CHUNG CƯ BÌNH DÂN

Saigon có rất nhiều chung cư. Trước 75 có chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Minh Mạng, Cô Giang, Ấn Quang, Vĩnh Hội, Thanh Đa, 155 Bùi Viện… Sau này nhiều chung cư mới mở như Hà Đô, Thái An, Hoàng Anh Gia Lai, Chợ Nga, Lê Thành, Vạn Đô, Carina, City Gate… Rồi chung cư Grand Manhattan trên nền đất chung cư Cô Giang đang xây. Tuy nhiên đó là những chung cư cao cấp, kiến trúc và trang trí sang trọng dành cho thành phần trung lưu trở lên.

Thêm một số chung cư bình dân dành cho dân bị giải tỏa như: chung cư 518 Võ Văn Kiệt, tái định cư Bình Khánh, Vĩnh Lộc B, Khánh Hội… Chung cư Thanh Đa đợi giải tỏa xây mới từ lâu mà mãi vẫn chưa thấy nhúc nhích.

Một chung cư bình dân giống như mọi chung cư điển hình khác của thành phố luôn luôn có những đặc điểm giống nhau là hay bị thấm và dột. Cứ nói tới chung cư là phải nói tới đặc điểm này. Dĩ nhiên theo thời gian, nhà cửa sẽ phải xuống cấp gây dột nát nhưng thật ra những chung cư cũ lâu năm thời Pháp lại ít thấm dột. Nhà xây càng xưa càng kỹ, càng lâu hư hại. Những ngôi nhà dựng từ thời Pháp chịu khó tu bổ vẫn rất bền chắc. Một số căn hộ tầng cao ở vài chung cư Pháp cũ kỹ nằm trên những con đường trung tâm giờ mở quán ăn, cửa hàng quần áo… rất đông khách. Ngược lại những căn chung cư bình dân vừa xây mới toanh luôn có mặt trên báo giữ chức vô địch thấm dột không kể những hư hại khác.

Khá nhiều chuyện chung cư vẻ ngoài thơm phức mùi sơn chưa kịp cắt băng khánh thành đã bị nghiêng tường, sụp mái, lún nền huống chi có người vào ở mới càng khám phá tòa nhà rệu rã thế nào. Một trong các cuộc “họp chợ” ngẫu nhiên như thường lệ ngoài hành lang chung cư, Bà Lan than thở:

– Nền nhà toàn cát đáo qua hàng ciment nên chi mới mấy tháng gạch bị lún, chỗ lồi lên, chỗ lõm xuống đi lên phập phà phập phù. Tiền nhà hàng tháng chưa trả góp xong lại lo cái khoản lót lại nền nhà.

Ông Ngọc tiếp ngay:

– Ấy, nhà bà đỡ khổ chứ nhà tôi ngay bìa hứng đủ nắng mưa. Trời nắng thì trong nhà nóng như đổ lửa, trời mưa thì hắt như giữa trời. Khổ nhất là tường phô ra như vậy nên bị nứt mau chóng. Cứ sau cơn mưa thấm loang lổ, chưa kịp khô lại cơn mưa khác, chưa chi vữa tường như muốn bở bục ra nhìn mà sốt cả ruột.

Bà Lan nhiều năm ngụ trong ngôi nhà ngập lưu niên nên tuy bây giờ thượng lên lầu hai chung cư vẫn còn bị ám ảnh bởi cái “ao cá” ngày xưa:

– Nhà ngoài bìa mục tường không nói làm chi, nhà của tôi gian giữa không mưa không nắng tự nhiên rạn ngoằn nghoèo như mấy con… lươn trên tường. Rạn vữa chứ không phải rạn vôi đâu. Không biết mấy tháng nữa tường với cột lở ra đổ xụp xuống thì thì thiệt là…

Đường rạn mà bà dám biến thành con lươn thì thật là “thậm xưng”. Thầy Thịnh cũng nhà căn bìa nên rất mực thông cảm:

– Sát tường đâu có ai dám kê đồ đạc gì vì cửa sổ “tình tuy có như không”, trời mới mưa rào rào một chút nước đã lênh láng đóng vũng dưới nền, cửa gỗ tạp cong lên vênh váo, cửa nhôm ốc vít tuy sáng loáng nhưng chưa đụng đã tự động bẹp dúm dó, cửa kính mỏng, chỉ một cơn gió thoảng qua cứ rung bần bật thấy mà ghê.

