T
rong dân gian từ bao giờ còn loan truyền một câu ca dao nói về tai họa lũ lụt kinh hoàng vào tháng 9, 10 âm lịch, như vẫn luôn ứng với thời kỳ lụt lội mỗi năm của đất nước
Ông tha mà bà chẳng tha
Vẫn làm cơn lụt mùng ba tháng mười.
VN nằm gần trung tâm hình thành bão ở Philippines nên mỗi năm hứng các cơn bão từ đó thổi qua. Từ tháng Mười Một đến tháng Tư là mùa khô, từ tháng Năm đến tháng Mười là mùa mưa, không có xuân hạ thu đông, chỉ hai mùa mưa và khô thay đổi. Nhiều người nhận xét khí hậu VN có nhiều thay đổi. Xưa kia vào mùa mưa mỗi ngày luôn đều đặn những cơn mưa tầm tã. Nếu mưa sáng thì sáng nào cũng mưa, đợt mưa chiều thì chiều nào cũng mưa. Thế nhưng bây giờ mưa rất ít, do trái đất nóng dần lên, do hiệu ứng nhà kính, do ô nhiễm môi trường… mà mùa mưa trở nên ít mưa, mưa thường lai rai, lất phất. Giữa cơn mưa, sau cơn mưa trời vẫn rất nóng bức. Chỉ đợi tới mùa bão mang mưa nhiều đến, thời tiết mới dịu đi đôi chút. Cuối mưa vào tháng Chín, tháng Mười là mùa bão. Năm nào cũng bão tố, lũ lụt không to thì nhỏ, không miền Trung, miền Bắc cũng miền Nam, không đồng bằng cũng cao nguyên, không bão thì lụt, đất chuồi, đất lở… tới nỗi vừa ăn Tết Nguyên đán xong, ông tổ trưởng tổ dân phố đã đi từng nhà thu tiền cho quỹ cứu trợ nạn nhân bão lụt cuối năm.
Gió bão càn quét suốt một dải ven biển miền Trung, giông tố và lũ quét, lở đất, trên cao nguyên phía Bắc, ngay cả Tây Nam bộ vốn là miền đất an lành thế mà bây giờ cũng kêu ca lũ lụt. Những vùng đất trũng bao la vốn là hồ chứa nước thiên nhiên của miền Tây, nơi chứa đựng và điều tiết của sông Cửu Long vào mùa nước lên, để rửa phèn, thau mặn và bồi đắp phù sa. Tuy nhiên về sau này nhằm tăng đất trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp, tăng sản lượng nông nghiệp, tăng chỉ tiêu, tăng… lung tung gì nữa không biết nên dân chúng bị lùa tới sinh sống ở những vùng trũng đó để khai khẩn đất hoang, đê bao đắp ngang dọc kín mít các khoảnh ruộng như ô bàn cờ, nước không vào được đồng, không chỗ thoát nên tức chỗ này tràn chỗ kia. Thế là mỗi năm cánh đồng miền Tây lại trắng xóa nước và tình trạng lũ lụt lên xuống tự nhiên điều hòa từng được miêu tả hoành tráng và lãng mạn trong truyện ngắn Mùa Len Trâu của Sơn Nam và bộ phim điện ảnh của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, lại trở thành tai họa nhấn chìm nhà cửa tài sản, thiệt hại nhân mạng…
Thời tiết bao giờ cũng thất thường, người ta không thể quên năm 2006, chưa đợi tới mùa bão, mới tháng Năm, cơn bão số Một tại VN tức bão Chanchu đã ập xuống. Mặc dù năm nào cũng bão, vì bão từ trung tâm bão ở Philippines ào qua qua gần, quá nhanh không kịp yếu đi, thế nhưng khi bão tới nơi dù được báo trước, dân chúng vẫn trở tay không kịp. Tàu bè của ngư dân không được trang bị đầy đủ để có thể đón bắt kịp thời các bản tin khí tượng mới nhất. Vẫn còn rất nhiều ghe thuyền nhỏ ra khơi. Ngoài tàu to, ghe nhỏ, ngay cả thuyền thúng nhỏ nhoi câu mực của ngư dân nghèo đều nhất loạt tiến ra biển khơi, mỗi người một thúng lênh đênh giữa trời và nước và những đe dọa thời tiết không bao giờ lường trước được.
