Chiến khu Yên Thế

Bài – ảnh: Trần Công Nhung

Tiếp tục con đường tỉnh lộ chúng tôi chạy về hướng chiến khu Yên Thế. Ðường từ Tiên Lục qua Bố Hạ có đoạn còn rải sỏi đỏ. Bố Hạ là quê hương của giống cam nổi tiếng xưa nay. Nhưng anh bạn đi cùng cho biết đã tuyệt chủng, vì sự cãi tiến sai lầm của mấy ông cán bộ nông nghiệp. Hồi đó các ông học cách ghép cây bên Liên Sô, thấy bưởi quả to nên mượn cam ghép bưởi vào, để có những quả cam Bố Hạ lớn như bưởi, bao nhiêu gốc cam cưa sạch. Từ đó Cam Bố Hạ sinh ra một thứ bưởi không phải bưởi, cam không phải cam, thua xa Bưởi Ðoan Hùng, Bưởi Quảng Trạch…Bưởi Năm Roi, một thứ “sáng kiến quái thai”. Hiện nay may ra còn sót một vài cây trong vườn nhà dân, người ta dự trù gây lại giống cam này.
Nghe nói Cam Bố Hạ, người đàn bà đi chung xe đọc mấy câu :

Cuối năm trên đường đi Bố Hạ
Tháng chạp vườn cam lửa đốm vườn
Bãi cỏ quanh co vườn nước chậm
Cheo leo cầu tạm vắt sông Thương
.

Mấy câu thơ sao mà tượng hình, hỏi mới biết, thơ Quang Dũng. Một nhà thơ lớn mà trước 75 miền Nam ít nhắc tới. Quang Dũng đã cho tôi những cảm xúc đẹp khi về thăm Bản Lác Mai Châu hồi đầu năm.
Thị trấn Bố Hạ cũng không hơn gì thị trấn Vôi, đa số dân chúng sống hai bên đường, nhồi than ống, đan mành tre, giỏ tre. Sáng sớm chợ họp ngay trên đường kiểu “chợ chồm hổm”, dân địa phương mua bán với nhau, rau quả sơ sài, hàng hóa chẳng bao nhiêu, sinh hoạt cho thấy đời sống còn rất thấp. Ðặc biệt chiếc xe đạp là phương tiện chuyên chở phổ biến nhất, một chiếc xe có thể chở cả tấn hàng hóa.
Trên đường đi gặp một đồi thông khá đẹp, đẹp nhờ dáng vẻ la,ï nổi hẳn lên giữa ruộng đồng thôn xóm. Ðến gần thấy có một đài liệt sĩ và nhiều nhà ở lộn xộn không còn vẻ đẹp thiên nhiên nữa.

Tới Yên Thế, chiến khu Ðề Thám nằm ngay bên đường qua phố huyện. Ðây là một ngọn đồi phong quang, không có gì nguy hiểm, trên đồi có tòa Nhà Trưng Bày Khởi Nghĩa Yên Thế, nhà xây hai tầng khá lớn, có tượng Hoàng Hoa Thám cao 4m do nhà điêu khắc Anh Vũ thực hiện. Nhà Trưng Bầy không mở cửa, chúng tôi xem bên ngoài, đẹp và oai vệ là bức tượng xi măng giả đồng sừng sững trên khu sân rộng ngay chỗ tam cấp bước lên Nhà Trưng Bầy. Toàn bộ kiến trúc khu kỷ niệm Yên Thế mang nét hiện đại, ngoại trừ ngôi Ðền Thề Nghĩa Quân, có đã lâu, nhỏ như ngôi miếu làng, nằm đối diện với bức tượng đầu sân bên kia.
Bà già giữ Ðền thấy chúng tôi vội đi mở cửa, hình như ai đến đây cũng vào Ðền thắp nhang. Du khách vãn cảnh các đền đài thường mua nhang lễ bái, làm công đức. Có nơi còn bày sổ vàng mời khách ký. Dù không đáng gì song vẫn làm cho mọi người khó chịu.

