Con cá cơm tháng năm…

1.

Tháng năm không hẹn đã về, đã nửa tháng năm trầm qua với những lo toan, phiền muộn trước cuộc sống chỉ mong cầu bình thường. Nhưng đời thường dường như lại là cái khó đạt tới nhất trong đời sống khi tự thân mỗi người đã dần mất khả năng tự chủ trong cuộc sống hiện tại và hiện đại. Khả năng làm chủ bản thân ngày càng eo hẹp trong đời sống bất an với các phương tiện truyền thông và giao tiếp nhanh chóng nhưng khó tin vì bất nhất bây giờ.

Ngày xưa, một người ngoài bắc muốn đi thăm một người bạn trong nam là một cuộc mạo hiểm. Nguyễn Bính chỉ đi từ bắc vô nam thôi mà đã thống thiết viết nên câu thơ nổi tiếng, “quê nhà xa lắc xa lơ đó/ ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay…” Không như bây giờ chỉ mua cái vé máy bay là hai tiếng sau Sài gòn-Hà nội đã gặp nhau. Ngày xưa có giận lắm trong lòng thì khi ngồi viết lá thơ chia tay một người bạn, người viết cũng có thời giờ để suy nghĩ lại nhiều hơn bây giờ là gởi đi một tin nhắn, một điện thư vắn tắt mà người gởi chỉ bấm điện thoại trong vòng một phút là có thể cắt đứt giao tình đã có vơi ớhau từ lâu. Không ai còn thời giờ để nghĩ lại, không ai còn thời gian để bình tâm, không ai còn làm chủ bản thân mình trong đời sống vội, vì ngày xưa ngồi viết lá thư chia tay không mong gặp lại với một người bạn là có thời gian để cân nhắc quyết định của mình. Nếu tin tưởng quyết định là đúng đắn, là cần thiết thì người viết cũng có thời gian để lựa lời, chọn câu chữ viết ra sao cho không còn liên lạc thì cũng đừng làm tổn thương người quen biết cũ. Lại còn đắn đo lần cuối trước khi bỏ phong thơ vào thùng thơ ở bưu điện, người viết có thể suy nghĩ lại về tình nghĩa, kỷ niệm… rất có thể cầm phong thơ về nhà chứ không gởi đi như cho bạn thêm một cơ hội cũng là cho mình thêm cơ hội sống độ lượng. Nhưng bây giờ dùng tin nhắn với điện thơ thì viết trên điện thoại chỉ đôi dòng trong vòng một phút, đặc biệt là bấm nút “gửi” chỉ cần một giây, không có thời giờ suy nghĩa lại, không có cơ hội cho nhau thêm thời gian…

Tôi đang ngồi dưới bóng cây ngoài hồ với những suy nghĩ vu vơ về cuộc sống trong tiết tháng năm ít nhiều vẫn nhớ tuổi học trò dù đã xa mù trong ký ức. Cả cái bãi câu cá mênh mông không một bóng người vì giữa trưa nắng gắt. Nắng tháng năm đã về trên đọt lá mới chưa bạc màu sương gió, lòng chợt buồn với ký ức học trò khi phải chia tay tuổi nhỏ là xa bạn, xa trường. Rồi tuổi nào đó có thêm nỗi nhớ người trong những ngày hè đến vội nhưng lâu qua để tháng năm vụn vỡ thời hoa mộng khi người ta bước chân ra khỏi học đường lần cuối. Từ đó tháng năm chôn chặt trong lòng những giã biệt tuổi học trò là cuộc giã từ không mong nhất trong đời người vì từ đó người ta chai sạn. Tháng năm vẫn về hằng năm để thẩm định tính người trong mỗi chúng ta đã mai một tới đâu theo thời gian. Bây giờ nhìn cánh phượng rung rinh trong gió chỉ nghĩ tới việc phải quét sân, rồi vào nhà tìm hiểu trên Google xem rễ cây phượng có ảnh hưởng tới

Ngày xưa, người da trắng mạo hiểm với thuyền buồm qua châu Phi để bắt nô lệ, chúng ta không bị bắt như người Phi châu xa xưa. Chúng ta đến đây với tư cách khác, nhưng chúng ta đã tự nguyện làm người nô lệ da vàng cho xã hội này. Bây giờ tôi không đủ tự tin để trở lại sống trong căn chung cư chật chội như hồi mới qua. Bạn tôi đi uber chứ không lái cái xe hai trăm đô la như hồi mới qua khi xe đang đi hỏng hóc hay đã bị tai nạn mà xe mới thì chưa mua được. Anh không đi họp cộng đồng nữa vì nản chí bao năm vẫn không ai biết tới tài lãnh đạo của anh. Chị buồn buổi họp cộng đồng nào cũng thiếu kinh phí cho những dự án to lớn, ý nghĩa ,sáng kiến đóng góp rất hay và nhiều, nhưng kinh phí xây dựng lại thiếu người tài trợ bởi nhà hảo tâm thì ít như cá dưới hồ mà người thích chỉ trích, chụp mũ thì mênh mông như nước…

