CHUỐI MỎ QUẠ

Chuối rất phổ biến đối với người Việt, trong gia đình hay bữa tiệc đều không thể thiếu thứ trái cây miền nhiệt đới này. Nông dân làm việc vất vả ngoài đồng ruộng mang theo nải chuối trong vườn, công nhân nơi công trường trong giờ nghỉ vừa hút thuốc vừa ăn chuối sau bữa trưa. Ở các sân vận động, người ta thấy nhiều tay quần vợt thường ăn chuối và uống nước tăng lực trong lúc giải lao, để rồi xông vào tiếp diễn trận đấu. 

Chuối có rất nhiều loại: chuối chà, chuối mít, chuối bom… Tuy nhiên chuối già tức chuối tiêu và chuối sứ được ăn nhiều nhất. Chuối cau rất ngon nhưng khá nhỏ, ít được chuộng vì vừa đắt vừa phải ăn cả nải mới đã, nhất là chuối ngự nhỏ xíu ngày xưa mang tiến vua chúa. Các chị đang mang bầu ưa chuối sáp dẻo thơm, ăn bổ và lành. Chuối già thì hơi độc, bị cảm mà ăn chuối già dễ bị trúng thực khó chữa đấy. Ngoài ra chưa nói đến các loại ngày nay được ưa chuộng là chuối nàng tiên ở Mỹ Tho Tiền Giang hay chuối tiêu hồng ở Hưng Yên, chuối lasa ở Lâm Đồng… 

Có một loại chuối mà thỉnh thoảng mới thấy lẻ tẻ đây đó chứ không bán thường xuyên. Có nơi hàng chuối bày bán cả trăm quày chuối già, nhưng chỉ bày vài ba trái cong như sừng trâu, dài đến ba, bốn chục cm và nặng ba, bốn trăm gram, có khi nặng cả ký, lớn gấp đôi chuối già. Da chuối xanh xậm, trông xa giống như cái mỏ con quạ. Lâu nay ở miền Tây ít xuất hiện con Hoàng Cao Các là loại chim Hồng Hoàng rất quí hiếm ở Đông Nam Bộ, vùng Dầu Tiếng Tây Ninh. Loại chuối mỏ quạ này cũng to bản và giống như cái mỏ cong cong của con Hồng Hoàng vậy, người ta thấy chuối giống gì thì gọi tên nấy nên vùng quê lục tỉnh gọi nó là chuối mỏ quạ, có nơi gọi là chuối tá giang, tá quạ hay táo quạ. Cái tên đen đủi đó làm nó khó bán hơn các loại khác bởi đối với sự tin dị đoan mê tín thì con quạ là điềm xấu, không mấy ai có cảm tình. Lấy tên mỏ quạ đặt cho một giống thổ sản ít có này, tạo ra sự thiếu cảm tình của người ta. Nếu được gọi là chuối Hồng Hoàng có lẽ nó sẽ bán chạy hơn vì chim Hồng Hoàng hay Hoàng Cao Các được xem là loại chim mang điều hạnh phúc lứa đôi. 

Chuối mỏ quạ lại không được trồng đại trà thành cả rừng như ở Hưng Yên hay Long Khánh mà chỉ bán rải rác dăm ba quày từ vườn nhà mang ra. Chắc vì trái chuối to quá nên dù bán sỉ hay lẻ cũng đều đếm trái chứ không đếm nải, giá gốc khoảng mười ngàn một trái nhưng đến tay người tiêu dùng thì nhảy lên hai mươi đến hai mươi lăm ngàn đồng. Các sạp bán chuối ngoài chợ thường không có mặt hàng này, xe bán chuối dạo cũng không. Khách dặn thì mấy ngày sau mới có. Hàng hay xe bán rong thỉnh thoảng có một, hai nải bán cho mặt hàng thêm phong phú chứ ít ai mua. Lý do chính là chuối mỏ quạ, dù chín, vẫn lạt và nhão, giống như chuối sáp, chỉ nấu hay hấp mới ngon chứ chẳng ai ăn sống như các loại chuối khác.

Riêng tôi còn nhớ dọc bờ sông cái về hướng Tân Hưng, Tân Qui Sa Đéc, ngày trước tôi nhỏ, còn gọi là vùng thượng văn. Nơi đây vườn cây trái rậm rạp, cảnh vật có vẻ hoang sơ với gió bãi rầm rì cả ngày. Tôi ở với mẹ bên nhà ngoại. Mỗi lần nhớ nội, tôi thường qua cầu Tân Hưng rồi lần theo con đường mòn rậm rạp. Đi một mình tới gần cồn thì đến căn nhà nội xiêu vẹo, không có vách, chỉ có cái mái lá lâu năm che nắng, chiếc giường của bà nội kê ở đó bên một bụi mía thơm dịu cây to, ăn vào vừa mềm vừa ngọt mát cả phổi và sau nhà là mấy bụi chuối xum xuê.

Lần nào qua đó, tôi cũng được nội luộc cho một nồi chuối thật to, trái lớn cỡ bắp tay từ cùi chuối đến đầu chuối hình cong như mặt trăng và giống cái mỏ đen ngòm của con quạ. Đó chính là chuối mỏ quạ. Thân cây đen, xanh dờn, to, cao vút và những tàu lá chuối mọc thẫm như cái tán, cái lọng che đầu cho mấy ông quan đời trước. Mỗi quày chuối độ vài ba nải lớn như sừng trâu, mỗi nải độ chín, mười quả. Và đặc biệt là buồng chuối ra trái từ thân cây chứ không phải từ hoa như các cây chuối thông thường.

