Bún bò Huế được đưa vào thực đơn nhiều trường ở Nhật Bản
Đài truyền hình NHK tại Nhật Bản vừa phát bản tin về việc đưa bún bò Huế vào thực đơn các trường tiểu học tại thành phố Saijo đồng thời cho biết trong tháng 4/2022 này, bún bò Huế – món ăn đặc sản của Huế sẽ được thành phố Saijo đưa vào thực đơn tại các trường tiểu học của Saijo. Dự kiến sẽ có 35 trường tiểu học và trung học ở thành phố Saijo đưa món bún bò Huế vào thực đơn bữa trưa cho các em học sinh.
Trước đó, Đài truyền hình NHK Nhật Bản cũng phát bản tin về việc ông Toshihisa Tamai, Thị trưởng thành phố Saijo đã có buổi đến thăm các em học sinh lớp 4 tại một trường tiểu học của Saijo và giới thiệu về TP Huế của Việt Nam. Sau khi tìm hiểu và được biết Huế là một thành phố cổ giống như Kyoto của Nhật, các em được giới thiệu về món ăn đặc sản của địa phương là món bún bò Huế.
Sau đó, các em học sinh đã được thưởng thức món bún bò Huế trong bữa ăn trưa. Các em rất hào hứng và thích thú thưởng thức hương vị độc đáo và ngon miệng của món bún bò Huế.
“Sợi bún mềm và ngon như mì udon, nước dùng lại có màu cam và vị của món bún bò cũng rất khác với các món ăn Nhật”, một em học sinh nữ chia sẻ. Một nam học sinh khác cũng cho biết: “Lần đầu được thưởng thức món ăn Việt Nam em cảm thấy rất vui và mong muốn sẽ được đến Huế, quê hương của món bún bò”. Một em gái khác nói: “Rất ngon nhưng hơi cay”.
Công thức nấu món bún bò Huế của Việt Nam cũng được phát trong bản tin tại trường để các em hiểu rõ hơn về cách nấu món bún độc đáo này.
Hành trình sinh con của đôi vợ chồng chuyển giới
Đặng Nguyễn Thị Bích Ngân 31 tuổi, đồng tính nữ, đã thụ tinh nhân tạo, sinh con trai đầu lòng với bạn đời cũng là nữ chuyển giới thành nam.
Vợ chồng Bích Ngân và Kay (tên khai sinh là Nguyễn Phạm Xuân Anh) 36 tuổi, gắn bó với nhau 5 năm. Kay là người chuyển giới từ nữ sang nam (transguy – có cơ thể sinh học nữ, song luôn tin mình là nam). Nhiều năm qua, Kay thể hiện giới tính và sống như một người đàn ông. Kay không có ý định phẫu thuật hay sử dụng hormone để thay đổi ngoại hình. Còn Ngân, vợ anh, là người đồng tính nữ (lesbian).
Đến với nhau khi đã đủ trưởng thành, vượt qua định kiến xã hội và dám sống thật với chính mình, có công việc và thu nhập ổn định, nhưng Kay và Ngân vẫn cảm thấy tổ ấm chưa thực sự trọn vẹn. Họ khao khát có những đứa con và đã xác định sẽ can thiệp y khoa. Người mang thai là Ngân, vì lợi thế trẻ tuổi, khỏe mạnh, khả năng thành công và an toàn cao hơn. Gia đình hai bên ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần cho kế hoạch này. Tuy nhiên, giới tính của Kay trên giấy tờ vẫn là nữ, luật pháp Việt Nam chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới. Do đó, Ngân phải làm các thủ tục như một người mẹ đơn thân, xin tinh trùng từ nguồn hiến tặng của bệnh viện, giấy khai sinh con sẽ theo họ mẹ, để trống phần tên cha.
Đứa trẻ không có quan hệ huyết thống, cũng không được công nhận cha – con trên pháp lý, song điều này đối với Kay “chưa bao giờ là vấn đề”. “Con được sinh ra từ trái tim tôi”, Kay nói.
