Chuyện “ba ngày tết.”

Mộ_Trần_Tế_Xương

Hoàng Yên Lưu
Chưa có bức tranh nào vẽ được cảnh đầu năm mới một cách linh động và chân thực bằng bài “Năm mới” của Trần Tế Xương(1870-1907):

Chỉ bảo nhau rằng: mới với me,
Bảo ai rằng “cũ”, chẳng ai nghe.
Khăn là bác nọ to tày rế,
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.
Công đức tu hành sư có lọng,
Xu hào rủng rỉnh, mán ngồi xe.
Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết,
Kiết cú như ai cũng rượu chè!

Chỉ cần tám câu, mỗi câu bảy chữ, hay 56 chữ mà vẽ được cảnh tết buổi giao thời, “cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX” khi lớp người mới nhố nhăng, lòe loẹt xuất hiện trong xã hội thị thành Việt nam. Giờ dây hơn một thế kỷ trôi qua , xã hội ta tại quê hương lại một phen “trải qua một cuộc bể dâu” thay xương đổi thịt và một giai cấp mới xuất hiện (mượn chữ The New Class của Milovan Djlas-1911-1995) và bộ mặt thời đại lại tái diễn trên sân khấu đời.

Xa quê hương, nhiều người còn tưởng nhớ ba ngày tết ở cái thuở còn “vang bóng một thời” gặp trong những tác phẩm của Khái Hưng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân… nhất là trong thơ của Trần Tế Xương và Tản đà.
Tết năm nay, mậu tuất, rơi vào ngày thứ sáu. May mắn có gần đủ ba ngày tết được nghỉ ngơi và ăn tết ly hương, tuy thanh đạm nhưng có thời giờ gợi giấc mơ xưa. Thử đọc lại một đoản thiên của một nhà văn trước 1975 để sống lại nhưng ngày thơ ấu. Truyện này được đăng trên số xuân (Văn hóa ngày nay) cách đây 60 năm, năm mậu tuất 1958 ở Sài gòn có tên là Chuyện tết của một nhà văn nữ, bà Nguyễn thị Vinh.
Nguyễn thị Vinh là nhà văn thuộc lớp Hậu-Tự- lực- văn- đoàn khi nhà văn Nhất Linh trở lại văn đàn, ra tờ Văn hóa Ngày nay ở Sài gon vào năm 1958 . Khi ấy trên tờ báo này, có sự đóng góp, ngoài các nhà văn trước 1945, còn có một số cây viết tương đối mới như Trương bảo Sơn, Linh Bảo, Tường hùng, Duy lam, Thế Uyên… và trong nhóm này Nguyễn thị Vinh là cây viết nữ sáng giá. Bà sinh năm 1924, và suốt cuộc đời, khi ở trong nước cũng như lúc ở hải ngoại, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp văn mặc với các tác phẩm :

-Hai Chị Em (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1953)
– Thương Yêu (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1955)
-Xóm Nghèo (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1958)
– Men Chiều (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1960)
– Thơ Nguyễn Thị Vinh (1972)
-Cô Mai (1972)
– Vết Chàm (1973)
– Na Uy Và Tôi (1994) .
Trong đoản thiên “Chuyện Tết” tác giả đã cho chúng ta biết sơ qua sinh hoạt trong ba ngày tết ngày xưa trong gia đình bậc trung ở quê hương ra sao, từ việc chuẩn bị tinh thần, sắm sửa đón mừng năm mới, bánh trái, nghi lễ thăm viếng… và cho tới tục mừng tuổi, lì xì đã diễn ra như thế nào. Bằng ngòi bút tinh tế, vừa thuật sự, vừa tả cảnh tả tình, nữ tác giả đã dẫn độc giả trở về thế giới “băm sáu phố phường” của Hà nội trước 1954 và Sài gon trước 1975.

“Lúc mẹ Hà gọi thì Hà còn đang ngủ say chưa muốn dậy; nhưng giọng mẹ Hà dịu dàng nói:
-Hôm nay mồng một Tết, con gái mẹ dậy sớm một chút nào. Dậy mặc áo đẹp rồi ra mẹ mở hàng cho.
