Chúng ta vẫn thấy trên mặt báo, trên mạng, v.v… cái tựa đề “Chỉ có ở”. Và khi thấy nó, thường thì nội dung đi sau nó sẽ là một chuyên lạ thuộc loại khôi hài, mang ý nghĩa châm biếm, chế giễu hoặc chê bai. Thí dụ như những bức ảnh cho thấy viết sai chính tả, hoặc những chiếc xe gắn máy chất cả chục người, xe lửa hoặc xe đò có hành khách ngồi đầy trên nóc và bám đeo vào các cửa….
Với Hoa Kỳ, lâu lâu cũng có những chuyện chỉ có ở nước Mỹ.
Nhưng lần này, tựa đề chỉ có ở nước Mỹ được chính người Mỹ viết…. Và nội dung “chỉ có ở nước Mỹ” rất thê thảm và đúng là không thể hiểu nổi.
Chuyện súng đạn và trẻ con.
Tờ The New York Time hàng ngày gửi đến độc giả trang The Morning, giới thiệu với độc giả những tin tức hay bình luận về sự kiện nổi nét nhất và quan trọng nhất. Cho số báo ngày 26 tháng 5, nhà báo German Lopez bắt đầu bằng tựa: Chỉ có ở Hiệp chúng quốc (Unique to the US).
“Ở đâu cũng có những người tranh cãi, có đầu óc phân biệt chủng tộc hoặc mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhưng ở Mỹ, chuyện cầm súng và bắn một người nào đó dễ dàng hơn cho những người đó hơn.
“Thực tế, đó là điều đã cho phép một thanh niên 18 tuổi có được một khẩu súng trường loại tấn công và giết chết 19 trẻ em và hai giáo viên tại một lớp học tiểu học ở Uvalde, Texas, vào hôm thứ Ba. Và đó là điều khiến Hoa Kỳ trở thành một quốc gia nổi tiếng toàn cầu về phương diện bạo lực súng đạn, với số người chết vì súng nhiều hơn bất kỳ quốc gia đồng đẳng nào khác.”
Không thể hiểu nổi
Lúc 11 giờ 28 phút sáng ngày thứ Ba 24 tháng 5, một chiếc pick up hiệu Ford lao xuống con mương phía sau trường tiểu học Robb Elementary School ở Uvalde, một thị trấn nhỏ gần biên giới.
Một người nhảy ra khỏi xe, xách theo một khẩu súng dài.
Về sau người ta biết được anh này đã bắn chết người bà của anh ta tại nhà trước khi lấy chiếc Ford của bà mình để lái đến trường Robb.
Anh ta bắn nhiều phát vào những người đang bước ra từ trong một nhà quàn gần đó.
Ông Albert Vargas, một trong số những người đó kể lại: “Tôi chạy xuống (chỗ xe đổ) nghĩ rằng có ai đó bị thương. Khi tôi đến nơi, người trong xe thoát ra ngoài từ phiá cửa của hành khách, tay cầm một khẩu súng. Vẻ mặt của anh ta lạnh lùng, vô cảm. Trông anh ta có vẻ như ngoài việc anh ta đang làm ra không còn thứ gì khác đáng kể cả. Anh ta bắn vài phát rồi chạy, nhảy qua một hàng rào chạy về phía nhà trường.”
Tên cầm súng đi về phía bãi đậu xe của nhà trường, nổ súng vào các cửa sổ.
Lúc 12 giờ 40 phút, hắn – một thanh niên 18 tuổi tên là Salvador Ramos, đã lọt vào trong ngôi trường mà không gặp một sự ngăn trở nào. Ramos vào được trong trường nhờ một cánh cửa ở phía sau để mở. Trước đó, một giáo viên đã mở cánh cửa đó ra để đi gọi 911 sau khi trông thấy chiếc pick up lao xuống mương.
Ramos vào đến khu vực các lớp 4 – gồm hai phòng học số 111 và 112 thông với nhau.
Bé Miah Cerillo, 11 tuổi, một trong những học sinh trong hai phòng học đó sống sót kể lại rằng lúc đó cháu và các bạn đang xem cuốn phim Lilo and Stitch thì hai cô giáo Eva Mireles và Irma Garcia biết tin có kẻ mang súng vào trường.
