Con chó trong văn chương bình dân

Nguyễn Kiến Thiết

Trong các loài gia súc, chó là con vật thông minh, có nghĩa và trung thành nhứt. Ở nước ta, người ta nuôi chó để giữ nhà, giữ kho hàng, đi săn và đôi khi còn để…ăn thịt.

Cũng như “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đối với nhà nông, chó gần gũi, gắn bó với người, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tình cảm của người. Thế tại sao người ta khen và thương yêu chó thì ít mà kẻ chê ghét chó lại nhiều? Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018 cầm tinh Con Chó về trên đất khách, người viết xin bàn về thái độ khen-chê, quan niệm thương-ghét chó trong văn chương bình dân Việt Nam.
Tại sao chó bị chê ghét?

Trước hết thái độ chê ghét chó được nhắc nhở nhiều trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao và chuyện cổ. Người ta chê ghét chó vì những nết xấu như ở dơ: chó ghẻ; “Chơi chó, chó liếm mặt”; ăn dơ: chó chực xương; “không có chó bắt mèo ăn cứt”; ăn vụng: chó treo, mèo đậy; và hung dữ: chó điên, chó dại, dữ như chó, “Chó dữ mất láng giềng”… Thông thường người ta mượn hình ảnh chó để nói đến người với những thói hư tật xấu đáng chê trách. Do vậy mà trong văn chương bình dân nước ta, đề tài về chó thường được khai thác theo nghĩa bóng.
Từ tiếng chửi chó mắng mèo nhẹ nhàng như: đồ chó hùa, đồ chó ghẻ, đồ chó hoang, “Mèo đàng lại gặp chó hoang; Anh đi ăn trộm gặp nàng hái khoai”, đồ chó chết, làm phách chó v.v… đến lời nguyền rủa nặng nề như: trâu sanh chó đẻ, đồ chó đẻ, đồ chó săn, chó sói, đồ đĩ chó, chó ngồi bàn độc, cẩu tặc, cẩu hạnh…, nhứt nhứt tác giả dân gian đều ám chỉ thói hư tật xấu của người đời. Tùy theo tánh cách của thói xấu mà người xưa có những cung bậc khác nhau để châm biếm.

Đây là những người chứng nào tật nấy không thể sửa đổi được ví như chó đen giữ mực. Đó là người bịnh hoạn yếu ớt không làm gì được, ví như chó già, gà non. Nọ là kẻ trắc nết “rậm rật như chó tháng bảy” – giống chó thường đến tháng bảy rượn theo cái, giành và cắn lộn với đồng loại. Kia là người có giọng ồ ề như kéo ống bễ mà lại hay ca hát nghe rất chướng tai, như “Ông ổng như chó sủa ma”. Còn người cứ dằng dai nói mãi những chuyện không đâu khiến người nghe phải bực mình, như “Nói dai như chó nhai giẻ rách”.

Ngoài ra thành ngữ, châm ngôn về chó còn là bài học kinh nghiệm quý báu cho người đời. Câu mồm chó, vó ngựa ngoài nghĩa đen là chó hay cắn, ngựa hay đá, ta nên coi chừng mỗi khi đứng gần; còn ngụ ý khuyên ta nên thận trọng trên đường đời nhiều cạm bẫy, lắm chông gai, nếu sơ xuất sẽ bị hại thân. Câu “Mặc chó sủa, đoàn lạc đà cứ đi” khuyên ta nên tiến hành công việc đã định trước, bất chấp lời thị phi, dị nghị hay cản trở của kẻ ganh ghét hoặc trái ý mình. Chuyện ngụ ngôn “Con chó và miếng thịt” trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư còn khuyên ta nên chấp nhận cái mình hiện có và đừng mơ tưởng đến những hình ảnh mông lung như chiếc bóng.

