Gia nhập WTO là hội nhập vào thị trường thế giới, nền kinh tế thị trường phát triển kéo theo mọi lãnh vực khác buộc thay đổi theo. VN phải đối đầu với nhiều vấn đề, trong đó có giáo dục. Để đáp ứng tình hình mới, nhu cầu học hỏi của người dân ngày càng gia tăng. Bởi vì ngoài mở rộng kiến thức thì muốn xin việc làm, thăng chức, đòi hỏi các ưu đãi thì điều kiện tiên quyết và thường là duy nhất phải trưng ra tấm bằng. Trình độ văn hóa của một người được đánh giá qua bằng cấp chứ không phải qua khả năng thực sự. Thế nên mọi người mải mê lo học, học thêm buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, học lên, học… xuống (!) theo trào lưu tiến hóa. Để thỏa mãn sự khát khao bằng cấp của người dân tất nhiên phải đủ cung cho cầu. Nền giáo dục hấp tấp, cuống quít nở chỗ này, phình chỗ nọ nhằm đáp ứng nhu cầu.
Do vậy, thị trường bằng cấp trở nên ngày càng nhộn nhịp, bát nháo với đủ loại bằng như đủ loại hàng hóa trong chợ. Mua một chiếc xe gắn máy mới đồng thời mua luôn bằng lái xe, xin làm công nhân tậu bằng của các lớp chuyên môn ngắn hạn, thi tốt nghiệp đại học kèm bằng A ngoại ngữ. Dầu sao, trong mớ bằng cấp đó, danh giá nhất vẫn là bằng đại học. Muốn xin việc, lên chức, xuất ngoại, tăng lương…, kể cả lấy vợ đều cần bằng đại học. Có tấm bằng đó đối với phụ huynh mới xong bổn phận làm cha mẹ, đối với thanh niên là chìa khóa vào đời, do nạn lạm phát bằng cấp cho nên bằng trung cấp hầu như không còn giá trị. Muốn lấy vợ khá giả nhất thiết phải trang bị một tấm bằng đại học. Câu “phi cao đẳng bất thành phu phụ” của các cô tiểu thư dưới thời Pháp thuộc đã phải đổi thành “phi đại học bất thành phu phụ” ngày nay. Cho nên câu chúc đại đăng khoa rồi mới đến tiểu đăng khoa tưởng chừng mất dấu thời xưa thì té ra vẫn tồn tại vững chắc đến thời đại này. Lận lưng tấm bằng đại học mới yên tâm kể như xong được một việc lớn trong đời vậy.
Từ đó tâm lý chung của mọi người, bằng mọi cách nắm cho bằng được trong tay tấm bằng đại học.
Muốn là vậy nhưng vào học trường đại học cũng không dễ.
Trước đây do việc đun đẩy các học sinh lên lớp bất kể trình độ, số học sinh tốt nghiệp phổ thông gần như là một trăm phần trăm khiến cánh cổng trường đại học trở nên ngày càng hẹp. Đã xảy ra nhan nhản trình trạng mua bằng, thi hộ. “Người khôn của khó”, cửa ải vào đại học chính quy khó khăn, năm sau, điểm luôn cao hơn năm trước. Từng có năm tỷ lệ “chọi” ở ngành Điều dưỡng, trường đại học Y Dược thành phố là 1 với 58, Dược sĩ ba mươi lăm thí sinh chọn một; trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn ở khoa Báo chí là 1 chọi với 15. Điểm chuẩn của đại học Kinh tế, Y, Bách khoa, Ngân hàng… cao chót vót.
Để giải quyết số học sinh quyết tử cùng tấm bằng đại học thì “cái khó ló cái khôn”! Rất nhiều hình thức trong việc đào tạo đại học tại VN xuất hiện. Ngoại trừ đại học quốc gia như đại học Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Kinh tế, Sư phạm… còn đại học vùng như đại học Huế, Cần Thơ, Tây bắc… còn vô số đại học được tổ chức bởi địa phương như đại học Sài Gòn, Hoa Lư, Thủ Dầu Một…, do các bộ, ngành, tự mở như học viện Ngân hàng, Báo chí Tuyên truyền, Hàng không, Tôn Đức Thắng… và nhất là từ khi đại học tư thục được cấp phép thì trường đại học được mùa như nấm nở rộ chi chít sau cơn mưa. Nào là trường Thành Đông, Thành Tây, Phan Thiết, Tân Tạo…
Trường mở nhanh đến mức không kịp đào tạo giáo viên đứng lớp. Trong số các trường mới mở, chắc là do gấp rút thu đơn, thu tiền của học sinh bỏ túi trước đã rồi mọi chuyện từ từ tính sau, quảng cáo rầm rộ khắp nơi, thu nhận sinh viên đầy đủ nhưng trong thành phần giáo viên, lại chưa một thầy nào có trình độ giáo sư như đại học Bạc Liêu, đại học Phú Yên, đại học Hoa Lư… Bằng cấp nhiều như lá mùa thu nhưng nhân tài tìm đỏ mắt không thấy. Bởi vậy tình trạng phổ biến là sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường quay lại đứng trên bục giảng ngay, cử nhân dạy đại học, thạc sĩ dạy cao học… cứ “cắn đuôi” thế nên chi không ngạc nhiên chút xíu nào khi trình độ của các lớp đại học ngày càng hạ thấp, không khó hiểu khi sinh viên luôn bị kêu ca sức học ngày càng kém cỏi một cách kỳ cục.