Tháng năm lá mới chưa bạc màu sương gió như người ta bước vào cuộc đời tràn trề sinh lực với sức trẻ, để rồi từ đó những đẹp đẽ mai một theo thời gian khi nhìn lại tháng năm vẫn về theo mây trắng, lá xanh, tháng năm vẫn về để trào dâng nỗi nhớ, thương tiếc một thời với những hoài niệm có thể làm cho một người không còn trẻ bỗng thấy bâng khuâng như hồi mới lớn, dù vẫn biết con đường trở lại là ảo tưởng. Người ta cứ lặng thinh những bước thầm về phía trước với những hoài nghi đã thay chỗ cho hoài niệm…

2.

Anh bạn câu cá của tôi đã ra đến hồ, tay xách nách mang nào là đồ nghề câu cá lại đem theo bê thui với xách bia vì anh hẹn tôi ra hồ nhậu cho mát tới bớt nắng rồi câu. Anh bạn tôi nói chuyện chiến tranh Ukraine với Nga làm anh có nhiều hồi tưởng về chiến tranh Việt nam, về đói nghèo sau hoà bình. Anh chỉ tiếc là khi anh làm ra tiền thì cha anh đã vướng bạo bệnh rồi qua đời, anh không kịp đưa cha đi nhậu bê thui như cha anh kể và thèm trong những đêm mưa rừng rỉ rả trên vùng kinh tế mới…

Tôi vẫn đang uống bia, ăn bê thui và nghe bạn tôi kể chuyện chiến tranh và hoà bình ở quê tôi. Nhưng đầu óc vẫn chưa thoát ra được những ký ức tháng năm đang ùa về thì người thứ ba đến bãi câu là anh bạn trẻ khi nắng về chiều còn nóng gắt hơn nắng giữa trưa, trời lặng gió nên càng oi bức. Người thứ ba là chàng trai nước Việt, tuổi hai mươi và nói giọng bắc rất trầm ấm. Nghe qua lời chào hỏi hai chú của người thanh niên tôi đã có cảm tình ngay với anh ta vì giọng nói và sự lễ phép. Anh bạn trẻ cần mẫn đi chài cá sap, cá cơm làm mồi câu cả tiếng đồng hồ chỉ được vài con cá con. Tôi nói với anh ta, “trời nóng quá, cá nào vào bờ mà chài. Cháu đến đây uống bia với hai chú, ăn bê thui tới tầm bảy giờ dịu nắng hãy chài, hãy câu…”

Anh bạn trẻ cảm ơn vì cháu không biết uống bia. Anh ta chài thêm một hồi cũng đuối sức vì trời quá nóng lại oi bức vì không có gió. Anh nghỉ tay đến ngồi trú nắng với chúng tôi dưới bóng cây. Anh bạn tôi nói, “cháu không uống bia thì ăn bê thui đi cho đỡ đói. Chú thấy cháu quăng chài nãy giờ thì tiêu hết bụng cơm rồi chứ gì?”

Anh bạn tôi mời mấy lần, người bạn trẻ mới xin thử một miếng vì nào giờ anh ta chưa từng ăn qua, không hề biết trong ẩm thực Việt nam có món bê thui. Hai khứa già chúng tôi nhìn nhau thương cảm cho người đồng hương trẻ. Anh bạn tôi trao tận tay, trao hết cho người bạn trẻ hộp bê thui còn khá nhiều, “cháu ăn hết đi. Hai chú đủ rồi. Và bê thui thì ăn nhanh hết nhanh chứ trời nóng này cũng không nên để lâu…”

Bây giờ thì anh bạn trẻ ăn thật tình. Thấy thương lắm vì anh chưa bao giờ ăn qua, chưa từng biết món thịt bò ngon ngọt đến chân răng. Anh vừa ăn vừa trò chuyện với tôi,

“Mấy hôm nay chú có câu được cá không?”

“Ít thôi, vì trời nóng rồi. Mùa này chuyển qua câu đêm là vừa vì trời nóng quá nên cá không vô bờ ban ngày đâu.Cháu có đi câu đêm được không, cho chú số điện thoại để khi mấy chú đi câu đêm thì gọi cháu cùng đi cho vui.”

“Dạ, cháu cảm ơn chú. Cháu nghĩ cháu đi câu đêm cũng được, nhưng đi câu đêm lại phải mua thêm ít dụng cụ câu đêm, mua đèn pin, đèn câu… tốn tiền quá chú ơi.”