Trong xã hội lắm kẻ làm nên danh phận nhờ vận may đưa đến hơn là tài năng của mình được ví nhờ chó dắt; chó ngáp phải ruồi. Tinh thần đị phương quá khích, óc bè phái hẹp hòi của người đời thường bị tục ngữ phê phán “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”.
Người ta là hoa đất ở đâu thơm đó. Nhưng trong bất cứ xã hội nào có áp bức bất công, kẻ thống trị “ngồi mát ăn bát vàng” bóc lột tận xương tủy công sức lao động của người khác; còn kẻ bị trị “đầu tắt mặt tối” mà suốt đời vẫn lầm than cơ cực. Do vậy mà tục ngữ có câu “Người là chó sói của người” để nói lên tình cảnh bất công đó. Câu tục ngữ “Chó cắn áo rách” một mặt chỉ người giàu sang hay khinh bạc kẻ nghèo hèn, mặt khác cũng là lời than thân trách phận của kẻ nghèo nàn, thấp cổ bé miệng trong xã hội đầy dẫy bất công.
Dưới chế độ phong kiến ngày xưa đã có những vị vua sáng (minh quân), những bề tôi hiền (lương tể) hết lòng trị nước chăn dân, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân. Ngược lại cũng có những hôn quân vô đạo, những bề tôi xiểm nịnh, quan lại thối nát chỉ chăm lo hạnh phúc và lợi ích của riêng mình, của phe nhóm mình mà ra sức vơ vét tài nguyên đất nước, thậm chí bán nước để vinh thân phì gia và đè đầu cưỡi cổ dân ngu khu đen. Chế độ phong kiến ngày xưa (cũng như bất cứ chế độ hà khắc nào) thời kỳ suy tàn thường là tấn bi kịch lớn, đồng thời cũng là một tấn hài kịch lớn. Đó là mục tiêu chánh để đả kích. Hệ thống chuyện tiếu lâm, chuyện cười từ đó mà phát sinh.
Truyền thuyết về chuyện tiếu lâm sau đây đáng được chú ý –vì có liên quan đến chó, do Đặng Thai Mai kể trên báo Tri Tân (1943) và được Cao Huy Đỉnh nhắc lại, đại khái như sau:

Vào cuối đời Lê (Lê Mạt), có hai cha con ông đồ bất mãn thời thế, dĩ nhiên là làm nghề gõ đầu trẻ. Ngày nọ, ông đồ cha và ông đồ con có sáng kiến cùng nhau làm cái việc sưu tầm tất cả các chuyện hài hước lưu hành trong dân gian, bất kể thanh hay tục. Khi sách soạn xong, hai cha con làm lễ “lạc thành”, uống rượu với thịt chó và duyệt lại toàn bộ tác phẩm. Mỗi lần đọc lại xong từng chuyện một, hai nhà sưu tập cùng cạn ly đầy rồi rót đầy ly cạn, cùng cười rũ rượi ra vẻ đắc ý. Cho đến khi rượu thịt hết, sách đọc xong, hai cha con ông đồ vì cười nhiều quá nhăn răng ôm nhau mà…chết!

Những loại “thầy”, thầy đồ gàn, thầy lang băm, thầy bói, thầy cúng xuất hiện trong văn chương bình dân với dáng dấp lố lăng, lố bịch, đê tiện, tồi tàn của những kẻ trí thức “lưu manh hóa”. Đặc biệt ca dao đã châm biếm thầy bói nói dựa như sau:

Nhà nầy có quái trong nhà
Có con chó đực cắn (sủa) ra đằng mồm.
Hoặc: Nhà bà có con chó đen
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng…

Một số nhà sư hổ mang khẩu phật tâm xà, miệng nam mô nhưng trong bụng chứa cả bồ dao găm, lớp bị Hồ Xuân Hương chửi xéo: “Oản dâng trước mặt năm ba phẩm; Vãi nấp sau lưng sáu, bẩy bà”, lớp bị ca dao vạch mặt:

Nam mô một bồ dao găm / Một trăm con chó
Một lọ mắm tôm / Một ôm rau húng
Một thúng rau răm…
Ngoài bọn quan lại và các loại “thầy” vừa kể, bọn chó săn chim mồi (khuyển ưng) cũng bị tác giả dân gian đả kích, nhưng với thái độ vừa thương vừa giận. Thương là vì chúng rất trung thành với chủ, hết lòng phục vụ chủ, cho dù phải táng tận lương tâm; giận là vì chúng dựa thế lực chủ mà làm phách chó, làm càn, làm dữ với kẻ yếu thế.

