Cho phép thầy cô mang súng ống vào trường học?

Mai Loan
Một trong những lời phát biểu của TT Trump gây ra tranh cãi và chống đối nhiều nhất là khi ông tỏ ý đồng tình với việc có thể cho phép các thầy cô biết sử dụng súng ống thành thục có thể được mang theo súng trong người khi bước vào lớp học. Theo lý luận của TT Trump, trong những trường hợp như xảy ra vụ nổ súng vừa qua tại trường trung học ở Florida, thì những thầy cô này nếu có súng trong tay, có thể ra tay kịp thời để triệt hạ hung thủ, không cho anh ta có thể tiếp tục nổ súng giết người.
Nhiều chuyên gia, và đặc biệt là các giới chức cảnh sát đều cho rằng đây là một lập luận cẩu thả và hời hợt, chưa kể là nó rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại.
Ông Trump phát biểu rằng “Nếu mình có một thầy giáo biết dùng súng một cách lanh lợi, điều này có thể chấm dứt vụ thảm sát này một cách mau chóng.” Không ai rõ là TT Trump định nghĩa một thầy giáo biết dùng súng một cách lanh lợi là như thế nào, bởi vì nói cho cùng, thầy giáo là người có kinh nghiệm để dạy học chứ không phải để bắn súng, và bắn súng tại trường học.
Tuy nhiên, nhiều nhân vật của đảng Cộng Hoà đã nhanh chóng lên tiếng phản đối ý tưởng này. Người đầu tiên là ông Rick Scott, đương kim thống đốc ở Florida, đã lên tiếng phản đối rằng “Chúng ta hãy để cho các nhân viên công lực đảm nhiệm công tác giữ gìn an ninh cho người dân, và hãy để cho các thầy cô chú trọng vào việc giảng dạy cho các em học sinh.”
Một chính trị gia ở Florida là nghị sĩ liên bang Marco Rubio cũng phản đối tương tự. Góp mặt trong một cuộc họp cộng đồng được tổ chức trên đài CNN, ông Rubio đã nói rằng “ông không những là một nghị sĩ mà cũng là một người cha, và cái ý tưởng để cho con em của mình đến trường và tiếp xúc gần gũi với các thầy cô có mang súng ống trong người không phải là điều mà tôi cảm thấy an tâm chút nào.” Có nhiều điều rắc rối khi đi vào thực tế, chẳng hạn như khi xảy ra chuyện rắc rối như vậy, các thầy cô có súng làm sao biết cách phân biệt em học sinh nào là kẻ nguy hiểm có súng và cần phải triệt hạ?
Một nhân vật khác của phe Cộng Hoà, ông Mark Sanford, nói rằng trong các buổi tiếp xúc với các thầy cô giáo khắp nơi, rất nhiều người đã phản đối, “bởi vì cái ý tưởng về việc một thầy cô có súng ống trong tay rồi sau đó chĩa súng vào một em học sinh nào đó để quyết định là có nên triệt hạ em học sinh này hay không là một ý tưởng mà không một vị thầy cô nào muốn quyết định phải hành xử.” Ông Sanford nói rằng tất cả các thầy cô mà ông đã tham khảo đều không ủng hộ ý tưởng này, cho dù là ở một vài vùng nông thôn thưa thớt dân cư nào đó chẳng hạn như ở Texas, thì điều này có thể được đem ra thảo luận. Tuy nhiên điều đó hãy nên để cho từng địa phương một xem xét và quyết định, chứ không nên để cho chính quyền ở thủ đô Washington quyết định.
Trong một cuộc họp với các vị thống đốc tiểu bang sau đó tại Toà Bạch Ốc, Thống đốc tiểu bang Washington là ông Jay Inslee đã lập tức đứng dậy để phản đối điều này, và cho rằng các cơ quan công lực cũng như các huấn luyện viên về súng ống trên toàn quốc đều hốt hoảng trước cái ý tưởng của ông Trump là sẽ để cho các thầy cô mang thêm “chó lửa” (packing heat) khi tiếp xúc với các em học sinh trong nhà trường.
