Đêm thứ Hai 8 tháng 8, cậu Ba nhà Trump, anh Eric lên tivi.
Dĩ nhiên là cậu chỉ có lên đài FOX, bởi không có đài nào khác mời cậu, mà lên đài khác thì không có ai mồi cho cậu nói, tán thưởng những gì cậu nói, và không móc họng cậu.
Người của FOX News dẫn cuộc phỏng vấn mà cậu tham gia là nhà báo lão luyện Sean Hannity.
Cậu Eric báo với nhà báo Hannity và bàn dân thiên hạ rằng chính mình là người đã “nhận cuộc gọi” về cuộc đột kích (raid) của FBI và đã thông báo cho ông già tía về cuộc lục soát này.
Cậu than rằng không có gia đình nào trong lịch sử Mỹ đã “lãnh nhiều mũi tên bắn vào sau lưng hơn gia đình Trump” và cáo buộc rằng hành động này xuất phát từ mong muốn của những kẻ muốn ngăn cha cậu lại ra tranh cử tổng thống và giành chiến thắng vào năm 2024.
Cậu nói với giọng khản đặc: “Và Sean ơi, đó là chuyện của ngày hôm nay, có tới 30 đặc vụ FBI, thực ra là còn đông hơn nữa, tấn công Mar-a-Lago, hoàn toàn không có thông báo gì ráo, xông qua cổng, bắt đầu lục soát một văn phòng, lục soát một tủ quần áo. Họ đã phá cửa một cái két sắt. Ổng thậm chí không có một thứ gì trong cái két đó.”
Khác với những phản ứng nhanh như chớp – và thường sau đó rút lại không kịp ngày trước, mặc dầu biết tin nhà bị lục soát từ sáng, tới buổi sáng hôm sau, cha của cậu Eric mới lên tiếng.
Cũng khác với những cú tweet ngắn ngủi trên Twitter thời còn làm tổng thống và chưa bị Twitter cấm cửa, lần này ông 45 đưa ra một công bố dài lòng thòng. Lời lẽ cũng rất khúc chiết tuy không kém phần kể lể:
“Đây là thời kỳ đen tối đối với Quốc gia của chúng ta, vì ngôi nhà xinh đẹp của tôi, Mar-A-Lago ở Palm Beach, Florida, hiện đang bị bao vây, đột kích và chiếm đóng bởi một nhóm lớn các đặc vụ FBI… Hồi nào giờ chưa hề có thứ gì giống như vầy từng xảy ra với một Tổng thống Hoa Kỳ. Sau khi (tui) đã làm việc và hợp tác với các cơ quan chính phủ liên quan, cuộc đột kích không báo trước này vào nhà tui là không cần thiết hoặc phù hợp. Đó là hành vi sai trái của phía công tố, vũ khí hóa Hệ thống Tư pháp, và một cuộc tấn công của đảng Dân chủ cực đoan cánh tả, những người tuyệt vọng không muốn tui tranh cử Tổng thống vào năm 2024, đặc biệt là dựa trên các cuộc thăm dò gần đây và những người như kiểu đó sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn cản đảng Cộng hòa và Bảo thủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.”
Chuyện gì vậy ?
Những gì cậu Eric và ông Trump vừa kể (tố thì đúng hơn) không giống như những gì mà người ta thấy trên TV, trên các phương tiện truyền thông và qua sự trình bày của các giới chức tư pháp và công lực của Liên bang.
Bữa 8 tháng 8, đúng là có một lực lượng các đặc vụ FBI đã tiến vào khu resort Mar-a-Lago ở Florida của ông Trump thiệt. Nhưng họ không “hoàn toàn không có thông báo gì ráo” và “xông qua cổng” để rồi “bắt đầu lục soát một văn phòng, lục soát một tủ quần áo.”
Họ có trát xét nhà, được một Thẩm phán Liên bang ký sau khi có quyết định của một đại bồi thẩm đoàn (grand jury). Cái trát đó được chính ông Tổng Chưởng lý Merrick Garland chuẩn thuận và được trao tận tay cho bà Christina Bobb, luật sư của ông Trump có mặt Mar-a-Lago bữa đó và bà Bobb đã ký nhận.