Từ khi sáu tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay người Pháp khiến Phan Thanh Giản phải tuẫn tiết, nhân dân Lục tỉnh đã đứng lên khởi nghĩa dưới cờ Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định, bất chấp sự án binh bất động của triều đình nhà Nguyễn:
Giặc Sài Gòn đánh xuống
Binh ngoài Huế không vô
Anh biểu em đừng đợi đừng chờ
Để anh đi lấy đầu thằng mọi trắng mà về tế cờ nghĩa quân.

Trái lại, một số thức giả thừa nước đục thả câu, trật tự xã hội đảo lộn, ra hợp tác với “tân trào” , cam tâm muối mặt làm tay sai cho giặc. Điều đáng trách là chúng luôn ngụy biện rằng sự hợp tác của mình là hành động “tùy thời” của kẻ “thức thời”. Những loại người nầy bị tác giả dân gian gọi là bọn chó ngồi bàn độc; treo đầu dê bán thịt chó!
Ở đây người viết không muốn phủ nhận công khai hóa của người Pháp, cũng như đóng góp đáng kể của một số trí thức (chẳng hạn Pétrus Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của) trong việc truyền bá, phát huy chữ Quốc ngữ- mà trước kia Nguyễn Đình Chiểu gọi là “lối phát minh man rợ”! Đã có “Cuốn sổ bình sanh công với tội” trường hợp Trương Vĩnh Ký qua tâm sự “Ở với họ mà không theo họ” của nhà bác học Nam Kỳ thời bấy giờ.

Các vua chúa ngày xưa sau khi định quốc thường bách hại công thần, sợ kẻ bề tôi có quyền thế sẽ tiếm đoạt ngôi vị của mình. “Ôn cố tri tân” (Ôn lại cái cũ để biết cái mới), lịch sử nước ta từ xưa tới nay là một sự lặp lại, sự tái hiện cảnh vua chúa bách hại công thần. Rõ ràng là “Địch quốc phá, mưu thần vong” (Nước địch phá xong, mưu thần bị giết). Chẳng hạn Lê Thái Tổ mới vừa lên ngôi đã sát hại các khai quốc công thần Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Gia Long đã xử chém đại công thần Tiền quân Nguyễn Văn Thành vì có tư tưởng thoán nghịch v.v…
Do vậy mà tục ngữ có câu “Chó chết hết chuyện”, nghĩa là việc đã xong thì giết chết chó, chớ để nó cắn hại mình. Cùng một ý nghĩa, thành ngữ “Chó cỏ rồng đất” chỉ trong việc cúng tế, người ta bện (đươn) chó bằng cỏ, nắn rồng bằng đất sét làm đồ tế lễ, xong thì vứt đi. Câu nầy còn có nghĩa bóng là người /vật không còn dùng được nữa thì giết bỏ hoặc vất đi, giống như “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh” (Thỏ khôn chết thì chó săn bị mổ làm thịt). Rõ ràng là con người ta có lúc “lên voi” thì cũng có ngày “xuống chó”!

