“Tôi bị tố xâm phạm tiết hạnh cậu ạ!” Ông già nói bằng tiếng Việt. Giọng nói ông chìm lỉm giữa những tiếng lanh canh của muỗng, nĩa chạm nhau và tiếng nói chuyện lao xao từ chiếc máy truyền hình ở giữa phòng, cuối giờ ăn trưa trong nhà hưu dưỡng.
“Bác nói sao ạ?” Tôi ghé sát tai ông già, hỏi lại cho rõ.
Nghe chưa hết câu hỏi, ông đã lập ngay lại câu nói bằng giọng khàn khàn, “Tôi bị tố xâm phạm tiết hạnh, cậu ạ!”
Đến thăm ông bạn già ngồi xe lăn trong nhà hưu dưỡng, nghe câu ấy, chắc bạn cũng bối rối hệt như tôi, phải không? Tôi bối rối đến mức không biết phải làm gì.
Và vì không biết phải làm gì, nên tôi hỏi lại một lần nữa cho chắc ăn. Bởi hình như cái tội xâm phạm tiết hạnh ở xứ tuyết này có vô số tên gọi, trong đó hai tội trạng đáng sợ nhất trong tiếng Anh là Sexual assault và sexual interference. Cả hai đều nghiêm trọng.
Dùng cái nĩa, ông già khều miếng bí đao trong chén súp bỏ vào miệng, nhai trệu trạo, nuốt vội, rồi bỏ cái nĩa xuống khay thức ăn. Cầm ly nước lạnh lên, uống một ngụm. Vậy là xong bữa. Ông già ăn uống hệt như một nhà tu hành. Ông già là đấng ẩn tu. Trong đầu toàn những chuyện trên trời, còn đâu chỗ cho những chuyện dưới đất. Tôi nhìn ông già, chờ đợi.
“Để tí nữa tôi kể cho cậu nghe,” ông già nói.
Mỗi tuần tôi ghé nhà hưu dưỡng này thăm ông cụ một lần. Ở đây đã lâu, ông có nhiều người quen. Mấy bà lão Tây thích ông cụ Á châu này lắm. Các bà vẫn thường lân la đến bên chiếc xe lăn của cụ để chuyện trò. Hồi trẻ, ông vừa là nhà giáo vừa là nhà báo. Tiếng Anh, tiếng Pháp ông nói trôi chảy. Ông lại có óc khôi hài. Hồi ông còn trẻ, các cô thích xúm lại nghe ông kể chuyện; về già, đến phiên các cụ bà vây quanh ông. Không biết trong những chuyện tiếu lâm ông thường kể, có nhiều chuyện tục không. Tôi nghĩ ngợi loanh quanh. Ông già bị tố tội xâm phạm tiết hạnh. Nhưng là xâm phạm thế nào và ở mức độ nào. Chắc bạn cũng nóng lòng với những câu hỏi giống như tôi. Ông cụ tám mươi ba tuổi rồi. Ở khoảng đời này Testosterone cạn queo, lấy đâu ra sự ham muốn mà xâm với phạm. Tôi nghĩ thế.
Trong lúc đẩy xe lăn cho cụ về phòng, tôi kín đáo liếc quanh, cố đoán xem cụ bà nào là nạn nhân của ông bạn vong niên của tôi. Quanh bàn ăn có năm cụ bà còn tỉnh táo, một cụ đang run rẩy khều thức ăn bằng nĩa, cụ kia đang nhìn chằm chằm đĩa rau sà lách như cố tìm một con sâu đi lạc, hai cụ còn lại đang rề rà nói chuyện. Cụ bà thứ năm ngồi xe lăn nhưng gục đầu xuống trước ngực, ngáy khò khò, ngay trước màn hình ti vi đang lao xao bản tin vị lãnh tụ một chánh đảng tỉnh bang từ chức vì bị tố có hành vi không phù hợp về tình dục. Còn lại là bốn cụ ông, những người khó có thể là nạn nhân. Một mình ông bạn già của tôi là người Việt. Không con, không cháu, cụ chọn nơi đây làm mái ấm. Xâm phạm tình dục ai được bây giờ.
