Hành trình tự chữa lành của chàng thạc sĩ bất hạnh
Cái té ngã trên đầu cầu thang lầu trường ĐH Sư Phạm Sài Gòn xuống đất khiến chàng thạc sĩ Đặng Hoàng An, giảng viên khoa tâm lý tại trường này bị liệt hai chân. An mất 6 năm để vực mình dậy sau biến cố và trở lại trường.
Buổi sáng, Đặng Hoàng An thuê xe taxi quen đi hơn 30 km từ nhà ở huyện Cần Đước lên Sài Gòn để ghi hình phỏng vấn cho một chương trình truyền hình. Cùng với bộ đồ tây gọn gàng, chiếc cà vạt, giờ đây, hành trang “vật bất ly thân” trong mỗi chuyến đi của chàng là chiếc xe lăn chạy bằng điện. Sau gần 1 giờ di chuyển, An đã có mặt tại nơi phỏng vấn.
Với chiếc xe lăn, An trở lại giảng đường, giảng dạy, rồi sau đó đi tư vấn trong các chương trình phát thanh, truyền hình.
Ước mơ tan vỡ

Đặng Hoàng An là con cả trong một gia đình nghèo ở huyện Cần Đước tỉnh Long An, có hai anh em, cha làm thợ hồ, mẹ là công nhân. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ cậu bé An đã có tính tự lập. An luôn cố gắng học giỏi để vào đại học, mang theo ước mong của ba mẹ và làm gương cho cậu em trai.
Học hết trung học, An thi vào khoa tâm lý trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Song song với việc học, chàng trai luôn luôn tham gia các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao trong trường nên rất được bạn bè quý mến.
Đậu xong cử nhân, An tiếp tục học lên thạc sĩ, đồng thời làm công việc tư vấn học hành cho các học sinh tại trường Minh Đức, đường Nguyễn Thái Học, Quận 1, Sài Gòn, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Cộng với việc dạy thêm ở nhiều trường khác, An cũng đủ chi dụng trong cuộc sống và gửi về giúp đứa em trai.
Sau khi đậu thạc sĩ, An trở thành giảng viên khoa Tâm lý trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 2016, ngoài việc dạy trong ĐHSP, An còn nhận dạy thêm tại các trường tư bên ngoài, quay một số tiết mục cho đài truyền hình…
An nói: “Tôi nghĩ mỗi ngày mình làm có thể bằng bố mẹ lao động cả tháng nên hết sức cố gắng để gia đình khá hơn”. Anh cho biết lúc bấy giờ bản thân tự thấy sức khỏe tốt, có thể chịu được áp lực công việc cao và bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền.
Cũng vì thế mà sức khỏe của An giảm sút lúc nào không hay. Một sáng cuối tháng 4/2016, An bị giảm calcium và té ngã từ trên cầu thang tầng 1 xuống nền gạch bên dưới. Cái té ngã gây ảnh hưởng đến cột sống, khiến đôi chân của anh mất cảm giác.
Sau 2 tháng nằm bệnh viện, chàng trai cao 1m75, nặng 72kg chỉ còn 40kg. Ngoài đôi chân không thể nhúc nhích, cơ thể An cũng suy nhược, các tiểu cầu giảm, tiên lượng sống rất thấp nên bác sĩ đề nghị thân nhân đưa về nhà.
Thời điểm đó, An bị những cơn đau nhức hành hạ nên chỉ còn cách tìm đến thuốc giảm đau. Uống xong thì rơi vào giấc ngủ, ngủ dậy thấy đau, lại uống tiếp. Vì thế mà trí nhớ của An giảm sút. Mẹ An, bà Khấu Thị Điệp cho biết: “Lúc đó con chưa chấp nhận mình phải ngồi xe lăn suốt đời. Nhà trường có cho một chiếc nhưng con không chịu sử dụng, mọi vệ sinh cá nhân đều phải nhờ cha mẹ”.
