Chuyện chó trong nhân gian và trong thuyết nhà Phật

Hải Phong

Từ xa xưa đến nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, Chó đã là một người bạn gần gũi và luôn thân thiết với loài người từ thành thị đến thôn quê và rất được việc. Chó cũng được dùng trong việc trừ gian, săn lùng hoặc đánh hơi rất tài tình. Trong lãnh vực điêu khắc, điện ảnh, chó cũng được khai thác không ít, như chú chó Pluto trong phim hoạt hình Walt Disney, chó Rantanplan trong truyện tranh Lucky Luke, chó Scooby-Doo hay sợ ma trong phim hài hước, vui nhộn, chú Snowy là chó trắng già trung thành của Tintin trong bộ truyện Những cuộc phiêu lưu của Tintin, v.v.

Hình tượng của chó trong nhân gian
Tại nông thôn Việt Nam, hình ảnh chú chó bên lũy tre xanh hay bên bờ sông vắng đã không còn xa lạ. Trong thế giới làng thôn êm ả ấy, một thế giới không có alarm để phòng trộm cướp thì chó là kẻ giữ nhà, trông chừng người lạ, giúp chủ trong những việc lặt vặt. Chó cũng xuất hiện nhiều trong kho tàng văn chương, thành ngữ Việt Nam, thí dụ như chó ngáp phải ruồi, lên voi xuống chó, mèo đến nhà thì khó chó đến nhà thì sang, chó chui gầm chạn, lạc nhà nắm đuôi chó lạc ngõ nắm đuôi trâu, chó ăn đá gà ăn sỏi,v.v.
Lắm lúc trong ca dao tục ngữ chó cũng bị mắng oan uổng, như chó nào chủ nấy, chó cắn áo rách, ngu như chó, đồ chó má, giỡn chó chó liếm mặt, chó càn cắn dậu, treo đầu dê bán thịt chó, nói dai như chó nhai giẻ rách,ôi thôi còn nhiều lắm.

Quả thật là oan uổng và tội nghiệp cho chó, vì trên thực tế chó là loài vật thông minh và có rất nhiều đức tính tốt như: ham học hỏi, dễ dạy bảo, biết làm trò, làm vui cho mọi người, rất dũng cảm, không bao giờ đòi hỏi hay than phiền.
Trong văn hóa Á Đông, thì chó được xếp vào 12 con giáp. Trên phương diện tín ngưỡng, chó cũng được nhiều nơi thờ cúng như tại Trung Hoa,và Việt Nam cũng có tục thờ chó đá như tại Chi Lăng, Đồng Đăng, Cao Lộc, Hà Tây.

Chó có tình thương vô hạn với chủ nhân và đặc biệt là lòng trung thành tuyệt đối của chó thì đã được tôn vinh, có thể so sánh với loài ngựa (Khuyển, Mã chí tình), không xa rời chủ khi người chủ gặp khó khăn. Biết bao tấm gương của chó đã làm ngời sáng đức tính trung thành của loài vật thân thương này.
Những tấm gương trung thành của chó

● Chú chó Hachiko của Nhật

Hachiko sinh năm 1923, đã được giáo sư Hidesaburo Uneno đem về nuôi tại một ngôi nhà gần nhà ga xe lửa Shibuya. Mỗi sáng, khi GS đi làm, Hachiko tiễn ông đến tận nhà ga, chờ ông đi khuất rồi mới về nhà. Buổi chiều, chú lại đến ngồi nơi bục nhỏ trước sân ga để đợi GS đi làm về, suốt một năm trời như thế. Một ngày định mệnh của tháng 5/1925, Hachiko cũng ngồi nơi bục đó trong buổi hoàng hôn, đợi người chủ không bao giờ về nữa, vì GS bị xuất huyết não đã đột ngột qua đời ngay tại nơi làm việc, để mặc chú chó ngày ngày đến sân ga chờ đợi đều đặn suốt 9 năm, 9 tháng và 15 ngày sau đó, cho đến ngày 8/3/1935 chú cũng lìa đời để gặp lại chủ bên kia thế giới. Cả gia đình GS quây quần bên chú trong những giây phút cuối.
Tấm lòng trung thành của Hachiko đã làm rơi lệ nhiều người dân địa phương và báo giới. Bức tượng bằng đồng của Hachiko đã được đặt trước sân ga Shibuya, là nơi được nhiều du khách viếng thăm khi đến Tokyo.

