CON NGƯỜI TA CÓ “SỐ” ?

Bi kịch phía sau đồng tiền won 

Thoát chết sau lần ngã trong hầm lạnh tàu cá ở vùng biển Suriname, gần 20 năm qua, anh Nguyễn Văn Dương phải gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn.

Anh Dương quê quán tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, làm nghề đi biển, nhưng không đủ nuôi vợ và hai con nhỏ. Cuối năm 2001, 25 tuổi, anh vay mượn 30 triệu đồng đi xuất khẩu lao động với mong muốn thoát nghèo.

Làm thuyền viên cho một tàu cá Đại Hàn, lương mỗi tháng 3 triệu won (tương dương với khoảng 51 triệu đồng Việt Nam vì 1 won = 17 đồng VN lúc ấy; hiện nay 1 won = 17,780 đồng VN). Anh tích góp gửi về quê trả nợ tiền vay để đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, tai họa ập đến giữa năm 2002, khi anh đang đánh bắt cá ngừ đại dương trên vùng biển quốc tế Suriname, gần Nam Mỹ.

Trong lúc làm việc tại hầm lạnh tàu cá, anh Dương bị máy tời (máy cuộn hoặc mở dây thừng, dây chão) kéo trúng khiến anh ngã ngửa ra sau, phía ót đập vào song sắt, nằm bất động. Y tế Đại Hàn đưa máy bay trực thăng tới cứu ứng, chở vể thủ đô Seoul chữa trị. 

Sau nửa tháng trời nằm bất động tại bệnh viện, tỉnh lại anh bật khóc khi nghe thông báo mình đã gãy cổ. Anh được công ty thanh lý hợp đồng lao động và hỗ trợ hơn 8 triệu won tức khoảng 150 triệu đồng Việt Nam, cộng với  tiền vé máy bay khứ hồi giúp thân nhân sang đưa anh về quê nhà, còn các chi phí về thuốc men và tiền bệnh viện… thì do bảo hiểm của công ty chi trả. 

Về Việt Nam, điều trị tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn thêm 10 tháng, anh trở về quê nhà Hà Tĩnh trong tình trạng liệt toàn thân.

10 năm đầu sau khi về nhà, anh Dương nằm một chỗ, không thể cử động, ngủ phải có người túc trực để 30 phút thì hỗ trợ xoay trở một lần kẻo lưng sẽ bị lở. Khoản đền bù 150 triệu đồng sau một năm thì hết. Nhiều đêm anh nằm khóc, đôi lúc muốn “chết quách cho rồi”. Lúc trước cao 1,7 m, nặng 70 kg, có thể làm mọi công việc nặng nhọc, nay đến đôi đũa, chiếc muổng cũng không cầm nổi.

Cái ngã trên tàu cá khiến mọi dự định của anh Dương tan vỡ. Căn nhà cấp bốn lụp sụp do bố mẹ để lại, 20 năm nay hư hỏng chưa có tiền sửa. Cuộc sống cả gia đình trông chờ vào quán bán đồ ăn sáng của vợ anh.

Thể trạng yếu, tình cảm vợ chồng cũng dần phai nhạt, đôi lúc anh hiểu vợ suy nghĩ “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vì vậy chị bảo gì anh nghe nấy, song nhiều khi vẫn có chuyện xích mích do chị buồn và thất vọng quá đâm ra hay gắt gỏng. Mỗi lần như vậy anh lại muốn chết.

Những năm gần đây, hàng ngày anh Dương thức dậy từ 5h sáng để cố gắng tập đi xe lăn, tập cử động hai tay, gần như tự lo được các sinh hoạt cá nhân. Anh nói ngọng nghịu không rõ lắm: “Tôi cầu mong có phép lạ để có thể đi lại, tìm cách kiếm sống”.

Không có thống kê chính thức về số người xuất khẩu  lao động bị tai nạn, thực tế là không hiếm. Tại Hà Tĩnh, 9 tháng đầu năm 2019 có 10 lao động xa xứ tử vong do ngã xuống biển hoặc bị hỏa hoạn tại khu công nghiệp hay  cháy tàu cá… Đa số các gia đình người bị nạn đều lâm hoàn cảnh bế tắc còn quá lúc chưa đi xuất khẩu lao động. 

