Khu phố Tây thời chưa có dịch Covid

Đêm tại “khu phố Tây” trước đây rất nhộn nhịp và lấp lánh đầy ánh đèn màu, dường như không ngơi nghỉ với nhiều điều tức cười, buồn vui lẫn lộn trong nhịp sống Sài Gòn.
“Khu phố Tây” là cách gọi của dân Sài Gòn, bao gồm trong khoảng các phố Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu và lân cận, thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Sài Gòn. Ở đây tập trung rất nhiều các khách sạn, nhà nghỉ, quán cà phê, cửa hàng ăn uống và các trung tâm lữ hành nội địa, các văn phòng dịch vụ du lịch…, tất cả đều nhằm mục đích phục vụ “thượng đế” là các khách du lịch thuộc dạng trung bình, không quá nhiều tiền, và dạng du lịch “bụi” mà mọi người thường gọi là “Tây ba lô”, vì họ ăn mặc đơn giản với chiếc áo thun, chiếc quần soọc rộng thùng thình, cũ mèm, dài gần tới đầu gối và đôi giày vải hay đôi dép xăng-đan cũng cũ như vậy. Hành trang của họ chỉ có duy nhất một chiếc ba lô lúc nào cũng khoác trên vai hay đeo trên lưng, bởi vậy gọi họ là “Tây ba lô”cũng khá chính xác.
Nhịp sống tại Khu phố Tây luôn luôn ồn ào, náo nhiệt. Sự ồn ào này diễn ra từ chập tối cỡ 18 – 19 giờ cho tới 2 – 3 giờ sáng. Bởi vì, khách du lịch ban ngày có thể đi chơi những điểm xa thành phố, chiều tối trở về thì khu vực này trở thành nơi nghỉ ngơi, thư giãn, nhâm nhi bên tách cà phê, một hai lon bia hoặc ăn uống các món ăn bính dân Việt Nam tất nhiên rất đỡ tốn kém mà được hòa mình rrong cuộc sống bình dị một cách thoải má. Riêng các “Tây ba lô” thí buổi tối thích đi lang thang, lại vẫn chiếc ba lô trên lưng hay khoác dưới nách dù ban ngày đã lang thang rồi, hoặc ngồi uống bia tán gẫu với mấy cô gái không biết làm nghề gì song lúc nào cũng thấy rảnh rang. Đặc biệt, họ không hút thuốc lá. Thanh niên “Tây” gần như rất ít người hút thuốc lá.
Đêm ở phố Tây chẳng những rực rỡ ánh đèn mà còn đa dạng cả về văn hoá. Một quán cà phê trên phố Đề Thám, tuy có tên là quán cà phê nhưng cũng như nhiều quán xá và nhà hàng khác ở đây; nó “kiêm nhiệm” đủ thứ, vừa bán cà phê, bán bia, bán đồ nhậu lại vừa có thể là một quán bar, khách ngồi uống tại chỗ, vì quá nhỏ hẹp nên không có sàn nhảy.
Những nhà hàng, quán bar lớn khác nằm ở góc các ngã tư của hai con phố luôn gây ấn tượng và được ưa thích, bởi vì ngồi ở đấy người ta có tầm nhìn bao quát theo cả bốn phía. Đây là Bar Go-Go ở góc Bùi Viện – Đề Thám, khá nổi tiếng tại khu phố Tây. Kia là Bar Crazy Buffalo cũng nằm ở góc ngã tư Bùi Viện – Đề Thám, có bề ngoài ấn tượng và choáng ngợp nhất. Còn quán Bar Allez Boo thì nằm ở góc đường Phạm Ngũ Lão – Đề Thám với mặt tiền trang trí bằng nhiều vật liệu tre, gỗ.
Cũng có rất nhiều khách không chọn các nhà hàng, quán bar mà thích ngồi ở những quán vỉa hè rất bình dân, đông tấp nập trên vỉa hè hẹp, nhưng vui, mình hoà nhập vào cuộc sống nhộn nhịp của Sài Gòn là được rồi.
Có khá nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm và tiệm bán tranh “sao chép”trên đường Bùi Viện và đường Đề Thám. Toàn là các họa sĩ giỏi, có tay nghề cao, họ ngồi suốt ngày vẽ lại giống y như thật những bức tranh cổ điển của các họa sĩ Tây phương lừng lẫy danh tiếng khi xưa như Van Gogh, Leonard de Vinci, Picasso, v.v… nhưng tiệm bán rất rẻ, cỡ vài ba trăm ngàn đồng VN một bức, khách du lịch kể cả Tây ba-lô thích mua để gửi về nước làm quà. Một văn phòng du lịch trên phố Phạm Ngũ Lão, dù đã muộn nhưng vẫn có khách tới đặt tour. Bên vỉa hè, một chàng Tây ngồi lướt net… Tất cả những thứ đó đều nói lên cảnh làm ăn và sự náo nhiệt của “Khu phố Tây” của Sài Gòn trước khi xảy ra nạn dịch Covid-19 kéo dài cho đến bây giờ.
