Chuyện Chú Musk và Con Chim

Tuần lễ đầu tháng 11, thế giới big tech – công nghệ lớn, biến động lớn với những hành động – chẳng biết khôn hay dại, của ba tỷ phú: Elon Musk, Sam Bankman-Fried và Mark Zuckenberg.
Đầu tiên là Musk, người giàu nhất thế giới, với thương vụ mua Con Chim (Twitter) để rồi nghiến răng bóp nó đến mức quằn quại. Hệ quả đầu tiên là hơn 3 ngàn người mất việc.

Kế đó là Sam Bankman-Fried – cũng trong hàng ngũ 100 người giàu nhất thế giới, từng được Forbes mệnh danh là “Warren Buffett kế tiếp”. Cậu này, gọi là cậu vì vừa chẵn chòi 30 tuổi, đã đốt một phát tiêu 94% tài sản của mình chỉ trong một ngày, từ 16 tỷ xuống còn 0. Công ty giao dịch tiền ảo FTX của cậu phá sản, hại luôn không biết bao nhiêu nhà đầu tư vào tiền ảo.
Và chỉ đến ngày thứ tư của tuần làm việc, cậu Mark Zuckenberg, chủ nhân Metaverse, vừa thảm thiết kể lể, vừa tàn nhẫn đẩy 11 ngàn nhân viên ra cửa.

Chuyện Cuối Tuần kỳ này được Ký Gà viết thay, và dành để kể về màn chơi chim của Elon Musk, chuyện ly kỳ nhất.

Thiên tài, cứu tinh của nhân loại

Cho đến nay, chú Musk vẫn được một số người không nhỏ coi là một ngôi sao sáng, một thiên tài, thậm chí một vị cứu tinh của nhân loại
Chú giàu – khỏi cãi rồi, bởi tài sản của chú to hơn bất cứ tỷ tỷ phú nào hiện nay. Hai tờ báo tài chánh Forbes và Bloomberg để đánh giá giá trị ròng (net worth) của chú là 250 tỷ đô la Mỹ.
Chú giỏi – cũng khỏi cãi luôn. Không giỏi làm sao chú dựng lên, góp phần dựng lên và làm chủ nhiều công ty chuyên làm những sản phẩm tối tân, dịch vụ siêu cao kỹ: công ty xe hơi điện Tesla, công ty hỏa tiễn SpaceX (trong đó có luôn công ty internet vệ tinh Starlink), công ty đào hầm The Boring Co., công ty chip gắn vô óc Neuralink, và công ty chú mới tậu được gần đây nhất: Twitter (gọi là Con Chim cho tiện, bởi biểu tượng của nó là một con chim- , hành động đăng phát biểu trên Con Chim là “hót” – to tweet, và mỗi phát biểu được đăng lên gọi là một tiếng hót, “a tweet”.)

 

Một hí họa trên twitter: Musk chăm con chim. Hình: Twitter

Chú có tâm và có tầm (bắt chước kiểu hành văn thịnh hành trong nước hiện nay, dịch ra tiếng Việt “cũ” là có lòng nhân hậu và có trình độ, lại biết nhìn xa trông rộng).

Xe điện Tesla của chú, và những hệ thống pin mặt trời của công ty phụ, là để giúp thế giới giảm bớt khí thải do xăng dầu chạy xe gây ra.

Hỏa tiễn Space X của chú là để đưa các phi thuyền lên không gian, chúng được dùng đi dùng lại nhiều lần để đỡ lãng phí.

Space X cũng nhằm để đưa người lên Hỏa tinh, chuẩn bị cho nhân loại chỗ ở mới khi Trái đất lụi tàn.

Những con chip gắn vào óc của người – do công ty Neuralink thực hiện, có thể được xài vô việc chữa các bệnh liên quan đến não, và còn để giúp những người tàn tật. (Thành tựu đầu tiên: chip của Neuralink đã giúp cho một con khỉ trong phòng thí nghiệm biết chơi game trên computer!)

Nhưng chú đang loay hoay với hậu quả của một hành động khiến người ta nghi ngờ về cả cái tâm lẫn cái tầm của chú. Mặc dầu chú đã khoe um sùm là như vậy.

Đó là vụ chú mua (hớ) Con Chim.

