Không ít người trên thế giới đã sững sờ sửng sốt khi biết cậu quý tử Bongbong của cố tổng thống Ferdinand Marcos sẽ làm chủ Dinh Tổng thống Phi luật tân trong sáu năm.
Tên chính thức của cậu là Ferdinand Marcos Jr., cái tên khó quên vì đã liên quan đến một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Phi luật tân. Marcos Jr. là con trai duy nhất của nhà độc tài Ferdinand Marcos Sr. – Marcos cha, đẻ ra trong bọc điều thứ thật.
Nói cho đúng thì chẳng có lúc nào cái quần đảo từng là cựu thuộc địa của Tây ban nha và rồi Hoa Kỳ này chẳng có biến động. Nhưng trang sử Phi thời Ferdinand Marcos Sr. nổi bật với hàng chữ đen độc tài và tham nhũng. Và triều đại của Marcos cha đã chấm dứt trong nhục nhã đau đớn cách đây 36 năm, bị quét vào thùng rác lịch sử bởi cuộc cách mạng của quyền dân – the People Power Revolution.
Hôm thứ Tư 11 tháng 5, ứng cử viên Tổng thống Phi luật tân Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố chiến thắng. Kết quả không chính thức của cuộc kiểm phiếu cho thấy cậu Bongbong đã thắng đến hơn 97 phần trăm tổng số phiếu bầu.
Thêm một điều đáng chú ý là đối thủ chính của Marcos Jr., bà Leni Robredo (đương kim phó tổng thống) chỉ đạt được số phiếu bằng phân nửa. Hồi năm 2016, Marcos con đã thua bà Leni Robredo trong cuộc bầu cử phó tổng thống, chỉ với tỷ lệ phiếu cách biệt chưa đến 1%.
Chiến thắng, được coi là landslide – long trời lở đất, đó quả thật đáng chú ý nếu không là ngạc nhiên. Kết quả kiểm phiếu không chính thức ghi nhận Bong Bong đã thu được đến hơn 32 triệu phiếu. Một con số đáng nể trong các cuộc bầu cử tổng thống gần đây của Phi. Và phát ngôn nhân của Marcos Jr., ông Vic Rodriguez đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử của Marcos Jr. là “một chiến thắng cho nền dân chủ.”
Marcos cha, Marcos con
Trong cuộc vận động, Marcos con đã từng nói: “(tôi) nhắn với thế giới rằng: Hãy phán xét tôi qua các hành động của tôi chứ đừng qua các tiền nhân của tôi.” (Nguyên văn: “To the world: Judge me not by my ancestors, but by my actions.”)
Yêu cầu đó có vẻ không dễ, với thế giới.
Trong cuộc vận động tuyển cử, dư luận của thế giới, và của Phi, về Marcos Jr. không nhẹ lời. Đến khi có kết quả bỏ phiếu, mức độ cũng không thay đổi.
Điển hình là tựa đề bản tin của thông tấn BBC hôm 6 tháng 5: “Bongbong Marcos: The man attempting to revive a corrupt political dynasty” (Bongbong Marcos: người muốn phục hồi một triều đại chính trị tham nhũng).
Bài báo mở đầu với câu hỏi rằng làm cách nào để người đàn ông 64 tuổi, có cha là một nhà độc tài tàn nhẫn và người mẹ nổi tiếng quốc tế nhờ bộ sưu tập giày đồ sộ lại có thể trở thành tổng thống của Phi luật tân.
Sau đó, trên bài báo xuất hiện bức họa treo trong phòng Bongbong hồi nhỏ ở dinh Malacanang, vẽ cậu thái tử đầu đội vương miện, cưỡi bạch mã, một tay cầm cờ Phi, một tay cầm Thánh kinh.
Ở góc bức họa có hàng trích dẫn từ Thánh kinh – đoạn 21: 1 của sách Khải huyền (Revelation) về một điều mặc khải mô tả một thiên thần bay qua thành thánh Jerusalem.
Và trong phần sau đó có hình một kệ giày, cái kệ giày nổi tiếng hàng ngàn đôi của bà Imelda Marcos.