Họ đã làm việc với các nhân viên Mật vụ có nhiệm vụ bảo vệ tư gia cựu TT Trump ở Mar-a-Lago để những ông Secret Service đó vui vẻ mở của cho họ vào để thi hành công vụ.
Lời tố cáo rằng các nhân viên FBI đã đuổi người nhà và luật sư của ông Trump đi chỗ khác chơi để họ làm việc – đây là một yêu cầu rất thường có của các nhơn viên công lực, là chánh xác. Nhưng cả ngày hôm đó, ổng và các nhơn vật thân cận của ổng đã theo dõi cuộc lục soát qua máy thu hình CCTV ở khu vực bị lục soát.
Bà Bobb cũng đã ký xác nhận những gì mà các đặc vụ FBI đã lấy đi khỏi Mar-a-Lago, nơi mà thời còn đương chức ông Trump đã gọi là “Bạch cung mùa Đông” của ổng. Giờ bả ký biên nhận thu giữ là 6:10 chiều ngày 8 tháng 8 khi các nhơn viên FBI dọn đồ ra về.
Kết quả ra sao ?
Cuộc đấu trí giữa ông Tổng chưởng lý Merrick Garland và cựu TT Donald Trump đã được báo chí kể nhiều. Ký tui miễn kể, chỉ tiếp tục ở đây kết quả của cuộc lục soát theo trát tòa. Nếu cho rằng (như cha con ông Trump nói) đây là một cuộc “đột kích” thì phải kêu những thứ nầy là “chiến lợi phẩm.”
BBC nói có hơn 20 thùng đựng các món đã được nhơn viên FBI lấy đi.
VOA nói “FBI tịch thu hơn 30 vật phẩm trong đó có hơn 20 thùng, tập hình ảnh, một ghi chú viết tay và một lệnh hành pháp khoan hồng cho Roger Stone, một đồng minh và cũng là cố vấn lâu năm của ông Trump. Trong danh sách các món bị tịch thu còn có những thông tin về ‘Tổng thống Pháp.’”
Danh sách đầy đủ các chiến lợi phẩm mà FBI mang về sau cuộc đột kích đã được công bố trong bản “Receipt of Property” – biên nhận thu giữ tài sản, mà tài liệu được gỡ con niêm (unsealed) để bàn dân thiên hạ đều thấy. (Có hình trong bài này)
Tóm tắt, theo báo chí, đó là “Các tài liệu được chánh thức phân loại là mật / TS / SCI khác nhau” gồm:
– 21 hộp “tài liệu mật linh tinh”, “tài liệu bí mật linh tinh” hoặc “tài liệu tối mật linh tinh.”
– 1 hồ sơ lệnh tha tào (Grant of Clememcy) mà ông Trump ký cho bồ tèo Roger Jason Stone Jr. ngay trước ngày hết nhiệm kỳ của ổng
– Hồ sơ có nhãn “Info re: President of France” (Thông tin về: Tổng thống Pháp), một hộp tài liệu bọc da, hai tập hình ảnh và một tấm giấy viết tay.
Vậy là họ xét nhà ông 45 là để tìm, và đã tìm được, mấy thứ đó.
Những người rành tiếng Ăng lê ở Mỹ cho biết “TS là Top Secret, tối mật. Còn SCI là Sensitive Compartement Information.” Đây là loại tài liệu của Mỹ được lấy ra từ những từ nguồn tin tình báo mách bảo, từ cách làm việc trong ngành tình báo hay từ cách phân tích của ngành tình báo. Tất cả các tài liệu đó đánh dấu SCI đều phải được hệ thống bảo vệ do Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia thiết lập ra lưu giữ.
Những người làm việc với công việc đặc biệt tối mật muốn được đọc tài liệu có ghi chữ TS/SCI cần có lệnh cho phép đọc tài liệu mật (clearance) ở mức TS/SCI (Top Secret/Sensitive Compartement Information).
Loại tài liệu có đánh dấu TS/SCI là loại tài liệu tối mật chỉ được lưu giữ ở cơ quan tình báo chứ không được giữ ở nhà riêng. Muốn xin phép đọc tài liệu này phải qua sự duyệt xét của CIA, thường thì phải mất vài tháng để tra xét lý lịch.” (Trích còm men trên mạng VOA Việt ngữ)
Trang mạng CSRC.NIST.GOV của chánh phủ Huê kỳ định nghĩa: “Classified information concerning or derived from intelligence sources, methods, or analytical processes, which is required to be handled within formal access control systems established by the Director of National Intelligence.” Google dịch: “Thông tin đã phân loại liên quan hoặc có nguồn gốc từ các nguồn tình báo, phương pháp hoặc quy trình phân tích, được yêu cầu phải xử trí trong các hệ thống kiểm soát truy cập chính thức do Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia thiết lập.”