Khi bỏ giá 44 tỷ đô la Mỹ để mua Con Chim, Musk đã nói: “Tôi không làm việc này (mua con chim) để kiếm thêm tiền. Tôi làm việc này để giúp cho nhân loại, những người mà tôi yêu mến…” (28 tháng 10, 2022)

Bạn đã từng chơi chim, chắc biết cách nắm giữ một con chim trong tay. Nhẹ thì nó bay, mà nặng tay thì nó chết.
Người ta cho rằng Musk đang bóp, hoặc ôm Con Chim một cách quá nặng tay, khiến con chim có thể chết, và trở thành một trong những cú làm ăn tệ hại nhất trong sự nghiệp lẫy lừng của chú.

Thương vụ mua Con Chim

Chú Musk là một người thích chơi Twitter.

Chú cũng thích chơi ngông. Trên Twitter, Musk có những cú tweet cho thấy tánh ngông nghênh, ba trợn của mình. Do có lượng người theo dõi đông đảo, những đoạn tweet của Musk đã có không ít những ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí tác hại.

Một trong những vụ người ta còn nhớ là hồi đội banh con nít Thái Lan bị kẹt trong một động ngập nước năm 2018. Ngày đó Musk đã đề nghị gởi tàu ngầm qua giúp giải cứu tụi nhỏ. Khi bị kế hoạch của chú bị chỉ trích bởi Vernon Unsworth, một thợ lặn trong nhóm đang lo giải cứu đội banh, Musk đã tweet rằng Unsworth là một tên nhi dâm – a pedophile.
Bị bôi nhọ bất ngờ, ông nầy đâm đơn kiện. Musk sau đó phải xóa những gì mình tweet và xin lỗi Unsworth.

Năm 2021, Tesla đã phải đăng quảng cáo tìm một nhơn viên chuyên trách công việc giải quyết các khiếu nại nhắm vào Musk trên mạng xã hội.
Hồi tháng Hai năm nay, trên Twitter, Musk đã so sánh Justin Trudeau, ông thủ tướng trẻ tuổi của Canada với nhà độc tài Adolf Hitler. Musk cũng đã phải xóa đoạn tweet này sau một làn sóng phản đối. Rồi tới tháng 11, chú tweet một bức hình của nhà độc tài Nga Joseph Stalin, trong đó khuôn mặt của Stalin được thay bằng chân dung Parag Agrawal, giám đốc điều hành mới của Twitter.

Musk cũng từng nói rằng chú sẽ hủy bỏ lệnh cấm Donald Trump, người đã bị đuổi khỏi Twitter vào tháng 1 năm 2021 sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol. Musk nói: “Tôi nghĩ rằng đó là một quyết định tồi tệ về mặt đạo đức và hết sức ngu xuẩn.”

Musk cũng gặp nhiều rắc rối với cơ quan quản lý thị trường tài chính Hoa Kỳ, SEC, vì đã đăng những dòng tweet có ảnh hưởng đáng kể đến các công ty mà chú điều hành.
Hồi năm 2018, chú tweet rằng mình đã kiếm đủ vốn để đưa công ty Tesla trở thành tư nhân. Hậu quả là SEC đã buộc Musk phải đặt ở Tesla một nhân viên chuyên trách để duyệt các tweet của Musk xem có chứa chi tiết nào ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của công ty hay không trước khi đăng lên. Musk sau đó đã phải nộp phạt 20 triệu đô la và từ chức chủ tịch công ty Tesla, tuy nhiên vẫn làu bàu rằng mình bị sách nhiễu bị phạt oan ức.

Năm 2021, Musk đã tweet hỏi những người theo dõi chú trên Twitter rằng chú có nên bán 10% cổ phần của mình trong Tesla để nộp thuế hay không. Cú tweet này đã làm cho giá cổ phiếu của Tesla giảm mạnh – dẫn đến việc SEC ra lịnh xem xét lại coi Musk có tuân thủ các thoả thuận trước đó hay không.

Danh khoản của Musk trên Twitter được hơn 100 triệu người theo dõi. Nhiều tiếng hót của chú đã có ảnh hưởng lớn đến các sinh hoạt chính trị, kinh tế, tài chính của thế giới.
Chú nảy ra ý tưởng làm chủ cái máy mà mình yêu thích và xài nhiều vì chỉ cần gõ vào vài chữ rồi nhấn một cái nút là cả triệu người sẽ tròn mắt đọc và thán phục.