Bức hình được xếp giữa phần trích dẫn lời của nhà báo Mỹ Jim Laurie về bà cựu đệ nhất phu nhân trong bài báo của BBC: “Bạn đi vào phòng quần áo của Imelda, và (thấy) bà ta có hàng trăm chiếc áo và váy được thiết kế riêng vẫn còn nhãn hiệu của Bergdorf Goodman ở New York và các cửa hàng khác ở Paris và Rome. Thậm chí bà ta chưa bao giờ mặc chúng … và đó là một cảm giác tại một đất nước nghèo, rất nghèo… và rồi để thấy cái sự tương phản này chỉ, cách nào đó, có vẻ bẩn thỉu…”
Bài của BBC viết rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. “Các tài liệu nội bộ cho thấy gia đình Marcos đã chuyển hàng triệu đô la Mỹ có được một cách bất hợp pháp vào các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ và nhiều tài sản ở khu Manhattan cao cấp ở thành phố New York như thế nào.
Nhiều phiên tòa sau đó. Một số dẫn đến việc truy tố thành công gia đình (Marcos), trong khi những vụ khác không thành công. Đáng chú ý nhất trong số những vụ thất bại này là một vụ án gian lận năm 1990 ở thành phố New York, nơi quyền lực của bà Marcos đã chinh phục bồi thẩm đoàn và mở đường cho gia đình này trở về Phi.”
Cậu cả Bongbong
Bongbong. Thoạt nghe, hay đọc thấy cái biệt hiệu nickname của ông tổng thống đang chuẩn bị đắc cử Phi luật tân, người không quen thuộc với văn hóa Phi thường dễ lầm rằng Marcos con là dân ghiền. Dân chơi đặt tên cho cái điếu để hút cần sa hoặc nhiều “thuốc” khác của họ là cái Bong. Cái điếu này còn có tên là hookah. Nguyên tắc của cái nó giống với điếu thuốc lào của người Việt: thuốc – lửa – nước – khói.
Thực sự, trong văn hóa Phi, “bong bong” chỉ giản dị có nghĩa là “cậu bé”. Bà Leonora Angeles, giáo sư Đại học British Columbia, và là chủ tịch Trung tâm Văn hóa Quốc gia của Người Canada gốc Phi (National Pilipino Canadian Cultural Centre), thì việc sử dụng biệt hiệu là một phần đã ăn sâu vào văn hóa Phi luật tân.
Theo bà Angeles “nhiều người có nickname, như “Baby”, thường được đặt cho đứa con út trong một gia đình; “Jun,” là một dạng rút gọn của Junior; hoặc “Boy”, thường được đặt cho người nam nhỏ tuổi nhất trong nhà. “Tôi có ba người anh em họ tên là Baby và ba người anh em họ tên là Boy”.
Bà Angeles giải thích thêm những biệt danh đó thường có thể phát triển thành những dạng mới, với các âm tiết được lặp lại – một cách phổ biến để thể hiện quan hệ họ hàng và tình cảm giữa người Philippines. “Sự lặp lại của các âm tiết trong cách đặt tên của Philippines thực sự là một dấu hiệu của sự dễ thương, cũng như sự quý mến. Từ Boy có thể trở thành Buboy, Boying, Buy-Bong hoặc Bong-Bong.”
Ferdinand Marcos Jr., được cha sửa soạn – groom, để bước vào chính trị – nói cho chính xác là trở thành quan lớn. Marcos con từng xác nhận như thế trng một cuộc phỏng vấn vào năm 2017. “Cha tôi muốn tôi tham gia chính trị. Ông ấy đại loại ép buộc và và đẩy tôi theo hường đó theo cách đó”.
Nhưng cậu ham chơi, cũng lại một đặc quyền của các thái tử. Trong nhật ký của Marcos cha, người ta đọc thấy từ năm 1972 những lo lắng về cậu quý tử: “Bongbong là nỗi lo lắng chính của chúng tôi. Thằng bé quá vô tư và lười biếng.”
