Có rất nhiều người đã hỉ hả với quyết định của Tổng thống Hoa kỳ Joe Biden tuần trước.
Cũng có không ít người cáu kỉnh cho rằng ông Biden đã quá chậm trễ trong việc đưa ra quyết định này.
Bên cạnh đó, cũng lại có rất nhiều người lầu bầu: “Điều tra làm quái gì nữa cho tốn công, tốn của. Rành rành như thế từ lâu rồi!”
Hôm thứ Tư 26 tháng 5, Tổng thống Mỹ tuyên bố ông đã yêu cầu “cộng đồng tình báo Hoa Kỳ tăng cường gấp đôi nỗ lực thu thập và phân tích thông tin có thể đưa chúng ta gần thêm đến một kết luận chung cuộc và báo cáo lại cho tôi trong vòng 90 ngày”.
Cái kết luận mà ông muốn có là về nguồn gốc của SARSCoV2, con corona virus tính đến nay đã làm ốm đau hơn 170 triệu người, giết chết hơn 3 triệu rưởi người, trên toàn thế giới.
Sở dĩ ông Biden đưa ra yêu cầu, thực tế là lệnh, vừa kể cho “cộng đồng tình báo” Hoa Kỳ là bởi vì cho tới nay, những cơ quan này vẫn chưa “nhất trí” và chưa thể đưa ra một ý kiến, ý kiến chứ chưa nói đến báo cáo, thống nhất về nguồn cội của con virus khốn nạn đã góp phần hạ bệ một tổng thống và phá nát kinh tế nước Mỹ.
Con số thiệt hại vừa kể ở trên chỉ là thiệt hại nhân mạng.
Tổn thất về kinh tế và xã hội còn lớn hơn nhiều. Nó làm sụp đổ không ít ngành kỹ nghệ, từ vĩ mô đến vi mô. Nó gây ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai của tất cả mọi người trên thế giới, từ người già đến trẻ sơ sinh, thậm chỉ cả số trẻ đáng lẽ đã phải được sinh ra trong hai năm vừa qua.
Cái lý do để những người này hỉ hả là một trong hai nguồn gốc mà cộng đồng tình báo Hoa Kỳ hiện đang loay hoay với.
Trong tuyên bố được đưa ra hôm thứ Năm 27 tháng 5, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (Office of the Director of National Intelligence) nói “Có thể nó (virus SARSCoV2) xuất hiện một cách tự nhiên do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hoặc đó là một tai nạn trong phòng thí nghiệm”. Hai thành phần của [cộng đồng tình báo] nghiêng về giả thuyết trước (tự nhiên) và một nghiêng nhiều hơn về giả thuyết sau (nhân tạo).”
Những người hỉ hả là phe cổ động cho “giả thuyết” SARSCoV 2 là sản phẩm của phòng thí nghiệm, phòng bào chế Wuhan Institute of Virology ở tỉnh Hồ Bắc, Trung quốc.
Trong số đó có ông cựu tổng thống Mỹ, người vẫn thích được gọi, và vẫn được không ít người gọi, là “tổng thống”, Donald Trump. Ông ấy đã lập tức lên tiếng tự hào: “Nay, mọi người đều đang đồng ý rằng tôi đã đúng khi từ rất sớm đã gọi Vũ Hán là nguồn Covid-19. Với tôi, điều đó là hiển nhiên ngay từ đầu nhưng, như thường lệ, tôi đã bị chỉ trích thậm tệ. Bây giờ tất cả họ đều nói ‘Ông ấy đã đúng.’ Cảm ơn nhé!”
Có lẽ chúng ta cần trở lại với chi tiết của hai giả thuyết. Đại khái chúng như thế nào thì ai cũng biết rồi, nhưng về chi tiết thì do quá lâu rồi – đã hơn một năm, và ít lâu nay chúng ta chăm chú hơn vào vaccine, vào các đợt bùng phát mà quên bớt nhiều.
Hãy bắt đầu với giả thuyết “tự nhiên”.
Chi tiết mà nhiều người còn nhớ nhất về giả thuyết này không phải là những giải thích của các nhà khoa học mà là những hình ảnh được truyền nhau trên mạng xã hội ngày đó về một kiều nữ có nét nặng Á châu – Trung hoa thì chính xác hơn, ngồi thiếm sực một tô súp dơi với vẻ khoái trá.
