Bài – ảnh Trần Công Nhung
Người phụ nữ Việt Nam nếu chưa một lần đội chiếc nón lá và mặc chiếc áo dài, áo lụa Hà Đông, chắc sẽ chưa thấy cái duyên dáng, cái đẹp nên thơ nơi chính mình. Chiếc nón lá với người thiếu nữ Việt chẳng khác gì chiếc khăn Piêu (1) với người con gái Thái vùng Lai Châu Tây Bắc.
Nón lá tuy một dạng nhưng có nhiều kiểu khác nhau, do số vành và góc mở rộng hẹp. Thường thì nón có 16 vòng, Nón Bài Thơ xứ Huế, nón làng Chuông Hà Tây, nón Ba Đồn Quảng Bình, cho đến nón Diên Thủy Khánh Hòa, thảy đều theo chung một lối.
Nón cho dân dã cuốc bẫm cày sâu bao giờ cũng dày, thô mà chắc. Nón cho các bà đi chợ, đơn giản dễ coi giá phải chăng. Nón cho tiểu thư đài các thì nhẹ hững, trong veo thấy trời, nón Bài Thơ, giữa hai lớp lá thế nào cũng có đôi câu:
Tiếng chuông Thiêng Mụ, canh gà Thọ Xương
Hay lời của Trịnh Công Sơn mới ngày nào:
Những hẹn hò từ nay khép lại,
Thân nhẹ nhàng như mây…
Hoặc chỉ đôi ba chữ gợi lên cái đẹp của Huế:
Huế mộng mơ. – Huế Đẹp Huế Thơ
Nếu nón chỉ là một đồ dùng che nắng mưa như mũ đội của đàn ông, thì chẳng có gì đáng nói. Chiếc nón lá đẹp duyên dáng, dịu dàng, và, trong nhiều trường hợp còn quyến rũ đấng mày râu cách mãnh liệt.
Khi nghe: “Nghiêng nghiêng vành nón” hay “vành nón nghiêng nghiêng” có phải cả một bầu trời gợi cảm đã hiện lên trong tâm trí mỗi người? Sau vành nón thấp thoáng một nụ cười, một ánh mắt, một làn da..một sự lôi cuốn bí ẩn, một cái gì khêu gợi mà không ai có quyền hờ hững quay đi.
Nón lá nghiêng che đôi mắt ngọc
Cho tôi thờ thẫn mộng thiên thu
Võ Tá Hân
Về thăm quê mình đi anh
Cố đô mùa mưa tháng lạnh
Đất còn thở ấm hơi anh
Bài thơ nón lá nghiêng vành
Nhật Vũ
Tôi có đọc một truyện ngắn, trong đó tác giả đã bị người con gái Huế cuốn theo, chỉ vì những lửng lơ sau vành nón. Người con gái áo tím với chiếc nón lá nghiêng nghiêng, mỗi câu hỏi là một tiếng “dạ” nhẹ nhàng trả lời. “Em đi học về?” – “Dạ”. – “Tôi đưa em về nhé ?”. – “Dạ”. – “Tôi mời em đi ăn cơm?” – “Dạ”. – “Thôi tôi về đây”. – “Dạ”…Vậy mà người theo không bất bình, chỉ vì chưa khám phá hết bí ẩn sau vành nón.
Nón lá phải đi với áo dài, trắng hay tím. Khi trời ngược gió, bước chân nghiêng, chiếc nón thả, tà áo bay, vừa uyển chuyển vừa kín đáo, và người con gái đẹp biết bao. Chiếc nón lá giúp cho đôi tay nói lên tâm sự thầm kín. Trước bao câu hỏi, đôi bàn tay mượt mà chỉ mân mê vành nón, vuốt vuốt chiếc quai, là đủ trả lời tất cả. Nếu có ai không hiểu thì rõ “uổng công Tạo Hóa” vô cùng .