Vừa về đến phòng, cụ níu ngay lấy tay áo tôi, “Tôi bị tố tội xâm phạm tiết hạnh, cậu ạ. Tôi sợ quá. Thức dậy biết bao lâu rồi mà vẫn còn sợ.”
Miệng tôi há hốc vì ngạc nhiên, rồi tôi phì cười. Thì ra chỉ là cơn ác mộng.
“Bố ác quá, làm nãy giờ con cứ tưởng thật!” Tôi thở phào, lòng bỗng nhẹ bâng. Chiêm bao mà cụ làm như thật.
Ông cụ bẻ những đốt ngón tay răng rắc. “Thật chứ sao không. Có những chuyện sớm muộn gì cũng xảy ra. Ngồi đó đi, im lặng tôi kể cho mà nghe.”
Tôi ngoan ngoãn làm theo. Cả tuần mới gặp đồng hương, cơ hội lý tưởng cho ông cụ giải bày bằng tiếng Mẹ đẻ. Cụ bắt đầu rề rà câu chuyện:
“Có những chuyện mình không bao giờ ngờ tới, như chuyện một ngày nào đó, có người tố cáo mình xâm phạm tình dục. Rằng một ngày xa xưa, thế kỷ xa lơ lắc nào đó, mình đã có hành vi xúc phạm đến một ai đó. Sự sợ hãi này có thật đó. Cả tháng nay, trước khi đi ngủ, tôi luôn tự nhủ phải tìm cho ra một chữ để diễn tả nỗi sợ hãi điều đó. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi dặn dò tôi như thế. Nỗi sợ hãi vô cớ, tiếng Anh dùng cái gốc Hy Lạp là phobia. Nhưng còn cái điều phải sợ thì dài dòng, khó ghép chung thành một chữ. Ví dụ như sợ con số 13 là triskaidekaphobia, cậu biết chữ đó mà.”
Thì ra vậy, Ông cụ bị ám ảnh. Mỗi tối trước khi đi ngủ ông đều dặn mình, như ra chỉ thị cho tiềm thức làm bài tập. Sáng hôm sau nhiều khi lại có kết quả và biết đâu lại tìm ra được chữ để đời. Chỉ qua vài câu mở đầu, tôi nhận ngay được nỗi sợ hãi vẫn ám ảnh ông cụ từng giây, từng phút. Dạo này chuyện tố cáo (hay vu cáo) xảy ra hầu như cơm bữa, xoay quanh ba cái chuyện tình dục. Nỗi ám ảnh bám lấy chẳng riêng gì bố già này mà bao nhiêu đàn ông khác. Càng to quyền chức càng nhiều lo âu. Tôi tin rất nhiều đàn ông đang ngày đêm ngay ngáy lo âu không biết tới lúc nào thì tới phiên mình. Bao nhiêu người đàn ông đã thân tàn ma dại về thân thế sự nghiệp lẫn tình duyên, gia đạo chỉ vì một ngày đẹp trời nào đó có một chị đàn bà nào đó ở một khung cảnh nào đó bỗng dưng la toáng lên rằng ông ấy có hành vi không phù hợp về tình dục với tôi, hồi đó… đó. Chỉ vu vơ vậy thôi và cái đứa tố cáo kia lại được phép giấu mặt, giấu tên (để bảo vệ thanh danh nó). Chỉ đơn giản vậy thôi là người đàn ông tàn một đời.
