Con kiến kiện củ khoai: Ông Chủ tịch Changi Airport Group và Chị Người làm

Ông Chủ

Ông tên là Liew Mun Leong, Chủ tịch của CAG. Với hầu hết mọi người trên thế giới, kể cả ở Singapore là nơi ông đang sống và làm việc, danh xưng “CAG Chairman” chẳng gợi cho họ một điều gì cả.

Thì chắc là chủ tịch một cái gì đó, có tí quyền, tí chức và dĩ nhiên, kha khá tiền.

Nhưng đến đầu tháng 9 vừa qua, chẳng những người dân Singapore mà còn cả các hãng thông tấn lớn của thế giới đều nói đến ông.

Liew Mun Leong là một nhân vật giàu có, quyền thế, và đáng kính.

Ông tốt nghiệp kỹ sư công chánh năm 1970, làm việc trong lãnh vực phát triển và xây dựng trong quân đội từ khi thi hành quân dịch rồi trở thành một chuyên gia của bộ Công chánh, tham gia vào công trình xây dựng Terminal 1 và 2 cụm phi trường Changi.

Năm 1979, ông được ân thưởng Huy chương đồng Quản trị công.

Trở về lãnh vực dân sự, ông lập công ty địa ốc CapitaLand và lãnh đạo công ty này suốt 16 năm, đưa nó trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Á châu. ông là một trong những người có mức lương cao nhất trong khu vực kinh tế tư nhân ở Singapore. Riêng lương ở CapitaLand (năm 2014)  là trên 5 triệu 100 ngản đô la Singapore.  Trước đó, năm 2007, đã có lần ông nhận khoản bonus khổng lồ: 20 triệu đô Sing.

Trang nhất tờ bản tin của tổ chức Home với bản tin mừng về phán quyết của tòa High court, Singapore hôm 4 tháng 9, 2020

Khi vẫn còn là giám đốc của CapitaLand, ông Liew đã giúp The Ascott, một công ty khai thác gỗ do CapitaLand quản lý, và trở thành nhà đầu tư và chủ nhân người Singapore đầu tiên tại Pháp. Năm 2017, ông được Chính phủ Pháp ân thưởng Đệ ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh vì công lao đóng góp vào nền kinh tế nước Pháp.

Ông là tác giả của 5 quyển sách viết về các đề tài trong lãnh vực chuyên môn của mình, từ quản trị công trình đến hệ thống phi trường.

Với tư cách là chủ tịch tập đoàn Changi Airport Group (CAG), ông đã lãnh đạo việc xây dựng Phi trường Jewel Changi, công trình hợp tác trị giá 1,7 tỷ Mỹ kim giữa CAG và CapitaLand.  Ở cả hai đơn vị, ông đều là lãnh đạo.      

Trong thời gian còn là lãnh đạo CAG, ông Liew cũng là chủ tịch của Surbana Jurong, một công ty tư vấn về phát triển kiến trúc hạ tầng và đô thị.

Cũng trong thời gian này, ông giữ thêm vị trí chủ tịch điều hành, đồng thời giảng dạy tại Trường Kinh doanh của  Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Khoa Kỹ thuật và Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu.

Thêm vào đó, ông Liew cũng là cố vấn cao cấp về kinh doanh quốc tế tại công ty đầu tư Temasek của Singapore và là thành viên hội đồng quản trị của Temasek Foundation.

Phải nói thật nhiều về ông để thấy sự trầm trọng của sự việc đang được kể.

Vì hôm 10 tháng 9, ông Liew đã công bố rộng rãi quyết định từ bỏ vị trí chủ tịch tập đoàn Changi Airport Group và Surbana Jurong. Ông cũng từ bỏ luôn chức cố vấn cao cấp của công ty đầu tư Temasek, và ghế trong hội đồng quản trị Temasek Foundation.

Người đầy tớ

Từ ngữ để chỉ công việc của chị hiện nay là người hầu, người giúp việc nhà – maid, ngày xưa người Việt gọi bằng chữ “đầy tớ”, hay “tớ.”

Chị nhỏ hơn ông chủ đến gần 30 tuổi. Nhưng đừng vội nghĩ là câu chuyện sẽ là chuyện tình cảm.