Chú chó Capitan của Đức
Capitan là một chú chó berger của Đức, được chủ là ông Manuel Guzman nuôi. Vào năm 2006 khi ông này qua đời thì chú chó cũng đi đâu không ai thấy tăm tích. Mấy tuần sau tang lễ, khi người nhà của ông Guzman đến nghĩa trang, thì lạ thay, chú chó Capitan đã ở đó chờ họ từ bao giờ. Lạ! Vì không ai mang Capital đến nghĩa trang này bao giờ cả, không biết làm sao chú lại có thể tới đây và tìm ra ngôi mộ của chủ. Từ đó, hàng đêm Capitan luôn quay về ngủ bên mộ của ông Guzman để ông không phải ngủ một mình.

Gương anh dũng của chú chó Theo
Chú chó Theo là “chiến hữu” của hạ sỹ Liam Tasker tại chiến trường Afghanistan, chuyên đi theo hạ sĩ để đánh hơi phát hiện bom mìn, cả hai đã đạt kỷ lục phát hiện và tháo gỡ bom mìn trong thời kỳ tác chiến tại đây. Vào tháng 3/2011, khi hạ sỹ Tasker hy sinh trên chiến trường, được đồng đội đưa thi thể về căn cứ, chú chó Theo cũng theo về và cũng đã từ trần theo chủ. Bác sĩ quân y cho biết chú bị tai biến vì quá đau buồn với cái chết của hạ sỹ Tasker.
Quân đội đã cho chú huân chương Dickin, một huy chương cao quý của quân đội hoàng gia Anh.
Hình ảnh của Chó trong thuyết nhà Phật
Quan điểm của nhà Phật cho rằng chó là loài có tánh linh, đức hạnh tốt, đáng tin cậy, và khôn hơn các loài vật khác như gà, dê, bò, heo, v.v.
Trong nhà Phật, chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh và các mẩu chuyện lý thú về Chó. Chúng tôi xin trích dẫn vài chuyện tiêu biểu dưới đây.

● Chuyện con chó đói
Thuở Ðức Phật còn tại thế, có một ông vua rất hung ác, nghe Phật đến thuyết pháp trong nước mình, ông liền ngự giá đến chỗ Phật ở và xin Ngài kể một câu chuyện gì đã vui lại hữu ích nữa.Ðức Phật liền kể chuyện con “Con Chó Ðói” như sau:
“Thuở xưa, có một vị quốc vương rất bạo ngược, hà khắc với dân lành, nhân dân đều oán trách. Ông Ðế Thích thấy vậy liền hiện xuống trần dắt theo một con quỷ rất dữ. Ông Ðế Thích hóa mình thành một người thợ săn, còn con quỉ thì biến thành một con chó cao lớn.
Người thợ săn dẫn con chó vào cung của vị quốc vương để yết kiến. Bỗng con chó vùng tru lên dữ dội, làm cho lâu đài cung điện đều rung rinh. Vị quốc vương thất kinh, liền đòi người thợ săn đến trước ngai vàng mà hỏi rằng:
– Gã kia, vì cớ gì mà con chó tru lên dữ vậy?
Người thợ săn thưa:
– Tâu Bệ hạ, vì đói nên nó tru.
Vị quốc vương liền ra lệnh đem cơm cho chó ăn. Nhưng một điều không ngờ là đem bao nhiêu thì con chó ăn hết bấy nhiêu, tất cả thực vật trong kho đã hết sạch mà nó vẫn chưa no, nên nó càng tru lên dữ dội hơn nữa, mà ác hại thay, mỗi lần nó tru thì cung điện đền đài của quốc vương lung lay hình như muốn sụp đổ.
Vị quốc vương không biết tính thế nào, mới hỏi người thợ săn:
– Lấy cái gì cho nó ăn để nó nín?
Người thợ săn đáp:
– Tâu Bệ hạ, lấy thịt của người nó ghét cho nó ăn nó hết tru.
Quốc vương hỏi:
– Nó ghét kẻ nào?
Người thợ săn tâu:
– Nó ghét những kẻ bất công hãm hại dân nghèo. Ngày nào trong nước không có dân đói khó nữa, ngày đó nó mới nín…
Vị quốc vương liền nhớ tới những việc ác của mình làm thì hết sức hối hận, từ đó mới ăn năn chừa cải, chịu nghe những lời công bình chánh trực”.
Ðức Phật kể dứt câu chuyện này thì mặt vua tái ngắt.
Ðức Phật dịu dàng dặn với nhà vua rằng:
– Ngày nào bệ hạ nghe tiếng chó tru thì bệ hạ hãy nhớ đến câu chuyện ta kể. Bệ hạ có thể làm cho con chó nín được.
Tiếc quá! Sao ông Đế Thích này không dắt con chó đi thăm nước Việt Nam nhỉ, để hù mấy ông lãnh đạo chơi! Xem có còn dám hà hiếp dân không?