Ông già hắng giọng, lôi tôi ra khỏi vùng suy nghĩ miên man:
“Cậu xem Ti-vi chắc cậu biết. Ngày nào cũng có đứa bị tố cáo tội xâm phạm tình dục. Những chuyện chưa biết có thật hay không, nhưng kẻ bị tố cáo thì tiêu tan ngay sự nghiệp, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Cậu còn nhỏ, cậu không biết chuyện tết Mậu thân ở Huế, bọn chỉ điểm chỉ việc đi từng nhà sục sạo và chỉ mặt người chúng muốn loại trừ. Một cái chỉ tay, kết thúc một mạng người. Chuyện xảy ra ở đất nước văn minh giữa thế kỷ này cũng hệt như thế. Che mặt, giấu tên, gọi cho đài truyền hình hay tờ báo nào đó, chỉ ngón tay vào ai đó. Xong. Tàn công danh sự nghiệp. Vỡ tan hạnh phúc gia đình. Bọn làm báo thì giỏi thổi phồng câu chuyện để có đề tài mà viết lách. Tôi đã từng làm báo, tôi biết. Kẻ bị chỉ vào mặt nếu làm quan to thì ngay lập tức phải từ chức, nếu làm quan nhỏ thì mất việc làm. Về nhà vợ tra vấn, con cái khinh miệt, chỉ có biết kêu trời.”
“Bác ở trong này, kín cổng cao tường, việc gì phải sợ.” Tôi trấn an ông già.
Ông già phản đối ngay, “Cậu lầm to rồi. Để tôi kể cho mà nghe.”
Và ông bạn già của tôi lại thao thao câu chuyện:
“Cả tháng nay tôi cố moi óc nhớ lại suốt phần đời trở về trước, mình đã có dịp tiếp xúc với những người phụ nữ nào. Cố nhớ những cơ hội nào có thể khiến mình bị xem là có hành vi không phù hợp về tình dục hay không. Tôi lục tung mọi giấy tờ, sách vở, thư tình lẫn thư không tình ra đọc lại xem mình có lỡ miệng buông lời ong bướm với – hay ít ra là khen – ai không. Hôm qua, tôi tìm được một mảnh giấy cắt ra từ một trang báo cũ. Tôi thấy hình tôi cái thời còn trẻ măng. Mảnh giấy tôi cắt từ trang báo có cái đề tựa: Người hùng cứu mạng thiếu nữ qua đường. Tôi đang thở dài tiếc cái thời còn trẻ ấy thì bỗng điếng người nhớ lại cái lần được báo chí đăng tin ấy, tôi đã đóng vai người hùng, làm hô hấp nhân tạo cho cô gái bị ngất xỉu bên lề phố. Cậu biết CPR mà. Tim tôi ngừng đập gần một phút đồng hồ đấy. Tôi lo bấn xúc xích cậu ạ. Tôi nghe được cả tiếng vi vu như tiếng gió kiếm trên đầu. Cậu biết chuyện lưỡi kiếm Damocles phải không?”
Tôi nhìn lũ nếp nhăn vừa tràn lên vầng trán ông cụ, định nói thêm một lời trấn an nữa, nhưng ông cụ đưa bàn tay ra trước chặn lại. Tôi đành ngồi im, như đứa học trò ngoan nghe thày giảng bài.
“Tôi cố nhớ lại khi đè tay trên ngực cô gái để làm CPR, tôi đã đặt bàn tay mình ở chỗ nào. Tôi nhớ cô gái có bộ ngực khá lớn, làm CPR khó thấy bà. Ấn lên ấn xuống chả ăn nhằm gì tới quả tim. Lúc ấy mình chỉ lo đếm nhịp sao cho đúng bài học cấp cứu đã học được lúc trước. Làm một hồi là gân cốt rã rời, hai tay mỏi nhừ, đầu óc choáng váng, mắt thì hoa cả lên. Nhưng cuối cùng cô gái ấy đã sống. Khi xe cấp cứu đến thì cô gái đã chống tay ngồi dậy, ngơ ngác hỏi, Where am I?”
Ông già đổi ra cái giọng õng ẹo, “Where am I?”
“Wow, you’re a hero!” Tôi buột miệng câu tiếng Anh.
