CHUYỆN Ở QUÊ NHÀ

Du khách Tây thích mua sản phẩm địa phương

Bi hài chuyện khách Tây tiêu tiền Việt

Người Việt trong nước và Việt kiều về chơi chi tiêu tiền Việt đôi khi còn lầm lẫn huống chi người nước ngoài. Bởi vậy dùng tiền Việt là một trở ngại không nhỏ đối  với khách Tây, trong đó có cả bi lẫn hài. (ĐD ghi theo lời kể của hướng dẫn viên du lịch Đăng Tú)

Khách Tây lần đầu tiên tiếp xúc với đồng tiền mới lạ, họ phải nhận biết những khác biệt quá lớn về tỷ giá và sự đa dạng trong các mệnh giá tiền của Việt Nam. Không ít khách Tây rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Một trong những lần như thế vào buổi sáng diễn ra cách đây 5 năm. Tôi, một hướng dẫn viên du lịch, vừa đặt chân vào khách sạn để đón khách đi thăm vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) thì gặp cảnh tranh cãi giữa một khách nam trong đoàn của tôi với nhân viên lễ tân. Để trả 360.000 đồng lệ phí dịch vụ giặt ủi và đồ uống, vị khách rút ra 2 tờ 200.000 đồng. Không có gì đáng nói nếu 2 tờ tiền trên không phải là… tiền âm phủ (tiền in giả dùng để rắc trong các đám tang thay cho giấy tiền ngày trước). Nhân viên lễ tân cố gắng giải thích nhưng vị khách vẫn không chịu nghe.

Một du khách Pháp sau khi trả tiền chờ lấy tiền thối từ cô bán hàng

Tôi phải can thiệp để tháo gỡ những hiểu lầm giữa khách với lễ tân. Hóa ra, tối hôm trước, đoàn khách của tôi được xếp lịch trình thời gian đi chơi tự do. Vị khách nói trên và vợ chủ động đi xe taxi đến một nhà hàng ở Hồ Tây (Hà Nội). Chiều về, tiền taxi hết 50.000 đồng, họ đưa tờ 500.000 đồng và tài xế thối lại 2 tờ 200.000 đồng tiền âm phủ cùng với tờ 50.000 đồng tiền thật. Cặp khách người Bỉ này dính cú lừa của tài xế taxi mà không biết. Họ cũng không nhớ tên hãng  xe hay số xe taxi đó nên không báo cảnh sát được. (Việc tài xế lừa đảo khách hàng, nếu ghi nhận được tên hãng hoặc số xe, cảnh sát sẽ làm việc rất ráo riết và nhanh chóng, tài xế sẽ phải trả lại tiền cho khách và bị hãng đuổi).

Câu chuyện như trên không phải chỉ xảy ra với khách trong đoàn của tôi mà đồng nghiệp thuộc các đoàn khác cũng chia sẻ không ít trường hợp khách nước ngoài bị “ăn quả đắng” tương tự bởi một số tài xế taxi ở trong nước nói chung. Kể từ đó, tôi luôn coi những tờ tiền âm phủ là một phần quan trọng trong lời trình bày khi đón khách từ sân bay về khách sạn để bắt đầu một hành trình thăm thú nhiều nơi. Tôi luôn giơ những tờ tiền âm phủ đó ra và phân tích rất kỹ để khách nhận xét, có khi còn tặng khách luôn một vài tờ để làm mẫu, họ cười có vẻ vừa ngạc nhiên vừa thích thú với “đồng tiền lạ”. 

Một lần khác, một nữ du khách Pháp trong đoàn của tôi đi Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), vô tình tiêu tiền giả. Khi nữ du khách này trả tiền cho một món hàng thổ cẩm, người bán hàng phát hiện tờ 500.000 đồng là giả, bèn gọi tôi lại, nhờ phiên dịch giùm. Tôi kiểm tra ví của nữ du khách, thấy có thêm 2 tờ giả nằm giữa xấp tiền 500.000 đồng.