Chuối mỏ quạ khá cứng nên ít ai ăn. Người không ăn thì lũ quạ vườn bay xà tới mổ trái chín mà ăn cho nên có tên chuối quạ. Lũ con nít còn dọa nhau kéo ra vườn coi quạ ăn chuối rồi nhát ma ù té chạy. Có đứa thấy con quạ đen to quá cũng sợ, chạy nhàu đụng vào mấy cái mồ mả ông bà lâu năm, té nằm dài càng thêm sợ điếng hồn.

Vườn tược có thì cứ để mặc như cây mọc hoang cho chín rồi bỏ. Có khách thân đến thiếu món ăn hay vì ở quê, sẵn các loại chuối già hương, chuối cau, chuối lá ta, chuối lá xiêm…, nên nhà nào có cây chuối mỏ quạ này thường chặt cả quày xuống đãi khách. Mặc dù có thể dùng trong món ăn mặn như nấu cà ri hay nấu cháo, nấu lẩu nhưng luộc là cách ăn thông thường nhất. Người ta dùng dây cột chuối lại giống như cột đòn banh tét để khi nấu, trái không bị nứt khiến nước dễ thấm vào gây nhạt. Và khi chuối chín rồi, bày ra dĩa, xắt thành khúc bởi đâu có ai ăn hết một trái nổi, nhưng mùi vị bùi dẻo, ngọt thơm của chuối mỏ quạ nấu thì ai đã ăn qua một lần không thể quên.

Lâu lắm rồi không có chuối mỏ quạ bán ở Sài Gòn nhưng một hôm tôi lại thấy nằm trên xe bán dạo. Anh bán dạo mua được một quày có ba nải thôi, để lên xe chở chung với các nải chuối khác. Anh đẩy xe cả ngày cả ngoài phố lẫn trong hẻm, không ai mua mà cũng chẳng ai biết đó là chuối gì. Thời buổi này, cây trái đều bị bón phân hóa học tràn lan nên cứ nhìn quả trái to lớn, người ta lại ngại do phun nhiều hóa chất chứ không phải tại trời mưa mà ế đâu.

Thế nhưng mặt khác, đa số dân thành phố không rành chuối mỏ quạ vì số lượng quá ít của nó. Ngay cả một số nhà hàng, khi phong trào Về Nguồn đang nở rộ,  muốn khai thác loại đặc sản này cũng đành chịu thua vì không kiếm đâu ra nguồn cung cấp thường xuyên.

Hàng ở các chợ ít có ai bày bán chuối mỏ quạ, người dân thích ăn chuối cau, chuối già hương thơm, chuối sứ hay chuối lá ta… Một chị chuyên bán chuối nấu khá đắt hàng đi qua hẻm mỗi chiều. Trong cái giỏ bằng lưới sắt đằng sau xe của chị có cả ba loại chuối nấu: Đó là chuối ngự trái to mập nấu chín mềm, ăn ngọt lừ ở cổ, chuối sáp dẻo thơm ngon, lúc nào mua được và chuối mỏ quạ thỉnh thoảng chị nấu bán kèm mấy loại chuối kia.

Đầu tiên tôi cũng quên loại chuối mỏ quạ ở Tân Hưng Sa Đéc, có đến năm mươi năm không về làng quê cũ đã chìm trong bờ bến Cửu Long. Tôi ngỡ đâu loại chuối này không xuất hiện nữa vì đã bị tuyệt giống rồi. Khi thấy nải chuối mỏ quạ nấu chín nằm trong chiếc giỏ sắt của chị bán rong, lẫn với các nải chuối nấu khác, tôi mừng như tha hương ngộ cố tri vậy.

Tôi đưa tay ngăn xe đạp chị ta lại để hỏi mua, tất nhiên là không thể nào mua hết một nải, chị cũng biết vì mỗi lần gọi chuối nấu, tôi chỉ mua độ năm ngàn đồng là nhiều rồi. Chị nói ngay:

– Cháu tách lẻ cho bác, muốn lấy mấy trái cũng được, hai mươi đồng một trái.

– Vậy lấy một trái, tính ra giá đắt bằng một tô hủ tíu trong hẻm.

Chị ta phân bua:

– Mấy hôm nay chuối mỏ quạ lên nhiều chứ có khi hiếm, một trái sống bán lẻ đã hai mươi ngàn đồng đấy.

Chị lại dặn thêm:

– Chuối sừng, chuối mỏ quạ này ăn khó tiêu lắm. Bác lớn tuổi ăn vào buổi tối ít thôi kẻo đầy bụng.

Tôi quay lại nhắc anh bán chuối, nhớ là ngày mai kiếm mấy trái chuối mỏ quạ sống.

Anh này được cái bèn mở hơi:

– Để chờ ghe miền Tây lên có chuối mỏ quạ cháu sẽ lấy. 

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Chợ đầu mối Tân Bình thiếu gì mà phải đợi ghe?

Vì chuối mỏ quạ không được trồng nhiều như chuối sứ, chuối già… nên không có đủ hàng gom về chợ đầu mối. Chỉ có ghe trái cây từ Mỹ Tho, Cần Thơ lúc nào cũng lòi ra vài ba quày lẻ từ vườn nhà không ăn gởi bán.

Tôi lại dặn anh chàng đẩy xe chuối cố tìm cho tôi chuối mỏ quạ mang tặng mấy người bạn già.

Vì thấy nó tôi lại nhớ về làng Tân Hưng ở thương văn cách đây 50 năm và hình ảnh các vườn tược thơm ngát mùi cam quít bưởi mà bây giờ đã biến thành bãi cát phù sa hoặc như Cồn Tiên Sa Đéc từ lâu rồi.

Duy Thức

Xem thêm

Nhận báo giá qua email