Chuyện Tây ba-lô mưu sinh khi hết tiền
Ở khu phố Tây người ta cũng dễ gặp những chàng Tây ba-lô đi dạy tiếng Anh ở các trung tâm Anh ngữ. Rất hiếm trong số đó có người Anh hay Mỹ chính cống, và như dân phố Tây vẫn thường nói: “Chẳng hiểu học sinh sẽ nói giọng gì khi học những ông Tây nói toàn tiếng Anh tiếng Mỹ “bồi” như thế”. Andrey là một cô gái người Thổ Nhĩ Kỳ. Cô nói: “Người yêu của tôi đang làm việc ở Việt Nam. Tôi sang đây với anh ấy và không thể không làm việc. Tôi xin đi dạy tiếng Anh cho trẻ em”.
Andrey đã đi một số nước và theo cô nhận xét: “Người Việt Nam không có ác cảm với người nước ngoài, thậm chí họ còn thông cảm với chúng tôi. Họ có cái nhìn ưu ái đối với người châu Âu”. Cô kể tiếp: “Chúng tôi la cà ở các quán cà phê, nhưng có khi được mời đi dự khai trương một công ty nào đó cho việc khai trương thêm phần xôm tụ”.
Trong một “đẳng cấp” thấp hơn, không ít các chàng Tây ba-lô da màu làm công nhân tại các công ty nước ngoài, lấy vợ Việt Nam, có con cái rồi ở lại đây luôn. Một chàng công nhân người châu Phi, anh ta đi chiếc xe gắn máy cà tàng, chở vợ con di dạo trên đường Bùi Viện. Anh ta nói: “Tôi thích cuộc sống tại Việt Nam”.
Trong quán cà phê gần trụ sở một tờ báo thể thao, có khá nhiều cầu thủ nước ngoài chờ thử việc tại các câu lạc bộ. Phần lớn họ là người da mầu. Những cầu thủ này rất chăm chỉ học tiếng Việt, hạn chế bia rượu, nhất là tuyệt đối không biết đến thuốc lá. Nhưng dường như họ khá “sát gái”. Điện thoại di động của họ reng reng hoài và sau khi trò chuyện thì có cô gái hay bà sồn sồn tới, họ dẫn nhau đi nhà nghỉ bù khú.
Có thể làm ông chủ nhỏ
Đôi khi, từ phố “Tây ba-lô”, người ta vươn lên thành ông chủ nhỏ. Alex là một người như vậy. Hàng ngày anh ta la cà trong các khu phố để tìm khách hàng và cho biết: “Tôi có một cửa hàng bán quần áo. Tôi thuê người trông coi, trả lương xứng đáng”. Một nhóm bạn của anh ta cũng đều là người châu Phi và đều là những tay buôn quần áo.
Alex nhập quần áo đủ loại từ hàng mới may, hàng thùng, hàng nhái. Không hiểu từ đâu có được nguồn hàng với đủ màu sắc cũng như chủng loại. Một cô chủ tiệm quần áo ở gần sân bay Tân Sơn Nhất nói: “Chúng em thường lấy hàng của anh ấy. Nhãn mác đủ thứ, giá cả rất hợp lý”. Trước đây Alex đi xe máy, nay anh ta đã có xe hơi, nhân tiện thỉnh thoảng chở hàng.
Các tệ nạn ở khu “phố Tây”
Một vài tờ báo đã đưa tin và có cả hình ảnh về tệ nạn người nước ngoài hành nghề “mại dâm nam” ở khu phố Tây. Những người đàn ông da màu này thường kiếm khách hàng là các bà góa, những bà ăn chơi, những người đồng tính… Vào lúc nửa đêm, người ta thường thấy họ lên xe taxi do các bà này đến đón, hoặc được một “cô” thường là đồng tính đến chở trên những chiếc xe tay ga.
Dân chúng sống gần các “khu phố Tây” rất than phiền về tệ nạn này. Cô Loan, một người ở khu trung tâm, nói: “Họ đi la cà, mời mọc những người đi tập thể dục trong công viên 23/9 (công viên chạy dài tư gần nhà thờ Huyện Sĩ, cặp theo đường Phạm Ngũ Lão, một bên là đường Lê Lai, cho tới bến xe buýt gần chợ Bến Thành). Nhiều người đàn bà hư hỏng đến tìm họ, thậm chí diễn ra trước mắt chúng tôi những cử chỉ rất lố bịch”.
