Dựng rạp đòi nợ nguyên phó công an huyện
Đến 16h30 chiều 20-8, hàng trăm dân chúng hiếu kỳ vẫn tập trung trước cừa nhà ông TĐĐ (nguyên phó Công an huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An), tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương để xem gia đình chị C đến đòi nợ ông Đ. Công an xã Đồng Văn phải cử lực lượng tới giữ gìn trật tự. Đây đã là ngày thứ 6 liên tiếp chị C (34 tuổi, cư ngụ tại xã Đồng Văn) và người thân đến trước cổng nhà ông Đ nằm để đòi nợ.
Theo đơn trình bày của chị C gửi cơ quan chức năng, trong thời gian chị làm người giúp việc, chăm sóc trẻ cho gia đình ông Đ, chồng chị đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, tháng nào cũng gửi tiền về cho vợ. Do ba mẹ con nghèo nàn, ở căn nhà thuê lợp lá lụp xụp, cửa nẻo không chắc chắn nên chị C không dám giữ tiền, hễ nhận được tiền của chồng gửi về là đều gửi vợ chồng ông Đ giữ giùm để nhờ ông mua giúp miếng đất, dựng căn nhà nho nhỏ để ba mẹ con trú ngụ. Đất ở quê tương đối khá rẻ chứ không cao như trên thành phố. Tổng cộng chị đã gửi vợ chồng ông Đ được 680 triệu đồng, đó là một số tiền cực lớn đối với gia đình chị.
Nay, nghe nói trong xã có người muốn bán một miếng đất hợp với túi tiền của chị kể cả tiền làm nhà, chị bèn hỏi ông Đ xem đã mua được nhà chưa, nếu chưa thì cho chị xin lại số tiền đó để chồng chị đi lao động nước ngoài do chuyện bệnh dịch Covid-19 đã về, hai vợ chồng tự đi mua cũng được. Ông Đ sẵng giọng hỏi lại: “Chị gửi tiền tôi hồi nào mà đòi?”, và ông nói tiếp: “Tôi không nợ ai một xu nào cả, chị đừng có đòi tầm bậy tầm bạ”. Chị C. không ngờ ông Đ phó công an huyện, lớn như ông trời, rất giàu có, chủ nhà của chị lại, lật lọng muốn chiếm đoạt số tiền mò hôi nước mắt do chồng chị đi lao động cực nhọc suốt mấy năm trời làm ra. Gia đình ông Đ đối với chị vừa là người làng lại vừa là chủ nhà đối với người làm công hết sức thân thiết từ bao năm nay, không ngờ sự việc lại diễn ra bất ngờ kỳ lạ như vậy, chị không biết trả lời thế nào, chỉ bật lên tiếng khóc.
Theo chị C cho biết, là người giúp việc nên lúc gửi tiền chị không dám xin ông viết giấy biên nhận. Bi chừ không có giấy tờ chứng minh, chị ở thế yếu nên từ ngày 14-8-2020, chỉ biết khóc rồi cùng bà con họ hàng đến trước cửa nhà ông Đ đòi nợ, sau đó dựng rạp khiêng giường tới, ba mẹ con ngày đêm ăn ngủ ở đấy để “đấu tranh” với hạng người tham lam chiếm đoạt. Anh T chồng chị C không dám xuất hiện. Anh mới đi lao động ở bên Đại Hàn về, được nhà nước hỗ trợ tiền máy bay, đã cách ly 14 ngày, xét nghiệm âm tính với Covid-19 nhưng không dám đến chỗ đông người, vì như rứa là trái nguyên tắc phòng dịch bệnh, chỉ ở nhà lo việc cơm nước cho vợ con rồi đứa con gái lớn sẽ về lấy. Ngày nào dân chúng cũng kéo đến xem đông như chợ, nhiếu người còn hăng hái chửi bới và kêu xông vô phá cửa, đánh đi họ sẽ đánh giùm. Vợ chồng ông Đ cố thủ trong nhà, không dám ra ngoài.