Con chó thật đáng yêu

Người ta đã chê, ghét chó. Người ta mượn hình ảnh chó, chuyện về chó để châm biếm, đả kích kẻ khác. Nhưng con chó còn có những đức tính đáng quý, đáng đề cao khen ngợi. Hình ảnh chó được thể hiện rõ nét trong văn học dân gian. Trong bài vè “Mười hai con giáp”, chó được miêu tả như sau:
Tuổi Tuất là con chó cò
Ăn no nằm lò, mặt mũi lọ lem.
Đôi khi chó xuất hiện một cách vô thưởng vô phạt trong bài hát ru, hát ầu ơ:
Con mèo, con chó có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.
Chó xuất hiện trên bìa sách “Em học vần Quốc ngữ ABC” gọi nôm na là “Vần con chó con gà” (phát hành ở miền Nam vào khoảng 1950-1960) thật ngộ nghĩnh, khơi dậy sự tò mò của trẻ con. Ký ức thời thơ dại trong tôi lúc còn học ráp vần Quốc ngữ đầu tiên ở trường làng bỗng hiện về: “Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là bức hí họa in ở bìa 1: Con chó con gà mặc quần áo như người, cầm bút cầm sách; bên cạnh là cây roi mây, một tấm bảng đen khung cây và một mẩu phấn trắng”. Đặc biệt bốn câu thơ:
Chó với gà một nhà thân thiết
Cơn rảnh rang mài miệt chuyện trò (Có người viết là Cơn mỏi mê).
Rừng nhu bể thánh khôn dò
Nhỏ mà không học lớn mò sao ra?
Chó làm đề tài một bài toán đố “hóc búa” mà lúc học bậc Tiểu học trường làng, tôi vẫn còn nhớ:
Vừa gà vừa chó / Một bó cho tròn
Ba mươi sáu con / Một trăm cái cẳng
Anh là học trò Trung đẳng / Hãy giải cho tròn, mỗi thứ mấy con?
Xin mời các bạn cho giải đáp!
Chó dự phần trong câu đối, như câu ca dao nói lái Lục tỉnh:
Chim mỏ kiến đậu trên miếng cỏ
Chó vàng lông đứng dựa vồng lang.
Chó cũng có mặt trong câu đối Tết, như vế xuất đối của Hà Sĩ Phu:
Năm khuyển vừa Khuyên vừa Hỏi
Có người đã đối lại: Nam Quan Ai Hỏi đau lòng Ải (Trương Cang);
Và: Năm Chó viết Cho thật Sắc (Cao Huấn)…
Chó là con vật có nghĩa và trung thành nhứt. Một khi được chủ nuôi trong nhà, bất luận chủ giàu khó, sang hèn, chó không bao giờ phản bội:
Con không chê cha (mẹ) khó / Chó không chê chủ nghèo.
Tích xưa còn để lại, chó của tên trộm sủa vua Nghiêu (cho dù là một minh quân), vì không phải chủ nó. Do vậy mà có câu tục ngữ “Chó người đạo chích sủa vua Nghiêu” nói lên lòng trung thành của kẻ bề tôi hết lòng vì chúa của mình. Trót đã theo chủ thì chó (khuyển) cũng như chim mồi (ưng) và ngựa (mã) luôn “đem thân khuyển mã” ra thờ chủ.

Người xưa thường mượn cốt chuyện về chó để đề cao cái thiện, cái chánh nghĩa và lên án cái ác, cái gian tà. Kết cục thường “có hậu”: Thiện phải thắng ác, chánh nghĩa phải thắng gian tà, người hiền phải chiến thắng và được khen thưởng, kẻ ác phải thất bại và chịu hình phạt hoặc được cải hóa thành người tốt.

Qua chuyện “Con chó biết nói” của người Việt gốc Miên, ta thấy lão nhà giàu đã từ bỏ tánh độc ác, gian tham và bủn xỉn nhờ mưu mẹo của người đầy tớ. Lão đã ăn năn sám hối những tội ác đã gây nên và đem tiền của ra bố thí, cứu giúp kẻ nghèo. Từ đó, danh tiếng lão được vang xa và được mọi người quý trọng.

Con chó trong chuyện “Hai anh em và con chó đá” là hình ảnh của chánh nghĩa, là người giữ kho tàng sẵn sàng ban phát cho người hiền; còn kẻ ác phải bị trừng phạt. Người em trong chuyện hiền lành, chất phác nên được thưởng một số vàng và trở nên giàu có, sung sướng. Còn người anh tham lam vì lấy nhiều vàng bị chó đá ngậm miệng lại khiến cánh tay anh bị kẹt lại. Đến khi chó đá biết cười, anh mới rút cánh tay ra về trong nhục nhã. Câu tục ngữ “Chó đá biết cười” phải chăng bắt nguồn từ chuyện nầy.
Ngoài ra, chó còn là đề tài dí dỏm trong tình yêu. Miền Nam với đồng ruộng bao la “chó chạy cong đuôi, cò may mỏi cánh”, với cây ngọt trái lành, với hệ thống sông ngòi kinh rạch chằng chịt đã nổi tiếng là miền trù phú bậc nhứt nước Nam. Cảnh “sông sâu nước chảy dạt dào tình quê” đã là nguồn gợi hứng bất tận cho những cuộc hò, hát đối đáp. Tình yêu cũng từ đó mà đơm bông kết trái. Người con trai nông thôn Lục tỉnh tới tuổi biết yêu, nhưng tìm hoài chưa được người con gái “đen như cục than hầm làm ruộng anh thương”. Nhân lúc thừa nhàn “dạo kiểng lê viên”, mắt lơ đãng nhìn xuống dòng sông “gió thổi hiu hiu, lục bình trôi riu ríu”, bỗng thấy một vật-lạ-mà-quen-quen trôi lều bều trên mặt nước, anh chợt nghĩ tới thân phận mình, bất giác ngâm lên một mình:

