“Cô giáo như mẹ hiền”

Gần đây báo đưa tin một cặp vợ chồng làm nghề thợ hồ, phải gửi con trai 17 tháng vào nhà trẻ. Do đến chỗ lạ, đứa bé hay ra đứng trước cửa quấy khóc đòi về nhà. Bực tức, hai cô bảo mẫu đã tát, ném xuống tấm mút, đạp vào người, dẫm lên đầu… suốt mấy ngày để rèn bé vào quy củ. Kết quả bé tử vong vì chấn thương sọ não…
Cuộc sống ngày càng chật vật, đắt đỏ. Chỉ trừ số ít gia đình khá giả, người mẹ có thì giờ rảnh rỗi trông con, còn thì thông thường cả hai vợ chồng cùng ra ngoài đi làm đầu tắt mặt tối mới đủ sống.
Cũng có bà mẹ đành mang con nhỏ đến sở. Mẹ ngồi làm việc. Con lót tấm trải nằm sau lưng hoặc dưới gầm bàn. Tuy nhiên không phải đa số phụ nữ đều làm việc văn phòng. Nội quy dần nghiêm khắc và việc ấy không thể tiếp tục tại công ty tư nhân. Vì thế, trường mầm non được mở ra khắp nơi theo phường, quận đến số ít mở trong khuôn viên xí nghiệp, nhà máy lớn.
Hệ thống nhà trẻ mầm non công lập gồm hai bậc: Nhà trẻ nhận trẻ từ hai đến ba tuổi và mầm non từ bốn đến sáu tuổi.
Dân số tăng lên nhưng nhà và đất có giới hạn, không còn đất để xây trường nữa. Một ngôi trường đúng tiêu chuẩn phải có phòng ốc rộng rãi, sân chơi đầy đủ xích đu, cầu tuột, đu quay…. Giáo viên và bảo mẫu có bằng cấp sư phạm và sĩ số học sinh trong một lớp vừa đủ. Ngay nhà trẻ công lập hiện nay cũng khó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đó. Lương thấp và công việc căng thẳng nên ngành mầm non luôn luôn thiếu giáo viên. Về phía phụ huynh, ngoài học phí cao còn có thể đóng thêm nhiều loại tiền bên lề khác như bồi dưỡng cô, đóng góp chi phí cho các phong trào… Công nhân, nhất là dân nhập cư thường không kham nổi, hầu hết gửi con về quê hoặc thỉnh ông bà từ quê vào trông cháu. Nếu không đành gửi con cho các nhà trẻ tư nhân bình dân.
Gia đình khá giả gửi con cháu vào các trường tiện nghi, cao cấp. Nhà không có hộ khẩu đành đứng ngoài trường công lập, nhưng ngay cả có hộ khẩu thường trú vẫn khó khăn khi giờ giấc và đường đi làm không thuận tiện đưa đón con ở ngôi trường đúng tuyến, tức là hộ khẩu ở đâu phải học trường khu vực đó… Ngoài ra trường công chỉ nhận giữ trẻ đúng 24 tháng tuổi trở lên.
Vì nhiều lý do như vậy nên các nhà trẻ tư thục, tư gia ra đời và có nhiều loại căn cứ theo, dĩ nhiên là học phí.
Trường cao cấp nhất ở biệt thự rộng rãi, sân rộng hoa lá… Mỗi phòng học đều gắn camera cho phụ huynh ở xa vẫn có thể theo dõi sinh hoạt của con cái trong lớp. Tất nhiên giáo viên có phần e dè, cẩn trọng hơn nhưng họ cũng phản đối việc cùng lúc hàng chục phụ huynh gồm cha mẹ lẫn ông bà, chú bác…theo dõi lớp học và liên tục đưa ý kiến loạn xạ.