Bà Lan ngán ngẩm:

– Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Tưởng ở chung cư thoát cảnh ngập, ai ngờ lại bị hắt dột… Cửa sổ, ô thông gió, giếng trời… tha hồ mưa tạt mới hay chứ. Cứ thấy trời âm âm đổi gió là vợ chồng con cái nhà tôi nhắc nhau lôi đầy thau chậu xô gáo ra hứng lung tung cả lên.

Cô Thảo mặc áo đầm ngủ hai dây mỏng tang vừa rũ tóc chải đầu vừa bĩu môi xì dài:

– Mấy cái thấm dột đó ăn thua gì. Nhà vệ sinh lầu trên thấm xuống trần căn hộ của tôi mới kinh hoàng. Nước ố loang trần nhà đen thui, sơn bong rộp rơi xuống từng mảng và nhiễu xuống long tong bốc mùi “kênh Nhiêu Lộc” khiến con cái phải cho “sơ tán” qua nhà ngoại hết.

Sợ nhất là thấm trần phòng vệ sinh vì phải lên tầng trên năn nỉ chủ hộ cho sửa phòng vệ sinh của họ. Sàn nước của họ là cái trần nhà mình. Thấm tới đâu chủ tầng trên cũng mặc kệ vì chỉ có tầng dưới lãnh đủ. Năn nỉ hạ giọng để họ cho phép mình bước vào lãnh thổ của họ. Sửa thật chắc chắn đẹp đẽ vì đâu có mỗi lúc vào nhà người ta hoài được. Khổ vậy.

Thầy Thịnh dạy học chữ nghĩa đầy mình nên nhắc ngay:

– Rồi có ai làm đơn từ chưa?

Chẳng ai buồn trả lời thầy. Quản lý chung cư đâu có bổn phận trực tiếp sửa chữa nhà cửa mà quay sang gõ đầu nhà thầu xây dựng. Nhà thầu tiền đã bỏ túi, nhà đã giao xong nên tự nhận có đầy đủ lý do để hô biến. Còn như không biến nổi thì cứ cù cưa cù nhầy, sửa chữa vá víu dằng dai cho qua ngày đoạn tháng rồi cũng quá hạn bảo hành, chìm dần vào quên lãng. Đơn từ tha hồ tốn giấy tốn mực phiêu du ngày tháng từ ban này sang phòng nọ cho tới khi nào mỏi chân thì nghỉ ngơi ở một xó tủ hồ sơ nào đó.

Rồi chuyện máy bơm hư nên thường xuyên bị cúp nước, mấy tên thanh niên thậm thụt làm gì nơi góc cầu thang cháy bóng đèn chẳng biết có rủ rê nhau hút, chích xì ke không. Tuy nhiên trong chuyện dọn đến, đồ đạc chưa kịp ấm chỗ nhà cửa đã thấm dột, hư hỏng, đành chịu là nạn nhân nhưng ở các việc khác, chủ nhà nhất định vùng lên chứ đâu có chịu lép vế một cách dễ dàng vậy.

Anh Giang tự nhận mình là “Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai” khi làm người đầu tiên xung phong bít một nửa không gian của giếng trời khiến căn nhà rộng thêm được khoảng sáu tấc vuông. Chỉ bít một nửa chẳng phải vì chừa khoảng nửa kia không nỡ chiếm hết cho thoáng khí mà vì chỗ trống chừa lại đó dành cho nhà hàng xóm sẽ thanh toán y như nhà mình. Sau khi “lỗ châu mai được lấp”, đương nhiên cư dân chung cư mạnh ai nấy ào ào tiến lên.

Vì là căn hộ ở tầng cao nhất nên thầy Thịnh đã đục trần thông lên khoảng trống áp mái nhà được coi là phần đệm chống nóng. Sau khi bắc một chiếc cầu thang nhỏ lên, tầng áp mái này trở thành gian phòng cho ba sinh viên chen chúc thuê. Tiếp theo bà Lan tự bù đắp cho nỗi buồn con lươn bò trên tường nhà mình bằng cách cho thợ đóng một dàn sắt de ra ngoài balcon đặt mấy chậu cây kiểng. Chiều chiều ngồi ngắm cây sứ Thái Lan đỏ rực, hoa Hoàng Lan đưa mùi thơm ngát, chậu khế cảnh lúc lỉu quả… cũng thấy lòng được nhiều an ủi, cũng thấy đỡ… tức. Rồi lỗ thông gió bị bít lại, chắn cầu thang thoát hiểm, phá dẹp luôn ống khói… Nói chung mọi người tha hồ đập phá, sửa sang căn nhà theo ý thích của mình, đồng thời lấn được chút nào hay chút đó. Dân số thành phố ngày càng gia tăng, đất đai càng chật hẹp nên chi giết nhau để chiếm một tấc đất ấy chứ.