Chị từ Indonesia sang Singapore làm việc cho ông Liew từ năm 2007. Chị được chủ trả 600 đô la Singapore một tháng (hơn 430 đô Mỹ).

Công việc đầy tớ của chị là người phục vụ tại nhà của ông Liew ở Chancery Lane, nơi không chỉ có vợ chồng ông Liew mà còn có nhiều thành viên khác trong gia đình, kể cả người con trai, ông Karl Liew.

Người ta không biết gì thêm nhiều về chị, nhưng điều rõ ràng là công việc và mức lương đó phải rất quý báu với chị, và gia đình chị ở Indonesia, vì chị đã ở với gia đình ông Liew gần 10 năm, và còn có thể ở lâu hơn, nếu… không bị đuổi, vào tháng 10 năm 2016.

Năm đó, Karl Liew là một chủ ngân hàng tư đã phá sản, và vợ dọn sang một nơi khác.

Ông Liew buộc chị phải sang lau dọn cả nơi ở mới của anh Karl, luôn cả văn phòng của anh ta nữa. Nhiều lần.

Buộc làm thêm như thế là trái luật lao động, và chị phàn nàn với ông Liew.

Kết quả của lời phàn nàn là chị bị đuổi việc, Parti bị sa thải vào ngày 28 tháng 10 năm 2016 mà không có lý do. Chị có 3 giờ đồng hồ để thu xếp tư trang và xách gói ra khỏi nhà. Bên cạnh đó, chị được trả một khoản tiền đền bù, tương đương với từ hai đến ba tháng lương.

Nhưng lý do mà chủ nhân không nói ra là tình nghi ăn cắp của chủ.

Chị Parti trở về Indonesia ngay trong tháng đó, gửi lại một số đồ nhờ chủ giao lại cho công ty vận chuyển để gửi về Indonesia sau cho chị.

Nhưng hàng không về, mà Parti bị bắt giữ khi trở lại Singapore vào tháng 12 năm đó để tìm việc.

Chị bị giải tòa và bị kết án 26 tháng tù.

Sự việc theo lời kể của phe ông chủ

Chị Parti Liyani bị cáo buộc đã ăn cắp của 4 người trong gia đình chủ một số đồ trị giá hơn 50.000 đô la Singapore.

Ngày đó, báo chí Singapore dẫn lời kể của anh Karl trước tòa trong ngày thứ hai của phiên xử Parti hôm 24 tháng 4 năm 2017, để tường thuật như thế này:

Khi không thể tìm thấy vài món đồ đạc của họ, ông Chủ tịch Tập đoàn Phi trường Changi, Liew Mun Leong và gia đình chỉ nghĩ đơn giản là họ đãng trí để mất. Dần dà, khi không thấy cả những món đồ quý hơn, sự nghi ngờ của họ chuyển sang Parti Liyani, 44 tuổi, chị giúp việc nhà người Indonesia của họ đã 8 năm.

Theo ông Liew, giọt nước cuối cùng rơi xuống vào tháng 10 năm 2016, khi ông không tìm thấy cái hộp sạc pin điện thoại (power bank) mà một đại học Pháp đã tặng ông khi ông đi diễn thuyết ở đó. Ông quyết định chấm dứt công việc của chị và vì đang ở nước ngoài, ông đã nhờ anh con trai Karl Liew lo việc này cùng sắp xếp cho chị Pari về Indonesia.

Karl Liew Kai Lung, ông con trai của ông Liew, cho biết, một ngày sau khi họ đuổi chị người làm, nỗi nghi ngờ của họ đã được chứng minh là đúng. Anh Karl cùng với vợ, mẹ và một người giúp việc khác – mở ba cái hộp lớn mà chị Parti đã để lại nhờ họ chuyển về Indonesia sau.

“Chúng tôi thấy có những món đồ mà chúng tôi đã không thấy trong nhiều năm… Tôi rất ngạc nhiên về số lượng những món đồ đã biến mất trong suốt những năm qua. Nhiều món trong số đó có giá trị tình cảm lớn đối với chúng tôi…”

Karl nói thêm: “Làm thế nào chúng tôi có thể trả tiền để chuyển những cái hộp đó đi Indonesia cho được?”

