Phần 2: Có hầm, có thuốc, có sống sót không?
Dĩ nhiên là không ai muốn, nhưng cái luật mang tên ông Mỹ Murphy – Murphy’s law, luôn nghiệm.
Chắc bạn biết cái luật này chứ. Đại khái nó như thế này: “Tất cả những điều có thể trở nên xấu, sẽ xấu đi.”
Thế cho nên bất chấp nhiều nhận định và phát ngôn – loại tự mệnh danh là tỉnh trí, lạc quan, trấn an người ta rằng sẽ không thể xảy ra chiến tranh hạt nhân, không có chuyện Nga sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử ở Ukraine, một tai họa hạt nhân vẫn có thể xảy ra.
Trong một tuyên bố hôm 9/3/ 2022, Liên minh châu Âu lo lắng: “Chúng tôi vô cùng lo ngại về rủi ro an toàn, an ninh và các biện pháp bảo vệ hạt nhân tạo ra bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.”
Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Hóa học, Sinh học và Hạt nhân của Vương quốc Anh và NATO, hiện là một thỉnh giảng viên tại Đại học Magdalene, Cambridge nói: “Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, tất cả chúng ta đã quên nó và để nó ngủ, cho đến khi tên điên xâm lược.”
“Sh*t hits the Fan” – viết tắt SHTF, là một thành ngữ lóng (slang) của thời đại mới. Thành ngữ này được dùng để chỉ một thảm họa – họa tai thiên nhiên, tấn công khủng bố, chiến tranh, sụp đổ tài chánh… Thành ngữ này thật dễ hiểu, bạn cứ hình dung cái hình ảnh theo nghĩa đen của nó. Khi cục phân văng tới cái quạt, nó sẽ bị chém vụn, và vụn sẽ tung tóe khắp mọi nơi, khó mà né được, khó mà tránh khỏi bị dính.
Vậy hãy xem khi cái trường hợp STF đó xảy ra thì mọi chuyện sẽ ra sao.
Hồi năm 1954, hai trái bom nguyên tử của Mỹ được thả xuống đất Nhật.
Quả bom được thả xuống Hiroshima có công suất 15 kiloton. Những người trên mặt đất ở Hiroshima, nói rằng đầu tiên họ thấy một tia sáng rực rỡ, rồi sau đó là một tiếng nổ lớn.Khoảng 70.000 người có thể đã chết do tác động của vụ nổ, sức nóng và bức xạ ban đầu. Gần như mọi cấu trúc trong phạm vi một dặm tính từ ground zero bị phá hủy, và hầu hết mọi tòa nhà trong phạm vi ba dặm đều bị hư hại. Quả bom ném xuống Nagasaki gần 20 kiloton. Trong số 52.000 ngôi nhà ở Nagasaki, 14.000 ngôi nhà bị phá hủy và 5.400 ngôi nhà khác bị hư hại nghiêm trọng. Người ta sẽ không bao giờ biết chắc chắn có bao nhiêu người chết vì hậu quả của vụ tấn công nguyên tử vào Nagasaki. Ước tính tốt nhất ban đầu là 40.000 người chết, 60.000 người khác bị thương. Đến tháng 1 năm 1946, số người chết có lẽ lên tới 70.000 người, cuối cùng có lẽ gấp đôi tổng số người chết trong vòng 5 năm.
Tại cả hai thành phố, những người trong vòng 1 cây số tính từ “ground zero” – nơi bom nổ, bị cháy thành than. Da của những người ở cách xa đó 1,5 km bị sức nóng đốt cháy từng mảng, sau đó bị bong tróc.
Nhiều người sống sót, sau này được gọi là “hibakusha” trong tiếng Nhật, bị bệnh bức xạ cấp tính (Acute Ratiation Syndrome/ ARS) từ các tia neutron và tia gamma được sinh ra từ sự phân hạch hạt nhân trong các vụ nổ. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy ra máu, rụng tóc, sốt và khát dữ dội. Chính phủ Nhật Bản đã công nhận khoảng 650.000 người là hibakusha.