Một trong hai cô đi ra khóa cửa lớp nhưng tên hung đồ đã đứng ngay ở đó- hắn bắn qua cửa sổ.
Khi cô giáo lùi vào phòng, tên cầm súng vào theo. Miah nhớ lại: Hắn nhìn vào mắt cô giáo, nói “Good night” rồi bắn chết cô.
Và rồi hắn nổ súng liên tục, bắn vào cô giáo còn lại và các bạn của con bé. Đạn bay quanh người nó, mảnh đạn văng trúng vai và đầu nó. Tên mang súng bước qua cửa để sang lớp kế bên. Miah nghe tiếng kêu thét và thêm nhiều tiếng súng. Khi tiếng súng ngưng, tên cầm súng mở nhạc, một điệu nhạc “buồn như thể mình muốn cho người ta chết”, con bé kể lại.
Sợ hắn trở lại giết mình và các bạn còn sống sót, Miah nhúng tay vào máu một đứa bạn nằm chết gần nó, bôi máu lên người. Con bé sau đó cùng một đứa bạn nhặt được cái điện thoại của một cô giáo và gọi 911: “Xin đến giúp chúng con vì chúng con đang gặp nguy”.
Hai đứa bé sau đó nằm xuống giả vờ chết.
Không thể hiểu nổi
Báo cáo đầu tiên về việc có người mang súng vào gần trường là vào khoảng 11:30 sáng.
Đến khi tên hung đồ 18 tuổi bị bắn hạ là khoảng 1 giờ chiều.
Trong khoảng 90 phút đó, tổng cộng có tất cả 19 học sinh và 2 giáo viên bị bắn chết.
Theo lịch sơ thảo các diễn biến của các giới chức công lực, hầu hết nếu không phải là tất cả các nạn nhân đã bị bắn vào những phút đầu tiên khi hung thủ vào đến trường.
Chính điều đó đã làm cho họ bị phê phán và chỉ trích nặng nề. Nhất là sau khi họ tự nhận, trong cuộc họp báo đầu tiên trong ngày, là đã “phản ứng nhanh chóng và kịp thời”.
Các phụ huynh, như ông Javier Cazares, người có cô con gái lên 9 bị giết trong vụ thảm sát, phản đối: “Họ nói rằng họ nhanh chóng đổ vào và đủ mọi thứ, chúng tôi không thấy những điều đó.”
Ông Cazares có mặt ở bên ngoài trường trong khi cuộc tấn công diễn ra và nghe tiếng súng nổ.
Đúng là không thể hiểu nổi.
Cú điện thoại đầu tiên gọi đến 911 là vào lúc 11:30, khi chiếc pick up lọt xuống mương, và từ người giáo viên đã để mở cửa sau của trường.
Lúc 11:35, bảy cảnh sát viên đến trường và tiến gần các phòng học trong đó tên mang súng đã tự khóa cửa. Từ bên trong, hắn bắn ra, đạn làm xây sát hai cảnh sát viên.
Từ 11:37 đến 11:44, hắn bắn thêm 16 phát súng nữa trong khi thêm nhiều cảnh sát vào đến hành lang nhà trường.
Cùng thời điểm đó, nhà trường đăng lên Facebook tin trường bị lockdown vì có kẻ mang súng trong khu vực. Đoạn tin khiến các phụ huynh đổ xô về trường. Lo lắng cho tính mạng của con cái, họ cãi cọ với những cảnh sát viên đang lập hàng rào bên ngoài.
Bên trong trường, có ít nhất 19 nhân viên công lực vào lúc 12:03, nhưng họ chỉ đứng đó để chờ lực lượng chiến thuật.
Ngay vào lúc đó, cảnh sát nhận được cuộc gọi 911 của một học sinh. Con bé xưng tên và thì thầm rằng nó ở trong Phòng 112. Cú điện thoại kéo dài 1 phút 23 giây.
Đến 12:10, con bé gọi lại, cho biết có nhiều người đã chết. Ba phút sau, con bé lại gọi một lần nữa.
Toán chiến thuật của Border Patrol (Tuần biên) BOPTC đến vào lúc 12:15. Họ chờ đợi.
