CHÂU CHẤU ĐÁ XE

Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.
(Ca dao Việt Nam)

Mùa phiếu 2020 tại Mỹ càng lúc càng quăng mạnh quán tính. Để rồi sự kiện Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc – DNC-2020 Democratic National Convention 2020 vừa rồi (từ ngày 17 – 20 tháng 08) đã thổi vào sinh hoạt bầu cử tại Mỹ một luồng gió mới. Tương tự như California với những đám cháy ngùn ngụt lửa, sân khấu chính trị Mỹ đang mọc lên những đám cháy lây lan từ dịp DCN-2020 lần này; dĩ nhiên phe đối lập đã cố gắng dập tắt chúng nhưng xem ra đây không phải chuyện dễ.
Còn khoảng 2 tháng nữa trận quyết đấu một mất một còn giữa hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ diễn ra. Phần thắng nghiêng về ai tạm thời chưa thể nói rõ trong lúc này. Còn chuyện đoán già đoán non, sau mùa phiếu 2016 nhiều người co vòi, không dám mạnh miệng tuyên bố điều này điều nọ vì chưa thực sự hoàn hồn sau cú sốc. Họ biết rõ những thống kê tiên đoán các cuộc thăm dò dư luận polls cuối cùng chỉ nói cho vui, nói cho đỡ nhạt mồm, hoàn toàn không thể tin cậy được. Hơn nữa tình trạng phân hóa chia rẽ giữa hai bên (chống Trump và phò Trump) đang là một đường nứt quá sâu vốn không thể lấp đầy. Còn những cây cầu bắc ngang, tất nhiên là có đấy nhưng hai bên chẳng ai chịu sử dụng chúng. Họ thề sống, thề chết trung thành với lý tưởng chính trị của mình. Một phần nhờ công lao của Tổng thống Trump là người đã giúp dân Mỹ nhận thức rõ hơn hố sâu ngăn cách giữa Cánh tả và Cánh hữu, một hố sâu không thể lấp đầy được (ít nhất trong lúc này).
Có dịp theo dõi chương trình phát sóng sự kiện DNC-2020 diễn ra tại Milwaukee, Wisconsin vừa rồi hẳn bạn đọc đã chứng kiến những bài diễn văn hừng hực lửa chống đối từ miệng các nhân vật tai to mặt lớn của Đảng Dân chủ. Qua tuần sau sân khấu sẽ thuộc về Đảng Cộng hòa với sự kiện RNC-2020 Republic National Convention 2020 diễn ra tại Charlotte, North Carolina từ 24 đến 27 tháng 08. Một lần nữa thiên hạ được dịp nghe những bài diễn văn trả đũa kiểu bên tám lạng, bên nửa cân, trai cãi nhau tay đôi với thờn bơn, lươn ngắn đôi co khoa môi múa mép với chạch dài, ỏm tỏi nhặng xị cả lên. Tất nhiên khi hai bên chửi nhau, thiên hạ đứng giữa sẽ được nghe những bài chửi như hát hay!
Khác biệt cơ bản giữa hai sự kiện ở đây là gì? Hẳn nhiên bạn sẽ nhận ra Đảng Dân chủ cổ xúy tinh thần phục hưng chấn chỉnh lại những suy thoái “ngược dòng lịch sử” do Tổng thống Trump tạo ra. Cụ thể, theo họ, the soul of Nation needs to be saved. Linh hồn của nước Mỹ, trái tim của dân tộc Mỹ đã bị Tổng thống Trump phá hủy. Họ sợ. Họ la hoảng ầm lên nếu Bạch ốc rơi vào tay Tổng thống Trump thêm bốn năm nữa, tương lai của nước Mỹ sẽ vĩnh viễn không thể cứu vãn được nữa.