Trong số những món đồ có giá trị tình cảm là một bộ quần áo mùa đông mà Karl Liew đã mua ở Vương quốc Anh thời sinh viên. Bên cạnh đó là 115 món quần áo cùng một chiếc đồng hồ Gerald Genta đã hư với dây đeo cũng bị hỏng, trị giá 25.000 đô la Singapore, hai chiếc iPhone 4 màu trắng với các phụ kiện trị giá 2.056 đô la Singapore, 120 bộ quần áo đàn ông trị giá 150 đô la Singapore, một cái mền 500 đô la Singapore, ba bộ khăn trải giường 100 đô la Singapore, một máy DVD Philips – 150 đô la Singapore, nhiều đồ dùng nhà bếp và dao nĩa trị giá 300 đô la Singapore, một bóp hiệu Gucci màu đen của đàn ông – 250 đô la Singapore, một cái bóp Braun Buffel màu đen – 250 đô la Singapore và một đồng hồ Helix – 50 đô la Singapore.

Giá trị của các mặt hàng – chủ yếu là quà tặng từ bạn bè hoặc gia đình – dựa trên ước tính của Karl.

Cái đồng hồ là quà tặng của cha, nó bị hư nên anh cất trong ngăn kéo bàn làm việc chờ đem đi sửa.

Karl khai rằng anh ta là người trong nhà này có mối quan hệ tồi tệ nhất với Parti, người đã nấu ăn và giặt quần áo cho anh trước khi anh dọn sang một căn apartment gần đó.

Anh mô tả người giúp việc bất lương của gia đình là một phụ nữ “ưa đối đáp” với tánh khí thất thường, anh nói: “Chị ta không thích nghe tôi hướng dẫn.” Mỗi lần anh hỏi chị có nhìn thấy món đồ nào của anh ở đâu không, chị thường trả lời: “Đi mà tìm.” Và khi anh hỏi chị đã nấu món gì, câu trả lời sẽ là: “Đến mà xem.”

Về việc sa thải Parti, Karl Liew cho biết anh đã làm theo hướng dẫn của cha – người chủ đã thuê Parti – với sự hiện diện của đại diện công ty giới thiệu việc làm của chị.

Karl khai chị ta đã phản ứng “như người bị đồng nhập” và đòi biết lý do. Chị ta gọi anh là “một người xấu”, phải bị Allah trừng phạt, chị ta cũng vùng vằng đến mức người đại diện công ty giới thiệu việc làm phải giữ chị lại.

Sau khi “gói ghém” đồ đạc tư trang – đầy đến ba cái hộp lớn, Parti yêu cầu người chủ trả tiền để chuyển các thùng này về Indonesia, Karl khai: “Tôi đã từ chối và chị ta bắt đầu nổi hung lên với tôi.”

Tại phiên tòa tiếp tục ngày hôm sau, trong khi lý do sa thải Parti không được nêu rõ, tòa án đã nghe rằng ông Liew Mun Leong đã báo cho cảnh sát vụ trộm hai ngày sau khi Parti bị sa thải.

Ông Liew Mun Leong cũng khai ông đã phát giác ra những bức ảnh chụp Parti và bạn trai của chị. Ông nói ông sợ rằng những người đó có thể gây phiền toái hoặc đột nhập vào gia cư của ông.

Anh con trai cũng khai có nhớ rằng mình đã thấy những bức ảnh Parti hôn ôm nhiều người đàn ông trong các bữa tiệc.

Parti bị bắt tại sân bay Changi vào ngày 2 tháng 12 năm 2016, khi trở lại Singapore để tìm việc với một chủ lao động khác.

Họ trình ra trước tòa một đoạn video do bà vợ của Karl Liew, Madam Heather Lim Mei Ern, quay, sau khi họ thấy những món đồ trong những cái thùng.

Karl cũng tố chị người làm bị đuổi đã lấy trộm chiếc túi Prada trị giá 1.000 đô la Singapore của vợ anh ta và một cặp kính mát hiệu Gucci trị giá 500 đô la Singapore đã bị hoen ố.

