Soạn giả Nguyễn Phương
Tiếp theo Thời Báo Thứ Bảy 2496, ngày 30/12/2017
Về Saigòn, Thanh Nga đưa cho tôi và Kiên Giang xem bài thơ của cô sáng tác sau chuyến đoàn hát đi lưu diễn miền Trung. Cô dặn đừng cho bà Bầu biết.
Nguyện Cầu
Con muốn gởi thân vào cửa Phật,
Cho lòng quên hết nỗi niềm đau,
Cho đừng bận bịu trần ai nữa,
Thanh thoảng hồn con ở kiếp sau.
Con muốn gởi thân vào cửa Phật,
Cho màn tục luỵ chẳng vương lây,
Cho mùi danh lợi tiêu tan hết,
Thoát bể trầm luân khổ ải nầy.
Con muốn gởi thân vào cửa Phật,
Cho đừng ai nhắc đến tên con,
Cho đừng nghe những lời môi miếng,
Để khỏi vương mang, khỏi lạc lòng.
Con muốn gởi thân vào cửa Phật,
Nhưng còn ray rứt mãi tim côi,
Ngoại già, mẹ góa, đàn em dại,
Soi sáng dùm con. Đức Phật ơi!
Ngày Phật Đản 2509
Cái máu “thi sĩ” trong người của Kiên Giang kể cũng lạ, thấy có bài thơ hay là anh ta tự động đem đăng trên báo Lẽ Sống Kịch Trường, anh vẫn ghi tên tác giả là Thanh Nga mặc dầu Thanh Nga có dặn là đừng cho bà Bầu Thơ biết. Khi trang kịch trường Lẽ Sống đăng bài thơ Nguyện Cầu của Thanh Nga lên báo thì cả một sự rắc rối liên tiếp xảy ra sau đó.
Hòa Thượng chủ trì chùa Trường Thạnh ở đường Yersin tưởng là Thanh Nga muốn đi tu thật. Bà Bầu Thơ quy y tam bảo nơi chùa của ông, nên ông tự thấy có bổn phận phải độ trì cho Thanh Nga, ông cho người đến hỏi ý của bà Bầu. Bà Thơ kêu tôi đến, hỏi vì đâu có chuyện đăng báo bài thơ của Thanh Nga, vì bà hỏi thì Thanh Nga nói không biết, má hỏi chú Ba hay hỏi chú Kiên Giang.
Kiên Giang hay có chuyện rắc rối xảy ra nên anh ta lén chuồn về tỉnh Kiên Giang trốn mất, vợ của anh nói là mẹ của anh ta đau nặng nên anh đi ngay không kịp xin phép. Bà Bầu nhờ Nguyễn Phương đi đính chánh với ông Hòa thượng chủ trì chùa Trường Thạnh.
Mấy ngày sau đó, nhiều trang kịch trường khai thác cái tin Thanh Nga muốn đi tu, có ký giả nói rằng dường như là cô Thanh Nga đã cạo đầu, xuống tóc. Có ký giả nói là có người nhìn thấy Thanh Nga ăn mặc nâu sòng, tay cầm bình bát đi khất thực. Có người nói Thanh Nga đã đi tu ở Trúc Lâm thiền viện…
Ngày nào khán giả ái mộ của đến nhà bà Bầu Thơ ở số 240 ter đường Trần Hưng Đạo để mong nhìn thấy mặt Thanh Nga. Đêm đêm, họ mua vé vào xem hát nghẹt rạp để được tự mình chứng minh rằng Thanh Nga không có bỏ sân khâu mà đi vô chùa tu. Số doanh thu của đoàn hát tăng vọt, vé bán complet cả tuần lễ nhưng bà Bầu không vui. Bà nói phải làm sao đính chánh, chớ nếu để như vậy, có ngày khán giả tưởng là bà Bầu chủ trương quảng cáo dối gạt khán giả.
Ni sư Huỳnh Liên và các đệ tử cũng muốn được gặp Thanh Nga để biết sự thực, hư?