Liệu điều đó sẽ xảy ra? Hay đây chỉ là một chiêu bài, một tiếng kêu thảm thiết sau khi được cường điệu (thổi phồng) khi thực tế chưa hẳn quá thảm thương ảm đạm tối tăm như thế. Đảng Dân chủ không ngần ngại gì trong việc tung ra những cáo buộc động trời. Họ ra rả hát (bài ca con cá sống vì nước) với những tố cáo Tổng thống Trump (a) không có khả năng lãnh đạo nếu không phải cố tình dửng dưng với trách nhiệm của một tổng tư lệnh, (b) cố tình tàn phá gây chia rẽ nước Mỹ, (c) hủy hoại vị trí tiên phong của Mỹ trên các diễn đàn quốc tế, (d) bênh vực giới giàu, lãng quên người nghèo, (e) gây chia rẽ và cổ xúy thù hận giữa các tầng lớp dân chúng Mỹ, (f) thất bại trong lãnh đạo kinh tế dù được thừa hưởng một di sản “đang có trớn” do Cựu Tổng thống Obama đạt được trước khi Nhà Trắng trao cho Tổng thống Trump, (g) khai thác bừa bãi tài nguyên thay vì nên bảo tồn cho hậu thế, (h) phản bác khoa học, (i) hoàn toàn thất bại khi chống lại khuyến cáo của khoa học, thay vào đó là những chiến dịch quảng bá thông tin sai lệch nguy hiểm (disinformation), (j) dửng dưng trước nỗi đau của di dân (vốn được luật pháp Mỹ chấp nhận thông qua thủ tục điền đơn xin hưởng quy chế tỵ nạn tồn tại xưa nay), (k) thất bại trong sách lược đối phó với đại dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng thiếu trang thiết bị, người chết vô số kể, (l) thất bại trong tư cách của một tổng thống Mỹ tại nhiều bình diện xã hội chính trị khác nhau…
Miễn bàn những tiếng kêu trên của Đảng Dân chủ đúng sai. Tất nhiên, công tâm mà nói, không có lửa làm sao có khói. Tuy nhiên nếu xét kỹ, bên tám lạng, bên nửa cân, chẳng bên nào hiền lành ở đây. Ai cũng không vừa. (Nên) chẳng lạ gì khi Đảng Cộng hòa vỗ mặt trả đũa ngay lập tức với lời lẽ không khách sáo. Tóm lại, trước tình trạng cãi vã như mổ bò, văn hóa lịch sự tối thiểu không còn đất đứng nữa. Từ đây hố sâu ngăn cách càng ngày càng được đào khoét sâu hơn bởi những trận cãi vã kịch liệt ấy. Đảng Cộng hòa (chủ yếu Tổng thống Trump cùng một vài xướng ngôn viên Đài Fox News) liệt kê một danh sách dài những tội ác tày đình của cánh tả. Nào là (a) thiếu trách nhiệm cổ võ ý thức công dân xã hội, (b) khuấy đục đời sống xã hội ổn định bằng cách cổ xúy những đợt xuống đường biểu tình, (c) dấy lên những nguy cơ mầm mống bạo loạn xã hội, (d) cáo buộc truyền thông (ngoại trừ Fox News và một số loa phát thanh cực hữu) là kẻ thù của nước Mỹ, (e) chống đối những công trình phát triển kinh tế xã hội của Tổng thống Trump, (f) mượn Covid-19 thọc gậy bánh xe các kế hoạch lãnh đạo của Nhà Trắng, (g) bất hợp tác với Tổng thống Mỹ…
Cứ thế, hòn bấc hòn chì, hàng cá hàng tôm, ôi thôi đủ các kiểu. Lời lẽ cáo buộc Đảng Dân chủ nhắm vào Mr. Trump đằng đằng sát khí khiến phe chống Trump nghe mà mát ruột, mát gan. Còn những trả đũa từ phía ê kíp của Tổng thống Trump chẳng khác nào những bát nước đường phèn fans hâm mộ ông ừng ực uống không biết chán. Đến khổ. Nước Mỹ bây giờ rối ren như thế đấy. Không ai muốn ngồi xuống tìm cách tháo gỡ (hay tệ hơn họ không còn khả năng ngồi xuống ấy không biết chừng). Chỉ biết hai thái cực tư tưởng tại Mỹ bây giờ y chang ngày với đêm, nước với lửa, trắng với đen, dầu với nước… Thử hỏi trong tình hình nhiễu nhương đạo đức xã hội ấy, ai dám hy vọng một tương lai không xa nước Mỹ sẽ có ngày tươi sáng, những khác biệt sẽ được thu hẹp, nhường chỗ cho những sách lược ích lợi chung cho toàn xã hội.