Ngày 30 tháng 12 năm 2019, Ủy ban Y tế Vũ Hán đưa ra “thông báo khẩn cấp” cho các tổ chức y tế ở thành phố này, nói rằng nhiều trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân đã xuất hiện từ một cái chợ của thành phố.
Sau đó là những hình ảnh về cái chợ bán thịt rừng, cả sống lẫn chết, mang cái tên hiền lành là Huanan Seafood Wholesale Market ở Vũ Hán.
Ngày đó, Trung cộng đã hối hả đóng cửa chợ, đóng cửa Vũ Hán, Hồ Bắc, xịt thuốc sát trùng “đại trà” để ngăn dịch lây lan.
Nhưng rồi ngay sau đó, những phản ứng của Trung cộng trong giai đoạn đầu của đại dịch đã khiến thế giới nghi ngờ.
Trung cộng đã bắt giữ các bác sĩ Trung Quốc lên tiếng báo động. Họ công khai phủ nhận việc lây truyền từ người sang người mặc dù có nhiều bằng chứng. Họ đã xử phạt nhà virus học đã can đảm công bố bộ gen SARS-Cov2 đầu tiên mà không được phép. Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung cộng cấm đưa bất kỳ thông tin nào liên quan đến sự bùng phát ở Vũ Hán và ra lệnh cho các phòng thí nghiệm tiêu hủy hoặc chuyển tất cả các mẫu virus đến các cơ sở xét nghiệm được chỉ định. Họ ra lệnh cho các trường đại học không công bố bất kỳ báo cáo nào cho thấy virus có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và cả các nhà báo đã cố gắng tìm đến các hang dơi ở tây nam Trung Quốc đã bị quấy rối và đe dọa.
Sau đó, họ khoái trá khi khoe rằng họ đã chặn được dịch, thiệt hại không đáng kể. Gần một tỷ rưỡi người mà chỉ có chưa đầy một trăm ngàn mắc dịch và hơn 4 ngàn bỏ mạng vì dịch, trong khi cả thế giới lao đao.
Trước giờ, dịch bệnh đã xuất phát từ nhiều nơi trên thế giới, làm gì có nước nào che đậy, giấu diếm đâu? Họ, các quốc gia nơi bệnh đầu tiên xuất hiện, còn đã nhanh chóng công bố hết mọi chi tiết để mọi người biết mà phòng tránh đồng thời tiếp tay kiểm soát, hạn chế và trừ diệt.
Bệnh từ súc vật lây sang người, từ khoa học là zoonotic diseases hoặc zoonoses, trước nay cũng là chuyện không có gì lạ.
Có hàng trăm loại bệnh lây từ súc vật sang người. Cách truyền nhiễm này là zoonosis. Theo cơ quan CDC của Hoa Kỳ, cứ 10 thứ bệnh truyền nhiễm ở người thì có đến 6 thứ là từ thú vật lây truyền sang người. Vẫn theo CDC, các loại bệnh zoonitic đáng lo nhất ở Hoa Kỳ là cúm (cúm điểu cầm), nhiễm khuẩn salmonella, West Nile virus, bệnh than, bệnh dại, bệnh Brucellosis, bệnh Lyme và những corona virus đang xuất hiện, như bệnh SARS, Ebola, bệnh hô hấp Trung đông MERS.
Hồi năm 2002, SARS bùng phát ở Hong Kong, chỉ trong vài tuần lễ đã lan đến 37 quốc gia. Nhưng SARS không phát xuất từ Hong Kong. Con siêu vi đã làm kinh hoàng thế giới đó phát xuất từ Vân Nam… Trung quốc. Sinh vật truyền bệnh sang người là loài cầy hương (civet) rồi loài dơi. May mắn, nói là may thì không đúng, phải nói là nỗ lực của giới y tế và khoa học đã chặn và diệt được nó, chỉ có chưa đầy 800 ca tử vong trong tổng số hơn 8,800 ca bệnh.
Vậy thì…“mình phải có sao chứ” thì mới phải giấu diếm, che đậy kỹ đến thế!
Thế là người ta, giới tình báo và giới truyền thông, quay sang với kịch bản “nhân tạo”. Với giới truyền thông, kịch bản này hấp dẫn hơn.