Vài nét về Con Chim

Cho các vị chưa từng chơi chim, Twitter là một mạng diễn đàn thông tin xã hội (social media platform), trên đó những thành viên (được gọi là user/người dùng) đưa ra những phát biểu và theo dõi những phát biểu của những người khác. Nó được thành lập và bắt đầu hoạt động năm 2006.
Twitter là một trang web truyền thông xã hội với mục đích chính là kết nối mọi người và cho phép mọi người chia sẻ suy nghĩ của họ với một lượng lớn người theo dõi (follower/audience). Twitter cho phép các user bắt được ngay những gì liên quan đến các tin tức và sự kiện lớn nhất đang diễn ra, theo dõi những người hoặc công ty đưa lên các nội dung mà họ thích, hoặc chỉ giản dị là để giao tiếp với bạn bè.
Twitter nhanh chóng trở thành một trong những diễn đàn xã hội được ưa chuộng nhất ngày nay. Ngày nay, hàng ngày có chừng 100 triệu user vô đây chơi và 500 triệu cú tweet được gửi lên.
Twitter dựa trên kỹ thuật SMS (Short Message Service/dịch vụ tin nhắn ngắn), vậy nên thuở ban đầu, các tweet bị giới hạn ở mức 140 chữ cái. Ngày nay, giới hạn này đã được nâng lên đến 280 nhưng chỉ cho các ngôn ngữ non CJK (Chinese, Japanese, Korean, do có quá nhiều nét). Việc giới hạn một phần nhằm để tạo ra các nội dung có thể đọc cho lẹ của thế giới hiện đại, những người thiếu kiên nhẫn và thiếu sự chú ý. Tuy nhiên, giới hạn đó cũng tạo ra nhiều nguy hại: 280 chữ cái không đủ để diễn tả rõ ràng, một chiều, mập mờ và thiếu sót. Nếu bị đọc bởi những người hấp tấp, thiếu suy xét sẽ trở thành độc hại, nhất là khi được retweet (đăng lại, kiểu như share ở Facebook), sẽ làm sự độc hại lây lan nhanh chóng. Bởi thế nên coi Twitter như một nguồn tin chính đôi khi rất nguy hiểm.
Cũng như Facebook, Twitter đã trở thành một diễn đàn có khả năng khiến cho người dùng lậm, phát ghiền.
Twitter thường được các nhà báo, các cơ quan công lực sử dụng để truyền tin tức loại breaking news một cách nhanh chóng – đôi khi, nó còn nhanh hơn các phương tiện truyền thông truyền thống trong việc lan truyền thông tin tức nóng hổi.
Ngoài ra, nhiều người nổi tiếng, lực sĩ thể thao và chính khách chọn đăng trực tiếp trên Twitter thay vì nói qua các phương tiện truyền thông khi họ muốn nói gì đó – từ mới kêu bằng “chia sẻ thông tin” với những người hâm mộ.
Các nguyên thủ quốc gia, những người nổi tiếng, các cơ quan, tổ chức chính quyền và phi chính phủ… đều có danh khoản trên Twitter. Cả đến Đức Giáo hoàng cũng có. Dĩ nhiên, không chỉ những nhân vật, tổ chức quan trọng. Những người bình thường cũng có – như bạn và tôi. Diễn đàn này, cũng như Facebook và Instagram và nhiều mạng điểm quốc tế khác có phiên bản Tiếng Việt (Kẹt một nỗi là những người Việt ở hải ngoại lâu năm sẽ phải mất nhiều thời gian để làm quen với thứ tiếng Việt ở trên trang này).
Trong số các nhân vật ghiền tweet có cựu tổng thống thứ 45 của Hoa kỳ. Hồi còn trên ghế, Trump đã dùng Twitter để cai trị nước Mỹ thay vì ban hành lệnh này, luật nọ. Tweet nhanh hơn nhiều và rộng hơn nhiều, lại không bị các cố vấn bàn ra hoặc cản mũi. Thời đó, ổng tweet lia lịa từ hai ba giờ sáng khi có chuyện. Ông đã bị Twitter “ban” (cấm cửa) vì tweet quá nhiều thứ nhảm nhí. Cay cú, ông bỏ tiền lập diễn đàn riêng cho mình, đặt cho cái tên trớ trêu là… sự thật (Truth Social) nhưng cho đến nay diễn đàn của ổng chẳng mấy người xài.