Năm 1975, Bongbong sang Anh, vào Đại học Oxford cốt để lấy bằng Triết học, Chính trị và Kinh tế (PPE), một khóa học được coi là cửa ngõ dẫn đến sự nghiệp chính trị gia. Nhưng cậu thi rớt kỳ thi tốt nghiệp, rớt tới hai lần – điều mà cậu vẫn chối. Một báo cáo của trang tin Philippines Verafiles tiết lộ rằng các nhà ngoại giao Philippines đã vận động với trường Oxford để cho Bongbong được cấp bằng đặc biệt về khoa học xã hội sau hai lần thi trượt. Theo Wikipedia, Bongbong cũng đa từng theo học Wharton Business School, ngôi trường danh tiếng mà cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hãnh diện đã tốt nghiệp, nhưng cậu cũng không tốt nghiệp.
Nhưng thành tích học tập nham nhở này này đã không ngăn cản Bongbong bay bổng trong chế độ của người cha.
Là thái tử (tuy không đỏ), Maroc con đã trở thành phó thống đốc tỉnh Ilocos Norte, quê hương của gia đình Marcos năm 1980 khi chỉ vừa 23 tuổi. Đến năm 1983 cậu trở thành thống đốc, yên vị ở ghế cho tới năm 1986 khi cuộc cách mạng dân quyền nổi lên, gia đình cậu phải nhanh chân trốn sang Hawaii.
Nhưng rồi khi trở lại Phi, Bongbong lại tiếp tục vọt lên như pháo ở tỉnh nhà: Marcos con đắc cử dân biểu hạt Ilocos Norte từ năm 1992 đến năm 1995. Marcos con giành lại ghế thống đốc Ilocos Norte vào năm 1998 để ngồi đó 9 năm, trở lại làm dân biểu thêm 3 năm, rồi nhảy lên ghế thượng nghị sĩ khi ra tranh cử dưới cờ Đảng Nacionalista (Quốc gia) từ 2010 đến 2016.
Năm 2015, Marcos con ra tranh cử phó tổng thống trong cuộc bầu cử 2016 và suýt thắng. Dân biểu Camarines Sur Leni Robredo, hiện là đương kim phó tổng thống Phi, chỉ hơn Bongbong có 263.473 phiếu bầu, tỷ lệ chênh lệch 0,64%.
Tại sao Bongbong thắng?
Marcos Jr đã hợp tác với Sara, con gái của Rodrigo Duterte để hưởng lợi từ danh tiếng của ông đương kim tổng thống. Tại Thượng viện, Marcos đã giúp thông qua các dự luật chủ yếu liên quan đến chính quyền địa phương.
Về chính sách, Marcos con đã hứa “thống nhất lãnh đạo” và ưu tiên phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Marcos con cũng đã cam kết hỗ trợ lãnh vực nông nghiệp, giảm nạn kẹt xe của thủ đô Manila, đẩy mạnh năng lượng tái tạo và tiếp tục chiến đấu chống lại một cuộc nổi dậy cộng sản.
Thế nhưng trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, Bongbong đã không nói gì nhiều về các vấn đề chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại quan trọng, kể cả cách cậu sẽ giải quyết như thế nào những lời kêu gọi truy tố Tổng thống Duterte, người đã chỉ đạo một chiến dịch chống ma túy đẫm máu gây kinh hoàng cho cộng đồng quốc tế và khơi mào một cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Cậu không thèm lưu tâm đến các cuộc tranh luận bầu cử và phỏng vấn với giới truyền thông, thay vào đó xoay quanh mình với các vlogger và nhân vật cá nhân trên mạng xã hội.
Cậu Marcos Jr đã cứng rắn nhất định bảo vệ danh tiếng của người cha, nhất định không xin lỗi về những vụ vi phạm nhân quyền và cướp bóc hàng loạt thời ông già cậu cai trị. Cậu còn từng hiên ngang đến thăm và đặt hoa trên mộ của ông già tại nghĩa trang các anh hùng quốc gia.
Vậy mà cậu vẫn thắng cử. Với nhiều người trên thế giới, chuyện khá lạ lùng.
