Con trai hay con gái?

Huy Lâm
Khi nghiên cứu về dân số trên thế giới, người ta nhận thấy một số khu vực, đặc biệt là tại Á Châu, tỷ lệ dân số nam nữ chênh lệch khá xa, và nhiều nơi còn có tình trạng thiếu phụ nữ trầm trọng. Nguyên do mà các nhà nghiên cứu đưa ra là vì văn hoá truyền thống ở những nơi đó còn quá trọng nam khinh nữ, và khi các cha mẹ có con thì họ chỉ thích có con trai. Nói là văn hoá thì cũng đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Bởi vì ngay như nước Mỹ, một quốc gia văn minh, người dân có tri thức cao, coi trọng quyền bình đẳng, mà cũng có vấn đề trọng nam khinh nữ, vẫn thích sinh con trai hơn con gái, thì đâu phải vì nguyên do văn hoá không thôi.
Một cuộc khảo sát của viện Gallup năm 2011 cho biết có gần gấp đôi số người Mỹ thích có con trai hơn so với con gái. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy trong số một ngàn người được phỏng vấn, có tới 48 phần trăm nhìn nhận là họ muốn có con trai hơn là họ muốn con gái. Trong khi chỉ có 28 phần trăm nói rằng họ chọn con gái, và 26 phần trăm cho biết với họ con trai hay con gái cũng được. Số còn lại thì không có ý kiến.
Hơn nữa, trong khoảng thời gian từ 1941 đến 2011, Gallup đã làm tổng cộng 10 cuộc khảo sát người Mỹ, và câu trả lời của họ hầu như không thay đổi. Nếu như chỉ có thể có một con, 40 phần trăm người được hỏi nói rằng họ chọn con trai và chỉ 28 phần trăm chọn con gái (số còn lại không có ý kiến).
Tuy nhiên gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy dường như tâm lý trọng nam khinh nữ đang có chiều hướng thay đổi và sự thiên vị nghiêng về nữ nhiều hơn nam.
Một cuộc nghiên cứu mới đây đã chứng minh cho thấy về sự thay đổi đó. Trong khi trước đây cha mẹ người Mỹ nếu có con gái đầu lòng thì thường muốn có thêm con nữa để kiếm đứa con trai, nay thì điều đó đang đảo ngược lại: Có con gái đầu lòng rồi thì thường người ta ít muốn có con nữa. Một số dữ liệu lấy từ hồ sơ của những người xin con nuôi và việc cấy thai nhân tạo, qua đó các cha mẹ phải hoàn tất rất nhiều thủ tục giấy tờ, một trong những thủ tục đó cho phép cha mẹ được quyền chọn giới tính của đứa con, và kết quả cho thấy đa số các cha mẹ chọn con gái.
Kết quả của cuộc nghiên cứu trên còn cho biết lớp di dân thuộc thế hệ thứ nhất và thừ nhì tiếp tục có chiều hướng chọn con trai. Những lớp di dân này sau khi có con gái đầu lòng vẫn tiếp tục có thêm con để kiếm con trai – đặc biệt là những người đến từ những quốc gia mà vấn đề bình đẳng giới tính vẫn còn bị coi nhẹ và nơi mà phụ nữ thường không đi làm mà chỉ ở nhà lo việc nội trợ.
Ở những nơi còn duy trì văn hoá kỳ thị con gái thì nơi ấy phụ nữ cũng bị đối xử như những người thuộc giai cấp thấp hơn. Con trai trong gia đình có nhiều cơ hội để thành công hơn, là người được trao trọng trách nối dõi tông đường và có trách nhiệm kiếm tiền để lo cho cha mẹ già trong gia đình.
Tuy nhiên, tình trạng cuộc sống của phụ nữ Mỹ từ khoảng bốn thập niên đổ lại đây đã trải qua một cuộc cách mạng làm thay đổi quan niệm nam nữ trong xã hội. Mặc dù hiện nay phụ nữ Mỹ vẫn còn phải đối diện với những đối xử bất công và kỳ thị giới tính, nhưng đồng thời họ cũng được có nhiều cơ hội hơn trước để thăng tiến sự nghiệp và đóng một vai trò quan trọng hơn trong sinh hoạt gia đình. Phụ nữ ngày nay cũng có nhiều khả năng hoàn tất bậc đại học hơn là nam giới.
Đàn ông không có bằng đại học hiện đang gặp nhiều khó khăn trong thị trường việc làm với những công việc đòi hỏi làm việc bằng đầu óc nhiều hơn là bắp thịt. Đàn ông và các em trai lớp tuổi thiếu niên hầu như là nguyên nhân gây ra những cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ đang phải đối phó, trong đó những vụ xả súng vào đám đông và sách nhiễu tình dục đều do nam giới gây ra. Và đó có thể là lý do vì sao hiện nay các cha mẹ Mỹ có chiều hướng thiên vị con gái hơn con trai.
Trước đây, các kinh tế gia đã thử nhiều phương pháp để đo lường sự thiên vị của các bậc cha mẹ. Một trong những cuộc nghiên cứu mang tính khai phá được thực hiện bởi Enrico Moretti và Gordon Dahl vào năm 2004, sử dụng dữ liệu từ các cuộc điều tra dân số với những phụ nữ sinh con trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1980, cho thấy các cha mẹ có con gái đầu lòng thì thường muốn có thêm đứa thứ hai hơn là các cha mẹ có con trai đầu lòng. Sự thiên vị con trai còn thấy rõ hơn nữa khi họ có thêm đứa con gái thứ hai thì nhiều người vẫn muốn thử có thêm một đứa nữa để mong được con trai.
