Chết Già

Trên một bãi biển cát vàng trải dài 3 dặm nằm ngay dưới bóng một pháo đài cũ cao 80 bộ Anh với khung cảnh nguyên sơ, đầy nắng tuyệt đẹp có thể dùng làm nền rất thích hợp cho một áp phích quảng cáo du lịch cho tiểu bang California. Mới nhìn thoáng qua không ai có thể tìm thấy bất cứ một điểm gì đáng chê trách về bãi biển này.

Nhưng nếu chịu nhìn kỹ hơn, gần hơn – với lớp cát mỏng bám trên lòng bàn tay hay trên mu bàn chân – người ta rất có thể nhận ra lẫn lộn trong đó không chỉ có cát mà còn có những hạt nhựa li ti bé xíu rất khó thấy. Và một khi đã nhận ra được hạt đầu tiên, người ta sẽ nhận ra thêm một hạt nữa và rồi thêm một hạt nữa – cho tới khi số hạt nhựa quá nhiều đến không đếm nổi nữa sẽ khiến người đi dạo biển có thể không còn dám nghĩ tới những điều tốt đẹp dành cho bãi biển này, hay bất kỳ bãi biển nào khác, như họ đã từng nghĩ trước đây.

Ông Mark McReynolds là người đang có những nỗ lực để gây sự ý thức trong công chúng về những hạt nhựa nhỏ xíu này mà các nhà máy sản xuất dùng để nấu chảy ra, sau đó đổ khuôn để chế biến ra nhiều loại sản phẩm từ to lớn kềnh càng như tấm cản xe hơi (bumpers) cho đến nhỏ bé gọn gàng như nắp của tuýp kem đánh răng. Những hạt nhựa đó rơi vãi thoát ra từ những nhà máy, từ những tàu biển chở hàng, từ những toa xe lửa, xe tải trong nhiều thập niên qua mà hầu như không ai để ý tới.

Tiến sĩ McReynolds là nhà khoa học về môi trường làm việc cùng với tổ chức bảo tồn thiên nhiên phi lợi nhuận có tên là A Rocha International mà cách đây chỉ mới ba năm trước ông chưa bao giờ được nghe nói tới những hạt nhựa li ti nói trên. Nay ông tham gia hoạt động vào một phong trào toàn cầu nghiên cứu dấu vết xuất phát của những hạt nhựa này làm thế nào mà chúng có thể xâm nhập vào trong môi trường thiên nhiên như vậy. Một số tổ chức khác – như Great Nurdle Hunt và Nurdle Patrol – thì đang làm công việc lập bản đồ nơi xuất hiện những hạt nhựa li ti nói trên thông qua báo cáo từ những nhà khoa học thiện nguyện trên khắp toàn cầu.

Theo nhận định của tiến sĩ McReynolds thì thường ta không thấy những bịch ni lông gió thổi bay quanh quẩn trên bãi biển vì hầu hết người đi chơi biển rất có ý thức và nhặt chúng lên mỗi khi thấy. Nhưng người ta không nhặt những vật nhỏ bé có kích cỡ chỉ vài li vì họ không hề biết có những vật đó nằm lẫn lộn trong cát.

Những hạt nhựa li ti đó là tập hợp của những quả cầu nhiều màu, có đường kính từ 2 tới 3 millimét. Những hạt nhựa này tích tụ lại ở một chỗ nào đó và được nước cuốn trôi đi theo dòng ra biển và sau đó sóng xô đẩy chúng quay tạt trở lại vào các bờ biển ở khắp mọi nơi trên các châu lục.

Trọng tâm cuộc nghiên cứu mang tính khoa học của tiến sĩ McReynolds ở đây là thiết lập một số lượng cơ sở của các hạt nhựa tìm được trên bãi biển, và rộng hơn là bất kỳ mảnh vi nhựa nào tìm được. Lập biểu đồ số lượng, lưu ý thủy triều, xem xét dòng chảy và điều kiện thời tiết sẽ cho biết liệu số lượng hạt nhựa đó có đang tăng hay không, và có lẽ ở tốc độ nào và tại sao. Tiến sĩ McReynolds nói rằng hiểu biết được quá trình diễn biến đó có thể cung cấp một số giải pháp nào đó cho tình trạng ô nhiễm nhựa, chẳng hạn như đưa ra quy định mới về việc sử dụng nhựa.

Được sự trợ giúp từ các tình nguyện viên có kiến thức về khoa học – trong đó có vợ ông là Karen cũng là một giáo sư dạy về khoa học – tiến sĩ McReynolds cứ mỗi tháng lại cho tiến hành một cuộc lấy mẫu các mảnh vi nhựa đủ loại và hai lần một năm đi săn tìm nhựa trên các bãi biển.

Công việc nghiên cứu và dọn dẹp các mảnh vi nhựa trong một thập niên qua đã được tham gia rất đông đảo do người ta ngày càng hiểu biết nhiều hơn về các nguy cơ có hại cho sức khỏe và ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái.

Vấn đề ô nhiễm nhựa có thể nói là vấn đề chung đối với tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần khác nhau – từ tập thể là các tổ chức tôn giáo cho đến cá nhân là những người chơi lướt ván và câu cá ở biển, từ những người có quan điểm bảo thủ đến những người có quan điểm cấp tiến. Không phải tất cả trong số họ đều biết phải làm gì để giải quyết vấn đề ô nhiễm trên, nhưng một số công việc cụ thể dễ làm như săn tìm hạt nhựa là một trong những cách hiệu quả nhất để lôi kéo người ta tham gia.

