Chủ tịch “trung tâm giúp người nghèo” lừa người nghèo

Trần Đức Trung, cựu chủ tịch Trung tâm hỗ trợ người nghèo, dùng ‘bẫy’ gửi tiền trả lãi cao và bán hàng đa cấp để lừa 1.112 người nghèo.

Vụ lừa đảo “Trái tim Việt Nam”
Trần Đức Trung, 61 tuổi, chủ tịch Trung tâm hỗ trợ người nghèo (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn VN), đã lãnh án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bốn cán bộ của Trung tâm còn lại là: Bùi Thị Oanh lãnh 9 năm tù, Phạm Văn Lực 6 năm tù, Nhâm Sỹ Phúc 7 năm tù và Phan Thị Thoa 8 năm.
Năm người này phạm tội có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng, lừa gạt nhiều người ở nhiều nơi. Mục tiêu của Trung tâm là giúp người nghèo nhưng lại lợi dụng để chiếm đoạt tiền của người nghèo.
Trung tâm hỗ trợ người nghèo được thành lập năm 2013, chưa được cấp phép hoạt động và không có các hoạt động doanh thu.
Ông Trung thừa nhận ngay từ đầu khi thành lập năm 2013, Trung tâm đã hoạt động không hiệu quả, «không giúp gì được cho nông dân nghèo». Do đó từ 2015, ông bắt đầu cho nhân viên lấy danh nghĩa Trung tâm để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”, những người tham gia chương trình này đã “tự nguyện đóng góp tiền» với hứa hẹn lãi suất cao 475%- 814%.
Để «kích cầu», ông Trung đưa ra chủ trương ai giới thiệu được một người nộp 1,2 triệu đồng sẽ được nhận hoa hồng 500.000 đồng. Người góp tiền sẽ được phát một thẻ mua hàng giảm giá.
Nhóm đã lập 26 điểm tư vấn, 6 nhóm thu tiền của hơn 1.000 người tại 16 tỉnh thành, tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng. 5 nhân viên chiếm hơn 49 tỷ đồng. Riêng ông Trung bỏ túi 26,3 tỷ đồng.
“Chiêu trò” chính được nhóm sử dụng là hứa hẹn trong khoảng thời gian nhất định người góp tiền sẽ nhận được lãi cao. Tiền trả lãi hầu hết lấy của người sau trả cho người trước. Số rất ít là tiền của nhà hảo tâm đóng góp, ngoài ra không còn nguồn thu nào khác.
Như vậy, thay vì vận động, quyên góp từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để giúp nông dân nghèo; trung tâm lại vận động chính người dân nghèo đóng tiền.
Cuối năm 2015, Hiệp hội giải tán Trung tâm. Song, nhóm này vẫn tiếp tục móc nối để tổ chức chương trình “Liên kết ba bên”, bán thực phẩm chức năng theo kiểu đa cấp. Từ chương trình này, nhóm tiếp tục thu về gần 17,5 tỷ đồng của 104 người. Ông Trung dùng một phần trả cho những người tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam” kỳ trước, còn lại bỏ túi 2,7 tỷ đồng.
Trong 5 tháng, hàng chục ngàn nông dân nghèo ở: Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An… đã nộp hàng chục tỷ đồng.
Ông Trung là người chủ mưu, chịu trách nhiệm cao nhất, trực tiếp khởi xướng tổ chức, điều hành mọi hành động phạm pháp và hưởng nhiều tiền nhất trong 5 người.
Ông Trung là người duy nhất “kêu oan”, cho rằng bị “vu oan, ép cung”. Ông nhiều lần khẳng định bị cấp dưới vu khống, bịa đặt. “Họ làm sai thì họ chịu. Bị cáo không sai”, ông Trung nói. Ông cũng đổ lỗi trong việc thu và chiếm tiền của hàng nghìn người trên 16 tỉnh thành là do các đồng phạm làm sai chỉ đạo.
“Bây giờ ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm, những người nào khai nhận trong hôm nay sẽ chịu”, ông Trần Đức Trung quả quyết.
Theo ông Trung, mọi người đều tự ý nộp tiền cho Trung tâm. Các chương trình lập ra đều chỉ nhằm mục đích giúp đỡ nông dân nghèo. Nhưng trước câu hỏi đã giúp được những gì, sản phẩm mua bán gì, ông Trung đều quanh co, không thể trả lời.
Trong lời sau cùng, ông Trung tiếp tục khẳng định đã “làm đúng”. Ông chưa từng gặp những người đưa tiền và cũng không nhận chuyển khoản từ họ. Số tiền ông nhận là do Trung tâm nợ ông ta số tiền mua sản phẩm tặng cho nông dân.