Một cuộc nghiên cứu mới được công bố vào Tháng 9 năm ngoái, cũng sử dụng phương pháp tương tự, nhưng là với dữ liệu của các phụ nữ sinh con từ năm 2008 đến 2013. Kết quả cho thấy một điều khá ngạc nhiên là chiều hướng nếu có con gái đầu lòng lại muốn có thêm con không còn đúng nữa, mà ngược lại, nhiều người nay lại thích có con gái đầu lòng hơn.
Người Mỹ nói chung, đặc biệt nam giới, vẫn thường nói rằng họ muốn có con cùng giới tính với họ – mẹ thì thích con gái, cha thì thích con trai. Kết quả cuộc khảo sát năm 2011 của Gallup cho biết 31 phần trăm phụ nữ muốn con trai và 33 phần trăm muốn con gái, trong khi 49 phần trăm đàn ông muốn con trai và chỉ 22 phần trăm muốn con gái.
Một phần lý do là vì các cha mẹ muốn chia sẻ sở thích và niềm vui với con của họ – cha có thể chơi thể thao với con trai; mẹ có thể thêu thùa, nấu ăn với con gái. Nhưng nay con gái cũng tham gia nhiều môn thể thao và những sinh hoạt khác mà trước đây được xem là dành cho con trai, và vì vậy, các người cha ngày nay cũng cảm thấy gần gũi với con gái hơn. Riêng về các sinh hoạt của con trai thì đến nay vẫn không có nhiều thay đổi.
Trong khi phụ nữ ngày càng có tiếng nói mạnh hơn trong quan hệ hôn nhân, và cũng ngày càng có nhiều các bà mẹ độc thân, và đó có thể là một lý do khác nữa cho thấy những bà mẹ này muốn có con gái hơn để làm bầu bạn với họ.
Nam giới, đặc biệt là đàn ông da trắng, mặc dù vẫn có nhiều lợi thế trong xã hội Mỹ hiện nay – được trả lương cao hơn mặc dù làm cùng một công việc, hoặc nhiều người trong số họ vẫn nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong guồng máy chính quyền và trong giới kinh doanh. Nhưng tính chung, ảnh hưởng của nam giới sụt giảm dần ở trường học cũng như ở sở làm.
Hiện nay, ngay ở những lớp đầu của bậc tiểu học cũng được nhà trường chú trọng đến việc học – giờ học nhiều hơn và giờ chơi bớt đi – và các thầy cô báo cáo cho biết các em trai, nói chung, ít khi chịu ngồi yên, nghịch ngợm và học kém hơn so với các em gái.
Trong thị trường công ăn việc làm, những công việc gia tăng đều đặn trong mấy thập niên gần đây thường đòi hỏi những kỹ năng giao tiếp, có khả năng làm việc chung trong nhóm và biết cảm thông – mà nữ giới thường tỏ ra khéo léo với những kỹ năng trên hơn là nam giớ. Những công việc có chiều hướng thụt giảm là những công việc tay chân cần nhiều sức mà trước đây chỉ dành riêng cho nam giới, chẳng hạn như công việc chạy máy – và điều này cho thấy nam giới đang bị thất thế.
Các nhà nghiên cứu còn nói thêm rằng, đối với các cha mẹ, nuôi dạy con gái là chỉ bảo cho chúng biết tất cả những gì mà chúng có thể làm, trong khi nuôi dạy con trai là dặn dò chúng những gì chúng không nên làm.
Hiện nay chưa có một cuộc khảo sát chính thức nào trong cộng đồng người Việt ở Mỹ về vấn đề thiên vị con trai hay con gái, nhưng có lẽ vẫn còn nhiều người Việt ở Mỹ thích có con trai hơn con gái do ảnh hưởng của nền văn hoá cũ theo chúng ta qua đây. Tuy nhiên, chúng ta cũng có câu tục ngữ “nhập gia tuỳ tục” – vào chơi nhà nào thì ta phải theo lối sinh hoạt của nhà ấy – và vì vậy, khi xã hội Mỹ có những thay đổi thì cộng đồng chúng ta cũng biết tuỳ nghi để thích ứng và thay đổi theo chiều hướng tốt. Vả lại, hiện nay đã có nhiều phụ nữ gốc Việt thành công trong xã hội Mỹ ở đủ mọi lãnh vực: khoa học, chính trị, kinh doanh, giáo dục v.v… Có được những người con gái như thế thì lại càng hãnh diện chứ sao. Câu “nữ nhi ngoại tộc” là một câu nói đầy hàm hồ.
Vấn nạn kỳ thị con gái đang ngày một phai mờ dần đi là điều chúng ta nên mừng vì ai cũng muốn sống trong một xã hội bình đẳng. Nhưng nếu như sự thiên vị con gái nhiều quá mà đưa đến tình trạng kỳ thị con trai thì không nên chút nào và như vậy lại đưa đến một vấn đề mới. Một xã hội mà còn tình trạng kỳ thị, cho dù là trai hay gái, thì đâu thể gọi là một xã hội công bằng.
Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email