Không những vậy, chú còn “thực thi” được nguyên vọng của mình là giữ cho diễn đàn này là nơi ai muốn nói gì thì nói, không giống như Facebook hoặc Instagram – và cả Twitter ngày trước, luôn kiểm soát, kiểm duyệt, treo giò và cấm cửa các user hót những chuyện bịa đặt hoặc kêu gọi bạo lực.

Khi làm chủ Con Chim, Musk sẽ tháo cũi sổ lồng cho nó, sẽ trở thành người hùng bảo vệ “quyền tự do ngôn luận”.

Musk viết trong một cú tweet: “Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ hữu hiệu, và Twitter là quảng trường kỹ thuật số nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận.”

Đương nhiên, là một nhà kinh doanh, Musk cũng có thể muốn dùng Twitter để giúp quảng cáo cho các công ty khác của mình.

Vậy là hồi tháng Tư, Musk đã chi ra gần 3 tỷ đô la để hốt đến 9,2% tổng số cổ phần của Twitter vả trở thành người có số cổ phần lớn nhất của công ty.

Nhưng khi được mời vào ngồi trong hội đồng quản trị của công ty Con Chim, Musk từ chối. Có thể vì ghét mặt các nhân vật đã hiện diện ở đó, có thể vì cho rằng không làm việc được với họ. Chú muốn mua luôn cả công ty để có thể ngồi một mình, để thả Con Chim, hay dạy cho nó hót giọng của mình.

Chú đưa ra một đề nghị làm mọi người giật mình: 44 tỷ đô la. Vào thời điểm đó, trị giá của Con Chim chỉ cỡ trên 30 tỷ chút ít. Công ty Twitter đồng ý cái rụp.

Vậy nhưng vài tuần sau, chắc biết mình trả hớ, Musk tìm cách để xù. Đầu tiên, chú đổ thừa cho Twitter đã không rõ ràng về số danh khoản spam (rác) trên diễn đàn. Khi Parag Agrawal, giám đốc điều hành của Twitter, cố gắng vạch mặt những cáo…gian của Musk, thiên tài đã trả lời bằng một cú tweet khá đểu giả chỉ có biểu tượng “poop” – cục phân.

Đến tháng 7, Musk tố cáo Twitter đã gian dối về số lượng spam trên diễn đàn và lấy đó làm cớ để hủy thỏa thuận.

Dĩ nhiên là Twitter không chịu. Họ đi kiện, cáo buộc lý do thực sự của việc Musk định rút lui là do suy thoái kinh tế đã khiến tài sản cá nhân của chú tuột giảm – Musk đã đồng ý bỏ khoảng 33 tỷ đô tiền túi để chi và chỉ cần vay hơn chục tỷ nữa để trả đủ 44 tỷ.

Vụ kiện được đưa ra tòa và có lịch xử vào giữa tháng 10. Nếu thua, Musk chỉ có thể rút ra khỏi thỏa thuận khi nạp tiền phạt, cỡ một tỷ đô la.

Thấy trước rằng mình sẽ thua và khoản tiền phạt quá lớn, Musk đã cố gắng thương lượng để giảm giá thỏa thuận nhưng không thành công. Cuối cùng, Musk đã đành chấp nhận sẽ thực hiện thỏa thuận nếu Twitter dừng vụ kiện.

Thẩm phán đã đồng ý hoãn vụ kiện cho đến ngày 28 tháng 10, cho ông Musk ba tuần để kết thúc thỏa thuận.

Ngày 28, Musk chính thức nhận chủ quyền Con Chim. Bắt chước Trump, Musk thông báo quyền sở hữu của mình bằng một cú tweet: “con chim đã được giải thoát”.
Rồi lập tức Musk tự xưng chức vụ mới của mình “Chief Twit” đồng thời đuổi cổ ba nhân vật đứng đầu công ty: Parag Agrawal (CEO), Ned Segal (giám đốc tài chính) và Vijaya Gadde (Giám đốc Pháp lý) của Twitter.