Gần như hiện nay tại Mỹ tư tưởng hằn học giữa hai bên nằm ở chỗ (a) Đảng Dân chủ cảm thấy chính phủ phải có những nỗ lực xóa bỏ bất công, nâng cấp đời sống xã hội đặc biệt cho dân nghèo, cải tổ lại chính sách di trú, vực dậy hệ thống bảo hiểm y tế cho mọi người, thúc đẩy đối xử công bằng xã hội, cổ xúy dẹp bỏ đối xử bất công từ phía cảnh sát đối với da đen, dân chủ cho mọi người, mọi giới tính, kiểm soát súng đạn… Còn (b) Đảng Cộng hòa (đối ngược lại) cảm thấy ổn định xã hội hiện tại quá tốt đẹp, quá công bằng, đời sống người nghèo và người da đen đã được cải thiện rất nhiều, lỏng lẻo với luật di trú hiện tại đối với nước Mỹ là tự sát, y tế công là hoang tưởng, cảnh sát cần được duy trì để an ninh xã hội vẫn được kiểm soát, giới LGBTQ nên biến mất, súng đạn và Tu chính án II phải được bảo vệ… Tất nhiên bên nào cũng có lý lẽ riêng. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra: Tại sao người ta không chịu ngồi xuống để tìm ta “mảnh đất chung” trong nỗ lực tìm kiếm hướng giải quyết.
Tại sao đối lập não thức giữa hai phe tại Mỹ bị khoét sâu và bám rễ quá chắc như thế? Tại sao một nước Mỹ văn minh có thừa, dân chủ phát triển gần như hoàn hảo nhất hành tinh nhiều nước thèm thuồng; cuối cùng vướng vào một căn bệnh trầm kha vô phương cứu chữa! Chuyện gì đã xảy ra? Phải chăng những tiến bộ văn minh dân chủ trên thực tế chỉ là “bằng mặt” chứ không phải “bằng lòng”, những quãng đường đã đi qua, những thành quả gặt hái thu lượm, những tiến bộ đã đạt được, phải chăng chỉ cần “một đời tổng thống” thôi sẽ đủ để mọi thứ nhanh chóng trở về thời kỳ đồ đá! Chuyện gì đã xảy ra?
Phải chăng đó là nỗi lo sợ cố định tồn tại trong nếp nghĩ của giới giàu tại Mỹ. Vâng. Nếu nhìn kỹ lại, Sở cảnh sát của một thành phố thực sự phục vụ ai? Đối tượng nào cần được kiểm soát bằng dùi cui, bằng khói cay, bằng còng số tám… Tại sao (bằng mọi giá) các trường ĐH danh tiếng chỉ con em giới giàu mới có thể chen chân bước vào. Tại sao tại Mỹ 13.4% dân số là Mỹ đen trong khi chỉ có 5% bác sĩ. Tại sao đa số dân da trắng gọi cảnh sát cáo buộc người da đen (chứ không thấy điều ngược lại)? Tại sao dân da đen chiếm 13.4% dân số Mỹ nhưng chiếm 33% tội phạm nhốt trong tù? Tại sao? Người da đen xấu xa ư? Tại sao họ bị coi là xấu? Đâu là cội nguồn? Đâu là gốc rễ? Tại sao hiện tượng vẽ bản đồ cử tri (gerrymandering) ép dân da đen “muốn bỏ phiếu kiểu gì thì bỏ” vẫn không thể thắng ghế đại diện tại nhiều tiểu bang đỏ. Tại sao trong một thời gian dài người da đen bị cấm bỏ phiếu (mãi đến năm 1870 với Tu chính án 15th) họ mới được đi bầu. Đã vậy, trên thực tế họ bị nhũng nhiễu hạch sách đủ điều đến nỗi rất ít có thể bỏ phiếu. Ngày nay cũng thế, nhiều qui định yêu cầu khắt khe với mục đích chèn ép, hạn chế quyền đi bầu của nhiều công dân da đen, đặc biệt tại các tiểu bang đỏ.