Con bé gọi lại lần thứ tư lúc 12:16, cho biết có tám chín học sinh còn sống. Rồi ba phút sau thêm một cú điện thoại gọi 911 nữa, lần này của học sinh ở Phòng 111. Cuộc gọi kéo dài 3 phút, sau đó bị cắt. Trong cú điện thoại gọi lúc 12:21 người ta nghe thấy ba tiếng súng.
Đến 12:36 lại có một cháu gái học sinh gọi 911. Cuộc gọi chỉ kéo dài 21 giây, nhưng sau đó, em lại gọi và được dặn giữ máy và im lặng.
Đến 12:43 và 12:47, con bé gọi thêm hai lần, van xin 911 gửi cảnh sát đến.
Mãi đến 12:50 đội chiến thuật của Border Patrol mới tiến vào phòng. Họ bắn chết hung thủ.
Nhưng đến lúc đó – hơn một giờ đồng hồ từ lúc những cảnh sát viên đầu tiên có mặt trong hành lang, mười chín học sinh và hai giáo viên đã bị bắn chết.
Câu hỏi tại sao cảnh sát chần chừ trong gần một giờ đồng hồ cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Trong lúc đó, lực lượng công lực vẫn cho rằng họ đã đáp ứng nhanh chóng.
Không thể hiểu nổi, và có lẽ cũng không thể tha thứ được.
Alfred Garza, cha của cháu bé Amerie Jo Garza, một trong những học sinh thiệt mạng cho rằng phải có người chịu trách nhiệm.
“Họ cần phải phản ứng nhanh hơn, lẹ hơn. Họ đã có làm như thế không? Nếu có có lẽ chúng ta đã có được một kết quả khác hơn.”
Cuộc thảm sát diễn ra ở Uvalde hầu như ảnh hưởng đến tất cả những cư dân của thị trấn nhỏ 16 ngàn dân này. Tang tóc, đau buồn gần như không chừa một ai. Có những gia đình bị mất đến hai đứa trẻ. Như gia đình cụ ông George Rodriguez. Cụ ông năm nay 72 tuổi mất hai đứa cháu.
Cảnh sát cho hay cho đến nay họ vẫn chưa tìm ra động cơ hành động và dấu hiệu báo động nào – một tiền sử bệnh tâm thần hay tiền án – báo trước hành vi kinh khủng của hung thủ.
Nhưng họ biết được rằng chỉ vài ngày sau khi đủ 18 tuổi, Ramos đã mua hai cây súng kiểu AR-15 và 375 viên đạn. Hắn cũng nhắn với một người bạn rằng hắn sẽ bắn vào một ngôi trường.
Chỉ có ở Hoa Kỳ
Nếu kể từ khi tổ chức Education Week bắt đầu theo dõi các vụ nổ súng trong trường học, năm 2018, đến nay đã có 119 vụ. Năm có số lượng cao nhất – 34 vụ, là năm ngoái, 2021. Nhưng có vẻ – rất đáng lo ngại, con số này năm nay có thể sẽ …đạt cao hơn, vì vụ thảm sát ở trường tiểu học Robb Elementary School tại Uvalde là vụ thứ 27. Nó diễn ra ngày 24 tháng 5 năm 2022, chưa hết nửa năm.
Một điểm đáng sợ khác là con số các vụ nổ súng trong trường học mỗi năm mỗi tăng. Năm 2020 chỉ có 10 vụ, các năm 2019 và 2018 mỗi năm có 24 vụ.
Education Week chỉ tính những vụ súng nổ trong khuôn viên của các trường học – từ mẫu giáo đến lớp 12, và trên xe bus chở học sinh, diễn ra trong khi trường hoạt động hoặc trong một sinh hoạt của nhà trường, và có một nạn nhân, không phải là hung thủ, bị bắn. Họ không tính các vụ chỉ có cảnh sát viên nhà trường (school resource officer) hay một cảnh sát viên khác nổ súng.
Vẫn theo Education Week, Uvalde là vụ thảm sát trong trường học có nhiều nạn nhân thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ.