Ông Nguyễn Quốc Chương – chủ tịch UBND xã Đồng Văn – cho biết: “Sự việc chưa rõ ràng, hai bên còn đang tranh cãi, tố cáo lẫn nhau. Một bên nói có gửi tiền, một bên nói không có gửi tiền mà đó chỉ là sự vu khống. UBND xã chưa biết giải quyết thế nào, đành chờ ý kiến của UBND huyện”.
Ông Trịnh Văn Nhã – chủ tịch UBND huyện Thanh Chương – cho biết, phía huyện đã giao cho công an vào cuộc, điều tra, làm rõ việc thưa gửi của chị NTC đồng thời vận động bà con không nên quá khích và tập trung đông đúc tại cửa nhà ông Đ trong thời gian ni là lúc đang có bệnh dịch COVID-19.
Miền Tây: Nạn giang hồ cho vay nặng lãi vẫn hoành hành
Núp bóng công ty, cho vay nặng lãi
Ngày 17-8-2020, công an tỉnh Hậu Giang (gồm 5 huyện là Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành A, Châu Thành B, và 2 thành phố là TP Ngã Bảy ở Phụng Hiệp và TP Vị Thanh ở Vị Thủy tức tỉnh Vị Thanh cũ trước năm 1975) cho biết, trong thời gian tới, công an sẽ tiếp tục ra quân truy quét các đối tượng cho vay nặng lãi.
Mùa dịch Covid-19, một số khu công nghiệp đóng cửa, công nhân thất nghiệp, trở về quê không có việc làm. Lợi dụng tình hình đó, bọn cho vay nặng lãi thành lập các công ty để núp bóng, qua mặt cơ quan chức năng, cho vay với lãi suất cao khủng khiếp.
Ngày 15-8, phòng cảnh sát hình sự kết hợp với công an địa phương, đã kiểm tra 3 công ty ở TP Vị Thanh và TP Ngã Bảy (gồm Cty Đại Dương; Cty Ngân Tín; Cty Thịnh Tín Phát) và thu giữ nhiều tài liệu có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, đồng thời bắt giữ 4 kẻ trong các công ty nói trên để điều tra.
Theo lời khai của các đối tượng, để được vay tiền, người vay phải đem xe máy, kèm theo thẻ đăng bộ xe do mình làm chủ, giấy CMND và sổ hộ khẩu đến mới được làm hồ sơ vay. Lãi suất vay cứ một triệu đồng thì phải trả lãi 4.000 đồng/ngày, tức 144% /năm, cao gấp hơn 7 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của chính phủ.
Tín dụng đen
Tín dụng đen (tiếng Anh là usury) tức cho vay phi chính thức, ngoài khuôn khổ hoạt động của hệ thống ngân hàng và không tuân theo bất cứ một qui định của pháp luật. Các tổ chức đó cho vay với lãi suất cực lớn nên không có giấy tờ gì cả. Nếu người vay không có tiền trả hoặc ỳ ra không chịu trả thì tổ chức sẽ cho những kẻ đầu trâu mặt ngựa đòi nợ thuê – ngoài Bắc ngày trước gọi là bọn “nặc nô” – đến “xin tí huyết” nên dù không có tiền cũng phải bán nhà cửa, bán vợ đợ con để trả bằng được.

Theo công an địa phương, những đối tượng cho vay nặng lãi thường nhắn tin, phát tờ rơi, quảng cáo..vv.. tại các khu đông dân cư với nội dung rất hấp dẫn như “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay”, “Chỉ cấn a-lô một tiếng là có tiền liền…”, kèm theo số điện thoại liên lạc. Phần lớn các đối tượng cho vay nặng lãi có nhiều nhóm ở các tỉnh ngoài Bắc vào, thuê nhà tạm trú hoặc kết hợp với người địa phương để hoạt động.