Theo lời vị khách Pháp, trước đó bà cùng bạn đổi 200 euro trong một cửa hàng vàng bạc đá quý có treo bảng Exchange Money (Đổi tiền) họ tình cờ thấy trong phố cổ Hà Nội. Chủ cửa hàng đưa cho họ 10 tờ 500.000 đồng cùng với một số tờ tiền có mệnh giá nhỏ hơn. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc và tiếp xúc với khách châu Âu, tôi đoán 2 vị khách nữ trong đoàn đã bị lừa. Tôi giải thích cho các vị khách, có thể chủ cửa hàng vàng bạc đá quý đã khôn khéo cài 3 tờ tiền giả vào xấp tiền mà khách không biết. Tôi nói với họ là tốt hơn hết nên đổi tiền tại các ngân hàng, chắc chắn sẽ không bị lừa. 

Sau nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch, tôi nhận thấy việc chi tiêu tiền Việt gây không ít khó khăn đối với du khách nước ngoài. Chẳng hạn như khi trả giá một món hàng  130.000 hay 170.000 đồng, họ phải suy nghĩ quy đổi ra tiền nước họ là bao nhiêu. Mấu chốt ở đây là sự khác nhau tới 4 con số 0 giữa tiền tiền Việt với tiền Euro hay đô la Mỹ.  Chữ “nghìn” là một đơn vị lớn ở nước họ trong khi giá trị 1000 đồng của Việt Nam rất nhỏ .

Rất nhiều du khách vẫn nhầm lẫn tờ 500 hay 1000 đồng là có mệnh giá lớn, và không khỏi ngạc nhiên khi thấy người Việt đặt vô số tờ 500, 1000, 2000, 5000 và cả 10.000 đồng lên ban thờ trong đền chùa. Cũng không ít lần tôi phải khuyên các du khách không nên nhặt những tờ 500 hay 1000 đồng dưới mặt đường. Bởi vì họ cứ cặm cụi lượm những tờ tiền lẻ, cẩn thận gấp phẳng phiu cho vào ví. Tôi phải giải thích rằng những tờ tiền đó có thể do dân địa phương chủ động ném ra khi vô tình bắt gặp người tử vong vì tai nạn giao thông. Hành động ném tiền lẻ cũng là để tiễn biệt và cầu an cho người vừa khuất, mình không nên nhặt mà để cho người nghèo khó .

Cũng vì ít nhớ mệnh giá, một vị khách châu Âu trong đoàn của tôi “tip” nhầm 500.000 đồng cho người phu đạp xích lô ở Hà Nội. Khi kể lại cho tôi nghe, ông vẫn chưa nghĩ rằng Việt Nam lại có một tờ tiền mệnh giá lớn đến thế và bộc bạch rằng ông chỉ muốn “tip” khoảng 50.000 đồng cho bác tài. Đó là lần duy nhất trong nghề, bất đắc dĩ tôi phải gọi điện thoại cho đơn vị kinh doanh xích lô, đề nghị hoàn lại cho ông khách 450.000 đồng.

Thực tế, áp lực khi phải chi tiêu tiền Việt với người châu Âu lớn đến mức có khi khách phó mặc cho hướng dẫn viên. Trong hành trình khám phá vùng cao nguyên 7 ngày, một nữ du khách 60 tuổi đưa ví của bà cho tôi và nói: “Ví của tôi đây, anh giữ cả đi. Khi tôi cần tiêu gì anh cứ rút ra trả hộ tôi. Phải tính toán để trả tiền và hoàn lại thì tôi đến điên mất”. Tôi từ chối và nói bà cứ yên tâm, bởi vì tôi luôn có mặt để giúp đỡ khách. Thực sự, tôi thông cảm cho vị khách này khi chứng kiến bà rối bời từ mua chai nước đến ít trái cây, bởi mọi thứ không phải lúc nào cũng được trả bằng tiền chẵn.

