Chút tản mạn đầu năm Âm lịch

Huy Lâm

Ngày 16 Tháng 2 Dương lịch năm nay rơi vào ngày Thứ Sáu. Những lúc bình thườngkhác thì ngày hôm đó chẳng có gì là đặc biệt ngoại trừ nó là ngày cuối tuần và người ta thong thả hơn chứ không hấp tấp vì biết ngày hôm sau sẽ không phải đi làm. Nhưng đối với người Việt và nhiều người Á châu, ngày Thứ Sáu hôm đó là một ngày đặc biệt: Tết Âm lịch. Nó đánh dấu sự chấm dứt của năm cũ và bắt đầu một năm mới, và cho dù hôm đó có bận rộn thế nào thì chúng ta cũng ráng bình tâm ngồi xuống, nhìn lại thời gian một năm vừa qua, nhớ lại những việc chúng ta đã làm, có những điều chúng ta hài lòng nhưng bên cạnh đó cũng có những điều làm chúng ta phật ý. Và trong suốt một năm mới đó, có lẽ không có thời điểm nào trong năm lại làm cho chúng ta chú ý cho bằng ngày đầu năm.
Tại sao cái ngày đầu của năm mới lại mang một dấu ấn đặc biệt như vậy? Và tại sao mọi người lại cứ chờ cho tới ngày này để cùng nhau ăn mừng ở khắp mọi nơi như thế? Có người cho rằng hành động đó có thể có một sự liên hệ nào đó đến cái phần bản năng của con người phản ứng lại với cái ngày được nhiều người nghiễm nhiên xem là ngày vừa quan trọng vừa mang nhiều ý nghĩa đó. Và chúng ta không chỉ ăn mừng suông thôi mà qua đó chúng ta còn thể hiện sự cố gắng để làm điều gì đó tốt đẹp cho chính cá nhân mình và cho xã hội trong năm mới.

Ngày tết đem đến cho mọi người cơ hội để tự vui mừng với chính mình vì chúng ta đã đi qua được hết một năm, một phần của đời người, và chúng ta vẫn an nhiên tự tại trên thế gian này, thì nội điều đó không thôi cũng đã đủ để cho chúng ta tự thưởng lấy mình.
Thế còn những quyết tâm chúng ta tự hứa sẽ hoàn tất trong năm mới: siêng năng tập thể dục hơn, ráng giữ gìn sức khoẻ tốt hơn, sống điều độ hơn? Những quyết tâm trong năm mới đó được đặt ra như những mục tiêu để ta ráng đạt cho được mặc dù trong các cuộc nghiên cứu cho biết hầu hết những người tự đặt ra cho mình những quyết tâm đó thường gặp thất bại. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ không làm. Không đưa ra những quyết tâm, không tỏ ra cố gắng cho năm mới có nghĩa là chúng ta chấp nhận phần thất bại ngay từ đầu. Đó không phải là bản năng thật sự của con người. Bản năng thật sự trong mỗi con người chúng ta là phấn đấu để tồn tại.
Một cuộc nghiên cứu năm 2007 ở Anh với khoảng 3,000 người tham gia cho thấy có tới 88 phần trăm trong số đó đã thất bại không hoàn thành được mục tiêu của những quyết tâm đưa ra trong ngày đầu năm, mặc dù 52 phần trăm nói rằng họ cảm thấy tự tin là sẽ làm được.
Mà hầu như tất cả mọi quyết tâm người ta đưa ra trong ngày đầu năm đều là những điều hướng thiện: cố gắng đối xử tốt với mọi người, kết giao bạn mới, trả cho xong những món nợ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những quyết tâm hướng thiện trong ngày đầu năm này thật ra không phải là những gì quá cao siêu con người mới nghĩ ra sau này mà những điều ấy đã có trong văn hoá của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới và được thực hành từ hàng ngàn năm trước. Dân tộc Babylon có thói quen mang trả lại những vật dụng mượn của hàng xóm. Dân tộc Do Thái chờ những dịp lễ để tìm cách tha thứ lỗi lầm của nhau. Dân Tô Cách Lan có phong tục “xông đất” trong ngày đầu năm như người Việt mình, đi thăm hàng xóm láng giềng và chúc họ gặp nhiều điều may mắn trong năm mới.