Nếu tính cả những vụ thảm sát bằng súng đạn bên ngoài các trường học trên cả nước Mỹ thì vụ ở Uvalde xảy ra chỉ sau vụ xả súng ở chợ Tops (Buffalo, New York) có 10 ngày. Trong vụ đó, 10 người bỏ mạng.
Nếu tính tất cả các vụ nổ súng hàng loạt trên toàn quốc, năm nay Hoa Kỳ đã có 212 vụ.
Đó là con số được The Gun Violence Archive (GVA), một tổ chức độc lập ghi nhận dữ kiện, công bố.
GVA định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt là khi có từ 4 người trở lên – trừ người xả súng, bị bắn hoặc bị giết.
Theo định nghĩa này, năm 2021, nước Mỹ có 693 vụ, năm 2020 có 611 vụ và năm 2019 có 417 vụ.
Những con số đó cũng cho thấy các vụ nổ súng hàng loạt cũng ngày một gia tăng.
Nhà báo Tyler Weyant của báo mạng Politico cho rằng những cuộc thảm sát hàng loạt – mass shootings, là “Bi kịch cú and paste (cắt và dán) của nước Mỹ. Chúng ta đổi nơi chốn, thành phố, số người chết và bị thương. Nhưng cái không thay đổi là những dinh mạng mất đi.”
Thống đốc tiểu bang New York Kathy Hochul đặt câu hỏi phải chăng bà nên giữ lá cờ Mỹ ở nửa cột – lá cờ rũ khi có tang, mãi mãi
Và tờ báo trào phúng The Onion đã đăng lại hàng tít buồn nhất của tờ báo này lần thứ 21, tính từ vụ thảm sát ở Isla Vista (California) năm 2014:
“Không Có Cách Nào Để Ngừa Được Việc Này,” Quốc Gia Duy Nhất Nơi Chuyện Này Thường Xuyên Diễn Ra Nói Như Thế.
Cho dù động cơ hành động của Salvador Ramos – và những tên sát nhân hàng loạt bằng súng, là bệnh tâm thần hoặc một tâm lý hằn thù, trước sau gì chúng cũng sẽ ra tay giết người, nhưng chúng đã không thể giết người dễ dàng và nhiều người đến thế, nếu không có súng.
Ramos đã mua hai cây súng kiểu AR-15 và 375 viên đạn chỉ vài ngày sau khi hắn ta đủ 18 tuổi. Tuổi hợp pháp để mua súng. Nhiều tên sát nhân khác, kể cả trẻ em dưới 18 tuổi, đã gây ra sự chết chóc bằng súng.
Ở Nhật, Trung quốc cũng có những vụ tấn công vào các trường học. Nhưng hung phạm không có súng, cho nên con số bị giết hay bị thương chỉ rất ít.
Ở Canada cũng có thảm sát trong trường học bằng súng. Nhưng Canada có ít súng và đang dần điều chỉnh hoặc soạn thảo thêm những luật lệ để cho việc sở hữu súng trở nên khó khăn hơn.
Ở nước Mỹ, khi nói đến súng là chạm vào tín ngưỡng của không ít người, có thể gọi là đa số.
Tu chính án số 2 luôn luôn được viện dẫn mỗi khi có tranh luận về súng đạn.
Tổ chức vận động mạnh nhất nước Mỹ là National Rifle Association (NRA – Hiệp hội Súng Quốc gia).
Hoa Kỳ có nhiều súng hơn dân. Theo cuộc khảo sát Small Arms Survey (khảo sát vũ khí nhỏ) năm 2017, trong khi dân số Hoa Kỳ khoảng chừng 326.474.000 người, cả nước Mỹ có đến 393 triệu khẩu súng. (Nói cho đúng, không phải người Mỹ nào cũng có súng, nhưng có những người có nhiều súng.) Trong tổng số đó, chỉ có 6,06 triệu súng được đăng ký.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, súng ngắn là loại súng phổ biến nhất của những người có súng. Khoảng 39% nam giới và 22% phụ nữ nói rằng họ có một khẩu súng. Các gia đình ở nông thôn dễ có nhiều súng hơn các gia đình thành thị, 46% so với 19% và những người từ 50 tuổi trở lên có tỷ lệ sở hữu súng cao nhất so với các nhóm tuổi khác là 33%. Các thành viên đảng Cộng hòa có khả năng sở hữu súng cao gấp đôi so với các thành viên đảng Dân chủ và các gia đình miền Nam có nhiều khả năng sở hữu súng hơn (36%) so với các khu vực khác của Hoa Kỳ.
