Kabul: Vào lúc gần 12 giờ đêm hôm thứ hai ngày 30 tháng 8, thiếu tướng Chris Donahue, tư lệnh sư đoàn nhảy dù 82 của quân lực Hoa Kỳ bước lên máy bay: ông là người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi phi trường Kabul.
Ngay sau khi chiếc phi cơ C-17 rời khỏi phi trường Kabul, quân Taliban đã bắn pháo bông ăn mừng chiến thắng tại phi trường này.
Cuộc chiến ở Afghanistan là cuộc chiến lâu nhất mà Hoa Kỳ từng tham dự, cũng gây tốn kém hàng ngàn tỷ Mỹ kim trong 20 năm qua và cuối cùng những mục tiêu mà Hoa Kỳ khi đem quân vào, dự tính thực hiện đã không thành công.
Sau 20 năm chiến tranh, xứ Afghanistan lại rơi lại vào tay của nhóm khủng bố quân Taliban.
Việc thua cuộc của chính quyền xứ Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố cuồng tín là một điều ngạc nhiên và gây những nỗi thất vọng cho mọi người: xứ Afghanistan có 38 triệu dân, có 300 ngàn quân được Hoa Kỳ huấn luyện và cung cấp vũ khí trong nhiều năm qua, đã không địch lại khoảng 70 ngàn quân Taliban trang bị phần lớn là súng AK.
Trong buổi sáng hôm thứ ba 31 tháng 8, những dấu vết của một cuộc di tản vội vàng vẫn còn ở phi trường Kabul: những va ly bị vứt bỏ, quần áo tung tóe cũng như những giấy tờ vương vất khắp nơi.
Những toán quân Taliban với quần áo và vũ khí tịch thu được của quân đội Afghanistan, đi tuần tiễu trong phi trường bên cạnh những chiếc trực thăng, những phi cơ để lại.
Theo tướng Frank McKenzie của trung tâm hành quân Hoa Kỳ thì trước khi rút lui, quân lực Mỹ đã làm cho 27 chiếc Humvees và 73 phi cơ đủ loại bất khiển dụng.
Trong cuộc di tản này không lực Mỹ cũng như không lực của các quốc gia đồng minh, đã di tản trên 122 ngàn người khỏi phi trường Kabul.
Tuy chiếm được Afghanistan nhưng liệu quân Taliban có đủ người có khả năng điều khiển xứ Afghanistan này trên mọi lãnh vực, từ tài chánh qua đến ngoại giao cũng như kinh tế??
Trường học ở xứ này sẽ được quân Taliban cho mở cửa lại, nhưng chỉ có nam sinh là được đi học.
Hệ thống tiền tệ của xứ này cũng đang bị tắc nghẽn khi những số tiền đầu tư của xứ này trong các ngân hàng tây phương đã bị ” đóng băng”.
Thiếu nhiều dụng cụ, máy móc và nhân viên để điều hành những bệnh viện ở xứ này.