Trong số các món đồ mà chị Parti bị buộc là đã ăn cắp, còn có một máy  DVD Pioneer trị giá 1.000 đô la Singapore và hai túi Longchamp – 200 đô la Singapore của ông Liew Leong, một đồng hồ Vacheron Constantin của vợ ông Liew không rõ giá trị, một đồng hồ Swatch 75 đô la Singapore, đồ trang sức trị giá 775 đô la Singapore và các món phụ kiện thời trang..

Trong video, người ta nghe thấy tiếng bà mẹ đề nghị họ kêu một “karung guni” –  chữ ở Singapore chỉ những người mua đồ lạc xoong) đến để bán các thứ mà họ đã ném tung ra khắp sàn nhà.

Sự việc, theo chị người làm

Trong xét xử tại tòa án quận, chị Parti phủ nhận việc ăn cắp đồ của chủ. Chị khai đó là những thứ chị nhặt nhạnh lại khi chúng bị vứt bỏ, bị ném vào thùng tái chế, và có những thứ là tư trang của mình. Và trong số những thứ mà ông Kart khai là chị đã ăn cắp, có cả những thứ mà trước đó chị không hề thấy.

Trong khi trường hợp của chị đang được tòa xét xử, chị đã không thể làm việc và phải vào sống trong một nơi tạm trú do tổ chức phi chính phủ Humanitarian Organisation for Migration Economics (Tổ chức Nhân đạo dành cho Kinh tế Di cư / HOME) điều hành.

Chị khai không muốn làm gia đình phải lo lắng khi trở về Indonesia nên đã không nói với họ về trường hợp của mình.

“Tôi đã cố gắng hết sức để giữ cho gia đình không biết chuyện của mình. Vì vậy, họ không biết, đặc biệt là tôi không muốn mẹ tôi biết vì bà đã quá già, tôi không muốn mẹ bị đau ốm vì lo lắng”.

Vì không có thu nhập, chị không còn tiền gửi về cho gia đình. Chị đã xin lỗi gia đình vì không thể gửi tiền, nhưng chỉ nói rằng chị đang gặp “vấn đề với chủ”.

Nhân chứng đầu tiên của phiên tòa là Assistant Superintendent (Phụ tá Giám đốc Cảnh sát) Tan Ru Long, người đã tiến hành các cuộc điều tra sơ bộ khi báo cáo của cảnh sát được nộp lần đầu tiên, là nhân chứng đầu tiên.

Ông khai rằng một ngày sau khi Parti bị bắt, ông đã đến nhà các nạn nhân để xem xét những món đồ mà họ thu hồi được. Tòa án không được cho biết những thứ này đã được thu hồi cách nào, hoặc lúc nào. Những món đồ được cho là của vợ Karl đã được thu hồi khi cô ta không mặt ở Singapore để xác minh có phải đúng là đồ của cô hay không.

Ông Tan chỉ chụp ảnh những đồ vật mà các thành viên còn lại trong gia đình thu hồi được và coi là “kết quả thu giữ sau đó của nạn nhân”, ông ta nói với tòa án.

Parti nhất quyết giữ vững lời khai: chị không ăn cắp. Những món đồ đó có một số do chị nhặt nhạnh lại khi dọn rác, trong thùng tái chế, và có cả những thứ là tư trang của chị. Thậm chí trong số những thứ mà ông Kart khai là chị đã ăn cắp, trước đó chị không hề thấy.

Trước khi Parti được tại ngoại vào ngày 4 tháng 12 năm 2016, ASP Tan cho hay ông ta cũng đã thu giữ một số vật từ hành lý xách tay của Parti.

Parti đã phải chờ hơn một năm để được xử, trong nơi tạm trú do tổ chức phi chính phủ HOME cung cấp.

Nhưng rồi chị bị tòa buộc tội, và vào tháng 3 năm 2019, chị bị kết án 26 tháng tù giam.

Bản án được coi là nhẹ vì theo khung hình phạt án có thể nặng đến 7 năm, chưa kể phạt tiền.

Chị chống án.

Con kiến đi kiện củ khoai

Tại Tòa Thượng thẩm (High Court) Singapore, ông Anil Balchandani, luật sư của chị Parti, đã lý luận rằng bên nguyên đã dựng chuyện, bịa ra vụ thân chủ của ông ăn cắp.