Bom hồi đó to và nặng nhưng yếu xìu. Ngày nay, những đầu đạn hạt nhân nhỏ, nhẹ và có thể được phóng đến mục tiêu từ xa, không cần phải chở bằng oanh tạc cơ. Tầm phá hoại và sát hại của những đầu đạn cỡ nhỏ thôi, đã gấp hàng chục lần hai quả bom năm 1945. Còn đầu đạn lớn thì khủng khiếp khỏi nói. Những gì bạn vừa đọc chắc chắn phải nhân lên gấp nhiều lần khi những đầu đạn hạt nhân loại mới rơi xuống.
Chúng tôi muốn sống
Không phải cuốn phim sản xuất năm 1956 nói về cuộc vượt tuyến đến miền đất tìm tự do của người dân miền Bắc với tài tử Lê Quỳnh.
“Chúng tôi” ở đây, ngày nay là những người đang tìm cách để trở thành người sống sót khi một cuộc chiến tranh hạt nhân diễn ra. Gần nhất là những người ở các nước Âu châu, nơi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể trở thành một cuộc xung đột hạt nhân, với việc Tổng thống Nga Vladimir V. Putin ra lệnh đưa lực lượng hạt nhân của Nga vào trạng thái “sẵn sàng chiến đấu đặc biệt.”
Minus Energie là một công ty Ý chuyên sản xuất những bunker hạt nhân. Suốt hai mươi hai năm, Minus Energie chỉ xây dựng và thiết trí 50 hầm trú ẩn chống sức nổ và phóng xạ hạt nhân này. Trong vòng hai tuần lễ vừa qua, con số nhận được là hơn 500.
Chủ nhân công ty, ông Giulio Cavicchioli “than”: “Chúng tôi quay cuồng trong cơn lốc nhu cầu này. Việc xây dựng bunker là một cơn cuồng loạn, thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi về việc các đầu đạn hạt nhân của Nga có thể vươn ra khắp châu Âu.”
Trước đây, đúng như trường hợp của Cavicchioli và công ty Minus Energie, nhu cầu về bunker vẫn có, nhưng chỉ dành cho những người quá sức lo xa, thật lắm tiền nhiều của, và ở xa Âu châu.
Như ở Hoa Kỳ thời 2017, khi Cậu Ủn Kim Jong Un, thằng nhóc khoái chơi hỏa tiễn (The Rocket Man), và Anh Châm Donald Trump – anh già lẩn thẩn (the Dotard) đấu võ mồm với nhau. Hãng Rising S. Bunker ở Mỹ rao giá từ 35 ngàn đô cho một economy survival shelter (nơi ẩn trú để sống còn hạng rẻ tiền) đến bunker xa xỉ gần 8 triệu rưỡi đô.
Sự quan tâm đến các loại bunker đang đến từ những người trên những bậc thang thu nhập khác nhau.
Artemis Protection, một nhà sản xuất bunker ở Pháp chuyên cung cấp và thiết trí các bunker hạng sang. Bunker của Artemis Protection được đúc sẵn với hệ thống lọc không khí, Mathieu Séranne, người sáng lập Artemis Protection nói các hầm trú ẩn của ông “giống như một ngôi nhà gỗ (chalet), nhưng nằm dưới lòng đất”. Một bunker cao cấp của Artemis Protection giống như một căn condo sang trọng, hoàn chỉnh với trần nhà cao, hệ thống chiếu sáng âm tường và phụ kiện cao cấp, cùng với các tiện nghi căn bản gồm phòng khách, vòi sen và TV. Trước đây, chỉ có “những người thực sự giàu có” mới quan tâm đến chúng. “Nhưng từ hai tuần nay, chúng tôi bắt đầu nhận được hàng tấn nhu cầu từ những người bình thường.”