Và còn rất nhiều những phong tục khác trong ngày đầu năm mà người ta tin là sẽ mang lại may mắn. Những phong tục này ngày nay có thể bị một số người cho là mê tín, nhưng nếu nhìn ở một góc cạnh khác ta có thể xem đó như một phần bản sắc văn hoá của một dân tộc. Người Hoà Lan cho hình tròn là biểu tượng của sự thành công và họ ăn bánh donuts trong ngày đầu năm. Người Hy lạp nướng một loại bánh đặc biệt có tên gọi là Vassilopitta và giấu trong đó một đồng cắc, bất cứ ai nhận được đồng bạc đó trong miếng bánh của họ được tin là sẽ gặp may mắn trong suốt năm mới. Người Hoa và người Việt có tục đốt pháo trong những ngày Tết từ ngàn năm trước vì tin rằng sẽ xua đuổi đi tà ma. Người Nhật thì có bữa tiệc tất niên Bonenkai cuối năm, được xem như bữa tiệc tẩy trần để quên đi những chuyện xui xẻo của năm cũ và chuẩn bị chào đón một năm mới tốt đẹp hơn.
Ngày nay, một số phong tục trong những ngày Tết của người Á châu được người Tây phương mượn và đem áp dụng trong những ngày Tết tây của họ vì thấy đây là những việc nên làm trong những ngày đầu năm và có thể mang lại cho người ta cảm giác yêu đời hơn vì vừa trút đi được phần nào gánh nặng bụi trần.

Như tục dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế vật dụng trong nhà để xua đi những điều không hay của năm cũ – thì người Tây phương xem đó như là dịp dọn dẹp nhà cửa vào đầu xuân. Thay vì quét dọn nhà cửa của người Á châu thì người Tây phương hút bụi và lau chùi sàn nhà.
Người Á châu lo thanh toán nợ nần mượn từ người thân và bạn bè – thì người Tây phương lo trả nợ thẻ tín dụng hay trả nợ ngân hàng,
Và đương nhiên một bữa tiệc tất niên hay tân niên thì dân tộc nào cũng có, dù là Tết tây hay Tết ta, với đầy đủ mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Một số gia đình người Tây phương còn thực hành một phong tục truyền thống của người Á châu trong dịp đầu năm là mang bạn gái hay bạn trai về giới thiệu với gia đình như là cách chính thức tuyên bố mối quan hệ tình cảm của đôi uyên ương. Người Việt mình gọi là Tết nhận họ để hai vợ chồng mới cưới đi chào hỏi bà con hai họ.

Tục mừng tuổi là một trong những nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết với chiếc phong bì đỏ truyền thống đựng tiền bên trong. Nay với những kỹ thuật tân tiến, hình thức mừng tuổi có chút thay đổi: người ta không còn phải ở gần bên mới có thể mừng tuổi nhau mà từ nơi xa người ta vẫn có thể gửi tiền mừng tuổi trong chiếc phong bì đỏ qua kỹ thuật tin nhắn hay gửi tiền thẳng vào trong trương mục đã được cài đặt trong các thiết bị di động, vừa tiện lợi mà người ta lại không thể viện lý do đường xa cách trở để từ chối mừng tuổi cho nhau, như một cử chỉ chúc nhau may mắn trong năm mới.