Chiếc nón tạo cho người con gái thêm nét đẹp nhịp nhàng mềm mại. Mặc áo lụa Hà Đông mà để đầu trần tóc rối hay che một chiếc dù Thượng Hải thì nó lạ đời lắm, khó coi và mất hết ý nghĩa. Nón lá như thứ duyên nợ gắn bó với dáng người thiếu nữ. Càng trẻ, càng cần chiếc nón để điểm tô, để dáng dấp thêm đậm đà lôi cuốn. Đối với thế giới khi nhắc đến người con gái Việt, chắc chắn trong đầu óc họ sẽ hiện lên tà áo dài và chiếc nón lá muôn thuở.
Mấy mươi năm trước, mỗi buổi sáng mờ sương trên bến đò Thừa Phủ, từng tốp nữ sinh áo dài trắng, nón lá trên đầu, cặp sách trước ngực, đợi đò qua trường Đồng Khánh. Một hình ảnh đẹp tuyệt, một hình ảnh làm nao lòng thi nhân. Hình ảnh ấy nay không còn nữa, thiếc thay!
Nón lá không chỉ theo người phụ nữ đi đó đi đây mà nón lá còn lên sân khấu còn đi vào văn học nghệ thuật. “Múa nón”, “Chiếc nón bỏ quên”, “Qua cầu gió (nón) bay”, “Trôi theo dòng”…là những đề tài quen thuộc trong Ca vũ, Hội họa, Nhiếp ảnh.
Nhìn chiếc nón trôi bên hồ hay nằm lẻ loi trên đồi thông, ai cũng có thể hình dung bao nhiêu chuyện chung quanh chiếc nón.
Thuở quen nhau mà được tặng nón hay quai nón của người yêu là niềm hạnh phúc lớn. Tôi thích nón lá dù mình là một đấng nam nhi. Tôi không bao giờ quên cảm xúc khi được tặng chiếc quai nón màu tím năm nào. Và, tôi thích chụp hình những chiếc nón lá. Tôi đã tìm về thăm quê hương của nón.
Nón lá tuy đơn giản bình dị, nhưng để có một chiếc nón quả không dễ dàng. Làng Chuông ở Hà Tây, chuyên nghề nón.
Muốn ăn cơm trắng cá mè
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông.
Chuông cách Hà Nội hơn 20 cây số, đi về trị trấn Vân Đình, cùng hướng đi Chùa Hương… “Người bạn nhỏ” chở tôi, rẽ xe vào một xóm làng bên phải con lộ 21B, qua một chiếc cầu thì vào ngay Chợ Chuông. Lúc đi, tôi đã hình dung những nhà làm nón đông người, tấp nập kẻ vào ra mua bán. Nhưng không, vắng hoe. Chợ họp lưa thưa ngay trong khu vực Đình Chuông. Thấy ngôi đình cổ kính tôi vào thăm và hỏi nơi làm nón. Các bô lão trong đình cho biết cả làng làm nón, song nhà ai nấy làm, rải rác chứ không tập trung. Vào xóm trong gặp được cô gái đi chợ, tôi chận lại:
– Tôi muốn thăm vài nhà làm nón, Em chỉ giùm cho.
– Hôm nay không ai làm đâu vì ngày rằm, mọi người nghỉ đi lễ chùa. Chú muốn mua nón?
– Không, thế ngày thường nhà nào cũng làm?
– Trước kia chứ bây giờ, người ta đi làm nhiều thứ lắm. Nón chỉ làm thêm.
– Sao bảo làng Chuông chuyên nghề nón?
– Dạ đúng thế, nhưng nghề nón bây giờ không sống nổi nên phải sống nhờ công việc khác.
– Nghề khác là nghề gì cháu?
– Dạ nghề xây cất, thợ mộc, đi làm công nhân…
– Vậy nón làm lúc nào, bán cho ai?
– Dạ làm vào những ngày không kiếm ra việc. Một tháng có hai Phiên Chợ Nón, mồng 4 và 10 ngay chợ Chuông.
– Làng Chuông sản xuất nón thường hay có nón đặc biệt?