Séranne nói. “Chúng tôi đã phải thay đổi toàn bộ chiến lược thương mại của mình” khi các lời thăm hỏi đã tăng lên đến hàng trăm. Nay, ông đã bắt đầu bán những hầm trú ẩn không có nhiều trang bị và tiện nghi lắm để có giá vừa túi tiền – khoảng 140.000 euro, tương đương khoảng 152.000 đô la – và nhỏ hơn “để thích ứng với nhu cầu mới này”. Cả những loại “bare bone”, tức là trần trụi mỗi cái vỏ bê tông rỗng.
Cả đến những công ty bên ngoài Âu châu cũng bận rộn.
Gary Lynch, tổng giám đốc của Rising S Company, một nhà xây dựng bunker dân cư có trụ sở tại Murchison, Texas, cho biết gần đây, ngoài những dò hỏi từ Hoa Kỳ và Canada, ông đã bắt đầu nhận được các thăm hỏi của các khách hàng tiềm năng ở Ý, Romania, Thụy Điển và Vương quốc Anh, bên cạnh. Ông nói: “Chúng ta có một siêu cường thế giới đang đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân; chỉ điều đó thôi cũng đủ đáng sợ”.
Lynch cho biết các hầm trú ẩn loại pre-fab (kiểu tiền chế) sẽ chịu được tiếp xúc với các cuộc tấn công hóa học, sinh học và hạt nhân. Một số sử dụng khung thép đủ mạnh để chống động đất và có cả cửa chống đạn. Các model cao cấp nhất – trị giá đến hàng triệu đô la – có thể bao gồm hệ thống lọc không khí, trạm sạc năng lượng mặt trời, đầu vào nước ngọt, bể loại bỏ chất thải và bảo mật hồng ngoại. Rising S sản xuất bunker tại một xưởng ở địa phương và vận chuyển chúng ra nước ngoài. Trong khoảng thời gian 10 ngày gần đây, Lynch cho biết đã nhận được 1.600 yêu cầu từ những người quan tâm đến một hầm trú ẩn dưới lòng đất, nơi họ có thể trú ẩn trong trường hợp xảy ra biến cố hạt nhân. Con số đó so với hai đến sáu cuộc gọi mà ông ta thường nhận được trong cùng khoảng thời gian đó từ những người tiêu dùng tìm cách xây dựng phòng hoảng loạn hoặc không gian lưu trữ an toàn cho vũ khí hoặc vật có giá trị. Bốn mươi trong số những yêu cầu của khách hàng đã dẫn đến việc bán các bunker với giá từ 60.000 đến khoảng 200.000 đô la, bao gồm cả công lắp đặt.
Không chỉ người dân, các chính phủ các quốc gia Âu châu – từ Ý đến Thụy Điển, từ Bỉ đến Anh, đang tất bật xem lại, trùng tu, xây dựng mới những nơi trú ẩn khi xảy ra một cuộc chiến tranh có vũ khí nguyên tử.
Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy của Lực lượng Phòng thủ Hóa học, Sinh học và Hạt nhân của Vương quốc Anh và NATO nói rằng các bunker trên khắp châu Âu “đã bị hư hỏng” và đã mục nát. Ông de Bretton-Gordon nói: “Chúng tôi hoàn toàn không có chuẩn bị trước. Nhưng mỗi ngày trôi qua, việc này ngày càng trở thành hiện thực, mà thực sự đây là điều có lẽ chúng ta cần phải suy nghĩ chi tiết.”
Các nước ở gần Nga đã và đang suy nghĩ như thế. Phần Lan, ở biên giới phía tây của Nga, đã duy trì sự sẵn sàng quân sự cao trong nhiều năm, thường xuyên kiểm tra báo động và có “truyền thống lâu đời về sự chuẩn bị”, theo Petri Toivonen, Tổng thư ký Ban Thư ký Ủy ban An ninh Phần Lan. Ông Toivonen cho hay Phần Lan đã liên tục xây dựng các hầm trú ẩn và hiện có “khoảng 50.000 nơi trú ẩn chức được chừng 4 triệu người.”