Thế là Hà vội ngồi dậy và tỉnh ngủ ngay. Thoạt mở mắt mới nhìn thấy mẹ mà lòng Hà đã rộn lên. Trông mẹ hôm nay, tươi đẹp lạ. Mới sáng sớm mà mẹ đã mặc áo dài. Mẹ mặc chiếc áo Thượng Hải màu huyết dụ; chiếc áo mà từ lâu rồi mẹ Hà chỉ cất ở trong tủ; mẹ lại đánh phấn nữa, thảo nào trông mẹ khác và đẹp quá làm Hà càng thấy vui sướng và yêu mẹ hơn lên.

Hà níu chặt lấy cổ mẹ yên lặng áp trên vai mẹ, nhưng mẹ Hà nhè nhẹ gỡ tay Hà ra và mỉm cười nói:
-Con mẹ năm nay đã lên tám rồi mà còn nũng nịu mãi thôi.

Mẹ Hà mặc cho Hà cái áo len cho khỏi lạnh rồi cúi xuống lấy đôi dép của Hà và đỡ Hà xuống đất. Lúc ra tới sân thì Hà gặp u già. “A! Lại cả u già nữa”; chiếc quần láng đen còn bóng hồ mới và chiếc áo cánh trắng tinh của u mặc hôm nay đã làm người u trở nên gọn gàng và sạch sẽ, không luộm thuộm như những ngày thường, luôn luôn chỉ mặc chiếc áo nâu rách và chiếc quần đen đã bạc màu sẵn xộc xệch, lúc nào cũng ống cao ống thấp. Lúc trông thấy Hà, u tủm tỉm cười có vẻ như hơi ngượng vì u đang mặc bộ quần áo mới. U nói với Hà:
-A, em Hà. Chúc em năm nay chóng nhớn và học giỏi bằng năm bằng mười năm ngoái.
Hà vui quá định nói với u rất nhiều, nhưng chẳng biết nói thế nào. Rút cục Hà chạy sà tới u, ôm lấy ngang lưng u nũng nịu:
-Không, u bế em đi rửa mặt cơ, chóng lên, áo mới của em đâu?
Mẹ Hà mắng yêu Hà:
-Hà ngoan nào. Sáng mồng một mà đã làm nũng rồi.
Rồi mẹ Hà bảo u già:
-Thôi u cho em đi rửa mặt còn thay quần áo cho em. À, u đã tẩy bóng cho tôi chưa. Còn nồi ninh u có cho nước mắm thì liệu coi không lại mặn đấy.
-Thưa mợ vâng. Bóng tôi đã tẩy rồi, nhưng mợ coi lại cho, xem đã được chưa.
Lạ quá những câu nói của mẹ và u già hôm nay cũng khác mọi ngày. Tuy cũng là những lời mẹ Hà sai bảo u già và cũng vẫn là nhưng lời u già nói với mẹ, nhưng trong tất cả giọng nói của hai người có đượm một tình thân mến dặc biệt. Tuy trời lúc này đã tờ mờ sáng mà ở trong bếp Hà vẫn thấy còn để đèn điện. Trong ba bếp lò, cái nào cũng hồng rực lửa, bên trên đặt mấy nồi to hơn những nồi nấu thường ngày. Cái gì cũng vui lạ, trong cái vui lạ lại có một tình thương yêu ấm cúng làm Hà náo nức. Hà chỉ muốn chạy nhẩy hò hét. Lúc u già dắt Hà tới buồng tắm, trong khi u quay ra lấy khăn để rửa mặt cho Hà thì Hà đã ngồi sà xuống bên chậu nước, nhúng cả hai tay vào chậu nóng nấu lá mùi già, tỏa hơi thơm đầm ấm mờ cả gian buồng tắm. Hà lấy tay khỏa mạnh trong chậu nước làm nước bắn tung tóe cả ra ngoài, u già đến giữ tay Hà và bảo:
-Em ngoan nào. Sáng mồng một mà.
Hà cười khanh khách hỏi:
-U ơi, nước thơm quá u nhỉ. Sao ngày thường u không nấu nước lá thơm cho Hà rửa mặt?
-A, Tết mới nấu chứ.
-Sao lại Tết mới nấu?
-Tại Tết mà. Thôi, em để u rửa, chóng còn ra mặc áo đẹp rồi đi lễ Tết với mợ.
