Trong trận đại dịch COVID-19 này, người ta ví nước Mỹ giống như anh nhà giàu, mới vừa đứt tay chút xíu mà đã hoảng hốt kêu van thống thiết rồi. Nhưng cũng nhờ con vi khuẩn corona quấy phá để một lần nữa nhắc nhở người ta nhớ rằng đã từng có nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoành hành trước đây, làm cho biết bao người mất mạng mà nước Mỹ, lúc đó chưa là anh nhà giàu, cũng phải cắn răng chịu đựng, chấp nhận tổn thất mà đâu dám kêu ca gì. Mới chỉ vài thế hệ trước, người Mỹ vẫn còn cho rằng chết do bệnh dịch là một phần tất nhiên trong cuộc sống, mặc dù là có gây ít nhiều buồn phiền.
Lấy một ví dụ về căn bệnh sốt vàng da. Đây là căn bệnh do con vi khuẩn được truyền từ loài muỗi vằn Aedes aegypti qua người, với tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50%, và được mang tới Mỹ trên những con tàu chở nô lệ từ Phi châu sang. Khi các thương lộ được mở mang, con vi khuẩn cũng theo đó tới được các thành phố cảng của Bắc Mỹ, tấn công Philadelphia, lúc đó là thủ đô của một nước Mỹ mới thành lập, năm 1793, giết chết ít nhất 10% dân số và buộc chính phủ liên bang phải tạm thời giải tán. Hầu hết các thành viên của quốc hội rời khỏi thành phố, kể cả Tổng thống George Washington và Ngoại trưởng Thomas Jefferson.
Nhiều người Mỹ không thể ngờ là căn bệnh lan quá nhanh. Cho dù là một người có óc tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không thể nghĩ rằng một con muỗi bé tí xíu đó lại có thể gây ra thảm hoạ đáng sợ ngần ấy. Các bác sĩ đổ thừa nguyên nhân gây ra bệnh là do hơi độc – bốc ra từ xác chết, từ thực phẩm hư thối, đầm lầy và cống rãnh – mà người ta cho là đã tạo thành những đám mây nguy hiểm ở trên không trung. Những cuốn nhật ký mà các bác sĩ thời đó kể lại cho thấy họ đã hoàn toàn không biết gì về nguyên nhân của căn bệnh quá mới này, mặc dù có phàn nàn về nạn muỗi tràn ngập khắp nơi và cắn đốt không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, phải mất thêm một thế kỷ nữa trước khi Bác sĩ Walter Reed xác nhận căn nguyên truyền bệnh là do muỗi, nhờ đó người ta mới tìm cách rút nước ra khỏi các đầm lầy, gắn thêm cửa sổ lưới, chế tạo ra thuốc trừ muỗi và cuối cùng là thuốc chủng ngừa.
Thành phố New York cũng đã từng là nạn nhân của dịch bệnh, với căn bệnh đậu mùa hoành hành trong suốt thế kỷ 18. Một trong những lần bệnh bộc phát là vào năm 1731 đã giết chết hơn 500 người trong một thành phố lúc đó chỉ độ khoảng 10,000 cư dân, gần gấp ba lần tỷ lệ dân số thành phố chết trong trận đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Trong khi dân số thành phố tăng nhanh và không lâu sau đó trở thành thành phố có dân số đông nhất nước Mỹ, với hàng hàng lớp lớp thuyền bè đậu chật bến cảng, đường phố kẹt cứng với đủ loại xe cộ và các toà cao ốc nối tiếp nhau mọc lên khắp nơi. Cũng vì vậy mà bến cảng New York đã biến thành một nơi rất đáng ngại đối với vấn đề y tế công cộng: nơi thu hút đủ mọi loại vi khuẩn và bệnh dịch của thế giới. Những loại bệnh như sốt ban đỏ, sởi, sốt phát ban và bạch hầu xuất hiện trong nhiều đợt khác nhau. Tuy nhiên, không có căn bệnh nào gây nên nỗi sợ hãi cho bằng bệnh dịch tả bắt đầu xuất hiện vào năm 1832, là căn bệnh đã liên tục khiến cho mọi sinh hoạt của thành phố New York phải ngưng lại.
Bệnh dịch tả này do vi khuẩn gây ra, lây lan qua thực phẩm và nước bị ô nhiễm bởi phân của nạn nhân bị nhiễm bệnh, dịch tả khiến cơ thể thải ra một lượng lớn chất lỏng do nôn mửa và tiêu chảy. Bệnh phát rất nhanh. Nạn nhân có thể trông còn khoẻ mạnh bình thường vào buổi sáng vậy mà tắt thở khi màn đêm buông xuống.
Không biết nguyên do từ đâu, các giới chức lại đổ cho khí độc và khu nhà ổ chuột của đám di dân Ái Nhĩ lan. Vì là người mới qua còn chân ướt chân ráo, di dân Ái Nhĩ Lan sống chen chúc trong những khu nhà thiếu vệ sinh, dùng bất cứ thứ nước uống nào mà họ có được, thường là từ những giếng đào nông bị ô nhiễm bởi phân người từ những nhà cầu xây gần đó.
Kết quả mà ai cũng thấy được. Trong số những nạn nhân chết do dịch tả năm 1832, 71% là di dân, ở vào thời điểm di dân chỉ chiếm 10% dân số của thành phố New York.
