Chữa Bệnh Bằng Khiêu Vũ

Sinh, lão, bệnh, tử. Đó là quy luật cuộc đời của con người.
Lão thì phải đi đến bệnh. Cỗ máy hoạt động mấy chục năm đương nhiên phải hao mòn, hỏng hóc. Cơ thể con người cũng vậy. Chưa kể sinh nở, gặp tai nạn, bệnh nghề nghiệp, lây bệnh… Không bệnh ít thì bệnh nhiều. Bệnh hiển hiện ra ngoài hay còn tiềm ẩn bên trong đến lúc phát bệnh thì mới hay lục phủ ngũ tạng đã… rệu rã.
Xưa kia, sáu, bảy chục mới gọi là già, mới mắc bệnh. Nhưng nay tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Mới ngoài tuổi ba mươi đã mắc các bệnh cao huyết áp, mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ, suy thận…
Nhiều bệnh nghĩa là phải uống nhiều loại thuốc khác nhau. Sáng sớm, sau 3 bữa cơm, bữa xế, trước khi đi ngủ phải dùng nhiều loại thuốc. Thuốc nước, thuốc con nhộng, thuốc viên dẹp, viên tròn, thuốc sủi, thuốc xoa bóp, thuốc nhỏ mũi, thuốc nhỏ mắt, thuốc chích… Mỗi lần uống cả vốc thuốc kèm theo chai nước to. No căng bụng đến không thể ăn cơm.
Đó là theo Tây y chứ theo Đông y thì còn… mệt hơn. Sắc cả ngày ra bát thuốc đen, đắng nghét. Uống cả vốc thuốc tễ…
Nhiều người than: “Uống đâu có khỏi bệnh. Chắc uống đến lúc chết”.
Chưa kể nhiều loại thuốc có tác dụng phụ. Thuốc đau xương khớp có thể gây tiêu chảy, loét dạ dày…Tác dụng phụ của thuốc dị ứng gây buồn nôn, buồn ngủ… Tác dụng phụ của thuốc tim mạch thường gây đau đầu, mệt mỏi…
Thế nên nhiều người tránh uống thuốc mà giảm bớt bệnh tật bằng cách khác.
Đó là chuyển sang tập thể dục.
Đi bộ và chơi cầu lông là môn thể dục đơn giản phổ biến nhất. Sáng khoảng năm giờ và tối từ bảy giờ trở đi, ngoài công viên và các vỉa hè rộng rãi, thiên hạ nườm nượp mải miết đi bộ. Các công viên rộng rãi và các trung tâm thể dục thể thao đều tổ chức tập thái cực quyền, dịch cân kinh, các bài quyền tay không hoặc cùng với gậy, đao, kiếm, lụa, côn, quạt… Dường như phim võ hiệp đấu với vũ khí nào thì dân thể dục đều có bài quyền thể dục đi với món vũ khí đó. Tất cả gọi chung là “tập dưỡng sinh”.
Dù sao, nhiều người chưa quá già và sức khỏe còn tốt cảm thấy các bài quyền chậm chạp quá và đi bộ hoài đơn điệu. Họ muốn mở rộng các hoạt động thể dục phong phú hơn với những động tác nhanh hơn, hoạt hơn. Phong trào khiêu vũ dưỡng sinh ra đời.
Khiêu vũ dành cho người già được nhiều người cho là bắt đầu từ bà Nguyễn Phước Đại khởi xướng. Sau thời gian dài khoai sắn, khi thành phố bắt đầu đổi mới, bà luật sư cũ tụ tập một nhóm bạn già khiêu vũ giải trí, mới đầu chỉ trong phạm vi tư gia, sau dần dần lan rộng ra ngoài. Từ cuối những năm 1990, khiêu vũ cực thịnh với các lớp học mở ra khắp nơi. Ngay trong cơ quan cũng mời thầy về dạy cho nhân viên. Không giống như ngày xưa chỉ có ở dancing, cours de danse hoặc balle famille, khiêu vũ sau này tràn lan khắp nơi, ngoài vũ trường và nhà văn hóa với giá vé vào cửa rẻ nên thu hút đủ mọi thành phần dân chúng. Vũ trường quần áo vẫn đàng hoàng, lịch sự nhưng một số lớp ở nhà văn hóa xa, ngoài đường thế nào vào chỗ nhảy y thế quần jean, áo pull, sơ mi bỏ ngoài, lê xăng đan, dép xẹp… Sao cũng được, người ta như mình và mình như người ta. “Lên đồ” quá khác người có khi còn bị nhìn chằm chằm ấy chứ!
Lớp khiêu vũ không những chỉ ở các nhà văn hóa quận nội thành, huyện ngoại thành, các tỉnh, thành phố mà tiếp tục mở rộng ở công viên để dành cho mọi thành phần “tự do”.
