Lý Anh
Theo tin của Hãng thông tấn Yonhap (Yonhap News Agency) của Đại Hàn Dân quốc, ngày 13/11/2017, một lính Bắc Hàn liều chết lái xe Jeep vượt qua khu an ninh hỗn hợp (Joint Security Area – JSA), nằm trong Khu phi quân sự (Demilitarized Zone – DMZ) tại biên giới Nam – Bắc Hàn. Trên đường đào tẩu, tuy đã bị quân Bắc Hàn bắn bị thương, người lính đó vẫn cố chạy về phía trước… Một số nhân viên an ninh Nam Hàn canh gác ở đó lập tức trườn đến để cứu người lính đào tẩu. Tiếp đó, một trực thăng của Bộ Tư lệnh quân đội Liên Hiệp Quốc (United Nations High Command – UNC) chở người lính đó đến một bệnh viện ở Hán Thành cấp cứu…
Tạm biệt… Kim Jong-un
Ngày 13/11/2017, một người lính Bắc Hàn không chịu được sự đàn áp tồi tệ của Kim Jong–un, lái chiếc xe Jeep nhà binh di chuyển về hướng nam, băng qua khu vực lính biên phòng Bắc Hàn canh gác. Không may chiếc xe Jeep sa vào một cái hố, anh ta lập tức nhảy ra khỏi xe, chạy thục mạng về phía Nam Hàn. Sau anh vài mét, một tốp lính Bắc Hàn đuổi theo nã súng bắn bốn năm chục phát. Người lính bị thương vẫn cố chạy. Sau đó anh nằm bất tỉnh cách MDL 50 mét về phía nam (thuộc phần đất Đại Hàn). Nhìn thấy cảnh tượng đó, mấy nhân viên khu vực an ninh hỗn hợp (JSA) của Đại Hàn bò ra cứu người lính đào tẩu bị thương đang nằm cạnh một khối bê tông, sau đó đưa anh về nơi an toàn. Tiếp đó, một trực thăng của Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc chở người lính đào ngũ đến một bệnh viện ở Hán Thành cấp cứu…
Phát ngôn viên của quân đội Đại Hàn cho biết, anh lính Bắc Hàn đào tẩu bị nhiều vết thương nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng.
Phía Đại Hàn không cho biết tên và cấp hàm của người lính đào tẩu, nhưng, căn cứ vào bộ quân phục, truyền thông Nam Hàn cho rằng, anh ta chỉ là một người lính bình thường trong đội quân 1,2 triệu người của Bắc Hàn. Một cựu sĩ quan cảnh sát Bắc Hàn đã đào tẩu đến Nam Hàn nhận định, có thể anh này là tài xế của một cán bộ cấp cao thuộc chính phủ Bắc Hàn.
Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc (UNC) là tổ chức quân sự của Liên Hiệp Quốc đóng tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm giám sát việc thực hiện Hiệp định đình chiến (The Korean Armistice Agreement) của Nam – Bắc Hàn. Sau khi xảy ra vụ đào tẩu nói trên, UNC nhận định, qua vụ này, phía Bắc Hàn vi phạm “Hiệp định đình chiến Triều Tiên” hai lần: Một là lính Bắc Hàn mang súng băng qua Khu phi quân quân sự (MDL) đuổi theo người lính đào tẩu. Hai là bắn nhiều viên đạn qua MDL để hạ gục người lính đào tẩu.
Đại úy Chad G. Carroll, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc cho biết, UNC đã qua đường dây liên lạc thông thường, báo cho quân đội Bắc Hàn về các hành động vi phạm, yêu cầu tổ chức một cuộc họp thảo luận những vi phạm đã xảy ra cũng như các biện pháp ngăn chặn những chuyện tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Tướng Vincent K. Brooks, chỉ huy UNC cho biết, việc làm của nhân viên an ninh phía Đại Hàn bò ra cứu sống người lính đào tẩu hoàn toàn thích hợp. Sau đó ông đã trao huân chương khen thưởng cho sáu binh sĩ Nam Hàn và Hoa Kỳ có công trong vụ giải cứu người lính đào tẩu.
Hãng thông tấn AFP loan tin, Bình Nhưỡng không bình luận gì về chuyện người lính đào tẩu, nhưng đe dọa, nếu Hán Thành không trả lại người lính, căng thẳng Bắc Nam Hàn có thể sẽ gia tăng.