Kịch bản này được đưa ra từ lâu lắm, như đã nói ở trên, ngay từ đầu năm 2020.
Nó cũng đã từng được phân tích, bài bác, chứng minh là sai (debunked) bởi những tổ chức có thẩm quyền và uy tín.
Ngay cả hai nhân vật quan trọng, và tai tiếng nhất trong lãnh vực y tế thế giới và Hoa Kỳ – ông Tổng giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và ông bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, cố vấn y tế chính cho tổng thống Mỹ cũng đã bác bỏ kịch bản này mà họ gọi là giả thuyết (cả hai đều đã bị chỉ trích te tua.)
Nhưng mới đây, cả hai đều đã có ít nhiều thay đổi.
Hôm 9 tháng 2, Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc đưa ra báo cáo chung: “Các phát giác cho thấy giả thuyết về tai nạn trong phòng thí nghiệm rất khó có thể giải thích được sự lây truyền virus vào con người”.
Ngay sau đó, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Có một số câu hỏi đã được đặt ra là liệu một số giả thuyết đã bị loại bỏ hay không. Tôi muốn nói rõ rằng tất cả các giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ và cần được nghiên cứu thêm.”
Còn Dr. Fauci TV thì vừa nói tại Poynter Institute for Media Studies ở St.Petersburg, Florida, đầu tháng 5 rằng ông không hoàn toàn tin rằng Covid-19 đã phát triển một cách tự nhiên và cho rằng cần phải điều tra thêm về nguồn gốc (của nó).
Một trong những lý do của tiếng ồn kêu gọi điều tra lại, nhắm kỹ hơn vào giả thuyết thứ hai là sự lên tiếng của giới khoa học và đặc biệt, giới truyền thông.
Tuần trước, 18 nhà khoa học đăng một thư ngỏ trên tờ Science, cho rằng “cả hai giả thuyết về sự phát tán ngẫu nhiên từ phòng thí nghiệm và lan truyền từ động vật vẫn còn có thể đúng,” và rằng những giả thuyết đó “không được cân nhắc đúng mức” bởi một cuộc điều tra chung trước đây của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc”,
Trong số 18 vị này, có Dr. Ralph Baric, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về tác động qua lại di truyền giữa các virus corona ở người và dơi, và cũng là người đã làm việc với phòng nghiên cứu ở Vũ Hán, trung tâm của hầu hết các thuyết từ phòng thí nghiệm thoát ra.
Cường độ âm thanh và phạm vi tác động của giới truyền thông dĩ nhiên là to hơn và xa hơn, đặc biệt là có cả các tổ chức truyền thông dòng chính từng bác bỏ. Như Poynter chẳng hạn. Họ là một trường báo chí và tổ chức nghiên cứu bất vụ lợi ở St.Petersburg, Florida, chủ tờ báo Tampa Bay Times và International Fact-Checking Network (mạng lưới kiểm tra sự thật quốc tế), và điều hành mạng PolitiFact.
Tuần trước, Wall Street Journal, tờ báo khá thiên hữu, đưa tin ba nhà nghiên cứu ở Viện Vi trùng học Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology / WIV) đã bị ốm đến mức phải vào nhà thương từ mùa thu năm 2019 “với các triệu chứng phù hợp với cả Covid-19 và các bệnh theo mùa thông thường.” Tin này xác nhận lại một thông tin đã được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hồi cuối trào của TT Trump, tuy lúc đó Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết bao nhiêu người.
Rồi tạp chí New York Magazine, khá thiên tả, có bài tổng hợp lại các thông tin và luận điểm của nhiều giới, từ chính trị gia – như Nghị sĩ Tom Cotton, các khoa học gia đến các nhà báo đã từng viết bài cho các báo tuy không thiên tả nhưng… cấp tiến như The New York Times, The Washington Post và từ chính các tờ báo đó
Khỏi phải nói, các cơ quan truyền thông thiên hữu và bảo thủ – như FoxNews, New York Post, Mirror hét to nhất. Họ đòi hỏi phải làm cho ra lẽ.
Bên cạnh đó, khu vực truyền thông… quần chúng, nghĩa là các mạng xã hội cũng được bật đèn xanh.