● Truyện Oanh Vũ và con chó trắng (trích Quyển 3, Kinh A Hàm)

Một thời đức Phật du hóa tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, một hôm đức Phật đi khất thực đến nhà kia, khi ấy người chủ nhà là Ma Nạp Oanh Vũ Đô Đề Tử (“Oanh Vũ”) đi vắng. Tại nhà ấy có con chó trắng đang ăn thức ăn trong chậu bằng vàng trên một cái giường lớn. Lúc con chó trông thấy đức Phật từ xa đi tới, nó liền nhảy khỏi giường xuống sủa dữ dội, đức Phật nói vớí con chó: “Ngươi không nên sủa như vậy, ngươi hết sủa lại gầm gừ liên tiếp, ngươi không nên làm như vậy”; chó trắng nghe xong, ngộ ra tiền kiếp của mình, lại càng giận dữ hơn, rồi vừa sủa vừa chạy đến bụi cây, nằm gầm gừ rên rỉ.
Oanh Vũ về không thấy chó, hỏi gia nhân thì được biết chó đang ở trong bụi cây rầu rĩ không chịu ra, bèn hỏi có ai làm gì nó không mà nó như thế? Gia nhân nói không thấy ai đánh đập chó, chỉ có một điều là lúc nó đang ăn có Sa Môn Cù Đàm (là đức Phật) đến khất thực, nó thấy Sa Môn đến liền nhảy xuống sủa dữ dội, không biết Sa Môn có làm gì nó hay không, nhưng nó sủa ầm ĩ, rồi chạy vào bụi cây nằm ở đó rên rỉ không chịu ra.
Oanh Vũ vừa nghe người giúp việc nói xong, liền nổi giận, muốn hủy báng đức Phật, muốn vu khống Ngài, ông từ nhà tức tốc đến rừng Thắng lâm, vào vườn Cấp Cô Độc. Khi đức Phật vừa trông thấy ông ta từ xa đang đi đến, Ngài bảo các Tỳ Kheo:
– Các Thầy thấy người kia đang tiến tới đây không?
Mọi người nhìn ra đều thấy liền thưa:
– Bạch Thế Tôn, có thấy.
Đức Phật bảo:
– Nếu người kia mà chết ngay bây giờ thì như co duỗi cánh tay, chỉ trong khoảnh khắc, người kia liền sinh vào Địa ngục, tại sao vậy? Vì người kia đang nổi cơn thịnh nộ đối với Như Lai. Nếu có người nào do bởi có tâm sân giận mà qua đời, tất đến cõi ác, sinh vào địa ngục.
Đức Phật vừa nói xong giây lát, Oanh Vũ trong cơn giận dữ tiến vào, hướng Ngài mà nói:
– Hôm nay Sa Môn Cù Đàm có đến nhà tôi khất thực phải không?
Đức Phật trả lời:
– Hôm nay ta có đến nhà ông khất thực.
Người ấy hằn học nói:
– Cù Đàm, ông đã làm gì con chó trắng của tôi khiến nó rất giận dữ từ trên giường nhảy xuống sủa dữ dội rồi chạy vào bụi cây gầm gừ rên rỉ, nằm thiểu não ở đó không chịu ra, tại sao thế?
Đức Phật trả lời:
– Hôm nay vào lúc gần trưa, ta vào thành Xá Vệ khất thực, lần lượt đến nhà ông, lúc ấy con chó trắng thấy ta từ xa đến, nó từ trên giường liền nhảy xuống chỗ gần ta sủa dữ dội. Ta liền nói với nó: “Ngươi không nên làm như vậy, ngươi hết sủa lại gầm gừ liên tiếp, ngươi không nên làm như vậy”, nó vẫn tiếp tục giận dữ sủa liên tiếp, sau nó vừa sủa vừa chạy vào bụi cây gầm gừ trong khi ta rời khỏi nhà ông.
Người ấy nói:
– Vô lý, Sa Môn Cù Đàm chẳng làm gì nó, tại sao nó đang mạnh khỏe, bỗng nhiên buồn rầu thiểu não như bị bệnh như thế?
Đức Phật nói:
– Vì nó có liên quan đến ông.
Người ấy hỏi:
– Con chó trắng có liên hệ gì với tôi?
Oanh Vũ hỏi đến bốn lần đức Phật mới trả lời :