Người lớn tuổi tập thể dục để giữ gìn, bảo vệ cho sức khỏe đã suy yếu, tìm thấy thú giải trí trong những bước khiêu vũ. Bắt đầu từ vài ông già vốn một thời lả lướt, nghỉ ngơi một chút giữa lúc tập thể dục, gặp các bạn đồng tuế đi vài đường cho đỡ nhớ chân. Không còn túi bụi việc mưu sinh, con cháu lớn dần có cuộc sống riêng. Các cụ ông, cụ bà qua điệu khiêu vũ, tay trong tay bước theo điệu nhạc bỗng thấy mình như khác đi. Sự trẻ trung, lãng mạn, niềm vui, những xúc cảm… chợt đến theo từng bước lên, xuống, bước mở, bước “te”…
Đồng loạt từ Bắc chí Nam, các lớp khiêu vũ nở rộ trong công viên. Cũng đủ cả các điệu nhưng không “phăng” lắm, chỉ là những bước căn bản phù hợp với tuổi tác và sự tiếp nhận của người lớn tuổi. Loại này được gọi là “khiêu vũ dưỡng sinh” để phân biệt với khiêu vũ thuần thục hơn ở các lớp dành cho người trẻ. Sở dĩ gọi dưỡng sinh vì thời gian khiêu vũ chỉ diễn ra vào buổi sáng hoặc tối nơi công viên, vỉa hè là chỗ mọi người vẫn tập thể dục.
Sau thời gian dài, nhiều người già khám phá khiêu vũ nhẹ nhàng cũng là cách tập thể dục khiến các bệnh xương khớp giảm hẳn đi, chẳng những thế, việc vận động vừa sức khiến họ ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc, bớt kêu ca đau đầu gối, nhức vai, tê chân…
Thật ra, không phải chỉ có khiêu vũ dưỡng sinh mới xuất hiện ngoài trời. Đôi khi cũng có lớp khiêu vũ dành cho thanh niên được tổ chức vào sáng Chủ nhật hàng tuần ở công viên với giá rât rẻ như một kiểu hoạt đông phong trào. Một bà ngồi ghế đá cách mấy thước chống cằm nhìn cả trăm thanh niên, thiếu nữ xếp hàng trên vệ đường tập điệu Chachacha. Bà chở cô con gái rượu đi tập khiêu vũ. Bà cũng muốn vào tập chung với con nhưng cô con không chịu. Cô đứng cách thật xa mẹ tuốt đầu hàng đằng kia và ra lệnh cho bà mẹ chưa già lắm lúc nào cũng phải “đàng hoàng”, không được nhảy nhót như người ta!
Khá nhiều bà lại thích khiêu vũ một chút. Chắc là phụ nữ bị đè nén, giam giữ hằng mấy ngàn năm phong kiến nên qua những bước đi khiêu vũ, tưởng chứng họ tìm thấy có chút gì tự do, chút cảm giác gì mới mẻ trong đó…
Nhiều lớp khiêu vũ được mở ngay trong các công viên lớn rộng rãi do vũ sư hẳn hoi trông lớp chứ không phải các cụ chỉ vẽ lẫn nhau. Mặc dù buổi tối, hầu hết chỉ toàn người đi bộ chứ không tập quyền và đánh vũ cầu nhưng do số lượng người đi bộ nhiều không kém ban sáng, buổi tối ở công viên vẫn có lớp khiêu vũ dưỡng sinh. Thông thường buổi sáng có hai đợt. Từ năm đến sáu giờ rưỡi và từ sáu rưỡi đến tám giờ. Buổi tối cũng hai đợt, một xuất đầu cho người đi làm về tiện ghé qua và một xuất nữa tiếp theo ngay sau đó.
Một lớp khiêu vũ dưỡng sinh ở công viên khoảng hai, ba trăm ngàn. So với lớp học khiêu vũ ở câu lạc bộ, nhà văn hóa giá khoảng năm trăm ngàn. Các vũ sư cũng nhận đến nhà dạy riêng với giá bạc triệu. Thật ra không cần học riêng, mỗi ngày tập đều đặn ngoài công viên như tập Thái cực quyền, tập kiếm, tập gậy rồi từ từ cũng thuộc!
Một thày đang dạy ở công viên cho biết: “Lớp Một tập đi các bước căn bản, tiếp theo lớp Hai, lớp Ba nâng cao thì phăng hơn một chút”.
Thầy mang cả vợ và cô cháu vào chia nhau coi ba lớp. Thầy hướng dẫn lớp khó nhất là lớp Một bởi toàn các vị tay chân xương cốt cứng quèo nói trước quên sau. Dàn âm thanh ampli để trên giá có bánh xe đẩy vào công viên. Mỗi lớp tọa lạc một góc, đủ gần nhau để tạo thành một “trung tâm khiêu vũ”, đủ xa nhau để tiếng nhạc của lớp này không lấn không gian của lớp kia. Sở dĩ họ tập trung thành khu vực khiêu vũ riêng biệt vì vẫn phải bảo đảm dành những góc yên ả khác cho những người tập thể dục ưa thích sự tĩnh lặng.
Sau khi qua ba lớp, nhiều người nhảy khá không thích học bước nữa mà muốn nhảy ngay cho vui. Họ vào lớp “khiêu vũ tự do”. Gọi là lớp nhưng thật ra không có thầy hướng dẫn nữa mà chỉ có dàn loa và một ông chủ đứng gần đó thu tiền. Đóng vài chục một buổi tha hồ nhảy mỏi chân thì thôi.