Tiếp lời u già, tiếng pháo trong thành phố nổ ran. Hà hỏi u già:
-Sao nhà ta không đốt pháo hở u?
* * *
Lới bé Hà hỏi làm u già nhớ tới những cái Tết của gia đình nhà này hồi ba năm về trước, khi ba của Hà còn sống. U làm với bố mẹ Hà từ khi chưa có Hà nên u biết rõ lắm. Trước kia Tết đến thì vui vẻ quá. Trước Tết độ một tuần lễ, ba Hà đã đi sắm một cành đào thực to về cắm trong chiếc lọ sứ tàu đặt giữa phòng khách. Trong khi đó thì mẹ Hà ngồi nhà gọt thủy tiên và trông coi phụ với u già nấu các thức bánh mứt. Đêm hai mươi chín, ba mươi, mọi người càng bận rộn nhưng vui tấp nập hơn. Ba Hà đi lên chợ Đồng Xuân mua những chậu cúc đại đóa vàng tươi. Mẹ Hà và u già ở nhà làm gà, thổi xôi để sửa soạn cúng Giao thừa, rồi đốt pháo và ăn uống xong mới đi ngủ. Sáng mồng một, khách khứa tới xông đất và chúc mừng tấp nập, chẳng bù cho mấy cái tết gần đây, mẹ Hà không hề sắm sửa gì, chỉ may cho Hà bộ quần áo mới và cho u già hai bộ quần áo vải như thường lệ. Bao giờ mẹ Hà cũng may áo vải trắng cho u già, nhưng u chỉ mặc trắng có mấy tháng rồi đem nhuộm nâu. Tối ba mươi, trong nhà buồn ngắt. Hà đi ngủ sớm, u già không có việc gì làm cũng nằm một chỗ nhớ tới gia đình u. Người con trai dộc nhất của u đã đi đâu biệt tích từ mười năm trời nay để lại một người vợ sống đơn chiếc như người góa bụa. Vì nhớ con trai nên u thương con dâu lắm. U ở với bố mẹ Hà từ ngày ấy, nhưng u dành dụm, ít dám tiêu tiền lương, chỉ lo để dành, cứ đến cuối năm, con dâu u ra, u lại cho ít nhiều tiền để làm vốn. U đã coi gia đình Hà như gia đình mình. Có lần u bảo mẹ Hà:
-Sống tôi làm cho mợ; chết mợ chôn chôn tôi.
U thì thế, còn mẹ Hà thì vừa ngồi đợi cúng Giao thừa vừa khóc thầm vì u thấy mắt mẹ Hà cứ đỏ hoe lên. Trong ba ngày Tết mẹ Hà không đi đâu vì có đại tang, mà khách khứa cũng ít người đến nhà mẹ Hà, chỉ vài người thân trong họ. Nhưng mấy năm nay vừa hết tang ba Hà, trước Tết mẹ Hà đã bàn với u già:
-U ạ. Tết năm nay hết tang cậu rồi, nhà cũng phải làm lấy ít bánh mứt, và ngày mồng một cũng nấu lấy mấy bát mà cúng cụ và cậu chẳng phải tội.
Rồi mẹ Hà im lặng một lát lại tiếp:
-Mọi năm có tang ở nhà đã đành, năm nay đoạn tang cậu, tôi cũng phải cho em Hà đi lễ Tết các nhà quen thuộc chứ thôi sao được. À, hễ cậu Đức có tới, u nhớ nhắc cậu ấy đổi hộ cho ít tiền mới để dến Tết tôi còn mở hàng cho trẻ con.
Nói đến đây, mẹ Hà ngưng lại, khe khẽ nén tiếng thở dài rồi tiếp:
-Rõ khổ! Mấy năm nay vận áo xám. Kiếm chẳng ra lại còn Tết với nhất, tôi lo quá.
U già chỉ biết nhìn mẹ Hà, chép miệng một lúc rồi u nói:
-Mợ ạ, áo tôi năm nay còn mặc dược, hay mợ đừng may áo.
Mẹ Hà cười, gạt khẽ lên vai già để che vẻ cảm động của mình:
-U rõ lẩm cẩm. Cả năm chỉ có hai bộ quần áo, chẳng may thì mặc bằng gì.