Du lịch là ngành kinh tế phát triển, dễ ăn và ăn liền lập tức nên đồi cát, rừng phi lao mau chóng bị san bằng, phát quang cho resort, hotel, restaurant tua tủa mọc lên. Không còn gì ngăn chặn nên gió bão mặc sức hoành hành. Tới lúc đó, khu du lịch, khách sạn gì cũng bỏ của hối hả chạy lấy người. Rừng vàng luôn cả rừng phòng hộ cũng bị đốn sạch để lập trang trại, trồng cà phê, khai thác gỗ… Bởi rừng là của chung, là “sở hữu tập thể toàn dân” nên mạnh ai nấy khai thác vô tội vạ. Mặc dù rừng bị đóng cửa, bị nghiêm cấm khai thác từ lâu nhưng đất rừng vẫn ngày càng bị thu hẹp, gỗ vẫn cứ bị ùn ùn đốn chặt, chuyên chở ra khỏi rừng như chỗ không người, à quên, như không có kiểm lâm. Những năm gần đây “lâm tặc” đã là một chữ quen thuộc và “phá rừng” là một tình trạng phổ biến khắp nơi.
“Biển bạc” cũng thế, biển đã bị con người vơ vét cạn kiệt… Do bắt cá bằng các loại lưới cào, lưới vét mắt nhuyễn kể cả dùng điện chích nên các loại hải sản cho đến tận cùng bé xíu đều bị quơ sạch sẽ. Biển đã từ lâu không còn là biển bạc, biển trở nên nghèo nàn, kiệt quệ, không thể đánh bắt gần bờ được, ngư dân ngày càng ra khơi xa hơn để tìm ngư trường mới, thời gian đi biển cũng kéo dài lâu hơn, nhiều ngư dân xoay qua làm thuê cho các tàu đánh cá Hàn Quốc, có thể lương cao nhưng sự đối xử quá đỗi hà khắc của chủ tàu khiến đã có một số thuyền viên đành bỏ việc giữa chừng. Không có vốn nhiều để đầu tư nên trên đại dương mênh mông cô lẻ chỉ là những chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé. Thông tin thiếu thốn và tin khí tượng báo sai, báo trễ, không thông báo hoặc không liên lạc được. Xót xa cảnh ngư dân trôi nổi vô định giữa bát ngát sóng nước nên có trường hợp một người dân mò mẫm tự tạo một trạm truyền thanh thô sơ để phần nào có thể phát đi những tin thời tiết mới nhất. Vì thế số mạng ngư dân nhiều khi chỉ trông chờ vào kinh nghiệm đi biển, gởi gắm vào đôi mắt nhìn trăng sao, nhìn hướng gió, nhìn sóng, nhìn các hiện tượng trên mặt biển mà đoán… mò!
Những ngư dân cùng con thuyền mỏng manh quăng mình vào biển khơi bất trắc. Gia đình của họ ở lại trên bờ, cha mẹ, vợ con trú ngụ nơi túp nhà cũng mỏng manh không kém trong ngôi làng chài sát bờ biển ngày đêm đối đầu với gió bão. Cơn bão Chanchu làm hai trăm sáu mươi sáu người chết và mất tích, ngoài thiệt hại về nhân mạng còn tàu thuyền của cải chìm ngoài đại dương. Chỉ khổ cho ngư dân vốn đã nghèo lại nghèo hơn. Tài sản dẫu chỉ là con thuyền nhỏ, túp nhà nát ki cóp bao nhiêu năm một chốc tan tành tay trắng và người thân gia đình gởi mạng ngoài khơi không quay về. Nghĩa trang của những làng này, ngày càng nhiều thêm những hàng mộ gió, mộ vọng, đó là những ngôi mộ không có hài cốt, quan quách, chỉ là nấm đất vun lên với tấm bia ghi ngày tháng để có chỗ cho những vành khăn tang cúi đầu thắp hương, khấn vái.