Facebook, mạng đã từng loại bỏ các bài đăng (post) có nội dung cho rằng virus corona là “nhân tạo” từ hồi tháng 2, nay tuyên bố “Trong bối cảnh các cuộc điều tra đang diễn ra về nguồn gốc của Covid-19 và tham khảo ý kiến của các chuyên gia sức khỏe cộng đồng, chúng tôi sẽ không còn xóa bỏ tuyên bố rằng Covid-19 là do con người tạo ra khỏi các apps (ứng dụng) của chúng tôi.”
Tại sao tới giờ này lại nổ lớn?
Trả lời cho câu hỏi trên, tờ Washington Post đưa ra giải thích rằng từ giữa năm 2020 đến nay đã có thêm nhiều chứng cớ mới làm xoay chuyển ý kiến của những nhân vật có thẩm quyền và củng cố ý kiến của những nhà khoa học tin vào thuyết con virus corona là sản phẩm nhân tạo hoặc ít ra đã xổng khỏi chuồng ở WIV.
Tờ báo này còn lập nguyên một cuốn lịch về những diễn biến mới, với những bằng chứng mới, bắt đầu từ tháng 7 năm 2020:
4 tháng 7: Báo Times ở London đưa tin về một loại virus giống 96% với coronavirus gây bệnh Covid-19 đã được tìm thấy trong một mỏ đồng bị bỏ phế ở tây nam Trung Quốc vào năm 2012. Mỏ đồng đầy dơi này là nhà của một loại coronavirus đã làm cho sáu người đàn ông bị bệnh viêm phổi, ba người trong số đó đã chết sau khi họ được giao việc xúc phân dơi ra khỏi mỏ. Năm 2013, người Tàu đã đến đây thu thập virus này để lưu trữ và nghiên cứu tại WIV.
28 tháng 7: Jamie Metzl, một cựu giới chức an ninh quốc gia của chính quyền Clinton, viết trên báo WSJ rằng rằng một đợt bùng phát của một loại virus corona dơi nguy hiểm chết người đã tình cờ xảy ra gần WIV – nơi cũng đang tình cờ nghiên cứu họ hàng gần nhất được biết đến của đúng loại virus đó.” Metzl kêu gọi mở “một cuộc điều tra pháp y toàn diện, bao gồm toàn quyền tham khảo tất cả các nhà khoa học, mẫu sinh học, hồ sơ phòng thí nghiệm và các tài liệu khác từ WIV và các tổ chức liên quan khác của TQ. Nếu TQ từ chối thì rõ ràng là “một sự thú tội”.
31 tháng 7: Trên tạp chí Science, bà Shi Zhengli (Thạch Chính Lệ) , nhà vi trùng học có biệt hiệu “Bà Dơi” (Bat Woman) của WIV, nói “cho đến nay, không có sự lây nhiễm nào cho tất cả nhân viên và sinh viên trong viện của chúng tôi”. Bà Dơi lên án tuyên bố của Tổng thống Trump về việc SARS-CoV-2 đã bị rò rỉ từ WIV “hoàn toàn trái ngược với sự thật. Nó gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu và cuộc sống của từng người chúng tôi. Ông ấy nợ chúng tôi một lời xin lỗi”. Nhưng cũng trong cuộc phỏng vấn đó, bà Shi thừa nhận rằng một số nghiên cứu về virus corona chỉ được thực hiện ở cấp độ an toàn sinh học (BLS) 2, chứ không phải ở cấp nghiêm nhặt hơn BLS 4.
2 tháng 11: David A. Relman, một nhà vi sinh vật học của Đại học Stanford, viết trên tạp chí của National Academy of Sciences of the USA (Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ) rằng câu chuyện về nguồn gốc thiếu nhiều chi tiết quan trọng, bao gồm cả lịch sử tiến hóa gần đây hợp lý và chi tiết của virus, danh tính và nguồn gốc của tổ tiên gần nhất của nó, và đáng ngạc nhiên là địa điểm, thời gian và cơ chế vụ lây truyền bệnh đầu tiên ở người”.