Thời đại của mạng xã hội… và fake news
Một trong những yếu tố góp phần vào cho sự tái xuất thành công của Marcos con, theo hai nhà báo Howard Johnson và Virma Simonette là cơ sở quần chúng vững chắc ở quê hương nhà Marcos.
Nhiều người tại đây vẫn trung thành với gia đình Marcos vì khu vực này nhận được nguồn tài trợ ưu đãi ngay cả khi phần còn lại của đất nước phải chịu 14 năm thiết quân luật tàn bạo từ năm 1972. Một nhà báo giải thích: “Hãy tưởng tượng một cơn bão dữ dội tàn phá đất nước, nhưng Ilocos Norte vẫn hoàn toàn không bị ảnh hưởng”. Người dân ở đây từ chối không chịu tin rằng gia đình này đã phạm tội tham nhũng và lạm quyền. Tình cảm đó được củng cố bởi sự thao túng khôn khéo trên các mạng xã hội.
Ngoài cái cứ địa hậu thuẫn Ilocos Norte, Marcos con và bộ sậu tham mưu còn biết lợi dụng và tận dụng sức mạnh của mạng xã hội.
Một luật sư tập sự, bà ZsaZsa Raval nói: “Trên mạng xã hội, họ đổi chiều đề tài, việc một người tham nhũng không quan trọng, họ sẽ nói rằng anh ta có rất nhiều thành tích như các cơ sở hạ tầng mà chúng ta thấy. Tranh luận với họ là vô nghĩa”. Raval, tự nhận mình nằm trong “thiểu số nhỏ bé” không bỏ phiếu cho Marcos. Bà Raval nói: “Ôi chúa ơi. Tôi gặp rất nhiều tay hung hăng, bắt nạt, thậm chí tôi còn bị quấy rối. Họ hỏi tôi, tại sao? Bà là người Ilocano, tại sao bà lại bỏ phiếu cho người khác? Nhưng câu trả lời của tôi rất giản dị. Đó là bởi vì tôi là người Phi luật tân.”
Một cựu nhân viên của Cambridge Analytica cho biết Bongbong đã tham khảo và nhờ công ty tư vấn chính trị Anh quốc này giúp “dựng lại nhãn hiệu” của gia đình Marcos trên mạng xã hội.
Các nhà báo Regine Cabato và Shibani Mahtani viết trên tờ Washington Post: “Chế độ độc tài cũ hiện đang được nâng cấp và hiện đại hóa, tràn ngập các bài hát và biểu tượng cảm xúc. Thông qua sức mạnh của mạng xã hội, một trong những gia đình bị khinh bỉ nhất ở Phi luật tân đang được phục hồi thành một trong những gia đình được tôn kính nhất.”
Nhà sử học Alfred McCoy tại Đại học Wisconsin tại Madison, người đã ghi chếp chế độ độc tài của Marcos cha cho biết: “Bongbong Marcos giống như Marcos cha sống lại từ cõi chết… Anh ta là người thay thế cho người cha.”
Không chỉ xóa bảng viết lại, nhiều danh khoản giấu tên đã tung ra những thông tin sai lệch và đồng thời liên tục tấn công các nhà báo và những người nói lên sự thật. Thí dụ như khi ông Laurie đăng trên YouTube các video tường trình trực tiếp, vô tư về những sự dã man tàn ác trong thời kỳ Thiết quân luật, đông đảo các danh khoản ẩn danh bài bác. Họ nói: “Tôi không tin điều này, đây phải là video năm 1986 đã được chỉnh sửa, nó không thể là sự thật”.
Một chiến dịch sửa lịch sử chiến lược kéo dài nhiều năm trên phương tiện truyền thông xã hội đã giúp nhà Marcos khôi phục, thậm chí đánh bóng hình ảnh của gia đình họ. Tuyên truyền ủng hộ Marcos đã gia tăng – từ những khuôn hình bóng bẩy của các hình ảnh lưu trữ trong thời Marcos trên TikTok cho đến các video trên YouTube quả quyết không có có vụ bắt giữ nào trong thời thiết quân luật. Các chiến dịch troll cũng đã được tung ra để tấn công những chỉ trích gia đình Marcos trên mạng.