Chúng có thể cho vay trực tiếp hoặc núp bóng các cơ sở cầm đồ, cho thuê xe, công ty tài chính… Để trốn tránh pháp luật; Chúng thường yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản với lãi suất rất cao, có thể lên tới 40%/tháng tức 480%/năm.
Nguyễn Ngọc Long (38 tuổi, ngụ P.Hàng Bột, quận Đống Da, TP.Hà Nội) bị Công an TPVĩnh Long khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi. Lãi suất mà Long cho người dân vay lên đến 540%/năm. (Tức vay 10 triệu đồng thì cuối năm phải trả 54 triệu + 10 triệu đồng vốn = 64 triệu đồng. Trên thế giới chắc không có ai bắt trả tiền lãi khủng khiếp như vậy). Theo kết quả điều tra, từ cuối năm 2018 đến tháng 10-2019, Nguyễn Ngọc Long cùng Phạm Tiến Minh (32 tuổi, quê quán tại tỉnh Vĩnh Phúc ngoài Bắc), vào thuê nhà tại TP Vĩnh Long để hoạt động cho vay với lãi suất từ 20 – 45%/tháng, tương đương 240 – 540%/năm.
Hai người đó quy định, những người có nhu cầu vay tiền, trực tiếp đến gặp Long – Minh để thỏa thuận vay với hai hình thức là vay trả tiền lãi mỗi ngày và vay “đứng”, tức chúng sẽ trừ ngay tiền lãi trước khi trao tiền vốn. Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần đưa giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và viết biên nhận vay tiền.
Đối với những người vay không trả nợ đúng hạn, chúng sẽ giữ Chứng minh Nhân dân và Sổ hộ khẩu đồng thời tính thêm tiền lãi kể từ ngày món nợ đáo hạn. (Ở VN, giấy CMND và Sổ hộ khẩu hết sức quan trọng, công an luôn luôn hỏi đến).
Còn Đỗ Văn Quý (31 tuổi, quê quán tại Hải Phòng) đã bị công an Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tống đạt quyết định khởi tố về hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Trước đó, lực lượng công an Phú Quốc kiểm tra nơi tạm trú của Đỗ Vaun Quý, phát hiện Quý hoạt động cho vay nặng lãi với nhiểu giấy CMND và Sổ hộ khậu của những người vay lãi bị Quý cất giữ.
Tại sao người ta không vay ngân hàng mà lại vay của bọn xã hội đen? Bởi vì muốn vay ngân hàng phải có nhà cửa khang trang với văn tự đầy đủ để thế chấp, rồi cán bộ ngân hàng sẽ xuống kiểm tra, duyệt xét vớt thời gian trước khi được “sếp” ký quyết định cho vay rất lâu lắc. Dân nghèo đã phải đi vay nợ thì làm gì có nhà cửa khang trang để thế chấp? Hơn nữa thường là họ cần gấp, như vợ ốm, con đau nặng chẳng hạn, nên đành nhắm mắt vay bọn xã hội đen. Ở trong nước luôn luôn xảy ra những vụ bắt người, đánh người, đân thuê chém mướn, đa số là do những bọn đi đòi nợ thuê gây ra. Nhà nước CSVN đã ra sức cấm đoán nhưng vẫn chưa giải quyết được tận gốc vì có quá nhiều người nghèo cần đi vay nợ.
Chủ quán bắt nữ khách quỳ xin lỗi
Nguyễn Văn Thiện, 47 tuổi, chủ quán “nhắng nướng” Hiền Thiện, bị khởi tố do đe doạ, bắt nữ khách quỳ xin lỗi sau khi cô phản ảnh đồ ăn có giun sán trên Facebook.
Quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam Nguyễn Văn Thiện về tội “Hành hung và làm nhục người khác” được công an thành phố Bắc Ninh công bố tối 19/8/2020. Nhưng trước hết chúng ta thử tìm hiểu xem quán “nhắng nướng” là quán bán thứ gì.
