CHÚC TẾT

SGCN

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu ?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người,

Đó là bài thơ chúc Tết của nhà thơ Trần Tế Xương.

Ngày đầu năm, bên cạnh cúng kiếng, xông nhà, xuất hành… Một thủ tục không thể thiếu là chúc tết, gặp người quen sau câu chào hỏi luôn luôn phải là những lời chúc lành.
Sau một năm may mắn hay vất vả, suy yếu, lắm chuyện bực mình, xui xẻo; ai cũng mong muốn tương lai sắp tới giỏi hơn, giàu hơn, khỏe hơn… năm cũ. Hy vọng 365 của một năm mới trước mắt sẽ tươi sáng hơn, sẽ vui tươi hơn. Và như thế, chúc tết đã thành cái lệ.

Chúc tết trên giấy như những năm trước, gửi đến nhau những thiệp tết đã in sẵn. Trước Tết Tây là Happy New Year. Vừa qua ngày mồng 1 tháng 1 dương lịch, tiệm sách và bưu điện rợp trời các tấm thiệp nở rộ hoa mai, hoa đào, bánh chưng và bánh tét và mặc dù pháo từ lâu đã không nổ rền vang nhưng trên các tấm thiệp không thể mất đi hình ảnh bánh pháo được coi như một trong những biểu tượng của ngày Tết.
Trên thiệp Xuân bao giờ cũng in sẵn dòng chữ: Cung Chúc Tân Xuân hay Chúc Mừng Năm Mới và sau đó, người ta mới ghi thêm vào những lời chúc mạnh khỏe, thịnh vượng, tiểu đăng khoa hay đại đăng khoa…
Hiện đại thì chúc tết bằng gửi Email hay tin nhắn điện thoại. Và khi gặp nhau, mặc dù nhận thấy rất sáo rỗng nhưng sau cái bắt tay, ai nấy vẫn chúc nhau những câu rất quen thuộc như một thủ tục đầu năm nhất thiết không thể bỏ qua.

Những lời chúc đã thành kinh điển:

Chúc cho người già : sống lâu trăm tuổi, thọ tựa Nam Sơn. Không tra tự điển thì chẳng mấy ai biết sự tích Nam Sơn nhưng vẫn mang vào lời chúc cho đượm màu văn vẻ. Chắc một phần do người ta nghe thường câu ấy trong cải lương tuồng cổ. Xưa kia y tế chưa tốt lắm nên vua chúa mới bốn mươi tuổi đã làm lễ mừng thọ, chứ ngày nay khi số người sống ngoài trăm không còn hiếm thì chẳng ai muốn trường thọ để làm gì khi tới lúc ăn trầu phải nhờ đến cối giã mà vẫn không bỏm bẻm nhai nổi. Răng rụng, chân yếu tay mềm, bao nhiêu thứ bệnh tật đổ ập tới, nằm liệt một chỗ chỉ khổ cho bản thân và gia đình, có còn hưởng thụ gì đời sống được nữa mà mong thọ! Cho nên câu chúc mạnh khỏe được dùng thay thế.

Có nhiều câu chúc đã lỗi thời. Đầu năm sinh trai, cuối năm sinh gái cũng lạc hậu không kém. Người mẹ đi làm được nghỉ thai sản có bốn tháng nhưng nhiều người mới nghỉ hai tháng đã vội đi làm trở lại vì sợ mất việc. Đẻ sòn sòn đầu năm, cuối năm thì có nước… ăn cám, sữa đâu mà mua nổi cho con. Mà con gái thời buổi này có giá, trai Việt, trai Tàu, trai Hàn… chầu chực. Nếu may mắn lấy người chồng êm ấm, gửi được tiền về cho cha mẹ xây nhà cao cửa rộng, ở không chơi, thì chúc sinh con gái là… hợp lẽ nhất!

Quan niệm hào con là hào của cũng sai bét vì bây giờ e rằng có bồng bế nhau lên non cũng không còn chỗ mà ở. Mặc dù trên giấy tờ, rừng đã bị đóng cửa từ lâu nhưng người ta vẫn ra vào rừng ùn ùn như chỗ không người để chặt cây đốt rẫy. Một số người miền Bắc vào Tây nguyên, phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn để ở lậu. Dân thành phố thì ngày càng sinh ít con do mức sống ngày càng nâng cao, thậm chí chẳng muốn lập gia đình, sinh con cái nên hầu như bây giờ chẳng ai chúc sinh con đàn cháu đống nữa.
Chúc cho trẻ con mau ăn chóng lớn, trẻ thành thị đừng béo phì, trẻ miền quê chớ còm nhom. Chúc cho thương gia phát tài nhưng đừng… phát tướng trông mập ù, xấu xí. Thời buổi này, người giàu có năng đi tập thể hình, tập thể dục thẩm mỹ, đánh tennis, tập yoga… cho cơ thể thon gọn. Bụng bự được xem là bụng bia, kết quả của việc nhậu nhẹt vô độ, dấu hiệu của nhiều bệnh lý chứ bệ vệ không coi là hình ảnh của sự no đủ như xưa.
Có hai nghề là không ai chúc mừng: đó là nghề thầy thuốc và chủ tiệm… quan tài. Hai nghề này đông đông khách thì tội cho thân chủ.