Vừa qua là bão Noul khiến 6 người chết, 112 người bị thương…
Sau mỗi lần thiên tai, bão lụt, dĩ nhiên dân thành phố cũng như cả nước và kiều bào hải ngoại đều hết lòng giúp đỡ. Tương trợ là bổn phận của mỗi người. Tùy theo xa hay gần khu trung tâm thành phố, tùy cấp độ của từng nơi để đóng góp với những mức độ khác nhau. Tuy nhiên vì các chỉ tiêu sẽ được bổ xuống các đơn vị ban ngành dưới nên số tiền phải đóng được linh động để đạt chỉ tiêu. Nhằm “khắc phục hậu quả” của những cơn bão lớn, chỉ tiêu cao hơn và được trải rộng ra. Vì thế một người đi làm bình thường sẽ phải đóng tiền bão lụt cho cơ quan, cho công đoàn, cho tổ phụ nư, tổ thanh niên… về nhà đóng tiền cho phường, cho phụ nữ hay phụ lão hộ người già trong gia đình… Đóng tiền bão lụt là bắt buộc nhưng đóng tiền như trên thường là sự miễn cưỡng, đóng vì… phải đóng, vì không thể từ chối.

Sở dĩ miễn cưỡng như vậy vì lắm khi tiền cứu trợ trên đường đi chính thức đã bị rơi rụng, ngắt véo ít nhiều. Số còn lại xuống đến nơi lại không biết rơi vào tay ai. Danh sách cứu trợ không thể thiếu bà con thân thuộc của những người có thẩm quyền nhận tiền cứu trợ tại địa phương. Ủy ban cứu trợ lại không sâu sát với dân nên một số gia đình nhận nhiều quà và nhiều lần, người khác nhận ít hoặc không được nhận. Một vài trận thiên tai được đưa tin ồ ạt nên nhận quà ồ ạt và những trận thiên tai khác cũng mất người, mất của đôi khi đành thiệt thòi. Cơn bão Chanchu năm đó còn dư hai mươi chín tỉ đồng cứu trợ. Tiền được duyệt chi nhưng đi mãi chưa tới nơi, hoặc giả đến nơi nằm đó chưa chi, không biết chừng nào chi. Cũng trong cơn bão trên, Quảng Nam nhận mười sáu tỉ, hơn hai tháng sau mới chi hết ba tỉ, Đà Nẵng được trợ giúp mười tám tỉ đồng nhưng cũng mới chi hai tỉ. Có gia đình được cứu trợ một trăm triệu và bốn trăm ký sữa nhưng những gia đình có mức độ thiệt hại tương đương ở xa, ít đoàn ghé thăm chỉ nhận được mười triệu đồng, nơi tiếp khách nườm nượp, nơi quạnh quẽ không ai đoái hoài, một số nơi dư công quỹ để tiếp các phái đoàn cứu trợ nhưng vài nơi khác méo mặt khi lo tiếp đón chỗ ăn chỗ ở tươm tất, lo xe lo xuồng cho những đoàn nhân thể một công đôi chuyện, vừa cứu trợ vừa là chuyến đi chơi giải trí ngắm cảnh tò mò.
Cho nên hăng hái đóng tiền với tất cả lòng xót xa đồng bào với nhau ở nhiều chỗ khác nhau. Nhiều trẻ em được cha mẹ dẫn đến các tòa báo hay cơ sở tôn giáo để nhờ những nơi này mang đi giúp đỡ nạn nhân thiên tai, các nhóm từ thiện tự thu gom với nhau, tự thuê xe đến tận nơi chính tay phân phát quà đến các nạn nhân. Họ chịu khó lặn lội tới những nơi xa xôi, nạn nhân bão lụt, trại mồ côi tỉnh xa, dân thiểu số trên Tây nguyên… Các nhóm từ thiện phát triển ngày càng nhiều, càng đông đảo và hoạt động rất hữu hiệu, mau chóng.
Mùa bão năm nay chưa qua, những cơn bão vẫn chập chờn trước mặt, rồi mùa bão của năm tới và những năm tới nữa với những cơn bão dập vùi, những nỗi đau lập đi lập lại không ngưng, không khác. Chỉ sau mỗi cơn bão tang thương như vậy, xóm làng vắng vẻ đìu hiu hẳn. Mất đi những người đàn ông trụ cột gia đình, chỉ còn người già, phụ nữ và con nít ngơ ngác nhìn nhau. Thanh niên sót lại và phụ nữ lũ lượt xuôi Nam khiến số lượng dân nhập cư của thành phố gia tăng mau chóng. Họ làm thợ xây dựng, công nhân may áo, may giày, bán hàng rong, lượm bao nylon… Cả trẻ em cũng gia nhập đội quân bán vé số hoặc gia nhập các cơ sở sản xuất với tiền lương rẻ mạt.
Mùa bão chưa qua, mùa bão chẳng khi nào qua…
Hàm Anh