Khi đối chất, các nhân viên tại Trung tâm đều cho biết làm theo lệnh của ông Trung. Tiền thu được từ 1.093 người, đều nộp về cho Trung tâm và được ông Trung chia tùy theo công sức từng người.
Các bị hại được triệu tập đến tòa đều khẳng định “chỉ được yêu cầu nộp tiền cho Trung tâm chứ thực chất chưa được giúp đỡ gì”.
Ông Phạm Quang Tuấn (quê Thái Bình) cho biết, “Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới” do ông Trần Đức Trung đứng đầu dưới sự giúp sức của các thuộc cấp đã tạo ra một mô hình lừa đảo quy mô lớn đối với người dân nhẹ dạ cả tin.
Rất nhiều người quá tin tưởng vào các chính sách cùng những lời hứa hẹn từ Trung tâm này, họ đã vay mượn hoặc thế chấp nhà cửa, đất đai để nộp tiền rồi sau đó bị mất trắng.
Một số người đã tin những lời hứa “ngon ngọt” về chủ trương, cùng số lãi khủng từ chính ông Trung tuyên bố tại các buổi hội thảo do Trung tâm tổ chức. Đặc biệt, ông ta còn vận động mọi người tham gia chương trình thoát nghèo và khẳng định nếu nhà nước tìm được ra những vi phạm của Trung tâm thì ông sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Năm 1997, ông Trung từng chịu 2 năm tù vì tội Giả mạo giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội!!!
Tiền ở đâu mà họ tiệc tùng hoành tráng?
Các địa phương đang được nhắc nhở tăng cường tiêm vaccine và tập trung đối phó dịch bệnh. Thế mà các lãnh đạo CDC lại vui vẻ tiệc tùng thì quá lạ.
Liên quan đến những hình ảnh được cho là “tiệc chia tay” ông Ninh Văn Chủ, nguyên Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh, đang gây xôn xao dư luận những ngày qua, trên mạng xã hội lại xuất hiện những hình ảnh, clip CLB Giám đốc CDC miền Bắc tổ chức đại tiệc trên 2 du thuyền sang trọng ở vịnh Hạ Long.
Điều đáng nói, cả 2 du thuyền 5 sao: Âu Cơ 1 và Âu Cơ 2, đã cập mạn vào nhau và biến sân thượng thành một sân khấu nối liền trên biển. Ở đó được bày biện hàng chục bàn tiệc.
Theo lời giới thiệu của người dẫn chương trình, nhiều thực khách tham dự tiệc là đại diện của CDC nhiều tỉnh, thành miền Bắc, ban lãnh đạo và nhân viên CDC Quảng Ninh, trong đó có ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc CDC Quảng Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc CDC Miền Bắc.
Trong thời gian hai du thuyền cập mạn vào nhau, MC chương trình đã đọc những đơn vị tổ chức là Công ty CP y tế Đức Minh (AMV Group) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Quảng Ninh.
Theo đó, Công ty Đức Minh phối hợp với CDC Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động dự án Safpo – Potec hợp tác công – tư năm 2021, sơ kết 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022.
Dự án này bắt đầu triển khai từ tháng 7-2008. Cả nước hiện có hơn 70 phòng tiêm Safpo – Potec đang hoạt động.
Sau khi hội nghị kết thúc, các đại biểu trong CLB giám đốc CDC miền Bắc và khách mời, cán bộ nhân viên Công ty CP y tế Đức Minh muốn viếng thăm vịnh Hạ Long.
Mọi người được đưa lên 2 du thuyền cập mạn vào nhau để thuận tiện cho các đại biểu giao lưu.
“Kinh phí cho việc viếng thăm vịnh Hạ Long trên 2 du thuyền là do các thành viên của CDC và Công ty Đức Minh tự đóng góp, phía CDC Quảng Ninh không chi kinh phí cho hoạt động này”- đại diện CDC Quảng Ninh khẳng định.
Dư luận chưa hết ngỡ ngàng bởi những bữa tiệc hoành tráng chia tay trước khi nghỉ hưu của ông Ninh Văn Chủ, thì càng bất ngờ bởi đơn vị “chung tay” chi tiền cho bữa tiệc chính là Công ty Đức Minh chuyên kinh doanh vắc – xin, trang thiết bị y tế, dược phẩm:
Cũng thật đáng nể. Ít có một cán bộ chưa đến cấp sở nào mà có thể chơi sang đến cỡ đó. Những gì dư luận thấy là một bữa tiệc chia tay ở khách sạn hạng sang tại Quảng Ninh ngày 29-7 và tiếp đó là bữa tiệc xa hoa trên 2 du thuyền 5 sao ở Hạ Long vào đêm 30-7.