– Nón thường thôi, nón vành dành cho mấy nhà ngoài đầu cầu, và họ cũng chỉ làm khi có đơn đặt hàng.
Xã hội ngày nay đã thay đổi quá nhiều, nhu cầu, thị hiếu cũng phải đổi theo. Cá cô các bà nhất là ở nơi thị thành không ai còn đội nón. Chiếc mũ vải màu sắc dáng kiểu hấp dẫn giới phụ nữ hơn. Mà cũng chẳng riêng gì nghề nón lui dần mà những nghề mang tính truyền thống khác, như Tranh Đông Hồ cũng chung số phận…
Tuy nhiên nói về nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam là không thể bỏ qua tà áo dài và chiếc nón lá. Một người đẹp đã khoác lên mình chiếc áo dài thì không thể đội bất cứ thứ mũ gì cho hài hòa tình tứ ngoài chiếc nón lá:
Một người con gái đứng
nghiêng nghiêng vành nón lá
Đường chiều bên bờ đê…
Trong nghệ thuật ca vũ nhạc, chiếc nón lá đã giữ vai trò độc đáo trong nhiều màn múa
Từ lâu, hình ảnh người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài truyền thống với chiếc nón lá đã in đậm trong tâm thức người Việt. Khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều có những vùng làm nón lá khá nổi tiếng và mỗi loại nón đều mang những nét đẹp, sắc thái riêng. Nón lá bền đẹp nức tiếng vùng đồng bằng Bắc Bộ là nón lá làng Chuông ở huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Nón lá làng Chuông đã đi vào ca dao từ lâu bởi nghề truyền thống của làng đã có đến hơn 300 năm nay. Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nhưng từ năm 1940 đến nay, những người thợ làng Chuông chỉ còn làm duy nhất một loại nón.
Người làng Chuông không biết ai là Tổ của nghề nón, chỉ nghe tổ tiên kể lại chiếc nón ra đời và gắn bó với mảnh đất Chuông giàu văn hóa tự thuở nào. Những chiếc nón trắng đặc trưng của làng từ thời phong kiến đã từng được dùng cung tiến hoàng hậu, công chúa trong cung cấm. Hàng trăm năm qua, nón lá đã gắn với người phụ nữ Việt Nam để làm nên những hình ảnh duyên dáng thướt tha.
“Trên đầu đội nón làng Chuông
Ra đồng, xuống chợ, tới trường, vào thơ
Dịu dàng che nắng, che mưa
Nón bằng, nón chóp ngàn xưa chung tình”
(Hoàng Cẩm Thạch)
Không quá nhộn nhịp như các làng nghề khác, nhưng đến làng Chuông vẫn dễ dàng nhận thấy dáng dấp của một làng cổ có truyền thống với những mảnh sân phơi đầy nón trắng hay nguyên liệu làm nón. Chợ làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch và chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón. Nón được xếp thành từng chồng dài, trắng lóa. Màu trắng của nón lấp lóa khắp nơi xen lẫn sắc hồng trên má các cô thôn nữ, cùng những tiếng cười giòn tan làm cho không khí trong chợ càng thêm đậm đà bản sắc quê hương. Phiên chợ làng Chuông chỉ bán sản phẩm truyền thống của làng. Đây cũng là một trong những nét độc đáo của làng Chuông còn được lưu giữ đến nay.
(kỳ sau: Nghề làm nón)
Trần Công Nhung
____________________________
Caption: cnl 1: Thợ chằm nón , cnl 2: Chân dung và nón lá, cnl 3: Nón lá bên Hương Giang, cnl 4: Nón quai thao, cnl 5: Nón lá dân chài, cnl 6: Nón lá trong nghệ thuật
Tin sách: Sách QHQOK bộ 16 tập (discount 50% 10 tập đầu). Xin liên lạc tác giả: email:trannhungcong46@gmail.com,
(816)988-5040 hoặc add:
1209 SW. Hopi St.
Blue Springs, MO. 64015 (USA)