Anh bạn tôi lên tiếng, “làm việc gì cũng phải đầu tư thì mới mong thành công được. Mấy chú không ra quán nhậu thì dùng tiền nhậu mua đồ nghề câu cá để có thể dục tay chân, hít thở không khí trong lành ngoài hồ, lại ít đụng chạm nơi quán xá lời qua tiếng lại. Cháu đi câu thì không la cà những chỗ ăn chơi của lớp trẻ, dùng tiền ăn chơi đầu tư cho câu cá là phải quá rồi…”

Anh bạn trẻ tư lự, đủ biết anh không có hoàn cảnh thuận lợi, nhưng tôi vẫn thương sự lễ phép gia giáo của anh. Tôi nói với anh, “cháu cứ thử đi câu đêm với mấy chú một hôm. Đừng mua sắm gì hết vì mấy chú có đèn đuốc dư xài nên cháu cứ xài chung. Bao giờ có điều kiện rồi mua sau chứ nhỡ cháu không thích câu đêm mà đã mua một mớ dụng cụ câu đêm thì phí tiền.”

Anh bạn trẻ trả lời tôi, “nghe chú nói, cháu ham quá vì mấy hôm nay chiều nào cháu cũng đi câu mà không đủ cá cho nhà ăn chú ạ!”

“Đi câu cá là vui thôi, đi hít thở không khí ít khói xe, đi ra đây để hoạt động tay chân như thể dục thể thao, đi ra đây để khuây khoả với không gian rộng lớn, bớt bực bội trong căn nhà nhỏ của chúng ta. Không lẽ cháu đi câu cá về bán như những người chuyên nghiệp, sống bằng nghề câu cá bán?”

“Dạ. Dạ cháu chỉ câu về nhà ăn thôi chứ không bán. Cháu đi học về là đi câu cho mẹ cháu đỡ tiền chợ vì nhà cháu cũng hơi đông người. Nhưng mấy hôm nay cháu câu mỗi chiều chỉ được vài con. Có hôm chẳng được con nào…”

Ba người trò chuyện với nhau tới mặt trời hạ nhiệt thì đi câu, tôi với ông bạn lang thang khắp bờ hồ đi câu dạo như đi bộ thể dục. Mong chỗ nào cá ăn thì dừng chân nhưng cứ đi mãi, đi mãi tới mỏi chân cá cũng không ăn. Anh bạn trẻ cắm hai cây cần câu cầu may ngoài đầu doi đất nhô ra hồ nơi cá ăn mạnh nhất ở bãi câu này, rồi anh đi chài cá cơm tới mặt trời khuất dạng.

Tôi câu được con cá lù đù bằng bàn tay là dấu hiệu nên đi về vì khi cá lù đù vào bờ cắn câu là trời sắp có giông bão, ít nhất cũng là mưa to gió lớn. Chúng tôi trở lại gốc cây trú nắng ban trưa để gom đồ về. Anh bạn trẻ chài miệt mài đến người ướt sũng như tắm mưa cũng chỉ được chừng non một ký cá cơm. Anh đưa về nhà cho mẹ kho tiêu ăn bữa cơm tối cho cả nhà hơi đông người. Thật khó tin nổi sống ở Mỹ mà một người thanh niên phải đi câu cá về cho cả nhà ăn. Có lẽ lần sau gặp lại tôi sẽ khuyên anh bạn trẻ nên đi làm những công việc mùa hè của sinh viên như phụ quán cà phê Starbucks, hay đi giao hàng tận nhà cho các chợ loanh quanh thành phố sẽ tốt hơn và thu nhập ổn định hơn cho bữa cơm chiều của gia đình, không may rủi như đi câu cá.

Hình ảnh những đứa trẻ mò cua bắt ốc ở quê nhà xa xưa lại hiện về trong tâm trí tôi lúc lái xe về nhà, những đứa trẻ thương khó trên đồng ruộng quê hương, những đứa trẻ xa lìa quê cũ cũng thương khó không kém nơi bãi câu, dạ cầu ở hải ngoại. Cuộc sống ở đâu cũng đơn giản là tay làm hàm nhai, bán mặt cho đất bán lưng cho trời để có miếng ăn, chỉ thương hại cho người ăn bám, sống nhờ phúc lợi xã hội mà nước Mỹ, người Mỹ, người quốc tịch Mỹ cứ phải nai lưng ra làm, đóng thuế để nuôi những người vô dụng lại nhiều lời trong xã hội Mỹ.

Tháng năm rồi khép lại khi lá non sẫm màu. Ký ức tháng năm sẽ vào thu, đi ngủ đông tới sang xuân, vào hè năm sau thức giấc khi tiếng ve râm ran đưa hồn người về quá khứ đã xa…

Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email