TT Trump đã không đáp trả trực tiếp lời chỉ trích của ông Inslee, nhưng ông lại mời Thống đốc Greg Abbott của Texas là hãy giải thích cho mọi người biết thêm là làm cách nào để có thể huấn luyện thuần thục cho các thầy cô có thể mang súng ống vào trường học một cách hữu hiệu như tại tiểu bang Texas.
Nhà báo James Ragland của tờ Dallas Morning News đã đưa ra thí dụ cụ thể của hai Khu Học Chính tại Weslake và Argyle, hai thị trấn nhỏ nằm ở ngoại ô của Fort Worth nhưng gần đây thu hút nhiều gia đình giầu có về đây mua nhà, chẳng hạn như một tay bình luận bảo thủ nổi tiếng là Glenn Beck. Cả hai thị trấn này chỉ cách xa nhau có 15 phút lái xe, nhưng lại có hai cách thức đối phó với tình trạng an ninh tại trường học hoàn toàn khác nhau.
Tại Westlake, Học Khu chịu bỏ tiền ra để xây một đồn cảnh sát ngay tại trường học, bởi vì theo lời của Cảnh sát trưởng Michael Wilson, đó là cách thức tương đối hữu hiệu nhất để bảo đảm an ninh.
Khi tính đến việc bảo đảm an ninh cho trường Weslake Academy Charter, họ nhận thấy là cần phải có rất nhiều cảnh sát viên hoặc nhân viên an ninh mới có thể tuần tiễu quanh khu trường này, vì nó được thiết kế như là một “campus”, một khuôn viên rộng lớn bao gồm nhiều toà nhà riêng biệt với rất nhiều cửa ngỏ ra vào khác nhau. Do vậy, muốn bảo đảm an ninh, người ta chỉ còn cách là phải cung cấp đầy đủ nhân viên an ninh có mặt khắp nơi, một điều quá tốn kém. Kết quả là họ chấp nhận một giải pháp dung hoà, đó là xây dựng thêm một đồn cảnh sát tại đây để tạo một không khí an toàn, cũng như để giúp cho các cảnh sát viên có thể can thiệp mau lẹ mỗi khi xảy ra cớ sự.
Trong khi đó tại thị trấn Argyle, cách đó khoảng 10 dặm, giới hữu trách lại lựa chọn một phương thức khác để bảo vệ an ninh. Khi bước vào khu các trường học, mọi người có thể thấy rõ những tấm bảng có ghi rõ hàng chữ cảnh cáo: “Nên biết rằng các nhân viên Khu Học Chính Argyle đều có vũ khí và có thể dùng bất cứ vũ lực nào cần thiết để bảo vệ các học sinh.”
Phương thức cho phép nhân viên được mang súng ống vào trường học được lựa chọn để áp dụng tại Học Khu Argyle sau khi quốc hội Texas thông qua một đạo luật vào năm 2013 bởi dân biểu Jason Villaba thuộc phe Cộng Hoà ở một đơn vị tại Dallas. Nó bị ảnh hưởng phần lớn từ hậu quả của vụ nổ súng thảm sát tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở Connecticut vào năm 2012 khiến cho 26 em học sinh bị tử nạn. Hội đồng quản trị Học Khu đồng ý cho phép một số các thầy cô được quyền mang súng ống vào trường lớp, sau khi tham dự nhiều khoá huấn luyện thành thục về vũ khí.
Một cô phụ giáo là Theresa Locastro trả lời với nhà báo của Los Angeles Times rằng quyết định này có thể là một thí dụ điển hình cho các trường học để nói rằng họ đặt trọng tâm vào việc bảo vệ an ninh tại học đường. Bà phụ giáo này nói rằng quyết định này chắc chắn gây ra nhiều tranh cãi, bởi vì “nhiều người không muốn thấy các thầy cô mang súng ống vào lớp học”. Nhưng bà hy vọng rằng càng có nhiều súng ống ở học đường thì sẽ khiến cho những tay súng như ở Florida vừa rồi sẽ ngần ngại không dám ra tay. Bà nói rằng “Hy vọng là nó sẽ làm cho những hung thủ sẽ suy nghĩ lại.”
