Trong một cuộc thi hoa hậu người Việt bên Mỹ, giám khảo hỏi cô thí sinh hoa hậu, “Người con gái sợ nhất là mất cái gì?”
Bạn thân mến, bạn nghĩ câu hỏi ấy khó hay dễ? Tôi thì cho rằng đó là một câu hỏi khó. Không tin bạn cứ tự hỏi chính mình câu hỏi tương tự: “Bạn sợ nhất là mất cái gì?”
Đó là một cuộc thi hoa hậu dành cho thí sinh gốc Việt sống ở hải ngoại. Cuộc thi lẫn trong buổi nhạc hội có nhiều ca sĩ Việt Nam nổi tiếng góp giọng. Khán giả ngồi đầy rạp hồi hộp chờ nghe câu trả lời. Ít lâu sau đó, trong một buổi chiều nhàn tản, ngồi trước máy truyền hình, coi lướt qua cuộc thi hoa hậu ấy, tôi cũng nôn nóng chờ nghe câu trả lời của cô thí sinh có đôi mắt của thiếu nữ Sài Gòn những năm sáu mươi, nghĩa là đôi mắt biết nói, và nụ cười mang nét bí ẩn nào đó của một Huyền Trân Công Chúa thuở xưa (tôi chưa bao giờ được ngắm nhìn dung nhan Huyền Trân Công Chúa, nhưng không hiểu sao tôi vẫn nghĩ những khóe cười mang nét gì đó bí ẩn thì giống khóe cười của người con gái Việt năm xưa đã về làm dâu nước Chiêm, cho nước Việt có thêm hai châu Ô, Rí.)
Bạn thân mến, hàng ngàn cuộc thi hoa hậu, hàng ngàn cô gái xinh xắn, dễ thương, hàng ngàn câu trả lời đặc sắc đã được thâu lại và để dành trên không gian mạng. Và như một thói quen đã cũ, những lúc không có gì để làm tôi hay tò mò, ghé mắt vào màn hình, ngắm nghía những khuôn mặt, những dáng dấp Việt Nam ở xứ người. Tuy nhiên cho tới giờ tôi không nhớ một khuôn mặt nào (kể cả khuôn mặt cô gái có nét Sài Gòn ở một quá khứ gần và một nàng công chúa ở một quá khứ xa xăm kia,) không nhớ một cuộc thi nào, không nhớ câu nói thông minh nào của người điều khiển chương trình, không nhớ bất kỳ câu trả lời nào của thí sinh, ngoài câu trả lời của cô thí sinh ngày hôm ấy.
Cho tôi nhắc lại nhé. “Xin thí sinh cho biết người con gái sợ nhất là mất cái gì?” Giám khảo hỏi thế. Cô thí sinh cười thật tươi và trả lời không suy nghĩ, “Người con gái sợ nhất là mất cái cell phone!”
Khán giả ngẩn ngơ vài giây rồi cười vang và vỗ tay rào rào. Thú thật lúc ấy tôi cũng ngẩn ngơ cả phút đồng hồ. Rồi cười một mình.
Tôi – và chắc bạn cũng thế – chờ một câu trả lời nặng ký hơn, câu trả lời kéo người ta về một quá khứ không mấy xa xăm của cái thời “nam nữ thọ thọ bất thân”, cái thời “áo mặc không qua khỏi đầu”, cái thời “khôn ba năm dại một giờ” của ông bà mình ngày trước.
Nhưng tôi – và chắc bạn cũng thế – không còn có được cái may mắn ấy.
Tôi không nhớ cô thí sinh ấy có thắng cuộc thi để trở thành hoa hậu hay không. Nhưng dù có thắng trong kỳ thi ấy thì cho đến nay – gần hai chục năm sau – tiền thưởng – nếu có – nhất định là đã tiêu xài hết sạch; chiếc vương miện nhất định đã xộc xệch, lỏng lẻo, những viên ngọc đính trên đó chắc đã rơi rụng gần hết; danh hiệu hoa hậu buổi đăng quang chói lòa bao nhiêu thì bây giờ mờ đục bấy nhiêu; và “ánh mắt Sài Gòn” cùng “khoé cười công chúa” nhất định đã méo mó vì nhiễm thứ chất độc có tên: Thời Gian.
Chỉ có câu trả lời khác thường mà đúng đến phát sợ kia là sống mãi.