Ông già lại đưa bàn tay ra trước, ngắt lời tôi, trở về cái giọng nghiêm nghị, “Tôi được nhà báo phỏng vấn, cô ấy cũng vậy. Cô ấy nói với nhà báo rằng tôi là Hero như cậu vừa mới nói đấy. Hồi ấy còn trẻ, mình mắc cỡ khi bị gọi là hero. Tôi bảo tôi chỉ làm cái việc phải làm. Cô ấy nói với phóng viên rằng Anh ấy – là tôi đấy – phải tập làm quen với chữ Hero. Với tôi, anh ấy là Hero. Anh ấy không thích được gọi là Hero thì đó là chuyện của anh ấy. Và dù không thích thì anh ấy vẫn là Hero. If he doesn’t like it, that’s his problem. To me, he’s a hero, he has to get used to it. Cô ấy làm tôi cảm động.”
Ông già chớp hai con mắt kéo mây vẩn đục. Cảm động. Lời phát biểu – bây giờ, ở cái phía đời sống không còn trẻ trung, nhớ lại – dường như vẫn làm ông muốn khóc. Thế đấy. Hình ảnh cô gái được ông cứu sống chìm dần vào lãng quên nhưng nỗi xúc động thì còn hoài.
“Vậy thì có gì mà bác phải lo chứ.” Tôi nói.
“Không lo à. Sao lại không lo. Hồi đó báo đăng cả hình tôi lẫn hình cô ấy mà.”
Thì ra vậy. Hình của ông (hồi đó) có trên báo và mặc dù không còn liên lạc với nhau nữa, cô gái ấy vẫn có hình của ông và chắc chắn vẫn còn nhớ những gì xảy ra trong lần hô hấp nhân tạo ấy. Và mảnh trí nhớ ấy có thể bị bào mòn theo thời gian hoặc bị uốn cong theo trào lưu. Cái trào lưu làm rụng rơi bao nhiêu sự nghiệp.
“Cậu có xem báo không? Mới hôm nay tờ New York Times (*) còn nói là nhiều công ty luật – cái đám chuyên xúi bẩy người ta đem nhau ra tòa ấy mà – sẵn sàng ứng ra số tiền lớn cho những người muốn thưa kiện chuyện bị làm phiền về tình dục. Vì tiền “ứng trước” tiếng Anh gọi là advance không phải là tiền cho mượn mà bên tiếng Anh là loan – nên kẻ ứng trước có thể tính lời 100% mà luật pháp không làm gì được. Phen này sẽ có vô số kẻ tán gia bại sản và cũng sẽ có vô số đứa bỗng dưng nhận được một số tiền kếch sù. Cậu thấy không?”
Ông già nói lớn tiếng. Âm thanh trầm đục vang động căn phòng. Rồi ông lại kể hồi sáng, nỗi sợ hãi của ông càng tăng thêm sau khi nghe cuộc đàm thoại giữa ba nhân vật quan trọng của đài truyền hình quốc gia. Một người đàn ông và hai người đàn bà bàn về vấn đề những hành-vi-không-phù-hợp-về-mặt-tình-dục. Ông nhắc lại từng chữ người đàn bà nói: “Đã nói KHÔNG là không, ngay cả nói CÓ một cách không nhiệt tình thì cũng là không.” Còn người đàn ông trong cuộc đàm thoại thì kể về một buổi party với đám bạn nam nữ đủ cả. Lúc tàn tiệc, anh ta tiễn khách về. Anh ôm một cô bạn lúc tạm biệt như thói quen, cô bạn nói, Thank you for the creepy hug!
Sau khi buông ra tiếng thở, dài thườn thượt, ông già nhìn tôi, kể tiếp, “Tôi già rồi đâu còn quan tâm đến chuyện trai gái, nhưng tôi thấy tội nghiệp cho cậu, cũng như cho đám thanh niên thế hệ này, những người trai trẻ và những thằng bé sắp lớn, hy vọng một ngày nào đó sẽ thành đàn ông. Có lẽ cách an toàn nhất cho chúng nó để không phải sống trong lo âu là mua vài con búp bê Nhật Bản. Thứ búp bê tình dục trông giống y như người thật là chắc chắn không bao giờ biết đeo cái bảng #MeToo và rủ nhau đi diễn hành ngoài đường phố. Nói thì nói vậy thôi chứ tôi vẫn lo, cậu ạ, bởi vì nếu chẳng may búp bê bị mát điện, tố cáo vu vơ thì khổ ông chủ biết chừng nào.”