Cái hy vọng này có lẽ được nhiều người cùng đồng ý, trong đó có TT Trump và Hội NRA (Hiệp Hội Súng Trường trên Toàn Quốc). Thế nhưng những gì vừa mới xảy ra tại trường trung học ở Parkland, Florida đã cho thấy là ngay cả những người được mang súng ống, được huấn luyện thuần thục cũng như phải đối phó hàng ngày đôi khi cũng đành bó tay trước những tình huống hỗn loạn và lo sợ của một vụ nổ súng thảm sát.
Viên cảnh sát tại Broward County, ông Scot Peterson, người đã bị TT Trump chỉ trích là một kẻ hèn nhát vì đã không dám xông vào trường học khi xảy ra vụ nổ súng, mới đây đã nói cho mọi người biết rằng ông ta không thể làm gì hơn để giúp cho 17 học sinh không bị thiệt mạng trong vụ này.
Cuộc điều tra còn chưa kết thúc để phân tích những khiếm khuyết để mọi người có thể rút tỉa được nhiều kinh nghiệm, nhưng mọi chuyên gia trong ngành an ninh cảnh sát đều đồng ý rằng thái độ của cảnh sát viên Peterson khi cẩn trọng không lập tức xông vào trường học sau khi có nổ súng là cung cách hành xử bình thường. Khi xảy ra cớ sự với lửa khói đầy trời (hung thủ Nikolas Cruz bắn lựu đạn khói để gây hoảng loạn khiến mọi người phải túa ra bên ngoài), một cảnh sát viên khi đến nơi đã biết “ất, giáp” gì đâu mà khơi khơi xông vào, nhiều phần là sẽ bị bắn gục trước tiên. Như vậy thì làm sao anh ta có thể đảm đương được trách nhiệm đầu tiên là bảo vệ an ninh cho người dân. Chưa kể lúc đó anh ta lại là một gánh nặng thêm cho các nhân viên công lực và cứu cấp khác! Chuyện thật ngoài đời của cảnh sát không phải lúc nào cũng giống như những hình ảnh trong xi-nê của Hollywood đánh bóng họ như những anh hùng kiểu Clint Eastwood trừ gian diệt bạo.
Theo Cảnh sát trưởng Michael Wilson, cái khó để hiểu trong chuyện này là khi đi vào chi tiết thì mới biết đầy đủ. Điều quan trọng nhất là phải luôn luôn được huấn luyện, bởi vì một cảnh sát viên phải trải qua biết bao nhiêu cuộc thử nghiệm về thể lực, tinh thần và tâm lý, cũng như phải trải qua hàng trăm giờ đồng hồ huấn luyện thường xuyên. Ấy vậy mà đôi khi họ cũng đành bó tay, thụ động trong những tình huống khó khăn, nhất là trong những giờ hỗn loạn đầu tiên của một vụ nổ súng lớn.
Không có một chiến thuật đơn giản nào, dù là đặt các máy dò vũ khí ở cổng trường, đặt để một cảnh sát viên ở mỗi trường học, hoặc là trang bị vũ khí cho các thầy cô, có thể bảo đảm rằng sẽ không bao giờ xảy ra những vụ nổ súng thảm sát ở trường học như tại Columbine, Sandy Hook và Parkland. Cái giải pháp tương đối tốt đẹp nhất là phải đối phó nhiều góc cạnh khác nhau, và cũng không ai chắc chắn về cái kết quả hoàn toàn thành công của nó.
Cái khó của vấn đề là cho dù có được chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, nhưng bao giờ mọi chuyện cũng có thể không được suôn sẻ chút nào. Khi cảnh sát đến hiện trường, liệu làm sao họ phân biệt được đâu là những thầy cô có mang súng ống trong người có ý tốt, và đâu là hung thủ đang cần bị truy lùng và tiêu diệt?
Cho đến nay tình huống như vậy chưa hề xảy ra tại thị trấn Argyle, và tất cả đều cầu mong là nó đừng bao giờ xảy ra cả.
Để kết luận, Cảnh sát trưởng Wilson nói rằng “Rất tiếc là chúng ta không có những câu trả lời dễ dàng chút nào.”
Mai Loan
03/04/2018

Xem thêm

Nhận báo giá qua email