Đại học, nhất là các lớp chuyên tu – tại chức mở tràn lan chính vì lợi nhuận béo bở từ đó mang tới. Tại chức có nghĩa vẫn đi làm trong khi đi học, chuyên tu cũng vừa học vừa làm nhưng đặc biệt hơn: Đây là trường hợp cán bộ được nhắm trước sẽ đề bạt vào các chức vụ, vị trí nào đó mà chỉ cần đợi bổ túc văn bằng cho hợp lệ. Cơ quan tiến cử đi học nên kỳ thi tuyển mở ra chiếu lệ và học cũng… chiếu lệ luôn, quơ quào sao cho có tấm bằng nộp vào hồ sơ lý lịch là xong, chẳng ai muốn rắc rối thêm. Hai loại này khác với chính quy là chương trình có phần nhẹ hơn, khác trường tư ở chỗ không cần xây hay thuê trường lớp, giáo viên; có nghĩa vẫn trường lớp, giáo viên chính quy đó bây giờ “dạy thêm” ngoài giờ thôi. Từ hồi nào, lương giáo viên từ đại học cho chí mầm non, nhà trẻ vẫn là vấn đề nói mãi không thôi. Sau một thời gian dài, để thêm vào đồng lương ít ỏi, giáo viên làm đủ nghề, chân ngoài dài hơn chân trong thì bây giờ đã có thể kiếm thêm bằng chính chuyên môn của mình là dạy học. Giáo viên bậc tiểu học và trung học lăn xả vào việc lùa học sinh trong lớp của mình về lớp dạy riêng, ngay cả cô giáo trường mầm non cũng dạy thêm trong môn tập đọc, toán, tiếng Anh…
Lẽ nào trường đại học lại thua kém Mầm non nên chuyên tu, tại chức đã quyết định phát huy khả năng. Bộ trưởng bộ Giáo dục-Đào tạo đã từng tuyên bố: “Sinh viên tại chức trong các trường đại học chiếm gần một nửa số sinh viên và đây là nồi cơm của nhà trường”. Chưa kể ở một số trường tư, nguồn thu từ hệ tại chức còn lớn hơn hệ chính quy. Cho nên không ngoa khi nói chính chuyên tu tại chức một phần đã nuôi bộ máy chính quy đứng vững, không có giới này đóng học phí thì chính quy có nước sập tiệm!
Do mục đích của chuyên tu, tại chức chỉ là “học thêm”, chỉ là “bổ sung văn bằng” nếu học hành nghiêm ngặt thì giới này theo sao nổi. Toàn là người đi làm, gánh áo cơm đè nặng còng lưng, nội chuyện ráng lóp ngóp bò đến lớp là đáng “khen ngợi” về mặt tinh thần rồi nên chương trình lấy gốc từ chính quy đã được lược bớt, thi cử nhẹ nhàng tối đa sao cho đám sinh viên có thể “pass” dễ dàng. Anh Tuấn, tốt nghiệp khoa Anh văn tại chức cho biết chương trình học không những được giản lược tối đa mà đến lúc thi kiểm tra, lại được bỏ bớt thêm lần nữa. Phần còn lại chẳng còn bao nhiêu chịu khó học thuộc lòng một chút là xong. Thi môn Speaking, học thuộc lòng một số tình huống, thi môn Listening cũng học thuộc lòng luôn, khi cassette vừa cất tiếng vài chữ, biết được ngay bài nào cắm đầu làm bài luôn khỏi thèm nghe tiếp, các môn khác cũng đều một cách học thuộc lòng như vậy. Dân tại chức đâu có luyện bài như chính qui nổi, bớt thời gian ra học thuộc lòng vậy là chăm chỉ lắm rồi, còn không thì nhờ đàn em thi hộ hay quay cóp, tới bằng này tuổi rồi nên trình độ quay cóp dư thừa mặc dù lâu lâu tổ trác chút đỉnh. Ông Lâm bệ vệ vào phòng thi với một lá bùa nắm trong tay, mớ tóc muối tiêu và bụng phệ khiến giám thị kính nể không nhìn tới mặc ông muốn làm gì thì làm, chỉ có điều khi mở ra thì mồ hôi tay làm lá bùa nhòe nhoẹt, ông bỗng trở về thời thơ ấu bằng cách sốt ruột nhấp nhổm cầu cứu chung quanh. Đó vẫn là những trường hợp ngay thẳng, đàng hoàng. Bằng không cứ mời thầy đi nhậu hay gửi biếu thầy món quà đổi lấy đề thi tiết lộ trước hoặc thầy chấm nương tay dùm. Thành thử mới có câu thành ngữ truyền miệng: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” là thế. Văn bằng của Hệ chuyên tu bị coi thường quá nên gộp chung với Hệ tại chức thành Hệ vừa làm vừa học.
