Phần 1: Chuyện ai cũng sợ!
Người ta đang lo lắng về một cuộc chiến tranh nguyên tử, hoặc cuộc Thế chiến thứ 3 với vũ khí nguyên tử. Cuộc chiến tranh mà sau đó, như Einstein đã nhận định, người ta nếu còn đánh nhau thì vũ khí sẽ được sử dụng là gậy và đá.
Đã hơn một tháng kể từ ngày quân Nga khởi sự cuộc xâm lăng Ukraine. Chiến dịch đặc biệt của quân đội Nga đã không diễn tiến nhanh như dự kiến chắc ăn như bắp của Putin mà ngược lại. Quân đội Nga chịu tổn thất nặng, và bị thế giới– dĩ nhiên trừ những nước sợ Putin và những người sùng bái Putin, chế giễu và chửi rủa.
Tổng tư lệnh của quân đội hùng mạnh hàng thứ 2 thế giới, người hùng của nước Nga vĩ đại, không thể chịu cái nhục bị một “tên hề” đánh xiểng niểng.
Bên cạnh đó, phản ứng của thế giới – với những biện pháp phong tỏa kinh tế, tài chính và tẩy chay cũng đã khiến nước Nga bắt đầu lao đao và chắc chắn sẽ vất vả trong nhiều năm sau này.
Một nhân vật có thẩm quyền về tài chánh quốc tế, ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch của S&P Global và là chuyên gia hàng đầu về năng lượng, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin “đã phá hủy những gì ông ta đã dành 22 năm để xây dựng, về nền kinh tế Nga.”
Ông Yergin nói còn nhẹ, theo CNBC, các nhà kinh tế, nhà đầu tư và nhà ngoại giao nhận định rằng cuộc chiến vô cớ của Vladimir Putin đối với Ukraine và kết quả là phản ứng toàn cầu sẽ khiến nền kinh tế Nga tụt lùi ít nhất 30 năm – gần với thời Liên Xô cũ – và hạ thấp mức sống của nước này trong ít nhất 5 năm tới.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng vừa chính thức xác nhận, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi Putin là “war criminal” – tội phạm chiến tranh, quân đội Nga đã tiến hành các tội ác chiến tranh ở Ukraine
Tất cả những điều đó có thể, và có vẻ như càng làm cho Max Vlad điên thêm.
Hắn ta đã dùng đến bom và phi đạn siêu siêu thanh.
Hắn ta đang chuẩn bị dùng vũ khí hóa học và sinh học.
Và hắn ta – cùng các nịnh thần, đã dọa rằng bất cứ sự can thiệp nào của NATO và Hoa Kỳ sẽ đưa đến chiến tranh nguyên tử.
Cái mà những người tỉnh trí trên thế giới sợ nhất.
Một cuộc chiến tranh nguyên tử
“… bất cứ cố gắng nào cản trở hành động quân sự ở Ukraine sẽ phải nhận lấy “hậu quả chưa từng có trong lịch sử”.
Lời đe dọa của Vladimir Putin đặt cả thế giới vào tình trạng báo động như ở thời điểm 60 năm trước. Ngày đó Liên Xô cũng đã đe dọa khởi diễn một cuộc chiến tranh hạt nhân bằng cách trang bị cho Cuba hỏa tiễn đạn đạo. Những nỗ lực giải trừ quân bị sau đó đã không ngăn được Nga tiếp tục phát triển công nghệ hạt nhân. Ngày nay, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với gần 6.000 đầu đạn, xấp xỉ một nửa tổng số vũ khí hạt nhân hiện có trên toàn cầu.
Kể từ khi những quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945, công nghệ hạt nhân đã có những bước tiến đáng kể và phức tạp hơn nhiều: nhiều loại vũ khí được phát triển cho phép thực hiện cả các cuộc tấn công quy mô lớn và có mục tiêu với tầm xa hơn và sức công phá lớn hơn nhiều.
Và những vũ khí hạt nhân ngày nay cũng khác hơn nhiều. So với quả bom thả xuống Hiroshima nặng đến khoảng 4.500 ký lô, giết chết hơn 100.000 người Nhật thì những quả bom – và đầu đạn hạt nhân, ngày nay nhỏ hơn, gọn hơn. Các thứ vũ khí mới này thường chỉ nặng vài trăm ký và nhưng có khả năng sát hại lên đến hàng triệu người.
Nhờ các đặc điểm đó, các nước có vũ khí hạt nhân nay có thể tiến hành một cuộc tấn công nguyên tử bằng nhiều phương tiện khác nhau, từ hỏa tiễn đạn đạo đến hỏa tiễn hành trình, tới mọi nơi trên thế giới.
