CHUYỆN Ở HUẾ, ĐÀ NẴNG VÀ SÀI GÒN

Câu chuyện ở  Huế: 10 phút nổ súng cướp hai tiệm vàng, ném ra đường

Nghi can Ngô Văn Quốc, đại úy, cán bộ trại giam Bình Điền ở thị xã Hương Trà, trong 10 phút đã nổ súng liên tiếp trong hai tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi tại chợ Đông Ba, Huế, để cướp vàng ném ra đường..

Chị Huỳnh Thị Hà, 48 tuổi, nhân viên tiệm vàng  Hoàng Đức ở khu chợ Đông Ba  kể lại, khoảng 12 giờ 30 ngày 31/07/2022, chị đang bán hàng thì Quốc mặc quần áo màu xanh lá cây sậm theo trang phục công an, đi xe gắn máy, cầm súng AK xông vào trong tiệm và  bắn liên tiếp mấy phát  đạn vào chiếc tủ kính  trưng bày hàng. Chị Hà và người bạn bán hàng hoảng sợ ngồi thụp xuống  góc tiệm, hai tay ôm đầu, bịt tai không dám nhúc nhích. Chị cho biết do kính vỡ quá nhỏ nên tên cướp chỉ lấy được hai chiếc vòng vàng.

Rời tiệm Hoàng Đức, Quốc bỏ xe máy ở cửa tiệm, mang súng AK đi khơi khơi trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo rồi vào tiệm vàng Thái Lợi cách đấy khoảng 20 mét. Chị Nguyễn Thị Minh Khuê, con gái chủ tiệm Thái Lợi cho biết, can phạm không nói câu nào, lập tức bắn nhiều phát đạn làm vỡ toang kính tủ trưng bày. Y liên tiếp lấy các khay đựng vàng hất ra đường Trần Hưng Đạo rồi hô lớn: «vàng cho người nghèo đây”. Sự việc diễn ra trong khoảng 10 phút. Nhiều người dân đổ xô tới lượm vàng, kể cả những người đi xe máy cũng mau mau dựng xe xuống lượm.

Chị Khuê nói: “Đến giờ tôi còn kinh hoảng khi nhớ lại cảnh đạn bay veo veo trên đầu”. 

Trong lúc bối rối và tiếc của, gia đình chủ tiệm Thái Lợi chưa thống kê được mất bao nhiêu vàng.

Bà Tô Thị Châu, 60 tuổi, buôn bán cạnh tiệm vàng Thái Lợi kể rằng bà thấy người đàn ông đó bắn nhiều phát súng rồi lấy các khay vàng hất  tung từng khay  ra đường. Bà nói: “Ban đầu tui nghĩ chắc gã ni bị ngáo đá. Nếu hắn định bắn vô dân lượm vàng cho đã thì người chết nhiều vì khi đó số người lượm rất đông. Nhưng không, hắn không bắn ai cả, rứa mới là lạ”. 

Công an cho hay sau khi tấn công hai tiệm vàng, tên Quốc thản nhiên đi trên đường Trần Hưng Đạo về phía cầu Gia Hội cách đó khoảng 50 mét, vào căn nhà lục giác ở công viên Trịnh Công Sơn nghỉ ngơi và thuê điện thoại công cộng tại đây gọi cho người thân.

Trước sự vây bắt của lực lượng công an, đến 14h30 Quốc buông súng đầu hàng. Công an thu được hai hộp tiếp đạn súng AK, một hộp rỗng, một hộp còn đạn và khẩu AK 47.

Bà Tô Thị Châu nói, hiện ngoài việc kêu gọi người dân giao nộp vàng nhặt được do Quốc ném trên đường gần chợ Đông Ba, công an tỉnh còn trích xuất camera để tìm những người nhặt vảng. Công an cho biết, theo nhà chức trách tỉnh, đây là tang vật vụ án nên người nhặt cần trả lại, nếu không sẽ bị xử phạt về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Ngày 5/8, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh TT-Huế phát thông báo tiếp tục kêu gọi người dân tự giác giao nộp lại vàng các loại do tên cướp ném ra đường trưa ngày 31/7.

Theo công an, đến nay đã có nhiều người tự nguyện đếngiao nộp lại nhưng vẫn còn thiếu nhiều. 

Cơ quan công an khuyến cáo, trong trường hợp người dân nhặt được vàng là tang vật vụ cướp tại chợ Đông Ba, nếu không trả lại sẽ bị xử lý theo pháp luật về hành vi “chiếm giữ tài sản trái phép”.