Vâng. Từ lo sợ, người ta nghĩ đến chuyện đàn áp kẻ dám đứng lên đòi quyền sống cơ bản nhất cho mình. Từ lo sợ, người ta không dám nghĩ đến hai từ “bình đẳng”. Từ lo sợ, người ta không dám nhìn nhận một thực tế hiển nhiên (đó là) đối xử phân biệt chủ yếu nhắm vào địa vị giai cấp, màu da, xuất thân xã hội… nhất định sẽ có ngày lỗi thời. Từ lo sợ, người ta hoang mang một cách mơ hồ ảnh hưởng Da trắng thượng tôn sẽ mờ nhạt dần. Từ lo sợ, người ta không thể chấp nhận trong nay mai những đặc ân họ từng quen hưởng sẽ bị lấy đi. Từ lo sợ, người ta bám vào các giá trị truyền thống và coi đó là nền tảng bất di bất dịch cần được bảo tồn bằng mọi giá. Từ lo sợ, người ta bám víu vào những chia chác quyền lợi xã hội để củng cố địa vị. Vì lo sợ, người ta tìm mọi cách càng ngày càng giàu có hơn với hy vọng mạnh về tài chánh sẽ mạnh về tất cả. Từ lo sợ, người ta xây tường, gắn máy quay phim, nuôi chó dữ, thuê bảo vệ nơi họ sống. Từ lo sợ, người ta bám vào cảnh sát như một lực lượng bảo vệ an toàn. Từ lo sợ, người ta lũng đoạn đầu tư, tiền phải đẻ ra tiền, biến các thị trường kinh tế tài chánh càng sinh lợi nhiều hơn nữa. Từ lo sợ, người ta muốn thắt chặt hơn các chính sách di dân. Từ lo sợ, người ta muốn English trở thành ngôn ngữ chính ai đến Mỹ bắt buộc phải nói. Từ lo sợ, người ta muốn các sắc dân khác phải “thấp hơn họ ít nhất vài bậc”. Từ lo sợ, người ta tìm mọi cách khống chế luật pháp với mong muốn hạn chế các định hướng bình đẳng dân chủ xã hội. Vì lo sợ người ta xây nhiều nhà tù hơn trường học. Vì lo sợ người ta muốn trường học chỉ giảng dạy những gì có lợi cho họ. Vì lo sợ, người ta sẵn sàng làm tất cả để kìm hãm những đổi thay mang tính cách mạng. Vì lo sợ, người ta sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì trạng thái “the status quo” càng lâu càng tốt!
Và mùa phiếu năm nay, với bạn, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, ai là xe, ai là châu chấu? Bạn sẽ bầu cho ai? Bạn có sợ đảng đối nghịch sẽ thắng? Bạn có tin vào lá phiếu của mình lần này? Bạn có mong kết quả đêm mùng 03 tháng 11 năm nay sẽ khác đêm mùng 08 tháng 11 cách đây 4 năm? Bạn có tin vào chọn lựa của lương tâm, không phải cho bạn, mà cho những người khác, những công dân thế hệ sau, những em nhỏ đang cần chúng ta, những người đi bầu hôm nay để các em có một ngày mai an toàn tốt đẹp hơn.
Hãy đi bầu. Bầu như thể bạn thực sự lo sợ nếu mình ở nhà điều đáng sợ nhất cuối cùng sẽ xảy ra, không cho bạn (cũng) sẽ cho hậu thế mai sau.
Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email