– Này Oanh Vũ, ông nên biết, con chó trắng ấy đời trước là cha của ông, tên là Đồ Đề.
Oanh Vũ vừa nghe xong tức thì nổi giận gấp bội, cho rằng mình bị sỉ nhục, liền vu khống đức Phật, hủy báng đức Phật, rồi nói:
– Cha tôi thực hành bố thí lớn lao cho người nghèo khổ, cúng tế vĩ đại, sau khi chết nhất định sanh lên cõi Trời Phạm Thiên, không thể tin được rằng cha tôi phải đọa vào loài chó hạ tiện; ông đã phỉ nhục tôi, ông là người nói bậy không bằng chứng, không thể nào tin được.
Đức Phật bảo:
– Cha ông do bởi tăng thượng mạn nên mới sinh vào loài chó.
Đức Phật nói tiếp:
– Này Oanh Vũ, nếu ông không tin lời ta, có thể trở về nhà nói với con chó trắng ấy: “Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy lên giường lớn”, chó trắng tất sẽ nhảy lên giường lớn. Lại nói: “Chó trắng nếu đời trước là cha của tôi, hãy ăn thức ăn trong bát vàng”, chó trắng tất sẽ ăn thức ăn trong bát vàng như trước. Lại nữa, nói: “Chó trắng nếu đời trước là cha của tôi, hãy chỉ cho tôi kho tàng cất giấu vàng bạc, ngọc thạch, trân châu mà tôi không biết”, chó trắng sẽ chỉ cho nơi cất dấu kho tàng ấy.
Oanh Vũ nghe những lời đức Phật nói trong lòng hoang mang, bán tín bán nghi, nhưng sự giận dữ đã giảm rất nhiều, nên nói:
– Thôi được, tôi sẽ về làm theo lời Sa Môn, nhưng nếu không đúng như thế, Cù Đàm, ông sẽ chịu trách nhiệm về những lời nói này.
Nói rồi Oanh Vũ liền trở về, nói với chó trắng y như những gì Phật dạy, chó trắng cũng làm y như Phật đã nói, cuối cùng nó lấy chân cào cào bốn nơi chân giường. Oanh Vũ từ bốn chỗ đó đào lên được rất nhiều vàng bạc châu báu, rất vui mừng, vội quỳ xuống đất hướng về vườn Cấp Cô Độc lễ lạy sát đất ba lần mà tán thán rằng:
– Những lời Sa Môn Cù Đàm đều không hư dối, những lời Sa Môn Cù Đàm đều là sự thật, những lời Sa Môn Cù Đàm đều đúng hết thảy!
Lễ lạy tán thán xong, ông vội vàng đến chỗ Phật. Bấy giờ, đức Phật trông thấy Oanh Vũ đang đi tới, Ngài bảo các Tỳ Kheo:
– Các Thầy có thấy Ma Nạp Oanh Vũ đang trở lại đây không?
Các Tỳ kheo nhìn ra rồi thưa:
– Bạch Thế Tôn, có thấy.
Đức Phật bảo:
– Nếu ông ta qua đời lúc này, thì như duỗi cánh tay, chỉ trong khoảnh khắc chắc chắn sẽ sinh vào chỗ lành, vì Ông ta đang rất hoan hỉ, có tâm thiện đối với Như Lai. Nếu có người nào do bởi tâm lành lúc qua đời, tất đến chỗ lành sinh lên cõi Trời.
Oanh Vũ đến chỗ đức Phật, cúi đầu vái lạy, rồi ngồi vào một chỗ, đức Phật liền hỏi:
– Thế nào Oanh Vũ, như ta đã nói, con chó trắng có đúng như vậy không?
Oanh Vũ đáp:
– Thưa Sa Môn Cù Đàm, thật đúng như Ngài đã nói, nhưng thưa Cù Đàm, do nhân duyên gì cùng sinh ra có người cao kẻ thấp, người đẹp kẻ xấu, người giàu kẻ nghèo, người sống lâu kẻchết yểu? Lại có người sống khỏe ít bệnh kẻ ốm yếu bệnh tật, người thân hình đầy đủ kẻ khuyết tật, lại có người oai đức kẻ bậy bạ, người trí thức hiểu rộng kẻ ngu si kém cỏi; lại nữa, có người sinh ra trong dòng dõi tôn quý giàu sang, kẻ phải sinh vào nơi ti tiện nghèo hèn?
Đức Phật trả lời:

