Con trời nói theo văn tự là thiên tử.
Thời buổi bây giờ dưới hạ giới có rất nhiều con trời chứ không phải mỗi hoàng đế duy nhất như ngày xưa.
Con trời gồm hai loại. Một loại có chức có quyền tức là hậu thân của ông vua ngày xưa phân thân ra như Tề Thiên Đại Thánh cát cứ các địa phương. Con quan thì lại làm quan… Câu chuyện hôm nay “tám” về các quý tử con một là tình trạng phổ biến ở các gia đình thành phố. Bởi dù sao tên gọi cũng chỉ ra nguồn gốc “cao sang” nên các thiên tử hiện đại thường chỉ xuất hiện nhiều ở thành phố hơn là nông thôn.
Thành phố đa số mỗi gia đình chỉ có một con, cao lắm là hai bởi hiếm nên quý, được nuôi nấng theo kiểu “chất lượng cao”, còn nông thôn vẫn phải sinh sản theo số lượng để có nhiều người làm việc, để theo quan niệm cổ xưa là “có đứa này đứa nọ”, đứa này đi xa còn đứa kia, đứa lớn gánh đứa nhỏ, nhà cửa cần chuyện gì hô lên một tiếng lập tức đủ tay, đủ chân ngay.
Ông già bà cả luôn miệng than vãn trước kia các cụ nuôi con đàn con lũ cả chục cả tá dễ dàng, con cái vẫn ngoan ngoãn sởn sơ, có đâu giờ đây nuôi một đứa, hai đứa sao khổ sở, tốn kém quá chừng vậy. Chắc tại hồi đó “khoa học kỹ thuật” chưa tiến bộ nhiều, cuộc sống còn đơn giản, môi trường còn trong lành. Nay báo chí, net, truyền thanh, truyền hình… đầy dẫy chỉ dẫn phương pháp nuôi con theo khoa học nên các bà mẹ bị lạc vào mê hồn trận.
Mẹ KuBi mỗi tối thức khuya để tính món ăn cho Bi. Mấy cái tên Na, Bi quá đỗi phổ biến, đi đến đâu cũng đụng Na, Bi, Bim… Vọng ngoại thì Tô-Ni, Mích-Ky, Tom-Mỳ… Hướng nội thì cu Bun, cu Tý, Gái chị, Gái em… nhưng dân thành phố hiếm gọi Gái mà thường là Mi, Ti, Li…
Việc tính món ăn đừng ai tưởng dễ dàng vì phải tính toán chi li để biết xem góc đậu hũ, nửa quả trứng, miếng bí đỏ… cộng lại bao nhiêu đạm, bao nhiêu vitamin… cuối cùng cho ra bao nhiêu calorie. Bi được bao vây chặt chẽ, không bao giờ và không ai được phép dòm ngó bế bồng. Năm Bi bảy tháng tuổi, mẹ bế Bi buổi sáng đứng trước cửa nhà sưởi nắng, bà Lý hàng xóm đi ngang khen: “KuBi giỏi ghê, đêm không khóc nhè”. Mẹ Bi giật mình tính quay ngoắt vào nhà không kịp, bà hàng xóm nói xong đi tuốt không kịp nghe quở, phỉ phui bà y như rằng tới buổi tối không hiểu sao Bi tự nhiên đi tướt khóc nheo nhẻo. Mẹ Bi bế con đi bác sĩ về xong ra ngay trước cửa quơ mảnh giấy đốt vía vừa lẩm bẩm chửi bà hàng xóm nặng vía.
Nhờ làm việc cùng một cơ quan nên cha mẹ Bi có điều kiện thay phiên nhau úm con, bất cứ lúc nào, ăn, học, chơi, ngủ… ở nhà, siêu thị, công viên, rạp hát, ở Đà Lạt hay Mỹ Tho… Bi đều bị kẹp giữa cha và mẹ. Trời nắng, mặc dù đã đội mũ và khoác áo gió tay dài, mẹ vẫn lúp xúp chạy theo sau che tờ báo sợ có tia nắng nào rọi trúng, bởi vậy nên Bi trắng nõn như Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng. Trời mưa, sợ một mình cha đi đón bằng xe máy, hạt nước có đọng vào tay Bi chăng, mẹ phải tò tò ngồi sau giữ chặt bốn bề áo mưa. Đi chơi Vũng Tàu, Bi mặc măng-tô dài khỏi đầu gối, đi dọc bãi biển, nhưng cẩn thận cách mép nước mấy thước, lỡ ngọn sóng nào liếm ướt đôi xăng-đan là mẹ phải mua ngay chai nước khoáng rửa sạch chân ngừa nước mặn gây ngứa. Bà ngoại nhớ cháu quá nhưng Bi hiếm về quê chơi vì dưới quê không được… sạch sẽ, mỗi lần về mẹ phải khuân hết mùng mền chiếu gối trên Sài Gòn về chứ nằm gối mền lạ, Bi thao thức mất ngủ.