Pháp sư Huệ Chí ở chùa Giác Viên trong huyện Phú Lâm, Chợ Lớn mời tôi đến hỏi chuyện. Nguyên trước đây tôi có viết nhiều bài cho tờ báo Phật Học Lục Hòa Tăng, trụ sở của tờ báo Phật Học đặt trong khuôn viên chùa Giác Viên. Pháp sư Huệ Chí cho biết có một vị Đại Đức sáng tác một bài thơ để họa lại hay để đáp lại thơ của Thanh Nga.
Bài thơ Nguyện Cầu của Thanh Nga được đăng lên báo, sau đó xảy ra nhiều chuyện bực mình, rối rắm khiến cho bà Bầu Thơ và Thanh Nga muốn điên cái đầu vì bà Bầu không biết phải giải quyết ra làm sao.
Hồi đó trong hàng ngũ ký giả kịch trường có người có tấm lòng trong sáng, hết lòng hết sức vì nghệ sĩ và nghệ thuật sân khấu cải lương nhưng cũng có ký giả hoặc là người đi săn tin kịch trường (được gọi là thông tín viên) bóp méo sự thật. Có người được gọi là ký giả cà phê, chuyên loan tin vịt để rồi “làm tiền” người khổ chủ rồi mới đính chánh tin vịt do anh ta loan ra.
Lại có tin đồn là có một ông chủ của một cơ sở kinh doanh lớn nhứt nhì Sàigòn, vì yêu Thanh Nga mà cô không đáp ứng lại tình yêu đó nên ông đi Nam Vang chuộc ngải về thư, ếm hay bỏ ngải khiến cho Thanh Nga phải yêu ông. Nếu “vía” của Thanh Nga cứng, không sợ ngải thì Thanh Nga sẽ chán đời, sẽ đi tu, có nghĩa là nếu ông ta không được yêu thì Thanh Nga cũng không được yêu ai hết.
Không biết có kẻ nào in bài thơ Nguyện Cầu của Thanh Nga phía sau tờ giấy dò xổ số hàng tuần. Các em bán vé dò số được dịp phát tài nho nhỏ vì người hiếu kỳ mua vé dò số để có bài thơ Nguyện Cầu.
Bà Bầu Thơ nhờ chúng btôi đi điều tra xem coi ai hay nhà in nào đã in những vé dò số có bài thơ Nguyện Cầu, nhưng các em bán vé dò số không nhận trực tiếp từ nhà in. Các em nói có ai đó nói giấy dò số để ở cầu thang lên trên tòa báo Saigon Mới, cho không, ai muốn lấy bao nhiêu cũng được. Chúng nó rủ nhau tới hốt mà đem đi rao bán.
Câu Ba Thành, con chủ báo phải đích thân tới nhà bà Thơ đính chánh. Cậu ta cũng đang cho người đi rình, điều tra để bắt quả tang kẻ nào gây rối với dụng ý gieo tiếng xấu cho cậu.
Trong bài thơ Nguyện Cầu có mấy câu:
Con muốn gởi thân vào cửa Phật,
Cho màn tụy lục chẳng vương lây,
Cho mùi danh lợi tiêu tan hết,
Thoát bể trầm luân khổ ải nầy.
Con muốn gởi thân vào cửa Phật,
Cho đừng ai nhắc đến tên con,
Cho đừng nghe những lời môi miếng,
Để khỏi vương mang, khỏi lạc lòng.
Một Thi sĩ Vô Danh Thị viết một bài báo, nhan đề: Phải chăng nghệ sĩ sợ đến tuổi già, nhớ lại một thời vang bóng nên sớm chấm dứt nghiệp cầm ca. Kèm theo bài tiểu luận có một bài thơ đề tặng Thanh Nga, tựa là Hỡi Dung Nhan Buồn!…
Hỡi Dung Nhan Buồn!...