17 tháng 11: Hai nhà khoa học Rossana Segreto (Áo) và Yuri Deigin (Canada) công bố bài nghiên cứu “Cấu trúc di truyền của SARS-CoV-2 không loại trừ nguồn gốc từ phòng thí nghiệm” trên tập san BioEssays, lưu ý rằng “một vật chủ tự nhiên, hoặc trực tiếp hoặc trung gian, vẫn chưa được xác định.” Họ lập luận rằng một số tính năng nhất định của virus corona “có thể là kết quả của các kỹ thuật thay đổi trong phòng thí nghiệm”. Bài báo dẫn một tuyên bố của tạp chí Lancet, kết luận: “Trên cơ sở phân tích của chúng tôi, nguồn gốc nhân tạo của SARS-CoV-2 không phải là một thuyết âm mưu vô căn cứ đáng bị lên án”.
15 tháng 1: Ít ngày trước khi Trump rời Bạch ốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát hành một “bản tin” về WIV nêu rõ: “Chính phủ Hoa Kỳ có lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu trong WIV bị ốm vào mùa thu năm 2019, trước khi trường hợp đầu tiên được xác định là sự bùng phát, với các triệu chứng phù hợp với cả Covid-19 và các bệnh theo mùa thông thường… WIV đã có một hồ sơ được công bố về việc thực hiện nghiên cứu ‘đạt được chức năng’ để tạo ra các virus mang nhiều bộ DNA khác nhau. Nhưng WIV đã không minh bạch hoặc nhất quán về hồ sơ nghiên cứu các loại virus gần giống với virus Covid-19, bao gồm cả ‘RaTG13’, được lấy mẫu từ một hang động ở tỉnh Vân Nam vào năm 2013 sau khi một số thợ mỏ chết vì một thứ bệnh giống như SARS. ”
9 tháng 2: Một báo cáo chung của WHO và Trung Quốc tuyên bố: “Các phát giác cho thấy giả thuyết về tai nạn trong phòng thí nghiệm rất khó có thể giải thích sự xâm nhập của virus vào quần thể người”.
11 tháng 2: Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chối loại trừ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Ông nói: “Một số câu hỏi đã được đặt ra là liệu một số giả thuyết có bị loại bỏ hay không. Tôi muốn nói rõ rằng tất cả các giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ và cần được nghiên cứu thêm.”
19 tháng 2: Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đưa ra nhận định về báo cáo của WHO: “Chúng tôi lo ngại nặng nề về cách thức truyền đạt những phát giác ban đầu của cuộc điều tra Covid-19 và các câu hỏi về quy trình đã được sử dụng để có được chúng. Điều bắt buộc là báo cáo này phải độc lập, với các phát giác của chuyên gia không bị can thiệp hoặc thay đổi bởi chính phủ TQ. Để hiểu rõ hơn về đại dịch này và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, TQ phải cung cấp dữ liệu của mình ngay từ những ngày đầu tiên khi bùng phát.”
4 tháng 3: Các nhà khoa học nổi tiếng trên khắp thế giới, trong một bức thư ngỏ gửi cho WHO, kêu gọi có một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus, cho rằng cuộc điều tra trước đó là sai sót.
22 tháng 3: Báo Úc đưa tin: “Các nhà nghiên cứu của WIV đang nghiên cứu về corona virus đã phải nhập viện với các triệu chứng phù hợp với Covid-19 vào đầu tháng 11 năm 2019 mà các giới chức Hoa Kỳ nghi ngờ có thể là chùm bệnh đầu tiên”.
28 tháng 3: Trong Chương trình “60 Minutes” của CBS về những câu hỏi vẫn còn tồn tại về nguồn gốc của coronavirus, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Matt Pottinger nói. “Đã có lệnh trực tiếp từ Bắc Kinh phải tiêu hủy tất cả các mẫu virus – và họ không tình nguyện chia sẻ trình tự gene”.
5 tháng 5: Nicholas Wade, cựu phóng viên khoa học của New York Times, viết trên Bulletin of the Atomic Sciences, đề nghị xem lại các bằng chứng và nghiêng nặng về giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm.
Ngày 14 tháng 5: Mười tám nhà khoa học nổi tiếng công bố một bức thư trên tạp chí Science, nói rằng cần phải có một cuộc điều tra mới vì “các lý thuyết về sự phát tán ngẫu nhiên từ phòng thí nghiệm và sự lan truyền từ động vật vẫn còn có thể là sự thật”. Một trong những người ký tên là Ralph Baric, nhà virus học đã từng sát cánh làm việc với Bat Woman.