Người lao động xa xứ thường làm trong môi trường có độ rủi ro cao. Ngoài việc gặp tai nạn, nhiều người còn rơi vào bi kịch gia đình. Ba năm nay, chị Thảo, 42 tuổi, quê quán tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, một mình nuôi hai con. Sau chuyến đi xuất khẩu lao động ở Đại Hàn về, chị nói: “Nếu lường trước được bi kịch, chắc chắn tôi sẽ không đi”.

Sang Đại Hàn cuối năm 2015, chị làm việc trong một công ty lắp ráp linh kiện điện tử, lương tháng tính ra tiền Việt khoảng hơn 30 triệu đồng. Hàng tháng chị gửi già nửa về để chồng trả nợ phí xuất ngoại, nuôi các con ăn học.

Hết hợp đồng trở về, chị sốc khi 3 năm qua tiền gửi về chồng không tích góp được đồng nào, chỉ trả được hết nợ. Gặng hỏi chồng thì anh thú thật đã vướng vào lô đề, cờ bạc nên tiêu hết tiền, không gửi ngân hàng như lời chị dặn. “Vợ chồng đường ai nấy đi sau mâu thuẫn suốt nhiều tháng trời. “Tôi quyết định ly dị, một mình nuôi hai con vì sợ anh ấy nghèo rớt mồng tơi, chẳng có công việc gì, các con sẽ khổ, chị Thảo nói.

Ở huyên Nghi Xuân – vùng đất có hơn 14.500 người đi xuất khẩu lao động, nhiều nhất Hà Tĩnh, không ít gia đình cũng rơi vào trường hợp như chị Thảo. Một vị thẩm phán TAND huyện Nghi Xuân đã từng xét xử nhiều vụ án ly hôn, chia sẻ: “Có rất nhiều lý do, song việc vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động dẫn đến đổ vỡ không phải là ít. Xa cách nhau lâu ngày, nhiều người không giữ được  mình nên đã thay đổi”.

Hai năm qua, TAND huyện Nghi Xuân đã thụ lý 15 vụ án ly hôn liên quan đến xuất khẩu lao động. Cán bộ tòa cho biết, thực tế còn nhiều hơn song nhiều cặp không muốn nêu lý do trong hồ sơ. Ngoài án dân sự, án hình sự cũng có 5 vụ liên quan đến trẻ vị thành niên thiếu sự quản lý của bố mẹ do một trong hai người đi xuất khẩu lao động.

Cuối tháng 6, có mặt tại TAND tỉnh Hà Tĩnh với tư cách người giám hộ cho cháu 14 tuổi liên quan đến vụ án Giết người, bà Năm Thành, 62 tuổi nói bà rất ân hận vì không kiểm soát được cháu, để cháu tụ tập chơi bời, gián tiếp gây ra cái chết cho một đứa bạn. Bà nói: “Tôi trông coi cháu từ lúc cháu 10 tuổi đến nay để cả hai vợ chồng con trai tôi đi xuất khẩu lao động ở bên Đại Hàn. Vợ chồng tôi già rồi, lại không có chữ nghĩa nên  cũng không biết cháu học hành thế nào, giờ giấc ra sao, chơi nhiều hơn học nên mới ra nông nỗi”. 

Liên quan đến vụ án còn có 6 trẻ vị thành niên tuổi 13-17, có bố hoặc mẹ đang ở nước ngoài, người giám hộ là cô dì, chú bác, ông bà… Họ trình bày người thân mải đi làm ăn,  không để ý đến việc giáo dục con.

Những bi kịch xảy ra do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Song thực tế xuất khẩu lao động đã giúp nhiều gia đình sung túc. Một số người đã biết tận dụng khoản tiền mình tích lũy để làm giàu. Tuy nhiên, cũng nhiều người vẫn đang loay hoay với bài toán mưu sinh sau thời gian làm việc ở nước ngoài.

Tình cảnh của người hết hợp đồng, trốn ở lại làm chui

Cuối năm 2013, chị Thanh, 47 tuổi, quê quán ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, hết hợp đồng 3 năm lao động xuất khẩu tại  Đài Loan. Những ngày làm việc ở xứ người đã giúp chị trả hết nợ chi phí giấy tờ đi lao động, nuôi ba con ăn học, xây được căn nhà ba tầng khang trang ở quê. (Sự thực, ở nhà quê người ta thích xây nhà cao cho… oai!).