U già như không để ý tới lời nói mẹ Hà:
-Hôm nay mợ cả nhà tôi nó có ra, mợ trả cho tôi một nửa tiền lương để đưa nó thôi. Còn mợ giữ lại cho tôi.
Mẹ Hà chấm nước mắt nhìn u già định nói gì với u nhưng lại thôi.
* * *
-Kìa u, bé hỏi nhà ta sao không đốt pháo?
U già vội đáp:
-Có, năm nay có đốt pháo, nhưng đợi có người xông nhà đã. Thôi xong rồi, Hà ra mặc áo đẹp; rồi mợ còn mừng tuổi cho.
Một lúc sau, bé Hà đã xúng xính trông bộ quần áo mới màu hồng trên đầu có tết cái nơ đỏ. Hà hớn hở đi ra đi vào, tay cầm năm tờ giấy một đồng mới, mẹ Hà mới mừng tuổi cho.
Suốt cả ngày mồng một Hà đã được theo mẹ đi rất nhiều nơi.
Trước hết, Hà theo mẹ đi lễ ở đền; trong lúc mẹ Hà ngồi lễ và khấn thì Hà ra chơi quanh quẩn ở ngoài. Sân đền đầy xác phác đỏ rải rác trên mặt cỏ xanh mượt mà Hà gọi là cỏ mọc hoa đỏ.
Trời tươi sáng nhưng vẫn còn mưa bụi bay phơi phới nhẹ như sương, nhẹ đến nỗi Hà vẫn chơi ở sân mà không ướt áo. Lâu lắm Hà mới thấy trên chiếc áo đang bị những hạt mưa bụi bám màng như tơ nhện. Lúc Hà đưa tay phủi thì mới biết quần áo mình đã bị ẩm. Trời vẫn rét nhưng hơi nóng trong người Hà đã bốc ra đủ để Hà cảm thấy nỗi ấm áp trong cái ngọt và rất dễ chịu đó. Trong không khí có quyện mùi phảng phất cùa những cây hoa lan, hoa ngâu, hoa móng rồng trồng ngay ở sân đền. Mùi thơm của các thứ hoa lẫn với mùi khói trầm nhang trở nên một mùi thơm đặc biệt mà Hà chỉ được hưởng mỗi lần đi lễ các đền chùa. Vì chỉ có các đền chùa mới có được mùi thơm tinh khiết và đặc biệt đó. Hà rất thích hái cây hải đường chỉ thấp ngang đầu Hà nở đầy hoa trồng ngay trước cửa điện thờ, Hà có thể nhẹ đỡ từng nụ hoa trên tay mà ngắm nghía không chán. Những nụ hoa đỏ thắm cũng bị những hạt mưa bụi nhẹ bao ở ngoài làm Hà không dám động mạnh sợ rơi những hạt mưa đó. Lúc sau, mẹ Hà lễ xong, hai mẹ con đi ra sân ngoài. Mẹ Hà ngước mắt tìm một cành cây có nhiều lộc; khi đã thấy, mẹ Hà kiễng chân níu cành lá xuống để bẻ mang về. Cây bị rung, những hạt mưa đọng trên các cành rơi xuống rào rào. Hà cuống quýt đưa cả hai tay ra như muốn hứng lấy tất cả những giọt nước ấy cho khỏi phí vì Hà thấy những giọt nước mưa đọng trên lá cây lóng lánh đẹp vô cùng. Loay hoay một lát mẹ Hà mới bẻ được cành lộc rồi cả hai mẹ con cùng vui vẻ ra về. Tới nhà, mẹ Hà đưa cành lá cho u già đem cài trên cửa ra vào. U già khen:
-Úi chào. Mợ bẻ được cành lộc đẹp quá. Chắc năm nay làm ăn dễ chịu lắm đấy.
Mẹ Hà cười:
-Ở trên ngọn còn nhiều cành đẹp nữa đấy u ạ. Nhưng cao quá với không tới, giá…
Mẹ Hà định nói : “Giá như những năm trước, có ba Hà thì đã bẻ dược cành tốt” nhưng bà chợt im.