Theo danh từ ngoài Bắc hiện nay, “nhắng” không phải là một con vật hay một loài vật mà là những thứ gì như lòng heo, tim heo, gan heo, chân giò…, kể cả các loại thủy hải sản như cá, lươn, tôm, cua… có thể chế biên, dùng làm món ăn hay các đồ nhậu. Như vậy, quán “nhắng nướng” chỉ là một trong các quán chuyên bán đồ nướng các loại thức ăn. Ở miền Nam không có danh từ này nhưng có các nhà hàng ngoài trời (mưa thì che dù) kêu là “Làng Nướng” rất lớn, mỗi buổi chiều tối – nhất là thứ Bảy, Chủ nhật – khách đông vô cùng.
Chủ quán tên Nguyễn Văn Thiện mở quán “nhắng nướng” ở đường Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh hơn 10 năm nay. Công an cho biết, theo điều tra, tối 17/8/2020, có một cô gái 27 tuổi cùng cô bạn đến ăn tại quán nhắng nướng của ông Thiện. Khi đang ăn uống cô bỗng thấy trong món lòng non nướng có giun sán nên kinh hoảng báo với người quản lý quán. Người này không nói gì, không đổi món khác mà cũng không xin lỗi. Cô tức giận gọi tính tiền rồi cùng cô bạn bỏ ra về, tối hôm ấy bèn đưa câu chuyện này lên Facebook.

Hôm sau, tức 18/8/2020, chủ quán Nguyễn Văn Thiện cho rằng cô gái cố tính làm hại mình nên sai người tìm cô bằng được, lôi cô về quán và đe doạ: “Mày sống ở đâu trong cái đất Bắc Ninh này tao cũng tìm ra được. Mười đứa như mày tao còn coi như nhãi nhép chứ mày thì ăn thua gì”. Hắn tát cô tới tấp rồi sai người làm công tên Lăng Văn Vân (27 tuổi) lấy gậy quật cô liên hồi, bắt cô quỳ xuông xin lỗi. Y nói: “Mày không quỳ thì tao cho nó đánh chết!”. Thấy thái độ dữ dằn của chủ quán, hơn nữa bị đánh đau quá nên cô gái vừa khóc vừa quỳ xuống xin lỗi. Hắn bắt cô hứa từ nay không dám “bôi xấu” quán nhắng nướng của hắn nữa, bấy giờ mới tha cho về.
Cái ngu của chủ quán Hiền Thiện là coi việc ra oai và làm nhục cô gái là một phương tiện để đe doạ những kẻ muốn cạnh tranh với quán Hiền Thiện nên bèn đưa đoạn video clip hành hung và làm nhục cô gái lên mạng xã hội. Ngay hôm sau, tức 19/08/2020, hắn và gã làm công tên Lăng Văn Vân bị công an đến kiểm tra, đọc lệnh bắt của các đơn vị chức năng thành phố Bắc Ninh, đưa về cơ quan để điều tra, làm rõ sự việc để lập hồ sơ khởi tố ra toà về tội hành hung và làm nhục người khác.
Đời còn có những tấm lòng nhân ái
Chỉ trong vòng một đêm, khi biết hoàn cảnh hết sức khó khăn của ông “xe ôm” Nguyễn Văn Hải, mọi người đã quyên góp được 38 triệu đồng, giúp ông hai món quà bất ngờ là một chiếc xe máy mới tinh và chiếc điện thoại di động mới.
Hai món quà bất ngờ đối với ông xe ôm nghèo
Ông Nguyễn Văn Hải rụt rè bước vào cửa hàng xe máy. Dù nhân viên cửa hàng mời ngồi, ông vẫn không dám ngồi vì sợ bộ quần áo lao động của mình làm bẩn ghế. Một lúc sau, khi chiếc xe mới tinh đã được lắp ráp đầy đủ các phụ kiện và dắt ra thử máy trước mặt khách hàng, người đàn ông 65 tuổi nghèo nàn vẫn chưa dám tin đây là chiếc xe mọi người quyên góp, mua tặng cho mình. Ông ứa nước mắt thốt lên: “Sự thiệt từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ tui dám mơ ước tới».