Stephen Herzog, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Viện công nghệ liên bang ETH Zurich (Thụy Sĩ), giải thích: “Nhiều loại vũ khí trong số này nhỏ hơn, nhẹ hơn và dễ vận chuyển hơn nhiều so với trước đây. Một số vũ khí hạt nhân mà Nga sử dụng hiện nay có sức công phá lớn hơn 50 lần so với những quả bom được thả xuống Hiroshima và Nagasaki.
Kho vũ khí nguyên tử
của Nga
Nga có một kho vũ khí nguyên tử rất đa dạng, cho phép nước này tiến hành các cuộc tấn công bằng cách sử dụng các dàn phóng trên mặt đất trên biển và trên không, được gọi là “nuclear-triad” (bộ ba hạt nhân), Vũ khí trên bộ là các hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình, một số có tầm bắn xuyên lục địa có khả năng bắn đến các mục tiêu rất xa, như Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ. Những hỏa tiễn khác có tầm bắn ngắn hơn và nhắm vào lục địa châu Âu.
Trên biển, các hỏa tiễn được phóng từ tàu ngầm rất khó xác định vị trí vì chúng có thể ẩn nấp ở khắp các vùng nước trên toàn cầu.
Rồi đến từ trên không với các loại bom nặng hơn được các oanh tạc cơ chiến lược bay đường dài.
Neuclear-triad có ưu điểm cung cấp khả năng răn đe cao hơn cũng như khả năng chiến lược vượt trội và tính linh hoạt.
Các dàn phóng phân tán này cũng giúp cho một kho vũ khí dễ “sống sót” hơn, hoặc khó bị phá hủy hơn trong một cuộc chiến.
Vũ khí hạt nhân chiến lược thường được sử dụng nhắm vào các thành phố. Nhưng chúng cũng có thể được sử dụng để đánh vào các vị trí quân sự rất lớn và quan trọng, như các căn cứ và các nhóm tấn công hải quân trên biển.
Trong lúc đó, vũ khí chiến thuật hoặc phi chiến lược là những vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều, được chế tạo để sử dụng trên chiến trường chống lại các đội quân, xe tăng, hoặc các cơ sở quân sự và công sự. Các đầu đạn hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường như một biện pháp “cân bằng lực lượng”, để làm nghiêng cán cân về phía một bên.
Ước tính Nga hiện có khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật trong kho.
Những tình huống xung đột nào có thể xảy ra?
Theo nhà nghiên cứu Alexander Bollfrass của Trung tâm Nghiên cứu Bảo mật tại ETH Zurich, nếu quyết định tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Ukraine, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác can thiệp để hỗ trợ chính phủ Ukraine, thì Nga sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Chúng có thể được phóng trên cùng những hỏa tiễn tầm ngắn mà Nga hiện đang sử dụng để bắn phá Ukraine, chẳng hạn như hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M, có tầm bắn khoảng 500 km.
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ cho phép quân đội Nga phá hủy các điểm chiến lược quân sự ở Ukraine, như các sân bay, hoặc gửi một thông điệp chính trị mạnh mẽ tới chính phủ Ukraine.
Nga sẽ không dùng đến các đầu đạn chiến lược lớn vì có thể bị coi là một cuộc tấn công trực tiếp vào NATO, và sẽ có nguy cơ kích hoạt lực lượng răn đe của các đồng minh NATO.
Nhưng hiểm họa do vũ khí nguyên tử không chỉ có khi chúng được sử dụng. Bollfrass nói thêm rằng người ta còn phải tính đến nguy cơ tai nạn, vốn gia tăng trong khi vận chuyển đầu đạn hạt nhân hoặc khi giao tranh gần các nhà máy điện hạt nhân. Chuyện này đã suýt nữa đã xảy ra gần Zaporizhzhia, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Trước khi chiếm được nhà máy này, quân đội Nga đã pháo kích và làm hư hại một số tòa nhà thuộc nhà máy. Hành động này đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của toàn châu Âu.
Căng thẳng hạt nhân và vũ khí trong tình trạng báo động cao cũng làm tăng nguy cơ nhận thức sai và leo thang xung đột.
Khi đã dùng đến vũ khí hạt nhân
Theo Herzog, nếu Nga triển khai toàn bộ kho vũ khí nguyên tử của họ, một phần của trái đất sẽ trở nên không thể ở được và thế giới như hiện có sẽ không còn tồn tại.
Nhưng ngay cả việc chỉ dùng đến chỉ một phần nhỏ của kho vũ khí đó cũng sẽ gây ra những hậu quả nặng nề và lâu dài.