Sau một năm rưỡi nằm trên giường, lần đầu tiên An chấp nhận sự thật, vĩnh viễn không thể đi lại bằng đôi chân. Chàng ngồi xe đi tìm bịch thuốc, nhìn lại một đống vỏ, hai hàng nước mắt ứa ra vì không ngờ mình đã uống quá nhiều như vậy.
Cũng thời gian này, nhiều đoàn từ thiện nghe nói ở Cần Đước có cậu giảng viên trẻ tuổi, nhà nghèo, học giỏi, bị liệt hai chân, nên họ tìm đến giúp đỡ rồi tặng một chiếc xe lăn chạy bằng điện.
Mỗi đêm, cha An bóp chân cho con, còn mẹ thì cầu khấn để con vượt qua kiếp nạn. Thấy cha mẹ gầy dộc, An tự trách mình không cẩn thận, bị té ngã làm khổ bố mẹ. Sự thật, An làm việc nhiều để “thoát cảnh nghèo”, sức khoẻ hóa kém nên ngã vậy thôi chứ không phải do thiếu cẩn thận.
Nhiều lần được cha mẹ đưa đi khắp nơi chữa trị, thuốc nam thuốc bắc đủ cả nhưng đôi chân vẫn không lấy lại được cảm giác, An bị trầm cảm và rơi vào trạng thái nhớ nhớ quên quên.
“Tôi tự lấy tay đập vào hai chân, tự tát vào mặt để hành hạ mình về cái tội đó. Hành hạ chán, tôi muốn tự tử chết đi cho rồi chứ sống mà chỉ làm khổ bố mẹ với đứa em thì sống làm gì”. Ông bố dường như đoán được ý định của An nên luôn luôn coi sóc, không rời con ra một bước, ban đêm cũng ngủ cùng giường với con. Còn bà mẹ thì nói người bệnh hoạn thường hay nghĩ quẩn, An làm bộ bệnh không ăn cơm, phải ép An ăn bằng được chứ tính An cương cường, chịu khổ quen rồi, sẽ nhịn đói mà chết chứ không muốn tiếp tục sống để làm phiền cha mẹ đâu.
Trở lại nghề cũ
Gần 6 năm trời như thế, gia đình rất khó khăn nhưng nhờ người em trai đã tốt nghiệp ngành kỹ sư xây dựng, đi làm nên cũng đỡ.
Thấy cha mẹ đã già, em trai đi làm nuôi cả gia đình, An trở nên khao khát sống hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên vào Facebook, An mới dám mở hộp thư đến để xem có những người bạn nào nhắn tin cho mình, tuy vẫn sợ và hồi hộp.
Anh bắt đầu tìm đọc những cuốn sách truyền cảm hứng, những tấm gương vươn lên trong nghịch cảnh. Cũng từ đó, An bảo cha không cần ngủ chung với mình. Một mình trong đêm tối dưới bóng đèn mờ đục, chỉ còn mình An và cái bóng của mình cố gắng tự mình gồng để ngồi dậy. Ban ngày, anh cũng không cần cha phải ẵm từ giường sang xe lăn mà muốn tự mình thử sức.
“Thời gian mới bị tai nạn thì nước mắt rơi trên giường bệnh, khi vực dậy thì nước mắt đã cạn, nhưng mồ hôi tôi rơi”, An chia sẻ.
Nhớ lại những Phật tử xa lạ với màu áo lam từng đến thăm mình lúc hoạn nạn, bỗng An muốn đi chùa làm việc thiện như một cách trả ơn cuộc đời.
Lần đầu đến một ngôi chùa gần nhà, An ốm nhách, da trắng bệch, được cha ẵm trên tay trước ánh nhìn thương xót của những người có mặt ở đó. Rồi lần thứ hai, thứ ba, cứ thế đều đặn mỗi tuần, An bắt đầu phụ giúp các Phật tử trong chùa cắm hoa, chuẩn bị những suất ăn chay…
Mùa dịch năm ngoái, An vận động kinh phí từ bạn bè, thầy cô ở trường cũ chung tay giúp đỡ người dân trong các khu phong tỏa ở gần nhà.