Chớ ông 45 giữ ba cái giấy tờ, hồ sơ đó ở nhà để làm gì?
Có người cho rằng ổng muốn giấu điều gì đó.
Có người nói rằng ổng có thói quen coi hồ sơ nhà nước như hồ sơ tài chánh, bản khai thuế hay học bạ của ổng – những thứ mà ổng hồi nào giờ nhứt định không chịu xì ra. (Mặc dầu luôn khoe là hồ sơ tài chánh không có gì gian dối và học bạ thì là thứ khẳng định ổng là học sanh, sanh viên xuất sắc khó ai bì kịp). Những thứ giấy tờ – kể cả giấy tờ báo cáo, phúc trình … mà ổng không thích trong thời gian ổng ở Bạch cung, ổng vò nát hay xé vụn bỏ thùng rác, có người còn nói ổng bỏ vô bồn cầu xả nước.
Có người, không biết thiệt hay giỡn, nói ổng muốn giữ để làm vật kỷ niệm, hoặc để sau này có giá thì bán.
Nhưng theo luật thì ổng không có quyền đem về nhà cất những thứ đó, đặc biệt là cái “nhà” Mar-a-lago lại là nơi hoạt động resort, ai có tiền là tới chơi, vô mướn phòng ở.
Những thứ đó là tài sản của quốc gia, nếu không tối mật cần phải giữ ở trụ sở cơ quan tình báo, an ninh thì phải được đưa vô Thư viện & Bảo tàng Tổng thống do Văn khố Quốc gia quản lý. Chánh phủ Mỹ đã lập cho ông Trump một cái thư viện, đặt tên là Donald Trump Presidential Library hồi 20 tháng 1, 2021.
Có luật quy định đàng hoàng. Tên đạo luật là Presidential Records Act, được ban hành năm 1978. Tuy là mới, nhưng ông Trump và mọi người đều phải biết.
Trước Richard Nixon, tất cả các tổng thống Mỹ đều coi các giấy tờ, văn hiện, hồ sơ liên quan tới mình trong Bạch cung là của họ, họ muốn làm gì thì làm.
Trong hai thế kỷ đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ, các tổng thống sắp mãn nhiệm ôm theo các giấy tờ, tài liệu khi rời Bạch cung, những thứ đó được coi là tài sản cá nhân của họ.
Nhưng trong 40 năm vừa qua, mọi tài liệu của tổng thống – từ những nét vẽ nguệch ngoạc trên sổ tay đến các kế hoạch bảo mật tối mật – đều được chuyển trực tiếp đến Văn khố Quốc gia (National Archives) vì được coi là tài sản của người dân Mỹ.
Jason R. Baron, người từng là giám đốc tố tụng tại Văn khố Quốc gia trong 13 năm, nói “Không tổng thống nào có quyền lưu giữ hồ sơ tổng thống sau khi ổng hoặc bả rời nhiệm sở. Do đó, nếu hồ sơ tổng thống được tìm thấy trong tư dinh của cựu tổng thống hoặc bất kỳ nơi nào khác dưới sự kiểm soát của ông ta là một tình huống bất thường.”
Bắt đầu từ sau Richard Nixon và vụ Watergate.
Nhà sử học Timothy Naftali, giáo sư tại Đại học New York và là cựu giám đốc của Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon, đã kể cho nhà báo Zachary Wolf của Thông tấn CNN lịch sử của đạo luật.
Nhà báo Wolf viết lại lời Giáo sư Naftali kể rằng sau khi rời nhiệm sở, Nixon muốn giữ các băng ghi âm và giấy tờ của mình. Vài ngày sau khi Nixon từ chức, một chiếc xe tải dọn nhà đã tới trước Bạch cung để lấy các văn kiện và băng ghi âm của Nixon.
Chánh quyền Ford đến tham khảo Văn phòng Cố vấn Pháp lý để hỏi coi ai làm chủ các băng của Nixon và giấy tờ của ổng?