Anh Sơn, một chủ quán ăn, nói: “Họ thường kiếm khách là các phụ nữ nước ngoài đi du lịch một mình. Họ sà vào các bàn, rủ rê, mời mọc. Không được thì bỏ đi, chẳng hề tự ái. Những hôm không gặp được khách nước ngoài, họ tán tỉnh cả mấy bà người Việt Nam. Gặp những người đứng đắn, họ rất tức giận”. Anh Sơn kể tiếp: “Có cô gái sáng nào cũng đi tập thể dục sớm ở trong công viên. Nó bám sát rồi dúi vào tay cô ấy một mảnh giấy có ghi tên và số điện thoại của nó và nói lơ lớ tiếng Việt, dặn khi nào cần thì gọi nó, rẻ lắm, chỉ vài trăm ngàn Việt Nam thôi… Cô này xé ngay lập tức và từ đấy không dám ra công viên tập nữa”.
Phố “Tây ba-lô” quả là bức tranh đa dạng. Những mảnh đời lầm lũi mưu sinh cũng có mà những kẻ lười nhác cũng không ít. Một người dân ở phường sở tại cho biết: “Bọn “tây đen” bất hảo hễ bị bắt là bị đưa ra cửa khẩu trục xuất. Nhưng chẳng bao lâu chúng lại trốn trở lại, trốn chui trốn nhủi trong khu phố Tây thành thử bắt chúng như bắt cóc bỏ dĩa”.
Nói chung, cả khu phố Tây tức phường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn chỉ rộng chừng nửa cây số vuông nhưng có ít nhất là hơn 2,500 khách du lịch đủ mọi quốc tịch (hay chẳng rõ quốc tịch nào cả vì họ trốn sang Việt Nam bằng đường tiểu ngạch qua Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia), trong đó kể cả các “Tây ba-lô”. Đúng là họ làm cho khu phố Tây có vẻ sầm uất thật nhưng những tệ hại do họ gây ra cũng không phải là ít.
Khu phố Tây trong thời Covid hiện nay


Không còn không khí náo nhiệt, đông đúc như trước khi có dịch Covid. Từ khoảng tháng 3/2020 trở lại đây, phố Bùi Viện đang trong cảnh heo hút, vẳng vẻ đến lạ thường trong mùa dịch Covid-19. Theo chia sẻ của nhân viên các cửa hàng và các quán bar trên phố Bùi Viện, lượng du khách giảm khủng khiếp đến mức đáng sợ.
“Trước đây, mỗi khi buồn tôi thường ra con phố này để tìm khung cảnh huyên náo, ồn ào của Sài Gòn. Thế nhưng, bây giờ ra đây, tôi còn thấy con phố Bùi Viện còn buồn hơn tôi nữa”, chị Tâm Thu (25 tuổi, nhân viên văn phòng) tâm sự.
Trước tình hình ế ẩm, vắng khách do dịch covid, nhiều nhà hàng, quán bar trên phố Tây Bùi Viện có chủ trương giúp đỡ du khách, thực khách phòng bệnh và các du khách cũng vui vẻ đón nhận. “Khi bước vào nhà hàng ở đây, chúng tôi được nhân viên hướng dẫn rửa tay, sát khuẩn và khuyến cáo mang khẩu trang y tế để phòng bệnh. Điều này làm cho chúng tôi cảm thấy an tâm hơn”, chị Madeleine (du khách Pháp) cho biết như thế.
Đêm dài hơn,con người suy nghĩ nhiều hơn
Đã 20 giờ mà con phố Bùi Viện vẫn không một tiếng nhạc, không một bóng đèn màu của các quán bar bật lên. Mặt đường chỉ toàn xe cộ qua lại, không khí càng thêm buồn trong những cơn mưa nho nhỏ bất chợt của Sài Gòn.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam đã khiến nhiều ngành kinh tế thiệt hại nặng nề. Tại TP Sài Gòn, không thể không kể tới những thiệt hại của các cơ sở kinh doanh tại phố đi bộ Bùi Viện khi các bar phải tạm ngừng hoạt động.
Từ những quán bar, vũ trường, tiệm massage, các quán ăn uống lớn hay nhỏ, kể cả những quán vỉa hè, ai nấy đều lắc đầu khi được hỏi về tình hình kinh doanh trong thời dịch bệnh.
Chị An Như, chủ một quán bar tại phố đi bộ Bùi Viện, buồn bã cho biết quán nơi chị làm việc từ thời điểm mở cửa đến nay chưa từng trải qua tình trạng khó khăn như vậy.