Một lần khác, tôi nhớ mãi khuôn mặt đầy phấn khích của một vị khách đàn ông cỡ 50 tuổi đến từ Pháp khi vị khách này bước ra từ quầy đổi ngoại tệ ở sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ông ta gặp tôi, chìa tay ra và nói: “Xin chào anh, xin chào Việt Nam, vừa đặt chân đến Việt Nam tôi đã là một… triệu phú!”. Đúng thế, chỉ có chừng vài chục dollars trở lên trong túi thì đã là… triệu phú tại Việt Nam rồi!

Đi uống rượu về muộn bị vợ cằn nhằn, chồng cắt cổ vợ

Khu vực xảy ra vụ án thương tâm

Ngày 22-12-2020, đại diện VKSND tỉnh Nam Định xác nhận trên địa bàn thôn Bùi Chu, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, vừa xảy ra vụ án mạng thương tâm, chồng cầm dao cắt cổ vợ.

Theo thông tin ban đầu, vụ án mạng xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng ngày 22-12 -2020. Tại thời điểm trên, người chồng là Lư Văn Dững (sinh năm 1980 tức 40 tuổi), quê quán tại tỉnh An Giang trong Nam, đi uống rượu đến 1 giờ sáng mới về nhà. Lúc đó, Dũng bị vợ là chị Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1986, kém chồng 6 tuổi, quê quán tại huyện Xuân Trường, Nam Định) cằn nhằn nên hai vợ chồng xảy ra cãi lộn. Bất ngờ, người chồng dùng dao cắt cổ vợ dẫn đến tử vong. 

Xuống tay giết vợ xong, người chồng đã đến cơ quan công an đầu thú. Công an huyện Xuân Trường và công an tỉnh Nam Định ngay lập tức tới hiện trường để khám nghiệm, điều tra làm rõ nguyên nhân.

Theo người dân địa phương cho biết, hai người kết hôn chưa lâu, mới có 1 con chung. Trước khi lấy người chồng miền Tây, chị Dung đã có một đời chồng và có 2 con riêng. 

Tội nghiệp, một người chết, một người đi tù, ba đứa trẻ đó sẽ sống ra sao. Uống rượu làm chi, cãi lộn làm chi lúc 1 giờ sáng để đến nỗi bị hắn giết. 

Bị vợ gọi điện thoại bắt về ngay, chồng về đốt nhà

Căn nhà cấp 4 nhỏ xíu của vợ chồng Đoan cháy tiêu tan

Chiều 11-12-2020, công an tỉnh Quảng Ninh cho hay, CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh vừa ra lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Quang Đoan (40 tuổi, ngụ tại Khu 7, Thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “giết người”, quy định tại Điều 123 bộ Luật hình sự.

Theo điều tra cho biết, trưa ngày 03-12-2020, trong căn nhà cấp 4 tại Khu 7 của gia đình Ngô Quang Đoan đã xảy ra vụ hỏa hoạn khiến chị Nguyễn Thị H., vợ của Đoan, 45 tuổi  (lớn hơn chồng 5 tuổi), bị mắc kẹt trong đám cháy. Sau khoảng 15 phút, nạn nhân tự thoát ra nhưng bị bỏng nặng và được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.

Ngay sau khi tiến hành điều tra, cơ quan công an huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh đã xác định nguyên nhân gây ra vụ cháy là do Đoan tưới xăng đốt nhà.

Vụ việc bắt đầu từ chuyện Đoan đang ngồi cùng bạn bè, ăn thịt chó, uống rượu tại quán Năm Cảng, thuộc Khu 9, thị trấn Cái Rồng thì chị N.T.H. gọi điện thoại cằn nhằn về việc Đoan nhậu nhẹt và bắt Đoan phải về ngay. Hai vợ chồng xảy ra cãi lộn trong điện thoại. Đoan về đến nhà, vợ chồng lại tiếp tục cãi vã và chửi bới nhau dữ dội.