Cuối năm 2019, họ bắt đầu hành trình tìm con. Trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản, đôi vợ chồng lựa chọn thụ tinh nhân tạo (IUI – bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Đây là phương pháp bắt chước quá trình thụ tinh thông thường ở các cặp đôi dị tính. Quá trình này diễn ra hoàn toàn bên trong cơ thể, chi phí thấp nhất, song tỷ lệ thành công chỉ ở mức 5-10% do chu kỳ kinh nguyệt của Ngân không đều. Trường hợp làm IUI thất bại, sẽ chuyển qua thụ tinh ống nghiệm (IVF). Thậm chí, nếu quá khó khăn, họ sẵn sàng nhận con nuôi.
Bác sĩ khuyên nên để việc mang thai diễn ra tự nhiên nhất có thể, sẽ tốt cho cả mẹ và con, vì thế Ngân không sử dụng thuốc điều hòa kinh nguyệt hay thuốc kích trứng. May mắn, tròn ba tháng sau các mũi tiêm vaccine phòng bệnh trước khi mang thai, Ngân “đến kỳ” trở lại. Thời điểm chị tới siêu âm đánh giá chức năng buồng trứng, đúng lúc các nang noãn vừa độ chín, đủ điều kiện thực hiện IUI. Bác sĩ chỉ định bơm tinh trùng vào thẳng buồng tử cung trong ba ngày. Từ khi bơm đến lúc có kết quả là hai tuần. Tin vui đến nhanh, Ngân đậu thai ngay lần đầu tiên làm IUI khiến họ và bác sĩ đều bất ngờ.
Mang thai, Ngân ốm nghén nặng. Những món ăn yêu thích bỗng trở nên khó chịu. Ba tháng đầu, chị chỉ ăn được bánh mì không và hủ tiếu . Bà bầu từ 50 kg sụt xuống còn 46 kg. Sang tam cá nguyệt thứ hai chị hết nghén, thai kỳ diễn ra ổn định, chị tăng cân trở lại.
Tuy nhiên, đến tuần thai thứ 29, bác sĩ chẩn đoán nhau thai bị vôi hóa, khiến em bé không hấp thu được chất dinh dưỡng từ mẹ, có nguy cơ chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng. Gần 32 tuần tuổi, thai nhi nặng khoảng một ký, nhẹ hơn tiêu chuẩn thông thường. Để cải thiện tình hình, bác sĩ yêu cầu mỗi ngày Ngân phải ăn 6 cữ, với nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng, nhất là đạm như thịt, cá, trứng… uống 2-2,5 lít sữa tươi không đường thay nước.
Nỗi lo chưa dừng lại vì Ngân bị dị ứng cuối thai kỳ. Cả người nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, gãi đến mức sứt da mà không thể dùng thuốc, chỉ có cách chườm nóng lạnh cắt cơn ngứa. Mỗi tuần một lần, Kay đều đặn đưa vợ đi khám thai theo chỉ định của bác sĩ. May mắn, đến tuần 39, cậu nhóc 2,6 kg được mẹ sinh thường an toàn, khỏe mạnh.
Chứng kiến khoảnh khắc vợ đau đớn trong phòng sinh, Kay thấy cảm giác bất lực ngập tràn khiến người đàn ông đứng lặng yên nắm chặt tay vợ, thậm chí quên việc chụp cho con tấm ảnh đầu đời.
Kay tiết lộ, trước khi làm cha, anh đã có 9 năm kinh nghiệm chăm sóc các em bé bị bỏ rơi, mồ côi tại một trung tâm bảo trợ xã hội tại Sài Gòn nên không bỡ ngỡ.
Hiện, Khải Minh – “quả ngọt” của vợ chồng Kay đã gần một tuổi rưỡi, nặng 8,5 kg, khỏe mạnh, vui vẻ và hoạt bát. Hai vợ chồng dự định khi Minh lớn hơn, họ sẽ sinh thêm con hoặc nhận con nuôi. Dù trải qua nhiều đau đớn trong quá trình mang thai và sinh nở, mất ngủ cả tháng đầu sau sinh, da rạn, tăng 20 kg… nhưng với Ngân tất cả đều xứng đáng.
Kay cho biết mong muốn lớn nhất của hai vợ chồng là Khải Minh lớn lên khỏe mạnh, trở thành người tử tế. Họ hứa với nhau sẽ đồng hành, che chở và cùng con đối mặt với mọi khó khăn.
