Chuyện lãnh đạo sở Y tế tham nhũng

Ông Cao Minh Chu, giám đốc Sở Y tế Cần Thơ và bà Bùi Thị Lệ Phi, nguyên giám đốc Sở Y tế Cần Thơ

Đa số các giới chức Sở Y tế thời gian gần đây bị khởi tố, bắt giam đều có điểm chung là phạm pháp trong đấu thầu, mua bán thiết bị y tế tại các bệnh viện. Tiền chênh lệch chia nhau bỏ túi quá đơn giản.

Nguyên Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Huỳnh Quốc Việt

Nhiều Giám đốc Sở Y tế xộ khám

Cao Minh Chu, giám đốc Sở Y tế Cần Thơ và Bùi Thị Lệ Phi, nguyên giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cùng 9 lãnh đạo công ty, đơn vị thẩm định giá vật tư, thiết bị y tế… : Hoàng Thị Thúy Nga, chủ tịch hội đồng sáng lập Tập đoàn Hành trình thành công mới (NSJ Group), Lê Huy Bình, phó tổng giám đốc NSJ Group, Lương Tấn Thành, nhân viên ban quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ; Đoàn Thị Nở, trưởng phòng dự án Công ty TNHH công nghệ cao LTQ (trước là Công ty NSJ); Lê Thành Hưng, nhân viên kinh doanh của NSJ đã bị khởi tố, bắt giam vì đã vi phạm đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng cho công sản.

Vụ án liên quan đến hai dự án đấu thầu thiết bị y tế: Gói thầu số 1 hệ thống DSA hai bình diện tại Bệnh viện Tim mạch với giá gần 38 tỉ đồng và gói thầu số 5 trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trị giá 26.021.306.000 đồng. Trong đó, giá thiết bị là 25.903.000.000 đồng, còn lại là phí tư vấn hồ sơ mời thầu và phí tư vấn giám sát, lắp đặt. 

Sau khi đăng thông báo mời thầu, giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi khi đó đã phê duyệt danh sách nhà thầu.

Chỉ duy nhất Công ty TNHH NSJ tham gia và được duyệt chọn. Bên cạnh đó, liên doanh TNHH tư vấn y tế Mediconsult là đơn vị tư vấn thầu.

Bà Bùi Thị Lệ Phi tiếp tục công nhận Công ty TNHH NSJ trúng gói thầu số 5 với giá trúng thầu 25.868.000.000 đồng. Tức giá trúng thầu chỉ thấp hơn giá gói thầu 35 triệu đồng.

Công ty TNHH NSJ trúng gói thầu số 1 với giá 37,988 tỉ đồng trong khi giá trang thiết bị 37,995 tỉ đồng. Tức là chỉ thấp 0,01% so với giá gói thầu và số tiền chênh lệch qua đấu thầu chỉ có… 7 triệu đồng.

Được biết, ngày 5-11-2019, Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ đã khánh thành phòng can thiệp tim mạch khoảng 56 tỉ đồng, bao gồm cơ sở vật chất và trang thiết bị, trong đó hệ thống máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền (DSA) hai bình diện được cho là hiện đại nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây nhất, vào tháng 2/2021,  tỉnh Sơn La quyết định khởi tố vụ án hình sự, về hành vi «vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng» và «thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng». Những người bị bắt để điều tra gồm: nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sa Văn Khuyên; Bùi Thị Thu, Giám đốc Công ty CP Thiết bị và Công nghệ Hưng Phát; Bùi Thị Hoa, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Y tế tỉnh Sơn La và Mai Anh Tuấn, chuyên viên Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Y tế tỉnh. Những người trên có sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở y tế; nhiều danh mục hàng hóa, thiết bị y tế không đúng với danh mục trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và hợp đồng đã ký, gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước.

Đầu năm nay, Mỹ Tho cũng bắt giam Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Văn Nguyện (57 tuổi) về tội nhận hối lộ.