Cuộc sống của các cô cậu rất chặt chẽ. Sau đây là thời khóa biểu sinh hoạt của Bi tiêu biểu cho sinh hoạt của các quý tử.
Buổi sáng thức dậy lúc 6:00: điểm tâm phở hay bún bò tô đặc biệt nhiều thịt do mẹ đích thân chạy đi mua bưng về cùng với ly sữa tươi.
6:45 – 7:00: Trùm áo gió, đội mũ, bịt khẩu trang, quấn khăn quàng cổ kín mít rồi lên xe gắn máy ngồi vào giữa cha mẹ đến trường, nhân thể tận dụng thời gian xe chạy xem truyện tranh Thanh gươm diệt quỷ.
7:00 – 11:00: Vào trường. Bi không phải trường hợp đặc biệt, trong lớp của Bi cũng có mấy con trời, giờ ra chơi không bao giờ ra sân mà xin phép giám thị cho ở trong lớp với chiếc áo gió bất di bất dịch để khỏi nắng, gió chạm tới làm đen da hay gây cảm lạnh. Đi tắm suối nước nóng bắt cha mang về nhà mấy bi-đông lớn để ngâm chân. Thành ra đối với thành phần này thì thể dục thể thao là điều không tưởng. Chương trình thể dục bắt buộc trong trường nhẹ nhàng nên có thể qua loa lướt qua được.
11:00: tan học, Bi lại đội mũ, khăn quàng, khẩu trang ngồi giữa cha mẹ đón về cơ quan, một tay tu lon Coca cola, một tay cầm gói snack. Bi “đô” quá chừng nên luôn luôn phải đeo khăn quàng đỏ chứng minh còn tuổi nhi đồng kẻo cảnh sát huýt còi phạt xe máy chở ba. Bạn của Bi có xe hơi đến đón, vừa ra khỏi trường, ông tài xế bấm còi báo hiệu, người nhà đỡ ngay lấy chiếc cặp rồi “bế” thằng nhỏ tọt vào xe chẳng kịp nhìn trời đất, chẳng khác chi tù nhân.
11:15 – 12:00: Mẹ dúi tiền cho bà đầu bếp của canteen mượn lò vi ba hâm hai cái đùi gà chiên để Bi ăn cho nóng sốt.
12:00 – 13:00: Bi thay áo gió bằng áo len, mang vớ, đắp mền ngủ trưa tại cơ quan vì phòng có máy lạnh.
13:00 – 14:00: giải trí bằng cách xem tạp chí Thế giới Điện ảnh vừa ăn xế là một con bồ câu quay hoặc mì Ý với Pepsi hay phô-mai Con bò cười với sữa hộp…
14:00 – 17:00: học thêm Anh văn, Toán, Văn ở nhà riêng của cô.
18:00 – 19:00: bữa tối, các thành viên của gia đình gồm ông bà cha mẹ… ăn chung một mâm, riêng Bi thời thực đơn đặc biệt hải sản cao cấp: tôm hấp nước dừa, sò huyết nướng, mực xào chua ngọt… La-sét chỉ chọn nho Mỹ, cherry Úc, sầu riêng Thái Lan… mua trong shop, không ăn trái cây Việt Nam vì hàng nội hóa sợ nhiễm thuốc trừ sâu không hợp vệ sinh.
Dù sao để việc ăn uống được sẵn sàng thì gà rán Kentucky mua về mẹ phải lọc hết xương, cá chỉ chọn fillet nên Bi giống như người ngoại quốc là ăn không biết lừa xương… Rất nhiều món sẽ “trúng” khi ăn mặc dầu hỏi trúng là sao thì nhiều bà mẹ không giải thích rõ ràng được, chỉ nghe người ta nói thì cứ kiêng cho chắc ăn, mạnh ai nấy nói nên danh sách “trúng” khá dài và lộn xộn. Ví dụ chuối, dưa hấu, mít… cho tới bún, ốc, ếch… bánh bò, bánh tiêu… cả hột vịt lộn đều bị coi là dễ dàng “trúng” cho nên nhiều đứa bé con trời không hề biết đến mùi vị của những loại thức ăn này.