Ảnh chụp quảng cáo cho công ty giới thiệu việc làm MPL
Liew Mun Leoung, chủ tịch CAG, Singapore
Anh Karl Liew (trái), con trai Liew Mun Leong chủ tịch Changi Airport Group
khai anh đuổi việc chị Parti theo lệnh cha. Photo:. Koh Mui Fong/Today

Việc sa thải chị chỉ là đòn ra tay trước của gia đình nhà chủ khi họ biết chị Parti định khiếu nại lên Bộ Nhân lực (Ministry of Power / MOM) về việc bị buộc làm thêm những việc không có trong phận sự của chị, như dọn dẹp nhà và văn phòng của anh con trai ông Liew. Sau một tuần lễ phải làm thêm những việc này, chị đã nhất định không làm nữa.

Hôm 28 tháng 10 năm 2016, khi anh Karl Liew báo cho chị biết công việc của chị với gia đình anh đã chấm dứt, chị đã nói với anh: “Tôi biết lý do tại sao. Ông nổi giận vì tôi từ chối không dọn nhà vệ sinh của ông.”

Và khi xếp đồ ra đi, chị đã dọa sẽ khiếu nại với nhà chức trách về việc bị buộc phải lau dọn nhà của Karl.

Rồi việc đi thưa khi “phát giác” những món đồ ăn cắp là bước tiếp theo nhằm mục đích ngăn không cho chị trở lại Singapore để khiếu nại họ với MOM.

Gia đình nhà Liew quyết định kiểm tra những cái hộp sau khi Parti đã ra đi. Ông Liew Mun Leong và anh con trai đã đi báo cảnh sát ngày 30 tháng 10.

Parti khẳng định chị không hề biết gì về việc này – cho đến năm tuần sau, khi chị bay đến Singapore để tìm việc làm mới, và bị bắt khi đến nơi.

Tại phiên phúc thẩm, có hơn 10 món “tang vật” đã được trình cho thẩm phán Tòa án Thượng thẩm Chan Seng Onn.

Luật sư Anil quả quyết đây là những thứ đã bị vứt bỏ: gồm một máy ghi DVD… không thể phát đĩa DVD và một chiếc đồng hồ Gerald Genta bị thiếu núm và dây đeo bị hỏng, cái đồng hồ Helix là đồ “qui đăng”, quà tặng khuyến mãi.

Ông Anil cũng chỉ cho tòa thấy nhiều món quần áo mà ông khẳng định là đồ của chị Parti nhưng ông Karl Liew khăng khăng là đồ của anh ta: trong đó có một chiếc sơ mi có hàng khuy bên trái, kiểu khuy chỉ có ở sơ mi đàn bà!

Ngoài ra, Thẩm phán Chan còn đặt câu hỏi về độ đáng tin của ông Karl Liew với tư cách là nhân chứng.

Thí dụ như Karl đã cáo buộc chị Parti đã ăn cắp một con dao màu hồng mà  theo anh nói là đã mua ở Anh và mang về Singapore vào năm 2002. Nhưng sau đó anh ta thừa nhận con dao này có kiểu dáng hiện đại mà trước năm 2002 không thể được sản xuất ở Anh.

Anh ta cũng tuyên bố rằng nhiều món quần áo, bao gồm cả quần áo phụ nữ, được tìm thấy trong hộp đồ  của chị Parti thực sự là của anh ta – nhưng sau đó không thể nhớ mình có những món đó không. Khi được hỏi trong phiên tòa tại sao anh lại có quần áo phụ nữ, Karl nói anh thích mặc “cross-dress” (mặc đồ của giới khác), một tuyên bố mà Thẩm phán Chan thấy “rất khó tin”.

Không cần đến luật sư, quan tòa Chan Seng Onn cũng thấy nhiều món đồ khác chỉ là junk, như hai cái iphone đã hỏng. Chẳng ai đi ăn cắp những thứ họ biết rõ là đã hỏng.

Quan tòa cũng đặt câu hỏi về các hành động của cảnh sát – những người mãi khoảng năm tuần sau khi báo cáo ban đầu của cảnh sát được đưa ra mới đến xem xét phạm trường.

Cảnh sát cũng đã không cung cấp cho chị Parti một thông dịch viên tiếng Nam dương, thay vào đó, họ cử một người nói tiếng Mã lai, thứ ngôn ngữ mà chị Parti không rành.