Ông Nguyễn Văn Hải làm nghề chạy xe ôm, sống với vợ con trong một căn nhà trọ nhỏ ở đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Sài Gòn. Thu nhập của cả gia đình gần như chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe máy cũ, yên đã rách nát. Cũng vì cái xe quá cũ mà số tiền ông kiếm được mỗi ngày khá thất thường. “Bữa nào may mắn lắm thì được hơn 100 ngàn, còn đa số chỉ khoảng vài chục ngàn vì khách chê xe quá cũ, không đi. Đăng ký chạy Grab thì xe cũ họ cũng không nhận”, ông kể.
Phơi mặt suốt ngày ngoài đường nhưng để tiết kiệm, ông Hải thường không dám tiêu pha gì. Đến bữa, ông ghé vô chiếc tủ đựng các bánh mì từ thiện của chị Phạm Ngọc Loan trên đường Tân Hương, quận Tân Phú, để lấy một chiếc bánh miễn phí để ăn, xong múc một ly trong chiếc thùng nhôm đưng nước trà đá để trên chiếc ghế bên cạnh cũng cũng của chị dành cho người nghèo.
Khoảng 7 giờ tối hôm 18/8/2020, ông Hải lại ghé tủ bánh miễn phí nhưng bánh đã hết, chiếc tủ kiếng dán miếng giấy: “Ai cần thì lấy 1 chiếc, không cần trả tiền” trống trơn. Cả ngày ế ẩm, ông Hải hết sức thất vọng nhưng vẫn ráng hỏi chị Loan chủ cửa hàng tạp hoá nho nhỏ gần đấy xem chị còn dư ổ nào không.
Thấy ông xe ôm hai tay run run vì đói, chị Loan không nỡ nói chẳng còn ổ nào cả mà gọi một hộp cơm mời ông ăn và hỏi thăm hoàn cảnh của ông. Nhìn cái xe cũ lại treo thêm một chai dầu nhớt lủng lẳng, “bà chủ tủ bánh mi miễn phí” ngạc nhiên hỏi và được ông cho biết chiếc xe cũ qúa thường nhớt dọc đường nên ông phải đem theo chai nhớt để “cứu hộ”.
“Thường ngày nhà có bánh trái gì tôi cũng hay mời chú ấy. Nhưng bữa đó không có gì nên mua tặng chú hộp cơm. Chú ấy kêu ngon, ăn hết sạch không còn một hột”, chị Loan kể.
Tủ bánh mì từ thiện của chị Loan đặt trước nhà khoảng một tháng nay. Mỗi ngày chị đặt vào đó khoảng 100 ổ kèm chai nước tương để giúp những người khó khăn có bữa ăn tạm. Những hôm được bạn bè ủng hộ, chị mua thêm bánh bỏ vào tủ. Có ngày hơn 200 ổ cũng hết. (Một ổ bánh mì hiện nay giá 5 ngàn đồng. 100 ổ = 500 ngàn đồng. Ngày nào chị Loan cũng bỏ vào tủ 100 ổ như thế là lớn chứ không phải nhỏ. Ở các khu lao động nghèo tại Sài Gòn và Chợ Lớn có nhiều người đặt “Tủ bánh mì miễn phí” như vậy.- ĐD).
Cũng từ hôm đó, chị Loan để ý thấy ông Hải đều đặn đến lấy bánh mì và ăn tại chỗ. Có hôm một lần, có hôm hai lần, cả sáng lẫn chiều. Mỗi lần như vậy ông rưới nước tương rồi uống một ly trà đá xong lại đi tiếp, tất nhiên là… khó có khách vì chiếc xe quá cũ.