Người phụ trách Văn phòng đó lúc đó, Luật sư Antonin Scalia, nói rằng theo truyền thống của Hoa Kỳ, ngay từ thời George Washington, là các tổng thống sở hữu các giấy tờ của họ, và giấy tờ của họ bao gồm bất kỳ thứ gì đã đến với họ và bất cứ thứ gì do nhân viên của họ tạo ra.
Không có sự khác biệt giữa các tài liệu công cộng và tư nhân, giống như cách mà Vua và Nữ hoàng Anh kiểm soát các tài liệu. Trong Hiến pháp không có gì về điều này, và không có luật.
Richard Nixon có quyền nói “mấy thứ này là của tôi” và đem chúng về California.
Nhưng với chính quyền Ford thì việc giao tài liệu và băng ghi âm cho Nixon có thể bị ngưởi dân coi là một sự che đậy.
Vì vậy, chính quyền Ford đã đàm phán với Nixon nhằm bảo đảm rằng các tài liệu có thể được cung cấp cho các phiên tòa và Nixon không thể tiêu hủy chúng trong một khoảng thời gian nhất định. Thỏa thuận đó nằm trong số các thỏa thuận dẫn đến việc ân xá. Richard Nixon đã phải đồng ý với điều này để Ford có thể ân xá cho ổng.
Khi Quốc hội Mỹ phát giác vụ dàn xếp, họ sợ Nixon có thể tiêu hủy bất cứ thứ gì chưa được trát buộc đem hầu tòa (subpoenaed). Vì vậy Quốc hội đã thông qua đạo luật Presidential Recordings and Materials Preservation Act (Đạo luật Bảo quản các Tài liệu và Ghi âm của Tổng thống) năm 1974 nhằm thu giữ một cách hiệu quả tất cả các tài liệu của Nixon và coi chúng là tài sản quốc gia.
Nixon kiện lên Tối cao Pháp viện: “Tại sao tôi lại bị đối xử khác với mọi tổng thống khác?” và đòi…bồi thường.
Tòa án tối cao đứng về phía Quốc hội “Không có chuyện đó.”
Quốc hội Huê kỳ đã quyết định thông qua một đạo luật xác định những gì là công khai và những gì là riêng tư về hồ sơ tổng thống. Đạo luật Presidential Records Act (Đạo luật Hồ sơ Tổng thống) năm 1978 ra đời.
Phản ứng của ông Trump
và phe cực tả
Có người phàn nàn rằng tại sao đa số các hãng thông tấn – trừ FOX News, “thổ tả” đều đưa tin và bình luận thiên lệch, nghiêng về phía chánh quyền mà không dẫn ra các lý luận của ông Trump và phe Cộng hòa/ Bảo thủ.
Nói cho ngay, chẳng có gì đáng nói vì chỉ là cái mửng cũ xì trước nay lập lại.
Tỷ như ông Trump đã nói: “Họ không cần phải ‘tịch thu’ gì cả. Lý ra họ có thể có các hồ sơ này bất cứ lúc nào họ muốn mà không cần phải chơi trò chính trị và đột nhập vào Mar-a-Lago…”
Nhưng những vị nầy quên rằng hồi tháng 1, Văn khố Quốc gia đã yêu cầu ông Trump trả hồ sơ giấy tờ và đã được ông trao cho 15 thùng. Trong số các văn kiện chứa trong các thùng đó có những thư từ mà ông Trump kêu bằng “thư tình” trao đổi giữa ổng với Cậu Ủn Kim Jong Un và cả một bức thư cựu Tổng thống Barack Obama gửi cho Trump. Sau đó, các luật sư của ổng khẳng định không còn giữ thứ gì hết.
Hoặc là ông Trump cãi rằng số tài liệu mang dấu Classified, Top Secret, Sensitive Compartement Information mà FBI vừa lấy đi khỏi Mar-a-Lago là những tài liệu đã được ổng giải mật (de-classified)…bằng lệnh miệng.
Đúng là tổng thống Mỹ có quyền giải mật hồ sơ, nhưng chuyện giải mật phải qua thủ tục đàng hoàng chớ không phải nói khơi khơi “tui giải mật cái này” là xong. Và trên các hồ sơ, văn kiện đó phải có dấu de-classified, cái mà các nhân viên FBI không thấy.