Trong cuộc trò chuyện điện thoai với con trai 15 tuổi cận kề ngày về nước, nghe con nói “nhà mình đang nợ 100 triệu đồng vì xây nhà đội chi phí”, chị vội gọi cho chồng: “Ở quê, xây nhà nhỏ một chút nhưng gia đình đoàn tụ, không phải lo lắng gì cả thì sướng hơn. Chừ lấy mô ra 100 triệu đồng trả nợ…”.

Nhiều đêm sau đó chị nằm suy nghĩ không sao ngủ được. «Chồng tôi không dám  bảo ở lại, song tôi hiểu ý anh muốn như thế”, chị kể. Vài ngày trước khi kết thúc hợp đồng tại công ty lắp ráp linh kiện điện tử, chị bỏ ngang, trốn ra ngoài làm việc cho một trang trại trồng rau.

Chị thuê một phòng trọ tính theo tiền Việt khoảng 3,2 triệu đồng/tháng, đi làm về luôn khóa trái cửa, hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Hàng ngày, chị thức dậy lúc 2 giờ sáng đến trang trại trồng và hái rau, đóng thùng carton để bà chủ chở đi giao. Có ngày làm việc hơn 15 tiếng, về phòng ăn tạm tô mì, chị lả đi trong lúc nói chuyện điện thoại với chồng. “Gia đình là nguồn an ủi mỗi khi làm việc mệt mỏi”, chị nói.

Thu nhập năm 2013 của lao động Việt tại Đài Loan dao động từ 20 đến 23 triệu đồng nếu tính theo tiền Việt, còn ra ngoài làm “chui”, do không phải chịu thuế nên cao hơn, khoảng 26 – 28 triệu đồng nếu tính theo tiền Việt. Đàn ông thường làm nghề  xây dựng hay trong xưởng cơ khí, phụ nữ làm ở trang trại. Tuy nhiên, họ thường bị công ty quản lý cũ giữ hộ chiếu, thẻ cư trú, phải sống chui sống nhủi, tránh nhà chức trách phát giác, trục xuất.

Không có bảo hiểm, bệnh tật, đau ốm có thể thành cuộc khủng hoảng bởi chi phí điều trị đắt đỏ, chưa kể dễ bị lộ thân phận cư trú bất hợp pháp. Những người như chị Thanh thường tự chữa bệnh tại nhà, chỉ vào bệnh viện khi rất nặng.

Nỗi lo lắng bám đuổi chị Thanh mọi lúc mọi nơi. Đi trên đường trông thấy cảnh sát, mặt chị tái mét. Có lần, bà chủ lái xe bán tải chở chị cùng một đồng hương đến trang trại thì bị cảnh sát huýt còi. “Thế là hết. Ôm đống nợ ở quê không trả nổi rồi”, chị nhắm mắt nghĩ thầm trong lúc nắm chặt tay đồng hương. Song, hôm đó chị thoát vì cảnh sát không kiểm tra giấy tờ, chỉ phạt bà chủ lỗi chở người sau thùng xe.

Hơn 8 tháng, chị Thanh trả được 100 triệu đồng tiền nợ xây nhà. Định về quê, chị lại bước vào một sự lo nghĩ khác. Con trai lớn chuẩn bị vào trung học, hai đứa kề cận học cũng giỏi. “Về bây giờ, con học lên cao lấy tiền đâu mà chi trả?”, chị nghĩ, không đành lòng để con mình khọng có tiền đi học.

Chị tính toán nếu ba con vào đại học, mỗi tháng phải đóng hàng chục  triệu đồng mỗi đứa thì lấy tiền mô? Chị về quê, hai vợ chồng đi phụ hồ, làm ruộng, kiếm sao nổi số tiền đó, chưa kể tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Chị lại chậc lưỡi, trốn tránh thêm vài năm nữa. 

Nhờ những khoản tiền lao động “bất hợp pháp” may mắn không bị phát giác  chị gửi về, hai con trai lớn của chị đã vào đại học còn con gái út bắt đàu học lớp 12.