Đoan tức giận, lấy chiếc can nhựa (loại 10 lít), chạy xe gắn máy đi mua 120 ngàn đồng tiền xăng (được 8 lít). Về nhà, y và vợ lại tiếp tục cãi nhau, chửi bới và thách thức nhau. Đoan cáu tiết đổ xăng xuống nền nhà, đe dọa: “Mày còn già mồm nữa tao đốt chết mày!…”. Chị H. cho rằng Đoan chỉ dọa vậy thôi chứ không dám đốt nên thách thức: “Tao thách mày đấy! Mày mà dám đốt tao kể làm tài…”. Đang bực, đã lỡ đe dọa, Đoan vớ ngay lấy bao diêm trên bàn thờ, quẹt lửa ném xuống nền nhà. Không ngờ lửa bắt hơi xăng, bùng lên, chỉ trong chớp mắt cả cái nền nhà xi măng cỡ hơn 20 mét vuông bốc cháy ngùn ngụt bất cứ nơi nao có xăng. Chị H. mắc kẹt trong đám lửa, quần áo cháy phừng phừng kể cả đầu tóc. Chị cố chạy thoát ra ngoài rồi ngã lăn ra, ngất xỉu trong khi quần áo trên mình vẫn cháy. Còn Đoan thì bị nhẹ hơn, nhanh chân chạy ra ngoài, dập lửa cho vợ đồng thời hô hoán hàng xóm chữa cháy. Cả xóm hò hét tạt nước chữa lửa và gọi cơ quan Phòng Cháy Chữa Cháy nhưng căn nhà nhỏ cũng tan nát chẳng còn lại gí. Mọi người đưa hai “nạn nhân” tới Trung tâm Y tế huyện cứu cấp. 

Các bác sĩ cho biết chị H. bị bỏng rất nặng, khoảng 70%, còn anh Đoan thì bị khoảng 20%.  Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đang hoàn thiện hồ sơ để khởi tố bị can Ngô Quang Đoan ra tòa theo quy định của pháp luật về tội “giết người và phá hoại tài sản”.

Vẫn cái tội vợ cằn nhằn chồng trong lúc nó đang nhậu với bạn bè. Cố gắng nín nhịn, nói sơ sơ thôi, chờ lúc yên tĩnh  rồi hãy nhẹ nhàng khuyên nhủ thì đâu đến nỗi. Mình lớn hơn nó 5 tuổi, đáng chị nó, khuyên bảo dần dần rồi nó sẽ nghe chứ chửi bới nó làm chi trong lúc nó đang tức giận và có hơi men.

Gắn trộm camera trong khách sạn, quay lén cảnh ân ái để tống tiền

Chu Danh Giang và Nguyễn Trọng Toại

Ngày 17-12-2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Chu Danh Giang (37 tuổi) và Nguyễn Trọng Toại (23 tuổi, cùng cư ngụ tại Hà Nội) về tội cưỡng đoạt tài sản của người khác.

Tại cơ quan điều tra, hai bị can đã khai nhận chúng biết nhiều phụ nữ có quan hệ “ngoài luồng” với tình nhân hoặc trai trẻ trong các nhà nghỉ hay khách sạn, nên rủ nhau đặt camera quay lén để tống tiền. 

Thực hiện kế hoạch, Giang và Toại mua hàng loạt camera, giả làm khách thuê phòng rồi bí mật lắp đặt các thiết bị để quay lén. Đặc biệt, chúng bỏ tiền ra mua sắm, sử dụng các loại máy quay nhỏ gọn, hiện đại, có thể ghi và gửi hình ảnh trực tiếp về điện thoại di động của Toại.

Sau khi bị bắt, chúng khai đã  cài camera tại 3  phòng của một nhà nghỉ ở  phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Tiêu biểu là ngày 19-11-2020, chúng  ghi được hình ảnh một phụ nữ đang ân ái “ngoài luồng” với một người đàn ông. Ngay sau khi người phụ nữ này rời nhà nghỉ, hai tên Giang và Toại bí mật đi theo để biết địa chỉ của chị.

Tiếp đó, chúng scan các hình ảnh đã nhận được do camera gửi về trong điện thoại của Toại, in ra, cho vào một phong bì, kèm theo số điện thoại của chúng với lời nhắn: “Hãy gọi cho số điện thoại  này nếu không muốn người thân biết chuyện”, rồi gửi tới  địa chỉ của  người phụ nữ “nạn nhân”. 