Thụy Điển đã khởi động chiến lược “phòng thủ toàn diện” sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Giờ đây, Cơ quan Phòng ngừa các sự kiện bất ngờ Dân sự của Thụy Điển đang thử nghiệm hệ thống cảnh báo các cuộc không kích và phát hành một cuốn sách nhỏ về cách phòng tránh theo kiểu thời Chiến tranh Lạnh. Trong tập Hướng dẫn gồm 20 trang này có một danh sách checklist các món chính mà người dân cần mua trữ để sống còn trên đường chạy trốn hoặc trong một nơi trú ẩn.
Thụy Sĩ là nơi đã sẵn sàng từ lâu. Từ thập niên 1960, đã có buộc các tòa nhà dân cư phải có các hầm trú ẩn hạt nhân. Cửa thép gia cố và bộ lọc khí của các bunker là những nét quen thuộc trong các tòa nhà trên khắp đất nước. Ngoài ra còn có hơn 350.000 bunker công cộng – bao gồm một hầm trú ẩn trên xa lộ Lucerne cho 20.000 người. Hệ thống hầm trú ẩn đó được cho là có thể bảo vệ toàn bộ dân số quốc gia này.
Ở Anh quốc, theo de Bretton-Gordon nói, gần như tất cả khoảng 650 bunker được sử dụng sau Thế chiến thứ hai ở Anh đã không còn hoạt động, một số là điểm thu hút khách du lịch và ít nhất một hiện được sử dụng làm hầm rượu ngon. Một số ít vẫn hoạt động được dành cho các giới chức chính phủ.
Ngoài chuyện lo hầm trú ẩn, người ta còn đang lo tìm thuốc chống bức xạ và ngăn ngừa ung thư do tiếp xúc với bức xạ.
Potassium iodide, ký hiệu KI, Kali iodua, là một hợp chất hóa học vô cơ giữa nguyên tố Kali và Iode, được dùng làm thuốc và thực phẩm chức năng. Dùng như thuốc, nó được sử dụng để điều trị cường giáp, trong trường hợp khẩn cấp bức xạ và để bảo vệ tuyến giáp khi một số loại dược phẩm phóng xạ được sử dụng.
Trên ebay, 20 viên ThyroSafe, có thành phần hoạt chất là KI, hiện có thể bán được tới 175 đô la.
Tuần trước, nhà phân phối chính thức của ThyroSafe đã công bố trên trang mạng của họ về việc ngừng nhận các đơn đặt hàng mới, và các đơn đặt hàng hiện có sẽ bị trì hoãn giao hàng. Có ít nhất một công ty khác trong số bốn công ty được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cho phép bán hợp chất KI, đã sạch kho hàng.
Nhu cầu cũng tăng lên ở châu Âu. Các phương tiện truyền thông địa phương đã đưa tin về sự gia tăng bất ngờ của nhu cầu potassium iodide ở Romania, Croatia, Ba Lan, Hòa Lan và Phần Lan.
Hồi đầu tháng 3, cơ quan kiểm soát hạt nhân liên bang của Bỉ đã phải ra thông báo trấn an công chúng rằng tình hình ở Ukraine không gây nguy hiểm cho người dân và không có lý do gì để mua hoặc tích trữ potassium iodide. Nhưng rồi đến đầu tháng 4, chính phủ Bỉ đã vất vả để lo cấp miễn phí KI cho dân chúng. Michael Storme, một giới chức của Hiệp hội Dược sĩ Bỉ, nói với hãng thông tấn Bỉ Belga rằng chỉ riêng hôm thứ Hai tuần trước, các hiệu thuốc trên cả nước đã phân phối hơn 30.000 hộp.
Người ta hốt hoảng, đổ xô nhau đi mua những thứ có iode, bất chấp đó có phải là loại dược phẩm được chỉ định để trị bức xạ hay không.
Andrea Neri, một dược sĩ ở trung tâm Trieste, một thành phố ở phía đông bắc của Ý, giải thích “Potassium iodide được sử dụng vào những năm 1980 sau vụ nổ Chernobyl, nhưng nó là một chất độc và chỉ được cung cấp khi có toa bác sĩ.”