Một quan chức quân sự Đại Hàn nói với ký giả hãng thông tấn Yonhap: “Hiện chưa có dấu hiệu bất thường nào từ phía quân đội Bắc Hàn. Nhưng chúng tôi tăng cường cảnh giác với khả năng quân đội Bắc Hàn khiêu khích. Rất hiếm khi có chuyện lính Bắc Hàn dám đi qua Bàn Môn Điếm mà không sợ đồng đội bắn”.
Bàn Môn điếm
Bàn Môn Điếm (Panmunjom) hay làng đình chiến Bàn Môn Điếm là nơi duy nhất trong khu vực phi quân sự (Demilitarized Zone – DMZ), vùng đệm rộng được vũ trang hạng nặng, chạy dọc giới tuyến ngăn cách hai miền, có binh lính Nam Bắc Hàn đứng gác cách nhau chỉ vài mét.
Các tòa nhà được canh gác cẩn mật nằm rải rác trong khu vực này từng là địa điểm ký kết Hiệp định Đình chiến năm 1953.
Những năm gần đây, địa điểm này là nơi các vị khách quốc tế tới chụp ảnh mỗi khi thăm Đại Hàn. Tuy nhiên, tiếng súng nổ trong cuộc đào tẩu của người lính Bắc Hàn ngày 13/11/2017, nhắc nhở mọi người chiến sự vẫn còn tồn tại ở đây.
Khu phi quân sự (DMZ) được canh gác cẩn mật, xung quanh gài mìn, dây thép gai, thường xuyên có lính biên phòng tuần tra. Nó là khu vực cam kết hoà bình, nằm ở biên giới Nam Bắc Hàn. Hầu hết những khu vực dọc biên giới đều bị hạn chế phát triển về mặt công nghiệp, dân số cũng trở nên già hơn vì người trẻ rời đi đến những thành phố lớn. Tuy nhiên, chính phủ Đại Hàn đã khôn khéo quy hoạch và biến khu vực nhạy cảm nhất thế giới này thành địa điểm du lịch nổi bật, thu hút nhiều du khách.
Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc quản lý khu vực này. Binh lính tuần tra trên quảng trường được vây quanh bởi hai tòa nhà, Nhà Tự Do ở phía nam và Nhà Panmon ở phía bắc.
Ở giữa đường phân định là dãy 6 nhà thấp tầng, ba tòa sơn màu xanh da trời của Liên Hợp Quốc. Nhiều năm nay, đây là nơi Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình và là nơi du khách có thể bước qua biên giới trong thời gian ngắn. Nhất cử nhất động trong tòa nhà đều đặt dưới con mắt giám sát chặt chẽ của những người lính canh gác ở đó.
Theo ước tính của tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), khoảng 30.000 người đã tìm cách rời khỏi Bắc Hàn, hầu hết qua đường biên giới Trung Quốc. Rất ít vụ đào tẩu qua biên giới Nam Bắc Hàn, bởi vì, nơi đây được canh gác cẩn mật và có nhiều bãi mìn cùng hàng rào dây thép gai chăng khắp nơi.
Cuộc Chiến tranh Triều Tiên giữa Nam và Bắc Hàn diễn ra đầu thập niên 50 của thế kỷ 20 (1951 – 1953) kết thúc bằng một Hiệp định Đình chiến không phải Hiệp ước Hòa bình, nên hai bên vẫn bị coi đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Lính Bắc Hàn thích nghe nhạc pop
Sau một thời gian mê man bất tỉnh, người lính Bắc Hàn đã hồi phục dần. Tuy còn nằm trên giường bệnh, đã có thể chuyện trò với những người hàng ngày tiếp xúc anh ta như bác sĩ và y tá. Bác sĩ Đại Hàn Lee Cook Jong chữa trị cho anh lính đào tẩu nói với ký giả hãng thông tấn AFP: “Người lính Bắc Hàn mất máu quá nặng đã mê man bất tỉnh trong thời gian khá dài”.
Bác sĩ Lee cho biết, bệnh viện đang sử dụng các thiết bị tân tiến để duy trì tính mạng của người lính đó. Các ca phẫu thuật trước đó “diễn ra tốt đẹp”. Tuy nhiên, sau này người lính này còn phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật.