Ngôi Ðền không lớn, nằm giữa rừng cây xanh cao, có tấm bảng treo ngang: “Ðền Thề Nghĩa Quân”. Trong Ðền, thờ phượng giản dị không rườm ra như các chùa: Giữa thờ Phật Thánh, bên phải có bàn thờ Hoàng Hoa Thám. Tượng thờ trông mộc mạc, khăn đống áo dài đúng là anh hùng áo vải. Tuy nhiên tượng theo lối tượng thờ cúng đồng bóng màu mè, không như tượng đặt trước Nhà Trưng Bày, lột tả được tinh thần của nhân vật, đồng thời có nét nghệ thuật cao.

Anh bạn thắp nhang lễ, tôi chụp hình, ra ngoài tôi nhìn quanh một vòng để hình dung “chiến khu Hùm Yên Thế” ngày xưa, giờ đây mọi thứ đều quang đãng, cư dân ở quanh, không còn là nơi rừng thiêng nguy hiểm như trước đây. Ðề Thám là người tài trong phong trào Cần Vương, ròng rã 30 năm đánh phá thực dân Pháp cả một vùng rộng lớn gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Hóa. Người Pháp kết hợp với Tổng Ðốc Lê Hoan, đàn áp không được phải điều đình nhường cho ông 6 tổng 22 làng để lập khu tự trị và mở đồn điền. Toàn Quyền Doumer còn cho con trai làm con nuôi Ðề Thám để học tiếng Việt, nhưng mục đích là làm gián điệp, chụp ảnh lấy tin tất cả bí mật trong chiến khu.

Cái chết của Ðề Thám cũng có nhiều huyền thoại. Theo sử thì ông bị Lương Tam Kỳ phản bội ám sát tại một nơi cách chợ Gồ 2km (ngày 18-3-1915). Theo truyền miệng của dân địa phương thì Pháp đã bắt một ông Sư ở chùa Lèo giống Ðề Thám, chặt đầu rồi bêu ra chợ cho công chúng xem như một lời cảnh báo. Thực thì trong khi Pháp tấn công vào đồn Phồn Xương, Ðề Thám đã đi Tam Ðảo. Và đến giờ này cũng không rõ mộ Ðề Thám ở đâu. Bà Ba Cẩn bị bắt đưa về Algerie, trên đường đi bà đã nhảy xuống biển tự vẩn, không rõ người Pháp có vớt xác bà lên không, hiện không ai biết mộ bà ở đâu. Con gái là Hoàng Thị Thế lúc ấy mới 9 tuổi, được đưa về Pháp, bộ thuộc địa nhận làm con nuôi cho ăn học. Ðến năm 1925, bà được đưa về Tòa Thông Sứ Nam Kỳ làm thư ký, sau bà trở về Pháp lập gia đình, có một con trai. Thật ra thời ấy Hoàng Hoa Thám định gả con gái cho Nhà Thanh để làm thân cầu viện. Nhưng chuyện chưa thành thì đã bị Pháp tấn công.
Từ Ðền Nghĩa Quân nhìn qua bên kia chiến hào đầy nước, phía gần Nhà Trưng Bầy đã lấp đất làm lối đi, là đồn Phồn Xương, tức cứ điểm của Ðề Thám. Ðồn có đoạn tường gạch phục chế mặt trước, nhiều lỗ châu mai. Cổng đồn nhỏ xíu như cổng nhà. Trong đồn một rừng bạch đàn, có lẽ được trồng sau này. Có Ðền thờ bà Ba Cẩn. Có mộ bà Hoàng Thị Thế con gái Hoàng Hoa Thám. Hoàng Hoa Thám có 3 bà vợ, bà Cả chuyên lo quân lương, nấu rượu cho nghĩa quân. Bà Ba sát cánh chiến đấu với Ðề Thám, và tỏ ra có tài thao lược, quân Pháp phải nể. Ðề Thám có hai người con nuôi Cả Dinh và Cả Quỳnh.

Hàng năm Yên Thế mở hội vào các ngày 16,17,18 tháng 3 Dương lịch. Dân chúng quanh vùng về dự hội tưng bừng với những trò chơi truyền thống. Lễ Hội Yên Thế như một lời nhắc nhỡ tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt.

Trần Công Nhung

________________________________

Tin sách
Sách Quê hương qua ống kính bộ 16 tập (discount 50% 10 tập đầu) xin liên lạc tác giả:
Tran Cong Nhung
6357 E. Mono St. Fresno, CA. 93727
email: trannhungcong46@gmail.com
tel.: (816) 988-5040

Xem thêm

Nhận báo giá qua email