Vào năm 2010, ông Nguyện là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở Y tế. tỉnh Tiền Giang cấp học bổng để đào tạo khoảng 130 bác sĩ. Trong đó, hệ chính quy khoảng 70 người gồm bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên ngành hiếm và khoảng 60 người thuộc hệ liên thông lên bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học cổ truyền. Các bác sĩ phải trở về tỉnh Tiền Giang làm việc 6 năm sau khi hoàn thành các khóa học miễn phí này.

Trong số đó, có những bác sĩ sau khi ra trường, không muốn làm việc cho Sở Y tế tỉnh nên đã có đơn xin hoàn trả học phí. 

Trong thời gian thực hiện theo các thủ tục theo luật định, ông Nguyện “vòi” người nhà của một bác sĩ 20 triệu đồng để công việc nhanh hơn và không vướng thêm phát sinh. Người nhà đã đồng ý đưa tiền cho ông Nguyện, đồng thời thu thập các chứng cứ nhận hối lộ

Tại Cà Mau,  tháng 8/2020, tòa án tuyên án Huỳnh Quốc Việt (58 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Y tế) hai năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trịnh Minh Khén (54 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở Y tế Cà Mau) cũng bị tuyên án hai năm tù cùng tội danh trên.

Ngoài ra, bị cáo Đỗ Thanh Chương (38 tuổi, nguyên kế toán) bị tuyên 20 năm tù và Phan Ngọc Trâm (37 tuổi, nguyên thủ quỹ) bốn năm tù, cùng tội “tham ô tài sản”.

Lý do: Sở Y tế tỉnh Cà Mau phải trả 57,877 tỉ đồng học phí cho Trường đại học Y dược Cần Thơ để đào tạo cho Cà Mau 690 sinh viên. Đỗ Thành Chương và Phan Ngọc Trâm đã bỏ túi hơn 8,738 tỉ đồng và làm thất thoát hơn 589 triệu đồng. Ngoài ra, Huỳnh Quốc Việt còn ra lệnh cho thủ quỹ và kế toán lấy hơn 5,480 tỉ đồng học phí của sinh viên đóng mang đi gửi ngân hàng lấy lãi.

Tại Gia Lai, vào tháng 5/2020, tòa án tỉnh đã khởi tố Giám đốc Sở Y tế Phùng Xuân Quýnh, hai Phó Giám đốc là Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu cùng sáu cán bộ Sở. 

Từ năm 2008-2010, tỉnh Gia Lai giao Sở Y tế tổ chức cho tất cả cơ sở y tế công lập trong tỉnh đấu thầu các loại thuốc sử dụng thường xuyên và có số lượng lớn.

Để thực hiện việc đấu thầu thuốc, ông Phùng Xuân Quýnh thành lập tổ chuyên gia đấu thầu thuốc theo từng năm. Trong vòng ba năm, tổ này loại bỏ tám mặt hàng có đầy đủ các tiêu chí theo quy định, rồi thay vào cho trúng thầu tám mặt hàng thuốc khác có giá cao hơn; xét trúng thầu 7 mặt thuốc sai nơi sản xuất. Việc làm của nhóm này gây tổng thiệt hại trên 6 tỷ đồng.

Xã “buộc” dân nộp tiền để trả nợ quán xá 

Nhiều gia đình được yêu cầu nộp tiền từ 2 – 30 triệu đồng mới được xã xác nhận, cấp đất sản xuất

Ông Hồ Xuân Hoàng trước đó là Chủ tịch xã Hải Phúc, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Vào tháng 3-2020, xã Hải Phúc sáp nhập vào xã Ba Lòng và ông Hoàng được bầu giữ chức Chủ tịch xã Ba Lòng nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Xã Hải Phúc trước khi sáp nhập đã “buộc” người dân nộp tiền để trả nợ quán xá và xây dựng nhà văn hóa. Cụ thể, hàng chục gia đình bị xã yêu cầu phải nộp từ 2 đến 30 triệu đồng mới được xã xác nhận cấp đất trồng trọt.