Thành phần tham dự chính là các giám đốc của Câu lạc bộ CDC miền Bắc mà ông Chủ là chủ nhiệm.
Chi phí của các bữa tiệc chưa được tiết lộ nhưng những gì diễn ra ở những nơi sang trọng như thế là không hề rẻ.
Đại diện Công ty Đức Minh thừa nhận doanh nghiệp trả một phần chi phí, phần còn lại gồm nhiều đơn vị khác.
Đơn vị nào tốt vậy? Liên quan thế nào mà mật thiết thế? Tạm xem đó là quyền cá nhân, không đụng đến của công là được. Nhưng tiệc tùng linh đình ngay ngày thứ 4 và thứ 5 là những ngày làm việc thì không biết các lãnh đạo CDC làm việc kiểu gì. Nên nhớ đây đang là thời điểm dịch bệnh quay lại, các ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng, dịch sốt xuất huyết bùng phát, nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác đe dọa xâm nhập…
Đây cũng là lúc Chính phủ nhắc nhở các địa phương tăng cường tiêm vắc – xin và tập trung nhân lực, vật lực ứng phó dịch bệnh. Thế mà các lãnh đạo CDC cùng cán bộ trực thuộc tổng cộng 139 người lại vui vẻ tiệc tùng thì quá phản cảm.
Viện dẫn cho lý do tổ chức tiệc, báo cáo của CDC Quảng Ninh cho rằng hôm ấy lãnh đạo 28 CDC miền Bắc tổ chức họp để bàn kế hoạch chống dịch. Kinh phí do các thành viên tự đóng góp nên kết hợp với tiệc chia tay ông Ninh Văn Chủ (?!). Tự bỏ tiền túi để làm việc công là họp bàn chống dịch quy mô cấp khu vực chắc chỉ có ở CLB này. Còn bữa tiệc trên tàu 5 sao chắc chẳng ai dám nhận mình tự bỏ tiền túi tham gia, bởi nó đắt giá và khó tìm lý do khác để viện dẫn.
Giám đốc CDC là cán bộ Nhà nước, có quy chế làm việc và yêu cầu về lối sống rất chặt chẽ. Giả sử việc tổ chức tiệc tùng bằng mối liên hệ cá nhân với các doanh nghiệp, đồng nghiệp thì cũng không thể xa hoa đến vậy. Nên nhớ trong lúc này có đến hàng vạn nhân viên y tế công đã nghỉ việc vì đời sống khó khăn, áp lực công việc quá lớn. Những nhân viên y tế này đều trực tiếp hoặc gián tiếp có công việc liên quan đến CDC các địa phương. Hiện nay, vẫn còn nhiều nơi chưa trả đủ lương cho những người chống dịch.
Vì thế, nếu nói những buổi tiệc tùng đề cập bên trên như trêu ngươi những người đồng nghiệp đang vất vả nơi tuyến đầu, là không có gì quá đáng!.
Thông thường, chi phí những buổi tiệc như trên được trả bởi tiền của cá nhân và của doanh nghiệp nên cũng khó nói gì được nhau. Mối liên quan giữa doanh nghiệp dược phẩm, thiết bị, vật tư y tế và các cơ quan y tế là vô cùng tinh vi trong bối cảnh các hoạt động y tế đang được xã hội hóa. Tiệc tùng chỉ là chuyện vặt. Nhiều doanh nghiệp còn tổ chức hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng khắp các khu du lịch nổi tiếng. Tất nhiên chi phí đều do doanh nghiệp tài trợ dưới đủ loại danh nghĩa về công việc nên nó được dễ dàng chấp nhận.
Nhưng, mục tiêu của doanh nghiệp là kinh doanh. Họ không ngây thơ và nhiệt thành đến độ bỏ cả khối tiền ra chỉ thuần vì tri ân hay tình cảm. Họ có cách lấy lại hoặc rất tinh vi, hoặc rất sòng phẳng bằng các hợp đồng. Chẳng ai xa lạ gì với những kiểu chi phí này.
Câu hỏi, tiền đâu mà họ tiệc tùng hoành tráng như thế? Mong rằng sớm có câu trả lời.

Bác sĩ yêu cầu người nhà bệnh nhân đi mua… dao mổ ở ngoài!
Thực trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế, thậm chí là dao mổ đang xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã yêu cầu người nhà bệnh nhân đi mua dao mổ bên ngoài vì bệnh viện không còn mặt hàng này. Ngoài ra, đối với một số thuốc men, dịch truyền…thì phía bác sĩ cũng kê toa, yêu cầu người nhà bệnh nhân đi mua ngoài đã gây ra nhiều phiền phức.