Ở Ý, các loại vitamin có chứa iode đã bay khỏi kệ hàng.
Những thứ thuốc đó chẳng giúp được gì cả. Stefano Franceschini, một dược sĩ ở Rome nóit rằng chuyện đúng là phong trào, “Người ta đổ xô đi mua các loại vitamin có một lượng nhỏ iode trong đó mà không hiểu rõ cái món đó là gì, và thứ gì thực sự có thể bảo vệ họ trong trường hợp nổ hạt nhân. Chính yếu là do sợ hãi”.
Nhưng có hầm, có thuốc, có sống không?
Hiroshima và Nagasaki cho thấy rằng ARS ngắn hạn và bức xạ dài hạn từ bụi phóng xạ sẽ là vấn đề nhẹ nhất của chúng ta sau chiến tranh hạt nhân. Nghiêm trọng hơn nhiều là sự sụp đổ xã hội, nạn đói và sự phá vỡ phần lớn sinh quyển của hành tinh.
Và đó chính là lý do mà cho đến nay, Hoa Kỳ và NATO vẫn tự kẽ cho mình một lằn ranh, không trực tiếp chiến đấu với quân Nga trong lúc Putin hết lần này đến lần khác đe dọa họ rằng làm thế này là, làm thế kia là trực tiếp tấn công Nga.
Có nơi trú ẩn, có thuốc trị bức xạ dĩ nhiên là có cơ may sống sót hơn người khác, nhưng sẽ sống sót được bao lâu, và sống sót như thế nào?
Một nghiên cứu được công bố cách đây hai năm đã xem xét các tác động có thể xảy ra khi hai nước Ấn độ và Hồi quốc (Pakistan) đấu bom hạt nhân. Trong kịch bản này, hai nước chỉ dùng khoảng 100 quả bom hay đầu đạn cỡ Hiroshima (công suất mỗi quả 15 kilo ton) để dội lên các khu vực đô thị đông dân nhất của đối phương. Mỗi vụ nổ được ước tính có thể thiêu rụi một khu vực 13 cây số vuông.
Các cuộc nghiên cứu đã không tính toán đến con số người chết trực tiếp trong kịch bản chiến tranh hạt nhân “có giới hạn” này, nhưng có lẽ sẽ lên tới hàng chục đến hàng trăm triệu. Các tác động lên hành tinh còn nặng nề hơn.
Thành ngữ “tránh trời không khỏi nắng” lúc đó sẽ không còn ý nghĩa nữa vì sẽ không còn nắng. Khói từ các thành phố bị đốt cháy bốc lên cao vào bầu khí quyển, bao bọc hành tinh trong một lớp muội bồ hóng (soot) ngăn chặn tia sáng Mặt trời.
Trong cuộc nghiên cứu cuộc chiến cỡ nhỏ kể trên, khoảng 5 Tg (teragram, ngàn tỷ gram) muội bồ hóng xuất phát từ khói của các đám cháy rừng và các tòa nhà đang cháy sẽ đi vào bầu khí quyển.
Những thí dụ “nhỏ” của hiện tượng này là các vụ núi lửa phun và cháy rừng gần đây.
Khi muội than bay đến tầng bình lưu, nó lưu thông trên toàn cầu, chặn năng lượng và bức xạ mặt trời, và làm giảm 1,8 độ C nhiệt độ bề mặt Trái đất trong 5 năm đầu tiên.
Đây sẽ là một đợt “làm mát” (cooling) Trái đất mạnh hơn so với bất cứ vụ núi lửa phun trào nào gần đây và nhiều hơn bất cứ sự xáo trộn khí hậu nào trong ít nhất 1.000 năm qua. Lượng mưa thay đổi đáng kể và tổng lượng mưa giảm khoảng 8%. (Những kết quả này đến từ các mô hình khí hậu cùng kiểu được sử dụng rộng rãi để dự báo các tác động lâu dài của phát thải khí nhà kính.)