Các bác sĩ Đại Hàn cho biết, họ tin rằng người lính đào tẩu sẽ phục hồi, mặc dù có nguy cơ bị nhiễm trùng cao. Anh ta đã trải qua hai lần phẫu thuật. Hiện việc chữa trị cũng gặp rắc rối do anh ta có nhiều giun sán trong bụng, trong đó có con giun tròn dài tới 27 cm. Giun sán là loại bệnh phổ biến ở Bắc Hàn, lý do vì họ dùng phân người và các chất hóa học độc hại bón rau và thực phẩm.
Theo hai tờ báo Korean Herald và Dong-a Ilbo phát hành ở Hán Thành, người lính Bắc Hàn đào tẩu bị bắn khi bỏ trốn sang phía Nam Hàn đang được điều trị tại một bệnh viện ở Đại Hàn trong tình trạng ổn định. Hiện giờ anh ta đã có thể nói chuyện với các bác sĩ và y tá.
Bác sĩ phẫu thuật cho người lính đào tẩu này là ông Lee Cook Jung cho biết. “Người lính miền Bắc đào tẩu tự khai là họ Oh hiện giờ đã ổn, không còn nguy hiểm đến tính mạng nữa!”.
Bác sĩ Lee cũng cho biết, Oh đã có thể trò chuyện đơn giản. Anh ta hỏi nhiều về nhạc Kpop (Korean Pop). Sau đó xin nghe một vài bài nhóm nhạc nữ Girls’ Generation thường hát anh rất thích nghe. Đây là nhóm nhạc nữ tiêu biểu của Đại Hàn do S.M. Entertainment thành lập và quản lý.
Để giúp Oh hồi phục, các bác sĩ đã bật nhạc và mở tivi cho binh sĩ này xem. Dù vậy, họ lo sợ chương trình tin tức quá nặng, nên chỉ cho anh ta nghe hát hoặc xem phim.
Oh rất thích xem bộ phim truyền hình Crime Scene Investigation (Đội Điều Tra Hiện Trường) của đài CBS, Hoa Kỳ.
Các bác sĩ cũng tránh gây áp lực lên Oh bằng việc dò hỏi công việc anh ta phục vụ trước khi bỏ trốn, thay vào đó họ nói về các phân cảnh trong bộ phim The Transporter (tạm dịch: Người vận chuyển) với diễn viên Jason Statham.
Bác sĩ Lee nói rằng, ông đã cùng Oh xem một vài đoạn trong The Transporter. Oh nói rằng anh ta cũng là người lái xe nhanh, tương tự nhân vật do Statham thủ vai trong phim. Đoạn video vụ đào tẩu vừa được Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc công bố cho thấy, Oh đã lái xe với tốc độ cao lao về phía nam trước khi chiếc xe đâm vào vệ đường, sau đó Oh phải xuống chạy bộ trước khi được lính Liên Hiệp Quốc dùng máy bay trực thăng cấp cứu vào bệnh viện.
Khi sức khỏe hồi phục, người lính đào tẩu từ Bắc Hàn cho biết, đa số lính Bắc Hàn đều thích nghe nhạc pop của Nam Hàn (Kpop). Lý do vì, Nam và Bắc Hàn từ lâu đã dùng loa phát thanh công suất lớn ở biên giới truyền tải những thông tin tuyên truyền nhằm làm suy giảm tinh thần của đối phương và lôi kéo binh sĩ đào ngũ.
Ngoài tin tức và thông điệp tuyên truyền, Hán Thành còn thường xuyên cho phát các bài hát của các nhóm nhạc Kpop nổi tiếng như Big Bang hay SNSD. Các loa phóng thanh này có thể truyền âm thanh xa 24 km vào ban đêm và 10 km vào ban ngày, đủ để vươn tới những khu làng người dân Bắc Hàn sinh sống gần khu phi quân sự hay khu vực binh sĩ Bắc Hàn đóng quân.
Sau khi xảy ra vụ lính Bắc Hàn đào tẩu ngày 13/11, bộ chỉ huy quân đội Bắc Hàn đã thay đổi toàn bộ lính gác ở khu an ninh hỗn hợp (JSA), nằm trong Khu phi quân sự (DMZ).
Lý Anh