– Các chúng sanh đều do nơi hành nghiệp của chính mình, do nghiệp mà thọ báo, duyên nơi nghiệp, y nơi nghiệp, tùy nơi nghiệp mà có người được tốt đẹp, kẻ phải chịu xấu xa kém cỏi.

Sau đó, đức Phật giảng tạo nhân gì hưởng quả gì để trả lời cho Oanh Vũ một cách chi tiết đầy đủ, sau cùng Oanh Vũ xin quy y Phật Pháp Tăng và thỉnh Phật, Tỳ Kheo tới nhà để có dịp thí cúng và để họ Đô Đề được lợi ích an ổn lâu dài.

● Truyện Hoàng hậu Hy Thị
Thuở xưa, đời nhà Lương, vua Võ Ðế, có quen với một vị Hòa thượng, hiệu là Chí Công, hằng ngày trò chuyện với nhau rất thân thiết.
Hoàng hậu tên là Hy Thị, thấy vậy, bèn can gián vua đừng chơi với người ngu tăng ấy, nhưng vua Võ Ðế chẳng hề nghe, cứ giao du như thường. Hoàng hậu giận lắm, toan lập mưu hại ngài Chí Công, bèn lén dùng thịt chó làm nhân bánh, rồi sai người đem bánh ấy đến chùa cúng dường.
Ai ngờ Hòa thượng Chí Công đã biết trước, nên dự sắm áo tràng rộng tay, làm bánh chay bỏ vào, rồi khi thọ trai lén bỏ bánh mặn trong tay áo, lấy bánh chay ra ăn.
Bà Hy Thị đợi tin Hòa thượng ăn rồi, tức thì tâu với vua rằng: “Bánh ấy thiếp dùng thịt chó làm nhân, ông Chí Công ăn mà không biết, thiệt là người phàm ngu muội, không có đạo đức trí tuệ gì cả, nay bệ hạ còn làm bạn nữa chăng?”
Vua nghe nói nổi giận, liền mang gươm đến chùa mà giết Hòa thượng.
Khi ấy, ngài Chí Công cũng đã biết trước, nên ra ngoài cửa chùa đứng đợi.
Lúc vua ngự đến trông thấy Hòa thượng thì hỏi rằng: “Ông ra đứng đây mà làm chi?”
Ngài Chí Công đáp rằng: “Bần tăng biết bệ hạ đến giết bần tăng, nên bần tăng ra đây đứng đợi. Nếu Bệ hạ mà vào chùa mà giết hại, thì ô uế chốn Già lam càng tội nghiệp nặng lắm!”
Vua nghe nói kinh hồn chấp tay niệm Phật và sám hối, rồi liền mời Hòa thượng vào chùa mà hỏi rằng: “Ngài đã tiên tri được như vậy, vì sao còn ăn lầm bánh thịt chó mà không biết? ”
Ngài Chí Công bèn đáp rằng: “Muôn tâu Bệ hạ! Bần tăng có ăn đâu! ”

