Huy Lâm
Năm 2010, nước Mỹ dưới thời của chính quyền Barack Obama lúc đó đã quyết định không tiếp tục duy trì chương trình phi thuyền con thoi Space Shuttle, là chương trình thực hiện những chuyến bay đưa các phi hành gia ra ngoài không gian, hay lên trên Trạm Không gian Quốc tế ISS, trong suốt ba thập niên trước đó. Thay vào đó, cơ quan không gian NASA yêu cầu một số công ty tư nghiên cứu bước kế tiếp là làm gì để thay thế cho chương trình phi thuyền con thoi.
Cơ quan NASA cũng xuất ra một ngân sách $50 triệu tài trợ cho các công ty tư này nghiên cứu và thiết kế những kỹ thuật vận chuyển mới trong tương lai. Cho đến khi có thể đạt được những kỹ thuật mới, NASA sẽ phải nhờ cơ quan không gian của Nga đưa các phi hành gia Mỹ lên trên trạm không gian quốc tế để làm những công việc nghiên cứu, hoặc đưa người về mỗi khi những người này hoàn tất công vụ của họ. Mỗi lần như vậy, chính phủ Mỹ phải trả từ $70 đến $80 triệu một ghế trên mỗi chuyến phi thuyền Soyuz của Nga, một cái giá không rẻ chút nào. Tuy nhiên, dù sao nó vẫn rẻ hơn là chi phí bảo trì mỗi năm lên đến vài trăm triệu Mỹ kim cho mỗi phi thuyền.
Lúc ấy, tức ngay sau khi quyết định ngưng chương trình phi thuyền con thoi được ban hành, nhiều người đã nghĩ rằng cuộc chạy đua thám hiểm không gian coi như không còn nữa nếu như không có Mỹ tham dự.
Cuộc chạy đua thám hiểm không gian giữa Nga và Mỹ, như người ta vẫn thường gọi thế, bắt đầu từ năm 1955, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, để tranh giành nhau ảnh hưởng trong lãnh vực kỹ thuật không gian giữa hai siêu cường. Sau khi Mỹ đi trước tuyên bố có ý định phóng vệ tinh lên không gian thì ngay sau đó Nga cũng tuyên bố họ cũng sẽ làm điều này “trong thời gian rất gần.” Trong giai đoạn đầu, Nga đã thắng Mỹ sau khi phóng thành công vệ tinh Spunik 1 lên quỹ đạo ngày 4 Tháng 10 năm 1957, và sau đó thắng Mỹ lần nữa sau khi lần đầu tiên đưa được người vào không gian vào ngày 12 Tháng 12 năm 1961. Đó là chuyến bay vào không gian của phi hành gia Yuri Gagarin. Cuộc chạy đua đạt tới cực điểm ngày 20 Tháng 7 năm 1969 sau khi Mỹ đưa được một số phi hành gia đáp lên mặt trăng. Nga cũng đã cố gắng thử nhiều lần nhưng đều thất bại và cuối cùng đã phải từ bỏ ý định thám hiểm mặt trăng và chuyên tâm vào trạm không gian bay quanh quỹ đạo trái đất
.
Khó có thể nói rõ vào thời điểm nào cuộc đua không gian này chấm dứt, một số nhà nghiên cứu cho rằng nó chấm dứt cuối năm 1991 sau khi chế độ Sô Viết sụp đổ. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, cuộc đua này vẫn âm ỉ diễn ra, mặc dù giữa Mỹ và Nga đã có sự hợp tác kể từ năm 1975.
Di sản mà cuộc đua thám hiểm không gian bắt đầu cách đây hơn 60 năm để lại và đến nay vẫn còn nhận thấy hiện hữu trong cuộc sống của người dân, trong đó kỹ thuật về viễn thông phải kể là phát triển nhiều hơn cả, và những vệ tinh theo dõi thời tiết giúp cho các nhà nghiên cứu khí tượng có thể đoán trước được nhiều loại thiên tai để báo động trước cho người dân có kịp thì giờ để đi tránh. Rất nhiều những cuộc nghiên cứu khoa học khác vẫn đang âm thầm diễn ra trên trạm không gian quốc tế với kết quả là có nhiều kỹ thuật khoa học lấy từ ý tưởng của những cuộc nghiên cứu trên và đưa vào trong đời sống thường nhật của người dân.
Nay thì một cuộc chạy đua không gian mới đã bắt đầu tái diễn, và lần này không chỉ giữa Mỹ và Nga, mà từ rất nhiều quốc gia và những nhóm tư nhân – một cuộc chạy đua không chỉ diễn ra trong tinh thần cạnh tranh lẫn nhau mà nhiều khi còn trong tinh thần hợp tác nữa.
Mục tiêu thám hiểm không gian thì bao la vô tận mà một quốc gia thì không thể nào có đủ khả năng một mình để theo đuổi cho đến tận cùng, nên nhiều quốc gia đã tìm đến sự hợp tác với các quốc gia khác.Vì vậy, có thể nói cuộc chạy đua lần này bớt căng thẳng hơn là nhờ ở sự hợp tác trên. Tuy nhiên, sự tranh đua vẫn là động lực gây cảm hứng và thúc đẩy các chính phủ trên thế giới và các nhà khoa học tham gia vào nhiều công trình nghiên cứu về không gian, và người dân nói chung cũng chú ý tới nhiều hơn, nhưng giọng điệu giữa các nhóm thi đua thì ôn hoà chứ không gay gắt như trước đây giữa Nga và Mỹ.