Khi người phụ nữ sợ bị lộ chuyện, đành gọi đến số điện thoại chúng đã ghi trong phong bì, Giang gọi lại, yêu cầu nạn nhân chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do Giang cung cấp, nếu không sẽ phát tán hình ảnh lên mạng xã hội và gửi cho người thân của chị phụ nữ này.

Tuy nhiên, nhiều ngày vay mượn nhưng nạn nhân thú nhận là chưa lo đủ 100 triệu đồng. Giang bẻn “giảm giá” xuống còn 50 triệu đồng nhưng với điệu kiện nếu nạn nhân đồng ý ngủ với y một đêm thì y sẽ giảm tiếp xuống chỉ còn 20 triệu đồng. Nạn nhân đồng ý.

Hôm sau, khi Giang đến khách sạn để nhận 20 triệu đồng và ăn nằm với người  phụ nữ như đã giao hẹn thì công an đã được chị này báo trước, ập vào trong phòng khách sạn bắt quả tang với số tiền 20 triệu đồng Giang còn đang cần trên tay. 

Từ lời khai của Chu Danh Giang, kẻ đồng phạm là Nguyễn Trọng Toại cũng bị bắt.

Khám xét nơi ở của Giang và của Nguyễn Trọng Toại, công an thu được 3 thẻ ghi hình, 6 điện thoại di động, 1 máy chuyên dụng để in ảnh, 300 trang ảnh còn là phôi chưa được in ra, 4 camera chuyên nghiệp có kích thước nhỏ,  52 clip “sex” mang hình ảnh nhạy cảm trong nhà nghỉ và khách sạn của nhiều người.

Cũng theo lời khai của hai bị cáo, với thủ đoạn tương tự, chúng đã cưỡng đoạt được số tiền hơn 180 triệu đồng của những người khác, phần lớn là các phụ nữ ngoại tình hoặc thuê trai trẻ vào nhà nghỉ hay khách sạn để ân ái.

Cựu trụ trì lừa đảo hàng loạt phụ nữ số tiền 70 tỷ đồng

Ông Thích Phước Ngọc
sau khi bị đuổi khỏi GHPG Việt Nam

Phạm Văn Cung là cựu trụ trì chùa Phước Quang, kiêm giám đốc Cô nhi viện Suối Nguồn Tình Thương ở thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, bị dân chúng  tố cáo là đã lừa đảo nhiều người. Lúc còn tại vị, Cung có pháp danh Đại đức Thích Phước Ngọc. Phạm Văn Cung bị khởi tố và bắt giam để điều tra về  hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người” vào ngày 25/11/2020.

Trước đó, cơ quan công an điều tra tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận đơn tố cáo của bà Hoàng Thị  Y… (cư ngụ tại tỉnh Hưng Yên ngoài Bắc) nói là bị Cung lừa đảo, chiếm đoạt của bà số tiền 18 tỷ đồng. Qua điều tra, công an xác định tố giác của bà Y. là đúng sự thật.

Để “lùa” nhiều người vào tròng, Phạm Văn  Cung đã dùng chiêu trò lập dự án Phát triển Trung tâm Cô nhi viện Suối Nguồn Tình Thương và kêu gọi mọi người đầu tư bằng cách cho vay với giá trị dự án lên tới 100 tỷ đồng. Cung cam kết khi nhận đủ 100 tỷ sẽ trích ra 5% tổng giá trị các hợp đồng của dự án trả cho những nhà đầu tư. (Giả thử thu được cả 100 tỷ đồng thì sẽ trích ra 5 tỷ đồng). Trong 3 năm đầu, các nhà đầu tư sẽ không hưởng tiền lời trong tổng số 95 tỷ đồng còn lại sau khi đã trích ra 5 tỷ. Bảy năm tiếp theo, Cung sẽ trả lãi 2% mỗi năm tính theo số tiền 95 tỷ đồng cho các nhà đầu tư tùy theo số tiền họ đã cho vay (tức 2%/năm nhưng kém đi chút đỉnh vì đã trừ đi 5 tỷ/100 tỷ)..