“Tính sơ sơ vào năm 2019, quán của chúng tôi có tới hơn 30 nhân viên đủ các cấp. Dù là một quán bar không lớn lắm nằm trên một con phố không lấy gì làm rộng, nhưng chúng tôi đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người từ trẻ tuổi cho đến những người đã có gia đình”, chị An Như nói.

Chị buồn rầu tâm sự: “Tôi không biết nói thế nào khi có người hỏi về doanh thu của quán từ đầu năm tới nay. Đã có thời điểm doanh thu bằng số không, đó là điều hiển nhiên vì việc kinh doanh của chúng tôi phụ thuộc vào khách đến chơi, đa số là khách nước ngoài. Thời gian được lệnh tạm ngừng hoạt động, không có khách tất nhiên không có doanh thu. Cho đến khi các quán bar được mở trở lại, doanh thu rất ít, không đủ bù đắp các khoản chi cho nhân viên, thuế và tiền thuê mặt bằng. Hiện tại, chúng tôi lại mới được lệnh tạm đóng cửa, bài toán về lương bổng cho nhân viên và gia đình họ vô cùng khó khăn. Đâu phải cứ cho họ nghỉ việc là được , còn sự sống của họ và gia đình họ nữa chứ, mình không thể sống không có tình cảm, không có lương tâm. Hơn nữa khi quan bar được phép hoạt động trở lại, nguồn nhân lực đâu để chúng tôi vận hành lại quán bar như lúc ban đầu? Ngoài doanh thu ra, nhân sự là bài toán rất khó, năm 2020 chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn như vậy”, chị An Như bộc bạch.

chờ đợi nhưng không có khách
Còn bà Nguyễn Thị Kim Thanh (62 tuổi) là người sống tại đường Bùi Viện từ khi sinh ra đến nay, cho biết gia đình bà có 3 thế hệ sống trên mảnh đất này. Do dịch Covid-19, tiệm bánh mì của gia đình bà cũng như nhiều cơ sở khác, vắng khách phải giảm giờ phục vụ.
“Ế lắm, khách Tây không có, khách ta thì cũng chẳng đến phố chơi, giờ Bùi Viện cũng như các con đường khác, xe máy chạy ngang qua suốt ngày nhưng có mấy ai dừng lại để mua. Bánh mì lâu lâu mới bán được một ổ. May là tôi đã lớn tuổi, mục đích chính không phải bán để kiếm sống và nhà của gia đình, không phải trả tiền mặt bằng nên cũng chịu được”.
Mở cửa hàng nhỏ trên đường Bùi Viện, cũng như bà Thanh, bà Nguyễn Thị Huệ (57 tuổi) sống tại đây từ khi sinh ra, gia đình bà cũng ba đời đã sống tại khu vực này. Bà Huệ cho biết dù lớn tuổi nhưng bà vẫn rất thích không khí sôi động, ánh sáng lung linh mà bà đã quen từ bao nhiêu năm nay.
“Nhiều người cao tuổi không chịu được tiếng nhạc sôi động nên cảm thấy ồn ào, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do khó ngủ. Nhưng tôi ngược lại, cũng 57 tuổi rồi nhưng tôi thích nghe tiếng nhạc phát ra từ quán bar bên cạnh quán chả giò, chim cút chiên bán suốt đêm của tôi … cho đỡ buồn ngủ”.
Thời gian sinh hoạt của bà Huệ khác biệt so với người khác. Bà thường thức suốt đêm để bán hàng, sau đó đi ngủ lúc 5 – 6 giờ sáng hôm sau, khi tiếng nhạc đã tắt hẳn. Lý do về sự đảo lộn này bà giải thích một cách đơn giản: “Tôi kiếm ăn nhờ các quán bar trong phố Bùi Viện”.
Bà Huệ ngậm ngùi: “Tôi sống ở khu này suốt bao nhiêu năm nay chưa bao giờ thấy tình trạng dịch bệnh kéo dài như vậy. Bây giờ bán hàng không có khách, tôi phải đảo ngược lại, ngủ ban đêm cứ thức chong chong, đêm như dài hơn khi thiếu tiếng nhạc. Đối với nhiều người, quán bar là nơi phức tạp nhưng đối với mẹ con tôi, đó là nơi nuôi sống chúng tôi, đời mẹ bán hàng kế cạnh quán bar, đời con làm làm bảo vệ cũng tại quán bar. Bây giờ covid, thấy mệt quá, chẳng biết lấy gì mà sống, chắc tôi ra chợ bán rau cỏ quá!”
Đoàn Dự