Đôi khi cũng có một vài chuyện tức cười xảy ra, chẳng hạn như có những người đi dạo bờ biển trông thấy nhóm thiện nguyện của tiến sĩ McReynolds đang rải người ra trên bãi biển để săn tìm hạt nhựa thì họ lại tưởng là những người đang đi nhặt rác.

Nhưng cho dù đó là một cuộc săn tìm chỉ kéo dài 15 phút để nhặt những hạt nhựa đủ màu sắc từ cát lên hay một cuộc đi thu nhặt nhựa được tổ chức hàng tháng, thì cảnh tượng đó cho thấy không hẳn đó là một nhóm người đi nhặt rác bình thường trên bãi biển: là vì trên một diện tích rộng 100 mét họ cho cắm cờ làm mốc và đặt các dụng cụ đo lường cũng như các thùng chứa đầy nước dùng để sàng lọc nhựa ra từ những đống cát được thu gom lại.

Đây là thời điểm thích hợp để tiến sĩ McReynolds giải thích về khoa học và môi trường cho bất cứ ai muốn tìm hiểu. Ông vừa giảng giải một cách rất khoa học về những hạt nhựa và những mảnh vi nhựa cho những người hiếu kỳ và đồng thời cũng để mắt trông coi những thiện nguyện viên đang xúc cát đổ vào các thùng khoảng 5 gallons. Mỗi thùng cát này có thể đãi được từ không có gì cho tới khoảng 300 mảnh nhựa và sau đó được đưa về phân tích tại phòng thí nghiệm. Con số nói trên nghe ra có vẻ không nhiều, nhưng những mẫu nhựa nhặt ra được từ đó có thể suy ra tổng số các mảnh nhựa trộn lẫn trong cát trên toàn thể bãi biển đó.

Trong một buổi sáng làm việc gần đây, tiến sĩ McReynolds đã bỏ thì giờ giải thích cho những người đi chơi biển vào buổi sớm hiểu thêm nhiều chi tiết quan trọng về những hạt nhựa như khả năng hấp thụ các hoá chất độc hại của chúng, và – bởi vì chúng trông rất giống trứng cá – được cá và chim tưởng là thức ăn và nuốt vào, và do đó xâm nhập vào chuỗi xích thức ăn. Cuối cùng là con người ăn cá và chim – nghĩa là con người cũng trực tiếp hay gián tiếp hấp thụ những hoá chất độc hại kia vậy.

Tại phòng thí nghiệm, các nhà khoa học lựa ra các hạt nhựa, phân loại và ghi chép cẩn thận. Công việc của họ rất âm thầm, hầu như chẳng mấy ai biết đến. Như nói ở trên, nếu như không được chỉ cho biết thì hầu hết người đi chơi biển không hề biết rằng trộn lẫn trong cát dưới chân họ là vô vàn những hạt nhựa li ti rất khó nhận ra, và những hạt nhựa này có thể gây ra những hậu quả xấu không chỉ tới môi trường và hệ sinh thái mà còn tới sức khoẻ của con người. Nếu không có những thiện nguyện viên và các nhà khoa học như tiến sĩ McReynolds thì chúng ta khó có thể biết được về nguy cơ môi trường tiềm ẩn trên những bãi biển ở khắp nơi. Và nếu người ta không tìm ra được giải pháp cho vấn đề nói trên càng sớm tốt thì số những hạt nhựa sẽ ngày càng tích tụ nhiều hơn thì lại càng khó giải quyết hơn.

Riêng với tiến sĩ McReynolds thì ông có quan điểm tương đối cân bằng khi nói về những hạt nhựa trộn lẫn trong cát biển. Ông cho biết ông và các đồng sự đã từng đặt câu hỏi về chất nhựa được sử dụng trong nhiều thập niên qua. Mặc dù có một số loại chất nhựa tốt và cần thiết cho cuộc sống, nhưng chắc chắn cũng có một số loại chất nhựa xấu và cho đến nay chúng ta không biết mức độ xấu của nó đến mức nào.

Vậy, điều quan trọng là chúng ta nên sử dụng chất nhựa một cách cẩn thận. Đừng vất bừa bãi sau khi sử dụng xong mà nên tái chế lại để sử dụng tiếp thì như vậy mới hy vọng là các chất nhựa không bị thải ra môi trường để sau đó có thể gây ra những hậu quả không tốt.

Có một điểm rất đáng khen ngợi, và có lẽ cũng là tính cách chung của các nhà khoa học chân chính, đó là tính khiêm nhường của tiến sĩ McReynolds. Khi được hỏi phải chăng công việc đang làm của ông sẽ giúp cứu vớt thế giới? Ông liền khoát tay từ chối ngay về mục đích cao cả này. Ông không dám nhận là sẽ cứu vớt thế giới thoát ra khỏi vấn đề ô nhiễm nhựa nói trên, nhưng chỉ nhận là đang làm công việc bảo tồn trái đất. Dọn dẹp và giữ gìn sạch sẽ cho nó.

Mặc dù âm thầm nhưng những việc làm của tiến sĩ McReynolds và các thiện nguyện viên trên bãi biển đã được biết tới, ít ra là với những người đi chơi biển gần đó và gây được ý thức trong cộng đồng. Tiếng lành đồn xa và hy vọng những việc làm nói trên sẽ gây thêm cảm hứng để có thêm được nhiều người tham gia trong tương lai để bảo vệ cho môi trường thiên nhiên được sạch sẽ.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email