Trong quá trình điều tra, công an còn tiếp nhận thêm rất nhiều đơn tố cáo của những người bị Cung lừa đảo, chiếm đoạt với  tổng số tiền khoảng 50 tỷ đồng. Số người bị Cung lừa tiền trải dài khắp cả nước.

Cụ thể, ông S. (ngụ tại quận Thủ Đức, Sài Gòn) tố cáo Cung vay của ông gần  5 tỷ đồng vào cuối năm 2012. Tiếp đó, bà T. (ngụ tại  Sài Gòn) cho Cung vay 15 tỷ đồng,  có giấy vay nợ. Cuối năm 2017, bà N. (ngụ tại Hà Nội) trình báo đã chuyển cho Cung số tiền hơn 22 tỷ đồng. Tất cả những người cho Cung vay đều có chứng cứ như giấy nộp tiền gửi qua ngân hàng, hợp đồng cho vay mượn, các băng ghi âm…

Vào năm 2016, một phụ nữ ở Quảng Ninh cũng đã cầu cứu báo chí sau khi chuyển cho Cung số tiền gần 4 tỷ đồng rồi phát hiện mình bị lừa. Sau khi báo chí đăng tải, Cung cũng đã khắc phục, hoàn trả lại cho bà này số tiền nói trên. . Hơn một năm trước, một nạn nhân nữ ở Cần Thơ cũng tố giác Cung lừa đảo của bà số tiền hơn 3 tỷ đồng. Sau đó, Cung cũng khắc phục, hoàn trả nên người này đã rút đơn.

Trước đó, ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhận được nhiều đơn tố giác Phạm Văn Cung lúc ông này còn tại vị. Ban Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN sau quá trình tìm hiểu, đã xác định, đại đức trụ trì Thích Phước Ngọc đã lừa đảo, chiếm đoạt những số tiền lớn, có kèm các biên lai chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mang tên Phạm Văn Cung. Từ đó, ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đã cho trụ trì Thích Phước Ngọc hoàn tục trở về gia thất; đồng thời thu hồi chứng điệp thọ giới, chứng nhận tăng ni và xóa danh bộ tăng ni đối với đại đức Thích Phước Ngọc.

Ban Thường trực Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam cũng đã phát thông báo cảnh giác đến các Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh thành cần tăng cường quản ly, giám sát, kiểm tra sự sinh hoạt của các tăng ni, tự viện và các cơ sở từ thiện, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi trên địa bàn của mình, không để xảy ra những trường hợp tương tự.

Bình luận của ĐD: Toàn là bị lừa tiền tỷ. Cứ hơn 23 tỷ chút đỉnh thì bằng 1 triệu đô la Mỹ, vậy mà có người như bà N. ở Hà Nội bị lừa tới hơn 22 tỷ đồng, ghê quá. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay (thấp nhất) là 7% /năm còn trước đây thì cao hơn khá nhiều, vậy mà không hiểu tại sao người ta lại nhào vô cho ông “sư phụ dỏm 38 tuổi” này vay tỷ lớn tỷ nhỏ với lãi suất chưa tới 2%/năm, ấy là chưa kể 3 năm đầu chưa được tính tiền lời. Ôi, đã hâm mộ “sư phụ” như thế thì biếu sư phụ luôn đi, thưa gửi, kiện cáo làm gì cho sư phụ bị đuổi ra khỏi GHPG Việt Nam. Thiệt,  đáng tiếc thay, tui thương sư phụ đến đêm không ăn ngày không ngủ, đêm nằm vắt chân lên trán tự hỏi người ta có đưa ngài vào nằm chơi trong nhà đá hay không mà trông ngài còn ngon cơm quá cỡ, cứ tươi rói như một đại gia toàn nhờ vào tiền lừa đảo!

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email