(Cần nói thêm chút ở đây, thiên tài của thế giới quên tra tự điển, chú tưởng (lầm) rằng Chief Twit chỉ có nghĩa là con chim đầu đàn, nhưng không biết rằng từ điển Meriam -Webster định nghĩa “Twit” là “a silly anoying person” – một người vừa ngu vừa lèng èng.)

 

Khi ngộ ra rằng ngó vậy chớ không phải vậy!

Rõ ràng là khi xem xét việc mua Con Chim, thiên tài Elon Musk đã sơ xuất quên mất một vài thứ.

Toàn bộ sự việc dường như là một món hàng mua do hứng chí, bốc đồng. Như kiểu một người mua một món hàng nào đó chỉ vì thấy nó quá hấp dẫn trong một quảng cáo hấp dẫn.
Như đã nói, có thể Musk chỉ thấy khoái trá khi làm chủ được một cái máy đăng bài hoạt động bất cứ khi nào chú gõ một số từ rồi nhấn một nút màu xanh để gởi tới cho hơn 100 triệu người đang ngóng. Thêm nữa, chú sẽ trở thành người hùng bảo vệ “quyền tự do ngôn luận.”

Nhưng chú quên mất tiêu rằng cái gì sẽ xảy ra nếu thị trường chứng khoán đi xuống và khoản tiền mà Musk đã đồng ý trả khi vay 12,5 tỷ để mua Twitter trở thành khó kham nổi? Cái gì sẽ xảy ra nếu việc giao dịch của chú với Twitter sẽ làm cho các cổ đông của Tesla, công ty mà cổ phiếu của Musk chiếm phần lớn giá trị tài sản của chú, phải đau đầu? Cái gì sẽ xảy ra nếu những thứ vừa kể sẽ cùng nhau buộc Musk phải tìm cách thu lợi nhuận tại Twitter, một công ty mà Musk đã khẳng định rằng không mua để làm giàu và từ trước tới nay cũng chẳng thu được bao nhiêu lợi nhuận?

Chú chỉ nhớ ra khi sự đã rồi, hoặc sớm hơn chút, nhưng sự cũng đã rồi.

Và những gì mà chú Musk đã và đang làm sau khi mua được Con Chim không có bao nhiêu chất “thiên tài” cả. Chỉ là những biện pháp đối phó quýnh quáo, những màn chạy tới chạy lui, những phản ứng đôi khi mâu thuẫn.

 

Bốn nhân vật chủ chốt của Twitter bị sa thải ngay khi Musk mua xong Twitter

Để có thể phát triển và có đủ tiền trả lãi cho khoản vay 12,5 tỷ đô la, Twitter phải có lời. Nhưng 90% lợi nhuận của Twitter từ quảng cáo, và trước nay không có là bao nhiêu. Trong lúc đó, các nhà quảng cáo đã bắt đầu thấy nhột nhạt từ khi Musk lên án việc sử dụng quảng cáo trên Twitter và nói rằng công ty nên tìm một nguồn doanh thu khác. Một số nhà quảng cáo cũng tỏ ra lo lắng về việc nếu lỡ thương hiệu của họ xuất hiện bên cạnh những đoạn tweet có nội dung nguy hại mà Musk sẽ cho phép đăng trên Twitter theo chủ trương tự do ngôn luận. Một số khác thấy rằng quảng cáo trên Facebook và TikTok coi bộ tốt hơn.

Vậy là chú quýnh lên. Nếu không tăng thu được thì phải giảm chi trước. Chỉ vài giờ sau khi mua xong Twitter, Musk bước vô văn phòng chánh của công ty ở San Francisco, bưng theo một cái bồn rửa chén kêu một số nhân vật chủ chốt về nhân sự họp. Trong tiếng Anh, cái bồn là sink, người ta cho rằng chú muốn nhân viên ở Twitter phải thấy thấm thía tình hình mới của công ty.
Musk tuyên bố cần phải giảm người ngay, và những người bị sa thải sẽ không được nhận tiền thưởng – theo dự tính sẽ được phát cho nhân viên trong tháng 11.