Ban đầu, phần vì sợ dịch bệnh, phần lo con trai không đủ sức khỏe để làm nên gia đình không ủng hộ việc làm của An. Không cố thuyết phục, anh thay đổi bằng cách mang quà về nhà để mọi người cùng chia phần, sau đó nhờ ba mẹ chở quà đi trao tận tay người cần.
“Nhìn những nụ cười, niềm vui của mọi người, chúng tôi hiểu được việc con trai làm rất có ý nghĩa”, mẹ An nói.
Năm 2019, An được nhận làm cộng tác viên tư vấn ở đài phát thanh truyền hình Vĩnh Long. Thường kết nối với An để làm việc nhưng biên tập viên Duy Hằng không hề biết thầy tâm lý được thính giả hâm mộ lại là người khuyết tật. Sau khi biết được câu chuyện về nghị lực của An, chị Hằng rất quý trọng, coi An như em ruột.
An kể ngày đầu tiên ngồi lên chiếc xe, cảm thấy rất hồi hộp như sắp tham gia một trò chơi cảm giác mạnh.
Khi An điều khiển được phương tiện, người thân đứng xung quanh hò reo, cỗ vũ khiến chàng trai thấy mình như cậu bé 1 tuổi chập chững những bước đầu đời.
“Thính giả vùng Tây Nam Bộ rất yêu mến thầy An, cứ nối máy là yêu cầu được thầy An tư vấn. Tuy chưa lập gia đình, nhưng An có thể gỡ rối cho nhiều cặp vợ chồng, thậm chí là về chuyện chăn gối. Mỗi lần có trường hợp như thế, An đều bảo tôi phải báo trước để em ấy chuẩn bị…”, chị Hằng cười, chia sẻ.
Chàng trai còn đến tận nhà để trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn .
Không chỉ trở lại với những công việc chuyên môn. Hoàng An lập quỹ từ thiện mang tên Nhân ái với sự góp sức của nhiều nhà hảo tâm, bạn bè để giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn. Từ quy mô hoạt động ở huyện Cần Đước nơi anh sống, hai năm qua, quỹ đã vươn xa hơn, giúp hàng trăm hoàn cảnh trong tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây.
“Đi nhiều, tôi thấy bi kịch đời mình chưa là gì so với hàng nghìn mảnh đời ngoài xã hội. Từ đó mà tôi cảm thấy mình còn may mắn và cần phải lạc quan vượt qua để giúp đỡ thêm nhiều người hơn nữa”, An chia sẻ.
“Trước đây, những chuyến đi trao quà của anh thường có nhiều người theo cùng. Nhưng mới đây An tự bắt xe đò đi hơn 150km đến một trường tiểu học ở Bình Phước để trao tận tay các em những phần quà gồm sách vở, tập bút… Người bình thường muốn đi vốn đã khó huống gì An lại ngồi xe lăn. Đó là điều tôi khâm phục nhất từ cậu ấy”, anh Dương Chiến, 38 tuổi ở Bến Lức, một người bạn đồng hành cùng An trong nhiều chuyến thiện nguyện kể.
Từ nỗi mong muốn được sống, An tích cực tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày, sức khỏe cũng từ đó cải thiện hơn. Chàng trai còn trồng cả một vườn sen đá để tìm vui những lúc rảnh rỗi và làm quà cho những người bạn đến thăm nhà.
An rất thích dạy học nên hễ có trường mời anh thường không ngại đường xa để đến dạy thỉnh giảng, dù chỉ một buổi .
Chính thức trở lại, nhưng đôi lần An vẫn còn cảm thấy tự ti khi ai đó cứ nhìn chằm chằm đôi chân teo nhỏ của mình. Tuy nhiên, nhiều cơ hội cũng được mở ra.