Chỉ trong vòng một năm, xuất cảng lương thực sẽ sụt giảm do nguồn dự trữ cạn kiệt, và đến năm thứ 4, tổng cộng 1,3 tỷ người phải gặp khó khăn vì mất đi khoảng 1/5 nguồn cung cấp lương thực mà họ đang có. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “một cuộc xung đột khu vực sử dụng <1% (nhỏ hơn một phần trăm) kho vũ khí hạt nhân toàn thế giới có thể gây ra những hậu quả bất lợi cho an ninh lương thực toàn cầu chưa từng có trong lịch sử hiện đại ”.
Một nghiên cứu năm 2014 về một kịch bản tương tự (cuộc trao đổi 100 vũ khí hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan) cho thấy muội than thâm nhập vào tầng bình lưu sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho tầng ôzôn của Trái đất, làm tăng sự xâm nhập của tia cực tím lên 30-80 phần trăm ở các vĩ độ trung bình. Các nhà nghiên cứu viết: Điều này sẽ gây ra “thiệt hại trên diện rộng đối với sức khỏe con người, nông nghiệp cũng như các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước. Sự kết hợp của sự làm mát và tăng cường tia cực tím sẽ gây áp lực đáng kể lên nguồn cung cấp lương thực toàn cầu và có thể gây ra “nạn đói hạt nhân” toàn cầu.”
Nếu chỉ có 100 vụ nổ hạt nhân mà nạn đói hạt nhân toàn cầu đã có thể xảy ra, thì hậu quả của việc trao đổi vài ngàn đầu đạn mà Mỹ và Nga đang giữ trong kho hiện tại sẽ lên đến cỡ nào?
Một nghiên cứu năm 2008 đã xem xét kịch bản chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Ở kịch bản này, Nga sẽ bắn 2.200 vũ khí vào các nước phương Tây, và Mỹ sẽ bắn vào Trung Quốc và Nga mỗi nước 1.100 vũ khí. Tổng cộng có 4.400 đầu đạn phát nổ, tương đương với khoảng một nửa lượng hàng hiện đang tồn kho ở Nga và Mỹ. Vũ khí hạt nhân do các quốc gia khác nắm giữ không được sử dụng trong kịch bản này.
Số lượng các vũ khí được sử dụng có đương lượng nổ 440 tấn, tương đương khoảng 150 lần tất cả các quả bom đã phát nổ trong Thế chiến II. Cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn này ước tính sẽ gây ra 770 triệu cái chết trực tiếp và tạo ra 180 Tg muội từ các thành phố và rừng bị cháy. Tại Hoa Kỳ, khoảng một nửa dân số sẽ ở trong phạm vi 5km tính từ ground zero và một phần năm công dân Mỹ sẽ bị giết ngay tức khắc.
Một nghiên cứu tiếp theo, được công bố vào năm 2019, đã xem xét lượng muội than 150 Tg vào khí quyển có thể so sánh được, nhưng thấp hơn một chút sau một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô tương đương. Sự tàn phá gây ra nhiều khói đến nỗi chỉ còn có 30 – 40% ánh sáng mặt trời chiếu được tới bề mặt Trái đất trong sáu tháng tiếp theo.
Sau đó àa nhiệt độ giảm mạnh, với thời tiết ở dưới mức đóng băng trong suốt mùa hè Bắc bán cầu. Thí dụ như ơ Iowa, mô hình cho thấy nhiệt độ ở dưới 0 ° C trong 730 ngày liên tiếp. Không có mùa trồng trọt và sinh trưởng. Đây là một mùa đông hạt nhân thực sự.