Mặc dù người Tây phương vẫn hay quen gọi ngày đầu của Âm lịch là ngày Tết của người Trung Hoa nhưng thực ra không chỉ người Trung Hoa mà còn nhiều dân tộc khác trên thế giới mừng ngày quan trọng này: ngoài Trung Quốc còn có Đài Loan, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore v.v… mà ngay ở những thành phố lớn của nước Mỹ, Canada, Úc – nơi có cộng đồng người Á châu đông đúc thì ngày Tết Âm lịch mỗi năm vẫn luôn được tổ chức rất rầm rộ. Tính ra cứ bốn người dân trên thế giới thì có một người ăn mừng ngày Tết này – nghĩa là có gần hai tỷ người ít nhiều xem ngày này là một trong những ngày quan trọng nhất trong năm.
Tết được cho là một trong những ngày hội lớn và lâu đời nhất của nhân loại. Một số tài liệu lịch sử cho biết truyền thống Tết đã có từ đời nhà Thương vào thế kỷ thứ 14 ở Trung Hoa.

Âm lịch là loại lịch khó hiểu chứ không đơn giản và nhất quán như lịch Tây phương mỗi năm có 365 ngày, ngoại trừ năm nhuận là 366 ngày. Ngày đầu của năm Âm lịch xê dịch tuỳ theo từng năm, thế nên, nếu không được ai nhắc thì có lẽ phần đông chúng ta không hay biết ngày Tết mỗi năm là ngày nào. Tuy nhiên, để cho dễ nhớ, ta chỉ cần biết là ngày Tết Âm lịch hằng năm thường rơi vào trong khoảng thời gian từ ngày 21 Tháng 1 đến ngày 20 Tháng 2.

Theo truyền thống trước đây, người ta thường nghỉ ăn Tết khoảng nửa tháng, nhưng cũng có nhiều nơi, nhất là vùng thôn quê, nhiều nơi ăn Tết đến cả tháng như trong câu ca dao Việt Nam “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” – là vì Tết không chỉ đánh dấu ngày đầu của năm mới mà còn là thời gian chuẩn bị cho vụ mùa mới. Thế nên, nhân cơ hội này, người nông dân ráng ăn chơi cho đã trước khi trở lại với công việc đồng áng cực nhọc.

Năm mới Âm lịch này là năm Mậu Tuất, tức năm con chó. Đây là con giáp kế cuối trong nhóm 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi. Theo tử vi tổng quát, người tuổi Tuất là người khéo ăn nói, cẩn trọng và có trách nhiệm trong công việc. Người tuổi Tuất trung thành, thông minh, thẳng thắn, nhưng lại quá tự tin, lạnh lùng, cứng đầu và hay chỉ trích người khác.
Những nhân vật nổi tiếng thế giới mang tuổi Tuất có hoàng tử William và quận chúa Kate Middleton của nước Anh, ca sĩ Madona và cựu Tổng thống Bill Clinton. Tổng thống Donald Trump của nước Mỹ cũng mang tuổi Tuất. Ông sinh năm 1946.

Tử vi Đông phương cũng nói rằng năm nào trùng con giáp với tuổi của bất cứ ai thì đó là năm hạn và vì vậy sẽ làm năm mang đến nhiều điều xui xẻo. Nếu tin như thế thì năm mới này sẽ là năm hạn cho những người tuổi Tuất. Vậy rất có thể đây là năm nhiều rủi hơn may cho ông Trump và lại là năm có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Không biết đảng Cộng hoà của ông Trump có còn giữ nổi đa số ghế ở quốc hội nữa hay không?

Tuy nhiên, đó là nói theo tử vi thôi chứ sự thật đúng được bao nhiêu thì không ai dám chắc. Như năm 2016, một chiêm tinh gia nối tiếng của Trung Quốc tiên đoán năm con khỉ sẽ là năm có nhiều phụ nữ lên nắm quyền – đặc biệt có bà Hillary Clinton là ứng cử viên tổng thống của năm đó và là đối thủ tranh cử của ông Donald Trump. Kết quả cuộc bầu cử năm đó ra sao thì tất cả mọi người đều đã biết. Không hiểu văn phòng của ông chiêm tinh gia nổi tiếng kia có còn mở cửa hoạt động không hay đã sập tiệm mất rồi.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email