Và Texas là tiểu bang nhiều súng nhất nước Mỹ: 588.696 khẩu súng ngắn dài.
Theo thông tấn MSNBC, về việc ngăn ngừa nạn bắn giết trẻ con trong trường học, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng hòa, Texas) người đang lăm le ứng cử tổng thống Mỹ, hôm 25 tháng 5 khi đến thăm Uvalde đã không nhắc nhóm gì tới chuyện quản lý hay kiểm tra súng đạn mà than vãn rằng các trường có nhiều cửa quá. Ông nhấn mạnh đến điểm này trên đài Fox và đề nghị các trường học… dẹp hết các cửa ra vào, chỉ để lại một cái cửa duy nhất. Ở cửa này, ông bảo cần bố trí một hai người gác có súng. Thế là kẻ gian chưa vào được trường đã bị bắn hạ, không còn chuyện học sinh thương vong (tin của MNSBC).
Mạng Media Matters thì đếm được 50 giải pháp mà hệ thống Fox News đưa ra trong vòng 24 giờ sau vụ 19 đứa trẻ chết vì súng ở trường Robb. Hầu hết các giải pháp được đề nghị đều liên quan đến súng đạn, nhưng là trang bị súng cho tất cả mọi người, từ hiệu trưởng đến lao công. Sau đó là huấn luyện cho học sinh, lập thêm nhiều hàng rào, đặt kính chống đạn, nâng cao mức án cho những tay súng. Rồi đến…đưa trẻ đến nhà thờ, cầu nguyện, cung cấp mền chống đạn… Cũng có những giải pháp khôi hài như… giảm thuế, thiết quân luật… Hoàn toàn không có một lời về quản lý và kiểm soát súng đạn.
Thật không thể hiểu nổi
Đừng bảo rằng vì Người Kể chuyện là dân Canada gốc Việt nên mới không hiểu những gì vừa xảy ra ở Uvalde. Người Kể chuyện chỉ dùng thông tin, và dẫn lời những người Mỹ.
Hãy nghe một người Mỹ nói về súng đạn ở Mỹ.
Nhà báo Teresa M. Hanafin, bỉnh bút của tờ Boston Globe và chủ bút bản tin qua email Fastforward viết hôm 27 tháng 5 như thế này:
Chúng ta là một quốc gia bệnh hoạn.
Làm sao ai đó có thể lập luận một cách chính đáng rằng Mỹ là quốc gia vĩ đại nhất trên trái đất, là nơi tuyệt vời nhất để sinh sống, khi bất cứ ai trong chúng ta đều có thể bị bắn bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu. Không ai an toàn cả. Không có nơi nào trên đất nước này là an toàn.
Tôi cảm thấy như thể chúng ta đang sống trong thời Cựu ước, sùng bái một vị thần Súng ngoại giáo và thường xuyên dâng hiến con cái và những người khác như một vật hiến tế máu.
Chúng ta dành tâm trí cho súng nhiều hơn dành cho con cái của chúng ta.
Chúng ta lo toan nhiều để bảo đảm rằng bất cứ tên cường bạo nào cũng có thể sử dụng số súng và nhiều loại súng khác nhau tùy thích hơn là lo toan bảo đảm cho con em chúng ta được an toàn ở học đường.
….
Nhà báo Hanafin cũng không quên nhắc rằng chỉ ba ngày sau, hôm 27 tháng 5, NRA, tổ chức vận động cho quyền có súng của người Mỹ lại họp đại hội ở Houston, nơi chỉ cách Uvalde khoảng 277 dặm.
Tại hội nghị đó sẽ có mặt cựu Tổng thống Donald Trump, Thượng nghị sĩ Ted Cruz và nhiều thống đốc, nghị sĩ, dân biểu hết lòng bảo vệ quyền có súng của người Mỹ (và kỹ nghệ sản xuất súng đạn của Hoa kỳ).
Đỗ Quân
(Nguồn: CNN, The Boston Globe, EducationWeek, Quartz…)