Nhiều gia đình ở thôn Tân Xá (xã Ba Lòng) đã phải nộp tiền cho xã Hải Phúc để được giao đất trồng trọt. Ông Hồ Xuân Hoàng cho rằng, những gia đình được giao đất sản xuất đã “tình nguyện đóng góp”. Trong khi đó, các gia đình khẳng định, xã yêu cầu họ nộp 15 triệu đồng/ha đất trồng trọt, chứ không hề có chuyện “tình nguyện đóng góp”. Vì sợ thu hồi lại đất đã trồng trọt ổn định nên họ buộc phải nộp tiền.  

Trước đó, ông L.C.S (trú tại thôn Tân xá, xã Ba Lòng (trước kia là thôn Tân Trà, xã Hải Phúc) huyện Đakrông) cho biết, ông có 1,2 ha đất đã canh tác khoảng 15 năm.

Khi đang đi làm ở xa thì ông S nhận được tin từ cán bộ xã Hải Phúc (nay đã sáp nhập vào xã Ba Lòng) phải quay trở về nhà để đo đất, làm sổ đỏ.

Cán bộ nói với ông S rằng, phải có khoảng 20 triệu đồng thì xã mới làm sổ đỏ, nên ông S phải đi vay mượn. Khi đến trụ sở xã Hải Phúc nộp tiền, cán bộ không hề đưa giấy xác nhận đã nhận tiền. Đến khi ông S đề nghị, thì người thu tiền đưa cho một tờ giấy biên nhận có nội dung “tiền mượn đất”.

Tương tự, ông N.N.Th (trú tại thôn Tân Xá, xã Ba Lòng) có khai hoang 1,7ha đất tại xã Hải Phúc cũ từ 16 năm trước. Mỗi năm, gia đình ông Th phải nộp 500 nghìn đồng/ha/năm vì sử dụng đất do xã quản lý.

Sau đó, ông Th nhận được thông báo của xã Hải Phúc là nộp tiền thì sẽ được làm sổ đỏ cho phần đất đang canh tác với lý do xã thiếu tiền làm công trình công cộng. Sau đó, ông Th đã nộp 25,5 triệu đồng cho cán bộ xã.

HTX Lơ Ku

Khi việc vỡ lở, ông Hồ Xuân Hoàng cùng một số cán bộ xã đã tổ chức gặp một số gia đình để xin lỗi và trả lại số tiền đã thu của họ trước đó. Thế nhưng, trước khi nhận lại tiền, người dân cho biết họ phải đã ký vào giấy nhận tiền đã soạn sẵn, nội dung trong đó đề nghị cấp trên không truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử phạt hành chính đối với tập thể cán bộ công chức có liên quan của xã Hải Phúc (cũ) vì họ đã thành khẩn và khắc phục những khuyết điểm.

Theo ông Hoàng, xã này đã trả lại tiền cho khoảng 15 hộ dân, trong đó có 2 hộ viết đơn không nhận lại tiền mà cho xã số tiền đã nộp.

Nhiều người dân ở xã Ba Lòng cho biết đã nhận lại số tiền mà xã Hải Phúc (nay sáp nhập thành xã Ba Lòng) trước đó đã yêu cầu nộp để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất (hay còn gọi là sổ đỏ). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số gia đình chưa đồng ý nhận lại tiền vì cho rằng chưa có kết luận rõ ràng.

Các bị cáo tại phiên xử vụ án “cố ý làm trái” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế Gia Lai

Theo đó, có khoảng 9 hộ dân ở thôn Tân Xá đã đóng cho xã từ 2-5 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hoàng không nhớ tổng số tiền người dân đã đóng là bao nhiêu vì không có trong sổ sách.

Trong khi đó, nhiều người dân cho rằng, vì cuộc sống còn khó khăn nên không thể nào có chuyện “tự nguyện đóng góp” cho xã với số tiền lớn như vậy nếu không bị bắt buộc.

Ông Hồ Xuân Hoàng vừa có đơn xin từ chức  Chủ tịch xã Ba Lòng nhiệm kỳ 2016 – 2021.

San Hà (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email