Bạn không tin ư? Thì bạn cứ thử sống mà không có cái cell phone một ngày xem sao. Một ngày nọ tôi đánh rơi cái điện thoại di động trong lúc cố chạy nhanh để bắt kịp chiếc xe bus đang rục rịch lăn bánh. Lên xe được rồi, ngồi thoải mái, móc túi lấy điện thoại ra xem giờ để biết mình có đến chỗ làm trễ hay không, và phát hiện ra điện thoại không có trong túi. Không biết giờ giấc, tôi có cảm giác như người trôi bập bềnh trên dòng sông thời gian. Đến chỗ làm, không biết mình sẽ gặp ai, ở phòng nào, bởi thời khóa biểu nằm trong cuốn lịch của cell phone. Tôi trở thành một thứ lục bình trôi bập bềnh không biết sẽ dạt vào bến bờ nào. Đầu óc xào xáo muôn vàn ý nghĩ. Cố moi trí nhớ xem hôm nay mình sẽ phải điện thoại cho ai, nhắc cái hẹn nào của ngày mai. Những email cần trả lời cũng cần cái cell phone để mở, không có nó, tôi thành kẻ không công ăn việc làm, không thuộc về bất cứ nơi nào, một kẻ – như ông bà mình vẫn ví von – trên không chằng, dưới không rễ. Không có cái cell phone, tôi trở thành gã đàn ông thời tiền sử, ngẩn ngơ trước những hang động, không biết mình đã giấu con thú săn được ngày hôm trước ở đâu.
Ấy là tôi không có thói quen nghe nhạc trên điện thoại như những người trẻ, không có Spotify để nghe bất kỳ bản nhạc nào; không có WhatApp để trò chuyện dông dài với bất cứ ai; không có camera 360 để làm cái sự selfie bất kỳ nơi nào, chẳng cần trang điểm mà hình chụp ra vẫn trắng trẻo, mượt mà như diễn viên điện ảnh Hàn Quốc; không cần dùng điện thoại làm gương soi mặt như những cô gái vẫn làm: mở ứng dụng chụp hình của điện thoại làm tấm gương để thoa chút son lên môi trong lúc chờ xe bus ở trạm ngừng, hay trong lúc ngừng xe nơi ngã tư chờ đèn đỏ.
Nghĩa là tôi xa lạ với mọi thứ “app” mà người dùng cell phone tận dụng.
Cell phone còn giúp tìm đường xá, tìm tiệm ăn, tìm cây xăng, tìm vân vân và nhất là đọc tin tức quê nhà. Cell phone giúp người ta múa như những con công đủ sắc màu trong ống kính camera 360, trên Instagram; cell phone giúp người ta rộn ràng hót đua với chim chóc trên twitter; cell phone giúp người ta õng ẹo, sửa dáng, sửa giọng, sửa bao nhiêu thứ để làm cái sự livestream khoe với thiên hạ rằng giờ này em đang “check in” ở resort có khách sạn 5 sao, để gửi đến nhân gian những thứ thật tình là vô bổ.
Cell phone chính là một phần cuộc sống của con người hiện đại.
Vậy thì mất cell phone đồng nghĩa với mất tất cả. Và câu trả lời của cô thí sinh hoa hậu kia đúng không chê vào đâu được.
Bạn thân mến. Tuần vừa rồi, xem tin tức truyền hình chiếu cảnh quân lính Trung Cộng lao xao ở Thẩm Quyến, sát biên giới Hong Kong, tôi hỏi hai đồng nghiệp người Hoa, cả hai đều là công dân Xứ Tuyết, rằng họ có sợ mất Hong Kong không. Cả hai đều trả lời họ rất sợ mất Hong Kong. Câu trả lời của hai người ấy làm tôi ngạc nhiên bởi một người là sinh viên Tàu từ đại lục sang l àm “nghiên cứu sinh”, người kia là di dân từ Đài Loan. Trong thoáng giây tôi thấy mừng vì cái điều gọi là lương tâm nhân loại là thứ có thật, nhưng khi hỏi thêm cho rõ thì tôi như người đang ngon trớn bước đi, bỗng vướng phải sợi dây kẻ nào đó dăng ngang lối đi, lao đao suýt ngã.
Đồng nghiệp thứ nhất trả lời: Tôi sợ rằng Trung Quốc sẽ mất Hong Kong!
Và câu trả lời của đồng nghiệp thứ nhì là: Tôi sợ Hong Kong sẽ mất vào tay Trung Cộng!
Xin chú thích hai bạn người Hoa dùng chung một chữ “China” khi nói về cái nước khổng lồ; cái tên chuyên môn lấy thịt đè người, ở phía bắc Việt Nam. Chỉ có tôi là kỳ thị khi không bao giờ dùng chữ Trung Quốc để gọi cái nước Cộng Sản Tàu mà cái tên dài lê thê của nó là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hay gọi tắt (và đúng) là Trung Cộng.
Trở lại cuộc thi hoa hậu kia. Người con gái sợ nhất là mất cái gì? Cô thí sinh hoa hậu đã cho chúng ta câu trả lời. Về lại với tình hình thế giới hôm nay. Người Hong Kong sợ nhất là mất cái gì? Qua những cuộc biểu tình dồn dập của những con người dám nhìn thẳng vào họng súng đen ngòm bạo lực của Trung Cộng, chúng ta cũng có ngay câu trả lời.