An không chỉ được cộng tác với nhiều chương trình ở đài truyền hình mà các trường học cũng thường mời anh về nói chuyện, tư vấn, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, trong một số chuyên đề ở khoa Tâm lý học trường đại học Sư phạm, An được mời về dạy lại.
Trước hàng trăm sinh viên, những bài giảng của An được lấy ra từ chính câu chuyện đời mình.
“Thầy tự đặt trên vai mình áp lực phải học giỏi, phải kiếm nhiều tiền để giúp gia đình từ thuở thơ ấu đến lúc trưởng thành. Bản thân tự tin mình có sức khỏe tốt nên cứ lao đầu vào công việc. Cú ngã có thể là dấu mốc để thầy nhìn lại mình. Tiếc là thầy phải trả giá quá lớn. Tiền chỉ là phương tiện, cuộc sống chúng ta còn có gia đình, bạn bè và sức khỏe nên hãy cố gắng cân bằng mọi thứ”, An đã kết luận như vạy trước các sinh viên.
Lấy được thần tượng nhờ bạn thách xin chữ ký
Sau 30 năm hoạt động nghệ thuật, Jimmi Nguyễn vẫn là giọng ca được yêu mến. Dù đã ngoài 50, Jimmi Nguyễn vẫn luôn nhiệt huyết với âm nhạc và có cuộc sống yên bình bên vợ con.
Anh có nhiều sáng tác nổi tiếng, đậm chất riêng như: Người nói, Mãi mãi bên em…
Nhớ lại chuyện cũ, nam ca sĩ có chút trầm ngâm cho biết: “Năm 10 tuổi, tôi cùng cha sang Mỹ định cư. Dù cuộc sống ở Mỹ rất thuận lợi nhưng tôi luôn nhớ về hình bóng quê nhà với lũy tre, ruộng lúa…”.

Jimmi Nguyễn luôn suy nghĩ nếu lấy vợ thì phải lấy người Việt Nam, nếu sinh con thì phải sinh ở Việt Nam.
Kể về chuyện tình của mình, nam ca sĩ thừa nhận vợ là người giúp mình vượt qua biến cố.
Anh kể: “Cuối thập niên 90, tôi thường xuyên về Việt Nam biểu diễn. Trong khoảng thời gian này, tôi gặp nhiều chuyện không vui, chỉ có âm nhạc là nơi gửi gắm tâm sự”.
“Bài Mãi mãi bên em là bài đầu tiên tôi viết cho người em gái không may qua đời. Tiếp đến một bài cũng rất sâu sắc – bài Người nói, tôi viết cho người yêu cũng không may như em gái tôi. Tôi viết bài đó khi tâm trạng không ổn định”, nam ca sĩ nhớ lại.
Đối mặt với nhiều cú sốc lớn, Jimmi Nguyễn rơi vào trầm cảm một thời gian dài. Chị Ngọc Phạm xuất hiện trong lúc anh bế tắc, chán chường, loay hoay mãi không có bến dừng.
“Đến ngày gặp Ngọc Phạm, tôi biết đây là người mình có thể dừng chân”, Jimmi Nguyễn chia sẻ.
Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm gặp gỡ thần tượng, gương mặt chị Ngọc Phạm đều ánh lên niềm hạnh phúc.
Chị nhớ: “Năm 2000, anh Jimmi Nguyễn về Việt Nam biểu diễn. Lúc này, tôi đang học những tháng cuối của lớp 12. Cuối năm, nhóm bạn thân cùng rủ nhau đi chơi. Chúng tôi đến một câu lạc bộ thì gặp anh Jimmi Nguyễn ở đó.
“Thấy thần tượng, cả nhóm như cuồng điên lên. Thấy tôi dạn dĩ, mấy đứa bạn thách tôi đến xin chữ ký của anh. Bất ngờ, anh không chỉ cho chữ ký mà còn để lại số điện thoại.