17 tháng 5: Donald G. McNeil Jr., một cựu phóng viên khoa học khác của báo NYT, viết trên Medium bài báo: “Làm thế nào tôi đã học được cách thôi lo lắng và yêu giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm”. Ông trích lời W. Ian Lipkin của Đại học Columbia – một trong số khoa học gia đã ký vào lá thư tháng 3 năm 2020 trên tạp chí Nature Medicine, nói rằng những thông tin mới đã làm thay đổi suy nghĩ của ông.
Cũng có vài lý do khác, như rõ ràng là thế giới nay đã hoặc là quá chán với thái độ láo lếu của Trung cộng nên phải cùng nhau lên tiếng.
Tập thể các quốc gia ủng hộ việc phải có một cuộc điều tra tới nơi tới chốn, hay nói theo thành ngữ tiếng Anh là phải “lật tung mọi hòn đá”, ngày càng đông thêm.
Tuy nhiên, có vẻ như là thế giới vẫn để cho Bắc Kinh có một cửa để cựa quậy thay vì dồn con quái vật khổng lồ này đến đường cùng. Các lập luận cho thấy giả thuyết được đặt nặng là virus bị sửa đổi gene trong khi được nghiên cứu ở WIV đã xổng ra, không phải giả thuyết sản xuất vũ khí sinh học hoặc cố tình tung virus ra để gây thiệt hại cho Tây phương.
Nhưng họ cũng vẫn còn rất tử tế, chỉ muốn Trung Quốc nhận đã nói dối, đã thiếu minh bạch, che giấu việc làm ăn không cẩn thận để lần sau (thật là kinh khủng khi nghĩ đến lần sau) đừng làm như thế nữa. Nếu thế giới biết được sớm hơn, và phản ứng thích hợp hơn khi có đầy đủ dữ kiện, các thiệt hại sẽ giảm thiểu rất nhiều. Hoặc lý tưởng hơn nữa, chặn được ngay từ trứng nước.
Nhưng Tập Cận Bình vẫn là Tập Cận Bình. Ngạo mạn và trơ tráo.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung cộng Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói ngay sau đó “Hoa Kỳ không quan tâm đến sự thật hay chân lý, cũng không quan tâm đến một nghiên cứu khoa học nghiêm túc về các nguồn gốc.”
“Những bí mật nào được che giấu ở Fort Detrick, nơi được che phủ một cách đáng ngờ, và hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học của Hoa Kỳ trên khắp thế giới?”
Triệu nói thêm rằng Mỹ “nợ thế giới một lời giải thích.”
Nơi mà họ Triệu nhắc đến – Fort Detrick, là một phòng thí nghiệm nghiên cứu y sinh (biomedical) của quân đội Mỹ ở Maryland. Từ năm 1943, đây từng là trung tâm của chương trình vũ khí sinh học của Hoa Kỳ đến khi chương trình này bị hủy bỏ năm 1969. Ở đây từ đầu thập niên 2010 là nơi nhiều cuộc nghiên cứu và phát triển y sinh và các mầm bệnh thực vật ngoại lai. Phòng thí nghiệm tại đây được biết đến là nơi nghiên cứu các mầm bệnh như Ebola và bệnh đậu mùa. Vào tháng 8 năm 2019, các hoạt động nghiên cứu những loại vi trùng nguy hiểm ở Fort Detrick đột ngột ngừng hoạt động sau những vi phạm nghiêm trọng về an toàn.
Hồi tháng 3 năm ngoái, một số giới chức và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung cộng tung tin là Fort Detrick có liên hệ với sự xuất hiện của virus corona. Giả thuyết này hồi đó ít được chú ý, nhưng đã ồn lên ở bên Tàu vào đầu năm 2021, khi đoàn nghiên cứu của WHO đến Vũ Hán.
Lúc cuộc điều tra của WHO kết thúc vào tháng 2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ… theo gương họ để “hành động một cách tích cực, dựa trên cơ sở khoa học và hợp tác” và mời các chuyên gia của WHO đến Fort Detrick thực hiện “một nghiên cứu truy tìm nguồn gốc”.
Đỗ Quân
(tổng hợp từ nhiều nguồn)