(tặng cô nàng một thời vang bóng trong nghiệp cầm ca)
Bụi đèn bám áo nguyên trinh
Em nâng cánh mộng cho tình nở hoa,
Thanh trầm réo vọng ngàn xa…
Tiếng em chao bóng nguyệt tà quạnh hiu.
Tóc huyền ủ kín hương yêu
Ta nghe em đến giữa chiều cuồng say.
Lời em như gió sông dài
Nghe ru trăng ngủ lạc loài trong sương.
Em cười hoa nở bốn phương
Bướm không chớp cánh, mây nương gió ngàn.
***
Rồi một thời gian lặng lẽ qua…
Ai đem xuân đến để em già ?
Hẩm hiu chiếc bóng sầu cô quạnh
Soi bóng gương buồn, ôi xót xa!
Công chúa ngày xưa, thôi đã hết.
Còn đây nhan sắc đã nghiêng buồn.
Lãnh vai “đào mụ” hồn chua xót
Em nức nở nhiều lệ mãi tuôn
Nghệ thuật còn đây trang giấy trắng
Mực hằn kỷ niệm chuyện ngày thơ.
Tặng em tất cả niềm tâm sự.
Để gọi chút tình trong ước mơ.
***
Nửa đêm bóng nhạn xa mờ
Bơi trong hoang lạnh vật vờ kêu sương
TÌnh sầu muôn kiếp còn vương.
Lại đây nhan sắc nghe tương tư sầu.
Vô Danh Thị
Bài thơ Hỡi Dung Nhan Buồn càng làm cho khán giả hiểu lầm là Thanh Nga quyết định đi đầu Phật, nhiều thơ của đọc giả gởi đến, có kẻ cản ngăn, có người khuyên giải và cũng không ít Phật Tử hoan nghênh.
Thanh Nga phải nhờ ông Trần Tấn Quốc đính chánh. Ông Quốc đề nghị bà Bầu Thơ tổ chức một tiệc trà thân hữu để đích thân Thanh Nga nói về bài thơ và chừng đó ông sẽ phát pháo đăng một loạt bài về những kẻ tung tin quấy rối. Các ký giả kịch trường khác cũng không có lý do gì để khai thác cái nguồn tin về Thanh Nga đòi đi tu qua bài thơ Nguyện Cầu. Bữa tiệc đãi ký giả để đính chính về vụ Thanh Nga vắng bóng ký giả Kiên Giang Hà Huy Hà. Anh ta đi tỉnh Kiên Giang chưa về.
Nhưng rồi kết quả lại trái ngược với ý muốn của ông Trần Tấn Quốc và bà Bầu Thơ.
Một đoàn nữ tu sĩ khất thực đi ngang qua rạp hát Nguyễn Văn Hảo rồi không hiểu tại sao họ lại dừng ở đó khá lâu. Người đi đường bu quanh lại vì có tin đồn là có Thanh Nga trong số ni cô khất thực đó. Lại có ai đó gọi điện thoại báo với cảnh sát và Quân vụ thị trấn là Phật Giáo xuống đường. Thế là có nhiều xe jeep chở cảnh sát dã chiến với lăn khiên ma trắc ào ào tới bao vây. Lại có lính quân cảnh của Quân Vụ Thị Trấn nữa… Rần rần trước rạp hát cả tiếng đồng hồ, ni cô khất thực được xe cảnh sát đưa về bót và giải tán đám người hiếu kỳ.
Thế là có tin đồn Thanh Nga bị cảnh sát bắt đem về bót với các tu sĩ khất thực tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Đêm đó và cả tuần sau khán giả mua vé xem hát nghẹt rạp để coi cho biết có mặt Thanh Nga hát hay không. Vãn hát rồi khán giả cũng chưa chịu về, họ muốn muốn nhìn mặt Thanh Nga.