Mỗi lần vợ giận thì “cua lại từ đầu”
Mặc dù rất hạnh phúc khi được thần tượng tặng chữ ký và cho số điện thoại nhưng chị Ngọc Phạm lại quên mất, không gọi cho nam ca sĩ.
Em gái của chị Ngọc Phạm vô tình biết được câu chuyện, hỏi chị mình sao không gọi điện cho thần tượng.
Lúc này, cô gái trẻ mới rụt rè gọi điện cho nam ca sĩ nổi tiếng. Nghe giọng của Jimmi Nguyễn qua điện thoại, chị Ngọc Phạm bắt đầu rung động, tim đập liên hồi.
“Cuộc gọi kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Anh kể về cuộc đời và một số tai nạn của mình. Sau này, anh giải thích không hiểu sao nhìn mặt tôi uy tín và có niềm tin nên mới kể hết chuyện riêng, chứ bình thường không có thói quen nói nhiều”, vợ nam ca sĩ hài hước nhắc lại.
Sau cuộc gọi này, chị Ngọc Phạm gặp tai nạn, điện thoại bị hỏng nên mất luôn số điện thoại của Jimmi Nguyễn. Lúc đó, cô gái trẻ rất nhớ nhung, tương tư thần tượng nhưng không có cách nào gặp lại.
Khoảng 2 năm sau, trong chuyến về thăm quê Hải Phòng, chị Ngọc Phạm một lần nữa chạm mặt nam ca sĩ Jimmi Nguyễn.
Vợ ca sĩ Jimmi Nguyễn kể: “Thoáng thấy anh, tim tôi đập thình thịch, tay chân bủn rủn. Lần này, các bạn cũng lại đẩy tôi về phía anh. Cả hai gặp nhau ngay tại cửa nhà hàng. Tôi hỏi: “Anh có nhớ em không?”. Anh nói nhớ và nhắc lại đúng tên, đúng số điện thoại của tôi”.
Từ đó, cả hai bắt đầu tìm hiểu và yêu thương nhau. Khoảng 6 năm đầu sống chung, vợ chồng Jimmi Nguyễn cãi nhau rất nhiều lần.
“Jimmy là một người hiểu biết, còn tôi vẫn là cô gái mới lớn, hay cãi. Những lúc cãi vã, tôi thường xách vali ra khỏi nhà. Thế nhưng, sau đó, cả hai đều nghĩ lại, anh Jimmy thì hạ mình xuống, tôi cũng biết lỗi.
Mỗi lúc giận nhau, anh hay nói cua tôi lại từ đầu. 20 năm bên nhau, anh chắc cũng có vài lần cua lại tôi”, chị Ngọc Phạm hài hước chia sẻ.
Dù đôi bên khắc khẩu nhưng đối với chị Ngọc Phạm, nam ca sĩ Jimmi Nguyễn luôn là người yêu, người thầy đối với mẹ con chị.
20 năm gắn bó có nhiều vui buồn nhưng đọng lại vẫn là tình yêu dành cho nhau.
Anh Jimmi Nguyễn thường quên các dịp lễ, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới. Thế nhưng, anh lại rất lãng mạn và sâu sắc.
Dù vậy, sự lãng mạn của anh khá đặc biệt, không giống những người đàn ông khác. Bất kể khi nào hứng thú, anh lấy giấy xếp hoa, mua đồ… tặng cho vợ. Hoặc, anh sẽ vào bếp nấu một bữa ăn, rồi bài trí như đầu bếp 5 sao dành cho vợ con.
Hiện tại, vợ chồng nam ca sĩ sở hữu một quán nước nhỏ được thiết kế với không gian rất lãng mạn. Ở đó, cả hai trang bị nhiều sách hay để khách đến đọc miễn phí.
Vợ chồng ca sĩ Jimmi Nguyễn thường đi về giữa Việt Nam và Mỹ.
Đoàn Dự