Sau đấy, Hà lại được mẹ cho đi mừng tuổi các nhà quen thuộc. Tới nhà ai, mẹ Hà cũng mở ví lấy tiền mở hàng cho các trẻ con nhà chủ và Hà cũng được nhiều tiền mừng tuổi lại. Phần nhiều toàn là một đồng mới tinh, Hà nâng niu từng tờ và hễ cứ được ai cho đồng nào, Hà lại chập số tiền đã có từ trước để đếm đi đếm lại. Tối đó về nhà, Hà trải từng tờ giấy bạc lên khắp mặt bàn, soạn giấy năm đồng riêng ra cho khỏi lẫn với giấy một đồng, rồi Hà cẩn thận cho vào cái túi tay màu đỏ của Hà. Tối đi ngủ, Hà cầm theo cả túi tiền vào giường. Thấy thế, u già hỏi đùa :
-Em cho u vay nào.
Hà ngần ngừ rồi lắc đầu.
-Thế Hà để tiền làm gì?
Hà nói ngay:
-Để mua búp bê to mà ngày trước ba Hà đã định mua cho Hà ấy. Con búp bê biết khóc, biết cười và có cả chai sữa nữa ở mồm cơ u ạ.
Qua ngày mồng hai, sang ngày mồng ba, mẹ Hà vẫn dắt Hà đi lễ Tết tới các nhà. Lúc nào ở nhà thì mẹ Hà lại bận tiếp các người chúc Tết nhà Hà, thành thử mẹ Hà luôn luôn bận. Đến chiều mồng ba, mẹ hà chợt nhớ còn quên chưa đến nhà bác Lý. Lúc hai mẹ con ngồi trên xe, Hà nói và hỏi mẹ luôn miệng. Nhưng mẹ Hà thì chỉ ừ ào, ít nói. Nét mặt có vẻ băn khoăn, bà mở ví của bà, lục lục bên trong một lát, xong rồi đóng lại. xe đã chạy tới dường Đồng Khánh chỉ còn vài phố nữa thì đến nhà bác Lý. Mẹ Hà ngập ngừng mãi rồi ngắt lời Hà và hỏi Hà:
-Này con…Đưa mẹ giữ tiền hộ cho.
Hà nhìn mẹ rồi nói:
-Không. Con thích giữ lấy để mấy hôm nữa mẹ đưa con đi mua búp bê cơ.
-Ứ thì mấy hôm nữa mẹ đưa con đi mua búp bê, nhưng bây giờ thì đưa mẹ giữ hộ, không con giữ mà mất thì làm thế nào.
Thấy mẹ nói có lý, Hà yên lặng, tỏ ý ưng thuận nhưng mặt thấy không được vui. Một lúc, Hà mở cái túi đỏ của mình, lôi cuộn tiền chậm chạp đưa cho mẹ, Hà cẩn thận xếp thẳng tờ giấy bạc, cuộn lại, xong lại lấy giấy bóng đỏ gói, rồi chằng dây cao su rất cẩn thận. Nhưng mẹ Hà tháo dây cao su và giấy đỏ vứt đi rồi xếp tiền vào trong ví của bà. Thấy thế Hà vội hỏi:
-Sao mẹ lại vứt giấy đỏ của con đi?
-Giấy ấy nhầu rồi, không đẹp con ạ. Về nhà mẹ cho tờ khác đẹp hơn.
Đến nhà bác Lý, sau khi mọi người được bác mừng tuổi cho những mươi tờ giấy một đồng Hà đang vui hí hửng, bỗng mở to mắt ngạc nhiên vì thấy mẹ đang mở ví lấy xấp tiền của Hà ra để mừng tuổi cho con bác Lý. Bác Lý đông con quá, lố nhố đến bảy tám mà mẹ Hà lại gọi tất cả đến trước mặt bà để bà mừng tuổi cho mỗi đứa đến năm tờ chớ không ít. Xấp tiền của Hà trên tay mẹ cứ mỏng dần và mắt Hà thì mọng đỏ. Nhưng Hà cứ giương mắt lên và nhìn xấp tiền trên tay mẹ, cổ Hà đã có một cục gì chạy lên chạy xuống. Hà cũng không hiểu tại sao lúc ấy lại không đòi ngay xấp tiền về. Chợt Hà thấy mẹ thoáng nhìn mình. Tia nhìn của bà ngầm có ý dỗ dành và buồn buồn. Thế là Hà cúi xuống chớp chớp, nước mắt theo những cái chớp trào trên mi. Mẹ Hà kéo Hà ôm vào lòng, Hà cảm thấy mẹ thoáng ghì chặt lấy mình. Bà nói vội vã khẽ bên tai Hà:
-Đừng con. Mẹ xin, mẹ xin. Rồi về mẹ trả con.