Thêm một yếu tố đáng chú ý nữa. Eugene Tan, Giáo sư Luật tại Đại học Quản lý Singapore nói với BBC News. “Dường như vị Thẩm phán tòa dưới (district court, xét xử vụ án này năm 2018 và kết án chị Parti) đã “phán xét trước” vụ án và không nhìn thấy những thiếu sót của cảnh sát và công tố viên.”

Hôm 4 tháng 9, tòa Thượng thẩm (High Court) đã tuyên tha bổng chị Parti Liyani hoàn toàn về tội trộm cắp mà chị đã bị tòa dưới kết án. Thẩm phán Chan Seng Onn xét chị Parti trắng án cả 4 tội danh. Trong phán quyết ông tuyên bố rằng gia đình ông Liew có các “động cơ không chính đáng” và muốn ngăn trở chị Parti Liyani đến cơ quan chức năng để khiếu nại về việc bị buộc phải dọn dẹp văn phòng và nhà của ông Karl Liew, ngoài việc làm việc tại nhà của gia đình.

Sáu ngày sau, ông Liew Mun Leong công bố việc từ chức chủ tịch tập đoàn Changi Airport Group và Surbana Jurong, bỏ luôn chức cố vấn cao cấp của công ty đầu tư Temasek và cái ghế trong hội đồng quản trị Temasek Foundation.

Người giàu có luật riêng?

Chị Parti Liyani và luật sư Anil Balchandani bên ngoài tòa án sau khi cáo buộc
cuối cùng của chị được xóa bỏ. Photo: Wong Kwai Chow/Straight Times

Cho đến tận hôm nay, sự việc vẫn còn là đề tài sôi nổi ở Singapore. Phần lớn dư luận nặng lời với ông Liew và gia đình ông.

Nhiều người coi trường hợp này như một thí dụ về việc người giàu và tầng lớp thượng lưu bắt nạt người nghèo và người yếu thế, và sống theo luật lệ của riêng họ.

Mặc dù cuối cùng công lý vẫn thắng, nhưng đối với một số người Singapore, vụ này đã làm lung lay niềm tin đã có trước nay của người dân vào sự công bằng và không thiên vị của hệ thống.

Giáo sư Eugene Tan nói đây là trường hợp hầu như chưa từng có trong thời gian gần đây.

“Những thất bại mang tính hệ thống rõ ràng trong trường hợp này đã làm cho người dân nghi ngại. Câu hỏi trong đầu của nhiều người là: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi ở trong vị trí của chị người làm? Liệu nó có được điều tra một cách công bằng … và xét xử công bằng không?”

Chuyện gia đình ông Liew đã có thể gạt được cảnh sát và tòa án cấp dưới bằng các cáo buộc sai trái đã đặt ra câu hỏi chính đáng về sự đầy đủ và hữu hiệu của nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng– check and balance.”

Ảnh chụp trang mạng gây quỹ giúp chị Parti Liyani có vốn để mưu sinh khi trở về Indonesia

Việc từ chức của ông Liew Mun Leong rõ ràng là do áp lực của dư luận.

Trong tuyên bố, ông Liew nói rằng ông “tôn trọng” quyết định của Tòa án và tin tưởng vào hệ thống pháp luật của Singapore. Nhưng ông vẫn bảo vệ quyết định báo cảnh sát của mình, nói: “Tôi thực sự tin rằng nếu nghi ngờ có sai phạm, bổn phận công dân của chúng tôi là báo cáo sự việc cho cảnh sát”.

Anh con trai, Karl Liew, cho đến nay vẫn giữ im lặng.

Vụ án đã khiến cho chính quyền Singapore phải mở một cuộc duyệt xét về các quy trình cảnh sát và công tố. Bộ trưởng Luật và Nội vụ Singapore, ông K. Shanmugam, thừa nhận “có điều gì đó không ổn trong chuỗi sự kiện”.

Sự việc cũng làm nổi bật vấn đề tiếp cận công lý của người lao động nhập cư.

Chị Parti đã có thể ở lại Singapore và tranh đấu cho mình nhờ sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Home, và luật sư Anil Balchandani, người đã cãi không công (probono) cho chị. Nếu không phải là pro bono, ước tính chi phí của ông sẽ lên đến 150.000 đô la Singapore.