Màn sa thải nhân viên của Twitter diễn ra một cách hết sức dã man. Các nhân viên của Twitter được thông báo hôm 3 tháng 11 rằng trước 09:00 (giờ Thái bình dương) ngày hôm sau, họ sẽ được thông báo về tình trạng việc làm của mình qua email. Những người còn lại tại công ty sẽ nhận được thông báo được gửi đến email Twitter của họ, trong khi những người bị sa thải sẽ nhận được thông báo đến email cá nhân của họ. Tất cả các email chỉ được ký bằng chữ Twitter, không có tên giới chức nào hết. Hơn ba ngàn bảy trăm nhân viên lớn nhỏ, 50 phần trăm lực lượng lao động của Twitter, nhận được email sa thải có hiệu lực tức thời.

Nhưng việc sa thải nhân viên quá nhanh là một biện pháp dại dột. Lý ra, chú phải làm việc đó từ từ và thận trọng (hậu quả là Twitter vừa phải “mời” lại những nhân sự trọng yếu, cần thiết cho hoạt động, mà họ lỡ đuổi việc.)

Đồng thời với sự ra đi của các nhân viên xui xẻo… nhiều nhà quảng cáo cũng ra đi. Hãng xe hơi General Motors, công ty dược Pfizers và hãng hàng không United Airlines là những nơi công khai xác nhận họ rút quảng cáo khỏi mạng xã hội Con Chim. Một số các công ty khác – như General Mills, Audi… chỉ âm thầm đội nón lên đầu và rút lui. Lý do được cho là để bảo vệ thương hiệu, họ không muốn thấy quảng cáo của họ ở xuất hiện cùng với những đoạn tweet có nội dung quá khích hoặc bạo lực, kỳ thị chủng tộc, tục tĩu, bôi nhọ… những thứ mà họ sợ sẽ xuất hiện khi ai nói gì cũng được, không có thứ gì bị cấm hay kiểm duyệt nữa.

Trước sự ra đi của các nhà quảng cáo, Musk lại làm những việc mâu thuẫn với nhau một lần nữa.

Musk trấn an các nhà quảng cáo qua một thơ ngỏ: “Twitter rõ ràng không thể trở thành một bãi rác miễn phí cho tất cả, nơi có thể nói bất cứ điều gì mà không có hậu quả. Twitter mong muốn trở thành sàn quảng cáo được tôn trọng nhất trên thế giới.”

Một mặt, chú tố ngược rằng lý do khiến doanh thu của Twitter giảm là vì các nhóm hoạt động gây áp lực buộc các nhà quảng cáo ngừng đặt quảng cáo và… đe dọa các nhà quảng cáo!
Một user tên Mike Davis đã khuyên Musk đừng sợ và mách nước: “Anh có gần 114 triệu người theo dõi trên Twitter, hãy vạch mặt và làm nhục mặt (name and shame) những nhà quảng cáo đã tiếp tay cho việc tẩy chay quảng cáo để chúng tôi có thể tẩy chay họ…”.

 

Danh khoản Tesla giả được cấp blue tick

Khoái chí, Musk đã cảm ơn tay này và hăm rằng nếu chuyện quảng cáo bỏ đi còn tiếp diễn, một chiến dịch “vạch mặt và làm cho nhục mặt (naming and shaming) lớn (các nhà quảng cáo) có thể xảy ra.

Musk cũng bày ra “sáng kiến” thu tiền cái dấu đã xác minh màu xanh – kêu bằng “blue tick verified status”, cho các danh khoản để xác nhận user đó là thứ thiệt chớ không phải đồ giả mạo.
Thí dụ như Twitter sẽ cấp cho danh khoản của Ký Gà sẽ có một blue tick để xác nhận đó là Ký Gà thiệt trong khi những kẻ giả mạo cũng “đăng ký” tên Ký Gà sẽ không có. Trước đây, cái tick này vẫn free ở Twitter cũng như hiện vẫn còn free ở Instagram.

Giá blue tick mà Musk gợi ý ban đầu là 20 đô/tháng, nhưng sau khi bị nhà văn Stephen King chọc quê và phản đối, Musk hạ giá xuống còn $7.99/tháng.

Ngay khi màn thu phí này vừa được áp dụng, một phong trào chọc quê Elon Musk đã nổi lên.

