. Các công ty kiểu Munchery đã có khá nhiều. Ở Mỹ có GrubHub, Just Eat ở châu Âu và Ele.me ở Trung quốc v.v… Các công ty loại này đã nối kết khách hàng có nhu cầu với nhà hàng và thực đơn ở đó. Giới chống đối gọi kỹ nghệ này là “kỹ nghệ thực phẩm lười biếng “lazy food economy” nhưng Munchery có điểm khác biệt với các dịch vụ trước nó. Nó cung ứng món ăn do chính đầu bếp của công ty chế biến vừa ngon, vừa sạch, vừa mới ra lò, lại vừa rẻ và hợp vệ sinh. Quảng cáo của họ gồm bốn đặc điểm:
– Thực đơn hấp dẫn (Tempting menus)
– Dễ đặt hàng (Easy ordering)
– Giao hàng thoải mái (Friendly delivery)
– Hàng ướp lạnh tươi ngon (Cold on purpuse)
Vạn sự khởi đầu nan, Trần phải đích thân đi giao hàng trên chiếc Lexus 1998 cũ kỹ. Gia đình phải dọn tới một ngôi nhà thuê ở San Francisco, vừa ở vừa làm văn phòng chính của Munchery.
Lúc đó nhiều người thân của Trần Trí đều cười đùa cho rằng anh chàng gàn dở, đầu tư bao công sức mới tốt nghiệp được MIT rồi ra làm người bán hàng rong. Trong khi người anh của Trí là Trác trở thành một giáo sư tại học viện MIT.
Một năm trôi qua, công ty chưa thâu được lời lãi đáng kể. Trần và Chu vẫn kiên nhẫn tìm ra khuyết điểm của công ty và không ngại kịp thời thay đổi nào phải cải tổ nhà bếp quy mô, tung ra thị trường nhiểu món ăn hợp khẩu vị từng loại khách, so với nhà hàng chỉ có thực đơn đơn điệu thì hấp dẫn hơn nhiều. Munchery không ngại thuê đầu bếp trứ danh và siết chặt hàng ngũ nhân viên hợp tác với công ty, từ đó uy tín tăng cao và có nhiều khách hàng trở thành nhà góp vốn đầu tư và Munchery dần dần chiếm lĩnh thị trướng quen thuộc trong vùng Silicon Valley.
Đất lành chim đậu, tháng 8, 2015, Hillary Clinton đã tới thăm viếng văn phòng của Munchery trong một chiến dịch vận động tranh cử trong vùng Bay Area. Bà đã nói chuyện với Tran Tri và nhiều chức sắc khác trong công ty..
Một trong những vấn đề ứng viên Hillary Clinton bàn với các nhà lãnh đạo của Munnchery là về sáng kiến của công ty này tìm cách tăng lợi nhuận, lợi ích cho nhân viên của công ty. Công ty đưa ra giải pháp coi những người giao hàng cũng như nhà bếp dù làm toàn thời gian hay làm theo giờ đều coi họ là công nhân viên công ty và cho họ được hưởng lợi nhuận. Nhân viên được huấn luyện tỉ mỉ, khoác áo Munchery và tạo cho họ hoàn thành bổn phận xuất sắc hơn trong công việc và cũng tăng uy tín cho công ty.
Công ty hiện mở ra ở bốn thành phố San Francisco, Los Angeles, New York, và Seattle và tại mỗi nơi đã thiết lập một hệ thống nhà bếp quy mô. Một ký giả thuật lại, mới đây tại một nhà bếp ở San Francisco, đã chứng kiến đầu bếp và những phụ bếp, đội nón lưỡi trai màu trắng và áo làm việc tay dài, cặm cụi chuẩn bị món cá hồi nướng, đậu và cà rốt cho thức ăn với cơm (giá 10, 99 Mỹ kim) hoặc với bánh thịt heo với xốt hoisin thương hiệu Lee Kum Kee, cải bắp xắt nhỏ và củ cải muối (giá 10, 95 Mỹ kim). Ngoài ra còn hàng chục món ăn khác, món tráng miệng, thực phẩm trẻ ưa dùng, được chuẩn bị trong ngày trong tình trang còn nóng hổi trong những lò nướng khổng lồ có thể nấu 500 phần thịt hay cá cùng một lúc dưới một nhiệt độ chính xác. Thức ăn sau đó được cho vào phòng lạnh, cho vào hộp nhựa và đưa ra xe để giao hàng ngay tới tay người tiêu dùng. Khách hàng nhận những món món mình đã đặt trước trong thời gian quy định và chỉ việc cho vào trong lò vi ba trong hai phút hay lò nướng từ 10 tới 20 phút là ăn ngon lành..
Kể từ 2010, Trí Trần và Conrad Chu khai trương cửa hàng đã cung cấp 3 triệu bữa ăn. Công ty của họ đã thực hiện công cuộc đầu tư mở rộng kinh doanh 115 triệu Mỹ kim, và Trần tin rằng hiện giờ công ty của anh là công ty cá nhân lớn nhất chuyên nấu nướng nóng sốt những thực phẩm cung cấp cho thị trường và anh cũng tỏ ý cho biết sẽ mở rộng dịch vụ. Tương tự như như các công ty tân lập trong một thị trường kinh tế có nhu cầu cao, Munchery chưa lời lãi nhiều. Họ còn phải thu hút thêm tiền đầu tư để tìm khách hàng mới. Cạnh tranh giá cả kèm chất lượng món hàng càng ngày càng trở nên gay gắt nhất là ở những thành phố lớn.
Nhiều công ty mới khai trương nhắm vào việc cung cấp món ăn có vốn lớn, thu hút được sự chú ý của khách hàng là thách thức lớn nhất của Munchery. Ở họ có các dịch vụ cung cấp cho khách hàng các món tạp hóa cần thiết và bất cứ thứ gia vị mà khách hàng cần dùng trong việc chuẩn bị thức ăn hàng ngày và cả có thể gửi đầu bếp tới tận nhà khách hang để nấu nướng nếu khách hàng cần. Nhu cầu của khách hàng lên cao như một nhà phân tích Michael Dempsey của CB Insights nhận định: “Người ta cần ăn ba bữa một ngày. Munchery có vai trò thích hợp. Vấn đề là còn nhiều chọn lựa khác và luôn luôn xuất hiện… Không bao giờ có việc độc quyền cho hoạt động ra tiệm ăn hay giao thực phẩm tại nhà và luôn luôn khó có việc tăng giá phí tổn.”
Theo đuổi dịch vụ này cần nhiều yếu tố như một nhà phân tích nhận định về nhân vật Trần Trí “ (Ông ta muốn đưa những món ăn ngon lành nhất, nấu sẵn tới nhà khách hàng. Khởi từ ý hướng đó, nếu không xuất phát từ thâm tâm thì khó mà hoàn thanh được(He has the intention of bringing great, affordable food to people’s homes. It starts with this intention. If it doesn’t come from the heart, you have no chance to do it.)
Chu Nguyễn
(Theo Bloomberg)