Thiết thực nhất là chúc cho người đi làm tăng lương, lên chức. Hay là nên rạch ròi chúc công chức thăng chức hàm nghĩa thêm tiền, thêm quyền nhưng cẩn thận kèm thêm câu chúc “hạ cánh an toàn”. Quả nhiên nhờ chúc thế mà cũng lắm người thăng quan tấn chức thật. Chỉ có điều thời này các quan lại chẳng cần võng lọng, Xưa quá. Thế võng lọng bằng xe hơi đời mới rồi. Mấy cái lọng đó chỉ thấy ở đám ma và rước xách tại đình miễu thôi. Nếu quan tước phát triển chắc lả nghề… thợ hồ phát triển theo. Chẳng là thời gian qua, người ta phát giác hết biệt phủ trên hai ngàn mét vuông của, không phải phó thống đốc ngân hàng nhà nước, mà là con gái của ông đứng tên, biệt phủ của giám Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, biệt phủ gỗ quý của chi cục trưởng kiểm lâm… Các biệt phủ cứ thi nhau mọc lên như nấm sau cơn mưa. Hèn chi nhiều làng xóm vắng hoe vắng ngắt toàn người già và trẻ con ngơ ngác sống với nhau, đồng ruộng bỏ hoang thiếu nhân công, nhất là sau các đợt thiên tai lũ lụt vì thanh niên rủ nhau bỏ quê lên thành phố làm phụ hồ cả!

Đối với công chức, chúc Tết cũng là một việc khá bận rộn. Thay vì ngày Tết được ở nhà nghỉ ngơi thì ông sếp phải ghé qua cơ quan. Ở đó có đám nhân viên quèn đang trực, ghé vào lì xì chút ít để an ủi cho họ đỡ tủi thân ngồi chèo queo trong sở trong khi khắp thiên hạ lũ lượt du xuân.
Thật ra đâu phải ai cũng vui chơi, sếp bận bịu lắm. ông cũng phải đi chúc Tết cấp trên của ông và chúc Tết lẫn nhau các lãnh đạo ngang hàng. Có nhiều tỉnh tổ chức hẳn một đoàn chuyên đi chúc tết các địa phương. Chức vụ càng cao càng phải đón tiếp nhiều người đến chúc Tết.

Nếu sếp không đi chúc Tết cấp trên thì ngược lại, cấp trên lại cử phái đoàn xuống chúc cấp dưới, ông phải đứng ra đón tiếp đúng “thủ tục”, lại trà rượu, lại phong bì cũng phiền hà mệt mỏi vô cùng.
Bởi vì thật ra quanh đi quẩn lại cũng bấy nhiêu khuôn mặt hàng ngày làm việc với nhau chứ có xa lạ gì đâu. Chúc qua chúc lại thật nhàm, mất thời giờ vô ích. Chẳng những mất thời gian mà lại tốn kém nữa. Thời buổi đâu có ai đi chúc Tết khơi khơi. Chào hỏi khan thôi nhạt nhẽo lắm, ở nhà cho đỡ mất công. Chúc chiếc bao giờ cũng đi kèm với phong bì thì việc chúc Tết mới có ý nghĩ và mới đậm đà, mang không khí vui vẻ hớn hở của mùa Xuân mới.

Bởi vậy câu chúc phổ biến ai cũng thuộc lòng và lấy làm đắc ý sao đúng y vậy: Tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin. Sống trong nghèo đói bao năm nên tiền bao giờ cũng tượng trưng cho hạnh phúc. Có tiền mua tiên cũng được cơ mà.
Kèm theo câu chúc không thể thiếu là… cái phong bao, do được đưa hết sức hợp lý vào lúc đúng dịp đầu năm chúc Tết nên có thể trao thẳng đến cơ quan hay nhà riêng mà không sợ mang tiếng này nọ.

Hay là nhân thể chúc Tết, tổ chức họp mặt ăn uống linh đình gọi là “liên hoan vui Xuân”. Tới nỗi từng có việc nhà nước nghiêm cấm dùng rượu ngoại đãi Tết, cấm dùng xe công đi chúc Tết, tặng quà cấp trên.
Nhậu nhẹt, lì xì lấy tiền đâu ra ngoài công quỹ chứ chẳng ai móc hầu bao riêng. Một huyện ở Thanh Hóa có các quỹ tiền xóa đòi giảm nghèo nhằm giúp cho dân nghèo miền cao, dự án khoa học, dự án trồng rừng do Đức tài trợ… Tiền từ những quỹ đó chi ít ít thôi, chi tiết kiệm thôi đặng có thể rút ra cả trăm triệu đi chúc Tết với tên gọi chính danh là “kinh phí đón Xuân”. Kông thì biết xoay xở mừng tết ra sao… Thay vì tiền chi cho an sinh xã hội thì lại lì xì cho các quan chức. Tính ra tiền chi cho mỗi đầu người không nhiều lắm nhưng mang cho dân nghèo thì được khối việc có ích. Cho nên sau vụ này, nhà nước cấm dùng tiền nhà nước hay tiền có nguồn gốc từ các quỹ để chúc tết. Thật khó, tiền nắm trong tay một đống mà Tết nhất không rút ra ít nhiều để chúc nhau, đâu có gọi tham nhũng hối lộ được mà chỉ là tình cảm với nhau thôi. Cụ Tú nghĩ rằng chúc sao cho nhiều người giàu thì “gà ăn bạc”, may ra đồng rụng đồng rơi lọt sàng xuống nia chăng nhưng thực tế cho thấy cụ lầm to. Không những chẳng đồng nào rơi xuống mà tiền còn chảy ngược lên mới hay!

Trong thực tế, chúc nhau bằng vài ba câu chúc tụng xã giao kèm phong bì là tiện lợi nhất. Còn hơn “đi” giỏ hoa, chậu hoa, cũng bạc triệu chứ ít đâu mà có ai thèm ngắm, qua một hai ngày vất đi chỉ tội công nhân vệ sinh cong lưng hốt rác.
Rõ ràng các câu chúc của Tú Xương không còn hợp thời nữa. Xem ra chỉ bốn câu thơ cuối thì thời nào cũng đúng cả:

Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người,

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email