Theo chủ tiệm vàng Thái Lợi, số vàng bị cướp chủ yếu là vàng 18 ca-ra, có trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng (tương đương với khoảng 50 ngàn đô la Mỹ theo giá hiện nay.- ĐD). Số vàng được công an tìm thấy  tại hiện trường và do một số người dân giao nộp tương đương với gần 4 cây vàng 18 ca-ra tức khoảng 180 triệu đồng.

Theo cơ quan công an, số tài sản thất thoát từ vụ cướp tiệm vàng trưa 31/7 vẫn còn lớn, do đó đã tiếp tục đề nghị người dân tự giác giao nộp số vàng nhặt được. 

Cơ quan điều tra đã yêu cầu chủ tiệm vàng Thái Lợi cung cấp các hóa đơn, chứng từ mua bán liên quan đến số vàng mà trước đó chủ cơ sở kinh doanh nói trên trình báo bị cướp.

Còn theo chủ tiệm vàng Hoàng Đức, số vàng của cơ sở này bị đối tượng cướp đi và ném ra đường đã được nhân viên của tiệm và người dân nhặt được, trả lại, sau khi vụ án xảy ra. 

Hiện nay cả hai tiệm vàng Hoàng  Đức và Thái Lởi  đã mở cửa trở lại buôn bán bình thường. 

Chuyện ở Đà Nẵng 

và Sài Gòn

Trái tim người phụ nữ ngừng đập “bí ẩn”

Người phụ nữ 45 tuổi không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, đột nhiên  đau ngực, đổ mồ hôi như tắm, khó thở, vào bệnh viện cấp cứu thì ngưng tim, ngưng thở.

Các bác sĩ Bệnh viện Thái Bình Dương (Quảng Nam) cấp cứu, tim đập lại rồi chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Đà Nẵng. Trong khoảng một giờ xe cấp cứu di chuyển từ Quảng Nam vào Đà Nẵng,  kíp y bác sĩ phải nhồi ép tim bệnh nhân liên tục, cố gắng giữ sinh hiệu.

Khi tới Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân đã tím toàn thân, không mạch, không huyết áp. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngưng tim ngưng thở chưa rõ nguyên nhân, nghi là do viêm cơ tim, tổn thương đa phủ tạng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển.

Bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, huy động bác sĩ 4 chuyên khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực – Chống độc, Gây mê hồi sức và Ngoại tim mạch có mặt ngay tại phòng cấp cứu để chụp động mạch vành và thực hiện kỹ thuật ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể) cho bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực – chống độc, điều trị tích cực bằng thuốc an thần, thở máy qua nội khí quản, lọc máu liên tục.

Ngày 5/8, bác sĩ Hà Sơn Bình, trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, cho biết đây là ca bệnh hiếm gặp và đặc biệt “khi được cứu sống ngoạn mục, như một kỳ tích với cả người bệnh lẫn các y bác sĩ». 

Theo bác sĩ Bình, thông thường kỹ thuật ECMO sẽ được tiến hành tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc, tuy nhiên, đối với trường hợp này, các bác sĩ chạy đua từng phút, không thể chờ người bệnh chuyển vào khoa mới thực hiện. Vì thế, tất cả ê kip can thiệp ECMO, gồm con người, trang thiết bị, máy móc buộc phải di chuyển đến phòng cấp cứu tiến hành để kịp giữ lại mạng sống cho người bệnh.

Trong hơn một tháng điều trị, diễn tiến bệnh rất nặng nề và phức tạp. Bệnh nhân chạy ECMO một tuần, sau đó gặp nhiều biến chứng như rối loạn đông máu nặng, tổn thương đa cơ quan, xuất huyết ồ ạt ở gan, ổ bụng, phổi tổn thương nặng…, nhiều lần đối mặt với nguy cơ tử vong. Các bác sĩ liên chuyên khoa phải luôn theo dõi sát tình trạng bệnh để có phương án xử trí kịp thời, đồng thời sử dụng tất cả kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất.

Hiện nay, sau hơn một tháng điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, tự thở tốt và được xuất viện. Đến nay, tình trạng ngừng tuần hoàn của người bệnh vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác.

Giám đốc bệnh viện khóc khi nói về thu nhập của nhân viên Y tế 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, nghẹn ngào khi đề cập đến lương nhân viên y tế, tại cuộc gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, ngày 5/8/2022. 

Bác sĩ Tuyết cho biết hai người con của bà đều chọn ngành y tế. “Tôi nói với con, nếu muốn làm giàu thì nên chọn ngành khác, còn chọn ngành y tế phải giàu tình thương, trách nhiệm”, bà nghẹn giọng, dừng lại hồi lâu.