Hai thập niên sau, một vị bác sĩ tài giỏi người Anh tên John Snow áp dụng phương pháp dịch tễ học hiện đại bằng cách lập ra một bản đồ với những người chết vì bệnh dịch tả là dân sinh sống quanh một giếng nước bị ô nhiễm tại trung tâm thành phố London. Snow chứng minh cho thấy căn bệnh không truyền nhiễm bởi khí độc mà bởi một thứ gì đó trong nước uống mà ông không thể nhìn thấy. Nhờ tấm “bản đồ ma” đó đã thuyết phục các giới chức địa phương ra lệnh cho tháo gỡ vòi bơm nước ở giếng và dịch bệnh chấm dứt. Năm 1884, nhà nghiên cứu Robert Koch người Đức đã xác định được con vi khuẩn bí ẩn dưới kính hiển vi, và nhờ khám phá này đã giúp người ta hiểu thêm về bệnh dịch tả và không còn tin ở thuyết do khí độc gây ra.
Một số căn bệnh chết người xuất hiện rồi biến mất; một số khác, như lao phổi, sốt thương hàn và đậu mùa, thì tiếp tục quanh quẩn ở lại thêm một hai thế kỷ nữa, mặc dù nhân loại đạt được một số thành quả vượt bực về y khoa, trong đó có thuốc chủng ngừa đậu mùa của bác sĩ Edward Jenner. So với Âu châu, nơi công cuộc nghiên cứu về vi khuẩn được bắt đầu rất sớm từ giữa thế kỷ 19, nền y khoa Mỹ phải mất thêm một thời gian mới rũ bỏ được những thói quen và tư tưởng cổ hủ để chấp nhận học thuyết về vi trùng, trong đó quy định rằng một số sinh vật nhỏ bé không nhìn được bằng mắt thường có khả năng gây ra một số căn bệnh cụ thể và phương pháp sát trùng có thể được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của chúng. Năm 1870, một trong năm đứa trẻ sinh tại thành phố New York sẽ không sống sót cho tới ngày sinh nhật thứ nhất, và 25% những đứa sống tới tuổi trưởng thành sẽ chết trước tuổi 30.
Sau khi vượt qua được thời kỳ kinh tế suy thoái và thắng hai cuộc thế chiến, nhiều người Mỹ tỏ ra lạc quan về tương lai. Khoa học và kỹ thuật phát triển mạnh. Các phòng thì nghiệm hoạt động hăng hái và các nhà nghiên cứu tin rằng việc chữa lành hay ngăn ngừa những căn bệnh nan y có thể đang trong tầm với của họ. Có người còn khẳng định về một tương lai không còn những căn bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, sự việc đã không xảy ra như người ta nghĩ. Những căn bệnh AIDS, SARS, MERS, Zika, Ebola, cúm heo – lần lượt xuất hiện và làm chứng cho sự kiêu ngạo của những lời tiên đoán trên. Mới chỉ một hai tháng trước thôi, người Mỹ vẫn sinh hoạt bình thường và không hề tỏ ra một chút lo lắng nào về dịch bệnh mới với quy mô không thua gì những bệnh như đậu mùa, dịch tả hay sốt vàng da trước đây và có khả năng gây thiệt hại sinh mạng của nhiều người.
Một trong những lý do mà nhiều người Mỹ đã không chuẩn bị về mặt tinh thần cho trận đại dịch lần này là vì thế hệ hiện nay đã không phải trải qua những thời kỳ khó khăn của những căn bệnh truyền nhiễm mà các thế hệ trước đây đã phải chịu. Người ta đã tỏ ra hốt hoảng khi phải đối diện với một căn bệnh lạ, rồi tự hỏi liệu có đủ dụng cụ y tế để bảo vệ cho những con người đang đi trên tuyến đầu để đối phó với dịch bệnh, liệu có đủ dụng cụ xét nghiệm và máy thở cho các bệnh nhân, và liệu người ta có thể phát minh ra loại thuốc chủng hiệu nghiệm trong vòng một năm hay không. Quá nhiều những câu hỏi và cho đến nay không ai có được câu trả lời chính xác.
Rồi nhiều người lại tự hỏi về những nguy cơ mới do việc toàn cầu hóa. Trong thời đại toàn cầu hóa, người ta di chuyển nhiều, vi khuẩn cũng di chuyển theo người, và do đó có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng. Nhưng những sinh hoạt này cũng đã có từ nhiều thế kỷ trước, có điều là ở tốc độ chậm hơn. Bệnh sốt vàng da và sốt rét được mang từ Phi châu tới vùng đất Bắc Mỹ; bệnh dịch tả và sốt phát ban theo các tàu hơi nước cùng với những đợt di dân từ Âu châu sang cập bến vùng tân thế giới. Bài học từ quá khứ cho ta biết chắc chắn một điều rằng dịch bệnh COVID-19 hiện nay rồi cũng sẽ bị chinh phục bởi khoa học,nhưng rồi thế nào cũng có một loại vi khuẩn khác, có thể có nguồn gốc từ một hang dơi, một trang trại nuôi heo hay một chợ bán gia cầm ngoài trời ở đâu đó trên thế giới, sẽ xuất hiện và thế chỗ của nó. Đó là bản chất tự nhiên của dịch bệnh mà loài người khó lòng ngăn chặn trước được.
Trong lúc khó khăn như hiện nay, từ sự lo lắng biến thành sự hốt hoảng sợ hãi là một khoảng cách rất ngắn, mặc dù các giới chức chính quyền không ngớt kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh. Thế nên, có được cái nhìn lạc quan về tương lai đôi khi cũng là điều cần thiết. Và nên nhớ rằng loài người đã tồn tại trên trái đất này 200,000 năm qua và từng phải đối diện với những trận đại dịch còn tệ hại hơn gấp bội COVID-19 nhưng rồi vẫn vượt qua được thì không lẽ gì lần này lại phải chịu thua.
Huy Lâm