Thầy Thịnh tuy nhờ thêm được gian áp mái làm chỗ trọ cho thuê nhưng vẫn tỏ ra ganh tỵ với cô Thảo:

– Sinh viên ít tiền, đâu có bằng cô Thảo buôn bán.

Thật ra cô Thảo là dân văn phòng chứ không hề buôn bán bao giờ cả. Ý thầy Thịnh  muốn ám chỉ  do ở tầng trệt cạnh cầu thang nên cô tự cho mình quyền sở hữu luôn gầm cầu thang. Chỗ ấy cũng nảy sinh nguồn lợi dữ lắm mặc dù có hơi lộn xộn một chút. Đó là việc cho mấy người bán hàng chung quanh gửi hàng gồm lọng và bạt che nắng, tủ bánh ngọt, bàn sửa khóa… Cô cho một anh thuê mảnh vỉa hè trước nhà bằng nửa tờ báo bán đồ chơi trẻ con để nhân thể trông hộ gầm cầu thang. Dù sao, sau vụ mất trộm tấm bạt, cô cho rào luôn cầu thang cho chắc ăn còn hơn dãy chung cư bên kia, con trai ông bảo vệ mới lấy vợ đã chiếm ngay gầm cầu thang vừa xây tổ uyên ương vừa mở tiệm may kiếm sống. Nhìn vào căn hộ tuy không có sổ hộ khẩu nhưng rất ấm cúng vì đầy đủ bàn máy may, tủ buýp-phê, TV và một cái tủ lạnh nhỏ.

Ở từng trệt cũng có cái phiền khi thỉnh thoảng dân sống trên mấy tầng lầu tiện tay quẳng xuống trúng người đất, khi thì vỏ trái cây, giấy vo viên, bịch nhựa… và ngay cả một cái thớt cũng không có gì lạ.

Cô Thảo ghét gia đình lấn chiếm đó lắm:

– Bà con đừng thèm may quần áo chỗ đó nha, qua căn 203, khu G may đẹp hơn.

Bà Lan đâu có thua kém Thổ công chút nào:

– Bà dì của chị Phượng lầu Bốn coi bói hay lắm đó. Ai muốn xem cứ hẹn trước ngày giờ, chị sẽ phone cho bà dì đến xem từng người, bói bài tây và cả chỉ tay nữa.

Ông Ngọc quảng cáo trước:

– Tuần tới tốt ngày tôi mở tủ kem trước nhà. Bà con qua mua ủng hộ.

Thầy Thịnh nói ngay:

– Nhà tôi không có cháu nhỏ.

– Thì thầy nhắc tụi học trò qua tôi mua da-ua, si-rô. Có cả snack, bánh ngọt nữa.

Từ trên lầu đi xuống đường ra chợ hơi xa, mất công lắm nên đầu cầu thang và chiếu nghỉ của cầu thang thường hiện diện vài hàng bán lặt vặt: kệ tạp hóa, kệ gạo, mì…thậm chí cả hàng rau cỏ với mấy thứ rau thông dụng: cải ngọt, rau muống, cà tím, dưa leo… vài ký thịt heo, dăm ký cá nho nhỏ: cá đối, cá lạt, cá đỏ dạ… thành thử người già hoặc những người làm biếng không cần đi chợ xa.

Nhiều người kêu như vậy khiến chung cư lôi thôi, nhếch nhác quá nhưng mỗi chung cư có sinh hoạt và đặc tính khác nhau. Chung cư sạch bong, vắng ngắt thì buồn lắm, tuy đẹp đẽ nhưng lạnh lẽo, làm sao ấm áp, gần gũi “tình người” như các chung cư thân mật với không khí của khu dân cư nhỏ bé.

Dù sao mấy cái chung cư xập xệ như xóm bình dân kiểu này ngày càng càng xập xệ và từ từ biến mất. Trên những mảnh đất vàng, những tòa chung cư cao mấy chục tầng sừng sững mọc lên nơi người ta chỉ giao tiếp với nhau qua mạng. Lúc đó lại thấy nhớ nhớ mấy cái xóm chung cư.

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email