Luật sư Balchandani cũng cho biết ông và Parti có ý định đòi bồi thường cho việc bà Parti bị mất tiền lương trong thời gian này.

Ông nói, con số này lên tới vài chục ngàn đô la” dựa trên mức lương hàng tháng cuối cùng – 600 đô la Singapore, của Parti. Ông nói: “Nếu điều đó được (gia đình Liew) đồng ý… và số tiền đủ thì đó sẽ là dấu chấm hết cho vấn đề.”

Nhưng nếu họ không và nếu chúng tôi thấy chúng tôi có một cơ may thắng việc để chứng minh với tòa án rằng các nỗ lực truy tố là bá láp và đáng tởm, thì chúng tôi sẽ làm đơn kiện và bên công tố sẽ có cơ hội phản bác và sau đó tòa sẽ quyết định số tiền phải trả như một khoản bồi thường.”

Người làm ngoại quốc ở Singapore

Trong vòng chưa đầy một thập niên, số lượng lao động nước ngoài làm việc nhà (foreign domestic worker / FDW) ở Singapore đã tăng vọt đến 27% – từ khoảng 201.000 năm 2010 lên 255.800 vào tháng 6 năm 2019.

Hiện nay, cứ 5 gia đình Singapore thì có một thuê một người giúp việc. Năm 1990, tỷ lệ này là khoảng 1/13.

Trong bối cảnh sự giàu có ngày càng tăng, tỷ lệ các bậc cha mẹ có thu nhập kép và dân số già hóa nhanh chóng, sự phụ thuộc của các gia đình Singapore vào FDWs sẽ còn tăng hơn nữa.

Luật Singapore quy định để được cấp giấy phép lao động, người làm việc nhà phải hội đủ các điều kiện: (1) Nữ, (2) từ 23 đến 50 tuổi, (3) là công dân của một trong các nước Philippines, Indonesia, Bangladesh, Cambodia, Hong Kong, Indonesia, Macau, Malaysia, Myanmar, Nam Hàn, Sri Lanka, Đài loan, Thái lan (không có Việt Nam); và (4) có trình độ học vấn tối thiểu 8 năm.

Theo thông tấn CNA (Channel News Asia) nhiều người rời quê hương để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho gia đình, nhưng trước khi có thể kiếm được tiền, hầu hết họ đều biết rằng họ phải chịu khó khăn về tài chính ít nhất trong vài tháng đầu tiên.

Hầu như tất cả những người giúp việc mà CNA đã nói chuyện đều biết rằng họ sẽ phải trả “placement fee” (phí sắp xếp chỗ làm) còn gọi là “maid loans” (khoản vay của người giúp việc) – bằng từ sáu đến chín tháng lương cho các cơ quan môi giới việc làm ở Singapore.

Các công nhân giúp việc tại gia trong một lớp huấn luyện của một công ty tuyển dụng lao động ở Singapore

 

Tổ chức HOME, nơi Parti Lyiani đã được bảo bọc từ tháng 12 năm 2016 đến ngày được minh oan cũng đã thành công trong việc gây quỹ để giúp chị một số tiền làm lại cuộc đời, thực hiện ước mơ của mình, đồng thời cho phép chị nuôi sống mình và gia đình một cách bền vững.

Chỉ trong vòng vài ngày, mục tiêu 28 ngàn đô Singapore để giúp Parti Lyiani tiền dựng một quầy bán thức ăn ở Indonesia đã thực hiện.

Khi được hỏi trong suốt thời gian qua, chị có bao giờ nghĩ đến việc nhận tội hay không, Parti Lyiani nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nhận tội vì tôi vô tội… Trong suốt 4 năm bị cáo buộc tội trộm cắp, tôi muốn thấy công lý”.

Chị nói khi được truyền thông phỏng vấn: “Giờ đây, khi vấn đề của tôi đã xong, tôi muốn trở lại Indonesia.  Tôi tha thứ cho chủ của tôi. Tôi chỉ muốn nói với họ rằng đừng làm điều tương tự với những người lao động khác.”

Đỗ Quân

(theo The Straight Times, Channelnewsasia, Today Online, BBC)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email