Bà Bầu Thơ và Thanh Nga không được vui mặc dầu số doanh thu của đoàn hát ngày một tăng cao. Mỗi đêm tăng thêm ít nhứt là 150 ghế súp (ghế để dọc theo đường đi) nhưng bà Bầu nói là phải kiếm cho được Kiên Giang về để viết bài đính chánh trên báo: “kẻ nào cột gút, kẻ đó phải tháo nút.”
Lại thêm một bài thơ khác tặng Thanh Nga đăng trên nhật báo Trắng Đen, tựa là:
Phật ở cung Trời…Phật xót đau!
Sân khấu mời em ra diễn xuất
Đèn hoa rực sáng giữa đêm thanh
Gót non nhẹ bước trên sàn gỗ.
Em dẫn anh về với tuổi xanh
Thủ vai Công Chúa trong tuồng cổ,
Em nhặt hoa rơi giữa nắng chiều
Đem ép vào lòng trang giấy mỏng
Để rồi… trang tặng một người yêu.
Màn một hạ rồi, tay vỗ tay
Riêng anh cảm thấy mộng cuồng xoay.
Biết đâu đoạn kết là tan vỡ
Ai khóc ai buồn ai nhớ ai ?
Màn hai Công Chúa bước sang ngang.
Bởi mộng dâm ô lũ bạo tàn!
Em khóc trong lòng trang giấy cũ.
Nghẹn ngào khâm lịm vạn lời than.
Từ đó em về trong Phật điện
Nâu sòng phủ kín gót hài tiên
Trắng canh em khóc tình tan vỡ.
Tủi phận hồng nhan chẳng vẹn nguyền!
“Vọng cổ” đành thay kinh Nguyện Cầu
Lời kinh như gió quyện sông sâu
Đau thương gói kín niềm tâm sự
Phật ở cung trời… Phật xót đau!
Bốn câu thơ chót gây xôn xao dư luận. Câu thơ: “Vọng cổ” đành thay kinh “Cầu Nguyện” là nói đến Thanh Nga. Lúc đó có nhiều chuyện lộn xộn về Phật giáo đồ và chánh quyền, không hiểu những tin đồn về việc “Thanh Nga muốn đi tu” có liên quan gì tới chuyện lộn xộn vừa kể không.
Câu thơ “Phật ở cung trời… Phật xót đau” khiến cho có tin đồn đêm đêm hình Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát hiện trên mây khiến cho không ít người cứ hướng mắt lên trời, nhìn các đám mây bay để tìm kiếm, để tưởng tượng hình Phật Bà. (Những bạn nào ở Saigon trong thời gian Phật Giáo xuống đường chắc còn nhớ đến tin đồn đại nầy. Có thể do là kẻ nào đó tung tin gây rối về vụ Thanh Nga lại trùng hợp với chuyện rắc rối của thời cuộc “đấu tranh và xuống đường” lúc đó.)
Lúc nầy chánh quyền nhập cuộc, trung tá Đầy Quân Vụ Thị Trấn mời ký giả H.M. (đúng ra là thông tín viên) đến vì ông được biết anh ta nhiều lần tung tin nói cô đào nầy nói xấu cô đào kia, anh kép chánh nầy chê bai anh kép chánh nọ để cho họ gây gổ nhau, xáo trộn nội bộ gánh hát. Anh ta tung tin rồi khi các người dính tới nội vụ đó cho tiền “cà phê” thì anh đính chánh tin đồn. Câu văn anh viết tin tức kịch trường thường có câu: “Nghe đồn rằng,… Hình như là… Theo tin tức nhận được thì…. Chúng tôi sẽ kiểm chứng và sẽ loan tin trên báo…”
Trung Tá Đầy là người ái mộ nghệ sĩ, ông có nhiều lần đến thăm nghệ sĩ trong hậu trường các đoàn hát đại ban, ông nói với nữ nghệ sĩ mà ông ái mộ là theo lời tự thú của thông tín viên H.M. thì ông Bầu gánh hát X nhờ anh loan các tin đó. Ông đã đến nói chuyện với ông Bầu dưới hình thức xã giao thông thường rồi làm như vô tình, ông gợi lại chuyện thông tín viên H.M tự thú về những tin đồn có liên quan tới sự phát ngôn của ông Bầu. Ông ta chối và viện cả Tổ nghiệp ra để mà thề. Theo ý của Trung Tá Đầy thì mọi tin đồn đã được chấm dứt. Nhưng… ở đời còn có chữ “nhưng” là còn nhiểu chuyện bất ngờ lý thú…
Đại Đức Pháp Minh, Giảng Viên Viện Hóa Đạo làm bài thơ tựa đề Phúc Âm để đáp lại bài thơ Nguyện cầu của Thanh Nga. Bài thơ đăng trên báo Tin Sáng (tôi cắt bài thơ cho bà Bầu và Thanh Nga xem, vô tình giữ lại trong sổ nhựt ký của tôi nên ngày nay bài thơ của Đại Đức Pháp Minh mới có sự hiện diện trong bài của Nguyễn Phương trên trang báo này.)