Cái tinh thần cạnh tranh biểu hiện rõ rệt nhất trong cuộc chạy đua lần này là ở lãnh vực tư nhân, nơi những công ty mới xuất hiện độ 10 năm đổ lại đây như SpaceX và Blue Origin đang cạnh tranh ráo riết với anh khổng lồ Boeing, là một trong những công ty nghiên cứu không gian lâu đời nhất ở Mỹ, để xem ai có thể gửi đoàn thám hiểm đầu tiên của mình lên Hoả tinh. Nhưng những công ty tư nhân này cũng vẫn sẵn sàng làm việc chung với các cơ quan nghiên cứu của chính phủ, như Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia Hoa Kỳ và Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 75 quốc gia ít nhiều đang có những chương trình nghiên cứu không gian nào đó. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có khoảng hơn một chục quốc gia là có khả năng phóng hoả tiễn hoặc phi thuyền lên quỹ đạo. Mặc dù vậy, tất cả các quốc gia trên đều đã có công góp phần phát triển kỹ thuật, làm gia tăng thêm khả năng và sự hiểu biết của con người trên trái đất về không gian vũ trụ bao la ở ngoài kia.
Có những quốc gia trước đây đã từng coi nhau như đối thủ cạnh tranh thì nay đang cùng nhau hợp tác cho mục tiêu chung. Nhiều phi hành gia của Mỹ, Nhật, Âu châu và Canada cùng sống, làm việc và sinh hoạt chung với các phi hành gia Nga trên trạm không gian quốc tế ISS, là trạm không gian được xây dựng qua sự hợp tác mang tính cách quốc tế.
Mà sự hợp tác mang tính quốc tế trên không chỉ dừng lại ở khu vực của quỹ đạo trái đất mà còn đi xa hơn nữa với những sứ mạng như thám hiểm Thổ tinh (Saturn) của phi thuyền thám sát Cassini đến sứ mạng đáp phi thuyền tự động xuống sao chổi (comet) với sự tham gia của nhiều khoa học gia và kỹ sư từ khắp hoàn cầu. Như sử gia chuyên về không gian David Portree đã từng phát biểu: “Đây là một cuộc cạnh tranh, nhưng đồng thời, là sự hợp tác chung.”
Mặc dù sự hợp tác trong lãnh vực thám hiểm không gian giữa các quốc gia nay đã được xem là một việc tương đối khá bình thường nhưng nó cũng không phải là điều mới mẻ gì. Như nói ở phần đầu, trước đây cũng đã từng có một sự hợp tác độc đáo giữa hai đối thủ Nga và Mỹ trong lãnh vực không gian. Khi ấy, đầu thập niên 1970, tình trạng căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia đang ở vào thời điểm cực độ, một số chính trị gia của cả hai bên đã cố gắng tìm cách làm giảm bớt áp lực và đã mở ra những cuộc thảo luận về sự hợp tác giữa các phi hành gia của hai nước để có thể hỗ trợ cho nhau trong những trường hợp khẩn cấp khi còn đang ở ngoài không gian. Những cuộc thảo luận này dẫn đến một cuộc thử nghiệm thành công ráp hai phi thuyền Apollo (Mỹ) và Soyuz (Nga) lại với nhau ở ngoài không gian vào năm 1975. Ngay giữa thời điểm khi mà cuộc chiến tranh lạnh đang ở hồi gay cấn, hai phi hành gia Sô Viết và ba phi hành gia Mỹ đã làm những cú bắt tay nhau ngoạn mục ngoài không gian và họ đã cùng nhau hợp tác cả thảy năm cuộc thí cuộc chung. Một lần nữa ta có thể tin rằng, với tất cả nỗ lực, khoa học có khả năng mang lại hoà bình cho thế giới.
Trước đây, nếu ai dám đưa ra ý tưởng cho rằng một công ty tư nhân có thể tự mình thực hiện một chương trình thám hiểm không gian thì điều này chắc chắn sẽ làm cho nhiều người phải phì cười chế diễu cho là điều điên rồ không tưởng. Nhưng sự thật là nay không chỉ một, hai mà có nhiều công ty tư nhân lớn nhỏ đã và đang có những chương trình thử nghiệm thám hiểm không gian của riêng họ. Từ những công ty bề thế như SpaceX của Elon Musk hay Blue Origin của Jeff Bezos đến những công ty bé tí xíu vừa được thành lập như Rocket Lab với hoài bão là hy vọng phóng được hoả tiễn đầu tiên của họ vào quỹ đạo trái đất trong năm nay. Đưa các loại vệ tinh nhân tạo vào quỹ đạo không gian là một ngành kinh doanh có thể mang lại nhiều lợi nhuận hiện nay, và được thật sự coi như một ngành kinh doanh lý tưởng chứ không còn là hoang tưởng. Và giấc mơ của những công ty này không chỉ dừng lại ở khoảng cách gần ở bên ngoài vỏ trái đất mà giấc mơ của họ còn viễn du tới hoả tinh hay xa hơn nữa. Thế nên, ta thấy kỹ thuật đã không ngừng tiến bộ và phát triển, và đã biến những giấc mơ xưa kia trở thành hiện thực ngày nay.
Sự thành công và tiến bộ của chương trình thám hiểm không gian được đánh dấu bằng khoảng thời gian 60 năm với cuộc chạy đua đầu tiên giữa Nga và Mỹ. Nhưng sứ mạng của khoa học là tiếp tục tiến bộ, và với cuộc chạy đua lần này sẽ còn hứa hẹn đưa bước chân của con người đi thật xa tới những chân trời mới với nhiều điều kỳ thú bất ngờ hơn nữa.
Huy Lâm