Phi luật tân có một trong những dân số trẻ nhất ở châu Á, có nghĩa là một “số” lớn những cử tri không còn sống hoặc còn rất trẻ thời Marcos cha cai trị bằng bàn tay sắt và cướp phá công quỹ. Khi những sai sót nghiêm trọng của Marcos cha được chỉ ra, nhiều người hâm mộ nhún vai và nói rằng điều đó chẳng có nghĩa lý gì đối với họ, tệ hơn, họ bảo đó là fake news.
Nhà báo Daniel Moss viết trên Yahoo!News: Giống như cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ năm 2016, điều đưa Bongbong đến chiến thắng bị ảnh hưởng bởi một cỗ máy truyền thông xã hội đáng gờm, một cỗ máy tìm cách làm sạch chế độ cai trị chuyên quyền của cha ông ta… “ Mark Domingo, một cử tri 42 tuổi, đã bầu cho Robredo, nói: “Họ tung ra fake news và lịch sử của phe xét lại,”. Domingo lên án Facebook của Meta Platform Inc. và TikTok Inc., các công ty truyền thông xã hội “đã hủy hoại Phi luật tân.”
Trong cuộc chiến toàn cầu về sự thật, Phi luật tân đặc biệt dễ bị tổn thương. Khoảng 99% dân số Phi có internet, đọc tin trên mạng và hơn một nửa cảm thấy khó phát hiện ra fake news. Dân Phi lại rất mê mạng xã hội. Một nghiên cứu năm 2020 của công ty thống kê Stastista của Đức, cho thấy người Phi từ 16 đến 64 tuổi, trung bình dành gần 4 giờ mỗi ngày để kết nối với mạng xã hội. Số giờ này gấp đôi dân Anh.
Hồi năm 2016, Duterte đã giành được ghế Tổng thống nhờ sự hỗ trợ của đội quân bàn phím và các chiến dịch gây căm thù thực hiện qua trên mạng.
Các tổ chức thông tấn quốc tế (trong đó có BBC) bị lên án là “thiên lệch” chống gia đình Marcos, các yêu cầu phỏng vấn của họ bị từ chối.
Ngoài các phương tiện truyền thông xã hội, Bongbong còn “giao tiếp trực tiếp” với quần chúng qua các cuộc “rally” – như các rally của cựu tổng thống Hoa kỳ Donald Trump. Người tham dự các cuộc mít tinh tinh ủng hộ đó được tặng quà, như wristband, cà phê 3-in-1 có in chân dung Marcos con toe toét cười và dòng chữ “Đồng minh của bạn khi trỗi dậy.” Các cuộc rally đó mở đầu bằng màn trình diễn nhạc pop, hài kịch và khiêu vũ – trước khi các chính trị gia ủng hộ Marcos theo nhau lên diễn đàn đưa ra những đoạn độc thoại ngắn và diễu cợt. Ít khi thấy những vấn đề quan trọng, ích quốc lợi dân như các chính sách được trình bày hay thảo luận chi tiết trong các cuộc rally đó.
Những người ủng hộ Bongbong tin rằng gia đình Marcos đã bị các phương tiện truyền thông độc lập đối xử oan ức khi “phao tin thất thiệt” về tội lỗi của họ. Một số đông khác chấp nhận triều đại Marcos cha có tham ô, nhưng với tinh thần tha thứ của người Cơ đốc giáo, cần cho họ một cơ hội thứ hai.
Phải kể thêm sự hỗ trợ của tôn giáo cho Bongbong, như cho Duterte trước đây. Ở Phi, trước đây giáo hội Công giáo (Catholic) nắm chủ đạo, từng đóng một vai trò to lớn trong việc tập hợp phản đối Marcos cha. Thế nhưng nay ảnh hưởng của Nhà thờ Công giáo đang suy giảm tương đối. Các siêu giáo hội – megachurch, kiểu Mỹ, cũng như các cộng đoàn có vẻ giống các nhóm evangelical bảo thủ. Nhà thờ nổi bật nhất Iglesia Ni Cristo (viết tắt là INC) đã hậu thuẫn cho Bongbong, như đã từng cho Duterte năm 2016. INC đòi hỏi các giáo dân phục tùng tuyệt đối và bầu cho các ứng cử viên mà nhà thờ này ủng hộ.