Tâu rồi Ngài liền thỉnh vua ra sau vườn, dạy người đào lấy bánh thịt chó lên, thấy vẫn còn đủ 120 cái. Hòa thượng bèn lấy nước Tịnh thủy phun vào, tức thì mỗi mười bánh hiệp lại thành một con chó, hình thể vận động như thường.
Vua thấy vậy thất kinh, mới biết pháp lực thần thông của Ngài Chí Công thiệt là cao cường quảng đại, liền trở vào chùa hết lòng lễ sám hối những sự lỗi lầm. Từ ấy Võ Ðế càng yêu mến Hòa thượng Chí Công hơn ngày trước nữa; trái lại bà Hy Thị thấy thế lại càng giận thêm, nên khiến kẻ hầu hạ đến chùa lấy kinh sách đem ra đốt hết.

Ðến niên hiệu Thiên Giám, bà mang bệnh nặng rồi phải từ trần, rồi đầu thai làm con rắn mãng xà ở sau hậu cung ẩn mình không cho ai thấy, thừa khi ban đêm, bà lại mách điềm chiêm bao cho vua Võ Ðế hay rằng: “Khi thiếp còn sống ăn ở bất nhân, tổn vật hại người, làm điều tham độc. Vì cớ ấy nên nay thiếp phải làm thân mãng xà, thân đã dài, vóc lại lớn, bò lết không nổi, đói không có chi ăn, khát chẳng có chi uống, cực khổ nhiều bề, còn mỗi trong chân vảy lại có thứ độc trùng đeo vào cắn rứt da thịt, đau thắt ruột gan thật là khó chịu! Thiếp nghĩ vì thiếp cùng Bệ hạ vẫn là tơ duyên chỉ nợ, tình vợ nghĩa chồng, mà nay thiếp bị đọa ra thân súc sanh thế này, Bệ hạ nỡ nào hưởng thọ phú quý một mình mà không tìm phương chi cứu thiếp, nên xin Bệ hạ từ bi thỉnh thầy làm chay độ giải cho thiếp, may nhờ Phật pháp hộ trì, thoát ra khỏi vòng ác báo, thì thiếp cảm ơn đời đời”.

Vua Võ Ðế nghe rồi, bèn thức dậy rầu rĩ khóc lóc một hồi; sáng ra liền truyền lệnh rước các thầy Sa môn nhóm tại điện mà hỏi rằng: “Vậy trong hàng chư tăng, ai có phép chi cứu giải Hoàng hậu khỏi điều tội khổ chăng? ”
Hòa thượng Chí Công tâu rằng: “Muôn tâu Bệ hạ! Tội của Hoàng hậu rất nặng, xin Bệ hạ hãy thiết lập đàn tràng lễ bái sám hối, thì mới cứu được”.