Cô Hà vừa mới tốt nghiệp trường Trung cấp lao động- tiền lương mấy tháng sau đã nộp đơn học tiếp hệ tại chức khoa Kinh tế. Thằng cu Hớn nổi tiếng học dốt thời trung học thì nay cũng đường đường là sinh viện một đại học.
Nhiều trường đại học chỉ cần đạt điểm sàn là nhập học. Tất cả nhằm lọt vào cánh cổng đại học tiến tới một tấm bằng đại học; cho dù chỉ qua một cánh cổng ọp ẹp để nhận một mảnh bằng rách nát.
Khi thành phố lên đèn, giáo viên thỉnh giảng sau một ngày mệt mỏi làm việc ở cơ quan, tối vội vàng vào lớp dạy lào xào vài chữ, lo bán bán tài liệu học nhằm kiếm thêm chút đỉnh; ở dưới sinh viên cũng một ngày làm việc rã rời, gục lên gục xuống dăm chữ láo nháo, tuy vậy cũng còn tỉnh táo tìm cách đối phó với tiết mục bán “cua” của thầy, tiết kiệm túi tiền bằng cách chỉ định vài tên đại diện đứng ra mua “cua”, sau đó mang về photo phát lại cho cả lớp.
Dù sao, những lớp học như thế vẫn duy trì và phát triển mạnh mẽ để thày trả nợ thày, trò trả nợ trò. Mỗi tối thày bỏ túi riêng, trường có thêm thu nhập cho công nhân viên, trò thêm bằng cấp lận lưng chống trả với các đợt giảm biên chế, với bản báo cáo của cơ quan lúc nào cũng sẵn sàng trưng ra các bản thành tích vượt chỉ tiêu: Đại khái một trăm phần trăm tốt nghiệp đại học, ba mươi phần trăm có bằng thạc sĩ, tám mươi phần trăm cao cấp chính trị… chẳng hạn.
Mấy ông bà sinh viên tại chức nhăn nhó đâu có ai muốn tự ép mình đi học khổ sở như vậy đâu, tốn tiền, mất thời gian, kiến thức què quặt không dùng được. Tại cơ quan làm việc bắt buộc nhân viên phải tiêu chuẩn hóa, đại học hóa… Những ông bà đầu hai thứ tóc, vào hai ngày cuối tuần, sau giờ tan sở, dạy thêm… vẫn đầu tắt mặt tối ba chân bốn cẳng tất tả chạy đến lớp tại chức để… điểm danh, lo phân công một người làm bài để cả nhóm chép lại…, đâu có biết trường dạy cái gì đâu, chỉ sốt ruột mau mau tới ngày thi, mau mau kết thúc khóa học để lấy được tấm bằng mang nộp cho cơ quan, cho nhà trường kẻo bị “mất dạy”! Khổ quá, lúc nào cũng “phấn đấu” cho nên đã thành chuyện phổ biến từ lâu là người hộ lý giỏi học tại chức lên thành y tá trung bình và y tá trung bình tiếp tục đeo đuổi tại chức để trở nên bác sĩ tồi.
Kể chuyện ngày xưa. Rất nhiều công chức đi học bằng nguồn tiền ngân sách tức quỹ công. Ông Lư là trưởng phòng ở một “cơ quan sự nghiệp có thu” tức là cơ quan có kinh doanh buôn bán. Quanh năm suốt tháng ông đi học tại chức, văn bằng nhét đầy túi, nào đại học quản trị kinh doanh, cử nhân Anh văn, nào cao cấp chính trị, thạc sĩ luật… Tha hồ học bằng tiền của cơ quan, thời gian học trọn vẹn trong “tám giờ vàng ngọc” chứ không phải ngoài giờ hành chánh như đám cắc ké kỳ nhông đến lớp buổi tối vừa học vừa ngáp sái quai hàm. Học xong xuôi văn bằng bỏ túi, ông ra điều kiện nhậm chức Phó giám đốc, không được thì ông xin nghỉ việc về mở văn phòng riêng, kéo hết khách hàng của cơ quan về nhà mình! Vì thế có nơi đưa ý kiến khi chi tiền cho công chức đi học tại chức cần kèm theo hợp đồng chặt chẽ, kẻo “nuôi cò cò bay”. Lại một bà tốt nghiệp cử nhân từ trường đại học quốc gia, tiến sĩ cũng từ đó, dạy lớp tại chức cùng nơi, nhưng lại trề môi trường đó đào tạo sinh viên ra dở ẹc không biết làm gì cả (!), tui không thèm cho thằng con thi vào mà chọn trường RMIT của Úc! Cô thư ký che miệng nói nhỏ. Xì, chứ không phải con bả không đủ điểm vào trường công.
Nay thì học tại chức môn gì đều phải bỏ tiền túi ra. Nhưng vì tương lai, vì sự nghiệp tiến thân, vì đánh bóng lý lịch… thì phải tự mình đầu tư thôi.
SGCN