Nguyễn Thơ Sinh
Khi bạn đọc bài này, vụ bắn tập thể tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas của Florida hôm Valentine’s Day vẫn chưa lắng xuống. Nó không thể lắng xuống vì dư luận buộc phải quan tâm đến. Súng bắn ở trường học trở thành chuyện cơm bữa, cảm xúc của dư luận bị dồn vào chân tường. Hiển nhiên hiệu ứng “giọt nước cuối cùng tràn ly” lan rộng trong công chúng Mỹ như vết dầu loang là điều tất yếu.
Vâng. Mới già nửa tháng hai, cụ thể vào hôm Valentine’s Day nhiều người còn bận rộn với Lễ Tình Nhân, 17 mạng người bị cướp đi: 14 học sinh trung học, 2 nhân viên, và 1 giáo viên. Xạ thủ là một học sinh cũ của trường bị đuổi học trước đó. Như dự đoán của nhiều người cậu ta sẽ tấn công trường học. Không sai. Cậu học sinh này mang một khẩu AR-15 vào trường rồi giật chuông báo động. Nhiều học sinh ùa ra khỏi lớp vì tưởng còi báo động thỉnh thoảng trường vẫn tiến hành tập định kỳ. Chẳng em nào nghĩ đó là cái bẫy nguy hiểm chết người…
Nikolas Cruz. Một cái tên thoạt nghe rất bình thường, thậm chí có chút quen thuộc. Có người nghĩ cậu là hậu duệ di dân gốc Mexico. Có người nghĩ cậu là công dân Mỹ gốc Cuba, hay bố mẹ cậu đến từ một nước Châu Mỹ La tinh nào đó. Nhưng thông tin cập nhật sau cùng cho biết gia đình ông bà Roger Cruz và Lynda Cruz đã nhận nuôi Nikolas Cruz từ lúc cậu còn rất nhỏ.
Khuôn mặt xạ thủ không có vẻ ác độc hay nguy hiểm. Ngược lại, nếu ảnh xạ thủ được giới thiệu trong một bối cảnh khác, người ta sẽ nghĩ đây là một kế toán viên, một kỹ sư, một nha sĩ, một nhạc công dương cầm, một luật sư, thậm chí một ông nghị trong tương lai… Không ai nghĩ Nikolas Cruz là xạ thủ nã đạn vào những học sinh học cùng trường với mình.
Mười chín tuổi đầu. Nói trẻ không trẻ. Nói lớn không lớn. Đủ để gây tranh cãi tại sao Nikolas thực hiện một hành động (người bình thường chỉ nghĩ đến thôi) đã nổi da gà. Có người lên án. Lắm kẻ động lòng trắc ẩn (vì họ không tin tự nhiên một đứa trẻ bình thường, được giáo dục bình thường sẽ trở thành một sát nhân máu lạnh). Có người ngao ngán: Trách nhiệm quản lý súng đạn quá lỏng lẻo. Có kẻ đổ thừa: Tại phụ huynh không dạy con nên chuyện này mới xảy ra. Rồi người ta đổ lỗi cho nhà trường, cho hệ thống giáo dục. Không ít đã tố cáo FBI thiếu trách nhiệm, không chịu điều tra cặn kẽ khi nhận được tin báo về xạ thủ Nikolas Cruz. Còn Tổng thống Trump và NRA (National Rifle Asociation) vẫn một mực đinh ninh nguyên nhân những vụ bắn tập thể do xạ thủ “đầu óc có vấn đề”. Bất luận với lý lẽ nào, chuyện này hiển nhiên là nỗi bất hạnh lớn lao cho gia đình Nikolas và những nạn nhân.
Thực ra đề tài súng đạn và những vụ bắn người tập thể khiến dân Mỹ ngán tận cổ. Họ không muốn nói đến nó nữa. Nạn nhân ngã xuống. Hung thủ bị bắt. Lẽ ra mạng đền mạng. Đền đúng tội. Đền đúng mức… Nhưng không. Những gì họ nhìn thấy thường không phải vậy.