Vua Võ Ðế bằng lòng, liền cầu Hòa thượng Chí Công soạn ra mười quyển sám văn, rồi thiết đàn trong cung làm chay ba tháng, cầu sám cho Hoàng hậu. Có một hôm kia, khi trai đàn gần mãn có mùi hương nồng nã bay khắp trong cung điện. Vua Võ Ðế ngước mắt ngó lên trời, thấy có một nàng con gái, nhan sắc tuyệt trần, đứng giữa hư không mà chấp tay tâu cùng vua rằng: “Thiếp nhờ công đức của Bệ hạ cầu sám hối đã thoát được thân mãn xà mà sanh về cõi trời Ðao Lợi. Nên thiếp phải hiện thân ra cho Bệ hạ thấy để làm chứng nghiệm vậy – Thôi, mấy lời cảm tạ, kính chúc Bệ hạ ở lại bình an”. Bà nói rồi liền ẩn mình không thấy nữa.
Khi ấy vua Võ Ðế nửa mừng nửa khóc, khôn xiết sự tình bèn lui vào cung mời Hòa thượng Chí Công mà hỏi rằng: “Hoàng hậu của Trẫm buổi còn sống, hết sức thù ghét Hòa thượng là túc duyên làm sao mà gây ra cừu oán như vậy? ”
Ngài Chí Công tâu rằng: “Muôn tâu Bệ hạ! Sự cừu oán duyên do kiếp trước có một vị Trụ trì và một vị Giám tự ở chung một chùa. Trong chùa ấy có cái đôn để nước, dưới chân cái đôn có con thiện trùng thường thường kêu trong khi ban đêm; tiếng kêu của nó inh ỏi như thể tiếng con dế hay con vạt sành vậy. Thường khi ông Trụ trì tới đó lấy nước súc miệng, rửa mặt thì cũng chú nguyện cho con ấy mau mau thoát đặng cái thân súc vật, mà sanh về đường nhân luân.

Một bữa kia ông Trụ trì đi khỏi, ông Giám tự ghét con thiện trùng đêm nào cũng kêu, và làm cho lòng ông không được thanh tịnh và chẳng cho ông ngủ thẳng giấc, nên ông bèn bắt con ấy, lấy dao cắt ngang giữa lưng làm hai, rồi cũng bỏ lại dưới chân đôn như cũ.
Qua bữa sau ông Trụ trì về, trót đêm không nghe tiếng con thiện trùng kêu nữa, bèn kiếm dưới chân đôn, thì thấy nó đã chết rồi. – Ông thương khóc, niệm Phật chú nguyện cho nó và lấy một miếng vải đỏ buộc vào chỗ lưng bị cắt, rồi đem chôn sau vườn chùa.
Muôn tâu Bệ hạ! Con thiện trùng ấy tức là kiếp này làm thân Hoàng hậu; còn vị Giám tự là kiếp này làm thân của Bần Tăng đây. – Vì vậy oan gia gặp nhau toan đòi nợ trước, nếu tôi kiếp này tu hành lơ láo, thì có thể nào thoát ra khỏi tay của Hoàng hậu! ”
Vua Võ Ðế nghe nói liều gật đầu mà đáp rằng: “Hèn gì Hoàng hậu của Trẫm thường thường buộc sợi dây đỏ ngang lưng, không khi nào rời bỏ, mà Trẫm không biết cớ làm sao. Có một đêm Hoàng hậu ngủ mê, Trẫm lén mở sợi dây ấy ra, thì Hoàng hậu nói rằng đau lưng, rồi lấy dây ấy buộc lại vào, tức thì không đau nữa. Nay Hòa thượng bày tỏ sự túc trái như vậy, thì biết Phật nói “NHÂN QUẢ” thiệt là không sai”.
Từ ấy, vua Võ Ðế lại càng tin tưởng Phật pháp, trọng đãi Chúng Tăng và nguyện một lòng phụng sự Tam Bảo.