Ông giải thích: “Áp suất khí quyển gây ra bởi sóng xung kích của vụ nổ hạt nhân sẽ có thể phá hủy toàn bộ các tòa nhà cách xa hàng chục cây số, trừ những tòa nhà bê tông cốt thép.
Hàng trăm ngàn người có thể bị giết hoặc bị thương ngay lập tức do các mảnh vỡ hoặc các tòa nhà sụp đổ. Ngoài ra, vụ nổ sẽ tạo ra các sóng ánh sáng, tia hồng ngoại và tia cực tím, kết hợp với nhau để tạo ra một loại quả cầu lửa lớn, rất nóng có khả năng đốt cháy mọi thứ và tạo ra vết phỏng cấp độ ba trong bán kính thậm chí còn lớn hơn bán kính thiệt hại do vụ nổ gây ra.
Chưa hết, người và các sinh vật trong khu vực bị nhiễm phóng xạ sẽ còn phải phải đối phó với bụi phóng xạ, có thể gây ra các khối u và dị tật bẩm sinh, từ trên trời rơi xuống sau đó.
Thế còn những phần còn lại của thế giới?
Với công nghệ vũ khí nguyên tử ngày nay, ngay cả các đô thị ở rất xa cũng có thể bị quét sạch toàn bộ. “Mọi thành phố lớn ở Mỹ đều có khả năng bị tàn phá trong nửa giờ, và mọi thành phố lớn của NATO ở châu Âu chỉ mất khoảng 20 phút để bị phá hủy bởi một trong những hỏa tiễn đạn đạo này” nhà nghiên cứu Herzog nói.
Thụy Sĩ và Áo, hai nước trung lập, gặp ít rủi ro hơn, nhưng vẫn nguy cơ lãnh đủ do ảnh hưởng bức xạ có thể rất lớn đối với toàn bộ lục địa Châu Âu, tương tự như những ảnh hưởng do một vụ nóng chảy lõi nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân gây ra.
Có thể xảy ra hay không, và xảy ra như thế nào?
Cho đến nay, xác suất Nga sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn còn là xa vời. Thay vào đó, rất có thể Putin sẽ quyết định sử dụng vũ khí hóa học trước. Vũ khí hóa học được Tổng thống Nga coi ít cấm kỵ hơn, và còn dễ bác bỏ các chứng cớ hơn. Đối với Nga, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công bẳng vũ khí hóa học, việc đổ thừa cho các lực lượng Ukraine sẽ dễ dàng hơn, trong khi một cuộc tấn công hạt nhân sẽ không khó để biết ai phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, không nên quên rằng cuộc chiến đang diễn ra không chỉ giữa Nga và Ukraine, mà là giữa Nga và Ukraine với nguồn cung cấp và thông tin tình báo của phương Tây.
Leo thang là điều không thể loại trừ. Đó là lý do tại sao mối đe dọa hạt nhân rất đáng sợ, cả hai ông Herzog và Bollfrass đồng ý.
Ulrich Kühn, một chuyên gia hạt nhân tại Đại học Hamburg và Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định rằng cơ hội còn thấp nhưng sẽ tăng lên do “cuộc chiến ngày càng xấu đi với phía Nga và áp lực từ phương Tây ngày càng tăng”.
Tiến sĩ Kühn nói, Putin có thể bắn vũ khí hạt nhân vào một khu vực không có người ở thay vì vào quân đội. Trong một nghiên cứu năm 2018, ông đã đưa ra một kịch bản khủng hoảng trong đó Moscow cho nổ một quả bom trên một vùng hẻo lánh của Biển Bắc như một cách để báo hiệu các cuộc tấn công nguy hiểm hơn sắp xảy ra.
Đúng là ai cũng sợ, nhưng có thể xảy ra không?
Những người lạc quan cho rằng một cuộc chiến tranh bằng vũ khí nguyên tử, và Thế chiến thứ ba, là chuyện khó thể diễn ra.
Nhưng những gì mà người ta biết và chưa biết về Mad Vlad cho thấy rằng khó mà có thể đoán trước được – để lạc quan, về nước cờ kế tiếp của vị lãnh tụ Đại Nga này.
Valery Solovey, 61 tuổi, là một nhà nghiên cứu chính trị. Ông từng là giáo sư của Học viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow (MGIMO) – nơi các nhà ngoại giao tương lai và điệp viên hàng đầu của Nga theo học. Ông cũng là người bị hệ thống tuyên truyền của Nga kết tội “loan tin thất thiệt” và chủ xướng các thuyết âm mưu.