Thân em như cục cứt trôi sông,
Thân anh như con chó đói chạy ngong trên bờ! (Còn có dị bản “chạy rong”).
Thật là táo bạo. Nhưng cũng rất… Nam Kỳ Lục Tỉnh!

Tôi còn nhớ rõ, khoảng năm 1958-1959, lúc còn theo học ở trường Trung học Tam Cần (Trà Ôn), thầy dạy Việt văn Võ Văn Uông đã đọc cho cả lớp nghe câu ca dao ấy. Thầy còn giải thích chữ “ngong” có nghĩa nghển cổ trông lại có ý mong chờ. Theo thiển ý, chạy ngong (trong từ kép “ngong ngóng”), có nghĩa vừa chạy vừa nghển/ngoái cổ lại vừa nhìn vừa luyến tiếc. Còn chạy rong có nghĩa chạy lang thang đây đó, không có mục đích nhứt định. Việt Nam Tự Điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, tr.471 có ghi: “Rong: Đi lang thang đây đó, không dừng lại lâu ở đâu cả”).

Phạm Duy đã thú nhận trong bài Tục Ca số 1 (xuất hiện tại Sài Gòn khoảng 1968-1972): “Bài đầu tiên là sự phát triển của câu ca dao mà ai cũng thích: Em như cục cứt trôi sông; Anh như con chó ngồi trông trên bờ. Tôi cũng thích nó và bịa thêm lời mới…”
Chó thường được yêu chuộng. Chó đi đến đâu đem lại sự sang trọng đến đó: “Mèo tới nhà thì khó, chó tới nhà thì sang”. Chó của bậc thánh hiền đương nhiên “sủa” ra chữ nghĩa: “Chó ông thánh cắn ra chữ”.

Chó cũng có quý tướng, chẳng hạn như “Chó bốn đeo, mèo tam thể” là những con vật thông minh. Chó còn được nhắc đến trong y học, được dùng trong các thí nghiệm y khoa. Chó có chấm đen ở lưỡi có thể trị được độc rắn. Chó liếm vào vết thương và mụn ghẻ sẽ mau lành: “Chó liền da, gà liền xương”. Một vị thuốc bắc có tên cẩu tích, lá chó đẻ có thể trị được bịnh hậu sản. Người ta còn huấn luyện chó để hát xiệc, đóng phim, chạy đua, kéo xe (trên tuyết) hoặc kiểm soát đồ lậu ở các sân bay, bến cảng (kiểm khuyển) và đánh giặc (quân khuyển). Có nơi còn tổ chức triển lãm chó, thi hoa hậu chó và chọi chó để đánh cược hoặc để tiêu khiển .

Bàn về chó mà không nói đến nghệ thuật ăn thịt chó là một điều thiếu sót. Nhưng cũng rất bất công với con vật có nghĩa. Điều nầy còn nói lên cái nhìn, cách nghĩ, văn hóa của một dân tộc. Nếu có dịp, chúng tôi sẽ bàn đến nét văn hóa đặc trưng nầy.

Kết luận
Tóm lại, chó có nhiều đức tính đáng yêu đáng quý mà mọi người đều công nhận. Chó giữ nhà. Chó bắt trộm. Chó săn mồi. Chó đánh giặc. Chó kéo xe. Chó chữa bịnh. Chó hát xiệc. Chó đóng phim. Chó tham dự các cuộc chạy đua, triển lãm, thi sắc đẹp. Chó tận trung với chủ. Chó vì nghĩa quên mình. Chó bảo vệ và thực thi công lý. Chó bênh vực chánh nghĩa. Chó tiêu diệt gian tà. Chó đi vào văn học, văn hóa, triết học, y học. Chó trấn giữ cửa đền, cửa ải. Chó trừ tà đuổi quỷ. Chó mang sứ điệp của thiên đình. Ôi, đó là chân lý. Chó là…hết ý!.