“Chúng tôi không lo lắng sẽ phải nói với con ra sao về sự khác biệt của gia đình mình khi con lớn lên. Tôi tin con sẽ hiểu”, ông bố nói
Hiệu trưởng chịu chơi:
cầm cố sổ đỏ nhà trường lấy tiền trả nợ
Vì nợ nần cá nhân, ông Mai Thanh Huyền, hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã lấy sổ đỏ của nhà trường đi cầm cố với lãi suất 180%/năm để chi tiêu và trả nợ.
Ngày 26/4/2022, ông Mai Thanh Huyền thừa nhận: Do nợ nần nhiều nơi, không có khả năng trả nợ nên ông đã lấy sổ đỏ của nhà trường (túc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đi cầm cố ở một địa chỉ cho vay nặng lãi ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Theo đó, ông Huyền đã dùng sổ đỏ của nhà trường để vay 200 triệu đồng từ tháng 6/2021 đến tháng 4/2022 phải trả thành 500 triệu đồng cả vốn lẫn lãi cho chủ nợ.Theo một chuyên gia ngân hàng, lãi suất nói trên nếu đúng sự thật thì tính ra, ông Huyền đã vay với lãi suất 180%/năm.
Sổ đỏ ông Huyền cầm cố có diện tích 4.780m2, thuộc thửa đất số 249, tờ bản đồ số 18 tại thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), là đất của sở Giáo dục và Đào tạo nhà nước, thời hạn sử dụng lâu dài, được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký ban hành ngày 27/11/2017.
Ngay khi ông Huyền mang sổ đỏ từ nơi cho vay nặng lãi về, UBND xã Châu Hóa yêu cầu ông “cho mượn” để xã giải quyết một số nội dung liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, xã có làm giấy biên nhận đề ngày 18/4/2022 và chưa trả lại sổ đỏ đó.
Ông Phan Huy Hoàng, chủ tịch UBND xã Châu Hóa nói rằng xã không biết việc ông Huyền hiệu trưởng nhà trường đã dùng sổ đỏ đó đi cầm cố, còn việc xã mượn sổ đỏ của nhà trường là liên quan đến vấn đề quy hoạch. Tuy nhiên, dư luận địa phương cho rằng, việc “mượn” sổ đỏ nhà trường của UBND xã Châu Hóa là nhằm mục đích tránh bị ông hiệu trưởng Huyền tiếp tục mang đi cầm cố. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Phúc, trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Tuyên Hóa cho biết, ông chưa nhận được báo cáo về việc ông Mai Thanh Huyền, hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 xã Châu Hóa mang sổ đỏ của nhà trường đi cầm cố, mà chỉ biết UBND xã đã mượn sổ đỏ ấy và giữ lại. “Lâu nay ông Mai Thanh Huyền không có biểu hiện gì mất tư cách, đạo đức. Còn dư luận bên ngoài thì có lời bàn tán và có đơn thư tố cáo. Hiện đơn thư đang được phòng GD & ĐT giải quyết” – ông Phúc nói.
Sáng 28/4, ông Phan Huy Hoàng đã phối hợp với công an huyện làm rõ thông tin Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa mang sổ đỏ của nhà trường đi cầm cố, vay hàng trăm triệu đồng.
Tuy ông Mai Thanh Huyền thừa nhận có nợ nần và vay nặng lãi, nhưng phủ nhận việc dùng sổ đỏ của nhà trường để mang đi cầm cố, thế chấp.
Theo ông Hoàng, về việc ông Huyền có sử dụng con dấu của nhà trường để xác nhận vào 1 sổ vay tại huyện Minh Hóa hay không thì ông Huyền chưa trả lời và xin thời gian để “nhớ lại”.
“Hiện xã đã yêu cầu thầy Huyền làm bản tường trình để nộp cho đảng ủy vì ông này là Bí thư chi bộ”, ông Hoàng nói.
Dư luận tại Quảng Bình những ngày qua cho rằng ông Mai Thanh Huyền đã dùng sổ đỏ của nhà trường để cầm cố vay 200 triệu đồng. Việc diễn ra từ tháng 6-2021 đến tháng 4-2022. Tuy nhiên, số tiền cả gốc lẫn lãi sau đó ông Huyền phải dùng để «chuộc» lại sổ đỏ lên tới 500 triệu đồng.
Hiện sổ đỏ đã được trả lại cho nhà trường.
Đoàn Dự