Và tôi bỗng nảy ra ý nghĩ đặt câu hỏi tương tự với những người Việt Nam, cả những khúc ruột gần trong gang tấc, lẫn những khúc ruột xa ngàn dặm đang bôn ba ở nước ngoài.
Hiện tại người Việt Nam trong nước sợ nhất là mất cái gì?
Tôi đem câu ấy hỏi hai mươi người quen (và nhờ người quen chuyển câu hỏi ấy cho những người không quen) trong nước. Những câu trả lời làm tôi buồn cười. Sợ mất cái “phi vụ” đang trôi chảy. Sợ cái mối làm ăn đang “phất” bị mất vào tay đối tác. Sợ mất chiếc xe Yamaha Exciter 150 mới mua. Sợ mất cô bạn gái thuộc dạng “hot girl” vừa mới quen. Sợ mất anh người yêu vừa là “hot boy” vừa là thiếu gia giàu có. Sợ quán nhậu (chả việc gì phải nêu tên để quảng cáo không công cho cái quán ấy ở đây!) ở Gò Vấp đóng cửa, mất đi chỗ có nhiều món đặc sản và là nơi lui tới của đại gia giúp mình dễ bắt mối làm ăn. Sợ quán Karaoke ở quận Bình Thạnh dẹp tiệm, mất chỗ đi lại hát chung với em ca sĩ (cũng chẳng muốn quảng cáo không công dùm cô ca sĩ ấy) có giọng hát trầm buồn. Hết!
Tôi đem câu hỏi tương tự hỏi hai mươi người gốc Việt (quen và không quen) ở Bắc Mỹ. Trong lúc này người Việt ở hải ngoại sợ nhất là mất cái gì? Mười bốn người trả lời ngắn, gọn: sợ mất “job”. Ba người sợ thị trường chứng khoán suy sụp, mất toi tiền đầu tư. Còn lại ba người, một người sợ mất sức khỏe, không còn dai sức để đi du lịch. “Tui muốn làm một chuyến leo lên đỉnh núi Everest, cho rạng danh con rồng cháu tiên!” Hai người kia sợ tổng thống Trump của Hoa Kỳ không tái đắc cử và “Thế giới sẽ chìm trong tăm tối!” đồng thời nước Mỹ sẽ không bao giờ “great again!”
Người nào cũng có lý do chính đáng biện hộ cho cái điều mình sợ mất.
Bạn thân mến, bản tin của Tân Hoa Xã gửi đi từ Bắc Kinh ngày 26 tháng Tám vừa qua cho biết “China’s top legislature ratified the extradition treaty with Vietnam, which was signed by both sides in 2015.” Nghĩa là thỏa ước về việc dẫn độ (tù nhân) đã được hai bên Trung Cộng và Việt Cộng ký từ năm 2015, bây giờ quốc hội Trung Cộng mới chính thức phê chuẩn, Tân Hoa Xã loan tin trong khi Hà Nội vẫn tiếp tục im lặng. Và những người Việt Nam vẫn thản nhiên sống, thản nhiên vui chơi, thản nhiên tiệc tùng, thản nhiên ăn nhậu.
Dự luật dẫn độ mới chỉ được gợi ý ở Hong Kong đã gây nên làn sóng chống đối dữ dội, làn sóng ấy đang biến dần thành cơn sóng thần quyết định vận mạng Hong Kong.
Có người sẽ phản đối rằng dẫn độ ở Hong Kong khác dẫn độ ở Việt Nam. Người Hong Kong phạm tội ở Hong Kong không muốn bị “đem sang Tàu” xét xử là đúng còn luật dẫn độ ở Việt Nam chỉ áp dụng cho phạm nhân Trung Cộng mà không áp dụng cho người Việt thì chống đối làm gì. Nhưng người dân Việt đã quen tình trạng bị bịt tai, bịt mắt, sẽ không nhận ra rằng sau khi mật ước Thành Đô chính thức có hiệu lực thì phạm nhân ở Giao Chỉ Quận sẽ bị dẫn độ về Bắc Kinh xét xử, hệt như phạm nhân ở những “khu tự trị” Quảng Tây, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông vậy thôi.
Bạn thân mến, ngay bây giờ nếu như có ai hỏi bạn rằng bạn sợ nhất là mất thứ gì, bạn sẽ có câu trả lời hay bạn chỉ lắc đầu ngao ngán: “Còn gì để mất nữa đâu!”
Chú thích: Bạn có thể đọc bản tin của Tân Hoa Xã ở đây: http://www.xinhuanet.com/english/2019-08/26/c_138340057.htm
Khúc An