Bà nói, bác sĩ muốn bước vào trường y phải học hành ở tốp trên, thi đậu điểm cao, mang nhiều tâm huyết, nhưng lương bác sĩ trẻ chỉ khoảng 7-8 triệu đồng một tháng. Mức lương này ở Saigon rất khó sống. “Một tháng, một năm, 5 năm thì có thể được, nhưng 10-20 năm thì không thể bền bỉ được”, bà Tuyết nói.

Lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương mong thành phố có những chính sách hỗ trợ để nhân viên y tế yên tâm cống hiến lâu dài, vừa được làm việc trong môi trường an toàn, đầy đủ trang thiết bị, vừa có mức lương tương đối để có thể hãnh diện khi đi ra ngoài. Đồng lương không đảm bảo, nếu nhân viên y tế nghỉ việc thì sẽ thiếu hụt lực lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Cũng đề cập đến những bất cập về chính sách đãi ngộ, bác sĩ Đỗ Thị Tân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1, cho biết 27 năm làm việc tại đây, nhiều lần bà muốn nghỉ hoặc chuyển việc vì công việc quá nhiều và áp lực, phải bỏ thêm công sức làm ngoài giờ trong khi thu nhập thấp. “Lương không đủ trang trải cuộc sống, chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của chồng, của gia đình, mới có thể trụ vững với nghề”, bác sĩ nói.

Theo bà Tân, các bác sĩ rất ít người đầu quân về trung tâm y tế, nếu có thường chỉ gắn bó một thời gian ngắn, sau khi xong các chương trình đào tạo thì xin nghỉ việc. Đặc biệt, trong đại dịch, nhân viên y tế cơ sở đổ mồ hôi, nước mắt nhưng chưa được đền đáp xứng đáng. Thời gian qua, trung tâm ghi nhận 21 trường hợp xin nghỉ việc, có những người đã gắn bó 5-10 năm. Dù đã tuyển dụng lại người mới nhưng đa số nhân viên trẻ, chưa có kinh nghiệm, dẫn đến công việc của trung tâm nhiều khó khăn.

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Y dược học dân tộc TP HCM, cũng bày tỏ tâm tư khi nhiều nhân viên y tế xin nghỉ, hoặc thể hiện sự tủi thân sau đợt cao điểm chống dịch. Nhiều nhân viên lao vào chống dịch, chăm sóc sức khỏe người dân, đến khi nhìn lại thì gia đình mình cũng mất mát nhưng lại không lo được gì.

Theo bác sĩ Lộc, nghề y hiện nay không có phụ cấp thâm niên, có những y bác sĩ cấp cứu phải làm 3 ca 4 kíp, ra trực đáng lý được nghỉ ngơi dưỡng sức nhưng vì cơ quan, vì người bệnh vẫn phải ở lại làm việc. Ngày này qua tháng nọ, họ không có nhiều thời gian cho gia đình, chăm sóc bố mẹ già, dạy dỗ con cái. Trong khi đó, đặc thù của ngành y tế là tiếp xúc bệnh nhân đang đau ốm với tâm lý không thoải mái, người nhà thì sốt ruột, dễ dẫn đến những căng thẳng khó giải tỏa.

Theo Giám đốc Sở Y tế  Tăng Chí Thượng, ngành y tế thành phố đang đối diện với bốn thách thức, bao gồm: dịch chồng dịch, thiếu thuốc và vật tư y tế, biến động nguồn nhân lực y tế do nhân viên y tế nghỉ việc, sự lo lắng kéo dài trong một bộ phận nhân viên y tế. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 891 nhân viên y tế nghỉ việc. Dù đa số vị trí đã tuyển dụng được người mới, nhưng điều khó khăn không nhỏ là hầu hết người nghỉ việc đều có thâm niên, có kinh nghiệm, còn người mới được tuyển cần thời gian đào tạo.

Một cuộc điều tra xã hội gần đây ghi nhận 6 nguyên nhân bác sĩ bỏ việc, bao gồm lương thấp (93%), không hài lòng với môi trường làm việc (57%), cường độ làm việc quá cao và áp lực (47%), không có cơ hội học hỏi để nâng cao kiến thức tay nghề (43%), không hài lòng với giám đốc (gần 39%), không hài lòng cấp trên trực tiếp quản lý…

Đại dịch đi qua để lại sang chấn nặng nề về tinh thần, tâm lý, tình cảm. Nhân viên y tế đã trải qua những tháng ngày cam go, căng thẳng chưa có tiền lệ, đương đầu với những khó khăn sinh tử tưởng chừng không thể vượt qua. Sứ mệnh tiếp tục chăm lo sức khỏe hơn 10 triệu người dân vốn không đơn giản, đòi hỏi ngành y tế phải tiếp tục hy sinh, xoay xở vượt qua khó khăn.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email