Loại trung bình là những căn nhà rộng hoặc có lầu sạch sẽ. Có thể ăn hai hoặc ba bữa. Chủ nhà mướn một cô giáo có bằng cấp đề phòng khi bị… kiểm tra hay người nấu ăn, giúp việc. Số nhân công tối giản nhưng công việc vẫn chạy vì không cần rườm rà nhân viên văn phòng. Chủ nhà là hiệu trưởng kiêm thư ký, kế toán, kiêm luôn nấu ăn, tạp vụ, đối ngoại, đối nội… Nhà trẻ loại trung bình cũng từng xảy ra mấy trường hợp cũng vào dạng khủng khiếp: nào là nhét dọa trẻ vào thang máy gây thương tích nặng nề, trẻ cắm đầu vào xô nước, hóc thức ăn…
Thấp nhất là giữ trẻ tư gia trong xóm do bà Bảy hay cô Tư quây một gian nhà thành nơi trông trẻ. Chẳng gì dễ bằng nghề giữ trẻ tư gia loại này. Không cần vốn liếng và kinh nghiệm cho lắm. Nhà chật nhận ít trẻ, nhà rộng nhận nhiều. Chật hay rộng chỉ là khái niệm tương đối vì chỉ cần vài mét vuông nền nhà lau sạch trải manh chiếu hay tấm thảm cao su thì dăm hay chục đứa trẻ đều ở được. Trong không gian chật chội xem chừng công việc càng dễ dàng vì gom trẻ vào một chỗ, người trông không cần vất vả quay tới quay lui nhiều. Chẳng cần nhiều đồ chơi vì khi có đồ chơi, con nít sẽ giành nhau hay là cắn hóc, cào cấu, đánh nhau… cũng chẳng cần sân rộng trông không xuể, trẻ chạy nhảy chơi đua dễ bị ngã, bị thương… sinh chuyện! Cho nên đám trẻ cứ trơ trụi bù lăn bù lóc trên khoảnh nền trống trơn là yên chuyện nhất.
Nhà trẻ tư gia bình dân đại trà nhất vì rẻ, gần nhà thuận tiện đưa đón, thường là lối xóm “giữ dùm” ngay trong xóm lao động hay các khu nhà trọ của công nhân. Lối hành nghề của họ rất linh hoạt. Mẹ sinh được nghỉ 6 tháng. Nếu nhà có hai bên nội ngoại trông giúp thì còn đỡ.. Có khi nghỉ trước khi sinh 1-2 tháng nên trẻ 4- 5 tháng đã phải đi gửi.
Trông nom trẻ loại này thường là người nhà trong gia đình. Họ có thể giữ từ sáu giờ rưỡi sáng tới năm rưỡi chiều chưa kể gần nhà, mẹ bế con đi gửi lúc trẻ còn đang ngủ. Nếu cha mẹ kẹt công việc tới tối mới lãnh về hay qua đêm cũng không sao vì chủ trông tại nhà, chứ tại trường mầm non thì đúng y bốn giờ rưỡi phải đón về do cô giáo và bảo mẫu cũng phải đi đón con, cũng phải về nhà cơm nước. Tư nhân sẵn sàng nhận trẻ luôn cả thứ Bảy và Chủ nhật. Nhiều bà mẹ đi công tác xa, đi từ khuya, làm thêm giờ, bị cấp trên khiển trách phải về trễ, thời vụ phải tăng ca… nhà trẻ công lập không đáp ứng được. Không kể nhiều trường hợp bé biếng ăn, bà mẹ rất mệt khi phải xúc cơm cho con hàng giờ, nhiều khi cả gia đình cha mẹ ông bà xúm xít vào vừa dỗ vừa chơi mãi mới xong bữa. Cho nên một số bà mẹ gửi quách con đi nhà trẻ để đỡ xúc cơm, rảnh tay làm việc khác. Tất cả đều trông cậy vào nhà trẻ tư nhân.
Ai cũng biết tiền nào của nấy. Nhiều tai nạn xảy ra ở “nhà trẻ bình dân”: Trẻ ngã, ngộ độc thực phẩm… Bà trông trẻ trong bộ đồ ngủ vải xoa ống thấp ống cao bận rộn vừa làm chuyện nhà vì gia đình cũng ở chung đấy… vừa vả vào miệng trẻ ăn chậm, tạt nước vào mặt trẻ không chịu uống nước…
Việc bạo hành trẻ xảy ra hoài khiến các trẻ tan lớp về là gia đình vạch trần xem có vết bầm nào không.
Bé gái 26 tháng tuổi ở Bắc Giang đi học 3 ngày đã bị nhiều vết đỏ, vết bầm tím ở vùng thái dương. Dù nhà trường có camera (nhưng bị hỏng!) nhưng nghi ngờ bị lôi vào góc khuất và đánh đến khóc thất thanh.
Tại Hà Nội, cô giáo giấu cháu bé vào góc khuất camera đánh, tát liên tục khi không chịu ăn. Bé gái đi 3 ngày đã khóc khản tiếng, tím một bên má. Một trường cao cấp giá hai chục triệu mỗi tháng cũng không kém. Cô nhốt bé vào tủ quần áo rồi lấy gối chèn cánh cửa khi bé gái nghịch, không nghe lời…
Ở Vĩnh Long. Bé trai 19 tháng tuổi đang giở ngủ trưa la khóc khiến các bạn thức giấc. Có dỗ nhưng bé càng la khóc to hơn, điên tiết cô tát nhiều cái vào miệng, vào má khiến sưng đỏ. Lo sợ, cô chườm nước đá thì vết đỏ càng lan rộng hơn…
Còn ở An Giang khi bé gào khóc không chịu ăn thì cô vừa “tọng” thức ăn vào họng vừa dùng tay tát vào mặt, vào đầu; dùng cây nhựa đánh vào đầu, vào tay.