Cũng không phải chỉ là có một đợt ngắn như thế. Nhiệt độ vẫn giảm xuống dưới mức đóng băng vào mùa hè trong vài năm sau đó, và lượng mưa toàn cầu giảm một nửa trong năm thứ ba và thứ tư. Phải mất hơn mười năm để những gì điều gì như khí hậu bình thường trở lại với Trái đất. Nhưng đến lúc đó, hầu hết dân số Trái đất đã chết từ lâu. Sản lượng lương thực của thế giới sẽ giảm hơn 90%, gây ra nạn đói toàn cầu khiến hàng tỷ người thiệt mạng vì đói. Ở hầu hết các quốc gia, ít hơn một phần tư dân số sống sót vào cuối năm thứ hai trong kịch bản này. Nguồn cá toàn cầu bị tiêu diệt và tầng ôzôn sụp đổ.
Các mô hình đó chi tiết một cách kỳ lạ. Trong kịch bản chiến tranh hạt nhân với 4.400 đầu đạn và 150 Tg muội, tính trung bình trong 5 năm tiếp theo, lượng calo thực phẩm Trung Quốc giảm 97,2%, Pháp giảm 97,5%, Nga 99,7%, Anh 99,5% và Mỹ 98,9 phần trăm. Ở tất cả các quốc gia này, hầu như tất cả những người sống sót sau vụ nổ đầu tiên sau đó sẽ chết đói.
Ở kịch bản chiến tranh hạt nhân muội 150 Tg, có thể rằng một số người sẽ sống sót, để rồi sau đó tái dân số cho Trái đất, và sự tuyệt chủng ở cấp độ loài của người Homo sapiens là khó có thể xảy ra ngay cả sau một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Những mô hình nghiên cứu kể trên cho thấy là nếu có hầm trú ẩn, có thuốc trị nhiễm bức xa, có thực phẩm… người ta vẫn có thể sống sót sau một trận chiến tranh hạt nhân.
Nhưng để sống sót được như thế đối với những người bình thường quả thật không dễ, thậm chí lả không tưởng. Phần lớn dân số loài người sẽ phải chịu những cái chết vô cùng khó chịu vì bỏng, phóng xạ và đói khát, và nền văn minh nhân loại có thể sẽ sụp đổ hoàn toàn. Và những người sống sót sẽ phải kiếm sống trên một hành tinh khô cằn, hoang tàn.
Chính với sự hiểu biết chung này về hậu quả của một trận chiến tranh hạt nhân Tận thế mà năm 1985, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev đã tuyên bố rằng “một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể chiến thắng và phải không bao giờ được “nổ ra”.
Hồi đầu năm nay, các lãnh đạo của 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân – trong đó có Biden và Putin, đã tái khẳng định tuyên bố đó “We affirm that a nuclear war cannot be won and must never be fought.”
Nhưng…biết đâu!
The Bulletin of the Atomic Scientists (BAS, bản tin của các nhà khoa học nguyên tử), là một tổ chức phi lợi nhuận liên quan đến khoa học và các vấn đề an ninh toàn cầu do sự tăng tốc các tiến bộ công nghệ gây hậu quả tiêu cực cho nhân loại.
Hai năm sau ngày quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới được ném xuống Hiroshima, Họ đưa ra một chiếc đồng hồ, đặt tên là Doomsday Clock (Đồng hồ Ngày tận thế) làm biểu tượng đại diện cho khả năng xảy ra một thảm họa toàn cầu do con người tạo ra.
Một thảm họa toàn cầu giả định được thể hiện vào lúc nửa đêm trên đồng hồ. Vào Tháng 1 mỗi năm, họ đánh giá độ gần của của thế giới với một thảm họa được thể hiện bằng một số phút hoặc giây đến nửa đêm. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến đồng hồ là nguy cơ hạt nhân và biến đổi khí hậu..
Kim trên chiếc đồng hồ Tận thế này được vặn cách nửa đêm có 100 giây đồng hồ vào tháng 1 năm 2022. Ngày 7 tháng 3 vừa qua, BAS đưa ra thông báo cập nhật, nhắc lại chúng ta chỉ còn cách nửa đêm có 100 giây.
Đỗ Quân
(tài liệu: BBC, CBS, NYT, Bulletin of the Atomic Scientists, Allianceforscience)