Khái niệm xét xử công bằng due process (fair treatment through the normal judicial system, especially as a citizen’s entitlement) là nét đặc trưng của hệ thống tòa án Mỹ. Công dân được pháp luật công nhận vô tội cho đến khi chứng minh có tội. Nôm na, công dân Mỹ, thậm chí công dân nước ngoài phạm tội trên đất Mỹ nghiễm nhiên được luật pháp Mỹ bảo vệ. Hồ sơ mỗi vụ án được xét xử đúng luật khá chặt chẽ. Sẽ có công tố viên, có luật sư bào chữa (nếu can phạm không có khả năng thuê luật sư, chính phủ sẽ cử một luật sư công cãi hộ), rồi có bồi thẩm đoàn; quăng lên quật xuống chán, sau đó Tòa mới có phán quyết. Nhiều vụ kêu án tử hình, thủ tục tố tụng kéo dài lê thê nhiều năm. Hay nếu chịu nhận tội, mức án tử hình giảm xuống còn chung thân, thành ra nhiều vụ khiến người ta có cảm giác chìm xuồng!
Vâng. Mỹ có một rừng luật. Song nhiệm vụ của một luật sư không thuần túy đứng về lẽ phải. Mà nhiệm vụ của luật sư (tìm mọi cách) để bảo vệ thân chủ. Họ tìm mọi kẽ hở của luật pháp với mục tiêu xin “mức án thấp nhất” cho thân chủ. Vì thế, không có chuyện “ác nhân” hay “thất đức” ở đây. Đơn giản đây thuần túy chỉ là những thủ tục đàm phán… kết quả đôi khi rất vô lý! Khá dễ hiểu, tiếng tăm một luật sư không nằm ở chỗ ông ta thành công trong việc vạch trần cái ác, mà nằm ở chỗ vị luật sư đó có tài hùng biện thuyết phục chánh án thân chủ của mình bị cáo buộc oan ức (dù tội trạng rành rành).
Vả lại tòa án Mỹ luôn cân nhắc xem “thần kinh” sát thủ có bình thường (?) tức nếu sát thủ có vấn đề tâm lý, anh ta sẽ không đủ tỉnh táo phân biệt hành vi đúng sai. Khi không thể phân biệt đúng sai, anh ta không nên bị xử án như người tỉnh táo bình thường. Cứ thế, mượn vào những lý do tổn hại tâm lý (vốn rất sẵn), như sang chấn tâm lý PTSD, trầm cảm, bệnh án thần kinh, phản ứng phụ sử dụng một số loại thuốc tây, nạn nhân của bạo hành, bạo lực gia đình, tâm thần phân liệt… Cuối cùng quá trình xét xử không thể diễn ra chóng vánh như mong đợi (vì) phải phân tích tâm lý nghi phạm rất nhiêu khê…
Mà không thế cũng không được. Mỹ không sử dụng luật rừng. Mọi cái đâu vào đó. Nhiều người nghĩ chưa hẳn đây là điều tốt. Nhưng nếu nằm trong cảnh người thân vướng vòng lao lý, bạn có thể sẽ nghĩ khác. Tóm lại: Luật pháp Mỹ (dân sự lẫn hình sự) được các luật sư khai thác, bên này được thì bên kia mất, hoặc đàm phán thương lượng nhiều lúc đem lại những kết quả thật sự bất ngờ…
Nói vậy để giải thích tại sao nhiều vụ bắn người ở Mỹ xảy ra. Súng đạn (ta không bàn nữa). Cãi vã mãi cũng chỉ bằng thừa. Bởi lời nói suông và lý luận giằng co không phải là địch thủ của vận động hành lang, tiền bạc đổ ra như vỏ hến. Hơn nữa Mỹ làm sao thu hồi hết số súng lại được? Nói tới chính phủ: Sống chết mặc bay. Kêu gọi các ông nghị, bà nghị: Xin lỗi, chúng tôi đã tận sức. Ngao ngán nhìn nhau: Khôn chết, dại chết, biết sống. Vấn đề ai dám bảo là mình “biết” trước chuyện gì xảy ra để tránh.