Nghe câu chuyện của ông Hải, lại thấy ông gầy gò, ốm yếu, ăn mặc nhếch nhác vì quá túng thiếu, chị Loan thương lắm. Chị bèn viết lên trang Facebook cá nhân của mình một bài kể về hoàn cảnh kèm theo số điện thoại của ông, kêu gọi mọi người hễ ai có nhu cầu đi xe ôm hoặc cần chở hàng gì thì gọi số điện thoại đó để giúp ông có thêm thu nhập.
Chị Loan không ngờ được rằng chị chỉ kêu gọi mọi người đi giùm xe của ông Hải thôi, nhưng ngay đêm hôm đó bài viết của chị đã có tới hơn 1500 người đọc và các hôm sau có nhiều người đã gửi tới chị gần 10 triệu đồng, cũng có người gứi gạo, mỳ gói, nhờ chị chuyển cho ông Hải.
Gần 12h đêm 18/8, khi coi Facebook, cô Nguyễn Đỗ Trúc Phương, 26 tuổi, ở quận 1, đọc được bài viết về hoàn cảnh của ông Hải nên cũng viết bài đăng lên trang cá nhân của mình, kêu gọi bạn bè hỗ trợ. Cô mong xin được khoảng 10 triệu để mua một chiếc xe máy cũ tặng ông Hải, giúp ông có phương tiện tốt hơn chở khách. Sau đó, Phương tắt máy đi ngủ.
Sáng hôm sau, vừa mở điện thoại, Phương bất ngờ khi thấy tin nhắn báo hơn 100 giao dịch chuyển tiền ủng hộ ông Hải. Từng nhiều lần kêu gọi bạn bè góp tiền giúp đỡ những người khó khăn, Phương chưa bao giờ nhận được nhiều sự chung tay như lần này.
“Bình thường, mình chỉ nhận được sự ủng hộ của người nhà và những người bạn thân thiết. Nhưng với trường hợp của ông Hải, có đến hơn một nửa là các tài khoản lạ chuyển tiền. Tổng cộng tới gần 38 triệu đồng từ những người có lòng tốt gửi đến”- Trúc Phương cho biết như vậy.
Khi thấy đã số tiền đã đủ, Phương khóa tài khoản, ngưng nhận hỗ trợ đồng thời công khai số tiện cho được minh bạch và cũng loan báo trên Facebook quyết định dùng số tiền đó mua tặng ông Hải một chiếc xe máy mới tinh lấy tại đại lý.
Ông Hải nhớ lại: “Sáng hôm đó cũng có nhiều người gọi điện thoại nói muốn giúp tui, nhưng nghe cháu Phương nói tặng xe máy mới thì tui hổng dám tin. Đến khi gặp cháu, tui vừa mừng vừa lo”.
Ngay trong ngày, Trúc Phương dẫn ông Hải đi mua xe máy, vẫn còn tiền nên mua cho ông một chiếc điện thoại mới thay cho chiếc điện thoại cũ loại khuyến mãi ông xài đã lâu nên luôn luôn bị trực trặc. Phương cũng dẫn ông đi siêu thị mua quần áo, giày dép mới rồi trao số tiền còn lại cho ông.
Ngày hôm đó, ông Hải đến nhà chị Loan để cám ơn. Chị mời ông uống cà phê, ông từ chối: “Cô cho hoài tốn tiền, tui ăn bánh mì như cũ là được rồi. Cô để dành mua bánh mì giúp những người khó khăn khác”.
Với phương tiện mưu sinh mới, mấy hôm nay ông Hải đã nhận được thêm nhiều cuốc xe. Nhiều người biết số điện thoại cũng gọi đến kêu ông chở hàng. Chiều 23/8, ông gọi điện thoại khoe với Phương: “Từ mấy bữa nay ngày nao tui cũng kiếm được cỡ 400 ngàn đồng trở lên chớ không ít đâu”. Được tin đó Phương rất mừng. Nhờ những tấm lòng nhân ái, gia đình ông Hải thực sự đổi đời, những đứa trẻ được ăn đi học đầy đủ, không còn phải bị bữa đói bữa no.
Đoàn Dự