Một lời nói đùa phải đọa lạc làm kiếp chó
Luật Sa-di kể chuyện rằng có một vị Tam tạng pháp sư lên chánh điện, thấy một lão tăng tụng kinh, liền nói đùa: “Sư tụng kinh giọng ồ ề như chó sủa”. Vì lời khinh mạn bông đùa ấy, vị sư phải chịu 500 đời làm thân chó. Đời cuối cùng, con chó ăn vụng thịt, bị chủ chặt cả bốn chân, vứt xuống hố.
Ngài Xá Lợi Phất, một trong 10 đại đệ tử của Phật, đi qua thấy tội, nên cho chó ăn cơm, thuyết pháp và chúc nguyện. Con chó chết, đầu thai làm con một trưởng giả tên Quân Đề. Quân Đề mới lên bảy tuổi đang chơi ngoài cửa, thấyngàiXá Lợi Phất khất thực đi qua liền xin cha cho xuất gia. Sau khi xuất gia, dưới sự hướng dẫn của tôn giả Xá lợi phất, Quân Đề đã chứng A la hán.
Thế là chỉ vì một lời nói bông đùa mà nguy hại phải 500 đời làm chó. Nếu không phải là vị Tam tạng pháp sư có công phu tu hành thì làm sao gặp được thánh tăng để chấm dứt con đường đọa lạc. Kinh Địa tạng dạy: Chúng sanh trong cõi diêm phù, cất chân dấy niệm đã phạm tội. Gặp việc thiện thì dễ thoái tâm. Gặp ác duyên lại càng thêm mạnh. Nếu không gặp thiện tri thức chỉ đường dẫn lối giải thoát sẽ khổ mãi không cùng.
Phong tục ăn thịt chó – Phật tử có nên ăn thịt chó không?

Tại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, thịt chó lại được ưa chuộng và là món ăn khoái khẩu và được tiêu thụ nhiều. Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?
Có nhiều nơi trên thế giới cũng ăn thịt chó, ta có thể kể đến: Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Mexico, Đài Loan, Thụy Sĩ, Philippines, Polynesia, Bắc cực, Nam Cực, Indonesia, v.v.
Trong khi đó, tại các quốc gia Tây Phương, chó được coi là con vật thân quý và được chiều chuộng hết mực, nên việc ăn thịt chó được xem như là dã man và mọi rợ.
Trong đạo Phật nguyên thủy, đức Phật cũng không cấm các tỳ kheo ăn thịt, vì thời đó, khi đi khất thực, được ai cho gì thì ăn nấy không có quyền đòi hỏi. Tuy nhiên, đức Phật luôn khuyên ta không nên sát sanh, và ai tha mạng sống cho loài vật và không phạm giới sát sanh thì sẽ được mười điều lợi ích. Hầu hết súc vật cũng có hệ thần kinh và bộ não như người. Chúng cũng biết sợ hãi. Có những con bò, con trâu, con chó đã chảy nước mắt khi biết mình sắp bị giết.
Do đó trong kinh Phật dạy tất cả chúng sanh trong vòng luân hồi kể cả các loài thú vật, kể cả chó, có thể đều đã từng là cha mẹ quyến thuộc với ta, nỡ nào ta giết chúng để ăn thịt? Cho nên không sát sanh là nhà Phật nói chung tất cả các loài, chứ không riêng gì chó. Điều này đã được đề cập đến trong kinh điển Đại Thừa, và giới cấm sát sanh là giới cấm đầu tiên trong năm giới cấm của đạo Phật, được nhắc đến nhiền trong kinh điển Phật giáo như Luật tạng, Tăng Nhất bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, v.v.
Tuy đức Phật không đặt thành vấn đề ăn chay hay ăn mặn mà quan trọng là sự thanh tịnh trong thân, khẩu, ý,nhưng Phật luôn khuyến khích và giáo hóa mọi người nên ăn chay để được thanh tịnh và tạo căn nghiệp lành.
Giới trẻ ngày nay có khuynh hướng ăn chay, tuy rằng việc ăn chay này không liên hệ gì đến đạo Phật cả. Ăn chay vì sức khỏe, giảm bệnh tật, cơ thể nhẹ nhàng nếu như người ăn chay biết ăn uống các loại chất đạm thực vật cho quân bình về mặt dinh dưỡng, như gạo lức, các loại đậu, muối mè, v.v.

Kết luận
Vài câu chuyện về chó không có gì lạ, chỉ là chuyện góp nhặt, sưu tập giúp bạn đọc vui trong dịp Xuân Mậu Tuất đang đến, hy vọng suốt năm bạn được “chó đến nhà thì sang”.

Lời quê góp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài… bát canh.

Hải Phong

Xem thêm

Nhận báo giá qua email