Khi thấy hết cãi, ông Trump xài lại cái đòn “tại sao người khác làm thì không ai nói?” bằng cách tung tin ông 44 – cựu TT Barack Obama đã đem về nhà hàng triệu trang hồ sơ. Bữa 12 tháng 8, ổng viết trên donaldtrump.com rằng “Tổng thống Barack Obama giữ 33 triệu trang văn kiện, nhiều trong số đó là mật. Có bao nhiêu trong đó liên can tới hạt nhân? Người ta nói là, nhiều lắm.”
Cơ quan Văn khố quốc gia (NARA) đưa ngay ra tuyên bố giải độc (debunk): “Như yêu cầu của [Đạo luật Hồ sơ Tổng thống], cựu Tổng thống Obama không có quyền kiểm soát việc NARA lưu trữ hồ sơ Tổng thống về chính quyền của ông ấy ở đâu và như thế nào”. NARA đã có được “quyền nắm giữ vật thể và pháp lý độc quyền” các hồ sơ của Obama khi ông rời nhiệm sở vào năm 2017” và khoảng 30 triệu trang hồ sơ chưa được phân loại đã được chuyển đến một cơ sở của NARA ở khu vực Chicago và chúng vẫn tiếp tục được duy trì “độc quyền bởi NARA.”
Những luận điệu mà ông Trump và các phò tá của ổng – trong đó có các dân biểu, nghị sĩ Cộng hòa, đều không có gì mới.
Như họ cáo buộc các nhơn viên FBI đã “cấy/gài” (planted) chứng cứ trong cuộc lục soát vì người của ổng bị đuổi đi không cho chứng kiến.
Nhưng bà luật sư của ổng đã hớ hênh nói trên đài truyền hình Real America “Tôi nghĩ những người ở New York – Tổng thống Trump và gia đình của ông ấy – họ có thể có cái nhìn tốt hơn tôi. Bởi vì họ có CCTV, họ có thể xem. Vậy nên họ thực sự biết rõ hơn về những gì đã diễn ra bên trong “!
Người tử tế (và ngây thơ cụ) nhứt là Kash Patel. Ông này là người đã được Trump chỉ định để lo các vấn đề với hồ sơ tổng thống của mình. Patel đổ tội cho Cục Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (General Services Administration/GSA) về việc các thùng tài liệu được đưa về resort của Trump. Ổng nói với Fox News rằng GSA “đóng gói nhầm một số thùng và chuyển chúng tới Mar-a- Lago.”
Một phát ngôn viên của GSA đã lập tức trả lời rằng trách nhiệm về những gì được dọn đi khi một tổng thống rời nhiệm sở “hoàn toàn thuộc về tổng thống sắp mãn nhiệm và các nhân viên hỗ trợ của họ.”
Sau khi biết rằng ông Trump có thể bị điều tra theo đạo luật Gián điệp (Espionage Act) vì giữ hoặc làm lan truyền thông tin an ninh quốc gia nguy hiểm, Nghị sĩ Paul Rand đã đòi tiêu hủy đạo luật này.
Nhiều nhà lập pháp Cộng hòa khác, như Lauren Boebert and Marjorie Taylor Greene đã kêu gọi defund (chấm dứt cấp tiền hoạt động), thậm chí xóa sổ cơ quan FBI, nơi mà dưới sự chỉ huy của Christopher Wray, các nhân viên hoạt động không khác gì bọn sơ mi nâu Quốc xã.
(Dịp này, nhiều hãng thông tấn đăng lại cú tweet của ông Trump năm 2017 khi ông bổ nhiệm Wray làm giám đốc Cục Điều tra Liên bang Huê kỳ: “Tui sẽ đề cử Christopher A. Wray, một người có credentials (năng lực, thành tích và phẩm chất) hoàn hảo, làm Giám đốc mới của FBI…”)
Họ cũng đòi “impeach” ông Tổng Chưởng lý Marrick Garland luôn!
Và bên cạnh đó là…bạo lực. Những lời chưởi bới, dọa nạt tràn ngập trên các diễn đàn và trang mạng của phe phò Trump, đòi giết từ nhơn viên đến giám đốc FBI, Chưởng lý Merrick Garland cùng cả gia đình họ.
Chuyện chắc chắn là còn dài dài.
God bless America!
Ký Gà