Câu chuyện của ông già trong nhà hưu dưỡng làm tôi băn khoăn. Và bỗng dưng lồng ngực tôi thắt lại khi bắt gặp cái ý nghĩ lảng vảng trong đầu rằng ngoài phố xá đông vui kia, có một phụ nữ nào đó núp trong ngõ hẻm tăm tối, chờ tôi đi qua, chỉ mặt tôi, la toáng lên: “Nó đó!”
Ông già cho tôi xem mảnh giấy cắt ra từ trang báo cũ. Mảnh giấy vàng ố, có hình ông ngày còn trẻ. Tôi xin phép dùng điện thoại chụp lại mảnh giấy – có anh chàng Hero trai trẻ – nhưng ông không cho.
Ông bảo, “Cậu muốn cái cô ấy đem tôi ra tòa à?”
Tôi (không biết làm gì hơn là) trấn an, “Cô ấy bây giờ chắc cũng già rồi, cho dù có đọc được bài báo này, cô – hay bà cụ – ấy cũng chưa chắc đã nhớ và nhận ra đó là mình.”
“Đó, thì không nhớ mới đáng sợ.” Ông già buột miệng, “Không nhớ nên trí tưởng tượng tha hồ vẽ vời, thêm mắm thêm muối.”
Ông già giữ tôi lại suốt buổi chiều để trò chuyện. Câu chuyện chỉ bị ngắt ngang bởi những lần cụ đẩy xe vào nhà vệ sinh, đi tiểu. Khi tiếng nước trong nhà vệ sinh vừa ngưng chảy, câu chuyện lại bắt đầu. Mãi đến giờ ăn tối, nhân viên đến nhắc, ông mới chịu cho tôi về, nhưng trước khi thả tôi, ông già vẫn cái giọng sôi nổi, “Cậu phải giúp tôi tìm cho ra cái chữ diễn tả nỗi sợ hãi bị tố cáo có hành vi không phù hợp về tình dục đấy nhé. Tôi đã có sẵn chữ phobia rồi. Phần còn lại là công tác của cậu. Đừng nghĩ là sẽ không bao giờ có chuyện cậu bị một cô, một bà, ngay cả một đấng ái nam ái nữ nào đó che mặt, kêu ầm lên Me Too rồi chỉ thẳng vào mặt cậu và réo, Nó đó!”
Tôi ngoan ngoãn gật đầu, bởi cái sự phobia của ông cụ đã thấm vào người tôi. Chúng tôi bắt tay nhau, nhưng ông cụ không chịu buông tay tôi ra.
“Cậu định viết chuyện của tôi lên báo phải không?”
“Dạ, cháu cũng định…”
“Cấm, không được dùng tên thật của tôi.”
“Vâng, cháu hứa.”
“Cậu tính lấy đề tựa gì?”
“Dạ, cháu mới nghĩ cái tựa đề #MeToo-Phobia chắc ăn khách.”
“Chớ có dại!”
Tôi ra về, mang theo mẩu đối thoại ấy. Ông cụ không giải thích vì sao lại chớ có dại, nhưng để cho an toàn, tôi sẽ chọn cái tên khác cho câu chuyện đầy hào hứng của một ngày cuối tuần ở nhà hưu dưỡng, nơi ông thày giáo kiêm nhà báo già ngồi đếm những ngày còn lại cuối cuộc đời.
(*) Ông già nói đúng, về nhà, tôi kiểm lại, quả thực có bài viết của hai nhà báo Matthew Goldstein và Jessica Silver trên The New York Times về vấn đề này.
KHÚC AN