Phúc Âm
Con hãy hiến mình cho nghệ thuật
Tình thương rung chuyển trọn bờ môi
Hận thù lắng dịu lòng nhân loại
Là gởi hồn con cửa Phật rồi.
Con hãy hiến mình cho nghệ thuật
Tấm lòng của biển ấm bên nôi
Bông hồng cài áo người con thảo
Là gởi hồn con cửa Phật rồi.
Con hãy hiến mình cho nghệ thuật
Bài thơ từ ái vọng muôn nơi
Cung đàn thiện mỹ ngân khuya sớm
Là gởi hồn con cửa Phật rồi.
Phật pháp không lìa pháp thế gian
Sắc tài ảo ảnh – giọt sương tan
Lời ca thánh thiện vang muôn thuở
Chuyển vọng về chân ánh đạo vàng.
Mùa Vu Lan 2510
Pháp Minh
Bài thơ Phúc Âm, ý thơ trong sáng, lời thơ minh bạch chứng tỏ là đại đức thi sĩ có đạo hạnh và học thức nhưng lại có tin đồn là một đại hòa thượng ở Viện Hóa Đạo vì ái mộ Thanh Nga nên quyết tâm hoàn tục để gia nhập gánh hát Thanh Minh Thanh Nga để soạn tuồng cho Thanh Nga hát vai chánh
Tin đồn vô lý như vậy mà cũng có người tin, họ nói chuyền cho nhau nghe, phóng đại lên thành một tin kinh khủng khác, mỗi người thêm một chút thành ra một chuyện đầu Ngô mình Sở. Khởi thủy từ chuyện tình riêng của cô Thanh Nga tiến tới chỗ Thanh Nga đi tu và khi câu chuyện tới chỗ Thanh Nga vô chùa thì một ông đại hòa thượng lại ra chùa để viết tuồng cải lương!!!
Thanh Nga là một nghệ sĩ thinh sắc lưỡng toàn, là một diễn viên chánh của sân khấu nhà, cô Thanh Nga phải gánh vác giữ gìn bảng hiệu của đoàn và uy tín huy chương vàng giải Thanh Tâm của cô. Nhưng trong cái tuổi trên hai mươi, cái tuổi khiến cho Thanh Nga và những người ái mộ Thanh Nga đều nghĩ là đã đến lúc cô phải xây dựng hạnh phúc của đời mình.
Thanh Nga từng diễn xuất, từng ca ngâm gây xúc cảm cho nhiều khán giả và cho chính mình qua các vai tuồng tình cảm trên sân khấu, nhưng đó là những gì diễn trên sân khấu chớ không phải là tiếng nói chân thành sâu kín của Thanh Nga, nói về tâm hồn, về tình cảm và hạnh phúc của chính cô.