 

Account của…Jesus Christ cũng được xác nhận là thứ thật bằng một blue tick

Nhiều user đăng ký các danh khoản độc đáo và đóng tiền (để được xác minh là thứ thiệt), như danh khoản Donald Trump, James LeBron, Lockheed Martin, Nintendo, Eli Lilly, George Bush, thậm chí có cả…Tesla và Jesus Christ! Tất cả đều được Twitter cấp blue tick!

Công ty Eli Lily đã trở thành một nạn nhân oan uổng và đau đớn vì chuyện này. Họ bị thiệt hại đến 20 tỷ đô la sau khi danh khoản Eli Lily giả có blue tick (thiệt) đăng tweet (nội dung giả) rằng từ nay thuốc insulin trị tiểu đường sẽ được cấp miễn phí!

Danh khoản Elon Musk cũng bị giả mạo. Để tìm được tweet của Elon Musk thiệt, người theo dõi chú phải lội qua một biển Elon Musk giả.

Điều này cho thấy hệ thống kiểm tra, sàng lọc để cấp tick quá dễ dàng và …dở ẹt, phải chăng là do sức ép phải tạo thu nhập cho công ty?

Một user thuộc loại có nhiều người theo dõi, dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez đã chọc quê Musk bằng một đoạn tweet: “Lmao at a billionaire earnestly trying to sell people the idea that “free speech” is actually a $8/mo subscription plan” (cười bò lê bò càng với việc một tỷ phú đang cố bán cho mọi người ý tưởng “tự do ngôn luận” thực sự là gói đăng ký $ 8 / tháng)”

 

Mạng xã hội Mastodon đã tăng thêm nửa triệu người dùng. Hình chụp từ trang mạng tiếng Việt của Mastodon

Việc thu lệ phí blue tick bị tạm dừng ít ngày, nhưng nay đã được áp dụng trở lại. Musk đẻ thêm một biện pháp chữa cháy nữa: Công ty sẽ áp dụng một cái nhãn dấu checkmark khác, màu xám kêu bằng “Official” để gắn cho những danh khoản chánh thức, phân biệt họ với danh khoản giả mạo đóng tiền để được blue tick!

Thiệt giễu! Nếu vậy thì user (thứ thiệt) đã được cái check màu xám xác nhận mình là thứ thiệt) bỏ tiền ra để đóng cho cái tick màu xanh để làm gì?

 

Bên cạnh việc chọc phá để phản đối việc thu phí, nhiều user đã âm thầm bỏ đi sang các diễn đàn khác.

Một trong những diễn đàn xã hội đang có số user tăng nhanh trong ít ngày qua là Mastodon.

Cho tới cuối tuần trước. Mastodon đã có thêm 500 ngàn user mới ghi tên gia nhập.

 

Cứu tinh của nhân loại đang cần cứu tinh

“Xin lỗi vì đây là email đầu tiên của tôi gửi đến toàn thể công ty, nhưng không có cách nào khác để bọc đường thông điệp này. Nếu không có doanh thu đáng kể từ tiền đóng phí (subscription), rất có thể Twitter sẽ không tồn tại được trong thời kỳ suy thoái kinh tế sắp tới”.

Thiên tài Elon Musk viết như vậy trong email gởi nhân viên Twitter ngày 9 tháng 11.

Khoản phí subscription mà Musk nói tới là tiền thu từ blue tick.

Chú cũng kể lể rằng mình đã phải bán số cổ phiếu Tesla của mình, trị giá gần 4 tỷ đô la để “cứu Twitter”.

Trong email, Musk đã yêu cầu các nhân viên (còn lại) phải vô văn phòng để làm việc ít nhứt 40 giờ mỗi tuần, chấm dứt chính sách làm việc tại nhà của công ty; và mọi sự đồng ý cho phép làm việc từ xa phải được chính chú chấp thuận.

Nghe nói Twitter đã kêu trở lại làm việc một số nhân viên đã bị sa thải. Nhưng đồng thời cũng có tin nhiều nhân viên cao cấp của Twitter đã bỏ đi.

Chỉ mới gần hai tuần về tay Musk, Con Chim đã bịnh quá. Không biết với tài năng, tiền bạc (và tánh khí) của Elon Musk, Con Chim có vui trở lại, hoặc nó có sống nổi hay không.

 

Ký Gà

Xem thêm

Nhận báo giá qua email