Buổi tối, mẹ tắm cho Bi bằng nước nóng pha rượu đế Gò Đen. Bi mở tablet xem tấu hài hoặc học bài vừa nhâm nhi sô-cô-la, khoai tây chiên, bánh kem… với nước cam, cam lon chứ không phải cam vắt vì chỉ nước ngọt chai, lon hay hộp mới ngon miệng và quen miệng. Trước khi đi ngủ lại ăn bữa chót phô-mai và sữa hộp. Sau đó đi ngủ mặc thêm áo ấm, đội mũ len, thoa dầu nóng vào lòng bàn chân, đi vớ bất kể trời nóng lạnh thế nào dù cho mấy ngày mưa mát mẻ. Còn như trời nóng quá, mẹ thức suốt đêm để quạt tay chứ không mở quạt máy vì sợ Bi trúng gió.
Nhờ được tích cực nhồi nhét như vậy nên lên lớp Sáu, Bi cao một mét năm mươi tám, nặng năm mươi lăm ký. Chắc là xứ này khi nào kinh tế cũng èo ọp nên chi to lớn mập mạp vẫn được xem là biểu hiện của sự sung túc, thừa thãi. Có điều lúc còn nhỏ, Bi được mọi người khen bụ bẫm, mũm mĩm, còn bây giờ ai nấy chắc lưỡi kêu sau lưng thằng nhỏ bị béo phì coi chừng mắc bệnh tim, tiểu đường típ 2… Đó là căn bệnh thời đại chỉ xảy ra ở thành phố nơi có tỷ lệ trẻ em béo phì cao nhất nước chứ ra ngoại ô, về miền quê, vùng cao, con nít vẫn còi cọc vì thiếu ăn, đa số trẻ thấp bé, nhỏ xíu và gầy trơ xương.
Thật may mắn Bi chịu ăn uống nên cha mẹ cũng đỡ lo, dọn thức nào Bi xơi ào ào thứ đó miễn sơn hào hải vị là được, chẳng bù nhiều gia đình con cái trái tính trái nết. Thật ra không phải trái tính mà cha mẹ quá chiều, quá sợ đứa con một nên từ nhỏ xíu đứa bé muốn sao được vậy. Con trai anh Hòa, cháu nội nhà thơ ĐH không biết ăn cơm, vào lúc hết giai đoạn ăn bột sang ăn cơm, đứa bé ngại nhai, thế là bà mẹ thương con cho ăn bột quấy với thịt, cá, rau… xay nhuyễn luôn tới lớn. Khi học Trung học, cậu bé bị mọi người chế giễu quá nên bắt đầu tập ăn… cơm nát với một ít nước thịt bò xào rưới vào, thời kỳ cơm nát này kéo dài cả năm rồi mà cậu vẫn chưa tiến lên cơm thường với thức ăn được. Dù vậy thành tích này vẫn chưa bằng một cậu khác lên đến đại học vẫn chỉ độc uống sữa, không ăn, không nhai bất kỳ món gì, trong nhà lúc nào cũng đủ loại sữa dự trữ chất cao như núi. Còn con trai của cô ca sĩ nổi tiếng lên 6 tuổi đến bữa ăn, bận dán mắt vào màn hình điện thoại và bà mẹ phải xúc từng muỗng cơm đưa vào miệng.
Tháng trước, ông ngoại dưới quê mất nhằm lúc Bi sổ mũi nên mẹ không cho Bi về thọ tang sợ “lạnh”, sợ “trúng”. Để Bi ở nhà với cha, mẹ Bi thấp thỏm lo cha có nấu cơm không, hay làm biếng ra ngoài đường ăn toàn thức ăn nêm đường và bột ngọt, không có mẹ nhắc chừng, cha có lại trường đón sớm không hay mải lo công việc cơ quan, không canh đồng hồ, bắt Bi đứng chờ cả… phút thì khổ thân thằng bé. Còn hai ngày nữa mới di quan, sáng sớm Bi đã điện thoại kêu mẹ về gấp để tối ngủ gãi lưng. Mẹ Bi nhảy bổ về thành phố… Nghe kể chuyện, bà hàng xóm thở dài, chặc lưỡi. Thế này thì không phải là con người thường rồi, đâu phải người thường. Đây đúng là con.. trời!!!
SGCN