Cũng trải qua cuộc giằng co ở lại công ty hay bỏ ra ngoài, Long, 25 tuổi, quê huyện Yên Thành, Nghệ An nói đó là quyết định rất khó nhọc, chủ yếu do “tức nước vỡ bờ”. Sang Nhật Bản năm 2019 với chi phí gần 150 triệu đồng, Long luôn tự nhủ kiếm chút vốn rồi về quê ổn định cuộc sống.

Sau một tháng học tiếng Nhật, Long được tuyển vào công ty điện lạnh, chuyên lắp đặt điều hòa, mỗi ngày 8 tiếng. Trong thỏa thuận đơn hàng, thu nhập mỗi tháng chưa tăng ca khoảng 30 triệu đồng tiền Việt Nam. “Song thực tế không như vậy, ngay tháng thứ hai tôi phải tăng giờ làm mà không được tăng tiền công, nơi làm việc thì liên tục thay đổi”, Long nói.

Long cùng nhiều lao động Việt liên hệ với nghiệp đoàn bản địa nhờ hỗ trợ, nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Nhóm công nhân phản kháng bằng cách chỉ làm mỗi ngày 8 tiếng, mặc cho quản lý tỏ thái độ không hài lòng, liên tục hối thúc.

“Hôm nào tới công trình, lao động Việt cũng bị dọa sẽ trả về nước”, Long kể. Làm việc trong không khí căng thẳng, cậu và một số bạn tính bỏ ra ngoài tìm việc. “Liệu có kiếm được việc làm ngay hay không, lỡ thất nghiệp dài thì tiền đâu để bám trụ. Không may bị phát hiện, trục xuất về nước thì ai sẽ trả nợ thay”, Long nhớ lại lời chất vấn của một đồng hương.

Hơn hai tuần cân nhắc, Long cùng hai người khác quyết định bỏ trốn sau khi nhận tháng lương thứ hai. Họ chấp nhận đánh cược tương lai của bản thân và nguy cơ đổ nợ lên vai bố mẹ nếu bị bắt.

Thuê một phòng trọ rộng vài chục mét vuông, hàng ngày ba thanh niên tự nấu ăn rồi lên mạng xã hội tìm việc qua các hội, nhóm. Sau một tuần, Long được nhận làm shipper, hai bạn xin vào xưởng chế biến thực phẩm. Long sắm xe đạp cũ đi giao hàng. Mỗi ngày cậu đạp xe 100 km, cao điểm 140 km trong hơn 10 tiếng, tháng lương cao nhất gần 80 triệu đồng.

Thu nhập khá, nhưng rủi ro luôn rình rập. Một lần cậu đang ngồi nghỉ ở công viên thì hai cảnh sát xuất hiện mời về đồn kiểm tra giấy tờ. “Em đạp xe đi trước, cảnh sát theo sau. Lúc dừng đèn đỏ em đánh liều bỏ chạy, họ đuổi khoảng 3 km thì bỏ cuộc”, Long kể.

Gần 3 năm lao động bất hợp pháp, Long trải qua bốn công việc. Khoản nợ vay làm thủ tục xuất ngoại đã trả xong, cậu tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng. “Biết bỏ trốn là phạm pháp, ảnh hưởng nhiều người khác, nhưng thực sự em chả còn cách nào. Nhiều lao động Việt cũng rơi vào hoàn cảnh giống em khi xưa, đang dằn xé giữa bỏ trốn hay làm theo đúng hợp đồng”, Long nói.

Long và chị Thanh nằm trong số hàng nghìn lao động Việt cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, đa phần ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu. Chính vì tỷ lệ bỏ trốn cao, Đài Loan dừng tiếp nhận lao động giúp việc gia đình vào tháng 1/2005 và đóng cửa tới giữa năm 2015 mới mở lại. Từ năm 2013 đến 2016, Hàn Quốc ngừng gia hạn tiếp nhận mới lao động Việt Nam, chỉ ký hai ghi nhớ đặc biệt có hiệu lực đối với một số nhóm.

Nhiều địa phương đang “đau đầu” về vấn đề này, đã có rất nhiều cuộc vận động lao động hồi hương, nhưng kết quả hạn chế.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email