Giáo sư Solovey từng nói rằng Putin bị bệnh Parkinson ở giai đoạn đầu, và có thêm một bệnh kín – bệnh được giấu kín, đe dọa tính mạng, tuy ông không đưa ra được bằng chứng. Không chỉ có ông Sololey, những tin đồn về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Nga đã lan truyền từ lâu nay, nói rằng Putin đang bị ung thư và bệnh Parkinson, hoặc bị chứng ‘brain fog’, một di chứng của Covid-19.
Putin được cho là chỉ tiếp xúc với nhửng nhân vật thân cận nhất của mình trong đại dịch Covid-19, nhưng thậm chí họ còn được yêu cầu xuất trình mẫu phân vài lần một tuần để kiểm tra sự lây nhiễm và trong một số trường hợp, họ được yêu cầu cách ly hai tuần trước khi gặp mặt.
Chính Putin trước đó đã đe dọa các quốc gia NATO về ‘hậu quả lớn hơn bất kỳ hậu quả nào mà các người từng phải đối mặt trong lịch sử’ nếu họ can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine, đồng thời đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động hồi đầu tháng.
Trong một post gần đây, kênh Telegram General SVR nói rằng các nhân vật chính trị cao cấp ‘đã được cảnh báo nhân danh tổng thống rằng, có thể trong tương lai gần, họ sẽ tham gia một cuộc thực tập di tản trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Tuy vẫn cần nhắc lại rằng chưa có tổ chức thông tấn lớn nào xác nhận những gì mà giáo sư Solovey đưa ra, nhưng tin của ông giáo sư này vẫn không thể coi là hoàn toàn “fake”. Ông đã vừa bị công an Nga xét nhà, lấy đi nhiều máy móc. Ông bị câu lưu nhưng sau đó được thả ra, tuy trường hợp của ông chưa được khép lại.
Điều này – cùng với việc Putin đặt lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao từ đầu tháng 3, đã làm dấy lên lo ngại rằng thế giới đang tiến gần hơn đến một cuộc xung đột hạt nhân.
Cộng thêm vào đó là sự thất bại của “chiến dịch đặc biệt”, các biện pháp phong tỏa kinh tế và tài chính của cộng đồng quốc tế. Putin đang bị dồn đến bước đường cùng.
Chưa hết, vụ lỡ lời của TT Mỹ Joe Biden hôm thứ Bảy tuần rồi tại Ba Lan – “For God’s sake, this man cannot remain in power” (Chúa ơi, người này không thể tiếp tục cầm quyền), đã đổ thêm dầu vào lửa.
Không phải là tự nhiên hay quá lo xa mà 15 khôi nguyên Nobel Hòa bình Nobel, gồm Đức Đạt lai Lạt ma và 14 cá nhân, tổ chức trên thế giới, đã kêu gọi chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân.
Một thư ngỏ đang được họ luân lưu trên mạng, mời gọi công dân các nước trên thế giới cùng ký tên để chuyển đến các lãnh đạo Liên bang Nga, NATO và giới thông tấn.
Bức thư viết:
Chúng tôi từ chối chiến tranh và vũ khí hạt nhân. Chúng tôi kêu gọi tất cả các công dân của thế giới cùng tham gia bảo vệ hành tinh của chúng ta, quê hương của tất cả chúng ta, khỏi những kẻ đe dọa hủy diệt nó.
Cuộc xâm lược Ukraine đã tạo ra một thảm họa nhân đạo cho người dân nước này. Toàn thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất trong lịch sử: một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn, có khả năng hủy diệt nền văn minh của chúng ta và gây ra thiệt hại sinh thái rộng lớn trên khắp Trái đất.
Chúng tôi kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và rút toàn bộ lực lượng quân sự Nga khỏi Ukraine, đồng thời nỗ lực đối thoại để ngăn chặn thảm họa cuối cùng này.
Chúng tôi kêu gọi Nga và NATO dứt khoát từ bỏ mọi hoạt động sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột này và chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia ủng hộ Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân để bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải đối mặt với thời điểm của sự nguy hiểm hạt nhân tương tự.
Đã đến lúc cấm và loại bỏ vũ khí hạt nhân, đó là cách duy nhất để bảo đảm rằng cư dân trên hành tinh này sẽ được an toàn trước mối đe dọa hiện hữu này.
Đó là sự kết thúc của vũ khí hạt nhân, hoặc sự kết thúc của chúng ta.
Bạn có thể vào đây để thêm tên mình vào danh sách: https://secure.avaaz.org/campaign/en/no_nuclear_war_2022_55/?wcpXZsb
Đỗ Quân
(nguồn: swissinfo.ch, armscontrol.org, Mirror, CNN, Avaaz)