Nhưng rồi bà lại vội tươi nét mặt nói với bác Lý:
-Đấy, cháu bác lớn thế mà vẫn cứ còn hay làm nũng. Đang đòi về đấy ạ, thực hư quá.
Bác Lý cười:
-Nào, cháu bác muốn gì nào. Ngồi một tý nữa rồi mẹ cho về việc gì mà phải ngủ nhè.
Ra khỏi nhà bác Lý, Hà òa lên vừa khóc vừa nói:
-Con bắt đền mẹ đấy nào, mẹ lấy tiền của con cho con bác Lý hết rồi. Con bắt đền mẹ nào…
Mẹ Hà dỗ:
-Nín con. Về nhà mẹ đền. Mẹ có lấy mất của con đâu. Nín đi rồi mấy hôm nữa mẹ đưa đi mua búp bê.
Nhưng Hà không tin. Mẹ Hà dỗ mãi rồi cũng kệ. Đến nhà mẹ gọi u già lên bảo gì khẽ lắm. Xong bà quay đi thay quần áo rồi lên nằm nghỉ trên giường. U già lần túi áo trong tháo kim băng rút gói vải nhỏ ở trong ra. U loay hoay mở gói lấy chục bạc xong đem đến chỗ Hà; u đưa cho Hà.
-Này, tiền của em mợ trả đấy, việc gì mà phải khóc.
Hà nguẩy người:
-Không thèm lấy tiền ấy đâu. Của em tiền mới cơ. Em bắt đền đấy nào…
Cứ như thế một lúc lâu. U già dỗ chẳng được bỏ ra ngoài sân dọn dẹp Hà thì không gào to nữa, nhưng vẫn ty tỷ khóc và tức vì đã thế mẹ để kệ Hà mà đi nằm. Nhưng Hà bỗng nín và lắng nghe, hình như mẹ Hà vừa thở dài rất nhẹ. Đúng rồi, bà vừa trở mình nằm thẳng. Một cánh tay vắt che ngang mặt. Hình như mẹ Hà lại khóc nữa chứ. Hà nín thở hồi hộp và hối hận muốn chạy lại nhấc tay mẹ ra xem có phải mẹ khóc thật không, nhưng vẫn không dám. Đúng lúc đó u già vào. Trông thấy u, Hà lại òa lên khóc. Nhưng u già không biết là lúc này Hà chỉ hối hận vì tự nhiên thấy thương mẹ mà khóc? U đến cạnh Hà lại móc túi lấy mấy chục bạc đưa cho Hà.
-Thôi em. Năm mới mà. Khóc dai quá . Nín đi, tiền này cũng mua được búp bê mà.
Hà gào to:
-Không… em không lấy… em không lấy đâu.
Hà định bảo với u già là Hà hối hận, không lấy tiền nữa. Nhưng u già không hiểu tưởng Hà vẫn còn dỗi., u thở dài:
-Gớm, em gan quá, hư quá, em làm mẹ buồn đấy.
Mẹ Hà vẫn nằm yên dáng diệu cũ nhưng bà nói:
-Thôi u cứ đi làm cơm đi.
Mẹ Hà chỉ có nói thế, nhưng Hà nghe giọng mẹ thì biết đúng là mẹ đã khóc thật. Hà thấy khổ quá nên chạy sầm tới bên mẹ, kéo cánh tay mẹ Hà đang để che ngang mắt bà ra. Hà nức nở khóc và nằm rúc đầu vào nách mẹ, tấm tức gọi:
-Mẹ ơi.
Mẹ Hà chợt hiểu, bà ôm lấy Hà, dụi cái má đẫm nước mắt của bà vào má Hà, cười nói:
-Con gái mẹ…
Còn u già vừa gói tiền cất vào túi vừa đi ra sân mủm mỉm cười lẩm bẩm:
-Rõ thật.”
(trích số Xuân Văn hóa ngày nay -1958)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email