HỎI:
Cháu đã qua một lần hôn nhân gãy đổ chỉ sau 11 tháng chung sống. Chồng cũ của cháu do họ hàng cha mẹ hai bên mai mối, về với nhau rồi cháu mới biết anh ta còn trẻ mà đã sa đà nhậu nhẹt rồi đánh vợ không nương tay. Cháu phải bỏ trốn từ Nebraska về đây rồi nộp đơn xin ly dị.
Cha mẹ cháu cũng xót con lắm nhưng hoàn cảnh khó khăn, đành chịu xa xôi cách trở, chỉ thỉnh thoảng điện thoại thăm và an ủi cháu. Qua lúc đầu share phòng, khi tìm được việc làm ổn định ở một công ty sản xuất dụng cụ y tế, cháu có điều kiện để thuê một phòng chung cư gần sở và ở một chỗ này đã được 6 năm.
Cháu gặp M. ở chỗ làm. Anh hơn cháu 3 tuổi, làm phụ tá cho xếp của cháu. Anh tử tế, hay giúp đỡ đồng hương, nhất là những ma mới như cháu nên công nhân người Việt rất quý nể anh và cháu cũng trong số này. Tuy nhiên, giữa chúng cháu không có chuyện gì ngoại lệ xảy ra cho tới một hôm cháu được báo tin mẹ cháu đau nặng, sợ không qua khỏi. Cháu lo buồn mà không biết phải làm sao trong khi cháu rất ngại phải trở lại cái nơi với cháu từng là ác mộng triền miên, thật lòng cháu không có can đảm đối mặt một lần nữa. Cháu có khóc nhiều lúc ở nhà nên khi vào ca làm, dù cố kềm giữ nhưng nước mắt cừ đầy lên mi và cháu phải dùng tay áo để quệt mắt. Có lẽ M. để ý thấy nên anh tới bên cạnh cháu và bảo cháu tạm dừng tay, ra văn phòng cho anh hỏi chuyện. Cháu theo anh ra và khi anh nhẹ nhàng cảnh báo là cháu không được khóc trong lúc làm việc, nếu cần thì anh cho phép cháu cáo bệnh rồi về. Cháu sợ nên nói với anh là cháu xin lỗi, hứa sẽ thôi không tái phạm nữa và cháu muốn làm hết ca. M. trả lời là cháu không có gì phải sợ, công nhân cáo bệnh giữa ca làm là chuyện thường, theo anh, cháu có chuyện buồn thì nên cáo bệnh để được về nhà nghỉ ngơi, sáng mai nếu khá hơn thì đi làm lại. M. cũng khuyến khích cháu ra về, anh bảo đảm không có gì sai trái khi cháu sử dụng quyền nghỉ bệnh của cháu. Cháu muốn trở lại chỗ làm để thu dọn work station của cháu thì anh nói không cần, anh sẽ lo chuyện này.
Hôm sau tuy lòng cháu vẫn còn ngổn ngang nhưng cháu quyết tâm phải tự chủ hơn nên cháu đi làm. Giờ ăn trưa, M. xuống phòng ăn của công nhân, đến ngồi trước mặt cháu và ôn tồn nói: “Cô cứ ăn cho kịp giờ. Tôi biết cô đang gặp khó khăn nên chỉ muốn hỏi xem cô có cần công ty giúp đỡ gì không trong lúc này?” Cháu vẫn cúi mặt xuống cà mèn cơm và nói khẽ: “Cảm ơn anh M. quá tử tế, em có chuyện buồn gia đình nhưng qua lúc xúc động nhất, bây giờ em OK.” Câu chuyện bắt đầu từ chỗ này rồi với thời gian, nhiều tình tiết xảy ra đưa tới chỗ cháu bước vào quan hệ tình cảm với anh. Có lúc cháu băn khoăn về thân thế anh và trách mình vội vã nhưng cháu có kín đáo quan sát cũng như tìm hiểu về anh nhưng xem ra anh cư xử như một người không có gì ràng buộc. Anh không đeo nhẫn, những buổi hẹn hò cuối tuần anh thường đưa cháu tới các thành phố lân cận hay xuống biển, nói là để cháu biết nhiều nơi chốn vui hơn, đẹp hơn, ăn ngon hơn nơi cháu sống và làm việc, thái độ của anh ung dung không lúc nào vội vã. Sở làm mỗi năm đều có tổ chức sự kiện vào các dịp lễ lớn, mọi người nói chỉ thấy anh một mình tham dự.