Những gì đang chờ Marcos con
Tổng thống và phó tổng thống đắc cử sẽ nhậm chức vào ngày 30 tháng 6 sau khi kết quả được Quốc hội xác nhận.
Với một nhiệm kỳ 6 năm duy nhất, họ đang chuẩn bị để lãnh đạo một quốc gia Đông Nam Á 110 triệu dân hiện đang rất cần phục hồi kinh tế sau hai năm bị tàn phá với những đợt bùng phát và những lần phải đóng cửa do Covid. Họ cũng sẽ thừa hưởng những kỳ vọng to lớn của người dân về một con đường thoát khỏi đói nghèo, xóa bỏ bất bình đẳng, chấm dứt các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo và cộng sản cũng như chia rẽ chính trị, mà các nhiệm kỳ tổng thống đầy biến động của cha ông họ đã làm gia tăng thêm.
Gần đúng 50 năm sau khi Ferdinand Marcos tuyên bố thiết quân luật và thiết lập chế độ độc tài ở đất nước, người con trai cùng tên của ông sẽ tiếp quản Dinh Tổng thống Malacañang.
Riêng đối với Marcos con và gia đình Marcos, dù đã trở lại được dinh Malacanang, họ vẫn chưa thể hoàn toàn dựng lại triều đại huy hoàng trước đây của Marcos.
Tuy thua cuộc, đương kim phó tổng thống Robredo vẫn có thể trở thành một nhà lãnh đạo đối lập đáng gờm. Trong cuộc tranh cử, bà Robredo đã xây dựng được một đội quân tình nguyện viên tận tụy và trẻ trung cùng hàng triệu người ủng hộ tiến bộ trên khắp nước.
Bongbong cũng sẽ phải gặp sự chống đối trong nội bộ nếu cố gắng tập trung hết quyền lực vào tay gia đình mình.
Trước mắt, Marcos con sẽ cần phải cân nhắc đến lợi ích của gia đình Duterte, những người có công lớn trong việc khôi phục quyền lực của gia đình Marcos.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte sau khi cáo buộc gia đình Marcos đã gạt con gái ông ra khỏi cuộc tranh cử vị trí tổng thống – Sara Duterte, từng là ứng viên tiềm năng được ủng hộ mạnh mẽ đã chấp nhận bỏ cuộc để chỉ ứng cử vị trí phó, đã công khai chê Bongdong là một “nhà lãnh đạo yếu” và “một thằng nhóc hư hỏng”. Vẫn còn được đông đảo người dân Philippines hâm mộ, Duterte và Sara có thể sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào của gia đình Marcos để giành trọn quyền lực.
Richard Javad Heydarian, một chuyên viên về địa chính trị Á châu và các vấn đề kinh tế nhận định trên mạng thông tấn Aljazeera rằng triển vọng dài hạn đối với nền dân chủ của Philippines đang gặp khó khăn. Chính quyền sắp tới có thể sẽ, cùng với các đồng minh trong cơ quan lập pháp, tiến hành việc đưa ra một hiến pháp mới, có thể làm giảm quyền lực của các cơ quan chống tham nhũng, làm suy yếu các định chế kiểm tra và cân bằng (checks and balances), đồng thời làm suy yếu các quyền của con người và quyền tự do dân sự.
Kết quả của tiến trình này sẽ không phải là một chế độ độc tài kiểu thế kỷ 20 mà là cái mà các nhà khoa học chính trị gọi là “chế độ lai” (hybrid regime) , giống như ở Hungary hoặc Malaysia, theo đó các cuộc bầu cử bán cạnh tranh hợp pháp hóa một liên minh bá quyền. Thiếu sự ngăn trở của phe cấp tiến đối lập, trong một vài năm nữa Phi luật tân có thể chỉ còn lại dân chủ ở ngoài mặt.
Đỗ Quân
(tổng hợp từ BBC, WP, Ajazeera)