Ngoài ra Mỹ đang đối diện với một nan đề khá gay cấn: Rất nhiều cá nhân trong xã hội trong tình trạng tâm lý bất ổn. Khi chính quyền bất lực, giới quyền thế và giới đầu nậu chỉ biết nghĩ đến tư lợi túi riêng, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng nhiều người đồng lương không đủ sống, xã hội băng hoại, nạn thuốc phiện bung tràn, cần sa hợp pháp hóa khắp nơi, Nhà Trắng thất bại trong vị trí “cầm cân nảy mực”, công việc bấp bênh, khoảng cách giàu nghèo chênh lệch quá lớn, nền tảng gia đình lỏng lẻo, các trang mạng xã hội gần đây thường xúi bẩy, kích động, tương lai mù mịt, lớp trẻ mất phương hướng; đã thế súng đạn quá sẵn, thử hỏi ai dám kỳ vọng điều gì tử tế hơn!
Các bậc phụ huynh bắt đầu ngao ngán. Cứ đà này, súng nổ như cơm bữa, buổi sáng đưa con đi học không biết chuyện gì xảy ra? Nhiều người nơm nớp lo. Thậm chí lắm phụ huynh nghĩ đến chuyện không đem con đến trường nữa. Dạy học ở nhà ư? Chẳng lẽ một trong hai người phải nghỉ việc ở nhà trông con.
Rồi nay mai sẽ có nhiều nhân viên an ninh được thuê, hoặc nhiều thiết bị dò tìm vũ khí (súng, dao, các loại kim khí) được lắp đặt tại trường học. Kỹ nghệ sản xuất máy móc dò tìm vũ khí sẽ ăn nên làm ra. Nếu bạn nhanh chân, mua cổ phiếu của các công ty này khả năng lãi to rất cao. Hoặc nhiều chương trình an ninh thắt chặt, các đường dây nóng (hot line) giúp dân chúng cảnh báo các trường hợp khả nghi.
Liệu sẽ có những cuộc biểu tình xuống đường đủ mọi quy mô kêu gọi giới hữu trách đưa ra những biện pháp can thiệp cụ thể? Nhà Trắng sẽ đối diện với những cáo buộc “thông đồng” với giới lobbyist súng đạn? Đảng Cộng hòa sẽ bị lên án? Hay dư luận Mỹ cảm thấy nạn “bắn người” quá đủ rồi: Enough is enough! Họ bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về giải pháp cho nạn súng đạn hiện nay?
Nếu bạn có con đang tuổi đến trường, bạn có hướng dẫn con những kỹ năng tự vệ tối thiểu: Thấy chuyện lạ, lộn xộn, phải tìm nơi ẩn náu thật nhanh, hoặc nằm ẹp xuống giả chết khi nghe tiếng súng nổ (vì) xạ thủ thường nhắm các mục tiêu đứng yên hoặc sớ rớ, tránh trở thành mục tiêu trong tầm ngắm, luôn chú ý quan sát chung quanh, thậm chí bạn phải nhắc nhở con thường xuyên cảnh giác…
Với vụ bắn học sinh xảy ra lúc hai giờ chiều hôm thứ tư Valentine’s Day tại Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas của Florida, một lần nữa nước Mỹ được cảnh báo: Đừng ỷ lại, don’t take anything for granted, hãy cảnh giác, những chỗ đông người như nhà thờ, chợ, trường học, bệnh viện, đại nhạc hội, địa điểm du lịch… là nơi mỗi lần đến đó bạn hãy làm quen với lối suy nghĩ: Có thể hôm nay mình sẽ là nạn nhân của một vụ bắn người tập thể, đây!
Nguyễn Thơ Sinh