Bệnh viện cho biết đúng là đang hụt lưỡi dao mổ cũng như nhiều vật tư, y tế giá rẻ khác, thậm chí cả túi đựng nước tiểu. Giá mỗi lưỡi dao để mổ chỉ khoảng 1.000 đến 2.000 đồng, mỗi lần dùng xong vứt bỏ. Những chuyện tưởng nhỏ như lưỡi dao mổ chỉ 2000đ , nhưng lại không hề nhỏ. “Tôi đã cho chi 10 triệu đồng mua lưỡi dao mổ để giải quyết trước mắt” – một lãnh đạo bệnh viện nói.
Đây là thực trạng chung của cả nước, bởi sự bất cập trong chính sách đấu thầu thuốc, vật tư y tế.
Ví dụ, khi tổ chức đấu thầu thuốc, nhiều mặt hàng thuốc men, vật tư có kê trên cổng thông tin của Bộ Y tế nhưng lại không ghi rõ giá thành. Còn nếu có ghi giá thành đầy đủ thì cũng mỗi nơi bán giá khac nhau nên khi thanh tra, kiểm toán vào cuộc thì gặp rắc rối. Bên cạnh đó, nhiều công ty thậm chí còn không tham dự đấu thầu vì không có hàng, giá phê duyệt thấp. Ngoài ra, nhiều mặt hàng chỉ có thể nhập khẩu nhưng nguồn cung cấp lại đang đứt đoạn…
Thiếu nhân lực, cơ sở y tế thiếu thuốc trầm trọng
Thời gian qua, việc đấu thầu thuốc gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại dẫn đến thiếu thuốc trị bệnh tại các bệnh viện công.
Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc nhiều điểm bất cập, thay đổi liên tục, các văn bản hướng dẫn mang tính chung chung.
Trong khi đó, Sở Y tế Đắk Lắk đã nhiều lần xin Bộ Y tế tháo gỡ các vướng mắc trên nhưng phần lớn rơi vào im lặng. Nếu tiếp tục đấu thầu thì có thể sẽ dẫn đến phạm pháp.
Bên cạnh đó, trước đây, Sở Y tế có 4 dược sĩ chuyên về lĩnh vực đấu thầu thuốc nhưng hiện 1 người bị khởi tố, 2 người nghỉ việc, 1 người đang nghỉ thai sản nên thiếu hụt nguồn nhân lực.
Tại Sở Y tế Đắk Lắk, nhiều cán bộ bị tạm giam vì trực tiếp tham dự đấu thầu những năm vừa qua. Những người này không thể làm việc cũng như tâm lý hoang mang, không dám làm gì cả.
Số cán bộ khác xin nghỉ việc vì nếu tiếp tục làm rất dễ vi phạm. Do đó khủng hoảng nhân lực y tế càng thêm trầm trọng.
Hơn nửa bệnh viện tuyến trung ương thiếu thuốc, vật tư y tế
Nhiều bệnh viện trung ương đang thiếu thuốc, nhất là thuốc kháng sinh chữa bệnh nặng, thuốc tim mạch, thuốc tăng huyết áp, sốt xuất huyết… Thiếu hóa chất, trang thiết bị chuyên sâu…
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến nguyên liệu khan hiếm, giá cả biến động, một số loại thuốc hết hạn lưu hành, nhân viên nhà nước quá ít, khó khăn trong giải quyết hồ sơ. Cùng đó, việc đấu thầu chậm chạp…
Bên cạnh đó, mọi người lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra nên không dám làm, không dám mua bán. Một số nhà cung cấp cũng e ngại giao dịch khi giá cả bất hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp, khó khăn.
Ngoài ra, các văn bản về mua bán, đấu thầu thuốc, y cụ có nội dung chưa rõ dẫn tới cách hiểu, cách làm khác nhau. Vì thế nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế liên quan mật thiết đến vướng mắc về chính sách, quy định.
Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phổ biến tại các tỉnh như Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Nam…
Nguyên nhân của việc này là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư. Thực tế, có những gói thầu từ năm ngoái đến nay vẫn chưa hoàn thành, thực hiện được. Trong đó, lý do dễ thấy nhất là do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp thời gian trước gây khó khăn cho các hoạt động.
Việc đấu thầu mua thiết bị, vật tư y tế khó hơn mua thuốc vì nhu cầu chủ yếu nằm ở các bệnh viện. Quy định về đấu thầu vật tư y tế nhiều khó khăn chưa giải quyết được.
Y tế giáo dục cần thiết nhưng không có lợi bằng đầu tư đất đai béo bở và có lợi trước mắt. Thời xưa bệnh viện điều trị miễn phí và phát bữa ăn nên gọi là nhà thương thí, không có cảnh bằng giả thuốc giả… kiếm tiền bất kể đạo lý.
San Hà (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email