Ở thành phố cũng không kém. Một cô phải xúc cho nhiều bé ăn cùng lúc. Có đứa không ăn lại còn nôn ói. Cô tát lia lịa vào má đến sưng đỏ. Cô phân bua đó chỉ là dọa thôi chứ không hề gây thương tích chi cháu bé. Một bé học lớp Mầm khi đi học về cha mẹ thấy trên hông và tay có vết bầm, trầy xước. Bị đối chất, cô giáo hoảng quá bỏ về quê Quảng Ngãi. Ban đầu gia đình đòi bồi thường tiền thuốc men gần 1 triệu nhưng trong buổi hòa giải, thấy nhà trường không nhận trách nhiệm, ông bố đã tăng bồi thường lên… 100 triệu!
Dư luận lên án hành động của cô trông trẻ là dã man, độc ác… nhưng người trong giới thì không lạ chút nào. Hoàn toàn không thể đòi hỏi các cô tay ngang này kiến thức về sư phạm và luật pháp.
Có vụ bị đưa ra công luận xử điển hình. Cô trông trẻ bị tạm giam, bé ba tuổi được nhận ngay vào một trường mầm non khác. Thế nhưng tới bốn giờ rưỡi trường tan học mà cha mẹ chưa tan ca. Phụ huynh lại phải gởi bé nhờ vợ ông bảo vệ công ty trông giúp. Lôi thôi quá đi mất.
Các công ty đã cổ phần hóa nên chẳng muốn mở nhà trẻ làm chi cho tốn tiền, mất công quản lý. Ngay cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của công nhân còn bị quỵt nữa là mở nhà trẻ cho thêm phiền phức.
Thu nhập hàng tháng của một cặp vợ chồng trẻ khoảng trên mười triệu đồng chỉ có thể gửi con vào nhà trẻ bao ăn khoảng 2- 3 triệu đồng. Với giá đó, có chỗ chịu nhận trẻ bò loanh quanh trên chiếu là may lắm rồi. Ở xa xa hoặc tỉnh khác mới có diện tích tạm chạy đi chạy lại một chút… làm sao có thể đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục, nào là cô giáo có bằng sư phạm mầm non, phòng học đủ diện tích, ánh sáng… hay là việc nuôi dạy phải bảo đảm tuyệt đối an toàn thực phẩm, vệ sinh, tính mạng…
Bây giờ đóng cửa loại nhà trẻ bình dân này thì dễ nhưng trẻ nhỏ biết gửi ai, gửi đâu với cái giá rẻ mạt đó. Còn không thì cha mẹ nghỉ làm ở nhà ôm con cùng đói.
Một bà về hưu đang nhận giữ ba trẻ trong xóm, đột ngột kêu giải tán lớp vì sợ có ngày bị bắt do vi phạm điều số mấy mấy… của bộ luật hình sự tội hành hạ người khác, điều mấy mấy của bộ luật doanh nghiệp vì mở lớp giữ trẻ mà không có bằng cấp chuyên môn… Phụ huynh năn nỉ gãy lưỡi xin bà giữ lớp, cam kết không kiện cáo dù… bất cứ chuyện gì xảy ra!
Chỉ khi nào có đầy đủ trường mầm non an toàn cho trẻ với học phí thấp và phù hợp giờ làm việc của các cha mẹ công nhân thì khi đó mới có thể nói đến việc dẹp các nhà giữ trẻ tại gia lộn xộn.
Có bài hát thiếu nhi: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền/ Cô và mẹ là hai cô giáo/ Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”.
Bà Thông có 3 dứa cháu ngoại, chép miệng: Nói gì thì nói chứ thực tế đâu có hoa mộng như bài hát. Như nhà tôi hồi hai ông bà trông một đứa trẻ cũng bận rộn suốt cả ngày. Nào khóc, nào ăn, nào bú, nào tắm, nào vệ sinh… Mà lại còn quấy khóc, ăn rồi phun ọc, rải cơm khắp cả mặt mình. Ở trường một cô trông mấy trẻ, có trẻ đằm tính, có trẻ tăng động, cũng có lúc phát bẳn. Nhưng đánh trẻ bầm tím mặt mũi thì quá đáng.
Bà tiếp lới: Thương nhưng không kham nổi. Lúc tôi còn đang đi làm thì con gái đầu sinh cháu. Nó nói bé quá gửi nhà trẻ tội nghiệp, thôi mẹ ở nhà giúp rồi con trả lương. Tôi nói liền: rồi tao về già, con mày lớn đi học thì mày có trả lương hưu cho tao không?
SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email