Thế nhưng cô ơi, một ngày đẹp trời, một người đàn bà chờ cháu ở bãi đậu xe và có lẽ bà rình rập thế nào để biết đúng cháu nên bà xông thẳng tới cháu và to tiếng chửi mắng cháu là thứ mất nết, dám lợi dụng chồng bà để thủ lợi và phá hoại gia cang nhà bà. Bà nói một cách oai vệ: “Tao là vợ ông M. đây. Nếu mày chưa biết tao thì bây giờ mày phải biết, con khốn nạn…” Cô ơi, trời đất quay cuồng xung quanh, cháu ù tai, vỡ đầu, cố gắng tìm chùm chìa khóa để mở cửa xe mà tay run quá, mãi không thấy. Bà dằng tay cháu, nói tiếp: “Mở to mắt ra mà nhìn tao, con khốn, nhìn cho rõ mặt tao rồi chừa thói cướp chồng người đi nhé!” Đến đây thì M. xuất hiện, anh đẩy người đàn bà ra khỏi cháu, khóa tay bà và lôi bà xềnh xệch theo anh, miệng nói với trở lại: “Anh xin lỗi, em lên xe đi.” Cháu rất cảm ơn các đồng nghiệp của cháu hôm đó, có thể họ đoán ra điều gì nhưng mọi người đều tế nhị, họ tản mát yên lặng ra về tuy cũng có một người nào đó đi tìm M. để báo tin. Cháu vừa đau đớn, vừa nhục nhã, nên hôm sau cháu lấy ba ngày nghỉ thường niên để ở nhà. M. liên tục gọi điện thoại cho cháu, đòi gặp cháu nhưng cháu không nghe điện thoại, không mở cửa. Anh text, cháu không trả lời nhưng email thì cháu phải đọc để xem anh nói gì? Theo M. họ là hai người bạn thời trung học ở VN. Gặp lại nhau ở Mỹ, tình xưa đưa tới hôn nhân. Sống với nhau hơn 10 năm, họ không có con. Bác sĩ nói lỗi ở người vợ, tử cung không giữ được thai. Với anh, không sinh nở không phải là cái tội hay cái cớ để bỏ nhau nhưng vợ anh đổi tính nết, trở nên cộc cằn, hung dữ, khiến anh rất khổ tâm và phải chịu đựng. Anh nói sao mặc lòng, cháu mắc kẹt với anh vì không hề biết anh có vợ, nay sự thể như vậy, cháu không cho phép mình tiến tới nữa. Khổ thân cháu là đúng lúc đó cháu biết mình cấn thai. Cháu cũng biết rõ là muốn dứt khoát thì cháu phải cắt đứt hoàn toàn mọi liên hệ với M. nên ý nghĩ đầu tiên của cháu là bỏ cái thai mà M. chưa biết. Thế nhưng nghĩ lại, cháu thấy không nỡ vì nay thì cháu đã biết thêm là M. đang mong một đứa con. Xử như vậy thì ác quá! Vả lại, có lẽ số cháu không may về tình duyên, cháu lại không còn nhiều thời gian để sinh nở nên cháu nghĩ hay là cháu giữ đứa bé cho cháu? Cháu quyết định giấu bí mật này cho riêng mình, tiếp tục đi làm, vun vén cho tới khi không giấu được nữa thì xin nghỉ việc và dọn đi nơi khác. Cháu phải tìm chỗ ở nơi nào rẻ hơn để chịu đựng trong vòng một năm, sống bằng mọi dành dụm trong trương mục tiết kiệm trước khi cháu dự trù tìm được công việc khác và con cháu được một tuổi.
Cháu biết con đường cháu chọn không dễ dàng nhưng cháu quyết tâm làm điều tử tế, sống ngay thẳng thì chắc ông Trời không bỏ mẹ con cháu. Cháu xin cô nghĩ phụ với cháu, coi có giải pháp nào khác hơn, đúng hơn thì cháu xin nghe cô và tạ ơn cô nhiều nhiều.
Kate
TRẢ LỜI:
Có ba điều cô lo sợ khi đọc đến giữa lá thư của cháu:
1.- Oán hận người làm khổ mình.
2.-Phá thai
3.- Mất phương hướng
May quá, cả ba điều đều đã được cháu hóa giải bằng sự hiểu biết, tình thương , lòng tự tin và trách nhiệm. Cô thật sự vui mừng, cảm phục và không còn ý nào hơn để đóng góp với cháu. Qua thư, cô thấy cháu không có bạn bè nhiều, cô nghĩ có lẽ đấy cũng là sự thiệt thòi nhưng xem ra, chính vì sống như cháu đã sống mà cháu có cơ hội rèn luyện mình nhiều hơn, tập trung năng lực đối phó dễ hơn, không mong chờ viển vông thường làm mất thì giờ vô ích.
Cô cũng tin rằng sống bằng chính sức mình, con người ít bị va vấp và thất vọng vì không bị bất ngờ. Khó nhất cho cháu là khi cháu cần một chọn lựa dứt khoát trong tình cảm nhưng cháu cũng đã vượt qua thường tình. Kế hoạch tương lai không có ai ngoài cháu và đứa con sẽ chào đời, khiến cô vốn cũng có cuộc sống tự chủ trong nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã, rất yên tâm vì ít nhất như vậy, cháu không tạo thêm hệ lụy. Khi cùng khốn, cô tin vào ông Trời và thường được giúp đỡ cách này hay cách khác an toàn.
Chuyện của M. để anh ấy giải quyết theo lương tâm và hoàn cảnh cá nhân anh ấy. Cháu không can dự vào là điều đúng. Hãy bằng lòng với bức tranh Hai Mẹ Con hiện nay. Trước khi ông Trời không bỏ mẹ con cháu, nước Mỹ cũng không bỏ mặc mẹ con cháu.
Cô chúc cháu vạn sự may lành. Sau lưng ông Trời, sau lưng Sở Xã Hội, cô vẫn có mặt và sẽ không từ chối phụ giúp cháu khi cần.
Bùi Bích Hà