Còn những nết xấu của chó như ở dơ, ăn dơ, ăn vụng, hung dữ…là do hoàn cảnh kinh tế và thiếu sự chăm sóc của người nuôi. Ở những nước văn minh đã có đạo luật bảo vệ chó và súc vật. Đồ ăn thức uống của chó được chế biến đúng tiêu chuẩn, hợp vệ sinh. Bất cứ ai hành hạ và giết chó cũng như súc vật khác, đều bị phạt tiền và tù. Đôi khi còn bị cấm nuôi chó trong một thời gian. Chó có công trận được thưởng huy chương (quân khuyển). Chó được tạc tượng đài ở Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ. Người ta còn mở Câu lạc bộ “tìm bạn tình” cho chó, tổ chức “đám cưới chó”. Trẻ con bị cấm coi trò “chó mắc lẹo” vì sợ mắt bị nổi mụn lẹo và bị ảnh hưởng bởi tư thế giao hợp “kiểu chó” (sex chó)! Chó còn có tấm thẻ đeo ở nơi cổ ghi đầy đủ “lý lịch” rất tiện lợi trong việc truy tìm khi thất lạc hoặc khi nhập viện. “Chó chết” vẫn chưa “hết chuyện” vì đã có công ty mai táng lo hậu sự. Đôi khi chó chết còn được chôn cất tử tế bên cạnh mộ chủ. Điều thú vị là khi chủ chết (chủ giàu), chó còn được hưởng “thừa kế” có khi tới hàng chục triệu đô la!

Năm chó bàn về chó, dám xin đồng hương (trong nước) cương quyết tẩy chay thịt chó và tránh làm nghề “đâm heo thuốc chó”. Đặc biệt đồng bào Phật tử càng nên kiêng thịt chó, giống như người Hồi giáo kiêng thịt heo, người Ấn Độ giáo cữ thịt bò. Con chó trong văn học Việt Nam nên được khai thác dưới nhiều thể loại, khía cạnh. Mặt tích cực nên duy trì, phát huy, coi đó là những bài học quý báu. Mặt tiêu cực – mà người đời vẫn thường gán cho chó, nên hiểu đó là một trong những phép hành văn: mượn con vật để nói về người.
Đối với người làm công tác phê bình, nghiên cứu văn học, theo thiển ý nên góp nhặt, sưu tầm và phổ biến những bài học ngụ ngôn, chuyện cổ, đặc biệt ca dao, tục ngữ về chó, giống như bài ca dao “Trâu ơi ta bảo trâu nầy…” nói lên tình cảm thắm thiết của người đối với con vật, cũng như lòng biết ơn của nhà nông đối với đồ vật gắn bó với mình trong sản xuất. Chẳng hạn, Nguyễn Hữu Huân đã có bài “Văn tế chó” được sáng tác tại chỗ theo yêu cầu của bạn bè nhân một buổi họp mặt uống rượu với…thịt chó. Còn Phan Bội Châu, trong những ngày bị an trí ở Huế, đã dựng bia trước mộ hai con chó thân yêu của mình: Ở con Vá, ông đề cao đức Trung và Dũng; ở con Ky là đức Nhân và Trí. Bằng cách đề cao đức Trung, Dũng, Nhân, Trí của chó, ông già Bến Ngự muốn “đá”người, nhứt là những kẻ “mặtngười lòng thú” về tư cách không bằng con chó!

Người viết xin được thắp ngọn đèn tâm để mời bạn đọc cùng soi rọi và giải tỏa tiếng oan cho họ hàng nhà chó. Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, kính mời bạn đọc gần xa đối lại vế đối:
Tiễn chú Gà đi, đừng ghét nhau tiếng gáy, quyết tâm xóa sổ bọn cõng rắn rước voi
Tác giả thử đối:
Mừng anh Chó đến, chớ sủa bậy cắn càn, ra sức tiêu trừ phường treo dê bán chó.

Nguyễn Kiến Thiết

Xem thêm

Nhận báo giá qua email