Có ai biết được sau khi màn nhung khép lại, có ai hiểu được giữa lúc thiên hạ ngủ say, cô Thanh Nga trở về với gian phòng vắng lạnh, một mình đối bóng, Thanh Nga cảm thấy một nỗi buồn cô đơn hiu quạnh! Những giờ phút đó mới phản ảnh trung thực về cuộc đời mình, nhưng ngoại già, mẹ góa, đàn em dại và sân khấu mà chính mình cầm vận mạng, Thanh Nga đành gạt bỏ tất cả những gì của riêng mình để lo cho hạnh phúc của những người có liên hệ trực tiếp với Thanh Nga.
Thanh Nga nhờ tôi đến gặp ông Trần Tấn Quốc xin đăng bài thơ cô sáng tác nói về tâm tình của cô với hy vọng chấm dứt câu chuyện đồn về tình duyên của cô qua các tin đồn.
Một ngày xa lắm…
Một sớm xa rời miền cát trắng
Bùi ngùi trông lại hướng rừng xanh
Nửa tình lưu luyến chân mây ấy
Còn nửa theo tôi đến thị thành.
Tôi dẫm chân lên giữa bụi đời
Nào biết ra sao tự ý trời
Những lúc tưởng mình vui hạnh phúc
Nào ngờ ray rứt trái tim côi.
Đọc mấy lời thơ gửi đến tôi
Bao nhiêu sầu mộng ý xa xôi
Buồn thương khó thốt nên lời lẽ
Vì cánh chim xanh rẽ lối đời.
Bên gối tôi thương đấng mẹ hiền
Nửa đời sương phụ lỡ làng duyên
Vì con, mẹ giữ tròn danh tiết,
Và cũng vì con gánh lụy phiền.
Rồi đây giữa biển đời giông tố
Ai lái con thuyền tiếp mẫu thân?
Ai xẻ ngọt bùi lau nước mắt
Cho lòng mẹ vợi chuyện phong trần.
Từ đây em ép lòng xuân lại
Vì đám em thơ, đấng mẹ hiền
Ai đó yêu em xin ráng đợi
Một ngày xa lắm…mới nên duyên.
Thanh Nga
Thi sĩ Kiên Giang giờ đây mới xuất hiện. Anh đăng báo: đoàn Thanh Minh Thanh Nga sẽ hát tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa và khán giả sẽ thấy Thanh Nga:
Tay bưng quả tráp lên chùa.
Thắp nhang lạy Phật, xin bùa cầu duyên.
Người ta đồn là chính Kiên Giang tung tin để quảng cáo cho tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa. Kiên Giang chối và viện ông Tổ Cải Lương ra để thề, nếu anh ta quảng cáo ẩu, xin Tổ lấy nghề của anh ta.
Sáu mươi lăm năm đã qua, nhắc lại chuyện xưa, tôi như bị lạc vào chốn mê cung, không hiểu ai đã tung tin đồn? Và với mục đích nào? Chỉ khổ cho những người trong cuộc và thân thích của Thanh Nga, đầu óc của chúng tôi bị quay mòng mòng như lạc vào vòng nước xoáy.
Số doanh thu của đoàn hát tăng cao nhưng bà Bầu Thơ và Thanh Nga không vui vì phải bận bịu tiếp khách và giải đáp những câu hỏi liên quan tới bài thơ và ý định thật của Thanh Nga. Thiệt là mệt và mất nhiều thì giờ không cần thiết.
Bây giờ ngồi nhớ lại chuyện xưa, tôi không biết có phải chăng có kẻ nào đó lợi dụng bài thơ “Nguyện cầu” của Thanh Nga để khuấy động ra những chuyện lộn xộn trong đô thành Sàigòn, gắn liền với những chuyện xuống đường của các Phật tử và Sư ông?
Chỉ khổ cho Thanh Nga, khổ cho người nghệ sĩ nổi danh nhưng không có chút hiểu biết gì về chính trị mà phải bị lôi lên sân khấu chính trị để phục vụ cho ý đồ đen tối của lớp người nào đó.
Nhớ thời vàng son của sân khấu Thanh Minh Thanh Nga.
Soạn giả Nguyễn Phương