Thấy một bà tóc bạc chăm chú đứng xem, một “lão bà bà” trong lớp khiêu vũ lại gần hỏi thăm: “Bà vào tập đi. Có thầy, thêm tụi tui chỉ cho. Dễ lắm. Mình tập cái này coi như hoạt động toàn thân. Tui tập hai năm rồi. Mấy vụ đau nhức xương cốt biến mất tiêu. Trước uống nhiều thuốc tôi bị phù. Từ hồi bỏ thuốc tui thấy đầu óc thoải mái, đi đứng vững chắc hơn”.
Ở lớp “khiêu vũ tự do”, các ông bà ăn mặc khá đẹp. Nam “đóng thùng”, nữ áo kiểu, áo đầm, giày cao gót… lịch sự như trong vũ trường thứ thiệt. Tuy nhiên lớp “khiêu vũ dưỡng sinh” hầu hết đến từ trước hay sau buổi tập thể dục dưỡng sinh, vẫn giữ nguyên áo thung, giầy bata hoặc dép Nhật. Người già chậm nhớ, mau quên nhưng miễn chưa tới mức run rẩy chống gậy, bảo đảm cứ hết tháng, ai cũng đều có thể đi theo nhạc được cả. Lỡ có quên bước thì cứ nhìn chung quanh mà bắt chước. Cho nên nhiều cặp chẳng hề ngó nhau mà cứ chăm chú cúi nhìn vào chân của cặp bên cạnh hòng biết đường thế nào mà đi. Nhảy xong chẳng cách nào nhớ nổi mặt mũi ai đã đi với mình khi nãy!
Lớp “khiêu vũ dưỡng sinh” không phải chỉ toàn người già mà có cả trung niên và người trẻ. Khiêu vũ trong phòng kín là… khiêu vũ, đối với quan niệm số ít người vẫn có vẻ dính líu xa gần đến “ăn chơi”. Bóng tối và ánh đèn màu của sàn nhảy xem chừng thật dễ liên quan hay phát sinh bao chuyện mờ ám! Nhưng ngoài trời thì không, khiêu vũ công ngoài công viên, ngay giữa lối đi với không ít người hiếu kỳ đứng xem mãi không chán, dưới tàng cây cao bên bãi cỏ xanh, giữa thanh thiên bạch nhật nắng và gió thổi và chim hót, thì không phải khiêu vũ mà là… dưỡng sinh, là thể dục, giống như đi quyền bài Mai Hoa, bài Thái cực… vậy!
Chỉ “khiêu vũ dưỡng sinh” mới mang lại ý niệm “khiêu vũ cộng đồng” chứ không phải “khiêu vũ hai người” với nhau. Vô cùng quang minh chính đại! Nhảy riết đâm ghiền nên nếu không qua “khiêu vũ tự do” thì họ cứ đóng tiền để học đi học lại ba lớp căn bản đó. Một buổi tập, chỉ có đi qua đi lại, bước tới bước lui, xoay phải lộn trái thế mà xong lớp, người nào người nấy mồ hôi như tắm, đỡ tốn tiền tới spa xông hơi. Kiểu vận động này tốn calo hơn các bài thể dục tập gậy, tập thước… mà lại uyển chuyển, thú vị. Học viên nữ bao giờ cũng đông hơn nam nên nhiều bà học bước nam để lúc nào cũng có thể nhảy đỡ ghiền được. Cuối cùng khi kết thúc một buổi khiêu vũ dưỡng sinh bao giờ cũng là một điệu lắc rộn ràng rất giống động tác trong thể dục thẩm mỹ nên ai nấy lắc rất hăng, lưng sẽ thẳng, eo sẽ nhỏ và bụng sẽ phẳng, đi đứng nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát hẳn ra.
Không kể ngoài những tác dụng về sức khỏe và hình thể, các cụ cảm thấy tinh thần phấn chấn rất nhiều. Mái đầu bạc và bước chân vụng về chập chững có là gì. Nhạc trỗi kệ nhạc, mình bước mặc mình. Cụ ông như thấy mình trở lại chàng trai hào hoa thuở nọ và cụ bà e dè như nàng thiếu nữ tưởng chừng mất dấu tháng năm. Tuổi xuân bỗng chốc len lén quay lại. Đó chính là một trong những đặc điểm dễ thương nhất của “khiêu vũ dưỡng sinh”.
Sau cơn đại dịch Covid 19, tình hình khiêu vũ dưỡng sinh chững lại. Một phần kinh tế chưa phục hồi, một phần ai nấy vẫn còn sợ tụ tập chốn đông người. Ám ảnh về cao điểm nạn dịch năm ngoái vẫn còn ám ảnh mọi người. Một bà nói: “Từ từ xem. Tôi đã chích mũi 4 rồi nhưng nhiều người vẫn ngại chích ngừa vì cho rằng chích xong dễ lú lẫn lắm. Ông bạn hôm trước lây ho sốt từ một bạn nhảy cặp. Sợ quá, chẳng những ổng nghỉ luôn mà còn không dám tới công viên!
SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email